Về tiểu-thuyết lịch-sử nhân đọc Sông Côn Mùa Lũ (Nguyễn Mộng Giác)
- Chi tiết
- Nguyễn Vy Khanh
- Lượt xem: 2957
Văn và sử, văn chương và lịch sử, quan hệ như thế nào? Một mặt, văn chương là hư cấu và tác phẩm là một cái hoặc cách nhìn, tiên tri, dự báo, một nhận thức lịch sử - hoặc bên lề lịch sử, của một tác giả, trong khi đó, lịch sử là một nỗ lực tìm "sự thật" chính xác, khách quan, không thiên lệch, có hay có dở có mạnh có yếu, có vinh quang thì cũng có thất bại phải cáng đáng với lịch sử.
Lịch sử như chân lý, là những sự thật "khách quan", các nhà viết sử hay nhiều tác giả tiểu thuyết lịch sử như phải thuyết phục vì tin có những "sự thật" cần được viết lại, đặt lại. Tại sao vậy? Vì kiến thức mới, vì những dữ kiện mới phát hiện? Vì những cương tỏa chính trị xã hội cứng nhắc, vì xã hội trước mắt đang có vấn đề, bí lối hoặc có kẽ hở. Trong khi tiểu thuyết lịch sử là "chân lý" qua tâm hồn, cách hiểu, là một cách nhận thức hay cảm nhận lịch sử vì tác giả chúng có quyền hư cấu, tô nhân vật sâu hơn, rõ nét hơn, vĩ đại sống động hơn, hay hạ bệ, làm hèn kém đi. Thường các nhà viết sử vẫn theo lối bình thường "sử bình", "cương" rồi "mục" mà không dám "nói lại", "sửa sai" ngoại trừ những trường hợp theo "chính nghĩa" hay chính sách triều đại mới: Trần sửa sử Tiền Lê, Nguyễn sửa Hậu Lê, v.v. Vậy có thể có "bản chất lịch sử" khách quan, vượt không gian thời gian không? Thiển nghĩ đây là không tưởng! Về phần tiểu thuyết lịch sử, chúng là một cách tra hỏi và nghi vấn quá khứ để biện minh hiện tại và chỉ hướng cho tương lai, qua trung gian một hay nhiều tác giả. Như vậy, chúng cũng là những tiểu thuyết luận đề khi đặt lại vấn đề, dữ kiện lịch sử, đề ra luận đề mới, mượn dĩ vãng nói chuyện hiện tại, có thể có ý chống lại bước lịch sử hoặc trật tự xã hội đang có (ngoại bang đô hộ, độc tài đảng trị, v.v.). Dĩ nhiên đây là nói về những tiểu thuyết lịch sử chính loại, không thương mại hoặc nhắm thị hiếu thấp hèn!