(truyện dài Qua Cầu Gió Bay – Phần IV)
NHẬT KÝ CỦA NGUYỄN VĂN ĐIỀN
Những ngày tháng tư. Bệnh viện Nguyễn văn Trổi
Đối với tôi, ghi nhật ký là điều bất thường. Tôi có điên không đây? Có bao giờ tưởng tượng đến một lúc nào đó mình có riêng một cuốn sổ nhỏ, dấu hết anh em bạn bè, ghi những công việc và cảm nghĩ từng ngày? Mình đã từng ghét cái trò mọn hết sức đàn bà này : một tập giấy xanh, những dòng lưu bút, những cái ảnh cười toe toét hay nghiêm nghị giả tạo, nào “hoa phượng đã nở ở bên thềm vắng” nào “bạn ơi ve đã gọi hè về”…
Tôi có điên không đây? Mày có điên không hỡi Điền? Lập trường của mày đã đánh mất đâu rồi? Còn nhớ không, những lời dạy của Hồ Chủ tịch :
“Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi đảng viên và cán bộ phải có lập trường giai cấp vô sản thật vững chắc, giác ngộ về chủ nghĩa xã hội cao, đòi hỏi cán bộ và đảng viên phải rửa sạch ảnh hưởng của những tư tưởng của giai cấp bóc lột, rửa sạch chủ nghĩa cá nhân, rèn luyện chủ nghĩa tập thể”.
Phải gạch dưới mấy chữ “rửa sạch chủ nghĩa cá nhân, rèn luyện chủ nghĩa tập thể.” cho nhớ kỹ nghe chưa! Trong cuộc tranh đấu chung, cả tâm hồn và thể xác phải dành cho tập thể. Từ một hơi thở, từ một nắm tay, từ một nụ cười. Còn dành một chỗ riêng tư cho riêng mày, để Nguyễn Văn Điền đối diện với Nguyễn Văn Điền, đọc hết những xao động và ray rứt, những chán chường hay hăm hở của Nguyễn Văn Điền, là còn chịu ảnh hưởng của tư tưởng giai cấp bóc lột.
Nhưng tuy mắng chửi mình thậm tệ, tôi vẫn tiếp tục viết, viết một cách khổ nhọc. Hơn tuần nay, cơn sốt liên miên hành hạ tôi. tuy nhân viên bệnh viện chích thuốc ngày hai lần bệnh vẫn chưa thấy thuyên giảm. Buổi sáng cùng với mặt trời lên, tôi cảm thấy đôi chút sảng khoái. Đầu óc tỉnh táo. Mắt trông rõ ánh mắt xuyên qua khe lá rừng. Nhưng độ mười giờ cơn sốt bắt đầu kéo đến, làm run rẩy khắp mình, làm ớn lạnh ở xương sống, làm cay đắng cả vị giác. Cơn sốt kéo dài đến xế chiều để rồi vừa húp được chút cháo dằn bụng, đã phải nằm chịu đựng sự ê ẩm rã rời suốt cả đêm. Tôi chỉ có thể viết được vào khoảng thời gian mạnh khỏe ít oi đó. Khốn nỗi sinh hoạt bệnh viện lại hết sức ồn ào nhộn nhịp vào buổi sáng. Y sĩ đi thăm bệnh, y tá đi chích thuốc, y công đi thay chăn, quét tước lau chùi. Giữ một chút riêng trong khoảng chung đụng náo nhiệt này thật khó.
Vậy mà, tại sao tôi cứ viết?
Thú thực, tôi chưa đạt đến trình độ tư tưởng của đồng đội. Tôi còn có những yếu đuối cảm thấy chút gì mong manh mơ hồ, khiến không thể không cầu cứu đến những biện pháp hoàn toàn xa lập trường. Hơn lúc nào hết, tôi cảm thấy cô độc. Tôi sinh năm 1935, đến nay đã được 30 tuổi đời. Không vợ con bận bịu. Không bạn bè chí thân. Gia đình tôi cách đây không xa. Sáng sáng từ trên bờ hầm nhìn về phương mặt trời mọc, tôi còn thấy được dãy núi cát loang lổ vệt xanh của lá. Từ nhà tôi nhìn về phương Đông, tôi cũng thấy núi cát đó, nhưng thấy rõ cả khóm lá, những đụn cát phẳng, những đường uốn cong kỳ diệu của ranh giới đất đá và thảo mộc. Như vậy là bệnh viện này chỉ cách nhà tôi độ nửa ngày đường. Xa nhà 10 năm, chắc mỗi thứ đã thay đổi hết. Ra đi tập kết theo đoàn thanh niên xung phong, tôi bỏ lại một người mẹ, và bốn đứa em. Không biết bây giờ gia đình tôi thế nào. Chắc chắn họ không còn ở chỗ cũ nữa. Khói từng đụn bốc lên từ phía đông, ai đủ can đảm ở lại mà thi gan với bom đạn!
Tôi bỏ nhà đi tập kết một mình, hoàn toàn lạc loài. Đầu tiên chú Tính rủ tôi vào Tuy Hòa rồi tìm cách vào Nha Trang. “nghe nói trong đó làm ăn dễ, có người mới trốn đi ba tháng đã mua được cái xe đạp đua-ra và cái đèn pin”. Chú Tính bảo tôi vậy! Mẹ tôi còn ngần ngừ chưa nhất quyết, vì mùa gặt đến, tôi là con trai trưởng phải gánh vác mọi công chuyện. thiếm Tính tuy bịn rịn tình vợ chồng nhưng không khỏi bị quyến rũ bởi hình ảnh chiếc xe đạp mới có đèn trước đèn sau, vòng ngũ sắc trừ bụi ở trục bánh xe, cái bao yên có những đường ren bằng chỉ điều, đôi tay cầm bằng cao su xanh… Mấy đứa con của chú thì ao ước có cái đèn pin để rọi bắt chim hay chiếu bâng quơ vào khoảng sương đen mỗi đêm, rồi thích thú reo cười. Mùa gặt chưa tới, không thể chờ được tôi, chú Tính lặng lẽ ra đi. Nửa tháng sau, có người quen từ Tuy Hòa về vội đến nhà thiếm thì thầm cái gì đó. Thiếm Tính thoạt nghe đã khóc òa. Lũ con lao xao bu quanh mẹ. Chú có làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến một thời gian, và nhờ thành tích công tác, được xếp vào loại cảm tình viên. Nếu không có những biến đổi đột ngột của chính sách ruộng đất và chủ trương dành mọi quyền chủ động cho thành phần vô sản, chú đã được giới thiệu vào Đảng. Chú bị biên chế, vì thuộc thành phần phú nông bóc lột. Chú tự tin mình đã dứt khoát với kháng chiến, nên mới mạnh dạn vào Tuy Hòa, vùng quân đội Pháp đã tiếp thu và tổ chức lại cơ sở hành chánh. Từ đó, cả gia đình thiếm sống trong khắc khoải. Thiếm bỏ công việc nhà, từ cánh đồng cho tới bếp núc, heo gà, xuống túc trực ở đèo Cù mông để chờ tin chồng. Những tin tức về chú hoàn toàn mơ hồ, đôi khi trái ngược nhau. Có người bảo rằng chính mắt họ thấy người ta chở chú đi Nha Trang. Có người lại bảo hiện chú còn ở Tuy Hòa. Có người bảo tháng trước có một cuộc vượt ngục và cẩn thận rào trước đón sau trước khi đặt giả thuyết: Không biết trong mấy người bị lính bắn chết, có chú Tính hay không! Chưa biết mệnh hệ chú thế nào, cảnh nhà thiếm đã có vẻ tang gia bối rối. Mấy đứa em nhỏ không ai săn sóc, ăn uống dơ dáy, mũi thò lò và mặt mày lem luốc. Đàn gà sổng chuồng qua bươi vườn cải nhà làng xóm người ta đập chết rồi quẳng qua hàng rào mắng vốn. Con heo nái đào hết của người ta mấy luống khoai. Đến khi ông Lượng dưới An nhơn trốn khỏi được một cuộc tàn sát nhờ giả chết, mò được đến bên này chân đèo, vết chém vẫn hằn sâu nơi cổ, thì thiếm Tính không còn hy vọng gì về chú nữa. Chính quyền đem ông Lượng đi bêu riêu vết thương hết quận này đến quận khác, và tuy cổ còn quấn băng, ông cũng cố gắng tả sơ sài cho các cán bộ còn do dự nghe diễn tiến của đêm hãi hùng. Một cách vô tình ông có nhắc đến tên chú Tính và xác nhận chú đã bị “mò tôm”. Nỗi đau đớn được chuẩn bị kỹ càng, đến độ khi nhiều người cùng xác nhận cái chết của chú, thiếm và mấy em chỉ ngẩn ngơ đôi chút rồi im lặng chịu đựng một số phận đã an bài. Thiếm không khóc, hình như nét mặt thiếm bình thản hơn, như đã tìm thấymột giải thoát khỏi nỗi ray rức băn khoăn nào đó. Thiếm lặng lẽ mua vải sô xé khăn tang cho gia đình, lặng lẽ lập hương án, lục tìm bức ảnh cũ nhập nhèm của chú, lồng gương, rồi đặt bàn thờ.
Số lần đọc: 158