Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàTruyền ThôngBài Viết Về Nguyễn Mộng GiácVề tiểu-thuyết lịch-sử nhân đọc Sông Côn Mùa Lũ (Nguyễn Mộng...

Về tiểu-thuyết lịch-sử nhân đọc Sông Côn Mùa Lũ (Nguyễn Mộng Giác)

Văn và sử, văn chương và lịch sử, quan hệ như thế nào? Một mặt, văn chương là hư cấu và tác phẩm là một cái hoặc cách nhìn, tiên tri, dự báo, một nhận thức lịch sử – hoặc bên lề lịch sử, của một tác giả, trong khi đó, lịch sử là một nỗ lực tìm “sự thật” chính xác, khách quan, không thiên lệch, có hay có dở có mạnh có yếu, có vinh quang thì cũng có thất bại phải cáng đáng với lịch sử.

Lịch sử như chân lý, là những sự thật “khách quan”, các nhà viết sử hay nhiều tác giả tiểu thuyết lịch sử như phải thuyết phục vì tin có những “sự thật” cần được viết lại, đặt lại. Tại sao vậy? Vì kiến thức mới, vì những dữ kiện mới phát hiện? Vì những cương tỏa chính trị xã hội cứng nhắc, vì xã hội trước mắt đang có vấn đề, bí lối hoặc có kẽ hở. Trong khi tiểu thuyết lịch sử là “chân lý” qua tâm hồn, cách hiểu, là một cách nhận thức hay cảm nhận lịch sử vì tác giả chúng có quyền hư cấu, tô nhân vật sâu hơn, rõ nét hơn, vĩ đại sống động hơn, hay hạ bệ, làm hèn kém đi. Thường các nhà viết sử vẫn theo lối bình thường “sử bình”, “cương” rồi “mục” mà không dám “nói lại”, “sửa sai” ngoại trừ những trường hợp theo “chính nghĩa” hay chính sách triều đại mới: Trần sửa sử Tiền Lê, Nguyễn sửa Hậu Lê, v.v. Vậy có thể có “bản chất lịch sử” khách quan, vượt không gian thời gian không? Thiển nghĩ đây là không tưởng! Về phần tiểu thuyết lịch sử, chúng là một cách tra hỏi và nghi vấn quá khứ để biện minh hiện tại và chỉ hướng cho tương lai, qua trung gian một hay nhiều tác giả. Như vậy, chúng cũng là những tiểu thuyết luận đề khi đặt lại vấn đề, dữ kiện lịch sử, đề ra luận đề mới, mượn dĩ vãng nói chuyện hiện tại, có thể có ý chống lại bước lịch sử hoặc trật tự xã hội đang có (ngoại bang đô hộ, độc tài đảng trị, v.v.). Dĩ nhiên đây là nói về những tiểu thuyết lịch sử chính loại, không thương mại hoặc nhắm thị hiếu thấp hèn!

Trong bài này, chúng tôi phân tích thể-loại tiểu thuyết lịch sử chủ yếu qua bộ Sông Côn Mùa Lũ – như một ‘trường hợp’ hơn là như một tác phẩm tiêu biểu có thể dùng làm khuôn mẫu cho một khuynh hướng. Nguyễn Mộng Giác trước 1975 sống ở miền Nam, giáo chức, viết báo, viết tiểu thuyết và phê bình truyện chưởng Kim Dung, được giải thưởng truyện dài của Bút Việt năm 1974 với cuốn Đường Một Chiều (1). Sau biến cố 30-4-1975, trong bốn năm, từ 1977 đến 1981, ông dựa trên một số tài liệu và phát hiện mới của Đặng Phương Nghi, Tạ Chí Đại Trường, tạp chí Sử Địa thời trước 1975,… viết bộ Sông Côn Mùa Lũ rồi vượt biển tị nạn “chính trị”, bản thảo để lại được gia đình đoàn tụ đưa qua sau, được nhà An-Tiêm in ở hải ngoại 1990-91 và đến 1998 được tái bản ở trong nước (2). Ông thuộc ban chủ biên và chủ bút tạp chí Văn Học (CA) mà những năm sau này, đã cùng với Văn, Hợp Lưu mở đường trong việc đăng bài của nhà văn trong nước, một ‘sống chung’ theo thiển ý có ý nghĩa cho sáng tạo và tương lai tập thể.

Để hiểu tác phẩm nhất là loại tiểu thuyết lịch sử, thiển nghĩ người đọc cũng cần phải biết thân thế tác giả. Dĩ nhiên có những ngoại lệ văn chương tự ngã, viết cho mình, xem mình là ‘lịch sử’, hoặc thỏa mãn nhu cầu cá nhân, nhưng nói chung, thơ hay văn đều có mục đích hướng tới người đọc, hoặc muốn được chia xẻ, cảm thông. hoặc có một sứ điệp, tâm sự, kinh nghiệm muốn để lại! Georg Lukács trong The Theory of Novel và nhất là trong The Historical Novel (1936), đã quan niệm tiểu thuyết lịch sử luôn có một tác giả và tác giả bị tác động bởi xã hội hắn sống, tác động này ảnh hưởng đến cái nhìn lịch sử của hắn, đến chính việc hắn lựa chọn viết tiểu thuyết lịch sử hoặc chọn đề tài và thời đại lịch sử (3)! Nguyễn Mộng Giác viết Sông Côn Mùa Lũ trong không khí bi thảm của dân tộc của những ngày tháng hậu 30-4-1975: “học tập” 3 tuần thành 3, 10, 18 năm, thân phận kẻ thắng người bại, mất quyền công dân và làm người, chủ nghĩa ngoại lai mệnh danh “dân tộc”, v.v. Ông viết Sông Côn Mùa Lũ khi toàn bộ văn nghệ sĩ miền Nam nếu không bị đày đi ‘cải tạo’ thì cũng bị cấm viết cũng như tác phẩm bị cấm – Nguyễn Mộng Giác viết sau chiến dịch khủng bố văn nghệ sĩ và trí thức miền Nam đã  được phát động và đang vây bủa miền Nam (4)! Sông Côn Mùa Lũ cũng là ấn-phẩm hải-ngoại đầu tiên được chính thức tái bản ở trong nước năm 1998. Nguyễn Mộng Giác là một nhà văn may mắn!

Sông Côn Mùa Lũ
của Nguyễn Mộng Giác là một tiểu thuyết lịch sử có tính cách điều nghiên văn hóa, về “hiện tượng” Nguyễn Huệ của đất Qui Nhơn. Cái đặc biệt của bộ trường thiên non 2000 trang này là chân dung con người Nguyễn Huệ đa dạng và nhiều tương phản. Nguyễn Mộng Giác cho người đọc nhìn thấy sự sinh thành và lớn dậy cùng tâm lý, kiến thức, chính trị và tài năng khác người của người anh hùng áo vải gốc nhà nông, nhưng đồng thời là một con người văn hóa, có sở học Nho của thời đại, có cái học đạo lý làm người. Tác-giả như có tham vọng chứng minh rằng Nguyễn Huệ có cái nhìn cập nhật và cả vượt quá thời đại cho nên triệt để không ngừng ở những tham vọng chính trị “trung dung vừa phải”, cổ hủ – mà đại diện là giáo Hiến. Suốt đời, dường như Nguyễn Huệ sống và hành động mâu thuẫn, nhiều bí mật và nhân cách đối nghịch trong cùng một người, lúc trắng lúc đen, lúc hợp “đạo” lúc vô đạo, vô lý, lúc tỏ ra có văn hóa đối với giáo Hiến là thầy dạy lúc trẻ, lúc khác lại phàm phu, có vẻ vô luân lý khi chống thầy, lúc có nhân nghĩa, lúc phản phúc (như chống lại anh là Nguyễn Nhạc hoặc đối xử với vua Lê bố vợ – công chúa Ngọc Hân), người võ biền điệu nghệ có bản lĩnh nhưng cũng biết chứng tỏ văn hóa cao và tàn nhẫn khi cần đến. Chịu ảnh hưởng sách vở thánh hiền và thầy dạy nhưng cũng biết vượt lên trên sách vở (phê đạo Nho và hủ nho kể cả thầy dạy mình), nhìn thấy cốt lõi của tinh túy Việt Nam qua việc đề cao chữ Nôm, chiêu hiền (La-Sơn phu-tử). Những chương viết về chiến thắng mùa Xuân năm Kỷ-dậu 1789 như một bản anh hùng ca không tì vết, oai hùng và vĩ đại! Theo Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Huệ là một con người có văn hóa mới tôi luyện của thời nhiễu nhương và là một anh hùng khác thường, có tầm nhìn cao xa, một tổng hợp mới, quyền biến theo thời là những đức tính mà các “hủ Nho” không thể nghĩ đến hoặc làm được. Ông biết “dùng” hiền sĩ và cả con buôn dù có vẻ tàn bạo trong cách dùng người nhất là vào cuối đời. Tất cả những đối lập, mâu thuẫn đó đã có thể sống chung, chung đụng trong một con người: Nguyễn Huệ. Nguyễn Mộng Giác cũng tỉ mỉ phân tích, vẽ rõ nét những nhân vật phụ (cô An bạn thiếu thời của Nguyễn Huệ, Lợi chồng cô An, giáo Hiến và những người con trai Chinh, Kiên, Lãng,…). Từ gia đình giáo Hiến ra đến gia đình Nguyễn Nhạc. Nhưng cũng vì vậy nhiều chương đoạn có tính cách là một điều nghiên xã hội hơn là văn chương!

Sông Côn Mùa Lũ
là cái nhìn tổng hợp của Nguyễn Mộng Giác về con người lịch sử Nguyễn Huệ. Bộ truyện gây suy nghĩ về vai trò người dân thường đối với lãnh tụ anh hùng, và sự “tạm bợ” của những “anh hùng trong trời đất” trong cuộc sống cũng như trong lịch sử. Tác-giả dùng tiểu thuyết để vẽ lại lịch sử một thời, ở một nơi, rồi ra đến cả một nước, chi tiết tỉ mỉ một tiểu sử một nhóm người dù sao cũng đã làm nên lịch sử! Sông Côn Mùa Lũ đại diện cho khuynh hướng tiểu thuyết lịch sử muốn trình bày trung thực một thời đại bằng cách tiểu thuyết hóa những diễn tiến tình tiết, những thái độ, trình độ trí thức, tâm tính, với những nhân vật có thật bên cạnh vài nhân vật tiểu thuyết có thể có thật, như một giả thuyết, một thử nghiệm văn chương cho đề tài lịch sử đã chọn! Kiên và Nguyễn Lữ của Nguyễn Mộng Giác là những vai tiểu thuyết trọn vẹn. Lãng và An là những gượng ép, nhưng cần thiết để làm nổi nhân vật chính. Còn Nguyễn Huệ xét cho cùng không xa Koutousov của Chiến-Tranh Và Hòa-Bình, một anh hùng đại chúng, không muốn làm khác hơn là theo những quyết định của tâm trí mình cộng với sức mạnh quần chúng ủng hộ và sự bất đồng ngày càng lớn với hai ông anh Thái-Đức và Đông-Định Vương, nhưng rồi bất lực trước lịch sử, đạt được khoảnh khắc mà không giữ được lâu. “Nguyễn Huệ nhìn xa thấy rộng, cao vọng lớn, nhưng không thể vượt lên khỏi các ràng buộc của tình ruột thịt. Làm sao được! Ngoài khối óc, ông còn có một trái tim nhạy cảm!” (tr. 1530). Như tất cả mọi gian nan, sức mạnh của định mệnh thời đại đã nhập vào ông, để trở thành Bắc Bình Vương và hoàng đế – dù ông chưa thật sự thống nhất đất nước. “Con đường nam tiến của ông đã bị tắt nghẽn ở Bến Ván …. Ước vọng thống nhất đành phải chịu dang dở” (tr. 1530).

Nguyễn Mộng Giác viết sát lịch sử dù phần nào theo dã sử, dĩ nhiên sát những nhân vật Tây Sơn, và về thời huy hoàng hơn là thời suy tàn và cái chết. Nhưng phải ghi nhận sự đề cao thái quá con người Qui Nhơn, một loại ái quá thành quá khích địa phương, lãng mạn hóa con người và xã hội thời đó, thành ra mộng tranh bá đồ vương lớn hơn khát vọng ăn no mặc ấm. Văn hóa và dân tộc là những từ ngữ lớn nếu áp dụng cho Nguyễn Huệ và những anh hùng lớn bé của giai đoạn lịch sử đó. Người dân nhất là nông dân đã bất mãn thường trực nổi dậy từ 1740, đến Nguyễn Huệ thêm yếu tố văn hóa đưa đến thành công nhưng rồi cũng rơi vào thất bại có thể cũng vì yếu tố văn hóa ở con người! Nguyễn Mộng Giác cũng đã quá “tiểu thuyết hóa” chuyện chàng Lía, dù đó là cách tác giả cắt nghĩa tinh thần tranh đấu của binh lính Tây-sơn và vẽ bức tranh xã hội thời bấy giờ. Ngoài ra có những chi tiết ông cho xảy ra vào thời Nguyễn Huệ mà lại tái diễn trong Mùa Biển Động hai thế kỷ sau, như trò cắt tai kẻ thù xâu dây (tr. 286), cảnh Qui-Nhơn thất thủ (ch. 23) gần với cảnh mất miền Nam tháng Tư năm 1975 (tr. 890). Một số cảnh họp chợ, tụ tập khá gần với đời sống hai thế kỷ sau! Nguyễn Mộng Giác dài dòng về chính danh, từ khi Huệ còn học với giáo Hiến đến khi đã xưng đế, vẫn bị ám ảnh khi đối thoại với nhà Nho thức thời Trần Văn Kỷ (tr. 1661, 1865) hay với ẩn sĩ La-Sơn phu-tử, tỏ băn khoăn chính tà của Kim Dung qua những nhân vật như Lệnh Hồ Xung! Với Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Huệ sống với ám ảnh An, người con gái của thầy giáo Hiến của anh em ông. Rồi cũng chính vì đối với lịch sử, kẻ thắng thực sự là người dân cho nên khi Tây Sơn tàn mạt, mẹ con Ngọc Hân trốn chạy bị xua đuổi mà vua Cảnh Thịnh và thân thích quần thần đều bị dân bắt nộp cho “chủ” mới!

Cùng thể loại với Quang-Trung Nguyễn Huệ (1944) của Hoa Bằng, Sông Côn Mùa Lũ theo thiển ý đáp ứng một số nhu cầu cho tác giả, có giá trị thời sự, có vẻ điều nghiên thật ra do chủ quan, uốn nắn, nhưng chưa hẳn đã là một tiểu thuyết lịch sử văn chương theo nghĩa hẹp, hơn nữa mang hình thức truyện kể hơn là làm văn chương, tiểu thuyết. Với những sự kiện lịch sử phát hiện thêm, hoặc nếu thời thế thay đổi, thần thánh, nhân cách cũng sẽ phải … khác, như mọi lẽ tương dối, phù du!

Sông Côn Mùa Lũ
như muốn chứng minh lịch sử là trận tuyến nơi đó người dân qua vai ba anh em ấp Tây Sơn thượng làm xúc-tát, đã nổi dậy làm chủ, để tiến lên những chiến thắng to lớn hơn, toàn bộ hơn. Lukács cổ võ cho biện chứng pháp và duy vật lịch sử cũng chỉ làm công việc đó khi phê bình các tiểu thuyết lịch sử khác thuyết ông chủ trì trong suốt tập The Historical Novel từng trở thành chỉ nam cho nhiều thế hệ! Với Nam Dao, Nguyễn Huệ chỉ là một thế cờ “mát tay”, một tiếng nói nhất thời của một thời rất tao loạn! Hơn thế nữa, Gió Lửa muốn thuyết phục người đọc rằng lịch sử chỉ toàn một phường tàn độc, gian ác, anh hùng hay không cũng như nhau! Riêng với Nguyễn Huy Thiệp, những gì đến từ “thượng lưu” đều khả nghi, tối ám. Nói chung, đối với các tác giả, nhà Lê đều đại diện cho một “nho giáo” lỗi thời, xơ cứng, hình thức, đại diện cho một giai cấp phải triệt tiêu. Trò thoán nghịch và tàn bạo của nhà Trịnh kéo dài nhiều thế kỷ như chứng minh cho yếu tố loạn, bất thường trong đời sống dân tộc. Nhà Nguyễn 144 năm từ đời Gia Long muốn chính danh, chỉnh đốn giai cấp sĩ và nho, nhưng rồi hóa ra vẫn bất cập, quá trễ khi họng súng kịch liệt của văn minh cơ giới đã nổ ngoài cửa Cần Giờ và Cửa Hàn!

Giới trí thức, văn nghệ cũng bị mũi tên của tác giả nhắm: Ngô Thì Nhậm thì “chua chát ngao ngán” giới nho sĩ Bắc-hà lúc biến, sa sút trở thành “những cái hình nộm múa may vụng về nhiều khi lố lăng, kệch cỡm” (tr. 1768). La Sơn phu-tử thì thoái thác không giúp Nguyễn Huệ hết lòng, phải đợi mời nhiều lần, lu mờ bên cạnh Huệ, trong khi La-Sơn phu-tử của Nam Dao được mổ xẻ chiều sâu, ra phu-tử hơn! Nguyễn Mộng Giác đưa ra khá nhiều lời lý luận về “chính thống” hay thất chính, thời bình thời loạn, minh chủ, minh quân, truyền thống cũ mới!

Nguyễn Mộng Giác viết về sự sinh thành và huy hoàng của một triều đại, một gia đình, một gốc gác Qui Nhơn, ông cố tình không viết về thời suy tàn và cái chết của Nguyễn Huệ – “Kể tỉ mỉ làm gì những điều vụn vặt ấy!” (tr. 1530). Nguyễn Huy Thiệp, Trần Vũ, Nam Dao,… sẽ bổ túc những cái Nguyễn Mộng Giác gọi là vụn vặt đó! Hoàng-Lê Nhất Thống Chí thì có tính cách ký sự và tiểu thuyết hóa. Trong Mùa Mưa Gai Sắc của Trần Vũ, Nguyễn Huệ là một con người võ biền nhiều mưu sâu và dục vọng. Ngọc Hân trong tay Nguyễn Huệ trở thành trò chơi cho kẻ bạo dâm, nhưng Ngọc Hân nhận chịu nhục nhã vì bà muốn trả thù cho vua Lê, bà đã viết Ai Tư Vãn để tế sống Nguyễn Huệ! Trong khi đó Gió Lửa vừa tiểu thuyết hóa vừa giả thuyết, lập luận với cái mốc hiện tại to tướng! Mối tình “tiểu thuyết” của Nguyễn Huệ đối với An trong Sông Côn Mùa Lũ làm mờ những sự kiện lịch sử liên quan đến đời tình ái của ông với hoàng hậu Phạm-thị và Ngọc-Hân. Chân dung Nguyễn Huệ thay đổi tùy tác giả là Nguyễn Mộng Giác, Nam Dao, Nguyễn Huy Thiệp, Trần Vũ, Hoàng-Lê Nhất Thống Chí, cả sử Khâm-Định Việt-Sử Thông-giám Cương-mục, Trương Vĩnh Ký, “Hà-Nội”, v.v. Thí dụ trong Hoàng-Lê Nhất Thống Chí, Nguyễn Huệ đã tỏ ra tàn bạo, vũ phu, đầy mặc cảm tự tôn cũng như tự ti. Tự phụ ra mặt khi nói với Ngọc Hân: “Con trai con gái nhà vua đã có mấy người được sướng như chúa” (5); hoặc tự ti khi trả lời Nguyễn Hữu Chỉnh môi giới vua Lê gả công chúa Ngọc Hân để trả công “cứu vua”: “Vì dẹp loạn mà ra, rồi lấy vợ mà về, trẻ con nó cười thì sao? Tuy vậy ta mới chỉ quen gái Nam hà, chưa biết con gái Bắc hà. Nay cũng nên thử một chuyến xem có tốt không?” (5), sau khi bất bình “được” vua Lê phong làm Nguyên súy Uy quốc-công. Nguyễn Mộng Giác khai thác tối đa những dữ kiện và văn liệu lịch sử về Nguyễn Huệ, ngoại trừ việc Nguyễn Huệ “khai quật lăng tẩm của các tiên sinh Chúa họ Nguyễn từ cháu nội ông Nguyễn Kim đến ông thân sinh ra Chúa là Nguyễn Phúc Luân” rồi cho liệng sông, như sử gia Phạm Văn Sơn đã viết (6)! Người đọc vẫn cần một chân dung đích thực của Nguyễn Huệ, như trường hợp Napoléon của Chiến-Tranh Và Hòa-Bình của L. Tolstoi được coi là khả tín nhất dù người viết là người Nga, nếu phải so với Napoléon trong tiểu thuyết lịch sử của A. Burdess, Bainville, Ludwig, Castelot, Guillemin,…

Nếu Hoa Bằng, Nguyễn Triệu Luật, còn giữ không khí và ngôn từ của thời lịch sử thì Nguyễn Mộng Giác đã đi xa hơn, “vẽ” nhiều hơn, dùng nhiều chất liệu hơn, phân tâm moi móc nhiều hơn, ghi cả âm thanh tiếng tao loạn, chinh chiến,… Ông cũng lý luận nhiều hơn, bi kịch hóa và anh hùng hóa hành động. Đối thoại được làm sống hơn, nâng cao, tìm tòi hơn. Người viết tiểu thuyết lịch sử như giỡn với nhà khoa học nhân văn – cần sự tỉnh trí và khách quan đặt trên căn bản lịch sử, xã hội, nhân chủng,… – và khoa học nhân văn cũng cần đến những giả thuyết, mô hình,… trong thực tế cũng là những huyền thoại, những giả thuyết, giả dụ, giả sử dù thuần lý.

Để có thể cắt nghĩa tận cùng những thua bại hủy vong, Nguyễn Huy Thiệp cũng như Trần Vũ, Nam Dao sau Nguyễn Mộng Giác, đã phải tầm thường hóa, xác thịt và con người hóa một số “anh hùng”, “thần tượng” cấm kỵ của Nguyễn Triệu Luật, Nguyễn Mộng Giác cũng như của tác giả sách giáo khoa sử hiện dùng ở trong nước! Các vị đó như muốn chứng minh lịch sử không hề có anh hùng, chỉ là những tay tứ-chiếng tàn bạo, gặp thời, mà “anh hùng” nếu có cũng là những con người tầm thường, xác thịt. Nguyễn Mộng Giác ngược lại, muốn đưa đẩy những con người nhỏ bé của đời thường lên vai “anh hùng”! Mà con người hình như luôn tìm hạnh phúc nhưng lại thường muốn làm anh hùng, thời thế không tạo anh hùng thì anh hùng tạo thời thế vậy. Khi bàn đến tiểu thuyết lịch sử của A. Dumas, có nhà phê bình đã nói “Người ta có thể hiếp lịch sử nhưng với điều kiện có thể sinh cho lịch sử những đứa con đẹp đẽ!” có thể vì chính Dumas đã viết với quan niệm rằng lịch sử là cái đinh để ông treo hết tập tiểu thuyết này đến tập khác!

Nếu Chiến Tranh Và Hòa Bình của Tolstoi là bộ tiểu thuyết muốn cạnh tranh với lịch sử, một lịch sử đang âm ĩ vận động, đang hoặc sắp hình thành – nói như các nhà Mác-xít sau đó, với chất liệu lịch sử, thì Sông Côn Mùa Lũ muốn cho lịch sử một số ý nghĩa nào đó. Yếu tố tiểu thuyết giúp người viết đưa ra những giả thuyết để tra vấn và không hẳn dễ có câu trả lời. Nguyễn Mộng Giác nói đến Ác để đề cao cái Thiện. Ông có dự phóng đảm bảo người đọc về nội dung và chiều hướng lịch sử, nhưng thực ra không gian của Sông Côn Mùa Lũ muốn làm sống lại lịch sử với chủ ý, chủ quan hơn những tiểu thuyết lịch sử trước đó. Sông Côn Mùa Lũ tiểu thuyết hóa giai đoạn anh hùng của Sông Côn. Với Nguyễn Mộng Giác, người đọc như phải bơ vơ trước bề dày lao đao bấp bênh của lịch sử. Thế hệ trẻ như Lan Cao trong Monkey Bridge (7) cũng còn vang vọng tiếng nói ý thức và lương tâm chung này. Gần năm trăm năm loạn “quí tộc” đó đầy những lãnh chúa giàu tham vọng nhưng rồi thất bại (Trịnh Sâm, Trịnh Tông, Trương Phúc Loan, Nguyễn Nhạc,…), những vua hụt, chúa suýt, những tướng lãnh, hoàng tộc đầy tham vọng mà hậu vận cũng không khá (Đặng Thị Huệ, Nguyễn Hữu Chỉnh, Vũ Văn Nhậm, Ngô Thì Nhậm,…): họ là những phản diện của Nguyễn Huệ,… những quỉ ám, ta-bà bên cạnh những anh hùng đăng quang đầy quyền uy mà rốt lại anh hùng hôm trước hôm sau cũng bại suy, tả tơi! Muốn thoát cái nhìn khô cứng một chiều của sử chính thức nhà Nguyễn, có nhà viết truyện lịch sử như muốn đối đầu, hoặc đã đánh nhanh rồi rút (!) như Nguyễn Huy Thiệp, Trần Vũ, Trần Nghi Hoàng, hoặc chậm rải nguyên tắc nhưng thâm sâu tâm lý nhị nguyên như Nguyễn Mộng Giác, hay muốn … đâu ra đó, nhiều bình diện, với tâm tình thất vọng với lịch sử hiện đại, thất vọng với loại lịch sử ‘minh họa, phải đạo’ của “nhóm” người đề cao anh hùng áo vải. Nhưng thiển nghĩ tất cả đều có tính cách thoát ly hiện thực, không thật sự dấn thân cho thực tại đất nước, chính ở chỗ chủ quan dùng chuyện xưa để sửa sai mà thiếu nối mạch với hiện thực và dự phóng! Dĩ nhiên, chúng ta đã sống qua những thời nghi ngờ của thế giới tiểu thuyết Balzac, thời của Kafka, thời “tiểu thuyết mới” rồi trở lại thời ngờ vực của “tân tiểu thuyết mới”! Để hiện thực hay dự phóng? Dù lúc nào cũng có những người hoảng sợ trước bước đi của thời gian, trước những niềm tin đã bị lung lay, họ cần đến những nguồn tâm linh, thần linh, sau khi đã xa thần quyền – khoa học kỹ thuật khiến con người tự tin hơn trước những lực siêu nhiên – dù chưa thật sự khuất phục được thiên nhiên. Nghi ngại bước đi của lịch sử, con người có lúc ra mặt mạnh dạn đảm bảo sinh mệnh chung, cả trong thế giới tiểu thuyết! Hết còn là thời của loại tiểu thuyết truyền thần, ảo hóa, thần thành hóa, ảnh hưởng khuynh hướng của các ngọc phả và chí quái!

Nguyễn Mộng Giác đã có lần “tâm sự” bị tác động bới hoàn cảnh miền Nam và giới trí thức lúc ông viết, nhất là chương 90. Nhiệm vụ của một người viết tiểu thuyết nếu có theo ông là “phức tạp hóa những điều tưởng là đơn giản, để người ta nhớ rằng con người, đời sống là cái gì mong manh dễ vỡ, phải cố gắng thông cảm với những tế vi phức tạp của nó, nhẹ tay với đồng loại những lúc bất đồng, kiên nhẫn với những yếu đuối khó hiểu …” (8). Chính văn hóa đã cách biệt văn và sử, và tiểu thuyết lịch sử đã thành “tâm sử”! Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu,… ngay cả Kim Dung, đều dùng chuyện xưa để lồng tâm sự người sau, nhưng tại sao các tiểu thuyết gia lại cứ chọn Napoléon, Nguyễn Huệ và một số “sử gia” như ông Văn Tân thích so sánh Nguyễn Huệ với Napoléon? Phải chăng thời đại và triều đại hai nhân vật này đã làm đổ bức tường giai cấp trí thức, khiến giai cấp dân giả có kinh nghiệm sống, nổi bật bởi những biến cố lịch sử tức đem lại ý nghĩa cho lịch sử, cho bước đi của lịch sử? Những thời thái bình Trần Thái Tông, Lê Thánh Tông,… không gây được một kinh nghiệm lịch sử đáng kể? Hay “bản sắc” văn hóa Việt Nam đã đi đôi với kinh nghiệm chiến tranh? Mấy trăm năm nội chiến và phân tranh phải có biến cố ba anh em Biện Nhạc ở Qui Nhơn và nhất là phải đi đến Nguyễn Huệ như một thiết yếu lịch sử. Nguyễn Mộng Giác đã đi vào con đường ý thức hệ và quan niệm xã hội để cắt nghĩa những hiện tượng lịch sử. Ông xem Nguyễn Huệ như một hậu quả tất nhiên của xã hội chính trị thời đó, để rồi tán dương một cách dễ tính, theo thời. Trước ông, Lương Đức Thiệp của nhóm Hàn Thuyên đã cắt nghĩa thất bại của nhà Tây Sơn: “Xã hội Việt Nam thời ấy cũng tương tự xã hội Pháp về thời Nã-phá-Luân (đầu thế kỷ thứ XIX) trong nhiều tính cách. Sau cuộc Cách mạng tư sản dân quyền (Révolution bourgeoise de 1789), xã hội Pháp làm sân khấu cho hai khối lực lượng gần ngang nhau xung đột: một bên khối tư sản vừa chiến thắng ở cuộc cách mạng đảo Phong kiến xong, nhưng chính quyền chưa nắm được vững trong tay, một bên thợ thuyền và một số nông dân cùng nổi dậy định cướp chính quyền. Hai khối ấy đương đầu nhau nhưng chưa bên nào thắng bại hẳn. Giữa tình trạng xã hội phân tranh này, Nã-phá-Luân nhảy lên sân kháu chính trị đóng vai trò trọng tài, tựa trên quân lực và sắc lệnh mà cai trị. Nếu khối tư sản quá mạnh, Nã-phá-Luân lấy lực lượng của thợ thuyền và nông dân chọi lại (…) để giữ thăng bằng cho hai khối lúc nào lực lượng cũng tương đương nhau. Song tình thế chông chênh này không kéo dài mãi được và muốn giữ vững chính quyền, Nã-phá-Luân phải chinh phục Âu-châu để lấy chiến thắng bên ngoài mà cứu gỡ địa vị chông chênh ở trong nước (…). Nhưng khi bị thua trận tại nước ngoài, địa vị của Nã-phá-Luân ở trong nước cũng lung lay” (9). Lương Đức Thiệp nghi ngờ việc xông pha chiến trận sau đưa đến chiến thắng Đống Đa có tính cách bonapartiste, sau khi đã bị nông dân và nho sĩ hết ủng hộ! “Triều đại Tây Sơn trút đổ là một lẽ tất nhiên của lịch sử”. Dĩ nhiên đây cũng chỉ là một cắt nghĩa!

*

Thể loại tiểu thuyết lịch sử đã tiến xa, theo con người Việt Nam sau những năm dài phân tranh chia rẽ, trở thành phức tạp, không thể đơn sơ! Đa số minh họa lịch sử, rất ít thành công văn chương. Thất bại vì cắt nghĩa, ‘ăn có’ theo mẫu, mà không độc đáo hóa nhân vật nhất là nhân vật phụ, hoặc không thật có kỹ thuật văn-chương. Tolstoi đã làm ngược lại và đã thành công với Koutousov; vì chính những nhân vật phụ, những hoàn cảnh dã sử, ngoại sử giúp người viết giải quyết nhiều vấn nạn lớn mà chính sử không thỏa mãn! Sông Côn Mùa Lũ có chất tiểu thuyết nhưng tổng thể lại là một văn liệu về những khám phá mới về Nguyễn Huệ và chưa đủ sâu đa diện văn hóa Việt. Tác giả muốn làm chủ tình hình, lịch sử, và vì yếu tố tác giả cùng gốc địa lý với những anh hùng trong Sông Côn Mùa Lũ thành ra cưỡng ép. Tựu trung câu hỏi ở chỗ lịch sử, văn hóa thời của lịch sử hay của hôm nay soi nhìn lại? Quá khứ thẩm nhập vào đời sống thành văn hóa, thành nếp,… thành hiện tại! Về phía sử, gần đây trong và ngoài nước có những tư liệu và suy nghĩ mới về Nguyễn Huệ như Nguyễn Gia Kiểng dựa theo tài liệu các thừa sai ngoại quốc có mặt hoặc nghe nói về chiến thắng Đống Đa, đã “khoa học” lại những con số đã được lịch sử rộng rãi đưa ra rồi được một chế độ vì hợp thuyết nên đã tiếp tục thần thánh hóa. Theo ông, sự tôn vinh Nguyễn Huệ khởi từ Hoàng-Lê Nhất Thống Chí, một nguồn tiểu thuyết và thiên vị, và nguồn “sử” của cụ Trần Trọng Kim khi viết Việt Nam Sử Lược, cụ vốn dị ứng với nhà Nguyễn Gia-Long. Còn “Hà-Nội” vì mục đích chính trị “cách mạng vô sản”. “Thần tượng Nguyễn Huệ thiên tài quân sự, anh minh sáng suốt và nhân nghĩa chỉ là một sự xuyên tạc lịch sử có dụng ý”. Chuyện chiến thắng “đập tan” 29 vạn quân Thanh, theo ông chỉ khoảng sáu ngàn, và Đống Đa chỉ là một trận “nhỏ”. Cũng theo ông, “anh hùng áo vải cờ đào” Nguyễn Huệ thật ra chỉ là một thảo khấu hiếu chiến hiếu sát, tàn ác cả với anh và thuộc hạ (10). Chuyến ra Bắc đánh quân Thanh mùa xuân năm 1789 bị nghi ngờ không thể tiến hành trong 20 ngày mà phải mất 40 ngày vì tình trạng đường xá thời đó, cũng như chuyện hai người lính cáng một người ngủ thay nhau để tiến quân cho nhanh. Ai cũng phải công nhận có chiến thắng (kể cả vua nhà Thanh) nhưng nên bỏ bớt những chi tiết thần thánh hóa người hôm nay khó tin! Cũng Nguyễn Gia Kiểng trong một bài viết khác, “Để lịch sử đừng lập lại” (11), “biện luận” (chữ của chính ông) rằng Tây Sơn là “loạn quân, một đám loạn quân thuần túy, cai trị một cách tàn bạo để rồi sau cùng cũng bị tiêu diệt một cách tàn bạo” như muốn phá hủy huyền thoại “anh hùng áo vải” Nguyễn Huệ, thuyết của tập đoàn cầm quyền ở trong nước hiện nay! Trong nước, nhiều năm sau “cởi trói” văn nghệ, giới sử học bắt đầu kêu gọi viết lại lịch sử và đặt lại, nhận định lại một số sự kiện và biến cố lịch sử như thời đại Hùng Vương, chiến thắng của vua Quang Trung, chế độ chiếm hữu nô lệ, niên đại văn bản hiện nay của bộ Đại-Việt Sử-Ký Toàn-Thư (12). Rồi những cái nhìn lại “chính ngụy” của các triều đại Hồ Quí Ly, Mạc Đăng Dung,… Ngoài nước, một số người viết khác như Lê Minh Hà cắt nghĩa hoặc nhìn lại lịch sử hoặc chuyện xưa theo quan điểm, kiến thức giải phóng phụ nữ hôm nay! Hoàng Khởi Phong, Nguyễn Thị Thảo An thì nổ lực xét lại lịch sử để mà đề cao, tiếc rẻ, thương cho người xưa (Hoàng Hoa Thám, Tôn Thất Thuyết, Kí Con, hoặc Nguyễn Trường Tộ)!

Nói chung, truyện dựng trên nền lịch sử hay ngoại sử, các tác giả gửi gấm tâm sự, “làm lại” lịch sử, phê bình các triều đại. Thường các tác-giả đưa ra cảm nhận về lịch sử của họ! Có thể họ viết về con người hôm nay hoặc là một cách đi tìm đạt cái Chân Thiện Mỹ, cái thẩm mỹ văn chương. Kiêng kỵ, có tác giả dùng những phương pháp “phúng dụ”, sử-dụng những ký hiệu, những hình ảnh tương phản, mà là như cuộc đời, có người vượt được “dư luận” thông thường để hiện thực hóa anh hùng hoặc nhân vật lịch sử: một Gia Long, Nguyễn Huệ “tầm thường” trước đàn bà, trước cái đói. Sử quá thần thánh hóa khiến người đọc đâm ra nghi ngờ, suy từ chế độ ra, suy từ những đen trắng cuộc đời. Nhưng có những nguy hiểm đánh giá sai lạc nhân vật và sự kiện lịch sử, chủ quan đến quá đà, vì lý do chính trị hay không can đảm hiện thực đã đem tình dục vào các truyện lịch sử, gán cho các vua chúa và nhân vật lịch sử những hành vi, ngôn ngữ của người hôm nay, không tham chiếu, không sử liệu. Hay phải để cho văn chương chủ quan, quá đà, tự do? Cũng được đi, nếu nhân vật tiểu thuyết không cùng tên tuổi với nhân vật lịch sử; không được, vì chính tiểu thuyết lịch sử đã sử-dụng lịch sử!

Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam qua nhiều giai đoạn của thế kỷ đã chứng tỏ thực sự là viết về con người thời đại, so với hiện thực là cái thấy, cái hiện sinh, cái có đó, cái gây cảm xúc, nhận thức. Nhưng rồi ra hiện thực cũng chỉ là một ảo tưởng có khi chết người, vì phải qua lăng kính, cách nhìn. Mặt khác, tiểu thuyết lịch sử cũng được dùng để nói đến thảm trạng người trí thức chí lớn, luôn thao thức, lỡ thời, không được trọng dụng hay có công không được đền bù xứng đáng: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Trường Tộ,… cũng là bi kịch của dân tộc! Nói bi kịch xưa để thật sự nói đến bi kịch thời nay dù phần nào đã có khác khi người trí thức nay luôn thiên vị, khác người và dễ bị rơi vào thái độ “tháp ngà”, dễ bị thiêu hoặc gãy bút! Tiểu thuyết lịch sử trở thành di chúc của những oan hồn, buộc người đọc phải dừng lại nhiều giây phút để nhìn sâu vào tâm tưởng nếu có của lịch sử và dân tộc. Như thế, lịch sử không bao giờ tự khép lại chỉ có thể được khép lại bằng những nỗ lực chân chính của tất cả! Khẳng định hay phủ định biết chuyện lịch sử đều chỉ là những mơ hồ, tương đối, đối đầu mới là một vấn nạn lớn. Nhà văn một khi sử-dụng chất liệu lịch sử hay tham chiếu người xưa là đã có trách nhiệm phải nói ra! Hơn nữa các tiểu thuyết có thể trùng đề tài, câu chuyện, nhưng dấu ấn sáng tạo lúc nào cũng thiết yếu. Việc viết lại lịch sử dưới hình thức tiểu thuyết có những điều kiện bó buộc, như đã phân tích. Hiện tượng liên-văn-bản lộ rõ trong thể loại này, vì sự lập lại và trùng hợp giữa các tiểu thuyết và lịch sử và với người đọc, sự liên tưởng và so sánh luôn ám ảnh hay cám dỗ khi đọc các văn bản của thể loại  này. Nếu tác giả không để lại dấu ấn sáng tạo thì sứ-điệp, diễn văn và ngụy biện của tác giả sẽ trở thành yếu tố chính. Thuyết về liên-văn-bản từ Mikhail Bakhtine qua Julia Kristeva đến Gérard Genette cho thấy có những liên hệ giữa các tác phẩm trước sau, áp dụng vào tiểu thuyết lịch sử còn cho thấy có những đằng sau, bên cạnh, có khi trở thành thiết yếu để hiểu một tác phẩm. Tại sao viết, tại sao là người viết đó mà không là người khác và tại sao ở vào một thời lại xuất hiện nhiều tiểu thuyết lịch sử như hiện nay?

Mặt khác, tiểu thuyết lịch sử đối chọi với khuynh hướng lãng mạn, ở Pháp thế kỷ XIX cũng như ở Việt Nam hiện nay. Khi Khái Hưng, Lan Khai lãng mạn lịch sử thì văn học Âu-châu đã đi vào biện chứng và khi Nguyễn Mộng Giác thần thánh biện chứng, lý tưởng hóa thì người trí thức đang trở lại không tương nhượng sau một thời “mất giá”! Lãng mạn tự nhiên hay vì địa-phương (não trạng lệ làng và thần hoàng) hoặc lãng mạn hiện thực, tranh đấu, đều đã bị tiểu thuyết lịch sử đối nghịch. Một bên trốn tránh sự thực, một bên dùng tiểu thuyết để tìm sự thực, đương đầu với sự thực lịch sử hay thực tại! So với sử gia, người viết tiểu thuyết lịch sử thành công hay không là ở tài năng riêng, tài vẽ, biết sử-dụng những sắc màu làm nổi nguồn gốc của sự kiện; ở cái tài vạch ra những bí ẩn của tâm hồn con người, nhân vật lịch sử, những tâm hồn với những biến chuyển cao thấp mà nhà viết sử thường phải bỏ qua, ở cả tài thi vị hóa, tiểu thuyết hóa những nhân vật lịch sử. Nhân vật lịch sử cần “sống”, tiếp tục sống sau khi người đọc gấp sách, khác với nhân vật sử đã được đồng thuận bởi thời gian và lịch sử, hay bất hạnh thay, bởi “tập thể” … cá lớn! Tuy nhiên nhân vật lịch sử phải ở lại tầm thước con người, chứ không thể ngự với thần thánh khiến con người phải vói cao mới đến! Những phá hủy “huyền thoại” bên cạnh chiến thắng Đống Đa của Nguyễn Huệ gần đây cũng trong ý nghĩa này thôi! Nếu sử gia không nhận tham chiếu những huyền thoại lập quốc, thì cũng không thể thêu dệt huyền thoại chung quanh những nhân vật lịch sử! Khi đề tài được “yêu thích” của các tác giả vẫn là thời nội chiến năm trăm năm, phải chăng các tác giả muốn nhấn mạnh đến nội chiến, phân tranh,… mà nay hình như đã trở thành “cá tính” văn hóa của người Việt! Hay cần một “thống nhất” đúng nghĩa chứ không phải thống nhất kiểu triều Nguyễn Gia Long, kiểu 1976, mà không cả kiểu Quang Trung vì không lâu là một, nhưng thứ nữa, ngay ba anh em còn chưa “thống nhất” nói chi đến thống nhất trăm họ! Mộng tranh bá đồ vương, cái ngã quá lớn. Mạng người không ra gì, cả thân tín và quan tướng cho mình, chỉ là những con cờ muôn thuở! Sử và văn sử về năm trăm năm phân tranh và chinh chiến cho thấy đa số vua chúa, lãnh tụ đều hiếu sát, hiếu chiến, tự ngã và tàn nhẫn trong khi cái ác kéo dài, cái Thiện hiếm hoi hoặc ngắn ngủi!

*

Tự bản chất, văn chương thường đi đôi với dị thường, huyền ảo, ngoạn mục và bất ngờ. Từ những thập niên đầu thế kỷ XX, thêm những triết lý mới về lịch sử, đề cao sức mạnh và vai trò mới của tập thể, quần chúng, “nhân dân”, đưa đến việc tô màu những nhân vật anh hùng “bậc trung”, chìm trong đám đông vô danh hay từ đám đông trổi vượt lên: những nhân vật của Walter Scott chẳng hạn. Những nhân vật phụ của lịch sử “thật” trở thành chính trong các tiểu thuyết lịch sử mới. Những phiêu lưu tưởng tượng được gán cho nhân vật lịch sử. Hoặc cho những nhân vật của tiểu thuyết đóng những vai tượng trưng và gương mẫu. Ngay con người bình thường cũng mang sử tính, ở họ cũng đầy bi kịch và vấn nạn! Kịch tính có thể đi với hiện đại hóa khi dựng những nhân vật lịch sử nhưng có hiểm nguy lãng mạn hóa, dễ tha hóa nhân vật và cả lịch sử – điều mà người mác-xít rất sợ và đã phải cảnh giác luôn (13)! Chiến-Tranh Và Hòa-Bình của L. Tolstoi đã được nhắc nhở nhiều đến nay có thể vì đã đi từ truyền thống W. Scott qua Pouchkine và Balzac tức đã không bị lãng mạn của V. Hugo và Vigny quyến rũ. Khởi hứng từ triết lý cách mạng Pháp, nhưng Tolstoi đã khởi từ những hiện thực của xã hội của thời đại ông, từ những con người thường, từ những cải cách nông nghiệp 1861 đến cách mạng 1905 trên đất nước ông, mà tiếng pháo trận của Napoléon chưa xa lắm, mới vừa trên 50 năm!

Khi văn chương không có đất để bành trướng tự nhiên như dưới các chế độ độc tài, lúc đó nảy sinh những lý thuyết vụ hình thức như thuyết cấu trúc, cả biện chứng pháp và duy vật sử quan. Thật vậy khi có tự do, nhà văn không cần phải trốn trong tù ngục của hình thức tác phẩm mà người đọc cũng không cần chặt ý tác giả, suy diễn sứ điệp nhiều khi chẳng có! Có tự do, văn chương phức tạp tự nhiên, vẫn là trò chơi con chữ nhưng bám chặt toàn thể hiện hữu của nhà văn hơn! Mỗi lần có những chống đối, phê phán, là vì những vấn đề chung của tiểu thuyết lịch sử thực hay hư, có văn chương không hay chỉ là sách truyện chơi “rẻ tiền”. Lịch sử càng xa, người đọc càng khó tính đòi sự thực. Ngày càng nhiều tiểu thuyết lịch sử lên màn ảnh, sân khấu kịch, sống mạnh vì hình như con người có một kích thước lịch sử, dù duy tân, thích tân, vẫn thích vay mượn quá khứ (Bản Tuyên ngôn Độc lập 9-1946 chứa mấy câu của Jefferson). Đến với quá khứ như nguồn tư duy và hứng cảm cho con người thời đại! Nhưng lại nhậy cảm! Thời 1954-1975 hoặc 1975-2000 chưa đủ xa, chưa thấm phán xét của thời gian, dù sao cũng hãy như cấm kỵ, dễ trượt vỏ chuối chết người, mìn bẫy hình như sót lại còn hơi nhiều nhất là những mảnh mìn trong tâm hồn và tham vọng. Thành ra người ta thích đổ xô viết hồi ký hơn, chủ quan và tự ngã tha hồ, thực tâm có mà tà ý cũng đầy! Thành thử tốt hơn nên theo vết người xưa, như Nguyễn Du viết chuyện Gia Tĩnh nhà Minh, Nguyễn Đình Chiểu nói chuyện Tây Minh,… Dù biết tình trạng lý tưởng chỉ khi chúa thượng, ta bà, được tự do cho phiêu lưu vào tiểu thuyết, không phải theo chỉ thị hay ý của “lãnh đạo”, nghị quyết! Bao cấp và bảo thủ bị động cho nên mới có phương hướng nhiệm vụ thứ năm của Đại hội Nhà văn tháng 4-2000 như một việc cấp thiết cho tình thế mới! Trong nước do đó không thể đi xa vì điều khoản 4 điều 22 luật xuất bản (19-7-1993) vẫn như thanh kiếm Damoclès treo lơ lững trên đầu người viết: “nghiêm cấm các xuất bản phẩm có nội dung 4- xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu chung, xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của nhân dân”. Trong hoàn cảnh đó, không nên đem Chiến Tranh Và Hòa Bình của Tolstoi ra so sánh, chờ đợi, vì hoàn cảnh khác, một bên ngoại xâm, một bên nội chiến, một bên khói súng vừa tắt ngấm 50 năm sau, một bên đã hai thế kỷ với nhiều triều đại cấm kỵ và nhiều chủ nghĩa ngoại lai, hòa chưa có mà bình cũng chẳng thấy!

Một khía cạnh khác cần xét là người viết tiểu thuyết lịch sử là sĩ hay trí? Chúng tôi đã có dịp bàn trong bài viết về bộ Người Trăm Năm Cũ của Hoàng Khởi Phong (14). Mai Thảo trong một ghi-nhận văn học cuối năm trên giai-phẩm Văn tháng 1-1975 đã đồng ý với Thanh Tâm Tuyền rằng “nhà văn là kẻ nói dối” khi nói về trò chơi chữ nghĩa, nhà văn ẩn náu trong chữ nghĩa hắn vì “văn-chương tự thân là một giả vấn đề, chữ nghĩa, một đánh lừa người” (15). Như vậy người viết tiểu thuyết lịch sử có dối trá, ngụy biện thì đâu có khác gì những biện giả thời Khổng tử và cả thời Chúa Jesus bên Trung-đông cũng như những tu sĩ giả hình chung quanh chúng ta?

Các tác giả tiểu thuyết lịch sử có thể hiện đại hóa, biến hóa ngôn ngữ, nhân vật,… nhưng có thể nào tin tưởng họ có thể nói lên “tâm hồn” của cả một dân tộc? Con người hôm nay khoa học, mất gốc, xa dần những huyền thoại về nguồn gốc, lại muốn tìm lại gốc gác, nguyên tủy văn hóa qua tiểu thuyết lịch sử? Xét cho cùng, tiểu thuyết lịch sử hay lịch sử, văn hay sử, rồi ra cũng là trò chơi của con người, của giải mã và nhất là thuyết phục! Mở ra cho thế hệ tương lai, phải bỏ ám ảnh của quá khứ, lịch sử, chánh tà, v.v., người viết tiểu thuyết lịch sử mới có thể thành công để lại cho đời những tác phẩm văn chương lớn!

Chú-thích

Bài trích lại từ nghiên cứu “Về tiểu-thuyết lịch-sử”, đã đăng ở giai-phẩm Chủ Đề số 4, mùa Đông 2000 và in lại trong Văn Học Việt Nam Thế Kỷ XX: Một Số Hiện Tượng Và Thể Loại (Đại Nam CA, 2004).

1.    Nhà Nam Giao khi xuất bản đổi tựa là Bóng Thuyền Say. X. Nguyễn Tử Năng. “Tiểu thuyết Đường Một Chiều của Nguyễn Mộng Giác và sự tuyển trạch của trung tâm Văn Bút…” (Văn Học (SG), 197, 1974, tr. 75-82); Hoàng Ngọc Tuấn (Thời-Tập, 15, 30-11-1974; Bách Khoa số IV-XIX, 20-12-1974); Nguyễn Quốc Trụ (Thời Tập, 18-19, Xuân 1975, tr. 117); Thế Nhân (Bách Khoa số R*, 11-1974).

Về giải thưởng Văn Bút (PEN Club) năm 1974, theo nhà văn Nhật Tiến, thành viên Hội Đồng Tuyển Trạch giải Bút Việt 1974, thì “không có vụ tranh cãi gì trong việc tuyển chọn giải thưởng Truyện dài của Nguyễn Mộng Giác trong năm này” (email 25-9-2008 gửi chúng tôi). Như vậy, sau khi giải được công bố thì mới có đôi tiếng phản đối hay phê phán nặng nề cuốn Đường Một Chiều. Bài viết của Hoàng Ngọc Tuấn trên tạp chí Bách Khoa số IV-XIX (20-12-1974), cho thấy là Nguyễn Mộng Giác có chỉ trích những cây bút hiện sinh thời đó hay lập dị, làm dáng, nên có thể khiến họ thù ghét mà ghét lây cả cuốn sách được giải: ”… Điểm đáng đề cao hơn nữa của truyện Đường Một Chiều, là thêm một lần nữa chứng tỏ cái ý hướng trách nhiệm của tác giả  đối với xã hội. Truyện của Nguyễn Mộng Giác bao giờ cũng từ chối làm chiều lòng những kẻ trưởng giả giầu sang, ăn chơi phè phỡn, hưởng thụ chán chê rồi học đòi triết lý thời trang rằng cuộc đời là hư vô, phi lý, buồn nôn (…) Và đáng quý thay, các tác phẩm của Nguyễn Mộng Giác từ trước tới nay đã phủ nhận và không tham gia vào trò chơi chữ nghĩa triết lý phòng trà đó”. Ngoài lý do khả thể vừa kể, nhà văn Nguyễn Mộng Giác còn cho chúng tôi biết, qua email 1-10-2008, cuốn Quốc Lộ 13 của Tô Vũ (Lê Vĩnh Thọ) vì thua phiếu nên nhóm Văn Học “quậy phá“ trên tạp chí Văn HọcPhổ Thông. [10-10-2008]

2.    Nguyễn Mộng Giác. Sông Côn Mùa Lũ. Hà-Nội : NXB Văn học; Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 1998. 2008 tr. (4 tập. Mai Quốc Liên giới thiệu, Đỗ Minh Tuấn viết Tựa bìa). Chúng tôi sử-dụng bản do nhà An-Tiêm xuất bản (Los Angeles, CA. 1990-1991), 1942 trang truyện.

3.    Lukács, Georg. The Historical Novel. Lincoln: University of Nebraska Press, 1983. p. 24.

4.    Chiến dịch lên án và triệt hạ văn nghệ sĩ và trí thức miền Nam Cộng-hòa đã bắt đầu ngay từ đầu tháng 5-1975. Một ban thanh lọc văn nghệ phẩm do Trần Bạch Đằng và Lữ Phương thứ trưởng Văn hóa cầm đầu với các trưởng tổ Vũ Hạnh, Huỳnh Văn Tòng, Châu Anh (về phía nhân viên có Minh Quân, Tường Linh, Thu Mai, Nguyễn Sỹ Nguyên, Giang Tân, HTA, v.v.). Họ đã xếp toàn bộ văn nghệ phẩm vào 6 loại. Đến ngày 20-8-1975, Lưu Hữu Phước, bộ trưởng Thông tin văn hóa của chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam công bố Nghị định cấm lưu hành sách báo xuất bản tại miền Nam và đồng thời công bố danh sách 56 tác giả bị cấm. Đợt hai của chiến dịch thanh toán “bọn văn nghệ sĩ phản động” khởi đầu sáng 3-4-1976, hai ngày sau vụ nổ công viên con rùa đường Duy Tân: công an lùng bắt hầu hết văn nghệ sĩ và trí thức. Đến tháng 3-1981, nhà cầm quyền lại ra hẳn một cuốn danh-mục sách và tác già cấm lưu hành gồm 122 tác giả với toàn bộ tác phẩm bị cấm. Và theo Hoàng Hải Thủy, năm 1976 trong các khóa ‘bồi dưỡng chính trị’, nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã tình nguyện làm thư-ký Tổ Thơ Văn cho Vũ Hạnh (“Mắt mù, tai điếc”. Saigon Nhỏ, 15-5-2009, tr. A3-5).

5.    Hoàng-Lê Nhất Thống Chí. Bản dịch Ngô Tất Tố (Sài-Gòn: Phong-trào Văn-hóa tb, 1958), tr. 104 và 103.

6.    Phạm Văn Sơn. Việt Sử Tân Biên. Sài-Gòn: Tác giả xb, 1961; Đại-Nam tb, q. 4, tr. 247. Thù oán và phong thủy khiến Nguyễn Ánh cũng không hơn gì, do đó mà nay không còn mồ mả anh em Tây Sơn và cả vua Cảnh Thịnh.

7.    Lan Cao. Monkey Bridge. New York: Viking, 1997. 260 p.

8.    Nguyễn Mộng Giác . “Nhìn lại những trang viết cũ”. Văn Học CA, 167, 3-2000, tr. 34-57.

9.    Lương Đức Thiệp. Xã Hội Việt Nam: Việt Nam Tiến Hóa Sử (Sài-Gòn: Hoa Tiên tb, 1971), tr. 66-67.

10.    “Phải chăng nhân vật Nguyễn Huệ qua lịch sử đã được tôn vinh quá lố?” Ngày-Nay (Houston) 377, 1-11-1997, tr. B3-4; “Về một vấn đề lịch sử”, Thông Luận, 108, 10-1997). Sau in trong Tổ Quốc Ăn Năn (Paris, 2001), tr. 149-185).  Ngược lại, có những biên khảo như Nhà Tây Sơn của Quách Tấn và Quách Giao (Tp HCM: Trẻ, 2000. 215 tr.) lại huyền thoại và thần thánh hóa cuộc đời anh em Nguyễn Nhạc và cả những thuộc-tướng!

11.    Thông Luận, 137, 5-2000.

12.    Tranh luận chung quanh cuốn Đối-Thoại Sử Học của Bùi Thiết và sáu tác giả (Hà-Nội: Thanh Niên, 2000. 518 tr.). Và quanh thuyết về 2 hoặc 5 ngàn năm văn hiến, đế Minh họ Nguyễn, v.v. X. Thực Chất Của Đối-Thoại Sử Học. Hà-Nội: Thế Giới, 2000. 417 tr.

13.    Lukács, G. Sđd. Lukács tỏ ra độc tài lý luận khi nhận vơ tiểu thuyết lịch sử vốn phải là cách mạng, đề cao vai trò quần chúng, vì theo ông cuộc cách mạng từ 1789 đến thất bại của Napoléon là những kinh nghiệm sống thật của đại chúng (mass experience, tr. 23). Cho nên ông phản đối ảnh hưởng của lãng mạn tức của giới quí phái và tiểu tư sản phản động. Ông nặng nề phê phán E. Erckmann và A. Chatrian khi viết về Cách mạng Pháp đã sai lầm chính trị rơi vào cái bẫy vinh danh dễ dàng sự hồn nhiên thuần túy của quần chúng (tr. 206-220). Ngày nay người ta phê ông lợi dụng lịch sử cho ý thức hệ!

14.    Xem phân tích của chúng tôi ở cuối bài “Gánh nặng lịch sử qua Người Trăm Năm Cũ của Hoàng Khởi Phong”.

15.    Tạp-chí Văn SG, 1-1975, tr. 20.

Nguyễn Vy Khanh
18-9-2000, cập nhật 10-2008

   Số lần đọc: 4777

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây