Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Qua Cầu Gió Bay

(truyện dài Qua Cầu Gió Bay  – Phần I)

1

Ba lớp kẽm gai tạo thành một màng sương mờ làm nhạt nhòa cảnh vật phía bên ngoài . Tuy vậy, hướng tầm mắt chênh chếch lên trời người ta vẫn thấy chân núi nước chảy xoi lở đây đó, giống như vết loét trên một thân thể xanh xao. Những tảng đá xám tiếp nối, chồng chất chen nhau trèo lên đỉnh núi . Cây lá đã ngã sang màu xanh thẫm và càng về phía trên, màu xanh càng lấp đầy những khoảng đã xám và vệt suối cong veo đỏ sẫm. Gần đến chót vót, những tảng mây từng đụn giăng ngang, lướt nhanh theo cơn gió thổi . Còn đỉnh núi cứ vươn mãi lên, ngóng ra xa. Cả bầu trời bàng bạc mầu mây nặng trĩu một nỗi u uất vì tất cả chỉ là hoài vọng hão, tiếc thương hờ : đá không trèo lên được một bước, cây cối dính chặt vào sườn non, mây không bám vào được một chỗ định, còn đỉnh cao cứ với mãi không tới được đỉnh trời.

Phía nam là bãi tập trực thăng vận của Trung tâm huấn luyện bộ binh, cách một khoảng sình lầy cỏ mọc từng khóm. Mặt nước phản chiếu sắc trời, trông giống như một tấm gương cũ nước thủy đã lở lấm tấm vài chỗ . Mây vẫn bay đều dưới ấy, đôi lúc lấp đầy cả khoảng sâu hun hút, thăm thẳm. Bên kia vực sáng, mấy chiếc trực thăng cũ, làm học cụ đổ bộ cho tân binh nằm trơ trọi giữa khoảng đất đầy cỏ bị dày nát đến héo úa.

Thân trực thăng lỗ chỗ dấu đạn, gương buồn lái vỡ, còn cánh thì cong queo hay bị vặn dứt tận chuôi.

Con đường cái quan chạy dài về phương nam tấp nập xe cộ . Từng cặp binh sĩ đèo nhau trên xe Honda rú ga phóng nhanh. Xe chở đất loại khổng lồ của hãng RMK nghênh ngang giữa lộ, ép sát mấy người hái củi vào bờ cỏ. Cơn gió cuộn bụi đỏ sau xe phần phật, dán bộ áo đen lên trên những thân thể còm cõi, giật ngược chiếc nón lá trật ra phía những vòng thép gai rỉ sét.

Trong trại, không khí thực vắng vẻ. Dường như không có lấy một tiếng động. Tiếng sấm gâm gầm gừ đâu tự phương trời xa, vọng qua thung lũng phía nam, rì rầm thoang thoảng đến đây Có lẽ trời sắp mưa, khi mỗi lúc các đụn mây xám mỗ tụ hội, đen cả một góc trời. Đỉnh trời hạ thấp , gần như muốn đụng mười mấy mái tôn của nhà tiền chế.

Trừ vài ba người lính đi lại, suốt ba khu A – B và C đều lặng lẽ đến độ ngột ngạt Trên các vọng canh, bây giờ nổi hẳn trên nền trời, mấy người lính cầm súng chỉa xuống dưới, bất động như các pho tượng đen. Lúc trời đã chuyển tốí, mấy choá đèn rải rác đây đó bật sáng lên, người ta mới thấy rõ quang cảnh bên trong . Trên những sân hẹp bao quanh bằng dây thép gai, cạnh từng ngôi nhà tiền chế, là những hình chữ nhật nâu bằng nhau. Những hình chữ nhật này yên lặng lúc mới thoạt nhìn, nhưng đồng thời, người ta có cảm tưởng bề mặt đang lăn tăn, lượn lờ uốn khúc như mặt nước gợn .

Trên đài canh trung ương, tiếng loa phóng thanh nói lớn :

– Thiếu tá chỉ huy trưởng trại giam khuyến cáo lần chót: Tất cả tù binh phải vào trong trại của mình. Thiêù tả chi huy trưởng nhắc lại lần chót: Tất cả tù binh phải về ngồi trong các nhà tiền chế . Trời sắp mưa , nhân viên và y sĩ bệnh xá không chịu trách nhiệm vế tính mệnh những người bệnh nặng cần tĩnh dưỡng nơi khô ráo, kín gió. Tôi nhắc lại . Thiếu tá chỉ huy trưởng khuyến cáo lần chót Tất cả tù binh phải về trại ngay.

Dừng một lúc, tiếng loa nhắc lại lời| khuyến cáo, rồi thêm :

– Thiếu tá chỉ huy trưởng sẵn sàng gặp đại diện các trại A, B và C để tìm hiểu nguyện vọng tù binh cả ba trai. Thiếu tá chỉ huy trưởng mời tù binh số 61.4257, thuộc trại C lên văn phòng có việc gấp .

Đây đó bắt đầu nổi lên những tiếng lao xao. Các hình chữ nhật nâu xô lệch. Mặt sóng càng gập ghềnh. Đầu tiên,vài tù nhân phụ nữ dìu hai bên nách để đưa các con bệnh nặng vào dưới mái tôn, Mưa bắt đầu nhỏ giọt, mùi hơi đất đã xông ngào ngạt không gian, số người sợ mưa nhân dịp bước theo. Hàng ngũ rã dần . Tiếng nói chuyện lao xao càng to hơn, chen lấn tiếng cãi vả, la hét. Loa trên chòi cao vọng xuống :

– Thiếu tá chỉ huy trưởng ghi nhận tinh thần thông cảm, hiểu biết của anh chị em (đã tự ý vào trại để chờ giải quyết ổn thỏa vấn đề). Tất cả mọi người im lặng. Thiếu tá chỉ huy trưởng sẵn sàng tiếp đại diện các trại A, B và C ngay bây giờ.

Khi cơn mưa trút xuống, nặng nề, đám người áo nâu ểu oải mệt nhọc trước sân trại C mới vào trong nhà hết.

Đây là trại dành riêng cho tù binh tàn phế. Bốn dãy nhà tôn cất song song dọc theo chân núi, hai dãy dành cho nam tù binh, hai dãy dành cho phái nữ. Vài người bị cụt một chân, ống quần dài nâu bỏ thõng đưa qua đưa lại theo nhịp tiến của đôi nạng gỗ. Những người bị mù vịn vai bạn, sờ soạng, dọ dẫm từng bước. Chỉ có những tù binh cụt tay hay bị bệnh tâm trí nhẹ là còn đủ nhanh nhẹn bình thường. Sau lưng, trước ngực hoặc dưới hai đầu gối quần nâu, hai chữ T. B. to nét kẽ bằng sơn trắng khiến lúc đám đông di chuyển, có tiếng quần áo sột soạt đều đặn.

Tránh được cơn mưa vừa đổ xuống mọi người quên chốc lát không khí oi bức căng thẳng ban đầu, trò chuyện vu vơ về con thác đổ từ triền núi xuống vũng lầy bên này bãi tập trực thăng vận. Nước mưa gõ nhịp trên mái tôn, làm át tiếng lao xao. Một người gắt :

– Sao lại phủi bụi lên đầu người ta ?

Người nữ tù binh vô ý trả lời :

– Xin lỗi. Ai bảo chị ngồi ngay giữa lối đi. Sao không vào giường ?

– Đã xong đâu ! Chưa chi các chị đã sợ mưa ướt.

– Thấy người ta vào trước tôi mới đi theo. Không vào, chẳng lẽ để mấy chị bị thương hàn, ho lao dầm nước mưa sao ?

Người đối thoại yên lặng, nhìn bâng quơ về phía con đường cái quan. Đầu cuối nhà, có tiếng gọi lớn :

– Chị Vi đâu? Chị Vi? Sao không lên gặp cha Thiếu tá trưởng trại? Vừa lúc đó máy phóng thanh cũng gọi:

– Tù binh số 61.4257, lên phòng hành chánh gặp Thiếu tá gấp. Tiểu đội 2 liên lạc với các trại, hướng dẫn đại diện lên phòng hành chánh gấp.

Nhiều người ngay sau khi nghe tiếng loa nhao nhao hỏi:

– Chị Vi đâu? Ai thấy chị Vi đâu không?

Người nữ tù mặc áo nâu và quần đen ngồi nhìn mưa phía chái trên từ từ quay mặt về phía ánh sáng, rồi Vi bước hẳn vào trong. Mọi người nhận ra sự hiện diện của chị đại diện, không còn lao xao nữa. Vài đám ngồi khuất phía xa định tiếp tục câu chuyện bỏ dở, nhưng kịp dừng lại khi nghe cả phòng suỵt phản đối. Vi hỏi lớn:

– Bây giờ chị em định bảo tôi làm gì?

Có người nói lớn trả lời:

– Chính chị hiểu rõ câu chuyện từ đầu. Chị phải biết nên làm gì chớ.

– Y sĩ Trung úy chỉ nhờ tôi giải thích cho toàn thể chị em. Tôi không dám quả quyết họ nói thực hay dối. Còn những điều Y sĩ trưởng nói ra, xúc phạm danh dự toàn trại, thì chị em đã biết cả rồi. Đấy, tôi có hiểu gì hơn các chị đâu!

– Chị cứ lên xem lão Thiếu tá muốn gì.

– Nhưng các chị phải cho ý kiến, tôi mới trình bày ý muốn trại C được chớ!

Một người nói, rụt rè :

– Tôi thấy chuyện cũng chẳng có gì: Mình như con cá trên thớt của họ mà.

Nhiều tiếng nhao nhao phản đối:

– Sao không có gì? Chị có phải là kẻ hèn nhát không? Ông ta là cái gì mà quát tháo, hằn học với tất cả mọi người.

Vừa lúc đó hai người lính tiến về phía cửa dây thép gai. Một người bấm đèn pin soi đường, một người lăm lăm khẩu súng. Vi nói vội với đám đông:

– Thôi, bây giờ tôi lên trên đó đã. Nếu đại diện hai trại A – B đồng ý điều gì, mình phải phục tùng đa số. Gặp trường hợp trái ngược ý kiến chị em trại C, tôi sẽ về trình bày lại.

Lúc người nữ tù ra tới cửa, trong nhà vẫn còn nhiều tiếng lao xao bất đồng ý kiến. Người quân cảnh chiếu đèn pin vào mặt Vi nhận diện khá lâu, rồi một người bấm đèn dẫn đường; người cầm súng đi sau áp giải.

   Số lần đọc: 15119

Tác Phẩm

BÀI KỀ

Bài tiếp theo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây