Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàTruyện DàiTiếng Chim Vườn CũTiếng Chim Vườn Cũ - Chương 5

Tiếng Chim Vườn Cũ – Chương 5

Lúc lái xe xuống con đường dốc gập ghềnh chạy thẳng đến chân núi, tìm thấy tấm bảng đề Orphanage Xuân Phương 2, tôi mới hết lo âu. Tôi đã mất cả một ngày hôm qua và cả sáng hôm nay để tìm cô nhi viện này. Me tôi chỉ cho biết bà xin Phương Thảo ở cô nhi viện Xuân Phương, một khu dân cư trù phú bên sông Lương giang. Không chần chờ gì hết, tôi mua vé xe trở lại Xuân Phương. Người lính gác ở bến xe hẻo lánh ngăn tôi lại :

– Ông có điên không ? Vùng ấy bây giờ còn có ai đâu. Chỉ toàn rừng là rừng. Năm ngoái Đại hàn còn đóng bên Núi Đất, vài người lén mò về được. Nay thì họ rút đi rồi. Quốc gia cũng không mà Việt cộng cũng không.

Tôi thất vọng. Chợt nhìn cái dây chuyền vàng tây thật nhỏ đeo hình thập tự giá nơi cổ người lính, tôi hỏi cầu may :

– Thế anh có biết cô nhi viện dời đi đâu không ?

Người lính đăm chiêu một cách khó khăn để cố đào lại trí nhớ. Anh chỉ gặp được những đất cằn và sỏi đá quên lãng. Anh ta gọi người bạn đang ngồi nghe tân nhạc trong cái ra đi ô ấp chiến lược :

– Ê, cô nhi viện mấy dì phước dời đi đâu mầy ?

Người lính được hỏi vặn ra đi ô nhỏ lại, trả lời ỡm ờ:

– Chắc lại xuống Qui nhơn chớ đâu.

Tôi cảm ơn, lại lên xe trở về thành phố. Tôi hỏi thăm vài người quen, họ chỉ biết lờ mờ ở đây có một tu viện của mấy dì phước dòng Mến Thánh Giá, và một cô nhi viện của dòng Thánh Phao Lồ. Không biết dòng nữ tu trên Xuân Phương thuộc dòng nào.

Tôi tìm đến dòng Mến Thánh Giá, vui mừng thấy nơi đó là một trường tư thục trung tiểu học dành cho nữ sinh. Tôi gặp Mẹ Bề Trên dễ dàng, lại được chỉ dẫn cẩn thận. Nhờ thế, bây giờ tôi mới đến được đích. Khi tiễn tôi, Mẹ Bề Trên cố làm nguội bớt nguồn hy vọng ngụt lửa trong ánh mắt vui của tôi:

– Nhưng tôi chỉ sợ lâu quá, các xơ không tìm ra được hồ sơ. Mười mấy năm rồi còn gì . Lại thêm bao lần tản cư dọn đi dọn lại. Mỗi lần di chuyển, giấy tờ sổ sách lại thất lạc thêm một ít.

Tôi gửi chiếc xe cho cụ già bán quán phía bên kia đường, sau khi đưa trọn cả 100 đồng trả tiền một gói thuốc Bastos xanh và hộp diêm nhỏ. Phải thú nhận là tôi hồi hộp. Tôi e ngại, không dám tiến vào con đường nhỏ trải đá chạy giữa những mái nhà tôn vách ván thấp bé. Tôi phải đứng lại trước tấm bảng cô nhi viện đã tróc sơn lỗ chỗ, đánh diêm châm lửa hút gần hết điếu thuốc mới phà theo hơi khói hết những lo lắng vu vơ để bước sâu vào phía trong.

Cổng viện để mở. Ba dãy nhà lợp fibro- ciment xếp hàng dọc, và cùng nối liền với một dãy nhà ngang làm thành hình chữ E đều. Trước các dãy nhà, mấy bụi bông giấy hoa đỏ và vàng gạch mọc um tùm, phủ kín gần hết mái nhà xám. Ngay đầu dãy nhà gần cổng nhất, một nhóm trẻ em trai đang ngồi đánh cờ giấy, mảí chú ý đến nước cờ nên không chú ý đến người lạ. Nhưng dì phước mặc áo đen cạnh đấy đứng dậy trước. Dì phước tiến về phía tôi, dì đã già khoảng trên bốn mươi. Dì hỏi :

– Anh cần hỏi ai ?

Tôi bối rối đứng im dưới sân sỏi nhìn lên, chưa đủ bình tĩnh để nói cho gãy gọn. Mãi một lúc, tôi mới hỏi được:

– Dạ thưa, con muốn gặp bà nhất.

Dì phước cười dễ dãi, ánh mắt vui và để lộ cả hàm răng không mấy đều :

– Bà nhất nào ? Bà nhất nhà dòng hay bà nhất cô nhi viện?

– Thưa bà nhất giám đốc ở đây.

Dì phước bước xuống sân ,cười lớn và bảo :

– Nếu vậy tôi là bà nhất đây. Anh muốn hỏi gì đó ?

Câu trả lời đột ngột như một đợt sóng cao phủ xuống bất ngờ. Tôi đứng lặng thêm một lúc nữa, rồi phải vất vả lắm mới giải thích cho bà nhất hiểu mục đích của tôi. Dì phước kiên nhẫn lắng nghe. Lũ con trai thấy người lạ đang nói chuyện với bà giám đốc, bỏ cuộc chơi đến tò mò bu quanh. Dì phước vừa xua tụi trẻ đi chơi chỗ khác vừa mời tôi :

– Được. Nếu thế thì mời anh vào văn phòng đây ngồi chờ cho chút. Các con đi chơi đi. Đã dặn nhiều lần là khi các con thấy khách đến phải chào hỏi lễ phép rồi đi chơi chỗ khác, không được tò mò việc của người lớn.

Cả lũ trẻ bấy giớ mới nhớ phận sự, cũng vòng tay cúi đầu thật thấp, đồng thanh : Chào ông ạ.

Bà nhất cười khanh khách có vẻ bằng lòng, ra lệnh :

– Thôi. Các con đi chỗ khác chơi. À Thường, lại bà dặn đây. Con chạy đi tìm xơ Christine, bảo lên văn phòng cho bà có việc nhờ một chút nghe không. Gấp lắm . Con nói vậy. Nhưng con không được chạy té như hôm trước đấy.
Lũ trẻ đứa trở về phòng, đứa ra vườn rau lấy nước tưới mấy luống rau muống và mấy dây bầu.

Tôi theo bà nhất lững thững đi lên văn phòng. Lúc đi ngang qua một căn phòng rộng ở dãy giữa, tôi nghe thấy nhiều tiếng trẻ sơ sinh khóc thé. Tiếng khóc hơi khác thường, cay xé mà lại vỡ như phát từ một buồng phổi rách. Thấy tôi lắng tai tò mò, bà nhất mời :

– Đây là phòng nuôi trẻ dưới một tuổi. Anh có muốn vào xem không ?

Không chờ tôi đồng ý, bà nhất bước lên thềm. Tôi bước theo.

Trong phòng, giường nôi con nít xếp dày, cái nọ sát cái kia và cùng sơn một màu xanh đậm. Một đứa con gái khoảng mười tuổi đang cố nhét núm vú vào miệng đứa bé da đen đang khóc, trong khi trên các nôi khác, lũ trẻ nằm im ngậm núm vú mắt lim dim thỏa mãn. Chỉ được chừng bốn năm em nằm ngay ngắn trên nôi và dùng hai tay cầm vững bình sữa nhựa dốc cao lên. Số còn lại hoặc nằm lệch ra khỏi chiếc chiếu ni lông nhỏ khiến cái nôi nghiêng hẳn sang một bên, hoặc để bình sữa rơi xuống một phía cằm không biết sửa lại cứ nhay núm vú vàng một cách kiên nhẫn. Bà nhất tiến đến gần con bé hỏi :

– Sao đó con Lan ?

– Thưa bà, nó cứ khóc hoài. Thằng đen xấu xí này khó chịu quá. Khi hôm nó không cho con ngủ.

Dì phước vừa an ủi vừa khuyên răn:

– Con đứng nói vậy. Tội nghiệp thằng nhỏ. Khi hôm cả phòng đều khóc chứ đâu phải một mình nó.

Thấy tôi tiến đến gần, dì phước giải thích:

– Thằng nhỏ này òi ọp nhất đám. Đau yếu hoài, từ ngày vào đây tốn không biết bao nhiêu tiền thuốc.

Quả nhiên đúng như lời bà nhất, thằng bé da đen thật bất thường. Đầu to, mắt lồi lờ đờ. Bụng ỏng và chân tay co rúm nhăn nheo. Khắp mình mẩy đầy những mụt nhọt li ti. Đứa bé nằm trên một cái nôi loại đặc biệt để trên bàn gần cửa sổ, thân thể trần truồng . Một cái đai cột quàng xuống dưới một cái bụng lớn nhô cao hơn cả mũi mặt. Tôi không dám nói cho dì phước biết đây là kết quả của bệnh phong tình ở thời kỳ trầm trọng, hoặc di truyền nơi người lính da đen viễn chinh hoặc nơi người mẹ làm gái giang hồ quanh các trại Mỹ. Đứa con gái đã nhét được núm vú vào miệng đứa bé bệnh, nên tiếng khóc nghẹn ầm ừ trong cổ họng. Bé gái quay lại phân trần :

– Hễ con rút bình sữa, là nó lại ré lên. Nó bày đàn cho lũ kia chướng theo. Khi hôm con với xơ Jeanne lớ quớ không biết làm sao nữa.

Bà nhất vuốt tóc bé gái an ủi, giải thích cho tôi hiểu:

– Ở đây chúng tôi bực nhất là tiếng súng. Cô nhi viện gần trại lính Mỹ quá. Tốì tối, có tiếng súng nổ thình lình, mấy đứa nhỏ phòng này giật mình khóc ré liền. Một đứa khóc lên, mấy đứa kia khóc theo. Nếu không có đứa nào khởi xướng thì không sao. Khổ là cái thằng này lại hay bắt giọng cho ban hợp ca đông đảo.

Bà nhất cười. Tôi cũng cười theo với cái hồn nhiên của dì phước. Chúng tôi đi ra hiên và đến bấy giờ tôi mới kịp nhận thấy mùi tanh tanh xông lên từ căn phòng sơ sinh. Qua cửa lớn đầu phòng bên kia, bà nhất dừng lại nói chuyện với một dì phước trẻ tuổi đang đổ sữa từ cái son nhỏ qua biberon. Trao đổi vài câu ngắn xong, bà nhất lại tiếp tục đi qua dãy khác. Chờ tôi đến trước cửa một phòng quét vôi vàng, bà nhất giải thích :

– Phòng này dành cho cô nhi từ một tuổi đến ba tuổi. Tương đối nuôi tụi này dễ chịu hơn tụi sơ sinh. Đã bắt đầu tập cho chúng quen được với giờ giấc rồi.

Căn phòng trống trơn. Tôi ngạc nhiên đưa mắt hỏi thầm. Bà nhất nói :

– Ở đây có tất cả hai mươi tám em. Bây giờ phải lo cho chúng đi bô.

Tôi quay lại ý đòi giải thích động từ lạ lùng đó . Dì phước cười bí mật, tiếp tục đi vài bước nữa rồi dừng lại chờ tôi :

– Chúng nó đây.

Tôi nhìn theo hướng dì phước chỉ. Phía trong có một dãy nhà tiêu. Một cái bể chứa nước rộng ở ngay sát lối vào. Vòi nước đang róc rách chảy. Hai em bé gái đứng gần hồ nước, có lẽ chờ cho đầy để khóa máy. Không có gì lạ. Nhưng khi bước tới chút nữa, theo hướng nhìn của bà nhất mà hạ mắt xuống thấp, tôi mới ngạc nhiên. Lúc nhúc một lũ trẻ nhỏ đứa nào cũng chỉ mặc có mỗi chiếc áo đang ngồi trên bô thành hàng dọc, sát theo vách đối diện dãy nhà cầu. Phía ngoài cùng có bốn em bé da đen tóc xoăn ngồi yên như tượng. Một đứa lai trắng quá bé đến nỗi như muốn gần lọt tõm vào lòng bô, cố dướn người lên bằng cách gập người lên trên cặp đùi lỗ chỗ thuốc đỏ. Một bé gái đầu bị kéo cắt lăm nhăm vì những mụt lở, bình thản ngồi ngay trên bô không lo ngại vì cái bụng ỏng kê vừa vặn lên thành bô nhựa. Thấy tôi nhìn đến, nó toe toét cười. Cười xong, nét mặt lại bình tĩnh như không có gì xảy ra. Bà nhất nói :

– Con bè này hơi bất thường. Tôi có cho đem xuống Thánh Gia, nhưng họ không cho biết bệnh gì.

Tôi hỏi, hơi e dè:

– Chúng nó ngồi trong bao lâu thì… thì đi xong, thưa ma xơ ?

– Chừng một giờ đồng hồ. Nhiều đứa chỉ ngồi chơi, không chịu đi.

Vừa lúc ấy, phía trong cùng, hai đứa bé đang nắm tóc nhau mà dằn. Đứa con gái có phận sự canh chừng vội đóng vòi nước lại, chạy vào can thiệp, trong khi đứa con gái kia lấy chổi quét nhẹ cho nước dơ trên sàn chảy vào hầm rút.
Tôi nói cảm tưởng:

– Phần lớn các em ở đây đều có vẻ thất thường. Hình như chúng òi ọp ngay từ lúc nhập viện ?

Bà nhất vui mừng tìm được người tâm sự :

– Phải rồi. Họ đem cho chúng tôi toàn những đứa trẻ khó nuôi. Hoặc bị chứng này hoặc bị chứng kia. Anh tính viện có hơn hai trăm năm mươi em từ sơ sinh đến mười lăm tuổi. Thế mà chúng tôi chỉ có bốn người. Nội chuyện thay nhau thức đêm canh gác lũ nhỏ nhất đã lo không xuể, nữa là…

Bà nhất lấy chìa khoà mở cửa văn phòng. Tôi ngồi xuống ghế nệm trước mặt bà, cố gắng tìm một lời an ủi :

– Xã hội ngoài đời phạm tội, rồi quăng lũ trẻ bất hạnh vào đây cho các xơ. Các xơ chữa bệnh cho chúng, lo cái ăn cái mặc cho chúng lớn lên, lớp này chưa hết, thì đời lại đẩy thêm vào lớp khác.

Dì phước cười buồn, nói :

– Chứ biết làm sao. Mình rán làm, như một việc cứu chuộc cho thế gian. So với Đấng Cứu Thế chịu đóng đinh trên thánh giá, thì công việc của mình thấm gì. Nhưng những lúc mệt mỏi quá sức, cũng hơi có chán nản. Người đời chẳng những đã vậy, mà càng ngày càng tệ hơn nữa. Mỗi ngày, chúng tôi nhận cô nhi càng đông, và hình thù các em càng thê thảm hơn, đến tội nghiệp. Nhiều lúc chúng tôi nghĩ mình đang lội ngược một làn sóng dữ.

Ánh sáng văn phòng chợt tối lại. Một dì phước khác nét mặt gầy, da hơi xanh, dáng người nhỏ nhắn bước vào. Bà nhất ngăn không cho tôi đứng dậy, vội vã nói :

– À, xơ Christine đây rồi. Anh cứ ngồi đấy. Christine, anh này muốn hỏi lý lịch một em cô nhi đã xuất viện. Christine lục giúp cho anh ấy nhé. Tôi ra ngoài này xem lũ trẻ xới đất ra làm sao.

Chờ cho bà nhất ra khỏi văn phòng rồi, tôi mới trình bày lại ý định của mình. Dì phước Christine gật đầu, nhỏ nhẹ bảo :

– Dạ, dạ, chắc được. Hồ sơ còn đủ chưa bị thất lạc đâu. Em đó nhập viên năm nào ?

Tôi lẩm nhẩm tính, trả lời mù mờ:

– Khoảng 1955, 1956 gì đó. Dạ mà không, đó là năm xuất viện chứ không phải nhập viện. Me tôi xin em nó về khoảng đó.

Nét e ngại thoáng hiện trên khuôn mặt dì phước.

– Lâu quá, trên mười năm rồi, không biết hồ sơ còn đủ không. Tôi cứ tưởng em đó mới xuất viện gần đây. Như vậy thì… thì em đó tên gì ?

– Dạ thưa Phương Thảo.

– Như vậy thì Phương Thảo xuất viện từ hồi cô nhi viện còn ở trên Xuân Phương. Để tôi rán lục tìm thử đã.
Dì phước Christine đi về phía mấy cái tủ gỗ, ngồi xuống tìm kiếm ở ngăn cuối cùng. Dì phước hết đóng cái tủ này lại mở cái tủ khác. Mở đến tủ thứ tư, lục tìm khá lâu, chị quay lại hỏi tôi :

– Lúc nãy anh nói em Thảo xuất viện năm nào ?

– Dạ khoảng 1955, 1956.

– Tôi tra sổ từ 1956 trở về trước xem. Sổ cái của viện chỉ ghi tên tuổi, chi tiết lý lịch theo ngày nhập viện. Thôi, cứ đi ngược thời gian, thử xem sao.

Dì phước Christine vừa lật từng tờ cuốn sổ lớn vừa lẩm nhẩm đọc tên.

Tôi hồi hộp lắng nghe. Nét mặt dì phước cười hóm hỉnh, vì cái tên nào cũng thật bình dân lạ tai : Trần Văn Dừa, Lê Thị Bến, Nguyễn Văn Lé, Đặng Văn Nhánh … Đến lúc không thể dằn được nữa, dì Christine cười to lên. Dì phước ngước nhìn về phía tôi, phân bua :

– Các xơ hồi trước thật thiếu óc văn chương. Đặt tên dở quá.

Tôi ngạc nhiên hỏi lại :

– Tên cha mẹ các em ấy đặt ra chứ. Chắc tại trên đó là thôn quê, các ông các bà lấy hình ảnh quen thuộc chung quanh mà đặt tên con, như Ruộng, Mương, Cào, Cuốc, Dừa, Mít…

Dì Christine cãi :

– Không phải thế. Nếu các em ấy có cha mẹ, thì đâu phải là cô nhi . Hầu hết trẻ em họ đem đến đây cho đều không cha mẹ, hoặc do chiến tranh, hoặc do lỡ lầm sợ tai tiếng thuê người mang đến đây. Có nhiều khi họ bỏ nằm trước cửa sẵn hồi nào rồi, kiến đã bắt đầu bu đến. Cho nên chúng tôi phải lo làm khai sinh cho các em. Mình muốn khai họ gì tên gì cũng được. Hai năm nay, tôi đặt cho chúng toàn tên đẹp cả.

Rồi để khoe với tôi, dì phườc bỏ cuốn sổ cũ đến giở cuốn sổ mới nhặt đặt trên bàn giấy, đọc lớn tên các em vừa nhập viện :

– Anh nghe đây nhé. Vũ Đức Huy. Vương Duy Hùng. Trần Thị Thùy Trang. Lê Thị Quỳnh Uyển.

Đọc xong, dì Christine cỏ vẻ sung sướng hãnh diện. Tôi cười rồi hỏi :

– Thế phần tên cha tên mẹ thì làm sao?

– Trước kia, chúng tôi để trống. Nhưng năm ngoái, bộ xã hội có lưu ý là nên làm giấy khai sinh có đầy đủ tên cha mẹ để lớn lên đứa trẻ khỏi có mặc cảm. Thành ra chúng tôi lại phải bóp óc đặt thêm hai tên nữa. Mà phải đặt thế nào cho có lý, cho thích hợp. Chẳng hạn em Lê Thị Quỳnh Uyển này. Tên cha : Lê Trung Dũng. Tên mẹ : Vương Quỳnh Ngân. Bà Quỳnh Ngân sinh ra em bé Quỳnh Uyển là hợp lắm.

Tôi đưa ra nhận xét :

– Đôi khi tên đẹp quá cũng tạo cho chúng mặc cảm. Chẳng hạn các bé gái nước da đen, lớn lên sẽ khổ sở vô cùng với cái tên Bạch Tuyết. Hoặc các em bị bệnh phì thân thể to lớn ô dề sẽ bị chòng ghẹo đến phát khóc nếu có cái tên Thu Liễu hay Diệu Mai hay Thanh Trúc.

Dì phước Christine công nhận tôi có lý, nhưng cố biện bạch :

– Ấy, cha giám đốc cũng có nói như vậy. Cha bảo cô nhi cần gì tên đẹp. Nhưng chúng tôi vẫn giữ lập trường, cố chọn những cái tên hay hay cho chúng đỡ tủi. Nếu chúng mang tên Rớt hay tên Rơi, chắc chúng khổ lắm.
Sợ tôi chờ lâu, dì phước trở lại ngăn tủ lục tìm hồ sơ của Phương Thảo. Tôi im lặng ngồi ngắm mấy bức tranh lấy đề tài trong Thánh kinh treo cao trên tường, những đồ trang hoàng nhỏ nhắn hết sức đàn bà trong tủ kính như con chim thắt bằng dây ni lông hồng, mảng cỏ giáng sinh tí hon chúa Hài đồng lẫn thánh Giuse và Đức Mẹ đều bằng nhựa, một cái bình hoa giấy tí xíu.

Giọng dì Christine có vẻ thất vọng, bực bội :

– Anh có lầm điều gì không? Tôi lục tìm đến hai ba lần vẫn không thấy em nào tên Phương Thảo hết.

Tôi giật mình, mồ hôi rịn ướt nơi lòng bàn tay. Tôi quên bẵng đi mất rằng Phương Thảo là tên ba me tôi đặt, sau khi xin cô bé về. Sự e ngại khiến lời tôi ấp úng khó nghe hơn :

– Xin lỗi ma xơ, Phương Thảo là tên ba me tôi gọi. Không hiểu lúc ở viện, em nó có tên Phương Thảo hay mang tên khác.

Dì phước lộ vẻ mệt mỏi chán chường, nói thật chậm :

– Thế thì làm thế nào bây giờ.

Tôi ngại ngùng đề nghị :

– Phương Thảo hơi thất thường ngay từ hồi chưa nhập viện. Em nó vẻ đãng trí, khờ khờ, sợ người lạ. Xin về, cái bệnh ấy vẫn còn.

Dì phước cố gắng giải thích sự khó khăn :

– Trong sổ cái này chỉ để tên cô nhi, ngày khai sinh, ngày nhập viện, trường hợp thu nhận. Còn muốn biết chi tiết rõ hơn, thì phải lục ở thùng phiếu cô nhi. Lục cả hai cái tủ lớn này để tìm cho ra một phiếu một bé gái bị đãng trí cách đây hơn mười năm, thật là… thật là…
Dì Christine định nói cho đủ ý, nhưng nhìn nét mặt thất vọng của tôi, dì dừng lại. Tôi ngồi im lặng, như chết dí trên ghế nệm. Để che giấu bối rối, dì phước quay về xếp dọn hồ sơ trong cái tủ trong cùng. Tôi hỏi cầu may :

– Có cách nào nữa không ma xơ ?

Dì phước yên lặng không dám trả lời phủ định. Tôi gắng hỏi một lần chót :

– Có xơ nào làm việc ở đây từ hơn mười năm không thưa ma xơ ?

Dì Christine chợt nhớ, liếng thoắng nói :
– Phải rồi. Sau nhà bếp có một người giúp việc trước kia cũng là cô nhi ở đây. Không biết chừng chị ấy nhớ chuyện cũ.

Dì phườc bước ra hiên gọi một em trai.

– Tấn ơi, con xuống bếp gọi chị Trầm cho bà. Duy, Dũng, không được vọc đất dơ quần áo. Vào đây biểu.

Dì Christine trở vào, vừa ngồi xuống ghế chỗ bàn giấy vừa bảo tôi :

– Anh chịu khó chờ một chút. May ra chị ấy còn nhớ.
Ngoài cửa, hai em bé đa đen khoảng 4 , 5 tuổi lấp ló, không dám vào.

Dì phước gọi :

– Vào đây. Hai con chào ông đi.

Hai bé cô nhi trai tóc xoăn, môi vều giống y giòng giống của cha, cúi đầu thật thấp nói lớn : Chào ông. Những câu tiếng Việt phát ra từ khuôn mặt tí hon đặc biệt Phi châu tạo cho tôi cảm giác thích thú bất ngờ. Dì phước cười sung sướng, bảo hai đứa bé :

-Hai con xưng tên cho ông biết đi . Con tên gì ?

– Con tên Dũng.

– Còn con tên gì?

– Con tên là Duy.

– Lớn con đi về Mỹ không ?

Cả hai đứa trẻ đồng thanh trả lời, đầu lắc quầy quậy:

– Không không. Con ở lại với ma xơ .

Dì Christine vuốt tóc hai đứa bé, ôm chúng vào lòng hôn nhẹ lên mái đầu :

– Ở lại với ma xơ khổ lắm. Về Mỹ sướng hơn.

Rồi chị phước quay về phía tôi giải thích :

– Tuần trước, ông cố vấn bên tỉnh có đến đây lập danh sách các em lai Mỹ. Ông ấy bảo có thể có một chương trình đưa các em lai này về bên ấy nuôi nấng. Dầu sao, đấy là nhiệm của chính phủ Mỹ. Không thể để con của lính mình cầu bơ cầu bấc được. Nước họ giàu mà.

Tôi hỏi:

– Ở dãy này, tôi thấy chỉ có các em trai sáu tuổi thôi. Bé như hai đứa này, phải ở bên kia chứ.

– Lúc mới vào, hai đứa này đau yếu luôn. Tôi thấy tội nghiệp quá, xin xơ Josse cho qua bên này tôi nuôi riêng. Tốn không biết bao nhiêu tiền thuốc, nhiều lúc phải đem đi bác sĩ tư nữa. Nuôi mạnh xong, tôi gửi trả lại bên đó nhưng hai đứa nó khóc quá, không chịu. Cả tôi cũng quyến luyến không nỡ rời chúng. Đáng lý tôi được về lại dòng ngoài đó từ kỳ hè, nhưng tôi đã xin ở lại đây.

Bấy giờ hai đứa trẻ thoát khỏi tay dì phước, đang lại phía tủ kính cố mở cửa để lấy đồ chơi. Dì Christine mắng không cho phá, rồi gọi thằng bé lớn lại, hỏi:

– Duy, lớn con làm gì ?

Giọng thằng bé đã sõi :

– Lớn con đi tu.

Dì phước cười sung sướng, lấy khăn tay trong bọc áo thằng bé chùi mũi cho nó. Chị hỏi tiếp:

– Nhưng trước khi đi tu, con phải làm gì?

– Con đi học i, a, o, e.

– Ông này đến xin con, ma xơ đã cho con về với ông này. Chịu đi không ?

Thằng bé mặt mày bần thần, nước mắt rơm rớm nơi hai khóe trong khi thằng kia cưới nụ hí hửng. Dì phước cảm động ôm Duy hôn lấy hôn để, trấn an :

– Ma xơ nói giỡn đó. Hai con ra ngoài chơi đi. Ngoan nào.
Thằng Duy vui mừng chạy ra khỏi phòng, như sợ tôi bắt lại. Dì phước nhìn theo, nét mặt hiền hóa trìu mến. Dì quay lại phía tôi, giọng nói hơi run run :

-Lúc nhỏ thì ngoan lắm. Nhưng lớn lên một chút, hoang không chịu được. Đánh lộn suốt ngày. Lại lười biếng không chịu đi học nữa.

– Các em ở đây học ngay trong cô nhi viện, hay phải học ở ngoài thưa ma xơ ?

Dì Christine chưa kịp trả lời thì một người đàn bà mặc đồ tang bước vào. Dì phước vội vàng bảo :

– À chị Trầm. Vô đây tôi nhờ một chút. Sao, chuyện đắp mộ đi đến đâu rồi ?

Người đàn bà nét mặt bất động lầm lì, giọng nói khao khao buồn hiu :

– Dạ họ đòi nhiều quá. Đến 20.000.

Dì phước an ủi:

– Thôi. Chị để tôi xoay cho. Hoặc xin ngoài Mẹ hoặc xin đâu đó. Còn chị với hai đứa nhỏ thì dọn vào ở trong này luôn cho tiện.

Người đàn bà im lặng đứng dựa vào vách không nói. Dì phước nhớ lại chuyện chính hỏi :

– Chị Trầm này, chị ở đây lâu rồi phải không ?

– Dạ.

– Từ hồi còn bà nhất Gabrielle chứ gì?

– Dạ .

– Được mười mấy năm rồi?

Người đàn bà lúng túng không trả lời được, chỉ ấp úng :

– Dạ, tận hồi nhỏ.

– Nhỏ là mấy tuổi ?

– Hồi sáu bảy tuổi gì đó. Tận trên Xuân Phương, ma xơ.

– Bây giờ chị mấy tuổi rồi?

– Dạ lớn rồi ma xơ.

Dì phước có vẻ bực hội :

– Ai không biết chị lớn rồi. Nhưng mấy tuổi ?

– Dạ chắc hai mươi tám.

Dì Christine lấy viết ghi chép trên cuốn sổ con, hí hoáy tính toán rồi vui mừng bảo tôi :

– Chị này ở trong viện từ hồi nhỏ cho đến khi lấy chồng. Nghĩa là tận hồi 1951. May ra chị ấy còn nhớ, vì như anh thấy đấy, chị ta không được mau mắn lắm.

Dì phước cố hạ thấp giọng cho chị Trầm khỏi nghe thấy mấy câu cuối cùng.

Rồi dì lấy giọng lớn hơn hỏi người đàn bà :

– Chị có nhớ hồi ở Xuân Phương, trong viện có em nào hơi đãng trí không ?

Chị Trầm hỏi lại :

– Dạ, đãng trí ?

– Nghĩa là hơi khù khờ, không được như chị.

Tôi chen vào:

– Em đó hay sợ người lạ, thường thích ngồi quay mặt vào xó tối…

Chị Trầm nghe một cách lơ đãng vô sự. Dì phước nhắc:

– Chị có nhớ em gái nào thời đó thích ngồi trong xó không?

– Dạ, ở đây à ?

– Ừ, ở đây, trong viện này, nhưng lúc còn ở trên Xuân Phương đó.

Chị Trầm nói một cách e dè, không lấy gì làm chắc :

– Có con Phương. Nó hay che mặt lầm rầm một mình…

Tôi reo lên:

– Đúng rồi. Ma xơ làm ơn tra giùm hồ sơ em Phương.

Dì Christine lại lục tìm một hồi nữa. Người đàn bà tự động bỏ ra sau vườn, lúc nào không ai hay. Dì phước đang lật từng trang cuốn sổ cái đã cũ đột nhiên la lớn vui mừng:

– Đây rồi. Lê Thị Phương.

Tôi mừng quá, chạy đến gần bàn dì Christine. Dì phước cười bảo :

– Hồi đó, mấy xơ đặt tên cho các em ngộ nghĩnh quá. Em vào trước tên Trần Thị Phố. Em này tên Lê Thị Phường. Nhập viện ngày18-9-1954. Ngày xuất viện : 2-3-1956. Số 462. Để tôi tra thử ở phiếu cô nhi thử có ghi chú điều gì thêm không.

Dì Christine mở cái hộc gỗ phía tay trái tìm một lúc, rồi đem lại cho tôi xem một phiếu bìa cứng mầu xanh. Hai góc trên phiếu lý lịch đều bị cắt mất. Dì phước giải thích trước khi đưa hẳn phiếu cho tôi :

– Bị cắt góc thế này, tức là không có cha mẹ. Bị cắt một góc trái là mồ côi cha. Bị cắt góc phải, là mồ côi mẹ.
Các chi tiết ấy không cần thiết đối với tôi. Tôi đưa tay run run đỡ lấy tấm phiếu. Cổ tôi muốn nghẹn lại, lòng tôi hồi hộp.

Tấm phiếu chỉ ghi được những dòng sau đây:

Cô Nhi Viện XUÂN PHƯƠNG
PHIẾU CÔ NHI
1. Họ và tên : Lê Thị Phường

2. Số danh bộ : 462
3. Năm sinh : 1947

4. Ngày nhập viện : 13-9-1954

5. Ngày lập phiếu : 15-9-1954

6. Ngày xuất viện : 02-3-1956

7. Quốc tịch : Việt nam

8. Tôn giáo : Công giáo

9. Tên họ nghề nghiệp địa chỉ cha mẹ : chừa trống

10. Lý do gửi trẻ vào viện : Nạn nhân chiến cuộc

11. Người hoặc cơ quan đem gửi : chừa trống

12. Tên họ, địa chỉ của thân nhân : chừa trống

13. Nếu đứa trẻ không có lý lịch, xin ghi rõ trường hợp nào em được tiếp nhận: cha xứ Xuân Hòa cho người đem đến, gia đình em bé đều bị chết trong chiến tranh.

14. Lập án thế vì khai sinh ngày : 14 tháng 9 năm 1954 tại Tòa án T.P.
15. Lý do xuất viện : có gia đình xin về nuôi.

16. Tên họ gia đình đỡ đầu : Ông bà Lý Văn Lâm địa chỉ 43 Phạm ngũ Lão.

17. Nhận xét chung của ban giám đốc cô nhi viện : Ngoan, ít nói, nhút nhát.

Tôi ngồi trân trên ghế, không nói được lời nào. Dì Christine chờ sự vui mừng của tôi để bù đắp công lao vất vả tìm kiếm, nhưng thấy vẻ thất vọng của tôi, dì phước tế nhị lẳng lặng trở về bàn giấy, ngồi ghi ghi chép chép gì đó trên cuốn sổ cái. Tiếng đồng hồ tí tách nghe rõ mồn một, đếm bước thời gian dằng dặc mệt mỏi. Nếu người xin nuôi là ông bà Lý Văn Lâm, thì Lê Thị Phường đâu phải là Phương Thảo. Chắc chắn trên tấm phiếu này, không có một dòng nào ghi tên họ địa chỉ ba me tôi. Các dì phước bấy giờ cũng chỉ nhận xét : bé Phương ít nói và nhút nhát mà thôi. Không còn hy vọng gì.

Khí nóng ngột ngạt khiến hơi thở tôi nồng, cổ tôi thắt lại nghẹn ngào. Ánh nắng chói chang hắt từ sân cát vàng làm lòa cả mắt. Một lúc lâu, dì Christine ngần ngại hỏi nhỏ:

– Anh thấy thế nào, có đúng không ?

– Dạ chắc không. Lý Văn Lâm không phải tên ba tôi.
Tôi liếc nhìn lần cuối lên tờ phiếu trước khi trả lại cho dì phước. Mắt tôi lướt trên mấy chữ Tôn Giáo: Công Giáo.

Tôi hơi tò mò hỏi :

– Dĩ nhiên các em vào đây đều được rửa tội. Nhưng khi xuất viện, làm thế nào…

Dì phước hiểu ý của tôi, mau mắn đáp :

– Tôi hiểu. Dĩ nhiên chúng tôi chỉ giao các em cho những người đỡ đầu có đạo . Vì vậy dù xuất viện, các em vẫn là người thiên chúa giáo.

Trí óc tôi lúc đó bỗng lang mang bất định. Miệng tôi nói :

– Cảm ơn ma xơ nhiều. Báo hại ma xơ tìm vất vả cả một buổi chiều.

Nhưng trí tôi nghĩ: Cô nhi viện chỉ tin cậy những người quen biết trong họ đạo. Có thể me tôi thích nuôi Phương Thảo, thích nuôi bé Phường. Vì vậy, me tôi phải nhờ người khác xin bé về. Lòng tôi lại thoáng vui. Tôi hỏi, giọng buồn rầu cố ý tô đậm ơ hờ bất cần:

– Xứ Xuân Hòa là đâu vậy ma xơ?

Dì phước cười.

– Tôi cũng không biết. Tôi vốn không sinh trưởng ở đây, nên mù tịt về các tên quận tên làng. Anh trở về dòng hỏi Mẹ Bề Trên, chắc Mẹ biết. Mẹ vốn người ở đây mà.

Tôi cúi chào dì Christine, bần thần bước ra đường.
Lúc đi ngang qua dãy sơ sinh, thằng bé da đen vẫn còn khóc chát chúa. Tự nhiên lòng tràn đầy thương xót vu vơ, nước mắt tôi rơm rớm, đọng lại trên bờ mi, chỉ chực tràn xuống má.

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 4093

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây