Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàMùa Biển ĐộngTập 5 - Tha HươngMùa Biển Động - Chương 182

Mùa Biển Động – Chương 182

(Mùa Biển Động – Chương 182)

Từ lâu, Ngữ tránh lên xóm Chùa thăm gia đình ông bà Bỗng, mặc dù mỗi lần chở khách qua lại trên đường Đinh Tiên Hoàng, đến chỗ ngã rẽ về xóm Chùa, tự nhiên bàn chân đạp lên pédale của Ngữ phân vân.

Ngữ tự tìm hiểu mình, và tạm thời tìm một cách giải thích: Có lẽ chàng xốc xếch tiều tụy quá nên không muốn để cho Diễm thấy; cũng có lẽ đời sống càng kham khổ, Quỳnh Trang càng ốm o xanh xao thì Ngữ càng yêu thương vợ hơn, lén lút gặp Diễm là một cái tội tày đình không thể tha thứ được. Lâu lâu ghé lại cà phê Hân gặp Ngô và Mười Chí ở đấy, Ngữ nói chuyện với họ, hăng hái bàn luận đủ chuyện trên trời dưới đất không chút e dè, nhưng tuyệt nhiên Ngữ không nhắc tới Diễm. Ngô có ý chờ bạn hỏi về em gái mình để nhân tiện xác minh lại những hồ nghi, chờ mãi không thấy gì. Hai người bạn cũ ngầm rình nhau, lúc nào cũng muốn có cơ hội để nói thật với nhau một lần, nhưng diễn tiến đưa đẩy sắp tới lúc nhắc tới Diễm, Ngữ lại tìm cách nói sang chuyện khác.

Tuy vậy, Ngữ biết rõ những gì Diễm làm. Từ lúc ở tù ra, Diễm thêm liều lĩnh, làm những chuyện tày trời rất dễ vào tù lần nữa. Ngữ có cảm tưởng như Diễm muốn phá hủy đời mình như có lần nàng tâm sự với Ngữ ở Bảo chánh. Phong trào người Hoa vượt biên bán chính thức ồ ạt làm phát triển thêm những tổ chức vượt biên bất hợp pháp trước đó đã có nhưng lẻ tẻ. Diễm bỏ việc buôn hàng chuyến trên xe lửa, chuyển sang nghề móc nối giới thiệu người đi chui để lấy hoa hồng. Mỗi lần báo đăng một vụ án xử phạt nặng nề những người tổ chức vượt biên, Ngữ lại hồi hộp lo ngại, sợ đọc thấy tên Diễm lần nữa trên tờ Sài gòn Giảí Phóng hoặc Nhân Dân. Chưa hết! Diễm còn rủ Lãng hãy bỏ nghề buôn thuốc Tây chợ trời để hợp tác với Diễm. Khỏi phải suy nghĩ lôi thôi, Lãng nghe lời Diễm ngay. Còn có nghề nào thích hợp với bản tính Lãng hơn. Gặp em ở nhà, Ngữ thường nghe Lãng ca tụng hết lời cái tài luồn lách móc ngoặc của Diễm. Lãng nói:

– Em chưa thấy người đàn bà nào lanh như chị Diễm. Dân mũ xanh tụi em nổi tiếng đánh giặc chì, liều lĩnh, đéo sợ cái gì cả. Nhưng còn thua chị Diễm xa. Anh nghĩ coi. Lão chủ ghe đóng xong ghe ở cầu Rạch ông cả hai tháng nay mà xin giấy phép ở sở Thủy sản xuống Vũng tàu hành nghề cào tôm không được. Chạy thuốc đủ nơi rồi tiền mất tật mang, tụi Giao thông Vận tải cho người tới xoi mói chê bai chiếc ghe đủ điều, bảo là không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Sở Công an thì cứ ngâm tôm hồ sơ của tài công, thợ máy, và thủy thủ, bảo phải chờ các địa phương xác minh lý lịch. Khách đã gọi đủ rồi, bãi bến đã lo xong, mà chiếc ghe cứ nằm ụ mãi. Anh biết không, chị Diễm nóng ruột quá, vì vàng đã thu của khách từ lâu rồi mà cứ phải hẹn rày hẹn mai hoài. Chị hỏi ông chủ ghe có biết ghe nào vừa xin được giấy phép không. Ông chủ ghe nói cái ghe đóng ở ụ bên cạnh xong sau mà lại có giấy phép trước. Chị Diễm tìm gặp ông chủ ghe này, xin xem cho biết cái giấy phép ra sao. Chị biết được tên Giám đốc Sở Thủy sản, người ký giấy phép. Thế là hôm sau chị lên sở Thủy sản nói với thằng bảo vệ gác cửa chị là người nhà của đồng chí giám đốc. Chị chờ tới mười giờ thì thằng chả tới. Chị mời thằng chả đi ăn sáng. Thằng chả hiểu liền, nhìn đồng hồ bảo có cuộc họp khẩn, đến trưa mới xong. Chị biết cá cắn câu rồi, hẹn gặp thằng chả buổi trưa ở quán cơm đường Lê Thánh Tôn. Sau bữa cơm, mọi chuyện xong xuôi. Một tuần sau, đã có giấy phép, chỉ tốn bảy cây vàng núi mà thôi.

Ngữ tin lời em, lòng sợ hãi pha lẫn khâm phục Diễm. Nhưng Ngữ can ngăn Lãng:

– Em đàn ông lại là lính ngụy, phải coi chừng. Đàn bà làm cái gì cũng dễ. Tụi mình lỡ dính tụi nó khui cả cái lý lịch lính ngụy ra.

Lãng hăng hái nói:

– Em khôn lắm, không để cho mắc nạn đâu. Em chỉ cần dẫn mối một thời gian đủ tiền đem cả gia đình đi. Anh cũng nên tính từ bây giờ. Tụi mình không ở lại đây được đâu.

Ngữ nói:

– Người ta tiền rừng bạc biển người ta đi. Mình một xu không có, qua bên đó làm gì. Ở Mỹ đâu có thể làm nghề ăn mày được.

Lãng nhìn anh, lắc đầu:

– Anh già khụ rồi. Mới bốn mươi tuổi đã già!

Rồi Lãng giơ hai bàn tay lên trước mặt Ngữ, cười nói:

– Sao anh không bắt chước bác Hồ? Bác nói hồi hai mươi tuổi vào Sài gòn muốn đi Pháp thì có người cũng can như anh can em. Bác giơ bàn tay ra nói ở đâu có bàn tay này là có thể sống được. Không lo. Không hiểu Bác có nói như thế thật, hay về sau Bác phịa ra để dạy lũ nhỏ. Có anh làm chứng nhé, em nói thật chứ không phịa đâu nhé.

Không biết đó là lần thứ mấy, Ngữ ao ước được hồn nhiên như em.

***

Ngữ vừa mừng vừa thất vọng khi chỉ gặp một mình Ngô ở căn nhà xóm Chùa. Ngô cũng mừng, bỏ cả công việc chạy ra hỏi bạn:

– Sao lâu nay mày không ghé. Tao có nhiều chuyện muốn kể với mày.

Ngữ theo thói quen khóa xe đạp cẩn thận rồi mới hỏi, lòng hy vọng vu vơ là Ngô sắp kể chuyện về Diễm:

– Chuyện gì thế?

– Mười Chí vượt biên rồi, mày biết chưa?

Ngữ kinh ngạc hỏi lại:

– Nó vượt biên làm gì? Hồi nào?

– Cách đây một tuần. Trước khi đi, nó có đến cho tao hay. Chỗ tổ chức là bà con của nó. Kể ra nó cũng liều lĩnh thật. Như mày mà đi thì không sao. Nó đi, biết tụi Mỹ có nhận cho định cư không?

– Tần nó có nói với mày tại sao nó đi không?

– Có. Nó ngủ ở đây một đêm trước khi lên đường. Hai đứa nằm nói chuyện với nhau suốt tới sáng. Tao khuyên nó nên suy nghĩ cho chín chắn, vì nếu đi không lọt bị bắt lại, số phận nó còn bi đát hơn số phận những thằng ngụy như mày. Họ sẽ ghép nó vào loại phản bội, y như những người hồi chánh trước đây.

– Nó chịu nghe không?

– Mày hỏi ngớ ngẩn bỏ mẹ! Nếu chịu nghe thì nó đâu đã đi. Nó bảo không còn chờ đợi được nữa. Sáu năm qua rồi, mọi chuyện càng ngày càng tệ. Nó bảo đúng ra nếu còn sĩ khí như hồi trước, thì tụi mình phải xuống đường, lên tiếng đòi bọn to đầu ở Hà nội phải từ chức, đòi loại bỏ tham nhũng, bất công, cửa quyền, sách nhiễu nhân dân. Tại sao hồi trước xuống đường đả đảo ngụy quyền Sài gòn được mà bây giờ im thin thít không dám xuống đường đả đảo một chế độ còn tàn tệ hơn? Hỏi vậy cho vui, chứ ai cũng biết là không thể làm được. Bất mãn chửi thề vài tiếng ở quán cà phê, không sao; nhưng nhóm lại định làm gì là tụi nó nhúm liền, không a-ma-tơ như thời ngụy. Thật y như tình cảnh người câm ăn ớt. Nó nói nếu ở đây thêm ít lâu nữa nhất định có ngày cái miệng sẽ hại nó. Thôi, tính đường cao bay xa chạy trước thì hơn. Nó chỉ mong đời quên nó đi, coi như nó đã chết. Chỉ mong được sống an thân nơi cái xó nào đó.

Ngữ hỏi:

– Có chắc nó được an thân không?

– Theo mày, nếu nó đi lọt, các nước như Mỹ, Úc, Gia nã đại chịu nhận nó không?

– Tao không biết rõ. Chắc họ đành nhận nó, chứ trả nó về thì có khác nào đẩy nó vào chỗ chết. Nhưng tao định nói liệu tự nó, nó có chịu an thân không.

– Mày định nói gì tao không hiểu.

– Tao muốn nói là dù Mười Chí trôi giạt đến cái xứ nào của thế giới, nó vẫn không trốn được chính nó. Nó vẫn không quên được nó là một thằng hèn, nếu nó tâm sự với mày như mày vừa kể. Hồi trước nó hăm hở vì nghĩ mình là người hùng. Bây giờ thấy đàn áp bất công mà không dám hở môi, nó tự thấy mình hèn. Dù ở đây hay trốn đi, hèn vẫn là hèn. Tâm trạng chung của tụi tranh đấu hồi trước đều như vậy.

– Tao hiểu. Thú thực với mày, hiện tao đang phân vân! Con Diễm nó định đóng ghe vượt biên, đưa cả nhà đi. Nó hỏi tao chịu đi không để nó lo giấy tờ cho tao làm thủy thủ. Nó đã mua được một cái xác ghe cũ để lấy số, tháng sau bắt đầu đóng cọc tiền ụ cho họ khởi công. Nếu đi, chắc cũng năm sáu tháng nữa. Tao băn khoăn quá, không biết tính thế nào. Mày nghĩ sao?

– Tùy ở mày đó chứ!

Dường như Ngô thao thức nhiều đêm về việc này, nên Ngô nói một mạch dài, giọng xúc động hơi lắp bắp:

– Mày không thể hiểu hết được tâm trạng những thằng như tao hoặc thằng Tần. Mày có khổ cực đó, có bị bọn công an làm khó dễ đó, nhưng tâm hồn mày bình an. Thấy đất nước càng ngày càng tệ, cán bộ hách dịch hủ hóa, mày càng khoái. Mày nói thầm: “Tụi bay thắng, tưởng là ngon lắm hả? Tụi bay cư xử với dân còn tệ hơn tụi tao nữa. Tụi bay là một lũ vô tích sự mà nói dóc một tấc tới trời”. Mỗi lần mày gặp tao hay thằng Tường, nhất định mày rủa thầm “Đã trắng mắt chưa các con. Tranh đấu cho lắm vào!” Không, mày cứ để cho tao nói hết. Có thể mày không nỡ nói thế, nhưng mày nghĩ na ná như thế. Mày ở vào phe bị thua, không ai tin mày mà giao cho mày trách nhiệm gì cả, nên mọi sự rối beng tồi tệ, mày vô can. Giả dụ nếu có cơ hội mày vượt biên thành công, qua bên đó mày ngửng mặt lên mà đi, mày có thể lấy mấy năm ở tù ra làm huy chương đeo trên ngực cho thiên hạ ngán mày. Mày bị tù tội, bị ức hiếp, mày phải ra đi tìm tự do. Mày đường đường chính chính vào cửa lớn. Bốn năm cải tạo của mày, một năm làm rẫy của mày, một năm đạp cyclo của mày, mày sẽ dùng làm chất liệu để viết hàng pho sách dày cộm vài nghìn trang tố cáo chế độ này. Ở lại đây, mày khổ mà thảnh thơi. Ra đi, mày sướng thân lại được thiên hạ coi mày như người hùng. Không, mày phải để cho tao nói hết, chưa chắc sau này tao có dịp nói hết với mày như hôm nay. Tụi tao khác mày nhiều lắm. Thấy đất nước ngày càng tồi tệ, dân ngày càng đói rách, tụi tao xót xa. Nếu từ ngày giải phóng đến nay đất nước có khá hơn một chút, một chút xíu thôi, tụi tao cũng đỡ mặc cảm. Tụi tao đã có thể nói với mày: “Ngữ, mày đừng nóng ruột. Bao nhiêu xương máu đổ ra, kể cả những cái chết oan uổng tức tưởi như cái chết của ba mày, đều là những hy sinh cần thiết để bây giờ, độc lập thống nhất rồi, ta quên hết quá khứ xây dựng lại một đất nước tốt hơn, đẹp hơn. Mày thấy cái này hơn năm ngoái phải không? Còn cái này dưới chế độ cũ làm sao có được”. Khổ cho tụi tao là không có cái gì để khoe được với mày cả. Vậy thì bao nhiêu hy sinh để làm gì? Đừng, đừng cắt lời tao. Tao nói thật, nhiều khi mày làm tao đau mà mày không biết. Mày kể tao nghe những chuyện bê bối hống hách của cán bộ, công an, với vẻ mặt đắc thắng sung sướng, mày quên mất là mỗi lời mày kể đâm vào da thịt tao như những mũi dao. Tao bỏ việc, thằng Mười Chí bỏ việc chỉ vì những lời mỉa mai tương tự như lời mày. Tụi tao muốn chứng tỏ ít ra mình đã ra ngoài cái guồng máy đó. Rõ ràng khi biết Mười Chí thôi việc đi vẽ guốc, mày ăn nói dạn dĩ hơn, chân thật hơn.

Ngữ gật đầu, rồi nói:

– Đúng. Vì hai đứa mày chứng tỏ không thỏa hiệp với guồng máy đó. Mười Chí đi xa thêm một bước, nhưng tao không biết bước đó tốt hay xấu, nên hay không nên. Tao không thể trả lời câu mày hỏi.

– Tao chưa trả lời con Diễm. Giả sử thằng Mười Chí hoặc tao đi lọt. Hồi nãy mày nói đúng. Đi đâu, tụi như tao vẫn không an tâm. Về điểm này, mày cũng khó hiểu được tâm trạng tụi tao. Từ trước tới sau, mày vẫn ở một bên chiến tuyến. Mày giống như tụi sinh ra và lớn lên ngoài Bắc, vui hay buồn, sướng hay khổ theo một tập thể đông đảo, không bao giờ cảm thấy lạc loài. Những thằng như tao, Mười Chí hoặc Tường, thì ở vào một loại đặc biệt: tụi tao đổi chiến tuyến. Khi bỏ Huế vào rừng, tụi tao bỏ một phe để vào một phe khác, và ở phe mới, tụi tao bị coi như những đứa bé chập chững từng bước. Tụi tao phải giữ mồm giữ miệng, phải lặng lẽ quan sát chung quanh người ta ăn nói cư xử ra sao để bắt chước cho giống người ta, đôi lúc phải chửi rủa thậm tệ phe cũ để làm vừa lòng phe mới. Thằng Tường đã làm như thế, tao cũng đã làm như thế. Cố công hết sức, nhưng tụi tao vẫn là cháu ngoại. Trong lý lịch, vẫn có cái ranh giới giữa thời kỳ “chưa giác ngộ cách mạng” và thời kỳ “đã giác ngộ cách mạng”. Tụi tao bỏ bạn cũ như mày nên không còn chơi thân với nhau tự nhiên như trước, còn các bạn mới thì nhìn tụi tao như con bà lớn nhìn con tì thiếp. Một lần đổi chiến tuyến là một lần bẽ bàng. Tao không có can đảm thử thêm một lần nữa.

– Mày có nói với Mười Chí như vậy không?

– Có. Nó nói nếu đi lọt qua bên đó nó sẽ tìm chỗ nào không có người Việt để ở, vừa làm vừa đi học hội họa trở lại. Màu sắc, cái đẹp sẽ cứu nó. Mày biết tao nói với nó thế nào không?

– …

– Tao bảo: “Mày sẽ chết dần chết mòn vì cô đơn”.

***

Ngữ ngồi nói chuyện với Ngô tới tối. Lúc chàng đứng dậy chào bạn ra về, thì Diễm cũng vừa về tới trước cửa. Bên ngoài trời tối, ánh đèn chiếu phía sau lưng Ngữ nên Diễm tưởng chàng là Ngô, Diễm nói:

– Anh ra ngõ mang vào giúp em bao gạo. Ba mạ về chưa?

Đúng lúc đó, nàng nhìn thấy anh ngồi ở bàn vẽ guốc, đồng thời cũng nhận ra Ngữ. Ánh đèn chiếu thẳng vào khuôn mặt Diễm, nên Ngữ thấy rõ nét mặt vui mừng của Diễm, ánh mắt sáng của Diễm. Ngữ nói:

– Ngô đang bận. Diễm để tôi ra khuân gạo vào cho.

Diễm cười, đáp:

– Bao gạo nặng lắm. Em phải ra giúp anh một tay.

Nói xong, Diễm đi ra phía trước cổng. Nàng đi đến chỗ bóng rợp của cây mít thì dừng lại chờ Ngữ tới. Sau khi liếc về phía cửa, Diễm nói nhỏ với Ngữ:

– Sao lâu quá anh không xuống? Hôn em đi.

Ngữ chỉ chờ có thế. Không giống với những lần trước, lần này Diễm chủ động tham lam hơn Ngữ, nhướn gót lên ôm Ngữ hôn, hai tay luồn vào áo Ngữ ve vuốt tấm lưng dài. Ngữ bắt chước Diễm thì Diễm cười khúc khích tránh xa ra, liếc nhìn về phía cửa sáng, nói nhỏ:

– Anh Ngô biết chuyện anh với em rồi đó, anh phải coi chừng.

– Sao em biết?

– Tại em quên không dẹp đôi dép Nhật em mua cho anh dạo nọ.

– Lâu rồi mà!

– Thì vậy. Ảnh về thấy đôi dép Nhật đâm nghi, nhưng không hỏi thẳng em. Hôm qua anh Ngô mới hỏi thẳng.

– Thật thế à? Sao tự nhiên Ngô hỏi thế?

– Em thúc giục ảnh cho em biết muốn đi với em không để em còn liệu. À, anh Ngô có cho anh biết chuyện em sắp đi không?

– Có. Còn lâu mà!

– Em đã đặt cọc tiền. Ngày mốt cúng. Họ bảo phải cúng để đóng cọc theo đó dựng sườn cho thẳng, ghe cân bằng khỏi bị lật. Em chẳng biết họ gọi là lễ gì. Chừng hai tháng thì đóng xong. Chạy giấy tờ, chừng tháng Tám đem ghe xuống Vũng tàu được rồi.

Ngữ nhắc:

– Nhưng sao tự nhiên Ngô hỏi em?

– Em cáu hỏi ảnh tại sao cứ ỡm ờ như vậy, không đi với ba mạ và em thì ở đây làm gì. Em nói cần ảnh đi theo để có đàn ông con trai bên phía lo bãi họ không lấn lướt. Ảnh hỏi tại sao không hỏi anh Ngữ. Ảnh nói anh cần đi hơn ảnh. Anh, anh đi với em không?

Ngữ không biết trả lời thế nào, hoãn binh:

– Mình ra vác gạo vào đã.

Diễm đi theo Ngữ, giọng nói pha trách móc, hờn dỗi:

– Sao anh không trả lời.

Ngữ đáp:

– Anh đi sao được. Tiền đâu mà đi. Với lại…

– Với lại chị Trang không cho anh đi với em phải không? Anh đem theo cả gia đình, qua bên đó trả tiền cho em cũng được.

Ngữ nhấc bao gạo đặt lên vai. Diễm ngăn lại:

– Khoan đã. Anh trả lời liền cho em đi. Em đóng ghe, được gọi bốn phần khách. Bên lo bãi được sáu phần, nghĩa là nếu ghe chở được một trăm người, thì phần em được bốn chục.

Ngữ nói:

– Quỳnh Trang không chịu đi với em đâu. Vì sao, em biết rồi! Với lại ông bà cụ còn ở đây chờ Quỳnh Như bảo lãnh đi Mỹ, Trang không chịu đi bây giờ đâu.

Giọng Diễm bắt đầu nóng nảy:

– Chị ấy không đi thì phải để cho anh đi chứ. Chẳng lẽ anh làm phu cyclo như thế này cho tới già à!

Ngữ vừa ngượng vừa bị chạm tự ái, đứng im mím môi không nói gì. Diễm nói:

– Anh cứ về hỏi chị Trang. Nếu chị ấy muốn ở lại với hai bác, và để cho anh dẫn cháu Bình đi, thì em cho đi không. Em không muốn thấy anh khổ. Anh về hỏi chị Trang ngay tối nay đi. Mai ghé đây cho em hay để em còn tính.

– Còn lâu mà. Vội gì!

– Không vội sao được. Biết lúc nào tụi nó chấm dứt vụ cho đi bán chính thức để mình nương theo đó lo lót đi chui mà chờ! Em hứa thưởng hai lạng nếu bên ụ họ chịu đóng xong ghe trước thời hạn cho em. Giấy tờ thì em tìm ra tuy-dô rồi, nhanh lắm.

Ngữ nhớ lời Lãng kể, nói với Diễm:

– Em nên cẩn thận. Tụi nó như dao hai lưỡi, đâm mình lúc nào không hay.

– Về chuyện đó, em am tường hơn anh, anh khỏi lo. Em đã ghé Thị nghè bảo Lãng từ mai qua cầu Rạch Ông thay em theo dõi họ đóng ghe. Tiền công hàng ngày em trả.

Càng nghe Diễm nói, Ngữ càng lúng túng, Ngữ nói:

– Em hiểu cho anh. Tất cả còn tùy ở Trang. Nếu Trang không thích…

Diễm giận dữ nói:

– Chị ấy không được ích kỷ, phải nghĩ tới tương lai anh.

Rồi đột nhiên, Diễm đổi sang giọng buồn rầu:

– Nhưng em có quyền gì đâu! Thôi, tùy ở anh. Anh ở lại đây ăn com với em không?

Ngữ đáp:

– Anh phải về thôi.

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 19

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây