Mùa Xuân đọc thơ Quách Tấn
- Chi tiết
- Nguyễn Mộng Giác
- Lượt xem: 7040
Mỗi lần Tết đến, bao nhiêu kỷ niệm thời thơ ấu ở quê hương lại lặng lẽ trở về trong tâm hồn tôi, và năm nay, không hiểu tại sao, tôi lại nhớ về một nhà thơ đáng kính: Quách Tấn.
Trong ba người thuộc thế hệ tân học huyện Bình Khê thời tiền chiến là ba tôi, thầy Nguyễn Đồng và thi sĩ Quách Tấn, thi sĩ là người nổi tiếng hơn cả. Quan hệ bạn bè giữa những người cũng được đào tạo trong nền văn hóa Tây học, vào thời nền giáo dục chưa được phổ cập như sau này, dĩ nhiên là thân thiết. Nói cho đúng hơn, trong sự thân thiết có một chút ganh đua, cả trong nghề nghiệp lẫn uy tín về chữ nghĩa. Thầy Nguyễn Đồng làm nghề dạy học, và suốt đời cố gắng đứng ngoài những chỗ quyền bính , giữ tư cách độc lập của một nhà nho giữa thời Nho học suy tàn. Ba tôi tốt nghiệp Sư phạm, suốt đời làm thầy giáo nhưng vẫn có ước vọng thầm kín là muốn trở thành một người viết tiểu thuyết. Thời nhỏ, có lần tôi lén đọc được một tập bản thảo của ba tôi, một cuốn tiểu thuyết phong tục về đời sống nông thôn như lối viết của Ngô Tất Tố. Theo lối nhìn của một đứa bé chưa đầy mười tuổi còn mê chuyện câu cá bắn chim, tôi cho truyện của ba tôi không hấp dẫn, chứa toàn những chuyện rắc rối của người lớn. Có lẽ ba tôi cũng tự đánh giá văn chương của mình một cách nghiêm khắc, nên không bao giờ ba tôi nhắc đến tác phẩm ấy, và tập bản thảo sau này cũng thất lạc. Trong hoàn cảnh ấy, tôi đoán được cảm nghĩ của ba tôi đối với "Bác Tấn". Sự nghiệp văn chương của bác Tấn vừa là một niềm hãnh diện cho người đồng hương, vừa là niềm mơ ước thầm kín của ba tôi. Phần tôi, trong kho sách quốc ngữ ba tôi sưu tập từ thời tiền chiến và giữ gìn cẩn thận trong thời kháng chiến, tôi tò mò tìm đọc những cuốn sách của bác Tấn. Có lẽ thời đó tôi có đọc Mùa Cổ Điển, nhưng không nhớ được gì. Tôi chỉ nhớ có đọc Trăng Ma Lầu Việt.