Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàTruyện DàiTiếng Chim Vườn CũTiếng Chim Vườn Cũ - Chương 3

Tiếng Chim Vườn Cũ – Chương 3

Trong sự cố gắng giải thích biểu tượng nơi giấc mơ người khác, chúng ta thường hay bị trở ngại vì có khuynh hướng dùng cách phóng đại để bổ túc những chỗ hiểu biết còn thiếu sót, giả tỉ như nhà phân tâm học tri giác hay suy nghĩ cái gì thì người nằm mộng cũng phải như thế. Vì muốn ngăn ngừa những nguyên do lầm lỗi đó mà tôi vẫn nhấn mạnh đến điểm quan trọng là chỉ căn cứ vào nội dung của mỗi giấc mơ riêng biệt, còn thì loại hết những giả thuyết căn cứ vào lý thuyết đại cương về giấc mơ, ngoại trừ những giả thuyết có ý nghĩa nào đó đối với giấc mơ ấy”.

Lời khuyên trên đây của Jung trong quyển Thăm dò tiềm thức giúp tôi qui định một lề lối làm việc thuần nhất, y nguyên từ trước đến sau. Tôi cố quên những điều phóng đại, những hệ thống lý thuyết đồ sộ do trí thông minh bao nhiêu thế hệ loài người dựng lên, sừng sững cao ngất đến độ không còn phù hợp vời vóc dáng tầm thường nhỏ nhoi của con người.

Tôi cố gắng khởi đầu bằng hai bàn tay không, và một đầu óc rỗng. Trước mặt tôi, là một con người cá biệt, không |giống ai. Phương Thảo ở riêng một cõi, hoàn toàn riêng lẻ. Nụ cười của nàng khác hẳn mọi người. Tiếng khóc của nàng cũng khác hẳn tiếng khóc kẻ khác. Vì Phương Tháo có riêng cho mình một quá khứ. Những hình ảnh, những kỷ niệm tạo thành sự phức tạp của tiềm thức Phương Thảo không có một phó bản nào khác.

Cho nên việc đầu tiên của tôi khi soạn luận án là thu thập tài liệu.

Tôi hỏi kỹ me tôi về Phương Thảo, từng dáng điệu, cử chỉ, lời nói, vẻ mặt của cô bé từ khi me tôi xin về cho đến khi lớn lên. Công việc khá vất vả, vì chẳng những me tôi không nhớ kỹ, mà nhiều lúc, những điều bà tưởng nhớ rõ chỉ là một thứ ảo tưởng được tô vẽ chải chuốc lại. Tôi hiểu me tôi lắm. Ba tôi đã qua đời. Gia tài đã khánh kiệt. Ngày ngày tháng tháng lúc thúc trong khu vườn quạnh hiu và mái nhà ẩm thấp này, me chỉ còn một niềm vui ít ỏi là say sưa kể chuyện ngày xưa. Mỗi lần muốn me tôi vui, tôi chỉ cần đặt một câu hỏi. Mắt me tôi những lúc ấy long lanh một thứ ánh sáng lạ lùng, họa hoằn. Me nói, me nói đến nỗi tôi ghi không kịp, còn Phương Thảo thì ngẩn ngơ.Vì thế, tôi phải chọn lọc lại những kỷ niệm tươi đẹp và rối rắm, nhiều khi mâu thuẫn của me tôi. Nhớ những lời ghi chú đó, cộng thêm mớ ký ức thiếu thời, tôi phác họa được tuổi thơ ấu của Phương Thảo, từ năm tám tuổi về ở với me tôi đến lúc ba tôi mất me tôi buôn bán thua lỗ và Phương Thảo lên cơn trở lại. Xin thú thực, tôi không tin tưởng mấy vào những trang phác họa này. Nó đẹp, và mờ như một thành phố hồng ngày xuân sương mù. Nếu căn cứ vào những điều kiện sinh hoạt thời này, thật khó mà giảí thích được tình trạng sức khỏe và tâm thần của Phương Thảo. Khốn nỗi, từ lúc ở cô nhi viện trở về trước, me tôi không biết gì về Phương Thảo hết.

Tôi đành thu thập tài liệu những năm về sau, lúc tôi lên đến năm thứ ba.

Tôi chú ý thấy Phương Thảo thường khủng hoảng thần kinh nặng nề vào khoảng tháng năm tháng sáu. Bấy giờ khí hậu nực nội, oi ả. Những cơn nắng hực lửa gay gắt vào buổi sáng bao nhiêu thì cơn mưa buổi chiều càng làm cho đời sống ướt át ủ dột bấy nhiêu. Có lẽ vì vậy khoảng mấy tháng đó, Phương Thảo thường mê sảng. Tôi ngồi bên Phương Thảo, ghi nguyên văn tất cả những lời nàng nói.

Sau một tuần lễ, tôi đem đối chiếu chọn lọc, chỉ thu thập những câu nàng nói đến lần thứ nhì. Sau một tháng, tôi lại đối chiếu loại bỏ lần nữa, nghĩa là chỉ ghi lại làm tài liệu những câu nàng nói mê đến lần thứ ba.
Tôi cũng áp dụng một lối chọn lọc như vậy để tìm tài liệu sống về các cử chỉ, các hành động thất thường của Phương Thảo.

Trong hai năm, tôi ghi chú được khá nhiều, dầy đặc cả một quyển vở trăm trang. Đến cuối năm thứ năm y khoa, tôi chọn lọc tài liệu một lần chót rồi mời xếp đặt, phân loại, để thử dựa vào đó, phỏng đoán nguyên nhân căn bệnh Phương Thảo.

Tôi hơi bối rối trước mớ tài liệu hỗn tạp rắc rối như mớ bòng bong này.

Xoay ngang, xếp ngược, làm sao cũng không hợp lý cả. Tôi vụng về, chẳng khác nào anh chàng thợ hồ mới học nghề không biết phải quệt chút vữa này thế nào cho viên gạch này dính liền vào viên gạch kia.

Nhưng rồi dịp may đến với tôi, đúng lúc. Năm đó, người bạn tôi đang học bên luật khoa, đọc sách nhiều, suy tư lắm, mà phát ngôn cũng dữ tợn nữa. Lúc nào đến thăm hắn, vừa bước lên cái cầu thang hẹp lên gác, tôi cũng nghe hắn bi bô lập thuyết. Bọn bạn nối khố từ thời trung học đặt cho hắn cái biệt danh Lý Thuyết Gia Tạp Thuyết, vì tháng nào hắn cũng có một học thuyết mới toanh để oang oang rao giảng cho thân hữu. Bấy giờ, hắn đang hăng hái phổ biến cho bạn bè thuyết Tân Trung Dung của hắn, học thuyết vừa khoa học thực tiễn vừa đề cao sức mạnh đời sống tâm linh, vạch trần sự nông cạn của Marx và sự bí hiểm cố ý để che giấu ngu dốt của phái duy tâm. Chúng tôi đã quen với những dao to búa lớn của hắn quá rồi, không ngạc nhiên chút nào, lẳng lặng lắng nghe hắn đại ngôn :

– Các toa biết không. Con người ta, như Pascal nói, chỉ là một cây sậy yếu đuối. Dù biết suy tưởng chăng nữa, nó vẫn là một cây sậy không hơn không kém. Vì sao ?

Hắn dừng lại, học cái xạo vặt của mấy tay du thuyết nhà nghề, rút điếu thuốc chậm rãi đánh diêm châm lửa hút. Chúng tôi hơi tò mò, nhưng chỉ yên lặng chờ. Hắn cười thật khinh bạc rồi tiếp :

– Vì sao ? Vì sao mà yếu ? Chỉ vì nó chịu đủ thứ áp lực. Sinh ra là chịu đựng những ràng buộc xã hội, và cá tính, địa vị, cách xử thế của nó là hậu quả tất yếu của những áp lực.

Trước hết là áp lực kinh tế. Chính đời sống vật chất, cái ăn, cái mặc, cái uống, cái ngủ, bắt buộc nó phải chịu lệ thuộc. Nhưng moa không dừng lại ở đó, như Marx. Moa cho rằng áp lực này chỉ có trên lý thuyết như một thứ định đề. Trong đời sống con người, áp lực nguyên thủy này biến thái đi, để phân thành hai áp lực khác, như từ thái cực sinh lưỡng nghi vậy.

Lưỡng nghi đó là áp lực xã hội và áp lực siêu nhiên. Cách thức tìm miếng cơm manh áo của mỗi người buộc nó phải chịu sự kiềm tỏa của đám đông. Nó cảm thấy bị tước đoạt. Nó sợ hãi. Cho nên tùy vào các cách áp chế của xã hội nó sống, mà con người phải tìm lối thoát trong lòng tin ở thần linh. Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Nó thoát những dây xích tàn nhẫn của xã hội, thì lại mang thêm một gông cùm mới.

Chúng tôi chịu, không hiểu nổi cái mớ bòng bong pha trộn cẩu thả nào mác xít, nào hình như thượng học của nho giáo, nào xã hội học, nào Pascal của hắn. Hắn nói mãi, cho đến lúc bị một thằng bạn kê đúng vào chỗ học thuyết yếu nhất. Hắn tịt ngòi, hơi thẹn, sau đó lại tiếp tục cãi bướng.

Tối hôm đó về, tôi lại xoay ngang xếp ngược mớ tài liệu về căn bệnh của Phương Thảo. Tôi tìm một cái khung để móc các tài liệu ấy lên. Tôi viết rồi xóa, xóa rồi viết. Cuối cùng, tôi tìm ra một dàn bài.

Phải rồi, cô bé Phương Thảo dù sao cũng chỉ là một thành phần yếu đuối tội nghiệp trong guồng máy xã hội, chịu đủ mọi thứ áp lực. Cô bé bị vứt vào viện mồ côi, như một cái cây bị nhổ bật rễ lên khỏi lòng đất mẹ để đem cấy vào một miền đất khác lạ hoắc. Cô bé cảm thấy chới với. Đôi chân non và bàn tay yếu không cho phép cô bé lăn lộn với đời tìm sống, trong khi cái bao tử đói ăn, cái miệng đói uống. Đó là một thứ áp lực tiên khởi. Áp lực kinh tế, như nhà lập thuyết của tôi đã nói. Phương Thảo không có cách lựa chọn nào khác. Người ta đã chọn giùm cho Phương Thảo một mẫu sống. Cô bé chỉ còn biết ngồi yên ở đó, chịu đựng tất cả lòng thương hại của ông đi qua bà đi lại. Đó là áp lực xã hội. Cô bé chịu đựng khá, kiên nhẫn nhìn mọi cái trò giả dối bác ái. Cô bé chớp mắt cảm động khi người ta vuốt tóc, ngồi yên cho các chị hướng đạo chải đầu, nhỏ nhẹ trả lời mọi câu hỏi của khách lạ.

Cô bé ngồi giữa đám trẻ trai gái cùng mặc một thứ quần áo như mình, nhìn đám người lố nhố bên ngoài rào sắt một cách lạnh nhạt xem thường như đám người bên ngoài nhìn vào bên trong. Người đời cần một cái gì đó để tỏ lòng thương hại vào ngày chủ nhật và các lễ trọng. Vuốt tóc trẻ mô côi, bỏ 100 đồng vào quỹ cô nhi cũng khoan khoái như ăn một tô phở tái, hút một điếu thuốc thơm hảo hạng. Và xã hội buộc Phương Thảo làm cái đinh cho mọi người móc lên trên lòng tự mãn về nhân đức.

Nhưng càng ngày cô bé càng khôn lớn. Con búp bê nhồì bông mềm nhẽo và hôi hám không còn thích hợp với tuổi Phương Thảo nữa. Tay Phương Thảo rỗng. Lòng Phương Thảo trống. Sự chịu đựng trở thành hèn nhát lố bịch. Có lẽ đó là lúc tâm hồn cô bé có một khát vọng mới, mơ hồ nhưng nhất định là huyền diệu vô cùng. Tự lúc nào đó, Phương Thảo nghe tiếng chuông nhà thờ với một đôi tai khác, nên nhận thức cũng khác hẳn.Tiếng chuông ngân nga thanh thoát ấy trở thành mơ ước, một khao khát thoát ly. Cuộc sống thực càng tù túng bao nhiêu, thì tiếng chuông càng có một sức mạnh lôi cuốn đối với Phương Thảo bấy nhiêu. Chính vì thế mà về sau, nhiều lần trong đời, Phương Thảo đã ngồi im lặng đột ngột, mắt mơ màng dõi theo hồi chuông nhà thờ tưởng tượng. Áp lực siêu nhiên là đấy.

Tôi khoan khoái tìm ra được chân lý. Động cơ của cá tính Phương Thảo là vậy. Xã hội đã nhào nặn vóc dáng một tâm hồn ngơ ngác, lạc lõng, rồi chính xã hội cũng đã đưa đẩy tâm hồn đó rơi vào những âm mưu chi phối khác của huyền nhiệm, của thần thánh.

Nếu Phương Thảo chấp nhận mọi áp lực trên đây, nàng đã là một người bình thường. Giống như mọi kẻ khác bằng lòng làm cái mắt xích cho guồng máy khổng lồ, Phương Thảo sẽ xuôi tay như mọi người, cúi đầu cam chịu như mọi người. Xã hội sẽ khen Phương Thảo : Chà, cô bé ngoan ngoãn. Các dì phước sẽ cử Phương Thảo cầm hoa đi chúc mừng Đức Cha, đi dâng hoa cho quan khách.

Nhưng Phương Thảo giữ nguyên vẹn cá tính độc đáo. Cô bé cương quyết chống đỡ để còn nguyên vẹn là mình. Thế mới phiền. Cô bé trở thành bất thường, làm cho mọi người khó chịu.

Thay vì hướng về ánh sáng cho mọi người thấy rõ hiệu quả mầu nhiệm của đức bác ái, cho mọi người vuốt tóc bẹo má, Phương Thảo lại đi tìm bóng tối. Cô bé thường quay lưng lại, suốt ngày nhìn vào xó. Cô bé muốn bảo :

– Tôi chán cái màn giả trang trơ trẻn của các người quá rồi. Cnộc sống các người tạo dựng chói chang quá lắm, tôi không chịu nổi nữa.

Thay vì nhìn thẳng vào đám đông, cúi đầu cảm tạ, cô bé lấy tay che mặt lại. Cô bé muốn phủ nhận, muốn từ chối. Cô bé muốn bảo :

– Hãy đi đi. Để cho tôi yên. Kia kìa, mụ đàn bà mập núng ninh như con lợn ỉ, mặt trát phấn như tô vôi kia, nụ cười của mụ không nhân hậu chút nào. Mụ giả vờ, mụ nói láo. Tôi thấy hết dã tâm của mụ. Mụ chỉ kiêu căng tự mãn về gia tài đồ sộ của mụ, lại còn muốn cho mọi người cúi đầu khâm phục sự giàu có của mình. Đi đi, các người làm tôi xấu hổ.

Và cô bé đã đưa tay che mặt lại khi người lạ đến gần. Vì thật ra, có ai không mang những ý tưởng đen tối độc ác đàng sau khuôn mặt nghiêm nghị hiền hòa ? Cô bé sợ là phải.

Lối giải thích trạng thái thần kinh của Phương Thảo như tôi vừa trình bày có đầy đủ dẫn chứng cụ thể. Tôi đã rào trước đón sau từ đầu rằng đây chỉ là một cuộc Thăm Dò, thăm dò đời sống tiềm thức của một người thực riêng biệt, xác định. Kinh nghiệm thu lượm được của cuộc thăm dò này có thể là khởi điểm suy rộng ra những phổ quát được không, điều đó tôi chưa biết chắc.

Nhưng trong khu rừng hoang vu còn nguyên vẹn chưa khai phá của ngành tâm bệnh ở Việt nam, tôi bạo gan đặt một bước chân dò đường. Tôi đã viết đại khái như thế trong phần mở đầu tập luận án. Tôi lọc các câu nói mê của Phương Thảo phù hợp với sơ đồ giải đoán trên kia, ghi chú xuất xứ cẩn thận xếp loại và giải thích tỉ mỉ. Tuy thế còn một số câu nói mê khác không hợp với lý luận. Chẳng hạn nhiều lần Phương Thảo nhắc đến một con ngựa bị chặt chân lê lết quay cuồng trên thửa ruộng lầy, chuyện một tiên ông đầu tóc bạc phơ thân hình quắc thước nhưng gặp cô bé ở đâu là rạp người xuống lạy như tế sao. Cũng có những mùa, khi người lạ vào nhà, thay vì chạy vào xó tối che mặt lại, cô bé đến quì trước me tôi, ôm lấy hai chân bà khóc nức nở. Nói chung, phần lớn những biến chứng của Phương Thảo đều hiền từ, không la hét phá phách. Mọi cử chỉ, thái độ, hành động mê sảng của Phương Thảo đều của kẻ ở thế yếu, cần trốn tránh, van xin, cầu cứu. Còn nhiều, nhiều câu nói sảng nữa không giải thích được. Làm việc một cách khoa học, tôi đã gắng phân loại những câu này rồi cho in luôn vào phần Tồn Nghi, phụ đính sau luận án.

Tuy nhiên tôi cho rằng các tồn nghi ấy chỉ là phụ thuộc, vì tôi đã nắm được điểm chính yếu. Vì vậy, tôi vững lòng, phác họa tiếp một phương pháp trị liệu.

Tôi cố gắng xoá tan những mặc cảm, những ám ảnh nặng nề ăn sâu trong hồn của Phương Thảo. Tôi đề nghị me tôi giao hẳn cho Phương Thảo coi sóc việc chi tiêu trong gia đình, cho nàng toàn quyền quyết định việc tài chính. Dù me tôi hay tôi cần tiền làm việc gì cũng phải hỏi Phương Thảo. Me tôi tin tưởng hoàn toàn vào tôi nên tuy ban đầu hơi ngạc nhiên, về sau bà dần dần cảm thấy thoải mái hòa nhã. Bà sống vô tư, tiền nong đã có con gái nuôi của me lo liệu. Me tôi đã thôi buôn vải, việc sổ sách không còn rắc rối đau đầu như trước kia. Ngoài hoa lợi mấy mẫu ruộng trên quê nội, và số tiền dạy tư của tôi, gia đình còn có thêm số lợi tức hùn hạp trong một xưởng sản xuất nước mắm. Tổng cộng mỗi tháng Phương Thảo có trong tay khoảng ba mươi nghìn đồng. Với một gia đình ba miệng ăn, số tiền ấy khá đầy đủ.

Nhờ thế mỗi tuần chính tôi dẫn Phương Thảo mua quà bánh đi thăm các cô nhi viện trong thành phố. Nếu không có quà, tôi đem theo dụng cụ y khoa, thuốc men đến săn sóc sức khỏe cho các em cô nhi. Phương Thảo làm phụ tá cho tôi. Những lần đi thăm như vậy khiến Phương Thảo vui thích thật sự. Tuy ban đầu nàng có hơi ngượng ngập e ngại thật. Chủ ý của tôi là muốn cho Phương Thảo nhìn lại liên hệ nhân loại, xét lại ý nghĩa các hành vi cứu trợ xã hội với tư thế đối nghịch. Đồng thời, để điều kiện hóa các phản ứng, tôi cho Phuơng Thảo nghe cuốn băng thu tiếng chuông nhà thờ vào nhiều dịp khác nhau. Lúc đầu tôi cho nàng nghe vào lúc chiều tà, khi đêm đã về mà me tôi vẫn hà tiện chưa chịu bật đèn ở nhà dưới. Phương Thảo xúc động thật sự, tay mân mê vạt áo, như đang lần chuỗi, miệng lâm râm nói gì không rõ. Lần thứ nhì và các lần kế tiếp tôi cho nghe chuông vào các giờ sáng sủa hơn. Tiếng chuông trở thành báo hiệu bữa cơm chiều, báo hiệu bữa cơm trưa và cuối cùng, báo hiệu bắt đầu một ngày mới.
Đến vòng thứ ba, nghe chuông lúc chiều tà, Phương Thảo không mân mê áo và mơ màng đôi mắt nữa. Đến vòng thứ tư, nàng cười khi thấy chuông báo hiệu bữa cơm nàng đang sửa soạn. Đến vòng thứ năm, tiếng chuông chẳng khác gì tiếng đồng hồ báo thức.

Những biến đổi khả quan ở Phương Thảo làm me tôi mừng rỡ. Cùng với tiếng cười trong của Phương Thảo, tôi thấy được ánh mắt vui của me tôi. Khoảng thời gian đó, Phương Thảo ăn được, giấc ngủ tương đối lành vì tôi điều giảm lần phân lượng thuốc an thần.

Vào hồi tháng năm vừa qua, tôi hơi lo âu chờ cơn mê định kỳ của Phương Thảo trở lại. Tháng năm rạng rỡ ánh nắng đi qua, không một áng mây mờ. Tôi yên lòng chờ qua tháng sáu. Rồi tháng sáu cũng qua. Tháng bảy tới. Tôi hoàn thành luận án. Và để chứng tỏ sự thành công trọn vẹn sau bao năm kham khổ, tôi kiểm chứng thành quả bằng cách mượn Phương Thảo đọc luận án cho tôi đánh máy vào stencil. Nàng vừa đọc vừa cười thích thú, như khám phá thấy trong gương khuôn mặt ngộ nghĩnh của chính mình. Nhiều điểm nàng còn bổ khuyết hoặc đính chính giúp tôi nữa. Những lúc ê tay tôi dừng việc, thì Phương Thảo nằm dài trên ghế bành, lim dim đôi mắt cười vu vơ với cuộc đời tươi đẹp trước mắt. Nhiều hôm tôi hỏi :

– Phường Thảo, em đang cười gì đó ?

Nàng không đáp, tiếp tục nhắm mắt và giữ nụ cười trên môi. Tôi hỏi :

– Em có mơ thấy điều gì khác không ?

– Có, không nhiều như trước. Một tháng chỉ vài ba lần mà thôi. Những lúc ấy, nghĩa là khi đang mơ, em tự nhủ : phải nhớ kỹ mai kể lại cho anh Uyên làm luận án. Nhưng sáng dậy, em lại quên mất.

– Thảo cố nhớ xem, em thường mơ thấy gì nào ?

– Em đã nói quên hết rồi.

– Mặc kệ. Em cố gắng chú tâm một chút, là nhớ lại liền. Em có mơ thấy mình chảy máu, hay mình bị rơi xuống một vực sâu, hay mình…

Phương Thảo cướp lời:

– À, em nhớ ra rồi. Em mơ thấy mình biến thành một con chim, chim gì em không rõ nhưng hình như có đôi cánh thật là rộng. Em vừa bay vừa nghếch đầu nhìn cái cánh xập xòe. Đôi cánh đập nhẹ nhàng đều đặn, rồi đôi cánh trở thành những lượn sóng biển uốn khúc, nhô cao xuống thấp tiếp nối mãi, tiếp nối mãi đến chỗ xa tít. Xa đến mỏi mắt. Muốn nhìn cho rõ đợt sóng xa mù đó phải nín thở. Và vì nín thở khó chịu, nên em tỉnh dậy.

– Giấc mơ của em sao mà bao la vậy. Đủ cả trời cao bể rộng. Mà nó là cái gì ?

– Em đâu có biết.

Mà cả tôi cũng không hiểu nốt. Nhưng chắc chắn không phải là ác mộng, vì nhịp độ, động tác thật đều đặn, êm dịu. Đôi cánh xập xòe. Sóng lượn đến miền chân trời. Đây phải chăng là một ý thức thanh tĩnh tuyệt đối, ý thức thấy rõ bản chất của chính ý thức.

Tôi hết sức tự tin khi đem trình luận án cho thầy Phong xem lần đầu. Thầy xem xong trong vòng có hai ngày, rồi phê bằng bút chì lên trang đầu : Quá Hợp Lý Trong Một Phạm Vi Có Nhiều Cái Phi Lý Cần Thiết.

Tôí đã cãi :

– Nhưng thưa thầy, y khoa là một khoa học.

Thầy đã cười, vỗ vai tôi không nói gì.

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 4095

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây