Thứ năm 20 – 4
Tôi vẫn còn nằm bệnh viện, vẫn còn rã rời. Chắc chắn không có gì đáng ghi lại để đánh dấu một giai đoạn bặc nhược về thể xác, xuống dốc về tinh thần. tôi đã gạch chéo các ngày đã qua trong tháng. Ngày nào không viết được tôi gạch lên lịch mà thôi. Còn ngày nào viết tôi sẽ ghi rõ ngay đầu trang. Chẳng lẽ không tìm ra được chút thì giờ gạch chéo một con số? Cứ tin đi Điền, mày sẽ theo sát được cuộc sống từng ngày của mày, như các đồng chí phòng không theo các vị trí máy bay!
Thứ sáu 21 – 4
Cơn sốt có thuyên giảm đôi chút. Hôm qua mãi 12 giờ trưa mới lên cơn. Khoảng 3 giờ chiều đã hết. Nhờ vậy, suốt đêm ngủ được một giấc khá lành, nếu gần về sáng không có tiếng bom nồ liên hồi phía bên kia đồi. Nguyên tắc đặt ra là ghi việc cảm nghĩ từng ngày. Nhưng nằm dí ở đây mãi, có việc gì đâu mà ghi. Khung cảnh vẫn bao nhiêu đó : trần hầm bệnh viện, mùi thuốc sát trùng, y sĩ, y tá, tiếng rên rĩ ban đêm, sự nặng nề chập chờn… Có lẽ mình nên lợi dụng sự rỗng không nhàm chán này để ghin quá về trước. Từ lúc nào? Khi sáng, đang nằm trên giường, một chiếc lá vô tình bay lọt vào cửa hầm. Lá vẫn còn xanh, chỉ có chút vàng khoảng gần cuống. Lá rơi về cội. Lịch sử vô hình đã đẩy tôi về quê nhà. Kỳ lạ lắm! Nên tôi có ý muốn ghi lại sự việc từ ngày bắt đầu “trở về”. Mỗi ngày ghi mỗi ít quá khứ và cố gắng ghi nhanh trước khi rời bệnh viện Nguyễn Văn Trổi. Gắng lên chút nghe Điền!
Những dòng ghi ngày thứ bảy 22 – 4
Từ 1958, 1959, đại đội của tôi đã được chuyển hẳn sang công tác nông trường. Số còn lại của sư đoàn 330 vẫn tiếp tục nhiệm vụ quân sự. Khi chúng tôi đến, Nông trường Lam sơn còn là một khu đất đầy cả cỏ dại và những loại cây rừng rậm rạp, gai góc. Công tác phá rừng thật cực nhọc kham khổ. Nhưng khi những cây non lá xanh nhú lên khỏi lớp đất xốp loang lổ tro xám, thay thế cho suốt sườn đồi hoang vu, chúng tôi sung sướng đến ứa nước mắt. Trong vòng mấy năm, 39 đại đội đã biến nơi hoang dã này thành một đồn điền trù phú trồng cà phê cao su, chúng tôi còn nuôi cả trâu bò và gà vịt nữa. Đó là những năm tươi đẹp nhất, vì tôi tìm lại được nếp sống cũ ở miền Nam : lấy cuốc xới gốc bắp, mê mãi ngắm những chồi nõn nà mọng sương mỗi sớm, ngồi trên cổng chuồng nhìn đàn bò nằm nhai lại nhóp nhép, cúc cu vãi lúa cho đàn gà mái đang lo lắng tìm mồi. Trong tận cùng hồn tôi, vẫn có cái gì vương vấn quấn quít với nét đẹp thôn dã. Trừ các buổi sinh hoạt tập thể và công tác lao động, tôi say sưa ngắm cả triền đồi xanh, khung trời cao, nằm dài theo luống cây ngửi mùi đất cát và thảo mộc. Cho đến tháng 9 – 1963, tôi mới xa nông trường.
Nửa đêm hôm đó, tôi được lệnh gọi trình diện Trung đoàn bộ kiêm Ban Chỉ huy nông trường. Trong căn phòng thường ngày làm phòng thuyết trình và học tập gần cả trăm người khác đã có mặt. Chỉ có ngọn đèn gần bục gỗ thắp sáng, chiếu hắt lên cái bàn vuông chất đầy hồ sơ. Mọi người ngồi trên băng, chìm trong bóng tối. Bóng đêm bên ngoài, bóng đêm bên trong, cử chỉ se sẽ và tiếng nói chuyện thì thầm của mọi người tạo một không khí nghiêm trang khác thường. Ai nấy hồi hộp chờ đợi, không hiểu Trung đoàn bộ triệu tập gấp như vậy để làm gì. Từ lâu lắm, gần chín năm trời, chúng tôi mới tìm lại được cái không khí chuẩn bị hành quân gây cấn và phiêu lưu ngày trước.
Vị sĩ quan lạ mặt đại diện Trung ương giải thích:
– Các bạn! Tôi xin trình bày vắn tắt. Không phải vô tình mà trung đoàn bộ mời các bạn đến đây. Trong mấy năm tích cực phục vụ công tác sản xuất, các bạn đã chứng tỏ là những đảng viên trung kiên và ưu tú, có lập trường và đạo đức cách mạng tốt. Các bạn đều còn là những người độc thân, có thể hết mình đảm nhận các công tác mới cho tình thế mới. Nói tóm lại, các bạn là những chiến sĩ chọn lọc cho giai đoạn cách mạng hiện tại. Bắt đầu ngày mai, các bạn nhận nhiệm vụ khác, đòi hỏi sự chịu đựng bền bỉ và sức mạnh ý chí kiên cường. Để bảo đảm sự thành công của công tác, các bạn ở luôn tại đây đêm nay, khỏi cần từ giã bạn bè hay đem theo đồ đạc. Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ hành trang. Năm giờ sáng mai xe sẽ đến đây đón các bạn.
Xe đến đón sớm hơn giờ loan báo. Khoảng 4 giờ hay 4 giờ 30 gì đó. Trời hãy còn tối đen và gà chưa kịp gáy. Xe bịt bùng chở chúng tôi đến thẳng Hà đông. Mãi chiều tối, cả đoàn mới dừng lại trước một doanh trại rộng và biệt lập. Điều làm chúng tôi lưu ý nhất là khẩu hiệu thật lớn đập ngay vào mắt tôi, lúc vừa bước chân xuống xe:
“Vì miền Nam học tập, nổ lực để giải phóng miền Nam”. Tôi đoán lờ mờ được nhiệm vụ mới, lòng rộn lên một nỗi hồi hộp hân hoan. Chỉ vài giờ sau, tôi đã biết đây là bản doanh của Sư đoàn 338 của tướng Tô Ký, có nhiệm vụ đào tạo cán bộ đi B (1).
Những dòng ghi ngày chủ nhật 23 – 4
Chương trình thụ huấn quân sự ở đây không có gì khó khăn. Toàn là các bài ôn tập căn bản quân sự cũ : cách chỉ huy, cách huấn luyện tân binh, các kỹ thuật tác chiến. Chúng tôi được huấn luyện thêm về cách sử dụng các loại vũ khí, máy móc Hoa kỳ trang bị cho quân lính miền Nam như : máy truyền tin, máy ngắm pháo binh, máy nổ. Sau các buổi học tập lý thuyết, chúng tôi được thực tập kỹ càng thành thạo, mai sau dùng vũ khí địch tiêu diệt địch.
Tuy nhiên phần học tập chính trị được chú trọng hơn. Trước hết là quan điểm duy vật biện chứng, duy vật sử quan của Marx, giải thích sự tiến hóa của lịch sử nhân loại như tiến trình liên tục của các cuộc đấu tranh giai cấp. Chiến tranh không phải là sự ngẫu nhiên, mà do sự chi phối của yếu tố sản xuất thúc đẩy giai cấp này đấu tranh với giai cấp khác để sanh tồn.
Sau đó là các sách lược của Đảng trong giai đoạn hiện tại : giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đi đến xã hội chủ nghĩa. Cuối cùng, nhiệm vụ trước mặt của những người cách mạng tiền phong ( tức chúng tôi) là thấu triệt tình hình cách mạng miền Nam và ý thức sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân.
