Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Mùa Biển Động – Chuơng 32

Đoàn biểu tình xuất phát từ chùa Diệu đế, khoảng hơn mười giờ. Dẫn đầu là một cây cờ Phật giáo. Nhà sư cầm cờ thân hình mảnh khảnh, nên mỗi lần có gió thổi, nhà sư phải bậm môi lại, hai bàn tay nắm chặt lấy cán cờ để giữ cao ngọn cờ đấu tranh. Tiếp theo sau là các sư sãi mặc áo nâu, áo lam, một số vị mặc áo vàng. Họ bước chậm, nét mặt người nào cũng cố giữ cho nghiêm nghị tuy không giấu được đôi vẻ mệt mỏi.

Đoàn biểu tình nối tiếp bằng các đoàn thanh niên thanh nữ thuộc gia đình Phật tử, cộng thêm một số quân nhân Phật tử thuộc chiến đoàn Nguyễn Đại Thức. Nhưng khác với các lần xuống đường biểu dương lực lượng trước đây, lần này số quân nhân Phật tử không được đông lắm.

Nhiều biểu ngữ vải vàng viết bằng chữ Việt hoặc chữ Anh, nội dung đả đảo cuộc tấn công tàn sát Phật giáo đồ ở Đà nẵng, đả đảo chế độ quân phiệt Thiệu Kỳ, cương quyết bảo vệ Phật pháp. Hai khẩu hiệu viết bằng tiếng Anh ghi hai câu: Stop Supporting the murderers và Down with the foreign domination of our Country.

Ðoàn biểu tình đi dọc theo bờ sông, khi đến đầu cầu Gia hội thì những người hiếu kỳ hai bên phố đổ xô ra, chen chúc nhau xem đoàn biểu tình trật tự và thầm lặng khác thường này. Một số trẻ em và thanh niên vô công rỗi nghề phố Gia hội chạy theo nối vào đuôi đoàn biểu tình. Họ cùng theo các sư sãi và Phật tử đi qua phố chính Trần Hưng Đạo. Số người này mỗi lúc mỗi đông nên khi lá cờ Phật giáo dẫn đầu bắt đầu rẽ tay trái để qua cầu Trường tiền, thì đoàn biểu tình đã không còn thầm lặng nữa. Tiếng cười nói, tiếng hoan hô đả đảo vang động cả khung cảnh phố trưa. Đoàn người qua khỏi cầu, đi ngang khu đại học lại có thêm đông đảo sinh viên học sinh chờ sẵn ở đấy gia nhập đoàn.

***

Nam đứng chờ ở trước đài phát thanh để cùng gia nhập đoàn với hàng ngũ Phật tử đưa các vị sư sãi lên tuyệt thực trước tòa lãnh sự Mỹ ở đường Đống đa, như đã hứa với Tường đêm qua. Cả đêm trước Nam không ngủ được.

Kinh nghiệm đầu đời đưa Nam vào một tâm trạng vui buồn phức tạp. Các công ốc dùng làm đài phát thanh được xây dụng từ hồi Pháp thuộc nên thiếu thốn các tiện nghi tắm giặt cần thiết, nhất là đối với phái nữ. Nam đành phải chịu đựng cảm giác nhầy nhụa xót xa ấy suốt cả đêm, cho nên khi được đặt lưng nằm lên cái giường xếp kê cạnh bàn viết đài phát thanh, được một mình lắng nghe từng khu vực cảm giác trên thân thể và lan man nghĩ lại những gì đã qua, nàng thấy hối tiếc. Nàng thấy mình đã lỡ làm một điều không còn cứu gỡ được nữa.

Nàng nghĩ đi nghĩ lại về kinh nghiệm mà không trước thì sau, tất cả những người yêu nhau đều phải trải qua. Nam thành thực nhận rằng mình hơi thất vọng. Chỉ có bấy nhiêu thôi sao? Nàng nhớ lại là lúc Tường say dại hôn tới tấp lên khắp người nàng, nàng cảm thấy ngây ngất như được uống một thứ rượu thơm và nồng. Nàng không còn ý thức rõ được những gì xẩy đến, chỉ biết cảm giác ngây ngất ngày càng tăng. Nàng chờ đợi, chờ đợi trong hy vọng, chờ đợi bằng tất cả nỗi tò mò thích thú. Rồi một thứ cảm giác đau buốt làm cho Nam rùng mình, đầu óc ngỡ ngàng, rồi tỉnh táo hơn. Chính lúc đó, nàng nhận ra vẻ vất vả hấp tấp, khuôn mặt cau có vì gặp nhiều khó khăn của Tường. Tóc Tường xơ xác rũ xuống trán, cặp kính cận lệch xuống đầu chóp mũi. Trông Tường tiều tụy quá. Nam cảm thấy lòng nguội lạnh. Nàng đã nhắm mắt thật lâu, không phải ngây ngất vì kinh nghiệm ân ái đầu đời mà vì không muốn nhìn thêm khuôn mặt biến dạng của Tường.

Cho đến khi Tường cuống quít hổn hển ghì chặt lấy Nam, nàng thất vọng đến nỗi bật khóc. Tường lo sợ dỗ dành, nhưng Nam không thể dằn được những tiếng khóc tức tưởi. Nếu nàng bình tĩnh hơn, có thể nàng đã nói thẳng với Tường là nàng thất vọng. Nàng không muốn Tường áy náy.

Nằm một mình trong đêm nhớ lại thái độ của Tường đêm qua, Nam biết là Tường vô cùng áy náy khi thấy Nam khóc. Tường bối rối đến nỗi không biết nói thêm điều gì để an ủi Nam, tay cứ đưa lên sửa lại gọng kính hoài. Nam cũng cảm thấy không thoải mái được ở bên nhau, nên nhắc Tường:

– Anh có hẹn qua Văn khoa không?

Tường giật mình giơ tay xem đồng hồ, ngần ngừ muốn nói điều gì nhưng lại sợ Nam hiểu lầm. Nam chỉ muốn được ở một mình, bảo Tường: .

– Anh nên qua kẻo anh em họ đợi. Em về đài nghỉ một chút. Em khát nước quá!

Tường cố săn đón:

– Hay anh đưa em đi tìm cái gì uống?

Nam cương quyết gạt đi:

– Thôi. Em tự đun nước lấy cũng được. Anh đi đi!

Tường yên tâm, qua Đại học Văn khoa dự họp.

***

Chính nhờ hình ảnh lá cờ Phật giáo phất phới hiện ra ở bên này cầu Trường tiền mà Nam quên mất cảm giác ngây ngất mệt mỏi của một đêm không ngủ.

Lá cờ có mãnh lực cuốn Nam khỏi những nhớp nháp tục lụy, chắp cho Nam thêm đôi cánh để nàng bay cao theo những giấc mộng xả thân và hy sinh. Nam náo nức nhìn kỹ những ni cô tham dự cuộc biểu tình, xem thử có ni cô sắp tình nguyện tự thiêu để phản đối cuộc đàn áp Phật tử hay không. Nam chăm chú nhìn đến nổi mắt hoa lên. Nàng không tìm thấy ni cô hôm qua ở chùa sư nữ, nhung vẫn ngờ rằng chỉ vì hoa mắt và các vị sư sãi tham dự biểu tình đông đảo quá nên nàng không nhận ra thôi.

Nam nghĩ: “Biết đâu ni cô sẽ tự thiêu ngày hôm nay, ngay trước tòa lãnh sự Mỹ ở đường Đống đa”.

Ý tưởng đó khiến Nam hồi hộp, gần như choáng váng.

Nàng đi trong hàng ngũ anh chị em Phật tử ngay sau các vị sư sãi, trí luôn luôn nghĩ mình đang đi đưa tang một người còn sống. Người đó đang bước từng bước trên đường phố quê hương thân yêu, mỗi một bước đi tới lại gần thêm đài thiêng nơi kẻ tử đạo dùng xác thân làm ngọn đuốc sống soi đường cho những kẻ đang còn quờ quạng giữa tham sân si.

Ðoàn biểu tình rẽ trái đi lên đường Lê Thánh Tôn, qua nhà bưu điện, qua trường Jeanne d’Arc. Ngả năm rộng nhìn suốt năm hướng chia cắt khu hữu ngạn. Đoàn đi đầu dừng lại một chút để chờ lệnh của ban tổ chức. Một chiếc xe Jeep chở hai nhà sư mặc áo lam từ phía đường Ðống đa chạy xuống, dừng ở ngay chỗ nhà sư cầm cờ. Một phút sau, chiếc Jeep cua một vòng gấp rồi chạy ngược về phía đường Đống đa. Đoàn biểu tình lại từ từ tiến về phía trước, giữa những công ốc xây theo lối Pháp nằm gọn trong những khuôn viên yên tĩnh riêng biệt hai bên đường Lê Thánh Tôn.

Những người ngoài cuộc do nhiệt thành hoặc hiếu kỳ nối đuôi đoàn biểu tình ngày càng thêm đông; đến nỗi lúc đoàn sư sãi đến trước tòa lãnh sự Mỹ ở số 2 đường Đống đa tuần tự lặng lẽ ngồi xếp hàng ngang trước tòa nhà kín cửa bắt đầu cuộc tuyệt thực, thì phần đuôi hỗn tạp náo nhiệt của đoàn biểu tình vẫn còn dậm chân tại ngả năm trước cư xá sinh viên Xavier.

Nam quan sát kỹ các ni cô ngồi tuyệt thực trên đường Đống đa, không thấy ni cô trẻ tuổi tình nguyện tự thiêu đã gặp ở chùa sư nữ. Nàng yên tâm hơn, quay sang ghi chép những điểm cần thiết để viết tin cho đài phát thanh Huế.

Cùng lúc đó, đám người hỗn tạp huyên náo ở khu ngả năm ngày càng dày. Nắng tháng năm gay gắt phủ ập lên đoàn người nhễ nhại mồ hôi đang bực dọc tù túng vì không biết nên làm cái gì. Chẳng lẽ bỏ công tham gia cuộc tuần hành vĩ đại này để rồi tụm nhau đứng lóng ngóng ở đây, tiến không được, lùi cũng không xong. Đến nỗi muốn hoan hô đả đảo cho thỏa ước cũng không được, vì người xướng xuất chưa hô hết câu đã có lắm người phá, hoặc la ó, hoặc cười ồ chế giễu. Đối với những câu khẩu hiệu thông thường, việc hướng dẫn cả đám đông phức tạp nhiều hạng người xa lạ này còn tương đối dễ. Chẳng hạn, nếu người nào đó hô:

– Đả đảo bọn quân phiệt tham nhũng Thiệu Kỳ!

thì lập tức mọi người sẽ hô to “đả đảo”.

hoặc nếu một người hô:

– Hoan nghênh tinh thần tranh đấu bảo vệ Phật pháp và Dân tộc của Phật tử Huế.

thì ngay sau đó, nhiều tiếng “hoan nghênh” đồng loạt đáp ứng.

Nhưng những câu ấy quá quen thuộc hóa nhàm. Từ bao nhiêu năm nay, dân Huế hoan hô đả đảo theo những câu đó biết bao nhiêu bận rồi. Phải tìm những câu khẩu hiệu mới. Và đây mới là trò vui của đám đông tại ngả năm hôm đó.

Một giọng đàn ông khao khao hô:

– Johnson phải tôn trọng chủ quyền của Việt nam.

Đám đông ngớ ra, chẳng biết hô theo thế nào. Nhiều người mau miệng đưa nắm đấm lên cao hô lớn: Johnson, Johnson. Thế là đám đông cười xòa, tiếng cười nói ầm ĩ xao động cả một vùng. Một người khác la lớn:

– Thiệu Kỳ phải rút quân ngay lập tức khỏi Đà nẵng.

Vài tiếng hô: “Đà nẵng, Đà nẵng” chen lẫn với mấy tiếng lẻ tẻ “ngay lập tức, ngay lập tức”. Lại cười ầm cả ngả năm lộng gió và nắng nỏ.

Ở phía trước tòa nhà xây theo kiểu tối tân dùng làm Trung tâm Văn hóa Hoa Kỳ, đám biểu tình hỗn tạp chẳng kém gì đám người ở ngả năm. Đa số là học sinh sinh viên, và một số ít trẻ con chạy theo vì ham vui. Những câu hoan hô đả đảo cũng nổi lên từng chặp như ở khúc cuối đoàn biểu tình. Nhưng trước một cơ quan của người Mỹ, trước những cuốn sách và tranh ảnh trưng bày mỹ thuật bên kia lớp kính dày của phòng thư viện, nhiều người chợt nhớ đến những chiếc phi cơ vận tải C-141 của không lực Mỹ từng chở Thủy quân Lục chiến Sài gòn ra Đà nẵng lần đầu. Rồi nhớ thêm những câu tuyên bố mập mờ của Dean Rusk, của Cabot Lodge. Tòa nhà sang trọng nổi bật hẳn giữa những tòa nhà cổ kính xây từ hồi Pháp thuộc quanh đó. Những cửa kính lớn trong veo, những tấm màng cửa dài, những cánh cửa khóa im ỉm quay lưng với đoàn biểu tình. Chưa bao giờ sự giầu sang lại có vẻ thách thức đáng ghét như vậy! Ai đó trong đám người hỗn tạp la lớn:

– Đả đảo đế quốc Mỹ can thiệp vào nội bộ của Việt nam.

Lập tức có nhiều tiếng đáp đồng loạt: “Đả đảo. Đả đảo”. Rồi một giọng đàn ông nữa hô to:

– Không có gì quí hơn độc lập tự do.

Nhiều tiếng hô: “Không có gì. Không có gì”. Hầu hết mọi người đều cười ồ. Một số nhỏ ngờ ngợ, thấy có gì bất ổn. Nhưng họ không phải chờ lâu để hiểu cho ra nguyên do nỗi ngờ vực. Vì lập tức sau đó, có tiếng thúc giục:

– Đốt quách cái thư viện Mỹ này đi, anh em!

Đám đông dạt xa khỏi tòa nhà thư viện, như sợ bị cháy lây. Phần lớn ùa qua phía bên kia đường. Một viên đá quăng qua, làm vỡ tấm kính kêu đánh xoảng. Một viên đá nữa. Rồi một trận mưa gạch đá thi nhau làm vỡ hết tất cả cửa kính của thư viện.

Không ai bảo ai, đám đông ùa qua đường, nhảy qua hàng rào thấp, chui qua những khung cửa trống, vào thư viện bê hết sách báo tranh ảnh chất lại thành đống. Một cái bật lửa Zippo lóe sáng. Trang giấy bén lửa chuyền sang những trang giấy khác. Khói bắt đầu tỏa lên mù mịt. Bên ngoài thư viện, một giọng Huế chậm, sắc, và rõ, cất lên từng chặp qua một cái loa cầm tay chạy pin:

– Tôi là thượng tọa Thích Trí Quang. Tôi là thượng tọa Thích Trí Quang… Anh chị em Phật tử hãy bình tĩnh, tuyệt đối không được bạo động. Tôi là thượng tọa Thích Trí Quang. Anh chị em Phật tử hãy nghe lệnh tôi: Tuyệt đối không được bạo động.

Nhưng lửa “phần thư” đã bốc lên cao, tiếng lửa cháy tí tách lâu lâu pha lẫn tiếng nổ đèn đẹt, tiếng reo hò tở mở, tiếng hoan hô đả đảo loạn xạ, tiếng chửi rủa đùa cợt đã át mất tiếng nói của thượng tọa.

Khói bốc lên ngùn ngụt làm u ám cả một vùng trời.

Xe chữa lửa thành phố hụ còi chạy tới ngả năm. Nhưng đám đông không chịu tránh ra cho xe chữa lửa làm nhiệm vụ. Người ta ùa vào tranh nhau cướp giật những cuốn sách chưa kịp cháy, nhất là những cuốn bìa dày và có nhiều hình vẽ đẹp đẽ. Xe chữa lửa hụ thêm vài tiếng năn nỉ, rồi đành đứng yên từ xa ngắm lửa thư viện tàn dần, tàn dần.

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 29

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây