(Ánh Mắt, tập truyện ngắn của Trương Anh Thụy, Cành Nam xuất bản năm 1998)
Tôi nhớ đã đọc được trên một tờ nhật báo lớn của Hoa Kỳ (The New York Times) dòng chữ đặt tiêu chuẩn cho việc chọn tin như sau: “All the News That’s Fit to Print” (Những tin tức đáng được in ra) . Mới đầu, tôi nghĩ tiêu chuẩn đó thật lẩm cẩm, hay nói theo kiểu người Miền Nam, một thứ tiêu chuẩn “huề vốn”. Cái gì là thứ tin đáng được in ra phổ biến? Nhưng càng nghĩ tôi càng sợ cái thâm trầm của người sáng lập ra tờ nhật báo nọ. Và có thể vì cái tiêu chuẩn kỳ diệu đó mà tờ báo sống lâu, hình như trên một trăm năm, chẳng những sống hùng sống mạnh mà còn được xem là một tờ báo có uy tín, đáng được tin cậy.
Từ tiêu chí của tờ báo Hoa Kỳ, tôi lan man nghĩ tới việc đặt một câu hỏi như thế cho tôi, cho những người cầm bút như tôi. viết cái gì đây? Dĩ nhiên là viết cái đáng được in ra cho người khác đọc. Nhưng thế nào là “đáng được in”?
Trong “Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện”, ngoài hành trạng của các vua chúa và đại thần, sử quán triều Nguyễn còn sưu tầm những mẫu người đức hạnh, tiết nghĩa để đời sau noi gương. Chồng chết, tuy còn quá trẻ vẫn ở vậy thờ chồng nuôi con: tên người góa phụ đó đáng được in trong chính sử. Phận đàn bà yếu ớt dám một mình chống cự những tên đàn ông dâm dật sàm sỡ, lại một gương sáng khác cần phải ghi lại để lưu hậu thế. Cái đáng được viết ra, in ra thời xưa thật khác với bây giờ.
Thật vậy, bây giờ một phóng viên tập sự đưa những gương sáng tương tự như trong “Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện” cho ông chủ bút nhật báo, thế nào cũng bị mất việc. Cái đáng được in ngày nay phải là cái bất thường, gợi tò mò cho người đọc: bạo động, hiếp dâm, loạn luân, phản trắc, cướp nhà băng, rượt đuổi trên xa lộ, nổi loạn có đổ máu, đàn áp có súng nổ và nhà cháy…Cái đáng được in phải là cái ác, cái độc, không phải như ngày xưa là cái thiện, cái tốt.
Chúng ta quen sống trong môi trường truyền thông đó, đến nỗi mỗi buổi sáng giở tờ nhật báo liếc qua các tin lớn, nếu không có cái ác cùng cực, cái xấu thậm tệ, cái dữ kinh hồn…tự nhiên chúng ta thấy ngày hôm ấy cuộc sống vô vị, nhàm chán, không có cái gì để mà bàn tán, tranh luận. Cái thiện vắng mặt trong trí tưởng chúng ta từ lúc nào, chúng ta không biết! Chúng ta vẫn sống theo những nguyên tắc đạo đức vĩnh hằng, ngoan ngoãn làm người con hiếu, người chồng hiền, người công dân tốt, người hàng xóm biết điều, người đóng thuế đủ và đúng hạn, người lái xe cẩn thận và theo sát luật giao thông, người tiếp khách nhã nhặn và lịch sự…Chúng ta làm người thiện tâm, chúng ta “hiền khô” ạ trong mọi tình huống. Nhưng cái thú giải trí của chúng ta không “hiền khô” như cách chúng ta sống. Chúng ta sống ngọt mà thích vị cay. Sống hiền mà thích đọc chuyện dữ. Biết như thế nên các ông làm báo sẵn sàng chọn những tin tức đáng in toàn loại giật gân, khác thường. Những người viết văn ngày nay, không còn lựa chọn nào khác, đa số cũng theo chân các ông làm báo!
Kết quả là càng ngày những nhà văn viết về người tốt, việc thiện trên đời ngày càng hiếm hoi. Nhà văn Trương Anh Thụy thuộc vào số nhà văn hiếm hoi ấy.
Truyện của chị lấy từ những tấm gương sáng từng được báo chí Hoa Kỹ nhắc nhở, những mẫu người mà sự thành công của họ, đức hạnh của họ làm thơm lây đến toàn thể cộng đồng người Việt. Đôi lúc nguồn hứng cho chị viết truyện là những thảm kịch có thực, chẳng hạn cái chết bi đát của một thanh niên Việt Nam do nạn kỳ thị chủng tộc. Bi kịch ấy không thể khiến chị bi quan. Chị khoanh vùng nỗi đớn đau như một trường hợp riêng lẻ, một tai nạn bất thường. Sau tin buồn, cách cư xử của những người bản xứ đối với gia đình nạn nhân, thái độ của cộng đồng người da trắng trước bọn sát nhân cho chúng ta thấy rằng người tốt vẫn còn nhiều, và không có lý do gì để bi quan.Có thể nói hầu hết những nhân vật truyện trong tác phẩm này đều là những người đầy thiện chí, tinh thần trách nhiệm cao, ý thức đầy đủ bổn phận đối với tha nhân, đối với xã hội, đối với xứ sở đã mở rộng vòng tay để bảo bọc những người Việt tị nạn. Một cách lựa chọn nhân vật như thế, một nhân sinh quan trong sáng như thế, cộng với một lối viết dung dị không dành chỗ cho sự lắt léo bí hiểm, dễ gây cho người đọc cảm tưởng đang đứng trước một cánh cửa đã mở, không còn điều gì phải thảo luận nữa.
Lối viết ấy khác với lối viết của các bạn văn đồng thời với chị. Có người xem viết như một cuộc phiêu lưu chính mình không biết sẽ về đâu, nhưng quả quyết cuộc phiêu lưu ấy nhất định dẫn tới Tân Thế giới như Christophe Colomb đã mạnh dạn vượt đại dương tìm ra đất mới. Có người làm nhà tiên tri nói vanh vách tương lai của nhân loại. Có người làm khán giả khách quan nhìn đời với đôi mắt lạnh lẽo. Có người hò reo xung phong và truyền hịch.
Chị Trương Anh Thụy xem chuyện viết lách đơn giản hơn nhiều, rõ ràng minh bạch hơn nhiều. Chị viết để nêu những việc tốt, đề cao những người tốt quanh chị. Cả cái tiêu chuẩn để xác định tốt xấu trong quan niệm của chị cũng minh bạch: đó là những tiêu chuẩn đạo đức hằng cữu ai cũng biết, ai cũng công nhận, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Cánh cửa chị mở ra cho bạn đọc không hứa hẹn cái gì kỳ bí gây cấn. Chị chỉ nhắc cho bạn đọc nhớ những điều bình thường, bình thường đến nỗi rất nhiều người xem thường nó dù biết đó là những điều tốt, phải làm.
Tinh thần hướng đạo ấy bàng bạc trong suốt tập truyện. Nhờ thế khi gấp sách lại, chúng ta được hưởng một cảm giác lâng lâng yêu đời: bầu trời trên đầu chúng ta quang đãng hơn, những người ta gặp trên đường đi dễ thương hơn, đời sống đáng sống hơn, khó khăn trở ngại ít gian nan hơn. Như một cách ví von của người Pháp, bảo rằng người trẻ gặp một bức tường chắn lối đi thì nhún người nhảy qua, người già thì ngồi dưới chân tường để quan sát nó và triết lý, chị Trương Anh Thụy là một người luôn luôn trẻ. Lối sống của chị giống như lối viết của chị .
Cung cách đó khác hẳn với cơn mê cuồng chạy theo cái dữ cái ác của thời đại. Nhưng có phải chị lội ngược dòng không? Tôi không nghĩ như vậy. Cái đẹp, cái thiện vẫn tràn đầy trong cuộc đời này, dù bị bỏ quên nhưng vẫn còn nguyên đó. Chỉ cần một người lên tiếng nhắc nhở, mọi người sẽ thấy ánh sáng, sẽ nghe tiếng cười, sẽ nhận ra được hương thơm quen thuộc. Chị Trương Anh Thụy đã làm công việc cao quí đó!
Nguyễn Mộng Giác
California 9.3.1998