Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàBài Viết NgắnPhê BìnhNgày xuân đọc thơ Huyền Không

Ngày xuân đọc thơ Huyền Không

Đã lâu lắm rồi, mùa xuân không còn gợi cho tôi nỗi náo nức chờ đợi như thời thơ ấu. Đã xa, cái thời “ngửi” được mùa xuân trong mùi những ngọn dâm bụt bị cắt xén ngay ngắn ở hàng dậu trước nhà từ đường, mùi lá tre góc vườn cháy âm ỉ sau khi vườn tược um tùm được dọn dẹp quang đãng, mùi cải nồng phơi nắng chuẩn bị làm dưa chua ăn với bánh chưng những ngày tết rộn rã. Đã xa, cảm giác hân hoan chờ mẹ mang áo mới về sau phiên chợ Tết. Đã xa, những đêm thao thức chờ người nhà mổ heo để giành cho được cái bong bóng rồi xát muối rửa sạch để làm quả bóng. Đã xa, những chiều cuối tháng Chạp ngồi bên mẹ thấp thỏm chờ những chiếc bánh thuẫn hư để thưởng thức trước hương vị ngày xuân.

Đến một tuổi nào đó, mùa xuân không còn mang ý nghĩa thiêng liêng nào nữa, chỉ còn những lo toan phải thanh tọán cho hết năm cũ, và những lo toan khác cho một năm sắp đến. Như một thời điểm phái kết toán một sổ nợ nần, lấy lòng tin cậy của người cho vay để bắt đầu vay tiếp những món nợ mới. Hưởng xuân (hay như người ta thường nói, thưởng xuân) hết là một quyền lợi, trở thành một bổn phận. Mà đã là một bổn phận, thì không được quyền thoái thác, không được quyền lựa chọn. Những món quà tương xứng với ân huệ mình nhận được nơi người, những tấm thiệp phải gửi đến những địa chỉ ghi theo thứ tự ưu tiên trước sau, những lời chúc tụng thích hợp với đối tượng…Biết bao nhiêu bổn phận phải làm từ khi đời sống mỗi ngày một tăng gia tốc, đến nỗi cơ hội duy nhất để người ta chứng tỏ còn nghĩ đến nhau là dịp gửi cho nhau những lời chúc tụng in sẵn.

Tôi biết khi lòng dửng dưng với mùa xuân, tôi đã thua thiệt lớn, mất mát nhiều. Được như Xuân Diệu ngày xưa, hãnh diện reo vui:

Xuân của đất trời nay mới đến;
Trong tôi, xuân đến đã lâu rồi;
Từ lúc yêu nhau, hoa nở mãi
Trong vườn thơm ngát của hồn tôi.

Được như Đoàn văn Cừ nao nức theo cảnh Tết:

…Anh hàng tranh kĩu kịt quảy đôi bồ
Tìm đến chỗ đông người ngồi dở bán.
Một thầy khóa gò lưng trên tấm phản,
Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân.
Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm,
Miệng nhầm đọc vài hàng câu đối đỏ.

Được như Nguyễn Bính rộn rã theo những đọt non của tuổi thơ :

…Từng đàn con trẻ chạy xun xoe.
Mưa tạnh, trời quang, nắng mới hoe.
Lá nõn, ngành non ai tráng bạc?
Gió về từng trận, gió bay đi…

Là được hưởng trọn vẹn mùa xuân của đất trời, rũ sạch trọn vẹn những ưu phiền của mùa đông cũ và hân hoan chờ đón hy vọng thơm tho của mùa xuân. Ranh giới của bốn mùa vốn đã nhoè vì thời tiết khí hậu nhiệt đới, với tôi, càng nhoè thêm lên vì những nỗi lo vụn vặt của đời sống hằng ngày, bất kể nắng mưa, bất kể thời tiết.

Trong nỗi dửng dưng lạnh lẽo ấy, một hôm tôi đọc được bốn câu thơ lạ của Thầy Huyền Không:

Ô hay xuân đến bao giờ nhỉ!
Nghe tiếng hoa khai bỗng giật mình.
Sáng nay thức dậy choàng thêm áo
Vũ trụ muôn đời vẫn mới tinh

Tôi vừa gọi “bốn câu thơ lạ”, vì hai điều bất ngờ.

Điều bất ngờ thứ nhất, là Huyền Không ngạc nhiên ngỡ ngàng vì mùa xuân đến lúc nào không hay biết. Có thật nhà thơ không biết mùa xuân đến hay không? Cứ lấy cái nghĩ bình thường của đời sống trần trụi, thì phải trả lời là nhà thơ phải biết chứ! Không biết sao được! Cây lá trong vườn chùa đâm chồi nẩy lộc, hoa trong vườn chùa ngát hương, các đoàn viên Gia đình Phật tử tập hát những bài xuân ca chuẩn bị đêm văn nghệ giao thừa, các chú tiểu quét dọn khuôn viên chùa, nhà bếp chuẩn bị ráo riết cho bữa cơm chay chờ đón số khách thập phương đông đảo hơn thường lệ…Nhà thơ hỏi: “Xuân đến bao giờ nhỉ” trong khi biết rõ “xuân của đất trời” đã đến, muốn lý giải cho “cùng kỳ lý” thì chỉ có hai cách: hoặc Huyền Không giả vờ như không biết mùa xuân đã đến, hoặc nhà thơ nói đến chữ “Xuân” không theo nghĩa thông thường là mùa đầu của bốn mùa trong năm.

Tôi chọn cách hiểu thứ hai, vì dựa vào ý nghĩa khác thường của câu thứ nhì:

Nghe tiếng hoa khai bỗng giật mình.

Nhà thơ kinh ngạc nhận biết mùa xuân đã đến, không qua cảm thụ của thị giác như Nguyễn Bính, như Đoàn văn Cừ, mà qua cảm thụ của thính giác. Nhà thơ không thấy xuân đến, mà nghe xuân đến. Âm thanh báo xuân trong trường hợp này cũng khác thường: không phải tiếng chim hót, tiếng pháo nổ, tiếng trẻ cười nô trong áo mới, tiếng chúc tụng…Không. Nhà thơ giật mình biết mùa xuân tới vì một thứ âm thanh không có âm thanh, tiếng những đóa hoa nở. Trong một khoảng không tâm tưởng mà biên giới giữa âm thanh và hình sắc, động và tĩnh, có và không, trước và sau…hết sức mờ nhạt, nhà thơ đột nhiên nghe thấy tiếng những đóa hoa đang nở. Từ mịt mờ vô biên, đột nhiên có thức tỉnh về dòng chuyển của cuộc sinh hóa. Sự thức tỉnh khác thường! Không phải cái thức tỉnh bẽ bàng của một Từ Thức về trần, khi ra khỏi cuộc phiêu lưu thấy cuộc đời chỉ còn phù du với phù du, cô đơn giữa một trần thế đã qua nhanh đến nỗi một thoáng tiên cảnh dài bằng ba đời dưới nhân gian. Cuối truyện Từ Thức trong Truyền Kỳ Mạn Lục, Từ Thức mặc áo cừu nhẹ, đội nón lá trắng, giong buồm ra biển và mất tích, nhân gian không biết ông lại trôi giạt về đâu. Sự tỉnh mộng của Từ Thức, nghĩ cho cùng chỉ là một cách rơi: rơi từ trên cao vô ưu xuống vực thẳm đa ưu, rơi từ hạnh phúc đoàn viên xuống cô quạnh tang thương. Thức tỉnh theo kiểu ấy chỉ thêm bẽ bàng. Thức tỉnh trong thơ Huyền Không là thức tỉnh ngược hướng Từ Thức, từ sự mông muội thoắt nhiên vươn đến tuệ giác.

Điều bất ngờ thứ hai là niềm hăm hở lên đường trong hai câu thơ cuối. Xin đọc lại lần nữa:

Sáng nay thức dậy choàng thêm áo
Vũ trụ muôn đời vẫn mới tinh.

Trọng tâm của hai câu thơ dồn vào ba tiếng cuối mỗi câu, phần đầu chỉ giữ vai trò chuyển ý.

Hành động “choàng thêm áo” có thể giải thích theo hai cách: phải choàng thêm áo vì bản thân nhà thơ cảm thấy cái lạnh của gió xuân, hoặc choàng thêm áo để chuẩn bị cho một hành trình mới. Cách giải thích thứ nhất không phù hợp với bản chất lạc quan của thức tỉnh trong phần đầu, nên tôi chọn lối lý giải thứ nhì: Nhà thơ chuẩn bị lên đường với một ý thức thông tuệ về cuộc sinh hóa. Nhờ hành trang ấy, nhà thơ giật mình thêm một lần nữa, “ô hay” thêm một lần nữa vì khám phá thấy vũ trụ trước mắt vẫn mới tinh y như vũ trụ những mùa xuân trước, y như vũ trụ những mùa xuân sau. Đúng là “xuân đến đã lâu rồi”, và “hoa nở mãi” trong thơ Huyền Không, Xuân Diệu ngày xưa tìm thấy điều đó bằng tình, Huyền Không tìm thấy điều đó do Đạo.

Điều bất ngờ thú vị cuối cùng, đến cho riêng tôi, sau khi đọc thơ Huyền Không, là hình như tôi đã hiểu vì sao lâu nay mình dửng dưng với mùa xuân. Xin cảm ơn nhà thơ, về món quà xuân quí giá.

Nguyễn Mộng Giác

Nguồn: Phật giáo Việt Nam số Tết 1998

   Số lần đọc: 10619

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây