Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàBài Viết NgắnTiểu Luận & Tùy BútKhả năng và triển vọng của văn học hải ngoại

Khả năng và triển vọng của văn học hải ngoại

Bài này đăng lần đầu tiên trên Thế Kỷ 21 – Bộ 1 – Số 1 – Ngày 1 tháng 5 năm 1989, sau xuất hiện trong tập tiểu luận Nghĩ về văn học hải ngoại do Văn Mới xuất bản năm 2004 tại California, USA.

Tháng 11-1985, hội nghị về văn học thế giới tổ chức tại đại học George Mason lấy chủ đề thảo luận là “Văn chương lưu đày”. Tại hội nghị này, giáo sư Nguyễn Ngọc Bích có đọc bài tham luận mà vị nữ diễn giả lên diễn đàn sau giáo sư Bích cho rằng giáo sư đã trình bày về một nền văn chương lưu đày thực sự, còn bà thì chỉ trình bày sự lưu đày trong tâm trí của một tác giả Pháp mà thôi. (Ngày Nay, Houston số 142, 15-8-87).

Cách phân biệt lưu đày thực sự và lưu đày trong tâm trí từ lâu đã được các nhà phê bình và nghiên cứu văn học quan tâm, nói trắng ra là có một chút kỳ thị. Giữa những nhà văn bị đàn áp, tù đày, bị tước bỏ quyền sống và quyền viết ở tại tổ quốc đến nỗi phải đành đoạn bỏ nước ra đi như Solzhenitsyn, Kundera, Gordimer… thì cuộc sống lưu đày không phải là một bữa tiệc như thế hệ những nhà văn Mỹ tự ý lưu vong ở Âu châu như Henry Miller, Ernest Hemingway. Nhan đề cuốn sách “Paris là một bữa tiệc” của nhà văn Mỹ E.Hemingway, đối với những nhà văn Nga và Ðông Âu lưu vong ở Paris, chẳng khác nào một sự mỉa mai đối với họ. Một cách làm dáng, như các cậu ấm cô chiêu chán cuộc sống nhung lụa vào cuối tuần đi cắm trại ở một vùng thôn quê hẻo lánh để nếm mùi gió sương. Một bận Milan Kundera nổi giận chê nền văn chương tư tưởng Âu Tây nông cạn thiếu máu vì không còn bận tâm đến những vấn đề trọng đại của lịch sử và con người, một nền văn chương tư tưởng vụ hình thức, và quả quyết rằng tâm điểm của văn học tư tưởng thế giới đã dời về vùng Mỹ châu La tinh và Ðông Âu. Trong không khí chung ấy, rõ ràng hai chữ lưu đày, lưu vong mang một ý nghĩa sâu sắc, hàm chứa một giá trị nhân bản. Văn chương lưu đày, theo suy nghĩ của những văn hào như Nadine Gordimer (Nam Phi), Milan Kundera (Tiệp khắc), Alexander Solzhenitsyn (Nga) trở thành tiếng nói của lương tâm, trở thành sự phản kháng quyết liệt đối với mọi chế độ đàn áp tư tưởng, phủ nhận quyền sốngcủa con người.

Lúc giáo sư Nguyễn Ngọc Bích đọc bài tham luận “Văn chương lưu đày của người Việt” năm 1985, có lẽ giáo sư dùng chữ “lưu đày” mà không có chút e ngại hay mặc cảm nào, ngược lại có thể dùng chữ đó với đôi chút hãnh diện, như muốn nói với cử tọa quốc tế rằng văn nghệ sĩ, trí thức tị nạn cộng sản Việt Nam không hề vì lưu vong mà bẻ bút, họ gặp khó khăn hội nhập nhưng vẫn tiếp tục lên tiếng tranh đấu cho tự do, cho nhân quyền.

Thế rồi dần dà chữ “lưu vong” mất dần trong ngôn ngữ chính thức của cộng đồng người Việt tị nạn. Nói gì thì nói, lưu vong, nghe vẫn có vẻ thê thảm, tuyệt vọng thế nào! Nó chỉ đúng với thời kỳ đầu, thời Thanh Nam viết Khúc ngâm trên đất tạm dung:

Ta như giông bão tan rồi hợp
Trôi giạt còn hơn sóng đại dương
“Lận đận bên trời chung một lứa..”
Say càng chua xót, tỉnh càng thương.
Tháng năm xa mãi thời hoa mộng
Râu tóc thêm gần với tuyết sương
Trên đất tạm dung, đời tạm trú
Còn gì ngoài mối hận mênh mang.

Thời Cao Tần đặt ra những câu hỏi:

Sàn gác trọ những tâm hồn bão nổi
Những hào hùng uất hận gối lên nhau
Kẻ thức tỉnh ngu ngơ nhìn nắng mới
“Ta làm gì cho hết nửa đời sau?”

Nhưng cái chết tuyệt vọng thê thảm của chữ “lưu vong” lại không đúng với thơ truyện một lớp cây bút vượt biên sang sau, phần lớn những người này biết sẽ làm gì trong phần đời còn lại của mình, thành công hay không chưa biết, nhưng không đến nỗi lạc lõng hoang mang như tâm trạng lưu vong trong thơ Thanh Nam và Cao Tần.

Nhiều cây bút cũ đã viết từ trước 1975 ở Việt Nam sang xứ người vẫn tiếp tục viết. Một lớp những cây bút mới xuất hiện đông đảo. Sinh hoạt văn chương ở những nước ngoài Việt Nam của người Việt tị nạn ngày càng mạnh, cả lượng lẫn phẩm. Một vài phong trào chính trị thổi được luồng sinh khí vào văn thơ, chất tự tín gia tăng trong từng hàng chữ, từng trang báo.

Ðã có người đặt thẳng vấn đề: có nên dùng chữ “văn học lưu vong” nữa hay không? Năm 1987, nhà thơ Ðỗ Quí Toàn trong một bức tâm thư gửi cho nhiều văn hữu đề nghị phải dùng những chữ “văn học chính thống” thay thế cho “văn chương lưu vong”, vì theo lý luận của nhà thơ, chỉ có loại văn chương bị Ðảng và Nhà nước kềm kẹp không được phép nói lên sự thực của thân phận đất nước và dân tộc ở quốc nội hiện nay mới đáng bị gọi là “lưu vong”. Chữ “lưu vong” ở đây theo cách diễn tả ý tưởng của nhà thơ Ðỗ Quí Toàn, có lẽ rất gần với chữ “vong thân”. Nghĩa là có nghĩa xấu.

Cho tới gần đây, qua những bài điểm sách hoặc tổng kết sinh hoạt văn học năm 1988, nhiều nhà phê bình dường như đã chọn một giải pháp trung dung: thay vì tỏ thái độ lạc quan hay bi quan về nền văn chương đang thành hình và phát triển ở bên ngoài Việt Nam, thay vì dùng những chữ “lưu đày”, “lưu vong” hay “chính thống” đặt sau chữ “văn học”, “văn chương” để xác định quan điểm của mình, người ta dùng một thuộc từ vô thưởng vô phạt, căn cứ vào phạm vi địa lý. Bùi Vĩnh Phúc trên Văn Học số 30 (tháng 7, 1988) dùng chữ “văn chương ngoài nước”. Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích trong bài “Một năm văn học nở rộ: Tiểu thuyết” (Văn Học số Tết Kỷ Tỵ) dùng chữ “văn học Việt Nam hải ngoại”. Theo tôi, cứ “ba phải” như thế mà lại “phải chăng”. Khả năng và triển vọng của nền văn chương này còn là một câu hỏi, sớm khóc thương cho nó hoặc sớm tung hô nó, sợ sau này đọc lại không ổn.

Thử tìm một bước ngoặc.

Phải, lớp đầu tiên di tản ra nước ngoài sau 30-4-75, trong hoàn cảnh và tâm trạng ê chề lúc đó, chẳng những khóc thương cho cuộc đời mình mà còn khóc thương cả đam mê viết lách của mình, không dám mơ ước có ngày lại được tham gia vào một sinh hoạt văn học đông vui như ngày hôm nay.

Tôi còn nhớ vào những ngày hạ tuần tháng 4-1975, trước khi đi theo nhân viên đài Mẹ Việt Nam ra Phú Quốc để sẵn sàng di tản sang Mỹ nếu Sài Gòn thất thủ, nhà văn Võ Phiến có đến chỗ tôi làm việc để giã biệt, tặng tôi cả tủ sách quí giá của ông và gửi giữ hộ một số bản thảo đã đăng báo nhưng chưa xuất bản thành sách. Lúc chia tay, tôi thấy mắt ông rưng rưng xúc động. Ông nói thôi từ nay không còn viết lách gì nữa, chỉ mong những bản thảo này nếu về sau có cơ hội, ông nhờ tôi phổ biến hộ, để thất lạc quá uổng. Tôi hiểu được tâm trạng chán nản của nhà văn đàn anh tôi tôn kính, nhưng không hiểu ông nghĩ thế nào mà còn hy vọng tôi có thể in ra và phổ biến những bản thảo của ông, dưới chế độ cộng sản mà ông đã biết quá rõ. (Về sau này, tháng 10 năm 1976 lúc tôi bị bắt lần đầu và nhà bị công an đến khám xét, các bản thảo ấy một phần bị tịch thu mang đi, một phần bị vợ tôi sợ quá đem giấu hoặc đốt nên thất lạc).

Phần những người ở lại thì sợ hãi trước chính sách khủng bố văn nghệ sĩ Miền Nam, không viết lách gì được đã đành. Những người cầm bút ra đi an toàn năm 1975, trong cuộc đổi đời khủng khiếp ấy, lo chuyện nơi ăn chốn ở và chuyện mưu sinh đã đủ mệt, nói gì tới viết lách. Mà viết gì bây giờ? Việt Nam Cộng hòa sụp đổ chỉ trong vòng 55 ngày, thất bại trong tủi nhục vì sự vô trách nhiệm và hèn nhát của cấp lãnh đạo, nên cuộc đời ai nấy đều đầy dẫy những ân hận, tiếc nuối. Chính sách ban đầu của các nước đệ tam, như ở Hoa Kỳ, là phân tán mỏng những người tị nạn Việt. Hơn 150.000 người “di tản buồn” bị rải tứ tán khắp nơi theo các hội từ thiện bảo trợ, vừa ra khỏi các trại là phải đi làm việc ngay, có người bán xăng ở các tiểu bang lạnh lẽo hẻo lánh, có người hái trái cây ở các nông trại. Ðời mình coi như bỏ, ngất ngư vì áo cơm:

Thiên đàng mày hụt thì tao đang sống
Cũng ngất ngư đời như… con củ khoai.

(Thơ Cao Tần )

Ai cũng chỉ còn hy vọng cho đời con cái, thắc thỏm lo con cái không nghe nói hiểu được tiếng ngoại quốc. Hồi đó chưa ai lo con quên tiếng Việt, chỉ lo con không thông tiếng Mỹ, tiếng Pháp…

Giữa cảnh sống và tâm trạng ấy, văn học hải ngoại chết lịm suốt thời gian ba bốn năm đầu không có gì là lạ. Báo chí Việt, băng nhạc Việt được tiêu thụ mạnh thời gian đầu chưa phải là dấu hiệu tích cực. Ðó chỉ là những bám víu, vồ vập vào kỷ niệm trong hoàn cảnh sống xa lạ, tự thấy mình bị chìm trong một nền văn hóa khác, nếp sống khác. Một số tác phẩm thành hình trong giai đoạn này như Thư gửi bạn của Võ Phiến, Thơ Cao Tần của Cao Tần, Ðất Khách của Thanh Nam đều là ghi nhận bằng văn chương của tâm trạng chung thời kỳ này.

Lớp nhà văn di tản 1975 nói về lượng cũng khá đông, họ cũng cố gắng tập hợp tiếp nối một sinh hoạt bị dở dang vì thời thế. Nhưng, như nhà văn Võ Phiến nhận định trong bài “Ghi nhận về văn chương lưu vong” (Ngày Nay số 142, 15-8-87):

“Sự cố gắng ấy cũng chẳng lớn lao mấy. Sau cuộc đổi đời, một lớp người não nề thấy rõ. Các tác giả trong nhóm Quan Ðiểm từ chối tiếp tục, có viết chăng là thỉnh thoảng một bài thơ gửi cho tờ báo bạn, hay một cuốn sách luận về kinh, về đạo, thế thôi.

Lớp trẻ hơn cũng không hẳn viết lách suông sẻ. Lê Tất Ðiều, Viên Linh, Túy Hồng, Trùng Dương… có lúc hoạt động hăng hái, có lúc tự dưng im bặt. Nhiều vị khác đứng ra chủ trương những tờ báo để phát huy sinh hoạt văn học, phát huy các tài năng mới, còn tự mình thì cũng chỉ lai rai một vài bài thơ, lâu lâu một thiên hồi ký. Văn nghiệp sau 1975 của họ không có gì đáng kể, phần chính vẫn thuộc về thời kỳ trước.”

Nhà văn Võ Phiến tự họa và đồng thời cũng nói giúp cho các văn hữu cùng di tản đợt đầu với ông. Khác với tâm sự tuyệt vọng lúc ông chia tay với tôi ở Sài Gòn, qua Hoa Kỳ ông cũng cố gắng duy trì sinh hoạt cũ. Ông viết tùy bút, truyện dài, hợp tác với nhà văn Lê Tất Ðiều cho xuất bản tạp chí Văn Học Nghệ Thuật. Nhà văn Thanh Nam thì chủ trương tờ Ðất Mới ở Seattle. Nhà thơ Viên Linh thì tái tục Thời Tập ở Washington D.C. Cũng ở Washington D.C. xuất hiện tờ Việt Chiến do nhóm những người trẻ tích cực gồm Hoàng Xuân Sơn, Ngô Vương Toại, Giang Hữu Tuyên. Nhà thơ Du Tử Lê chủ trương Nhân Chứng. Trừ Ðất Mới được chính quyền trợ cấp theo chương trình xã hội dành cho tị nạn nên sống dai, các tạp chí văn học khác đều vắn số. Dấu chữ Việt chưa có, công in cao, sách báo bày bán với nước mắm hột vịt, hàng có đưa giao mà tiền không thu về được, tình trạng chung thường thê thảm. Phải chờ đến khi phong trào vượt biển trở thành vấn đề thời sự làm xúc động lương tâm cả thế giới, thì mới có biến chuyển lớn trong tâm trạng người cầm bút lẫn tâm trạng độc giả. Cuộc vượt biển vĩ đại và bi thương chưa từng có trong lịch sử Việt Nam phơi bày cho thế giới thấy thực chất của chế độ đang cầm quyền tại Việt Nam. Cuộc di tản năm 1975 lâu nay vẫn bị xem như một cuộc tháo chạy thoát thân, với nhiều mặc cảm nặng nề tiếp theo, nhờ vụ vượt biển từ 1979 trở đi, trở thành một cuộc đi tìm tự do, một quyết định sáng suốt. Số người vượt biển ngày càng nhiều, trong đó có nhiều nhà văn nhà thơ có kinh nghiệm sống dưới chế độ cộng sản sau 1975. Họ biết rõ vì sao mình ra đi, và nếu đi thoát được, lớp thuyền nhân đi sau cũng biết rõ mình phải làm gì.

Có thể nói lớp vượt biển sau tuy hành trình đi tìm tự do gian nan nguy hiểm hơn lớp di tản 1975, nhưng khi được định cư, họ có nhiều may mắn hơn lớp trước. Họ sang vào lúc những người Việt sống tứ tán khắp nơi đã tập trung lại thành cộng đồng, các cơ sở kinh doanh buôn bán của người Việt đã mọc lên và phát triển nhanh. Thảm cảnh vượt biển làm rúng động thế giới, nên qui chế trợ cấp xã hội và huấn nghệ ở các nước đệ tam tỏ ra dễ dàng, dành nhiều ưu tiên cho người tị nạn. Số người đọc tăng, số người viết tăng, báo chí Việt ngữ phát triển, do đó từ 1979 đến khoảng 1981, tuy số lượng sách Việt xuất bản hằng năm còn ít, nhưng rõ ràng đây là thời kỳ chuyển mạch thuận lợi để văn học Việt Nam hải ngoại bắt đầu phồn thịnh từ 1982 cho tới nay.

Khả năng và hạn chế.

Trong một cuộc mạn đàm với anh chị em trẻ lớp báo chí do nhật báo Người Việt tổ chức mùa hè năm 1988 vừa qua, cao hứng tôi có ví von so sánh văn học Việt Nam hải ngoại với một chiếc xe hơi máy tốt khoẻ nhưng không có giấy bảo hiểm.

So sánh như vậy có hơi sơ sài tùy tiện, nhưng sẵn cơ hội này tôi muốn khai triển câu ví von ra cặn kẽ hơn, tìm hiểu phần nào các khả năng và triển vọng của văn chương hải ngoại sau 14 năm hình thành và phát triển, cũng như nhận diện các hạn chế của nền văn chương ấy.

Chưa cần tỉ mỉ ngồi thống kê, chỉ lướt qua một số hiện tượng, chúng ta đã thấy văn chương hải ngoại hiện nay có nhiều dấu hiệu “tốt, khoẻ” đáng mừng.

Cách đây hơn hai năm, anh Bùi Bảo Trúc nhận trách nhiệm bài vở cho mục Ðiểm sách Việt hải ngoại của Ðài Phát thanh Việt ngữ Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA). Nhận trách nhiệm mới, anh Trúc không ngại công phu đọc sách và điểm sách hằng tuần, mà chỉ ngại không có sách Việt đủ giá trị để giới thiệu cho 60 triệu thính giả ở quê nhà qua làn sóng điện đài VOA. Thế mà chương trình đó kéo dài trên hai năm, chưa kể chương trình đọc truyện ngắn hải ngoại của đài BBC. Trên hai năm qua, anh Trúc đã điểm hơn 100 cuốn sách Việt xuất bản ngoài nước Việt Nam, nhiều đồng bào sang sau chưa đặt chân lên đất mới đã biết rõ những tác giả nào ở hải ngoại đang được mến chuộng, cuốn sách nào được nhắc nhở nhiều lần hoặc đã gây tranh luận sôi nổi. Có trường hợp người sang sau lại sành sõi sinh hoạt văn học hải ngoại hơn người đã ở hải ngoại từ lâu.

Tầm mức hoạt động và ảnh hưởng của nền văn học này là một thực tế không thể làm ngơ được, trở thành một đối tượng cần phải theo dõi và đối phó của chính quyền Hà nội và các cơ quan ngoại vi ở nước ngoài. Một thế hệ người viết trẻ xuất hiện, ngay từ tác phẩm đầu tay đã tỏ ra già dặn lão luyện. Các nhà xuất bản đã tự đứng được tuy còn chật vật, số lượng in tăng lên, các nhà sách kèm theo phát hành băng nhạc và vidéo mở ra khắp nơi, tránh cho người cầm bút cảnh bẽ bàng thấy tác phẩm của mình bày ở nơi chợ búa ô hợp. Khác với các bộ môn văn nghệ khác như kịch nghệ, điện ảnh, âm nhạc, hội họa… bị dậm chân tại chỗ hay chết mòn theo thời gian, văn học hải ngoại là bộ môn duy nhất tỏ ra còn sung sức, chạy tốt, chạy khoẻ. Ðâu là nguyên do của thực tế đáng mừng ấy?

* Về phía người viết:


Phải công nhận người cầm bút hiện nay ở hải ngoại có quá nhiều chất liệu để sáng tác. Chưa có giai đoạn nào trong lịch sử Việt Nam hiện đại có nhiều biến động như giai đoạn này. Hãy thử đọc lại tiểu thuyết thời Tự Lực Văn đoàn. Không khí xã hội và tâm tình thời bấy giờ, tuy có biến động, nhưng là những biến động nhỏ. Nhà văn, cả nhân vật truyện, chỉ mới phải đối phó với những vấn đề nhỏ. Chuyện mẹ chồng nàng dâu. Chuyện cường hào ác bá. Chuyện cổ tục lỗi thời. Chuyện ho lao thất tình. Quá lắm cũng có những người dám quyết định thoát ly, nhưng quyết định đó cũng êm ả thoải mái quá. Ðó là những vấn đề của thời bình, những đau buồn sướng vui của thời bình.

Ngược lại, cuộc đời những người cầm bút hiện nay tại hải ngoại dữ dội, sóng gió biết bao nhiêu!Không cần tưởng tượng thêm thắt, nhiều người chỉ cần kể lại cuộc đời họ đã đủ thành một cuốn tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm. Súng đạn, chết chóc, tù tội, vượt ngục, vượt biển, đột ngột sống ở một nơi chốn lạ hoắc, bấy nhiêu điều không phải là hiếm hoi trong cuộc đời nhiều người. Chất liệu sáng tạo văn học dồi dào sống động, vượt xa khả năng tưởng tượng hư cấu. Ðó là một động lực quan trọng.

Cơ hội để xuất hiện, hay nói đúng hơn, cơ hội để giới thiệu tác phẩm của mình với người đọc, cũng dễ dàng. Báo chí Việt ngữ hiện nay có quá nhiều. Nơi nào có độ trên 1.000 người Việt là trước sau cũng có một tờ báo. Báo ra đủ dạng, đủ cỡ, nhất là báo biếu và báo lưu hành hạn chế trong nội bộ một tổ chức. Viết một bài tạm được không đến nỗi tối ý, không sai văn phạm, không có ý nào có thể gây hiểu lầm lôi thôi, (nếu tiện tác giả đánh máy sẵn đúng kiểu chữ cột chữ của tờ báo) thì chắc chắn bài đó được cho đăng, không báo này thì báo khác. Báo biếu địa phương phần lớn sống bằng quảng cáo , tài chánh eo hẹp nên không có tiền và thì giờ nhờ người viết bài và đánh máy xếp trang, được tác giả lo cho hết mọi sự thì mừng lắm, cắt dán vào liền.

Trước kia ở Việt Nam, muốn có truyện ngắn hay bài thơ được đăng báo không phải là dễ. Ðược đăng trên các tạp chí chuyên về văn chương lại càng khó hơn. Không thiếu những cây bút mới có tài nhưng không có kiên nhẫn đã bỏ cuộc. ở hải ngoại, không cần kiên nhẫn nhiều vẫn được đăng bài, có tài hay không là chuyện khác.

Tiến bộ của kỹ thuật ấn loát cũng là một nguyên do tốt cho văn học hải ngoại phát triển. Cái thời dùng máy chữ quả cầu IBM xếp chữ rồi xúm lại bỏ dấu đến mờ mắt của những năm 70 đã qua. Hệ thống xếp chữ bằng quang điện toán (phototypesetting) phát xuất từ đầu thập niên 80 làm hào hứng người viết lẫn người đọc, chữ Việt có dấu đẹp đẽ rõ ràng thay cho những trang chữ in đầy dấu “sắc huyền hỏi ngã” râu ria rối mắt vì bỏ bằng tay. Cho đến gần đây, kỹ thuật desktop làm đảo lộn nghề in một lần nữa. Với một món tiền tương đối nhỏ, người ta có thể tự viết tự xếp chữ và tự in lấy, với một chiếc máy computer cá nhân và một máy in laser. Kỹ thuật ưu đãi người cầm bút. Vấn đề còn lại là liệu người cầm bút có đủ bản lãnh và tài năng để viết hay không mà thôi!

Nói như vậy có lẽ hơi “chơi ép” anh em cầm bút; giống như dẫn người cầm bút lại một chiếc xe sport mới tinh, xăng nhớt đầy đủ, rồi bảo: Ðấy, xe đời 89, có giỏi chạy một đường lả lướt coi! Người cầm bút bị đặt vào cái thế rất khó xử. Nếu sống dưới chế độ cộng sản chuyên chính về tư tưởng, viết không được thì đã có cái cớ rất chính đáng để đổ thừa: viết theo lệnh Nhà nước thì viết làm gì. Trước 1975 ở Miền Nam có người đã đổ thừa cho Sở Phối hợp Nghệ thuật (sở kiểm duyệt), cho nhà xuất bản, nhà phát hành Ðồng Nai Thống Nhất, bảo vì bọn đó mà tôi không viết được như ý, vì bọn đó mà nhiều đoạn tuyệt tác bị đục bỏ, vì bọn đó mà sách tôi bị bỏ kho không phát hành ở hải ngoại hiện nay, không còn đổ thừa được nữa. Muốn viết cái gì thì viết, muốn in gì thì in, muốn gửi đi đâu sở bưu điện hay công ty vận chuyển UPS không đòi kiểm soát nội dung ấn phẩm. Như vậy thì còn gì nữa mà không leo lên xe phóng một đường vi vút.

Mọi sự trên đời không đơn giản như vậy. Lúc đó, lúc đứng trước chiếc sport mới toanh đời 89 đó, người cầm bút mới thấy hết gánh nặng của tự do. Nhiều nhà văn Nga hoặc Ðông Âu sống lưu vong ở Pháp viết rất rõ tâm trạng phức tạp này. Họ viết hăng viết hay khi còn sống dưới chế độ đàn áp, dù phải viết lén và in lậu, dù phải thắc thỏm chờ đợi các trừng phạt tàn nhẫn của chế độ ấy. Khi ra nước ngoài sống lưu vong, được tự do, họ lại không viết được nữa. Họ cảm thấy hụt hẫng, cảm thấy những điều họ quan tâm như hậu quả của chủ nghĩa cộng sản, sự phi nhân của các chế độ độc tài, quyền được suy nghĩ độc lập… trong xã hội tự do tư bản, không ai màng quan tâm cả. Họ bực bội, chê trách người khác vô trách nhiệm, thiếu cảnh giác. Xã hội chung quanh khó chịu nhìn họ, rồi khinh bỉ quay đi. Solzhenitsyn trải qua kinh nghiệm ấy rồi mới thu mình tự cô lập ở một khu riêng biệt bang Vermont. Kundera ban đầu phẫn nộ rồi đâm ra khinh bạc. Nhiều người viết không lên xe, do tình trạng tâm lý mâu thuẫn phức tạp ấy. Thay vì tìm được các chiến hữu, người cầm bút lưu vong chỉ gặp sự lạnh nhạt, chưa kể cái cuốn hút đáng sợ của việc cạnh tranh và thị hiếu. Ðấy là nói về tâm trạng hụt hẫng chung của tất cả mọi người cầm bút lưu vong.

Riêng đối với giới cầm bút Việt Nam ở hải ngoại, con đường trước mặt không phải luôn luôn rộng rãi, tráng nhựa bằng phẳng, để cứ an tâm phom phom lái xe tới.

Khác với các sắc dân thiểu số di cư qua Âu châu, qua Hoa Kỳ theo từng đợt nhỏ, người tị nạn Việt Nam ra đi ồ ạt theo số lớn, đợt một trên 150.000 người rời quê hương sau 1975; từ 1979 lớp ồ ạt vượt biển còn nhiều hơn nữa, trong vòng mười năm đưa tổng số người Việt sống rải rác trên khắp thế giới lên tới trên một triệu người. Trên một triệu người đó lại trở thành đầu cầu để từ nay về sau sẽ có hằng triệu người khác ra đi theo qui chế di dân đoàn tụ bình thường, dù phong trào vượt biên có bị chấm dứt. Gần như thời thế đã đưa nguyên cả một guồng máy quốc gia sang đặt ở nước ngoài, trong đó có tổ chức văn hóa văn nghệ. Khi cần lên tiếng chung phản kháng một vụ đàn áp văn nghệ sĩ ở Việt Nam, hoặc trên một trang phân ưu nào đó của giới văn chương, tên tác giả in đặc cả trang giấy, đếm ra thì gần đến hai phần ba số người cầm bút cũ Miền Nam.

Trong cuốn tuyển tập thơ văn do nhà xuất bản Văn Hữu in năm 1982, nhà văn Võ Phiến đếm được 90 tác giả, trong đó có 28 người viết sau 1975. Trong cuốn Thơ Văn Việt Nam Hải Ngoại do nhà xuất bản Sông Thu in năm 1985, tập 1 đã phát hành có 60 tác giả, trong đó có 12 tác giả mới. Tập 2 chưa phát hành có 44 tác giả, trong đó có 21 tác giả mới. Từ 1985 đến nay, đã có thêm nhiều cây bút mới gạo cội xuất hiện. Một lực lượng cả cũ lẫn mới thật đông đảo.

Nhưng điểm lại những tác giả có tên trong các bản “lên tiếng chung”, so sánh với số sách được xuất bản, mới thấy một số không ít nhà văn nhà thơ không viết được gì suốt bốn, năm năm dài. Phần lớn các tác giả di tản đợt đầu đã ngưng viết, hoặc chỉ viết lai rai. Số những cây viết cũ xuất hiện ở Miền Nam trước 1975 qua hải ngoại tiếp tục viết có Nhật Tiến, Duyên Anh, Thế Uyên, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Quốc Bảo, Nguyễn Mộng Giác, Ðặng Phùng Quân, Ðịnh Nguyên. Hồ Trường An, Kiệt Tấn, Nguyễn Văn Sâm là trường hợp đặc biệt, ở quê nhà họ viết ít, khi ra nước ngoài tài năng của họ mới phát triển trọn vẹn, tràn đầy. Hiện tại, lớp cầm bút này giữ vai trò tích cực trong sinh hoạt văn học hải ngoại, vì họ còn khai thác được những kinh nghiệm nhiều năm sống dưới chế độ cộng sản, trong khi lớp di tản 1975 thiếu tự tín vì nghĩ mình thiếu kinh nghiệm mới, còn kinh nghiệm cũ trước 1975 thì đã khai thác hết.

Một lớp người viết mới đông đảo và hùng hậu đã thành hình, tuổi tác, thân thế nhiều khi khác nhau nhưng có cùng một niềm hăm hở sáng tạo. Trong số này, chiếm quá nửa là những cây bút nữ, và rất ít người viết thuộc lứa tuổi từ 20 đến 30. Ðó là dấu hiệu đáng ngại, vì khi nào một nền văn học có chân đế rộng rãi ở lứa tuổi từ 20 đến 30, nền văn học đó mới thực sự mạnh khoẻ. Vì sao vậy? Có lẽ phải tìm hiểu thêm về phần người đọc.

* Về phía người đọc.

Hiện chưa có một công trình khảo sát thống kê nào để biết số lượng độc giả nuôi sinh hoạt văn học hải ngoại, về phương diện địa dư được phân chia như thế nào, và số tuổi của độc giả ra sao.

Xét theo địa dư, hiện số độc giả sách Việt cư ngụ vùng Bắc Mỹ cao nhất, tiếp theo đó mới tới Âu châu và Uc châu. Tại Bắc Mỹ, số độc giả nhiều ít tùy thuộc vào mật độ tập trung của các cộng đồng người Việt. Ðông đảo nhất là vùng Nam tiểu bang California Hoa Kỳ, nhất là ở hai hạt Los Angeles và Orange. Tiếp theo đó là các tụ điểm như San Jose, Houston, Seattle, Washington DC, Toronto (Canada) , Montréal (Canada).. ở Âu châu, tụ điểm văn hóa là Paris, ở Ạc châu là Sydney bang New South Wale. Số độc giả rải rác khắp thế giới là một khó khăn lớn lao cho việc phát hành. Bưu phí phát hành sách báo quá cao, số sách báo đến các tụ điểm xa vừa mất thời gian tính vừa cao giá, vô tình gạt bớt một số người ham đọc nhưng lại thiếu tiền.

Thử tưởng tượng một tác giả tự in lấy sách của mình, in 1.000 cuốn chẳng hạn. Sách ra, gói thành kiện nhỏ gửi đi khắp phương, có nơi cách cả đại dương rộng, sách tới nơi nhận phải hai ba tháng sau. Sáu tháng sau mới có hồi âm cho biết sách bán chạy hay ế, và thu được tiền về không phải dễ. Chịu chơi được một lần, kết quả mơ hồ khả nghi, phải có gan lắm mới dám thử lần thứ hai. Sẽ có nhiều tác giả chỉ có một tác phẩm là vì vậy.

Nhưng điều kiện địa dư không đáng lo bằng vấn đề tuổi tác của độc giả. Hiện chưa có cuộc khảo sát khoa học nào về vấn đề này, nhưng theo dò hỏi các nhà xuất bản và các hiệu sách, thì lớp tuổi đọc sách Việt nhiều không phải là lớp trẻ. Hiện tượng này trái ngược với Việt Nam thời trước 1975.

Trước 1975 tại Miền Nam, số người ham đọc tạp chí văn chương và sách báo nhất là lứa tuổi học sinh sinh viên. Chính lứa tuổi này cung cấp đa số độc giả và sản xuất những người viết mới. Thông thường, một cây viết mới thường xuất hiện ở lứa tuổi từ 20 đến 30. Quá cái tuổi “tam thập” mà không “lập” thì họ bỏ cuộc. ở hải ngoại hiện nay, cứ lấy mẫu khảo sát là đơn vị gia đình, rõ ràng lớp con cái hiện đang học trung học hay đã vào đại học rất ít đọc sách Việt. Thú tiêu khiển thông thường là xem TV và thể thao, họp bạn. ở các nơi hẻo lánh ít người Việt, lớp trẻ đã quên tiếng Việt, quá lắm là nói được tiếng Việt nhưng không đủ chữ để đọc. ở những tụ điểm đông hơn, lớp trẻ nói, nghe, viết được tiếng Việt, nhưng xa lạ với những gì sách báo Việt đề cập tới, nên không đọc. Số người đọc thu gọn lại trong lớp tuổi từ 30 trở lên, tức là lớp tuổi bắt đầu trưởng thành có nhiều kỷ niệm với đất nước trước khi theo cha mẹ di tản hoặc các lớp tuổi qua nửa đời người sống chết với quê hương, nửa đời sau vẫn còn vương vấn không dứt được. Một số nhỏ độc giả lớp trẻ thuộc những thanh niên thiếu nữ có ý thức chính trị và xã hội, cũng như những người trẻ mới qua. Số này không nhiều.

Ðộc giả lớp già sẽ bỏ sách vì mắt kém hoặc vì mệt mỏi chán hết mọi sự, không có độc giả trẻ trám vào chỗ trống, hệ quả tất nhiên là số độc giả sách Việt sẽ xuống, nếu làn sóng di dân bị khựng lại và nếu không có những nỗ lực lớn lao của các cộng đồng để duy trì và phát triển Việt ngữ. Hiện tại, theo dò hỏi riêng của chúng tôi, sách văn chương tại hải ngoại được ấn hành với con số trung bình 1.500 bản mỗi cuốn tiểu thuyết hay khảo cứu, và 500 bản cho thơ. Tạp chí văn chương thì ấn hành du di từ 1.000 đến 1.500 bản. Truyện Nguyễn Ngọc Ngạn được xem là ăn khách nhất hiện nay, in lần đầu cũng chỉ được 2.000 bản. Những cuốn sách bán chạy thuộc loại gây tò mò hoặc tranh luận phần lớn là hồi ký, thuộc hẳn một phạm vi khác không bàn đến ở đây.

Xem con số ấn bản như trên, chúng ta thấy tuy đã đáng mừng, nhưng chưa cao. Chưa bảo đảm cho tác giả mạnh dạn viết sách, nhà xuất bản mạnh dạn in, nhà sách mạnh dạn nhận sách để bán. Cho tới nay, nhiều nhà sách vẫn phải dựa vào nguồn lợi chính là băng nhạc và cho thuê băng vidéo.

Có hiểu rõ những khó khăn đó mới thấy để viết và xuất bản cho được bấy nhiêu sách, tạo ra được một nền văn học hải ngoại có tầm vóc trong những năm qua, nhiều người cầm bút đã phải cố gắng dẹp bỏ bao nhiêu là chán nản, cam go để cho tác phẩm đến tay người đọc; các tạp chí văn chương đã phải chịu đựng thế nào để tồn tại cho đến nay, làm chỗ gặp gỡ và giới thiệu cho những cây bút mới xuất hiện.

Không có báo chí và nhà xuất bản thì không có một nền văn học hải ngoại thành hình. Trong lúc đó, báo chí và xuất bản rán tồn tại cho đến nay, trên thực tế, chỉ do những đam mê và cố gắng của vài cá nhân. Cộng đồng Việt Nam chúng ta không có truyền thống và tổ chức yểm trợ văn hóa như các cộng đồng Do Thái hay Trung Hoa, có vận động cũng không thể được vì đi ngược với “bản sắc dân tộc”. Cả một công trình lớn như vậy lại chỉ dựa vào sức vóc một số người, cái mong manh của sinh hoạt văn học nằm chỗ đó. Tôi đã ví von so với chiếc xe chạy không có bảo hiểm là vì vậy.

Mọi sự có thực bi quan như thế không? Tôi nghĩ là không. Vì số người đam mê vác ngà voi vẫn còn nhiều, người này đuối sức thì đã có kẻ khác nhảy vào thay thế. Người này bỏ sách xuống muốn quên Việt Nam đo thì có những người mới từ Việt Nam qua mang theo những kinh nghiệm mới, nhóm lại ngọn lửa mới. Viết sách, in sách, ra báo, hội họp, tuy không phải là một business, nhưng là lẽ sống, một phương cách đi tìm “căn cước” của nhiều người Việt lưu vong. Chính đó là sức mạnh trường cửu, là nguồn sống nuôi dưỡng văn học hải ngoại.

Năm năm trước đây, có người đã lo năm năm sau không còn sách báo Việt ngữ để đọc nữa. Nỗi lo ấy rõ ràng vô căn cứ. Năm nay – 1989 – người bi quan nhất cũng không dám tiên đoán hồ đồ, có tiên liệu bi quan thì cũng lo chuyện mười năm sau.

Mười năm đó biết bao thay đổi xảy đến, nhất là thập niên cuối của thế kỷ 20. Chúng ta vẫn còn nhiều hy vọng cho văn học hải ngoại, và cho cả vận mệnh dân tộc.

Nguyễn Mộng Giác

{jcomments off}

   Số lần đọc: 14084

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây