Thứ ba 18 – 4
Hôm qua, viết được nửa chừng thì y sĩ đến. Đành phải dẹp qua một bên. Nay cầm viết viết lại, cảm thấy khó khăn, nhất là câu hỏi này: “Tại sao lại viết ngật ký?” cứ ám ảnh hoài. Sau một đêm rã rời, bây giờ tâm trí mình lại trở về trạng thái mông lung ban đầu. Phải đọc lại hai lần mấy trang hôm qua, mình mới hiểu rõ minhy2 đôi chút.
Ừ, mình đã nói đến cái chết. Cái chết của chú Tính. Khi nghĩ đến điểm cuối, người ta đã cảm thấy cuộc đời hết còn vẻ hào quang huyền diệu ban đầu. Có lẽ bệnh hoạn đã đưa đẩy tôi đến trạng thái ấy. Tuy biết bệnh này chỉ làm hao mòn và ít khi gây những biến chứng đột ngột, như sự rời rã mệt mỏi như cái dốc trơn, chùi mình vào cái hố đen chung chạ : nỗi chết.
Tự tìm hiểu mình là một công việc cực nhọc! Cuối cùng mình đã nghĩ tới chú Tính. Tới cái chết của chú. Tin tức do ông Lượng xác nhận chỉ mới khiến thiếm hết phân vân giữa sống và chết. thiếm bình thản, lo lập bàn thờ, để tang. Nhưng khi nghĩ đến thủ tục “mở cửa mã”, “làm tuần”, thiếm lại phân vân. Chú mất ngày nào? Rồi hàng năm, phải chọn ngày nào đề làm ngày giỗ kỵ? Không ngờ sự đích xác của ngày ra đi quan trọng quá như vậy đối với những kẻ ở lại. Sự phân vân này làm héo hắt thiếm Tính nhiều và nặng hơn nỗi băn khoăn trước. Thiếm cứ hỏi mẹ tôi:
– Chẳng lẽ mình lấy ngày ổng bị bắt. Họ còn điều tra lâu lắc lắm rồi mới “đem đi”. Ổng chưa chết, mình lại đem tế sống?
– Không “làm tuần” chẳng lẽ để hồn ổng vất va, vất vưởng, làm cô hồn? Mẹ tôi đề nghị lấy ngày ba mươi, lễ cúng rước ông bà làm ngày kỵ chú Tính. Thiếm phản đối:
– Dạo Tết ổng còn ở nhà, chọn ngày 30 sao được?
Mẹ tôi lại đề nghị lấy ngày rằm tháng bảy vì lúc đó ông Lượng đã về bên này Cù mông, chắc chắn chú đã mất rồi. Thiếm ngậm ngùi:
– Ổng đứng chung với cô hồn cầu bơ cầu bất, tủi phận quá!
Cuối cùng, dường như suốt tháng chú ra đi đến Tết, ngày nào cũng có thể là ngày kỵ của chú. Gia đình thiếm thường xuyên sống trong sự im lặng, thành kính, vì khoảng thời gian đó, đèn nhang luôn luôn chong sáng trên bàn thờ người đã khuất.
Vết thương sưng đỏ và giọng nói khò khè khó nhọc của ông Lượng tạo thành những phong trào tập kết rầm rộ. Những người có đôi chút dính líu với kháng chiến đều tất tả ra đi. Các bạn bè của tôi lần lượt kẻ trước người sau xuống Qui nhơn. Có gì cuốn hút khiến tôi ray rức! Nét mặt già cỗi của thiếm, cái khăn tang trên đầu mấy đứa em, vườn cải úa và cái chuồng heo xập xệ hư dột sau nhà chú góp một phần lớn vào quyết định của tôi: gia nhập đoàn thanh niên xung phong.
Thứ tư 19 – 4
Cứ tưởng giải thích như vậy vừa đủ để nêu lý do vì sao ghi nhật ký. Nay đọc lại mới thấy chưa có gì rõ ràng. Cái chết của chú Tính chỉ mới thúc đẩy tôi ra Bắc. Ngày nay tôi phải rán tự giải thích rành rẽ, đặt một qui luật. Tôi sợ không còn đủ may mắn rảnh rỗi để dài dòng.
Còn nhiều, nhiều cái chết khác nữa, ngoài cái chết của chú, ngoài nỗi ám ảnh rã rời, đã đưa tôi đi xa lập trường. Tôi tin vậy. Trên đường vào Nam, tôi đã vô tình nhặt được nhiều cuốn nhật ký ghi vội. Có cuốn mỏng manh, giấy ướt và chữ nhòe rơi đâu đó gần chỗ phóng uế công cộng. Có cuốn đã rách nát, mấy tờ đầu hoen chút ít máu và bùn, bị chôn một nửa xuống đất mủn bên các hố bom đọng nước đen và đầy lá mục. Không có cuốn nhật ký nào ghi rõ tên họ và địa chỉ, quê quán của chủ nhân. Với những nhật ký hoen máu, tôi tin chắc, tôi tin chắc người lính nào đó đã chết cách không xa chỗ nước đen hay chỗ vùi cuối cùng của cuốn lưu bút. Dấu tích của người đã khuất bao giờ cũng mang lại vẻ kỳ bí, linh thiêng. Tính mệnh của một người đủ biến mớ giấy nhòe còn lại này trở thành vô giá. Tôi đã tự hỏi: nếu những người thân bên kia sông nhận được kỷ vật này họ sẽ ra sao? Người mẹ nhận ra nét chữ con, người vợ nhận ra nét chữ chồng, hay thơ mộng hơn nữa, người tình nhận ra nét chữ của người tình, đem sa mấy nét “em yêu” trên lá thư xưa với những dòng còn . Tại sao không? Nếu cuốn nhật ký này đến tay người ở lại?
Rút kinh nghiệm, tôi phải ghi rõ tên họ quê quán, đơn vị lên ngay trang đầu. Cứ viết được 10 tờ, tôi ghi lại lý lịch một lần nữa phòng ngừa trường hợp mấy tờ ngoài bị nước mưa hay đất cát làm nhòe mực đi.
Rút kinh nghiệm, tôi ghi rõ ngày tháng. Địa chỉ thì không cần, vì phòng gian bảo mật. Ngày nào có công việc gì, tôi ghi vào nhật ký. Hôm nào bận, hay không có gì đáng ghi, tôi sẽ chỉ ghi ngày tháng để đánh dấu ngày chót còn thấy được ánh sáng mặt trời, còn được lá rừng và đất đá ấp ủ, còn chung đụng với cuộc sinh hoạt hào tráng lẫn bi thảm của xã hội con người.
Chắc chắn những người thân yêu còn lại của tôi không gặp cảnh ngộ của thiếm Tính, sống trong nỗi ngờ vực và khắc khoải của những ngày kỵ liên tiếp tháng này qua tháng nọ . Với tôi, và với những người ở lại, giữa cõi sống và cõi chết, phải có ranh giới rõ ràng, phải có dấu tích làm mốc thời gian.
nhưng, tôi hy vọng cuốn nhật ký này sẽ về đâu? Về những đồng bào miền Bắc xa lạ đã giúp tôi sống trọn cái háo hức, hăm hở những ngày thanh xuân phiêu lưu? Về những bạn bè ở nông trường đã cùng tôi chứng tỏ sức mạnh của ý chí, non cao hạ thấp và vực sâu phải nâng lên, đá xeo đi, cây chặt xuống, để nẩy chồi non khoai bắp? Về những đồng đội tiếp tục băng rừng đi về phương Nam, mất dấu giữa đồi thưa hay rừng già, đột ngột thiếu mặt trong các buổi điểm danh_ trầm ngâm giữa bãi khói nghi ngút? Về người mẹ già tóc ngã màu sương, chắc chắn khuôn mặt hằn dấu ngang dọc lồi lõm của thời gian như vết luống cày trên những đám vàng gốc rạ? Về mấy đứa em, mà bây giờ tôi chỉ còn nhớ lờ mờ một cái miệng cười, một đôi mắt sáng, một giọng khóc the thé, một cái nguây nguẩy hờn dỗi bất bình?
Về đâu? Không biết, nhưng chắc chắn là nó sẽ rơi vào tay loài người, hoặc trước, hoặc sau.
