Mai sau người đọc Việt Nam khi giở những trang sách văn chương hải ngoại, thế nào họ cũng tò mò tìm hiểu kinh nghiệm lưu vong và di dân của thế hệ chúng ta. Và họ sẽ thấy biến chuyển phong phú của kinh nghiệm ấy.
Thật vậy, những đợt di tản đầu tiên sang định cư ở xứ người sau tháng Tư năm 1975 đã trải qua những kinh nghiệm bi thảm, những khó khăn bất ngờ thường dành cho những người mở đường. Chưa kịp qua khỏi cơn bàng hoàng vì đột biến thảm khốc của lịch sử, họ đã phải đối diện với một tương lai bất trắc. Như Nguyễn Bá Trạc viết trong Ngọn Cỏ Bồng, họ ngơ ngác nhũn nhặn thu mình như những củ khoai khi các hội thiện nguyện bảo lãnh họ về, trình diện họ trước họ đạo để kêu gọi lòng nhân đạo. Họ lạc lõng trước một nếp sống hoàn toàn xa lạ, tự cô lập và đầy mặc cảm. Họ là bà mẹ quê bị bật gốc trong Chuyến Xe Về Làng Đại Từ của Trần Diệu Hằng, là bà ngoại lúng túng không biết cư xử thế nào trước chàng rể dị chủng trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Hoàng Bắc. Lớp trẻ hơn cũng không gặp may mắn. Không phải vì trở ngại do lòng kỳ thị của người bản xứ. Không phải vì óc đố kỵ thường có của dân địa phương trước một lớp di dân mới. Không. Tôi nhớ thời đó cả thế giới mở rộng vòng tay đón tiếp những người tị nạn Việt Nam, lòng nhân đạo chưa bị “mệt mỏi” như khoảng thập niên về sau. Trở ngại chính, là một trở ngại thuộc về nội tâm. Lịch sử chuyển biến đột ngột quá, cuộc di tản ra khỏi nước vội vã quá, đến nỗi đặt chân tới xứ người, nhiều người vẫn chưa hiểu vì sao ta ra đi, vì sao ta đến đây. Lời thơ của Cao Tần, Thanh Nam diễn tả chính xác, trọn vẹn tâm trạng bi đát của lớp người di tản thời ấy, và tôi tin rằng sau này, nếu muốn viết một bộ sử về các cuộc di dân quan trọng của dân tộc chúng ta, những lời thơ ấy là một sử liệu quí giá.
Những đợt vượt biên ồ ạt từ cuối thập niên 70 kéo dài cho đến giữa thập niên 90 tuy cũng bi thảm như đợt di tản, nhưng tâm trạng của người vượt biển ít phức tạp hơn. Thứ nhất, họ đã trải qua kinh nghiệm sống dưới chế độ cộng sản, nên quyết định ra đi là một quyết định dứt khoát, chấp nhận trước các bất trắc nguy hiểm và sẵn sàng chịu đựng những rủi ro bất lợi nếu phải bắt đầu lại từ số không ở xứ người. Thành thực mà nói, những người vượt biển chỉ lo cho những bất trắc trên đường vượt thoát, còn đời sống nơi xứ người thì do thư từ của những người đi trước, họ biết tương lai chắc chắn sáng sủa hơn cuộc sống hiện tại. Cộng đồng người Việt ở ngoài biên giới đã thành hình, tin về các thành công của con em những người di tản trong thương trường, giáo dục…khiến những người di tản có căn cứ để quyết tâm hơn trong các quyết định ra đi hay ở lại. Người vượt biển đến các nước định cư với một gương mặt khác. Họ hăm hở chứ không ngậm ngùi hối tiếc. Họ tự tín xông xáo chứ không nhũn nhặn chịu đựng như những củ khoai. Những cụ già mơ về làng Đại Từ, những bà ngoại ngại mùi nhang làm phiền chàng rể vẫn còn đó, nhưng trong quan hệ với dân bản xứ, mặc cảm tự ti đã giảm bớt. Nhờ số đông, người Việt đã tự động tụ tập nhau lại thành những cộng đồng, cuối tuần gặp nhau nấu nướng nhậu nhẹt tán dóc theo kiểu Việt Nam, nhờ thế quên được cảm giác vong thân lạc lõng của mấy ngày phải sinh sống trong một môi trường xa lạ. Văn chương lưu vong bắt đầu có tiếng cười. Đọc Hợp Lưu của Hồ Trường An, chúng ta thấy đời sống nơi xứ lạ không phải chỉ có buồn, khổ, lưu lạc, tiếc nuối… Nhân vật của Hồ Trường An, nhất là các nữ nhân vật, dù sống nơi xứ người vẫn cười nói rôm rả, đấu hót tưng bừng về đủ thứ chuyện đầu cua tai nheo trên đời. Họ không hề “mang trên vai thân phận lưu vong, thân phận nhược tiểu” như cách nói khuôn sáo thường thấy. Họ sống ở Pháp, ở Mỹ, ở Đức mà như đang sống tại Mỹ Tho, Cần Thơ, Sài Gòn… Chưa phải đã “hội nhập” trọn vẹn vào cuộc sống mới, nhưng họ dựng được cuộc sống cũ trên đất mới, và tìm thấy được sự an toàn thoải mái trong khoảnh đất tự tạo ấy.
Hơn hai mươi ba năm đã trôi qua, kể từ ngày Sài Gòn thất thủ. Sau đợt di tản và vượt biển, là các đợt ODP đoàn tụ gia đình, đợt HO của những gia đình cải tạo, đợt “tường nhân” sau khi bức tường Bá linh sập xuống. Lớp nọ chồng lên lớp kia, tâm trạng người mới tới của lớp sau chắc chắn không khác tâm trạng của những lớp trước. Vẫn còn “những củ khoai” của Nguyễn Bá Trạc, những cụ già tìm chuyến xe về Đại Từ của Trần Diệu Hằng, những bà ngoại của Nguyễn Thị Hoàng Bắc. Nhưng xét trên đại thể, các tâm trạng ấy, kinh nghiệm ấy, cảnh huống ấy ngày càng trở thành cá biệt. Lớp già đã có “đất cũ” dễ mà sinh hoạt vào cuối tuần, ở đó họ tìm ra được bạn bè cùng thế hệ còn đông đúc đầy đủ hơn ở quê hương. Họ thoải mái lật album để ôn chuyện cũ, thoải mái tôn xưng nhau đúng theo hệ thống giá trị cũ trước 1975, thoải mái nhắc nhở cái thời hoàng kim óng ánh hào quang thủa nào. Lớp trẻ đầy tự tín vì trưởng thành trong hệ thống giáo dục và xã hội mới, không cần phải tìm đến những ghetto như lớp đi trước, chỉ có một mối quan tâm là làm sao thăng tiến trên “đất mới” của mình.
Tôi tìm thấy thành quả đáng mừng ấy của kinh nghiệm lưu vong trong tập truyện ngắn Chân Mang Giày Số 6 của Song Thao.
Nhân vật truyện ngắn của Song Thao khác với mẫu hình chung trong văn chương hải ngoại ở một điểm quan trọng: họ đã bước ra khỏi cái ghetto, dù là thứ ghetto rộn ràng vui vẻ như trong Hợp Lưu của Hồ Trường An.
Họ dứt khoát với trò chơi bệnh hoạn đã cũ: ngồi thu lu ở chỗ khuất nẻo ngắm nghía vết thương của mình mà than thở, hối tiếc; lắng nghe tiếng thở dài của mình để ráng tìm một ý nghĩa rồi khuếch đại thành một bản hợp xướng… Không phải truyện của Song Thao chỉ có những nhân vật trẻ trung mạnh khỏe, và họ gặp toàn may mắn trên đời. Không! Vào cái tuổi đã nếm đủ mùi thăng trầm của đời sống, ông không hồn nhiên cả tin như những người viết trẻ. Nếu làm một cuộc thống kê nhỏ, chúng ta sẽ thấy nhân vật của ông thuộc lớp già nhiều hơn lớp trẻ. Nhân vật chính của các truyện, dĩ nhiên là người Việt. Câu chuyện diễn tiến qua “cái nhìn” của nhân vật Việt. Nhưng điều quan trọng nhất, độc đáo nhất trong cách viết của Song Thao, là nhân vật chính người Việt của ông không còn là tù nhân của bất cứ thứ ghetto nào, bất cứ thứ mặc cảm nào, bất cứ thứ hoang tưởng nào.
Ra khỏi cái ghetto quá khứ Việt Nam, nhân vật truyện Song Thao mới ý thức được rằng nỗi đau Việt Nam không phải là nỗi đau duy nhất chỉ có dân tộc chúng ta phải gánh chịu. Khi chấm dứt trò chơi nuôi sẹo và ngắm sẹo, chúng ta sẽ thấy những người di dân thuộc các sắc tộc khác sống chung quanh chúng ta cũng có những bi kịch riêng của họ, nhiều khi bi kịch của họ còn khốc liệt hơn cả những gì chúng ta đã trải qua. Như trường hợp Eva (trong truyện Eva):
“Đại chiến thế giới là một khúc ngoặc quan trọng trong cuộc đời Eva. Bằng cách này hay cách khác, nó đã cướp đi của bà hai chỗ dựa vững chắc nhất của đời người. Cha bà tử trận trong quân phục của quân đội Ba lan. Mẹ bà vùi thây ở một nơi chốn nào đó dưới rừng bom đạn gào thét dữ dội như những lằn roi lửa trong tay những ngạ quỉ ở chốn địa ngục. Còn trơ trọi một mình trên cõi đời, bà bị lùa vào trong trại tập trung. Ông không thể tưởng tượng được tuổi thơ của tôi đâu. Mà nói cho cùng, tôi làm gì có tuổi thơ. Trong trại tập trung, chúng tôi làm việc quần quật như một đám nô lệ. Mùa đông, tuyết phủ ngập trời, chúng tôi phải đi chân không làm việc ngoài trời… “.
Như trường hợp Liwah, cô sinh viên Hoa lục du học lấy chồng người Việt, vừa lạc lõng trong một gia đình khác chủng tộc vừa mang nặng mặc cảm của một người đến từ một đất nước có thể chế chính trị cộng sản.
Sau khi nhận thức được rằng bất hạnh của chúng ta không phải là duy nhất, chúng ta mới tò mò tìm hiểu xem các di dân khác đối phó làm sao với nỗi bất hạnh của họ. Hãy nghe Eva nói:
“Cho tới bây giờ tôi vẫn một mình. Cô đơn vẫn hoàn cô đơn. Phải chi tôi có được với anh ấy một đứa con. Nhưng đâu có thể đòi hỏi nơi anh ấy điều anh ấy không thể làm được. Mình cũng đâu có thể tính lời tính lỗ với cuộc sống của mình được, ông nhỉ. Cái được nhiều khi chẳng phải là được. Cái thua nhiều lúc cũng chẳng ra thua. Người ta bảo nó như một trò chơi. Ừ thì chơi! “
Ra khỏi cái ghetto quá khứ Việt Nam, nhân vật truyện Song Thao mới thấy những người cùng làm việc ở sở, những người láng giềng, những khách qua đường khác chủng tộc với mình cũng “hiện diện”, có những nỗi lo riêng, nỗi buồn riêng, có tiếng cười tiếng khóc của riêng họ, và xét đến cùng thì tiếng khóc tiếng cười của họ không khác tiếng khóc tiếng cười của chúng ta bao nhiêu. Nhờ mối quan tâm chính đáng của Song Thao đối với các nhân vật khác với chủng tộc Việt, mà các nhân vật ngoại quốc trong tập truyện hết sức linh động. Sở làm không còn là chỗ đầy ải, chỗ phải thui thủi cam chịu để có miếng cơm manh áo, mà trở thành một không gian sinh động, đầy chất sống, đầy chất người; khi vui vẻ ngộ nghĩnh như trong Ôm Rơm, khi cay đắng ngậm ngùi như trong Auld Lang Syne. Trong sở làm, nhân vật Việt của Song Thao cũng không co ro thu mình như những củ khoai của Nguyễn Bá Trạc. Họ tự tín, mạnh dạn, nói chuyện và cư xử với đồng nghiệp ngoại quốc trong tư thế bình đẳng.
Ra khỏi cái ghetto quá khứ Việt Nam, nhân vật truyện Song Thao mang cho bạn đọc một món quà lớn nữa: họ xóa bỏ cho chúng ta nỗi lo bị mất gốc, bị đời sống vật chất tha hóa, con cháu chúng ta quên mất truyền thống và lai căng khi tiếp xúc và trưởng thành trong xã hội mới. Có thể Song Thao quá lạc quan trong vấn đề này. Nhưng các dẫn chứng của anh qua các truyện Hạnh Phúc, Tưởng Có Cơn Bão, Chân Mang Giày Số 6 cho thấy anh không “lạc quan tếu”. Anh chỉ cho chúng ta thấy nếp sống tưởng là buông tuồng phóng túng của người da trắng thực ra là biểu hiện phần tích cực của quan niệm tự do cá nhân, lòng tự tín và nội lực mạnh mẽ của những người ý thức được quyền lợi và trách nhiệm của hai chữ Tự Do, giống như phong tục cha mẹ để con cái đến tuổi 18 được tự do dọn ra ở riêng để tự lập. Lấy kinh nghiệm thu lượm được qua cuộc sống bất trắc để làm khuôn thước cho giới trẻ lớn lên trong trật tự ổn định, liệu những nỗi lo của chúng ta có hợp lý hay không?
Tập truyện của Song Thao mang đến cho tôi nhiều tin vui, trả lời cho tôi nhiều câu hỏi mà lâu nay tôi chưa tìm ra lời đáp. Anh là người lạc quan. Nhờ thế, nhân vật của anh lạc quan trong những tình huống đáng lẽ phải buồn thương chán nản. Người bệnh vẫn nói cười rôm rả. Người già sống cô độc nhưng không hề cảm thấy lạc lõng. Mỗi truyện mới đọc tưởng là một thảm cảnh. Đang đọc thấy đúng là thảm cảnh. Nhưng đọc xong thấy lóe sáng niềm tin. Con người dù sao vẫn còn rất tốt. Cuộc đời dù đầy bất trắc nhưng vẫn là nơi đáng sống nhất. Xin cảm ơn anh Song Thao, về món quà quí giá này.
California, 1998
Nguyễn Mộng Giác.
Nguồn: http://www.songthao.com/viet-tu-nguyenmonggiac.htm