- Chi tiết
-
Nguyễn Mộng Giác
-
Lượt xem: 4710
Ðêm chờ giao thừa!
Gần như tất cả mọi người đều bỏ lều kéo nhau ra bờ biển. Tiếng sóng ì ầm không át được tiếng đám thanh niên đang tập lần chót các bài hát đón Xuân quen thuộc: “Ly rượu mừng, Xuân này con không về, Xuân và Tuổi trẻ”. ... Ðêm mênh mông làm nền cho những vì sao rạo rực. Sao Hôm thao thức chờ sao Mai.
Chỉ còn đám già ngồi với nhau trong cái lều cạnh bờ suối, âm thầm gặm nhấm nỗi buồn xa xứ. Từ thật lâu, không ai nói với ai lời nào. Họ gồm có bốn người tuổi xấp xỉ bốn mươi. “Tứ thập nhị bất hoặc”, sách xưa nói thế. Nhưng đêm nay, cả bốn đều hoang mang không hiểu hiện mình đang buồn hay đang vui. Bốn người vượt biển trên bốn chiếc thuyền khác nhau, vượt qua nỗi chết theo bốn kiểu, và vào lúc này, họ cùng cảm thấy gần gũi với sự lặng lẽ cô quạnh của những nấm mồ, hơn là hòa nhập vào niềm rạo rực phục sinh. Không thể chịu đựng được sự im lặng kéo dài, vị linh mục đề nghị nên kể chuyện gì vui vui. Rồi không cần chờ ai tán thành, Cha kể ngay chuyện gọi là ngộ nghĩnh xảy ra trong giáo xứ. Chuyện vui của nhà tu nồng mùi hoa huệ ở thánh đường và có không khí của kinh Cựu ước, nghe xong chỉ thấy sợ hãi vu vơ; cho nên kể xong, chỉ có linh mục cười một tiếng ngắn rồi chấm dứt bất chợt, như Cha kịp nhớ ra rằng cười như thế là phạm thánh. Anh kỹ sư kể chuyện viết chúc thư bỏ vào chai bọc trong bao ni lông, nhờ người hảo tâm xa lạ nào đó nhắn giùm với gia đình ở Việt Nam rằng sau 18 ngày lênh đênh đói khát trên biển cả, hai vợ chồng và con gái anh đã kiệt sức và chết giữa sóng dữ. Chuyện chỉ cảm động chứ không vui. Vợ chồng anh chỉ cười được sau khi đã qua cơn hiểm nghèo, lúc sắp chết khát thì gặp mưa và còn thoi thóp thở cho đến lúc thuyền trôi dạt vào một đảo nhỏ thuộc Nam Dương nhờ đã nằm vắt qua be thuyền vớt cá lên nhai sống. Tiếng anh cười nhỏ, hơi e dè. Như một người thợ săn bắn vụng suýt nữa bị hổ vồ, kịp lúc bạn cứu được thoát chết, lấy chân đạp lên xác hổ đứng chống nạnh cố mỉm cười chụp hình để lưu niệm. Máy hình tốt có thể ghi lên giấy ảnh cả những giọt mồ hôi sợ hãi còn đọng trên trán anh, và cả nụ cười cay đắng. Ông thiếu tá không quân vừa đi học tập cải tạo ở một tỉnh trung du miền Bắc về thì kể những điều ngộ nghĩnh trong trại cải tạo. Ông phóng đại những dớ dẩn của cán bộ quản giáo và sau một mẫu chuyện, thiếu tá cười hả hê. Chàng cảm thấy có điều gì không được sòng phẳng. Trả hận hả hê không phải là chuyện vui vui như gợi ý của nhà tu hành lúc đầu. Thiếu tá vẫn tiếp tục kể chuyện. Chàng nghe một cách ơ hờ. Chỉ đến lúc thiếu tá đọc cho nghe bài thơ làm trong tù của một người bạn, thì chàng chăm chú lắng nghe từng tiếng. Chàng cảm động thực sự. Chàng xin ông đọc lại lần nữa. Bài thơ như sau:
Xem tiếp...