(Nỗi Băn Khoăn Của Kim Dung – Phần Hai – Chương 3 – Chặng cuối của một niềm tin)
GIẢ VÀ THỰC ?
Sự ái mộ của độc giả Việt nam hiện nay đối với Kim Dung đã giảm sút. Lộc đỉnh Ký không quyến rũ được người đọc như trước nữa. Nhiều người còn thất vọng đến độ nghi ngờ, bảo tác giả Lộc đỉnh Ký không phải Kim Dung.
Trong Tạp chí CHÍNH VĂN, số 1, nhà văn Nguyễn mạnh Côn, dưới bút hiệu Đằng Vân Hầu viết :
Lộc đỉnh Ký không phải của Kim Dung, nếu của nhà văn nầy không lẽ gì xuống giá quá mức …Vì sao Đằng Vân Hầu dám quả quyết vậy ?
– Vì tác phẩm của Kim Dung luôn luôn có hai đặc điểm. Thứ nhất là trên đường đời của nhân vật chính, hắn thường gặp những nhân vật phụ có khi chỉ xuất hiện trong một đoạn ngắn mà thôi, là những nhân vật rất đặc biệt .
Tất cả sở học mênh mông dù sâu sắc của Kim Dung đã được sử dụng để viết về rượu và cách thức cùng vật dụng để uống rượu, về nghệ thuật đánh cờ, viết chữ, vẽ tranh, đánh đàn, về rắn cũng các thứ chất độc, về kinh Phật và các phương pháp tu hành. Đó là một đặc điểm.
– Đặc điểm thứ hai là mỗi tác phẩm đều có những nhân vật hoặc hoàn cảnh mà nghệ thuật diễn tả được Kim Dung đưa lên đến mức độ kù diệu. Ví dụ đoạn Kiều Phong đánh lộn với bạn cũ, đoạn Trương Thúy Sơn tuẫn tiết, đoạn Vô Kỵ cù chân Triệu Minh trong cái trống lớn, đoạn Lệnh Hồ Xung quì lạy thánh cô trước mành và đoạn hai người dưỡng thương dưới ánh sao, thấy ngôi sao nào vắng bóng thì biết là em xuống đó. Về nhân vật thì Nhạc Bất Quần, Tạ Tốn… là những nhân vật mà sự sáng tạo (ra nhân vật ấy) bắt buộc những nghệ sĩ khác phải cúi đầu. Đó là đặc điểm thứ hai.
Có người nói tên Vi Tiểu Bảo cũng là một nhân vật lớn mà tác giả đặt vào cái thế càng hành động bỉ ổi càng hạ giá trị triều đình Mãn Thanh chắc hẳn bị Kim Dung (người Hán) thù ghét. Điều đó có phần có lý nhưng không đúng hẳn, vì có nhiều lúc tên tiểu quỷ nầy lại tỏ ra đứng đắn, hào hùng (nhất là trung thành và quí trọng vua Khang Hy). Vả lại sự co kéo Vi Tiểu Bảo lên quá cao quả có làm lộ rõ những đồi bại của xã hội như một đôi khi Kim Dung có làm, nhưng Kim Dung không thể lạm dụng kỷ thuật để hạ giá các nhân vật chân tu của phái Thiếu lâm, hoặc làm cho một đoàn thể yêu nước như Thiên Địa hội lọt vào vòng lố bịch.
Nói tóm lại, cái hay của Kim Dung, ngoài sự bác học, là lúc nào cũng rất người, dù cho sự bịa đặt có vô lý đến đâu. (Ví dụ quơ một nhát kiếm độc nhất mà chọc mù mườỉ lăm cặp mắt).
Lộc Đỉnh Ký đoạn đầu có vẻ do Kim Dung viết thật, cho đến đoạn Vi Tiểu Bảo thú tội với Khang Hy, còn sau đó, chỉ bầy đặt những tình tiết kỳ lạ theo tác phong thông thường của truyện võ hiệp rẻ tiền, như đoạn Tiểu Bảo hài tội Thái hậu, Tiểu Bảo cắt tay tên Lạt ma trêu gái, và giết mấy tên còn lại.
(Chính Văn số 1 trang 9, 10)
Có lẽ đoạn trên đây chỉ là những ý nghĩ bất chợt đến, phù hợp với một mục tạp văn như NGHĨ TRONG THÁNG của tạp chí, nên ông Đằng Văn Hầu không có chủ ý trình bầy lập luận một cách chặt chẽ mạch lạc. Đại ý ông Đằng Vân Hầu nêu ra các lý do sau đây để hồ nghi xuất xứ của Lộc Đỉnh Ký :
– Qua các truyện khác, Kim Dung có một lối viết bác học, sâu sắc khi mô tả các nhân vật.
– Nghệ thuật của Kim Dung qua nhiều đoạn đã đến mức độ tuyệt diệu, khiến các nghệ sĩ khác phải cúi đầu thán phục.
– Dù tiểu thuyết Kim Dung là giả tưởng, đôi khi phi lý, nhưng câu chuyện luôn luôn đầy nét người.
Ông Đằng Vân Hầu bảo rằng Lộc Đỉnh Ký không có được hai đặc điểm trên. Còn cái nét người có tìm thấy trong Lộc Đỉnh Ký hay không, chúng ta không thấy ông đề cập đến.
Nhưng nếu gác qua một một hữu lý của lập luận, và chỉ xét hiện tượng ái mộ Kim Dung của độc giả Việt nam như một chứng tích xã hội, thì sự ơ thờ của đám đông, và sự hồ nghi của một số trí thức đối với Lộc Đỉnh Ký thật có ý nghĩa.
Số lần đọc: 12015