Bấy giờ là mùa đông. Trời mưa tầm tã. Nước lụt tràn bờ sông, người ở chỗ đất thấp phải chuẩn bị dời thóc gạo đồ đạc lên các chỗ đất gò để tránh nước lũ. Đường đất sét phủ đầy một lớp bùn nhão màu hung cao đến ngập mắt cá. Việc đi lại khó khăn nhưng ở công trường xây thành Chà Bàn, công việc vẫn tiến hành khẩn cấp. Số dân phu tăng hơn cả mùa nắng. Trai tráng thì ngâm mình dưới làn nước bạc dùng mai xắn từng khối đất dẻo, rồi hụp xuống bê lên cho những người già cả khiêng, gánh, xách, đội, vác đến tận chân thành. Do đó người nào cũng lấm lem những bùn từ chân tóc đến quần áo, vừa thở phì phò vừa run cầm cập. Nước lụt tràn khắp vùng quanh chân thành, nhất là phía đông, nhưng căn cứ theo mực nước ngập đến thắt lưng hay đến cổ mà người ta phân biệt được chỗ nào đất chưa đào, chỗ nào đã thành đáy hồ. Dù có những cây sào tre còn để nguyên chóp lá cắm mốc, nhưng không thiếu những kẻ sơ ý hụt chân, ngã xuống vùng đất thấp. Theo dự kiến, sau khi đắp xong thành, sẽ có một cái hồ rộng ở mặt đông để trồng sen.
Trong nhà chòi lợp tranh dùng làm chỗ làm việc của ban chỉ huy công trường, Tây Sơn vương Nguyễn Nhạc, Thiếu phó Nguyễn Lữ, Phụ chính Nguyễn Huệ, Nội hầu Phạm Ngạn đang đứng quanh cái sạp liếp tre dùng làm bàn để nhìn tấm bản đồ vẽ cách bố trí của thành Chà Bàn. Quần áo người nào cũng ẩm ướt, bùn lấm cả lên vai áo. Đường cái lầy lội quá nên họ đều đi chân đất. Phạm Ngạn dùng cái que tre chỉ vào sơ đồ giải thích cho ba anh em Nguyễn Nhạc:
– Những chỗ tô son đỏ như khoảng này đã đắp xong. Vâng, chiều cao là một trượng hai xích, chiều dày khoảng hai trượng. Phía bên này đã đắp xong cái núi đất. Đúng là góc đông nam của thành. Sở dĩ phải đắp trước vì cần phải có một gò đất cao không ngập nước cho thợ mộc và thợ vôi làm việc. Phải có thêm hai cái núi đất nữa ở góc đông bắc và tây bắc, dự kiến cuối tháng mười một thì xong vì từ chỗ lấy đất đến hai góc đó xa hơn. Vâng, số phu được gửi tới đủ, nhưng không làm nhanh hơn được, vì số người đau yếu phải cho nghỉ lên cao quá. Số mới bổ sung lại phải mất một thời gian khá lâu mới quen công việc.
Tây Sơn vương chỉ vào phía thành chưa làm xong, hỏi:
– Còn mặt thành này, ông tính thế nào?
Viên Nội hầu vội thưa:
– Dạ phía đó dễ làm hơn vì thuộc vùng đất gò. Tuy là đất sỏi cứng khó đào, nhưng đất lấy ngay tại chỗ khỏi mất công khuân vác. Đá ong cũng có sẵn. Thợ đá có hơi thiếu, trời mưa dầm quá lâu đá ướt rất khó xắn cho thành khối vuông vức. Nhưng tôi có cho thêm phu phụ giúp cho thợ đá, nên không đến nỗi trễ. Nặng nhọc lắm vẫn là mặt bên này.
Nguyễn Nhạc nhìn về phía hai em, giải thích thêm:
– Ta cứ dựa lên nền thành cũ của người Chàm mà đắp cao lên thôi. Khi làm xong, chu vi thành sẽ được mười lý. Thành có năm cửa. Đằng trước này mở hai cửa, bên hữu là Vệ môn, bên tả là Tân khai môn. Bên trái, bên phải và đằng sau mỗi bên đều có cửa. Phía tây này, không, đây là hướng tây nam chứ, hướng tây ở đây có Đỉnh Nhĩ đề, còn phía tây nam có Giao đàn thành. Khung vuông này là Tử thành. Đây là Bát giác điện, trước Bát giác điện là Bát giác lâu. Đằng trước còn có Quyền bồng cung, bên tả bên hữu có dực lang dành cho lính canh gác. Trước cung còn có Nam lâu môn, bên tả có Từ đường, bên hữu có Võ miếu.
Nguyễn Huệ từ đầu lơ đãng không nhìn vào sơ đồ và chăm chú nghe Nguyễn Nhạc giải thích như Nguyễn Lữ, bấy giờ mới lên tiếng hỏi:
– Sao ta lại phải dựa vào dấu cũ của thành Chà Bàn mà đắp thành? Ta không làm khác được sao?
Phạm Ngạn không trả lời được một câu hỏi khó như vậy, nên nhìn về phía Tây Sơn vương, trân trọng dành cho Nhạc quyền giải thích. Nhạc chau mày nhìn em, hơi khó chịu. Nhưng vương cũng kiên nhẫn giải thích chậm và rõ:
– Chú hỏi vì sao ư? Chú nhớ cho kỹ để lần sau khỏi thắc mắc nữa nhé. Vì chúng ta phải cố gắng khôi phục lại vương quốc đã từng một thời thịnh trị kéo dài từ đất Thuận Hóa cho đến Bình Thuận. Kinh đô của vương quốc ấy ở đây. Kinh thành của vương quốc ấy là chỗ này, ngay tại nơi chú với ta đang đứng trú mưa. Lúc người Chiêm thành đóng đô tại đây, tại vùng được gọi là Vijaya này, vương quốc của họ hùng mạnh, thịnh vượng. Họ suy yếu vì đã không biết đây là chỗ đắc địa. Chú cứ nhìn kỹ các tháp Chàm kia, xem cách thức họ xây cất, điêu khắc, cũng đủ biết thời đó xứ sở này giàu có, thanh bình, tôi hiền và bậc anh tài nhiều biết bao! Chúng ta tìm đâu ra những người thợ đẽo gọt nổi những bức tượng đẹp như thế kia? Và ông Năm Ngạn này, liệu ông có chỉ huy nổi dân phu để họ đưa những khối đá nặng như vậy lên cao chót vót tận đỉnh tháp không? Phải nhận là trước đây dân tộc Chàm khéo hơn ta. Vì đâu? Vì họ chọn được đúng chỗ đất tốt để xây thành Chà Bàn. Ta dựa theo dấu cũ của họ để xây thành là vì vậy.
Trong khi Tây Sơn vương nói, Nguyễn Huệ muốn cắt lời anh để góp ý mình, nhưng thấy anh hăng hái quá, Huệ không dám. Chờ đến khi Nhạc tạm dừng để lấy hơi, Huệ mới hỏi:
– Như vậy biên cương của chúng ta phía bắc ra đến Thuận Hóa, còn phía nam chỉ vào đến Bình Thuận thôi sao?
Nhạc đăm đăm nhìn em, môi cười chế giễu, hỏi Huệ:
– Liệu chú có đủ sức đánh nam dẹp bắc để giữ bấy nhiêu đất ấy không? Chú nên nhớ quân Trịnh vẫn còn nghênh ngang ở Thuận Hóa, còn Châu Văn Tiếp vẫn còn chiếm giữ Bình Thuận, Bình Khang.
Huệ tiếp lời anh:
– Nhưng Điều khiển Hòa của chúng ta hiện đang ở dinh Long hồ. Còn Gia Định thì đã có Tổng đốc Chu và Tư khấu Uy trấn giữ. Chẳng lẽ ta cất công vào Gia Định suốt bảy tháng trường, bỏ xương bỏ máu ở đó để chờ lúc thuận tiện giao lại cho Chân lạp hay vua Xiêm! Chẳng lẽ, lâu lâu nương theo gió mùa ta vào đó chỉ để cướp lúa?
Nguyễn Lữ không dằn được giận, vội nói với Nhạc:
– Đúng đấy. Ở Gia Định chú cũng giở cái giọng ấy ra với em. Chú muốn có kế lâu dài ở Gia Định. Chú không sợ lún chân vào những bãi bùn hoang vu ngút mắt hay sao? Anh Cả biết không, chú Tám cứ đem chuyện ta chở mấy trăm ghe thóc về đây ra mà mỉa mai!
Tây Sơn vương nghiêm khắc nhìn Huệ, nói dằn từng tiếng:
– Chú hãy nhớ kỹ, ta không tính chuyện lâu dài ở Gia Định. Ta sai chú vào đấy là để diệt cho tận gốc họ Nguyễn Gia Miêu. Nếu tạm thời ta có để Tổng đốc Chu, Hổ tướng Hãn, Tư khấu Uy, Điều khiển Hòa lại Gia Định, chỉ vì bọn tàn binh của họ Nguyễn chắc chắn còn giữ ý định khôi phục. Dĩ nhiên lúc ta đã mạnh mẽ thịnh vượng như triều Vijaya trước đây thì tính kế dài lâu ở đâu mà chẳng được. Nhưng trước mắt, ta phải lo ổn định những vùng của ta trước đã. Chú nhớ kỹ chưa?
Huệ cúi đầu làm thinh, nhưng nhìn nét mặt em, Nhạc biết Huệ chưa hoàn toàn đồng ý. Nội hầu Phạm Ngạn thấy không khí quá căng thẳng, vội thưa với Nhạc:
– Bẩm Đức Thầy Cả…
Tưởng Năm Ngạn sắp chen vào chuyện riêng của ba anh em, Nhạc gay gắt hỏi:
– Ông định nói gì nữa?
Phạm Ngạn lo sợ lắp bắp thưa:
– Bẩm… bẩm Đức Thầy, tôi sợ trời cứ mưa lụt mãi, việc xây thành gặp khó khăn.
Nhạc nói như quát lên:
– Ông không làm nổi phải không?
Ngạn vội nói:
– Dạ không phải thế. Tôi chỉ xin thêm độ một nghìn dân phu, để đủ nhân công chuyển đất.
Nhạc nhận thấy mình giận dữ vô lý, dịu giọng xuống:
– Thôi được rồi. Ta sẽ gọi thêm cho ông một nghìn năm trăm dân phu. Dôi thêm năm trăm đấy. Ông có dám hứa cuối tháng Chạp tất cả đều xong không?
Phạm Ngạn vui mừng nói:
– Dạ, chắc chắn xong. Xin Đức Thầy yên tâm.
*
* *
Hứa hẹn chắc chắn với Tây Sơn vương xong, Nội hầu Ngạn bắt đầu mất ăn mất ngủ. Nguyễn Nhạc gửi đúng một nghìn năm trăm dân phu như đã nói, nhưng công việc đắp thành vẫn cứ chậm chạp. Số phu bị bệnh thực sự đã nhiều, số khai bệnh dối hoặc số lãng công còn cao hơn. Nước lụt chưa rút, việc hụp xuống sâu lấy đất vất vả quá. Những trai tráng phụ trách công việc cực nhọc ấy, dù có sức trai, không ai kham nổi cảnh rét run suốt mấy ngày liền. Vài dấu hiệu phá hoại bắt đầu xảy ra: những cây sào cắm mốc tối hôm trước bị nhổ mất hoặc dời sâu vào bên trong, gây các tai nạn nguy hiểm, dụng cụ đào và xúc đất bị quăng xuống hồ nước sâu. Phạm Ngạn tức lồng lộn, quát tháo, mắng chửi, hăm dọa, nhưng bọn phá hoại vẫn tiếp tục lén lút quấy phá. Phạm Ngạn phải giả dạng dân phu, nằm rình trong những lán tranh dột ướt, lầy lội suốt mấy đêm mới bắt được quả tang hai tên phá hoại. Giận đến phát điên, viên Nội hầu đích thân cầm roi mây quất lên lưng hai con người ốm yếu rách rưới đến chết ngất, rồi chờ cho họ tỉnh lại, đóng gông đem bêu riếu khắp công trường. Không cần tra hỏi lâu, Phạm Ngạn đã biết nguyên do sự bất mãn: dân phu bị rét run, và tệ hơn nữa, bị đói nên không kham nổi rét.
Phăng lần đầu dây mối nhợ, Ngạn biết thêm số gạo phát cho dân phu quá ít. Và người phụ trách việc phân phát, kiểm soát lương thực là Lợi!
Ngay buổi tối, viên Nội hầu vào dinh xin gặp Nhạc.
Tây Sơn vương kinh ngạc vô cùng. Từ khi đạo quân chiến thắng chở thêm mấy trăm ghe thóc Gia Định về nhập kho Qui Nhơn, Nhạc đã ra lệnh tăng gấp rưỡi suất gạo cho dân phu. Bình thường số gạo ấy đủ cho hai người ăn. Làm việc nhọc mệt dưới chỗ bùn lầy rét mướt, dân phu có thể phải ăn nhiều hơn, nhưng nhất định suất gạo được cấp phát không thể thiếu được. Nguyễn Nhạc ngờ rằng bên trong chắc có điều gì lươn lẹo khuất lấp đây. Vương giao cho Thiếu phó Lữ tra xét việc này. Lữ ái ngại gọi Lợi đến, và thông cảm cho một cộng sự viên lâu nay tận tâm giúp đỡ mình, Lữ báo trước cho Lợi mối nguy hiểm anh có thể gặp phải.
Lợi sợ đến tháo mồ hôi hột. Nhưng vốn là người giỏi quyền biến, anh thấy ngay những việc phải làm. Với Lữ, anh đưa ra một lô những thủ tục, giấy tờ kế toán phức tạp, rắc rối (vốn là điều Thiếu phó e ngại nhất) để chứng minh rằng sự chậm trễ cấp phát lương thực phụ trội cho dân phu do những yếu tố khách quan bất khả kháng như thể thức xuất nhập kho, qui cách giao nhận và kiểm soát, sự trồi sụt bất thường hằng buổi, hằng ngày của số phu thực sự lao động, chứng từ thanh toán lương thực của công trường mù mờ, vân vân… và vân vân… Lợi dẫn chứng điều này luật nọ, nhắc lại các trường hợp vi phạm trong quá khứ, để cuối cùng xác nhận với Lữ rằng: dù mình hết sức cố gắng, mệnh lệnh của Tây Sơn vương không thể tuân hành ngay trong một thời gian ngắn ngủi, trừ trường hợp… trường hợp cứ chở gạo đến phát bừa cho dân phu, bất kể chứng từ.
Mặt khác, Lợi chụp ngay lấy dịp Thọ Hương đến thăm An để nhờ Quận chúa tìm lời khéo léo nói giùm với mẹ. Anh còn giục vợ đến thăm trả Thọ Hương để nhắc nhở, kèm theo một món quà nhỏ. An từ chối, nhưng Lợi cứ nói mãi nói mãi. Về sau An phải nhắc đến cái thai đã lớn của mình, cùng thói mê tín thông thường đối với những người đàn bà có mang, Lợi mới thôi làm phiền vợ. Cùng lúc đó, Lợi vận dụng tất cả tài tháo vát để phát ngay số gạo cần thiết cho công trường. Kết quả là những lời than phiền của viên Nội hầu tan vào khoảng không! Quá lắm chỉ gây đôi chút hoài nghi trong lòng Nguyễn Nhạc mà thôi!
*
* *
Những câu hỏi quan trọng của Huệ hôm ba anh em cùng đi xem xét công trường xây thành Chà Bàn cứ canh cánh trong lòng Tây Sơn vương. Lúc bận tiếp khách, hoặc giải quyết các công việc khẩn cấp và rắc rối, Nhạc quên những câu hỏi ấy. Rỗi rãi một chút, chúng lại hiện về. Điều khiến Nhạc lo âu không phải chính nội dung các câu hỏi, mà ở tư tưởng của người hỏi. Vương nhận thấy cậu em trai út hai mươi lăm tuổi của mình bắt đầu có những suy nghĩ độc lập, những tham vọng riêng tư, có lối nhìn vấn đề khác mình. Nếu Lữ ngoan ngoãn, chậm chạp bước theo dấu chân của Nhạc không cần suy nghĩ, thì Huệ lại muốn tự tay phát quang chọn lấy con đường cho mình. Cách nghĩ về biên cương cho vương quốc sắp dựng, nhất là thái độ chế giễu khinh bạc lúc đặt câu hỏi đó khiến Nhạc bực dọc.
Một đêm, vương gọi Huệ lên phòng mình để chỉ có riêng hai anh em với nhau, Nhạc tìm cách khuyến dụ em chớ nên phiêu lưu trong ý nghĩ và hành động. Đêm ấy trời vẫn còn mưa tầm tã. Hai anh em ngồi nghe mưa rơi trên mái dinh hồi lâu mà vẫn chưa nói được điều gì quan trọng. Huệ chưa hiểu ý định của anh nên kiên nhẫn chờ đợi, còn Tây Sơn vương thì chưa biết phải nói với em thế nào. Họ dậm chân tại chỗ trong các điều vụn vặt, vô nghĩa, rời rạc, không ăn nhập chuyện này với chuyện khác. Chẳng hạn Nhạc hỏi em:
– Hình như độ này chú hết mụn thì phải?
Huệ đưa tay sờ lên má mình, ấp úng đáp:
– Dạ, hết.
– Lớn tuổi thì tự nhiên bớt đi. Trước kia anh cũng vậy. Chỉ khi nào lo nghĩ thất thường… Độ này chú ngủ được không?
– Dạ được. Trời mát dễ ngủ lắm.
– Vậy là tốt. Đừng nên đem chuyện ban ngày làm rầy ban đêm. Lại nữa. Mưa đến thúi đất. Không biết ông Năm Ngạn lo công việc ngoài thành thế nào. Chú thấy bề cao như vậy đã đủ chưa?
– Còn hơi thấp. Lại không có ụ súng, không có tháp núp bắn.
– Ta sẽ dần dần xây dựng thêm. Trước mắt chưa cần lắm đâu. Như hồi còn ở Tây Sơn thượng ta có bức thành cao ngất là núi vây quanh căn cứ, bây giờ ta cũng có những tháp canh trời cho như núi Mò o, núi Bích Kê, núi Kỳ Sơn, núi Cù Mông… Phía cung Bình Điền ở phía nam việc canh phòng vẫn chặt chẽ chứ?
– Dạ, em vừa đi tuần sát về. Dưới đó khá lắm.
– Còn việc cấp dưỡng cho các gia đình có con bị tử trận?
– Dạ việc này anh Lữ lo ạ!
– Việc chú Bảy hay việc của Thái úy Tuyên (Bùi Văn Tuyên)?
– Em không rõ anh Lữ có giao lại cho Thái úy không, nhưng hôm mới về, anh có nhắc anh Lữ việc này.
Tây Sơn vương nhìn em thật lâu, do dự, rồi mỉm cười hỏi:
– Chú thấy gia đình hai ông Tuyên, Nhật thế nào?
Huệ ngỡ ngàng, không hiểu anh muốn gì, nên hỏi lại:
– Anh hỏi gì ạ?
Nhạc nhắc câu hỏi bằng cách khác:
– Chú vẫn thường đi lại đằng gia đình ông Tuyên đấy chứ?
– Thỉnh thoảng thôi ạ. Tính ông Tuyên đằm, còn ông Nhật thì…
Nhạc cướp lời em:
– Tuổi trẻ phải xông xáo, hăng hái hơn chứ. Anh thấy gia đình đó được lắm. Chú có thấy thế không?
Huệ đáp cho xong:
– Vâng, được lắm.
Tây Sơn vương vui mừng nói:
– Chú cũng nghĩ vậy à? Đúng. Trong số các gia đình lâu nay chúng ta gần gũi, anh thấy gia đình ấy là có nề nếp nhất. Con trai đều tài giỏi. Con gái nết na.
Nhạc cười, rồi tiếp:
– Anh trải đời nhiều, hiểu đàn bà cũng lắm. Nhờ thế, anh nhận thấy cái cần thiết cho một người đàn bà là đức hạnh. Đàn bà giỏi thứ gì cũng không nên cả, quá giỏi võ như cô Bùi thị Xuân thì lại “cầm roi rượt chồng”, quá giỏi chữ nghĩa như… như con gái ông giáo thì… thì…
Nhạc e ngại dò phản ứng của em, không dám nói hết câu. Huệ không ngước lên, tiếp tục ngắm nghía mấy ngón tay của mình, sắc mặt không thay đổi. Đột nhiên vương hỏi Huệ:
– Chú có còn giận anh nữa không?
Huệ ngước nhìn anh, đôi mắt chớp chớp bối rối. Huệ hỏi:
– Sao anh hỏi vậy?
Nhạc đáp xa xôi:
– Anh hy vọng càng ngày chú càng hiểu anh. Chuyện đời… Có nhiều khi những điều ta muốn, ta ước mong đều không được toại nguyện. Có khi nay ta muốn thế này, ngày mai ta khôn hơn, hiểu đời hơn, ta lại thấy ước muốn hôm qua là ngây thơ, non nớt, thậm chí dại dột nữa. Cũng có nhiều người ta tưởng thế này, về sau vỡ lẽ ra mới biết họ không cao như ta tưởng. Họ thấp lè tè, cũng sinh con đẻ cái, ham bạc ham tiền, càu nhàu xốc xếch khi nghèo túng, vênh vang kênh kiệu lúc giàu sang. Ôi thôi, chuyện đàn bà không nói sao cho hết!
Huệ yên lặng ngồi nghe, Nhạc đã nói xong mà Huệ vẫn không nói gì. Vương lúng túng một lúc, rồi hỏi:
– Chú đã hai mươi lăm tuổi rồi, chú nhớ không?
Huệ đáp nhỏ:
– Vâng, em nhớ!
Tây Sơn vương sốt ruột vì câu chuyện nhì nhằng chưa đi đến đâu, nên lấy hơi nói một mạch:
– Chú không còn nhỏ nữa. Điều đó chú biết rồi. Chú cũng biết là sau trận cầm quân tiêu diệt cả Tân Chính vương lẫn Duệ Tôn, chú trở thành viên tướng lẫy lừng cả trong Nam lẫn ngoài Bắc. Địa vị của chú, uy tín của chú ra sao, chú đã rõ rồi. Ngay sau khi dựng xong thành Chà Bàn anh sẽ xưng đế. Ta đã có đầy đủ (có thể nói là quá đầy đủ) điều kiện để xưng đế rồi đấy. Ta có một dải đất suốt từ đèo Hải Vân vào đến Gia Định, ta có một đạo quân thiện chiến nhiều công trận, ta đã diệt được quan quân nhà Nguyễn, ta đã xây dựng xong kinh thành trên nền cố đô Vijaya xưa. Đó là sự nghiệp chung của anh em, bè bạn và những người chân đất lâu nay cộng tác với ta. Phần chú, chú cũng phải nghĩ đến việc lập gia đình. Không, chú đừng nghĩ anh đùa cợt. Anh đang bàn chuyện liên quan đến việc lớn. Chuyện gia đình của chú là việc nước, không phải chỉ là việc nhà. Chú phải chọn một người vợ vừa nết na, vừa thuộc vào một gia đình có nhiều người tài ba đang giúp đỡ anh em ta. Nghĩa là sau khi chú lấy vợ, vương triều của ta vững vàng thêm, sức mạnh của ta gia tăng lên. Chú hãy chịu khó suy xét, lựa chọn kỹ càng, rồi báo cho anh biết. Chú nhớ những điều anh dặn rồi chứ?
Huệ băn khoăn trong lòng, muốn được một mình suy nghĩ những gì Nhạc vừa nói, nên đáp:
– Dạ nhớ.
Tây Sơn vương cười vui mừng, đứng dậy vỗ vai em bảo:
– Thôi, chú về nghỉ đi. Nhớ đừng thức khuya.
Khi Huệ đã ra đến cửa, vương vờ như vô tình, gọi giật lại nói:
– À quên, ông Tuyên hôm qua có mời anh em ta sang dự bữa kỵ thân sinh ông ấy đấy. Anh đã nhận lời rồi. Chú gắng thu xếp để trưa mai qua đây cùng đi với anh. Nhớ nhé.
*
* *
Cái tin vị tướng trẻ tuổi danh tiếng lừng lẫy sắp lấy vợ, không biết từ đâu phát ra, mau chóng trở thành đề tài bàn tán sôi nổi khắp nơi. Càng gần Tết, khí hậu trở nên ôn hòa hơn. Những trận mưa dầm đã dứt hẳn. Mặc dầu bầu trời vẫn bàng bạc mầu chì, nhưng gió đã bớt lạnh. Thỉnh thoảng vào giữa trưa có nắng chiếu, nhờ thế dân phu ở công trường đem quần áo ẩm ướt lâu ngày ra phơi trên những bụi dứa thấp. Mùi nắng thơm tho tỏa ra từ những bộ quần áo bạc mầu và dày cứng như mo cau (vì tẩm bùn liên tiếp cả tháng) chẳng khác nào hương vị ngọt ngào của mùa xuân. Được ăn no, được ngủ ấm, dân phu bớt nhọc mệt hơn trước. Khu thành mới sắp xong, họ được phát cả trà để nấu nước sì sụp uống với nhau mỗi tối. Tin Nguyễn Huệ lập gia đình đến đúng lúc, để câu chuyện bàn tán bên ánh lửa ấm và bát nước chè đầy bọt có thêm một hương vị mới. Nếu Nguyễn Huệ là một ông hoàng sống trong nhung lụa ngay từ thuở lọt lòng lấy vợ thì câu chuyện dân phu trao đổi với nhau chẳng có gì hào hứng. Nhưng Huệ cũng trẻ tuổi như đa số dân phu, cũng xuất thân áo vải chân đất như họ, cũng dùng chính sức mạnh của cánh tay rắn chắc và ý chí thăng tiến mạnh mẽ để lập danh chứ không dựa vào dòng dõi hay sách vở thi cử, tóm lại dân phu thấy Huệ gần gũi với họ, và sự thành công của viên tướng trẻ mở cho họ một trời hy vọng. Cuộc bàn tán sôi nổi là do đó.
Buổi tối tháng Chạp năm ấy trong cái lán thấp ở góc đông nam thành, một toán bảy, tám dân phu cũng đang bàn cãi hào hứng về tin đồn như ở các chỗ khác. Một người trẻ tuổi mắt long lanh trước ánh lửa bếp, đập vai một người đứng tuổi đang ngậm điếu thuốc quấn sâu kèn bằng lá chuối và hỏi:
– Này bác, có phải ông ta lấy công chúa không?
Trong trí tưởng tượng của anh bạn trẻ, hình ảnh Nguyễn Huệ không khác bao nhiêu với Thạch Sanh trong chuyện cổ tích. Bác dân phu lớn tuổi không chịu lấy điếu thuốc ra khỏi môi, đáp:
– Dĩ nhiên rồi. Em vua Tây Sơn phải lấy công chúa mới thật là môn đăng hộ đối. Nhưng chú mày có nghe ông ta lấy công chúa nước nào không?
Một người thứ ba ra vẻ thông thạo nói:
– Khéo hỏi vớ vẩn. Không phải công chúa Đàng Ngoài thì còn công chúa nào nữa! Chẳng lẽ công chúa Đàng Trong! Ông ta chém một lượt những hai ông vua cựu triều, dòng dõi họ Nguyễn chạy tán loạn hoặc chết rấp đâu đó cả rồi, còn công chúa nào đâu.
Nhiều người chặc lưỡi. Một người trong bọn nói:
– Ghê nhỉ! Ra tận Đàng Ngoài để lấy vợ. Xa phải biết!
– Nói như cậu ấy! Xa! Đi ngựa đi xe, vèo một cái là tới! Đâu phải cái cảnh cô dâu cắp rổ lẽo đẽo đi bộ theo sau chú rể như dân thường chúng ta!
– Đi ngựa? Rước dâu từ Đàng Ngoài vào đây mà đi ngựa? Phải đi thuyền rồng! Hiểu chưa? Mặc sức dân chợ Giã vui! Họ được xem mặt công chúa Đàng Ngoài trước tụi mình.
– Xem mặt? Ai cho mày xem mặt! Ông hoàng bà chúa đi đâu cũng tiền hô hậu ủng, mày phải phủ phục bên đường chờ cho kiệu vàng đi thật xa mới được ngửng mặt lên. Xem mặt đất thì có!
– Này, sao các bác cứ bắt bẻ nhau hoài vậy? Các bác chẳng biết ất giáp gì ráo! Ai bảo quan Phụ chính sắp lấy công chúa Đàng Ngoài? Lầm, lầm, lầm hết!
– Lầm? Ông làm như mình là quan Phụ chính không bằng! Thế ông bảo quan Phụ chính sắp lấy ai nào? Chẳng lẽ lấy con gái ông!
– Tôi nói thật mà các bác các cậu cứ nghĩ tôi nói khoác. Đã thế tôi không thèm nói nữa!
– Gớm! Ông làm như chỉ một mình ông là thông kim bác cổ, hiểu hết chuyện thiên hạ. Nhưng, nhưng chỗ anh em ông cứ nói thật đi. Có phải ông biết đích xác vợ quan Phụ chính là ai chứ?
– Thôi thôi. Tôi nói khoác đấy!
– Sao dễ nóng thế. Mà chắc gì ông đã biết!
– Có ông không biết đấy thôi! Này, tôi nói cho mà nghe: quan Phụ chính sắp lấy em gái quan Hình bộ.
– Sao có tin đồn là em gái quan Thái úy Bùi Đắc Tuyên.
– Lẩn thẩn! Em gái quan Hình bộ Bùi văn Nhật và em gái quan Thái úy Bùi Đắc Tuyên cũng là một. Hai ông ấy là anh em ruột với nhau mà!
– Ghê nhỉ. Cả nhà đều làm lớn. Bây giờ em gái lại lấy được em vua Tây Sơn. Sao có phước thế!
Một thanh niên bạo gan cười hi hi có vẻ thích thú rồi nói:
– Cô ấy mà giống y như ông quan Hình bộ thì phiền lắm nhỉ!
Có nhiều tiếng hỏi:
– Tại sao thế?
– Có một lần giải tù, tôi có dịp được đứng gần quan Hình bộ. Thật gần, chỉ cách vài bước mà thôi. Tôi thấy mũi ông ta lớn, đôi môi dày, môi dưới trề ra. Mặt bạnh, lông mày rậm. Tướng đàn ông như thế cũng tốt vì oai vệ, dễ làm kẻ khác khiếp phục. Nhưng nếu đàn bà con gái mà giống thế thì…
– Lại thêm một anh nói khoác! Đứng gần quan Hình bộ người có thể đóng gông mày bất cứ lúc nào mà mày dám nhìn thẳng vào mặt quan là một điều nói khoác. Giả sử mày nhìn được vào mặt quan nhưng vì sợ hãi mày hoa mắt, làm sao thấy rõ nào mày rậm, mũi lớn, môi trề, hàm bạnh, là hai điều nói khoác.
– Có trời làm chứng! Tôi mà nói khoác thì trời tru đất diệt tôi đi.
– Thôi các ông ơi! Cãi nhau vừa vừa chứ. Các ông làm như chính mình lấy vợ ấy! Đẹp hay xấu là may rủi riêng của quan Phụ chính, can hệ gì đến các ông. Vả lại vợ quan Phụ chính là công chúa tận ngoài Bắc hà kia mà. Quan Hình bộ xấu đẹp thì có liên hệ gì đến công chúa Bắc hà đâu!
Cứ thế họ cãi nhau cho đến quá khuya.
*
* *
Thọ Hương cũng mang đến cho An những tin sốt dẻo, và dĩ nhiên là chính xác hơn các tin đồn ở các công trường xây thành. Vừa bước xuống võng điều, Thọ Hương đã chạy vội vào nhà ông giáo tìm bạn, trước đôi mắt kinh ngạc của hai người hầu khiêng võng. Thọ Hương tìm thấy An ở dưới bếp, không chút khách sáo, Quận chúa ngồi chồm hổm xuống cạnh bạn hỏi liền:
– Chị hay tin gì chưa?
An vui lây cái vui của bạn, hỏi lại:
– Cha em sắp xưng đế nhân dịp khánh thành khu thành mới chứ gì?
– Không. Tin khác kia.
Thọ Hương liếc về phía hai đứa ở gái, do dự, nhưng sau cùng Quận chúa vẫn cứ bạo dạn nói:
– Chú Tám sắp lấy vợ rồi đấy!
An giật mình trố mắt nhìn Thọ Hương. Quận chúa hỏi:
– Chị không tin ư?
An thảng thốt hỏi:
– Lấy ai thế?
– Chị đoán xem!
– Chị chịu! Biết chú Tám của Hương thường đi lại giao thiệp với gia đình nào mà đoán!
Thọ Hương định kéo dài thì giờ cho bạn sốt ruột, nhưng chính Quận chúa sốt ruột trước. Không thể chờ được, Thọ Hương nói:
– Lấy cô bé học trò của chị đấy!
An ngơ ngác hỏi:
– Học trò chị? Chị có dạy ai đâu? Hay em lầm học trò của cha chị. Mà cha chị có bao giờ dạy cho con gái!
– Không, em nói: học trò của chị.
– Chị không hiểu gì cả!
Thọ Hương cười thích thú vì vẻ mặt ngơ ngác hoảng hốt của An, xòe hai bàn tay ra trước mặt giả bộ đang ê a đọc sách, Quận chúa đọc:
“Đường lệ chi hoa, thiên kỳ phản nhi. Khởi bất nhĩ tư, thất thị viễn nhi. Tử viết: Vị chi tư dã. Phủ hà viễn chi hữu?”
An giật mình xót xa, vội hỏi Hương:
– Em gái ông Nhật à?
– Thì em đã bảo học trò cũ của chị. Chị không từng bắt tụi em học mấy câu Luận ngữ trên kia à? Khó đến thế là cùng!
An vẫn chưa tin, hỏi lại:
– Nhưng cô ta bé…
Quận chúa cắt lời An:
– Bé bỏng! Chị lo chồng con quá, quên hết ngày tháng. Chị cứ tưởng như thời trước. Cô ta đã mười tám rồi. Cao hơn cả em nữa. Và đẹp hơn ngày còn đến học với chị.
An thất vọng thú nhận:
– Hồi đó cô bé đã dễ thương rồi. Chỉ có cái tật ít nói, và hay dỗi.
– Bây giờ cũng vậy. Hôm kỵ, bác gái mẹ anh Nhật giục cô ta lên chào khách, cô ta ngồi lì một chỗ không chịu đi. Bác gái giận quá la mắng, cô ta rơm rớm nước mắt, rồi òa khóc. Mà khách khứa có ai xa lạ đâu. Chỉ có cha em và chú Bảy Lữ.
– Không có chú Tám à?
– Không. Chú Tám hứa sẽ đi, đến lúc chót không biết bận việc gì, báo hại cha em chờ mãi.
An nôn nóng hỏi:
– Nhưng công chuyện đã đi đến đâu rồi?
– Chuyện gì ạ?
– Chuyện cưới xin.
– Tất nhiên gia đình ông Nhật bằng lòng. Chị tính, ở vào địa vị họ…
An cướp lời bạn, hỏi:
– Còn ý chú Tám của Hương thế nào? Chẳng lẽ chú không bằng lòng đến, mà…
An không dám nói hết câu, như sợ phải mất một niềm hy vọng mong manh. Thọ Hương nói:
– Cha em bảo việc hôn nhân của chú không chỉ là việc riêng, mà can hệ đến vận nước. Em chẳng hiểu gì cả, nhưng hình như chú Tám hiểu ý cha em. Mẹ em đã hỏi tuổi của cô ta, nghe nói hợp với tuổi chú Tám lắm. Còn nhớ mới ngày nào… mau quá chị An nhỉ!
An băn khoăn hỏi:
– Sao mấy hôm nay chị không nghe Lãng nó nói gì cả? Tại sao nó giấu chị? Tại sao?
Thọ Hương cười rồi bảo:
– Có lẽ chính anh Lãng cũng không biết, vì chú Tám giấu không nói gì với ai cả. Bên phía nhà ông Nhật cũng giấu, vì sợ nếu việc không thành thì… Họ thấy chú Tám không đến ăn kỵ, băn khoăn chưa biết ý chú thế nào.
Rồi với một vẻ bẽn lẽn, Thọ Hương rụt rè hỏi:
– Mấy bữa nay anh Lãng không về hả chị?
An lơ đãng đáp:
– Nó có về thăm hôm kia. Thọ Hương này, em có nghe nói chừng nào đám cưới không?
– Không chị ạ. Chắc phải chờ đến sau lễ khánh thành thành Chà Bàn. Mấy hôm nay nghe nói công việc trong trại quân đa đoan hết sức. Phải tập lại từng bước để duyệt binh. Anh Lãng bận, không về là phải. Nhọc phải biết! Nghiệp lính thương quá chị An hỉ! Chị thấy không, em nói tiếng “hỉ” có giống chị thời trước không? Lâu lâu em còn nghe anh Lãng nói lộn vài tiếng trọ trẹ, lạ tai và ngộ nghĩnh lắm!
*
* *
Đầu năm Mậu Tuất (1787), đúng như kế hoạch định trước, Nguyễn Nhạc tự xưng hoàng đế, lấy hiệu là Thái Đức. Để tưởng thưởng công lao của hai em, vua Thái Đức phong Nguyễn Lữ làm Tiết chế, Nguyễn Huệ làm Long Nhương tướng quân. Lễ xưng đế tổ chức một lượt với lễ khánh thành khu thành mới, xây đắp trên nền thành cũ của vương quốc Vijaya xưa, được nhà vua đặt tên là Hoàng đế thành.
Qui Nhơn rộn rã bước vào vận hội mới!
Và cũng như mấy tháng trước từng lạc loài trong không khí tưng bừng chiến thắng của mọi người, lần này, An gặp nhiều rủi ro!…
Ngay sau tết Mậu Tuất, An sinh một đứa con gái thiếu tháng. Cái thai nằm ngược nên khi bà mụ đỡ được đứa bé sơ sinh ra khỏi lòng mẹ, An đã ngất đi. Trong lúc hốt hoảng sợ không cứu được cả mẹ lẫn con, bà mụ giàu kinh nghiệm sơ ý để sót nhau…
Cái nhau sót hành hạ An cả tuần. Người chị nóng ran, tâm trí hôn mê, hai bàn tay hết chới với trên không lại cào rách cả mặt chiếu. Chị mất hết ý thức về những gì đang diễn ra quanh chị. Lợi tuyệt vọng, suốt ngày ủ rũ ngồi bên giường vợ. Từ một người lanh lẹ, liến thoắng, anh trở nên trầm lặng, cử chỉ chậm chạp, ăn nói ngây ngô như một người mất hồn. Người ta bồng đứa bé gái đến cho anh xem mặt. Anh nhìn nó như nhìn một sinh vật xa lạ không liên quan gì đến anh. Ý tưởng sẽ phải mất An giống như ý tưởng một ngày nào đó chính mình phải chết, lâu nay chưa bao giờ Lợi nghĩ tới. Điều đó trái với tự nhiên, không ở trong thói quen suy nghĩ dễ dãi thường ngày. Vì vậy khi nó đến, Lợi lạnh người vì kinh hãi, sững sờ. Anh chưa từng dọn mình để suy nghĩ đến sự mất mát. Anh chỉ dọn mình để tiến tới, để được nhiều hơn, lên cao hơn, bước xa hơn. Tuy nhiên, do bản chất thực tiễn và vô tư, Lợi không bị xúc động sâu xa đến nỗi qui nạp những thua thiệt, mất mát lên thành quy luật sinh tử, may rủi, họa phúc, số phận. Lợi chỉ dừng lại ở mức độ ngây dại của cảm giác, trì trệ của sinh hoạt. Thế thôi. Những người quen biết với hai vợ chồng Lợi, đến thăm, chỉ thấy Lợi ngồi thừ bên giường vợ, lâu lâu múc một thìa nước cam rót vào giữa đôi môi khô của An như một người máy, chứ không nghe anh than van, kêu khóc, rên rỉ điều gì. Không dám chê anh vô tình (vì thực sự Lợi không vô tình), họ hơi thất vọng vì sự đau khổ của Lợi trầm lặng và đơn giản quá!
Sau mấy ngày hành hạ sản phụ, tự nhiên như một phép lạ, phần nhau sót ra được bên ngoài. An bớt sốt, dần dần hiểu được những gì mình đang trải qua. Chị biết đói. Lợi đút cho vợ vài muỗng cháo nấu thật loãng. Chị nhận được nét mặt chồng và khi nhớ duyên do tình trạng đau yếu, An thều thào đòi cho được xem mặt con.
An ứa nước mắt cảm động, sung sướng khi trông thấy đứa bé gái xinh đẹp tóc đen nằm ngủ say trên tay chị vú. An bảo chị đưa con đến thật gần để nhìn cho rõ mặt, và gắng gượng cầm bàn tay xinh xắn bé nhỏ của con đưa lên miệng hôn.
Không có gì đo hết được nỗi vui mừng của Lợi. Đột nhiên anh trở nên linh hoạt trở lại, như vừa trải qua một giấc ngủ ngồi ngon lành. Lợi nói luôn miệng, cười cợt, khôi hài, bông đùa với mọi người. An bắt chồng kể lại tỉ mỉ những gì đã xảy ra suốt thời gian chị hôn mê. Lợi kể, dĩ nhiên có thêm rất nhiều mắm muối. An hỏi hết chuyện trong nhà ngoài ngõ, cuối cùng Lợi phải thuật lại cả cuộc lễ xưng đế hiệu của Tây Sơn vương. Khi nghe chồng bảo Nguyễn Lữ được phong làm Tiết chế, và Nguyễn Huệ làm Long Nhương tướng quân, sản phụ nằm im hồi lâu, rồi hỏi chồng:
– Mình định đặt tên con là gì thế?
Lợi âu yếm nhìn vợ, dịu dàng nói:
– Lần này con gái, để cho em đặt tên. Tùy ý em chọn đi!
An mím môi suy nghĩ, liếc nhìn đứa con sơ sinh rồi nói:
– Em muốn đặt tên Thái.
Lợi chộp lấy dịp nịnh vợ:
– Thái hả? được lắm. Đứa đầu tên Phát. Đứa này tên Thái. Cả hai tên đều chỉ sự thịnh vượng sung túc cả. Vậy, chúng mình đặt tên Thái cho con bé này.
Nguyễn Mộng Giác
Lữ là anh Huệ???
Không biết tác giả sử dụng tư liệu nào mà cho rằng Nguyễn Lữ là anh Nguyễn huệ???