Cứ mỗi lần đi đến nhà quàn để làm nghi lễ vĩnh biệt một người thân, lòng tôi luôn có nỗi ân hận về một điều gì chưa kịp làm hoặc đã chểnh mảng không làm đối với người vừa nằm xuống. Rất nhiều lần cố tự nhủ đừng để xảy ra chuyện đáng tiếc này nữa nhưng vẫn đủ ngần ấy lần thấy mình không tránh khỏi ăn năn, hối tiếc.
Anh Giác ngã bệnh đã lâu. Những ngày mới chớm biết tin xấu, sức khoẻ anh chưa sa sút bao nhiêu, tôi và Trần Mộng Tú tuy không nói ra, đều hiểu rằng thời gian còn lại của anh chắc không nhiều. Tôi còn nhớ như in một buổi chiều nắng đã nhạt, tôi dừng xe ở lề đường trước sân nhà anh. Cửa gara mở, anh đang cẩn thận bỏ từng cuốn Văn Học vào cái phong bì màu vàng, chuẩn bị gởi ra cho độc giả. Anh nói với một nụ cười chập chờn chút nghi ngại: “May quá! Hãng cho nghỉ hưu nên tôi đi khám sức khoẻ tổng quát mới biết mình nhuốm bệnh.” Sau đó, chúng tôi nói lảng sang chuyện khác. Phần tôi, làm như không có gì nghiêm trọng xảy ra cả để giấu những ý nghĩ bối rối riêng mình. Bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn không biết thái độ của tôi lúc đó như thế có phải phép không? Hay là nên ân cần hơn dù phải vượt qua cảm giác sợ làm cho những cuốn Văn Học nặng hơn trên tay anh?
Tôi và Tú thường hỏi thăm sức khoẻ của anh qua chị Chi. Mỗi khi Tú về chơi quận Cam, hầu như không lần nào chúng tôi không đến nhà anh ăn cơm tối. Chị Chi nấu bún bò Huế, cháo nấm, kho cá nục, canh cải xanh. Ngôi nhà của anh chị nằm ở khúc quanh một con lộ vắng thị xã Westminster, chỉ mới trước đây ít lâu, cuối tuần nào cũng họp mặt đông đầy bằng hữu trong văn giới, báo giới hay thân hữu, thường là vài chục anh chị. Chúng tôi vẫn nói đùa với nhau đây là nơi quần hùng hải ngoại hội tụ.
Khi anh Giác đến giai đoạn phải chịu hóa trị, chị Chi mua thịt bò loại ngon nhất, làm steak, ép anh ăn để lấy sức. Anh ngồi ở đầu bàn, chị khoác yếm ăn cho anh, cắt nhỏ thức ăn để anh dễ nhai. Bữa cơm diễn ra dưới ánh đèn nhà bếp ấm cúng, trong những câu chuyện cười rôm rả của chị và ánh mắt nhìn vợ say đắm của anh. Đôi chim két anh chị nuôi trong cái lồng luôn mở cửa, đặt ở một góc nhà, có một ngày bỗng nhiên lẻ bạn. Con trống còn lại, khi không tung tăng trong căn nhà rộng, thích đậu trên vai chị và huýt sáo inh ỏi.
Thời gian trôi qua. Sức khoẻ của anh xuống dần. Hằng chiều, anh không còn đi xe đạp hay đi bộ được nữa. Anh ra vào nhà thương như cơm bữa. Chị bắt đầu khóc một mình những đêm anh trở bệnh, cảm thấy bất lực và tuyệt vọng nhưng với anh, chị luôn có nụ cười và những lời an ủi.
Các cuộc thăm viếng anh cứ ngày càng thu hẹp khoảng không gian trong ngôi nhà nhỏ. Từ bàn ăn ở nhà bếp vào cái sofa ở phòng khách, anh cố ngồi thẳng, lưng dựa vào tựa ghế, tiếp chuyện bạn bè bằng sự chừng mực cố hữu của anh giờ đây đượm thêm chút mệt mỏi. Từ cách phục sức tề chỉnh hàng ngày trước kia, sơ mi, quần tây, thắt lưng, nay anh chỉ còn dễ chịu trong bộ jogging suit màu xám nhạt. Sau cùng, anh nằm trên giường, đầu gối cao, tiếp bạn trong căn phòng ngủ có cửa sổ nhìn ra vườn sau. Ngang tầm mắt anh trên vì tường bên phải, treo cái khung hình chân dung chị Chi ngày còn trẻ. Tôi đến thăm, hay ngồi ở cuối giường, lúc vào và lúc về, thường xoa xoa chân anh thay cho lời chào. Đề tài anh thích thú nhất bên giường bệnh vẫn là chuyện văn chương, viết lách. Anh hỏi thăm công việc tôi đang làm, khuyến khích tôi phải hoàn tất cuốn truyện dài viết về bà mẹ quê rất đáng thương của tôi, của cả một thế hệ những người đàn bà với số phận hẩm hiu trong cái xã hội phong kiến Việt Nam đầu thế kỷ 20. Khi tôi chân thành và cảm kích đáp lại bằng sự mong mỏi anh cũng nên viết xuống những gì đang chất chứa trong suy nghĩ và cảm xúc của anh những ngày lâm bệnh, của một nhà văn đang từng phút giây không chỉ cảm nhận mà có lẽ còn đặt được cả bàn tay chạm vào hy vọng và biệt ly, anh gật đầu cười buồn, hứa sẽ thử. Tôi còn liều mạng đề nghị chị Chi ghi chép giùm anh. Về sau, trong vài dịp chuyện trò hỏi lại, chị Chi chỉ lắc đầu mà không nói gì. Tôi trạnh lòng, hình dung sự cần mẫn và kỷ luật hiếm có của anh trên hàng ngàn trang bản thảo anh đã hoàn tất trong bối cảnh cơ cực và gieo neo của cả miền Nam những năm đầu bị cọng sản tiếp quản. Tôi cũng hình dung những buổi trưa nắng ở Cali, tuần lễ năm ngày, anh đều đặn bỏ bữa ăn ở sở làm, lái xe ra công viên để viết. Hoặc sáng tác, đóng góp với bạn bè trong những công trình văn hoá chung hoặc lo cho tờ tạp chí mà anh nhận trách nhiệm nuôi nấng sau khi các con đã khôn lớn, trưởng thành. Với anh, chữ nghĩa là một phần xương thịt không thể tách rời.
Nguyễn Mộng Giác đoàn tụ với hiền thê Nguyễn Khoa Diệu Chi và toàn bộ bản thảo Sông Côn Mùa Lũ năm 1990.
Tôi chỉ biết đến thế rồi lười biếng ngừng ở đó. Tôi khâm phục những công trình sáng tác dài hơi của anh được đông đảo bạn đọc ngưỡng mộ, được các nhà phê bình văn học trân trọng mổ xẻ, khen ngợi, được in thành ấn phẩm lộng lẫy. Tôi quý mến anh là một người bạn văn có phẩm cách, trung thực và hào sảng. Trước hết và sau hết, cũng phải thú thật vì anh là phu quân của Nguyễn Khoa Diệu Chi, một bạn gái tôi và Trần Mộng Tú đặc biệt thương quý.
Sống cho đến quãng đời này, tôi thường ý thức rõ về tính cách hời hợt của con người trong sinh hoạt hàng ngày, biết rằng đó là nguyên nhân đưa tới nhiều bi kịch, thậm chí thảm kịch. Người ta dễ bằng lòng với những gì nhìn thấy trước mắt. Không ai, kể cả cha mẹ, bận tâm về một điều gì ẩn dấu bên trong một đứa con ngoan, một sinh viên ưu tú, không bao giờ làm phiền lòng cha mẹ, nhà trường, hàng xóm, cho đến khi nó bất ngờ vác súng đến một nơi nào đó, lớp học, bãi đậu xe, hí viện… khơi khơi nổ cò như một tay xạ thủ chuyên nghiệp. Mọi người, dù thân thiết với nhau tới đâu, dường như chỉ “đi bên cạnh” nhau theo đúng nghĩa của những chữ này nhất. Bây giờ, anh Nguyễn Mộng Giác đã hoá thân về thiên cổ. Những ngày tang lễ anh, tôi ở nhà Tú, xa quận Cam hai tiếng rưỡi máy bay. Buổi tối bật đèn đầu giường, đọc truyện anh viết, nhìn thấy anh dưới một chân dung khác, một người khao khát và suy tôn Tự Do đến chết. Có những điều tha thiết muốn trao đổi với anh thì hỡi ơi, nhớ ra rằng mọi cánh cửa mở trong những trang sách của anh nay đã lạnh lùng khép lại. Anh có những ước mơ, một thế giới riêng lấp lánh màu sắc, nồng nàn hương vị. Anh tung chúng lên trời, gieo xuống đất, ném vào khoảng không mênh mông. Ham hố. Miệt mài. Thành khẩn. Liệu có bao nhiêu người đón nhận cùng với nhiệt tình anh trao đi? Hay anh chỉ hiện diện bằng tên mình ở những cái gáy sách xếp trên án thư, kệ gỗ nhà này, nhà kia? Hay cơ hội cuối cùng của một nhà văn luôn phải chờ khi bước vào văn học sử, đem theo với mình con người đời thường, không tước hiệu, nhưng nó chính là cốt lõi làm nên vinh quang của vòng nguyệt quế?
Cát bụi thời gian đã bôi xóa và sẽ bôi xóa sạch trong ký ức mọi người dấu vết những vòng bánh xe cứu thương chở anh xuôi ngược trên nhiều con đường của nhiều thị xã vùng quận Cam. Cảm tạ Trời Đất đã cho anh được về nhà trên chuyến xe cuối cùng như ước nguyện.
Riêng tôi, mỗi khi nghĩ về anh, mỗi khi đến thắp một nén nhang tưởng niệm trên bàn thờ anh, tôi chưa cách nào quen với sự vắng lặng trong căn nhà ở đường Strait nay chỉ còn một mình Diệu Chi chăm chút di chuyển những chậu lan sum suê từ vườn vào nhà rồi lại từ nhà ra vườn khi hoa đã tàn rụng hết, không còn anh để khoe, để nhìn chị đắm đuối như nhìn em lần đầu.
Chữ nghĩa để làm gì khi một tình bạn thân thiết gần ba thập niên thế mà vẫn có những điều chưa kịp nói?
Bùi Bích Hà
Garden Grove, 7/20/12