Nguồn: Tạp Chí Văn Học số’ 105&106
“…Thuận đấy à? Mình nói chuyện thoải mái được không? Cô thì lúc nào cũng ậm ừ, nhưng mặc kệ, cuối năm anh phải điện thoại chúc Tết cô. Không điện thoại sớm, cô bận nghe những lời chúc khác văn chương hơn, bay bướm hơn, cô quên anh đi. Cười! Không thật thế à! Năm mới cô muốn anh chúc gì nào? Khang an thịnh vượng, già quá! Dồi dào sức khoẻ? Thừa! Cô thì lúc nào không dồi dào sức khoẻ, chẳng thế mà lúc nào cũng có hàng tá những anh tình nguyện chở các cháu đi học, đi shopping, đi ăn kem, đi cắm trại. Lại cười! Thôi, anh chỉ xin chúc cô một năm mới hoàn toàn như ý. Cho cô hoàn toàn tự do lựa chọn, muốn gì được nấy. Phần anh, cuối năm bận lu bù. Hết cuộc họp tất niên này đến cuộc họp tất niên khác. Anh mới đi ăn tất niên ở hội đồng hương về đây. À, có chuyện này anh kể cho cô nghe. Tính anh vẫn thế, ưa nói ngược. Bạn bè anh đua nhau tán tụng cái đất địa linh nhân kiệt, hãnh diện là người đồng hương của ông này bà nọ. Anh, anh bảo anh hãnh diện làm người đồng hương của Tám Khùng. Vâng, Tám Khùng, người điên nổi tiếng của thành phố Qui nhơn. Mọi người trố mắt nhìn anh. Cô biết anh giải thích sao không? Nhưng trước hết anh phải cho cô biết Tám Khùng là ai đã chứ. Hồi đó anh từ quê xuống Qui nhơn học. Thành phố sau chiến tranh chỉ là một bãi cát đầy dây kẽm gai và vài chục túp lều tranh trên bờ biển. Gia đình Tám Khùng đã ở đó rồi. Bọn học trò rắn mắt, trong đó có anh, ngoài cái thú tắm biển, đi xem phim Tarzan ở cái rạp xi- nê duy nhất Tân Châu, chỉ còn cái thú chọc ghẹo Tám Khùng. Mỗi lần bị chọc, Tám Khùng la khóc bai bải, luôn miệng chửi “Cha mày Xe, mẹ mày Bành”, rồi chạy đi tìm một hòn đá, một miếng gạch…Ồ không, không phải để ném vào bọn anh đâu. Tám Khùng lấy đá gạch đập vào ngực mình, đập hết lực, miệng vẫn không thôi lải nhải “Cha mày Xe, mẹ mày Bành”. “Xe, Bành” là tên cha mẹ của Tám Khùng, cô thấy có lạ không? Ông ấy oán trách cha mẹ đã sinh ra mình để mình phải khổ như thế chăng? Kẻ gây khổ cho ông ấy là bọn anh, nào phải cặp vợ chồng ngư phủ già ở xóm lưới! Tại sao ông ấy lại lấy đá tự đập vào ngực mình mà không ném cho vỡ đầu bọn anh? Khó hiểu chứ! Như ông ấy muốn bảo “lỗi tại tôi lỗi tại tôi mọi bề”, quá lắm chỉ dám đổ lỗi cho cha mẹ. Ông ấy điên, nhưng có khác gì ông thánh.
Một lần anh mê phim Tarzan quá mà không có tiền, bèn nghĩ ra cách đi nhặt cái vé cũ đem dán với cái cùi vé cũng cũ, chờ gần vào xuất chiếu, nhiều người chen lấn mới vào để mong người kiểm vé không thấy sự giả mạo. Nắm khư khu tấm vé trong tay, anh ra sức chen. Vã mồ hôi chen được đến trước mặt người soát vé, thì hỡi ôi, tấm vé dán bằng cơm đã rã làm hai. Anh giận quá, chen trở ra. Vô phúc, Tám Khùng đang đứng trước cửa rạp Tân Châu. Anh la to “Xe Bành, Xe Bành”. Tám Khùng nổi giận, tru tréo “cha mày Xe mẹ mày Bành” như mọi khi, rồi chạy đi tìm đá. Ông ta tìm được một nửa viên gạch. Ông ta đập vào ngực mình một cú mạnh đến nỗi ông té ngửa, ngồi lặng một lúc, rồi rũ ra ho. Từ đó, cô biết không, mỗi lần làm điều gì khuất lấp, ngực anh bỗng đau nhói”.
…
Bên kia đầu dây, có giọng nữ run run: “Tội quá hở bác! Ổng còn sống không?”
“Ủa, ai đang nói điện thoại vậy? Thuận, không phải Thuận à?”
“Thưa bác mẹ cháu xuống phố có chút việc. Bác có cần nhắn mẹ cháu điều gì không ạ?”
“Thế…thế..từ nãy tới giờ…”
Có tiếng mở khóa lách cách ở cửa trước. Ánh sáng ùa vào căn phòng tối. Người đàn ông đột nhiên đổi giọng, hét vào điện thoại: “Vâng, thưa ông tôi nghe rồi. Tôi đã nói với ông là nhà tôi đã sắm Tết đủ, không cần đặt bánh chưng ở chỗ ông nữa. Từ sáng tới giờ ông làm phiền tôi tới ba lần, ông nhớ không? Xin lỗi tôi phải cúp máy!”
Người đàn bà vừa vào nhà hỏi:
“Ai gọi vậy anh? Gớm, người ta chen nhau mua sắm, như sợ hết hàng ấy. Có ai gọi cho em không?”
“Không có ai cả. Chi có cái lão gì nói giọng Bắc quảng cáo bánh chưng. Thật phiền. Vợ anh hôm nay diện dữ. Để mấy cái gói đó anh mang vào cho”.
Người đàn ông vội vã giấu mảnh giấy ghi mấy con số điện thoại vào túi quần. Tim ông đập mạnh, nhưng ông không cảm thấy nhói đau!
Nguyễn Mộng Giác
Số lần đọc: 4614