Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàTruyền ThôngPhỏng VấnĐưa Sông Côn mùa lũ lên màn ảnh nhỏ

Đưa Sông Côn mùa lũ lên màn ảnh nhỏ

Mùa hè năm 2007, nhà văn Nguyễn Mộng Giác về nước và chuyển nhượng tác quyền bộ tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ cho Hãng Phim truyền hình Sài Gòn TFS với giá 70 triệu đồng. Theo tin từ Hãng phim TFS, hợp đồng ký với nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã được ký kết, khởi đầu cho dự án thực hiện bộ phim truyền hình lịch sử nhiều tập về nhân vật Quang Trung – Nguyễn Huệ, như trong tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ đã xây dựng.

Ông Việt Hùng, giám đốc Hãng phim TFS, cho biết: hiện nay bản quyền bộ tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ đã được TFS hoàn tất thủ tục đăng ký với Cục Bản quyền tác phẩm văn học nghệ thuật VN, và đạo diễn Quốc Hưng được giao chuyển thể thành kịch bản phim và đạo diễn để thực hiện bộ phim này. Đạo diễn Quốc Hưng cho biết: “Đây là công việc trong tương lai, tôi rất hào hứng khi bắt tay vào chuyển thể tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ thành kịch bản cho bộ phim sắp tới, mặc dù công việc này ước lượng phải mất tròm trèm một năm.”

 

Hỏi: Từ Ngọn nến hoàng cung, anh có thể áp dụng kinh nghiệm gì để làm SCML?

Nguyễn Quốc Hưng (NQH): Ngọn nến hoàng cung dựa trên một cái cốt chắc là kịch bản của Lê Nhị Hà – người cày xới nhiều mảng tư liệu lịch sử triều Nguyễn. Nhưng mỗi phim là một cá thể, tuy nhìn về tổng thể, phim đề tài lịch sử đều có những điểm thuận lợi chung. Thành thật mà nói, tôi là người ngại đọc tiểu thuyết lịch sử của ta, đơn giản vì cho đến lúc này, văn học nước ta rất hiếm tiểu thuyết lịch sử hay.

Tôi tìm đọc SCML khi đã được tái bản lần 2. Đọc vì tò mò muốn biết một người Việt xa quê lâu năm viết, nhìn nhận lịch sử nước nhà thế nào, tác phẩm phải được viết như thế nào đó mới được đồng ý cho ấn hành trong nước. Sau này tìm hiểu, tôi được biết Nguyễn Mộng Giác viết SCML trong bốn năm 1978-1981 tại VN.

Với 2.000 trang in, SCML thật đồ sộ! Càng đọc, tôi càng bị cuốn hút bởi kiến văn rộng của người viết! Là một tiểu thuyết lịch sử nhưng SCML không mắc một lỗi rất phổ thông là minh họa lịch sử, mà rất giàu chất tiểu thuyết, được viết phóng khoáng với bút lực mạnh mẽ.

Hỏi: Nhưng đây cũng sẽ chính là điểm khó cho anh khi chuyển thể từ tiểu thuyết sang kịch bản phim?

NQH: Tiểu thuyết chuyển thể sang KB phim là một thứ ngôn ngữ khác rồi! Làm phim, tất nhiên không là bê nguyên xi tiểu thuyết vào phim. Tôi sẽ chỉ chọn một đường dây, một nét nào đó của tiểu thuyết. Nhưng vẫn sẽ bảo đảm ý đồ tư tưởng của tiểu thuyết. Tên phim thì tôi lấy nguyên xi từ tên tác phẩm. Sông Côn mùa lũ, một cái tên thật giàu hình ảnh, đầy sức gợi cảm!

Hỏi: Điều dư luận quan tâm là hình ảnh Quang Trung Nguyễn Huệ sẽ được xây dựng ra sao?

NQH- Người ta thường biết đến Nguyễn Huệ là một nhà quân sự tài ba. Trong tiểu thuyết SCML, Nguyễn Huệ được nhìn cả dưới góc độ một nhà chính trị, một Nguyễn Huệ trong đời thường gần gũi, bình dị. SCML không đi sâu vào các trận đánh, chiến tích của Vua Quang Trung mà đi sâu vào số phận con người. Theo tôi, điểm nổi trội của tiểu thuyết SCML chính là mảng thế sự – những biến động của lịch sử đã ảnh hưởng tới từng cá nhân, đời sống con người và thái độ của người dân đối với lịch sử.

Nếu sự kiện lịch sử là xương cốt thì mảng thế sự là thịt da của câu chuyện. Theo tôi, giá trị của tiểu thuyết chính là ở chỗ này. Trong tất cả các nhân vật, nổi lên nhân vật cô An, xuyên suốt tác phẩm. Tôi đang rất “đau đầu” với nhân vật này – trước hết là tìm đâu ra một nữ diễn viên đủ sức đảm đương được nhân vật An.

Hỏi: Anh nổi tiếng trong giới làm phim truyền hình TPHCM ở chỗ kỹ lưỡng và kỹ tính. Vậy, bao giờ thì khán giả có thể xem phim SCML?

NQH– Tiểu thuyết SCML đã được nhà văn Nguyễn Mộng Giác đồng ý bán bản quyền cho TFS để chuyển thể làm phim. TFS cũng đã hoàn tất thủ tục đăng ký với Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật. Thật ra thì cũng cần phải chuẩn bị nhiều, hội tụ nhiều điều mới làm nên một bộ phim truyền hình lịch sử.

Riêng phần kịch bản, tôi dành thời gian chắc phải hơn một năm. SCML là một trong những công trình lớn của TFS. Đưa vào sản xuất là trách nhiệm của TFS với sự đầu tư thích hợp.

Hỏi: Xin chúc anh thành công!

Thùy Ân
(Lao Động số 130 Ngày 08/06/2007)

(trích  http://damau.org/archives/4857 )

   Số lần đọc: 3642

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây