Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Sông Côn Mùa Lũ – Chương 59

Khoảng cuối mùa Xuân năm Bính Ngọ (1786), Trấn thủ Thuận Hóa là Tạo Quận công Phạm Ngô Cầu sai viên Thuộc hiệu đội Dực hữu là Dương Lĩnh bá Nguyễn Phu Như vào Qui Nhơn để thương thuyết vấn đề biên giới giữa hai nước.

Vì là bạn cũ của Nguyễn Hữu Chỉnh, nên sau các nghi thức triều kiến và những lời đối đáp ngoại giao văn hoa mà giả dối, Nguyễn Phu Như tìm cách để nói chuyện riêng tư thân mật với Chỉnh về tình hình Bắc Hà. Đô đốc Chỉnh mừng rỡ nhưng dè dặt, không mời Như về dinh riêng mà tiếp chuyện ngay tại công đường.

Hai người bạn lâu ngày mới gặp lại, nắm tay nhìn nhau mừng mừng tủi tủi, ngỡ như gặp trong chiêm bao. Nguyễn Phu Như liếc nhìn tên lính hầu đang lo pha trà rót nước, giọng nói có vẻ khiên cưỡng:

– Ngài vẫn mạnh giỏi đấy chứ? Bác gái và các cháu thế nào?

Nguyễn Hữu Chỉnh cười xòa, rồi bảo:

– Thôi đừng khách sáo, anh bạn cũ! Chỉ có hai ta ở đây, văn hoa khách sáo mà làm gì. Cảm ơn bác, nhà tôi vẫn mạnh. Cháu Du đã bắt đầu giúp tôi được trong việc quân. Nghe có sứ giả Thuận Hóa mới vào, tôi tưởng ai hóa ra bác!

– Phần tôi thì vì biết chắc có bác trong này mới dám nhận đi sứ. Thế nào bác cũng phải giúp tôi một tay.

Nguyễn Phu Như lại liếc về phía tên lính hầu. Nguyễn Hữu Chỉnh không lưu ý đến thái độ dè dặt của bạn, giơ cả hai tay lên trời nói:

– Một tay à? Không. Với ai thì tôi còn ngại, nhưng với bác thì tôi dám giúp cả hai tay chứ đừng nói một.

Lúc đó tên lính hầu đã pha trà xong, lóm thóm đi về phía cửa sổ khép bớt một cánh che bớt ánh nắng. Nguyễn Phu Như nhân cơ hội hỏi nhỏ:

– Bác tìm cớ sai hắn ra ngoài có được không?

Chỉnh nháy mắt ra dấu hiểu ý bạn, lắc đầu, rồi đáp lớn:

– Người trong nhà cả, bác đừng ngại. Tôi giúp được bác gì nào? Tại sao Quận Tạo lại sai bác vào đây? Không phải để dụ hàng tôi đấy chứ?

– Không đâu! Bác đừng đùa ác thế! “Lão đần” ấy lo bấn lên, mới sai tôi vào đây. Lão muốn mơn trớn bác để mong được yên thân với Tây Sơn, còn nói chi đến chuyện dụ hàng.

Nguyễn Hữu Chỉnh kinh ngạc hỏi:

– Quận Tạo được Chúa tin dùng cử vào Thuận Hóa làm Trấn thủ từ năm Bính Thân (1776), tính đến nay đã mười năm rồi. Mấy người giữ được nơi quan yếu lâu như hắn. Hắn vững như núi, còn lo nỗi gì?

– Ấy, tại bác ở xa không biết đấy thôi. Năm Quí Mão (1783) Chúa cử Hồ Sĩ Đống vào thanh sát Thuận Hóa. Khi trở về, Hồ Sĩ Đống tâu lên Chúa rằng Quận Tạo là một người tham nhu, không thích hợp với nơi biên viễn nguy hiểm, cần phải cử người can đảm, cương cường hơn để cấp tốc thay thế. Chúa không nói gì, nhưng thế nào cũng thắc mắc, hồ nghi khả năng của Quận Tạo. Mấy năm nay lão còn ngồi yên vì là nhờ trong này không động tịnh gì. Nếu ngược lại, tất nhiên Chúa phải xem xét. Lão “đần” nghe phong thanh Tây Sơn đã dẹp yên phương Nam, nên lo ngại lắm. Lão nài tôi đi cho được chỉ vì vậy.

Nguyễn Hữu Chỉnh giả vờ ngạc nhiên, hỏi bạn:

– Tôi với bác là bạn nối khố từ lâu, sao nỡ giăng bẫy hại nhau làm gì! Bác có nói bỡn không đấy? Bác bảo Quận Tạo lo ngại thế lực của Qui Nhơn? Trời ơi! Bác tưởng chúng tôi ở đây, vì lọt thỏm vào mấy vùng núi cao vây quanh, nên không trông được gì bên kia đèo Hải Vân hay sao? Bác lầm rồi. Đối với bọn giặc cỏ trong Gia Định thì chúng tôi còn dám bậm môi, rướn gân, cố sức một phen sống mái được. Nhưng với binh lực Bắc Hà, Tây Sơn chỉ là con kiến trước con voi. Mấy vạn tinh binh ở Thuận Hóa, dinh lũy liền dãy từ Hải Vân ra đến sông Gianh, bố trí để sẵn sàng tiếp viện, ứng cứu cho nhau khi có loạn. Phía bắc lại có sẵn kho lương thực và đạo quân Thanh Nghệ lúc nào cũng sắp sẵn để ứng phó với mọi tình thế. Tôi còn lạ gì sức mạnh của Bắc Hà nữa mà bác định giăng bẫy! Không. Không. Chúng tôi không sa bẫy đâu!

Nguyễn Phu Như bắt đầu sốt ruột. Ông từ chối miếng trầu Chỉnh mời, tự cầm chén trà uống cạn một hơi, rồi nói:

– Bác tin hay ngờ là tùy bác. Sự thực thế nào, có dịp bác trở lại Bắc Hà, bác sẽ biết. Cùng là người một nước với nhau, tôi giấu bác làm gì. Khổ lắm, bác Chỉnh ạ! Hiện nay ngoài đó đang bị nạn đói. Giá gạo cao vọt. Dân kinh kỳ và bốn trấn bị đói to, thây chết nằm liền nhau. Chúa phải hạ lệnh chiêu mộ nhân dân, ai nộp của sẽ trao cho quan chức. Nhưng bác tính, đói thế thì ai hưởng ứng! Chúa buộc phải xuống chiếu bắt ức nhà giầu để lấy của mà phát chẩn.

Nguyễn Hữu Chỉnh rúng động, lòng quặn thắt vì lo âu cho những bà con thân thuộc còn ở lại Bắc Hà. Chỉnh hấp tấp hỏi:

– Tình thế bi đát đến thế sao? Bấy lâu nay Bắc Hà có giặc giã gì đâu mà đến nỗi thế?

Nguyễn Phu Như tức tối đáp:

– Không có họa gươm giáo thì có họa “các lái”. Chúng thừa dịp mất mùa để bán gạo đắt không có một chút từ tâm, mặc cho những người khốn cùng chết đói đầy đường đầy chợ.

Nguyễn Hữu Chỉnh hằn học nói:

– Ơ kìa! Tại sao bác lại đổ hết tội lên đầu các lái! Thế hạn hán mất mùa cũng do các lái à? Còn lợi lộc thì ai không tham.

Nguyễn Phu Như chợt nhớ đến gốc gác gia đình Chỉnh, bối rối tìm cách chuyển đề tài nhưng không tìm được cách nào để cho bạn bớt giận. Nhưng Chỉnh đã đổi giận làm vui mau chóng, đến nỗi Nguyễn Phu Như tưởng Chỉnh giả vờ giận dỗi vì mưu kế hơn là vì bị xúc phạm.

Nguyễn Hữu Chỉnh hỏi:

– Thuận Hóa có bi đát đến độ ấy không?

Nguyễn Phu Như lắc đầu nói:

– Chưa đến nỗi nào. Nhưng giữa dân với lính Bắc Hà cũng găng lắm. Đến nỗi trời tối nhá nhem là lính không dám ra khỏi đồn canh. Dân với lính ghét nhau như chó với mèo.

Nguyễn Hữu Chỉnh lại giả vờ kinh ngạc hỏi:

– Thật ư? Hay bác lại giăng bẫy để đón chúng tôi.

Nguyễn Phu Như đưa hai tay lên cao, giọng hô hoán:

– Bác lại ngờ tôi! Thật không còn trời đất nào nữa!

Chỉnh vội cười cầu hòa:

– Tôi nói đùa đấy thôi. Bác chóng giận quá. Bác Như này, tôi đem gia đình trốn vào đây, chắc bác đã hiểu, chẳng qua chỉ là sự bất đắc dĩ. Bốn năm nay lúc nào tôi cũng nhìn đăm đăm về Bắc. Con chim còn có tổ, huống chi… Cho nên xin bác lấy cái tình đồng hương mà khuyên hộ tôi vài lời. Bác liệu tôi có còn hy vọng về quê được không? Hay lại chết rấp vùi xương ở nơi đất khách này?

Quả nhiên Nguyễn Phu Như xúc động. Quên cả dè dặt. Như hăng hái nói:

– Sao lại không? Bác về lúc nào chẳng được. Ngoài mình dân như thế, lính như thế, cả vua lẫn chúa đều do bọn kiêu binh lập nên chúng ỷ thế ỷ công chẳng coi ai ra gì cả, chúa không ra chúa, quan lại thì khép nép sợ hãi như gà phải cáo. Nước nhà còn chút kỷ cương nào đâu mà còn sức mạnh. Chỉ một cơn gió nhẹ cũng đủ xô ngã rồi. Chỉ sợ bác không muốn về đấy thôi!

Nguyễn Hữu Chỉnh cố làm ra vẻ chán nản, buồn rầu đáp:

– Bác nói đúng. Tôi già rồi. Có lẽ phải vùi thân nơi hóc núi này mất. Một mai ở Bắc Hà nếu có ai nhắc đến tôi, chẳng qua là nhờ mấy điệu cung từ. Nghĩ mà xót lòng, bác ạ.

*

* *

Ngay chiều hôm đó, Nguyễn Hữu Chỉnh xin được gặp vua Thái Đức. Nhà vua vuốt râu, cười hỏi:

– Thế nào? Lần này nhà Chúa mật chỉ cho ông những gì? Ông đến từ biệt ta đấy phải không?

Nguyễn Hữu Chỉnh vội vã sụp xuống lạy nhà vua. Nguyễn Nhạc không ngờ Chỉnh làm như vậy, hoang mang chưa biết phải làm gì thì Chỉnh đã lạy đủ hai lạy. Nhưng sau khi lạy xong, thay vì chống gối đứng dậy, Chỉnh vẫn phủ phục trước sập thếp vàng nhà vua đang ngự, trán chạm vào mặt gạch bát tràng mầu gan gà. Nhà vua định xuống sập đỡ Chỉnh dậy, thì Chỉnh đã khẩn khoản tâu:

– Muôn tâu Thánh thượng, thần không khéo ăn ở để cho Thánh thượng nhọc lòng hồ nghi. Nếu không được Thánh thượng khoan dung, thần xin phủ phục tại đây để chờ Thánh thượng xử tội.

Nguyễn Nhạc cười ha hả, đến vực Nguyễn Hữu Chỉnh dậy. Nhà vua nói:

– Ta chỉ nói đùa thế thôi. Sứ giả nói với ông điều gì, ta đã biết cả. Ta không nghi ngờ ông điều gì đâu.

Nguyễn Hữu Chỉnh cúi người về phía trước chắp tay vái tạ nhà vua, miệng nói:

– Thần xin cảm tạ hoàng ân.

Vua Thái Đức sốt ruột, trỏ góc sập bảo:

– Thôi, đừng khách sáo nữa. Ông ngồi xuống đây, rồi thuật tỉ mỉ cho ta nghe tình hình Thuận Hóa.

Nguyễn Hữu Chỉnh kể thật rành rẽ những gì Nguyễn Phu Như vừa thuật với ông vào buổi sáng. Nhà vua chú ý lắng nghe, lâu lâu gật gù ra vẻ bằng lòng. Nguyễn Hữu Chỉnh nói xong, vua Thái Đức hỏi:

– Ta tin lời hắn được không?

Chỉnh quả quyết đáp:

– Nếu Thánh thượng tin được lòng thần, thì cũng có thể tin được lời Nguyễn Phu Như.

Nhà vua mỉm cười, đăm đăm nhìn Chỉnh rồi hỏi:

– Hình như xứ này quê mùa không có gì quyến rũ được ông? Ông chỉ ngong ngóng trông về Bắc. Ông muốn ta đưa đường chăng?

Nguyễn Hữu Chỉnh lo âu, liếc nhìn nhà vua để đoán những gì nhà vua đang nghĩ. Thấy vua Thái Đức vẫn mỉm cười, đôi mắt hiền dịu khác thường, Đô đốc Chỉnh yên tâm. Ông thú thật:

– Mấy năm nay được Thánh thượng mở lượng bao dung, thần không biết lấy gì để đền công ơn trời bể ấy. Thần đâu dám chê vùng địa linh nhân kiệt này là chốn quê mùa. Quan Bảng nhãn Lê Quế Đường vốn giỏi sấm ký đã báo trước cho nhà Chúa rằng đất Tây Sơn này là đất thiên tử, nhờ thế thần mới mạnh dạn vào đây xin tá túc. Chỉ thẹn một nỗi nợ nước, thù nhà chưa trả…

Nhà vua vội nói:

– Lòng ông thế nào mấy năm nay ta đã rõ. Khỏi phải áy náy, ông Cống ạ! Nhưng ông muốn ta đưa đường cho ông đến đâu đây? Đến Thuận Hóa chăng? Đến Lũy Thầy chăng? Rồi ông bỏ ta mà đi hay sao?

Chỉnh khép hai đầu gối ngồi ngay ngắn trên mép sập, xoay người nhìn thẳng về phía nhà vua lễ phép thưa:

– Tâu Thánh thượng, thần còn biết đi đâu nữa! Bắc Hà đã xử bạc với thần, thì thần đâu còn nợ nần gì với Bắc Hà. Thần có đi đâu, có làm gì, cũng vẫn là một viên tướng Tiên phong mở đất cho Thánh thượng. Chỉ vì thần hiểu hết phong thổ, nhân vật Đàng Ngoài, nên thần xin dẫn đầu cho cuộc Bắc tiến. Vả lại, lòng quê hương ai mà không có. Được gần thêm nơi chôn nhau cắt rốn, gần chỗ mồ mả tổ tiên, thần cảm thấy yên tâm hơn. Từ bên này sông Gianh đứng nhìn ra Bắc, lòng nhớ quê đỡ bi thiết.

– Đến sông Gianh ư? A ha, ông không nói đùa đấy chứ?

– Tâu Thánh thượng, từ lâu cương vực bắc nam đã định. Từ sông Gianh trở vào là đất của Thánh thượng. Ta phải lấy những gì của ta. Danh chính ngôn thuận, lại hợp lòng Trời lòng người. Thần mạo nghĩ thời cơ đã đến để thu giang sơn Nam hà về một mối!

Vua Thái Đức thích thú cười lớn, cánh tay trái chống vào chồng gối thêu. Nhà vua lại hỏi Chỉnh:

– Ông về Lũy Thầy làm tướng biên cương cho ta được không?

Chỉnh mau mắn đáp:

– Thần không bao giờ dám từ nan bất cứ việc gì Thánh thượng có lòng thương giao phó. Huống chi được cầm quân tiến ra Bắc lập công, trả ân sâu của Thánh thượng, vốn là ước nguyện của thần.

Nhà vua lại cười, lần này vẻ mặt nhà vua rạng rỡ. Nhưng nhà vua cố lập nghiêm bảo Chỉnh:

– Ông khéo nói lắm, suýt chút nữa ta bị ông làm xiêu lòng mất. Chuyện này liên quan đến vận mệnh thịnh suy của xã tắc, không thể khinh xuất được. Kéo quân vượt Hải Vân đánh mấy vạn quân Thuận Hóa để lấn ra tận Lũy Thầy? Nói thì dễ, nhưng lúc thực hiện không khéo lại bốc phải lửa! Ta chưa quên trận Cẩm sa đâu! Đem cái sức mười năm tích lũy mà chọi với cái sức mấy trăm năm, có khác nào chú dê con buồn sừng húc đầu vào vách đá núi. Ông đừng vì tình quê hương mà dẫn luôn anh em ta vào cái bẫy ngầm. Ta phải xem xét lại đã. Hôm nào thì sứ Trịnh về?

– Dạ thần không được rõ.

– Nhắn ông ấy rán giữ mình, tránh trước khỏi nơi đầu tên mũi đạn.

Nguyễn Hữu Chỉnh vui mừng đáp:

– Thần xin tuân lệnh.

– Ngày mai ta sẽ tiếp ông ấy lần nữa. Phần ông, hãy thảo cho Quận Tạo một thư phúc đáp. Khỏi cần nhắc ông cũng đã đủ tài văn từ và ứng đối rồi. Làm sao cho Quận Tạo yên tâm, khỏi lo đề phòng mặt Nam. Đêm ngày ngay ngáy lo mất chức Trấn thủ Thuận Hóa đã đủ khổ cho hắn rồi. Hình như hắn tin thầy tướng lắm phải không?

– Tâu Thánh thượng, đúng như vậy. Không có việc gì hắn không nhờ thầy tướng xem giùm cát hung, nhất là những thầy tướng số người Tàu.

– Đúng là thằng đần. Hắn tưởng chỉ có những “con trời” mới biết được thiên cơ hay sao! Hắn khinh thường người Nam quá lắm! Được. Rồi hắn sẽ có dịp sáng mắt, mở trí ra!

*

* *

Sau khi yết kiến vua Thái Đức, Nguyễn Hữu Chỉnh muốn ghé qua dinh Long Nhương tướng quân để gặp Nguyễn Huệ ngay. Giấc mộng ông ấp ủ từ bao lâu sắp thành hiện thực, Chỉnh khấp khởi mừng, quên cả dè dặt. Đến lúc sắp đến cổng dinh, ông mới thấy ý định của mình quá vội vã, nông nổi. Tuy không có bằng chứng gì rõ rệt, Chỉnh vẫn có cảm tưởng Nguyễn Huệ không ưa mình. Ngược lại Chỉnh cũng không ưa Nguyễn Huệ. Mỗi lần bắt gặp đôi mắt sáng ranh mãnh ấy xoi mói nhìn mình, Chỉnh khó chịu, như bị lột trần truồng trước đám đông. Gặp Huệ vào giờ này? Trời ơi! Ta đã điên chưa? Nói với anh ta những gì? Không khéo lại gây thêm đổ vỡ, mâu thuẫn, thậm chí có thể là tai vạ. Chỉnh bảo bọn lính hầu đi thẳng về dinh, không ghé lại dinh của Long Nhương.

Mãi mười ngày sau, lúc Nguyễn Huệ đến thăm cơ xưởng đóng thuyền của Chỉnh, hai người mới có dịp thuận tiện nói chuyện với nhau. Nguyễn Hữu Chỉnh chờ cho Lãng ra khỏi phòng, mới hỏi Nguyễn Huệ:

– Trong cuộc Bắc phạt này, Tướng quân dùng quân bộ hay quân thủy để làm lực lượng nòng cốt?

Nguyễn Huệ hiểu ngay ý Chỉnh, nhưng vẫn giả vờ kinh ngạc hỏi:

– Cuộc Bắc phạt nào? Ông hỏi gì vậy?

Nguyễn Hữu Chỉnh lúng túng nói:

– Tôi tưởng Hoàng thượng đã…

Nguyễn Huệ hỏi dồn:

– Theo ông, ta nên dùng quân bộ hay quân thủy?

Chỉnh qua được cơn bối rối, đáp chậm:

– Tướng quân đoán được câu trả lời của tôi rồi. Người nào quen việc gì, thường xem việc đó quan trọng hơn hết. Tôi được đời đặt cho cái hiệu “con cắt nước”, nên hễ lên khỏi thuyền là lúng túng.

Nguyễn Huệ mỉm cười nói:

– Dinh của Dao trung hầu đâu phải là nhà thủy tạ! Ông có lúng túng chút nào đâu. Ông chỉ nói khiêm đấy thôi!

Chỉnh đỏ mặt, ngồi im không nói gì. Nguyễn Huệ lấy giọng hòa nhã nói:

– Tôi nói đùa cho vui, ông đừng để tâm. Vâng. Ngay sau khi sứ giả Quận Tạo vào đây, Hoàng thượng có vời tôi vào. Hình như ông cũng có được gọi thì phải. Hoàng thượng có nhắc đến chuyện Thuận Hóa. Nhưng tôi còn do dự, chưa dám đương. Sau trận đương đầu với quân Xiêm, tôi nên nghỉ một thời gian. Có lẽ đích thân Hoàng thượng cầm quân Bắc phạt đấy.

Chỉnh quên cả dè dặt, hấp tấp nói:

– Sao Tướng quân lại chối từ! Tôi e rằng… Không… Ý tôi muốn nói quân lính đã quen được Tướng quân chỉ huy, chỉ nội sự có mặt của Tướng quân cũng đủ cho họ tin tưởng và hăng hái rồi. Chưa nói đến sự từng trải chiến trường, đến mưu lược, sự quyết đoán nhanh nhẹn. Vả lại… vả lại… không biết tôi thưa với Tướng quân điều này có tiện không…

Thấy vẻ mặt láo liên của Chỉnh, Nguyễn Huệ thêm ác cảm với Chỉnh. Nhưng vì tò mò, ông hỏi:

– Có gì ông cứ nói. Giữa ông với tôi, không nên ngại.

Chỉnh đưa lưỡi liếm nhẹ môi trên, ngập ngừng, rồi đánh bạo nói:

– Có thể tôi quá liều lĩnh, đem mạng sống ra đánh đổi một điều chưa chắc chắn, nhưng… vì đại cuộc, tôi phải thưa thật với Tướng quân. Chuyến này Tướng quân không nên từ chối kiếm lệnh vì nhiều lẽ.

Nguyễn Huệ cười nhỏ, khuyến khích Chỉnh:

– Ông cứ tự nhiên. Tôi là một người biết điều. Xin ông kể hết các lẽ phải trái. Tôi sẽ lắng nghe những lời biện biệt.

Nguyễn Hữu Chỉnh yên tâm hơn, tiếp tục nói:

– Lẽ thứ nhất là hiện nay, từ nam chí bắc không ai có tài cầm quân hơn Tướng quân. Tôi nói từ nam chí bắc, vì sau khi Quận Việp qua đời, đất Bắc không còn viên tướng nào đủ sức nhìn mặt Tướng quân. Chiếm lại một vùng đất đã bị Bắc Hà chiếm hàng mười năm, đồn lũy, binh bị đã vững, lương thực khí giới đầy đủ, việc đó không thể giao cho bất cứ ai. Trận đầu mà không thắng thì quân dân dễ nhụt chí. Do đó, cần phải giao cờ lệnh cho một tướng bách chiến bách thắng.

Lẽ thứ hai liên quan đến vận hội chung của vương triều. Tướng quân nghĩ mà xem, vị thế của Tướng quân ở đây, sau khi Tướng quân toàn thắng quân Xiêm, bắt đầu có điều không ổn. Tướng quân xem thường chuyện danh lợi vụn vặt, nhưng không phải ai ai cũng như Tướng quân. Rất nhiều người mong muốn Tướng quân mãi mãi là viên tướng biên viễn. Tướng quân càng sáng thì họ càng mờ. Thấy Tướng quân khải hoàn, họ dàu dàu nét mặt. Nhiều chuyện hiểu lầm đã xẩy ra từ lúc Tướng quân về đây mà nếu không có lòng thuận thảo hiếm có giữa anh em ruột thịt trong hoàng gia, nếu ở vào trường hợp khác, có thể có nhiều đổ vỡ lớn. Nhiều người e dè khép nép với Tướng quân, kính sợ nhưng dè dặt, khâm phục mà xa cách. Chúng nó đáng thương, vì còn phải nhìn trước nhìn sau để giữ lấy thân. Tôi nói sơ qua, nhưng một người thông minh sắc sảo như Tướng quân chắc đã biết trước mọi điều. Do đó, tại sao không nhân cơ hội này, Tướng quân lãnh phần trấn thủ Thuận Hóa, dương oai hùm với Bắc Hà, bảo vệ giang sơn cho Hoàng thượng, lại được thỏa thích tùy nghi trong khu vực riêng. Tướng quân vui, mà bọn tiểu nhân cũng đỡ phần lo ngại.

Nguyễn Huệ gật gù ra vẻ đồng ý, rồi hỏi Chỉnh:

– Nếu tôi lãnh kiếm lệnh, ông có giúp tôi không?

Nguyễn Hữu Chỉnh mau mắn đáp:

– Tôi chỉ mong ước có bấy nhiêu. Được bước gần quê hương thêm một bước, lòng tôi vui thêm một bậc.

– Bọn tiểu nhân ở đây lo ngại tôi, vậy ông không lo ngại sao mà xin theo tôi?

Nguyễn Hữu Chỉnh nhũn nhặn đáp:

– Người quân tử phải biết tìm đấng minh quân để thờ. Tôi có chút tài mọn về thủy chiến, cũng phải biết chọn dũng tướng để phục vụ.

Nguyễn Huệ cười, bảo Chỉnh:

– Ông nói khiêm quá đấy. Ông thông thạo chuyện đất liền hơn cả chuyện sóng nước.

Lúc ấy Lãng vào phòng báo cho Nguyễn Huệ biết đoàn tùy tùng đã sắp sẵn ngựa và hành lý xong. Nguyễn Hữu Chỉnh cười rất tự nhiên, hỏi Long Nhương tướng quân:

– Tướng quân lại sắp đi? Giá tôi còn được sức thời trai trẻ, tôi sẽ xin theo hầu Tướng quân. Nhưng tôi già rồi. Tướng quân sắp đi đâu đấy ạ?

Nguyễn Huệ trầm ngâm suy nghĩ những điều Chỉnh vừa nói, đáp bâng quơ:

– À, tôi vào xem lại các đồn phòng thủ trong kia.

Rồi quay về phía Lãng, Huệ hỏi:

– Liệu có kịp không?

Lãng nhìn bóng mặt trời đáp:

– Nếu trễ ta có thể dừng lại nghỉ đêm ở cung Bình Điền.

Nguyễn Huệ đứng dậy, kéo lại áo bào cho ngay ngắn, rồi bảo:

– Nào, ta đi. Cảm ơn Đô đốc. Ông nói hay lắm!

*

* *

Khi đoàn người ngựa đến ngã ba chỗ đường đất xuống Thị Nại gặp đường thiên lý, Nguyễn Huệ bảo mọi người dừng lại cho ngựa nghỉ. Đúng ra, chính Nguyễn Huệ cần nghỉ chứ không phải ngựa. Những lời Chỉnh nói tác động mạnh mẽ lên tâm hồn ông. Dù không nói ra, ông vẫn nhận thấy trong các lời bàn đầy hậu ý của con người khả nghi ấy có nhiều điều đáng phải quan tâm. Nhất là những điều liên quan đến vị trí của ông!

Rõ ràng mọi sự đã thay đổi nhiều, so với thuở ban đầu. Ông đã 34 tuổi, không còn là một cậu em út bé dại của ông Biện Vân đồn như thời xưa nữa. Kẻ địch khiếp đảm khi nghe nhắc tới tên ông. Quân sĩ kính phục ông, sự kính phục pha lẫn sợ hãi khép nép. Kể cả số anh em quen biết ông từ thời Kiên thành hoặc Tây Sơn thượng. Ông ngờ ngợ nhận ra sức mạnh khuất phục của quyền lực, nên khi tiếp xúc với cấp dưới, ông cố tỏ ra đơn giản, bình tĩnh, hòa nhã, để khoảng cách giữa ông với họ bớt xa. Nhưng các chiến công liên tiếp ông lập được lại tạo cho ông một thứ quyền lực vô hình gần giống với quyền lực của thần linh đối với kẻ chiêm bái. Càng ngày ông càng cảm thấy cô đơn, thèm muốn cuộc sống đơn giản, thèm muốn được khuất lấp trong dòng sống bình thường của mọi người. Đôi lúc ông thầm ước sự đơn giản của Nguyễn Lữ, sự hiếu động vô tư của Nguyễn Nhạc. Càng muốn hòa hợp vào sự dung dị, lịch sử càng tách lìa ông với phần còn lại, buộc ông phải đứng một vị trí cao sáng hơn. Từ đó bắt đầu những hệ lụy phức tạp, những bon chen tầm thường mà từ thời còn trẻ, ông ghét cay ghét đắng. Nguyễn Hữu Chỉnh đã nói đúng… Chiến công của ông gây ra nhiều hệ quả đau lòng, quấy rầy ông chẳng khác nào một kẻ thù khuất mặt dai dẳng và ranh mãnh. Ông thừa hiểu lý do vụ hạ cổng chào, hoặc vụ cấm hát tuồng Chàng Lía. Ngay cả vua anh cũng bắt đầu lo ngại uy tín của ông. Chỉ cần nhìn qua cách nhìn, lối nói khi gặp ông, nhìn qua cách cười gượng gạo khi khuyến khích hoặc vỗ về ông, ông đủ hiểu tâm trạng của vua Thái Đức. Nguyễn Hữu Chỉnh nói đúng. Vị trí của ông ở đây không còn thích hợp nữa. Ông phải nhận lãnh nhiệm vụ trấn thủ phía bắc Hải Vân, hoặc phía nam Bình Thuận. Ông phải nhận số phận bạc bẽo của một viên tướng biên tái, nếu muốn giữ tiếng thuận thảo cho gia đình.

Nguyễn Huệ suy nghĩ lung lắm, càng suy nghĩ càng buồn. Ông dùng dằng, chưa biết nên rẽ phải về kinh thành xin nhận kiếm lệnh Bắc phạt của vua anh, hay nên rẽ trái vào thanh sát các đồn lũy Cù Mông. Bọn lính xuống suối múc nước cho ngựa đã trở lại. Mấy con ngựa khỏe đang nhai thóc, đuôi ve vẩy thỏa mãn.

Nguyễn Huệ gọi Lãng đến hỏi:

– Liệu có đến kịp Bình Điền lúc trời sập tối không?

Lãng quả quyết đáp:

– Chắc chắn kịp, thưa Tướng quân. Từ đây vào đó gần hơn từ đây về thành.

Vô tình lời nói của Lãng giúp Nguyễn Huệ quyết định. Ông bảo:

– Ta khởi hành thôi. Nếu kịp, ta thẳng đến Cù Mông.

Lãng cưỡi ngựa chạy phía sau Nguyễn Huệ. Ông cố ý ghìm cương ngựa lại chờ Lãng tiến lên ngang hàng với mình, nhưng hễ ông đi chậm thì Lãng cũng đi chậm, khoảng cách hai người không thay đổi. Thành thử Nguyễn Huệ cảm thấy lòng nặng trĩu vì cô độc. Ông thấm thía nỗi quạnh hiu của danh vọng, của quyền lực. Thấm thía nỗi quạnh hiu của kẻ khác thường. Không cưỡng được khát vọng được cảm thông, Nguyễn Huệ quay lại gọi Lãng:

– Cậu thúc ngựa lên đây.

Lãng vâng lời, nét mặt ngơ ngác chưa hiểu chủ tướng muốn gì. Lúc đến gần Nguyễn Huệ, Lãng hỏi nhỏ:

– Tướng quân truyền gì ạ?

Nguyễn Huệ bực dọc nói:

– Cậu bỏ quách cái giọng khúm núm yếu đuối ấy đi.

Lãng cúi đầu im lặng, không hiểu vì sao đột nhiên Huệ nổi giận. Nguyễn Huệ hối hận vì nặng lời vô cớ, nên hỏi:

– Lãng đã quen đi ngựa trở lại chưa?

Lãng vui mừng đáp:

– Dạ quen rồi. Mấy năm núp sau đám mũ áo phường hát, em quên cả cách giữ cương. Ngày đầu đi ngựa, tối về mỏi rã cả thân thể. Phải qua một tháng mới làm quen trở lại với đời sống sương gió cũ.

Nguyễn Huệ ngắm vẻ hân hoan của người bạn trẻ, xúc động, thúc ngựa đến gần Lãng hỏi:

– Cậu có biết vì sao ta lại xin cậu về đây không?

Lãng đáp:

– Em biết ơn anh.

Nguyễn Huệ vội bảo:

– Có gì mà ơn với huệ. Lãng không biết đấy. Ta cần có Lãng bên cạnh không biết bao nhiêu. Nhiều lúc ta cảm thấy mọi người đều giả dối, giả vờ khép nép, xu nịnh, tâng bốc ta, nhưng sự thật họ ghê tởm xa lánh ta.

Lãng không tin những điều mình vừa nghe. Anh nói:

– Tại sao Tướng quân lại phẫn đời như vậy? Không có ai dám…

Nguyễn Huệ cắt lời Lãng:

– Phải. Họ không dám nói sự thật, nên hoặc lấy lời tâng bốc lừa ta, hoặc tìm cách lảng tránh cho xa ta.

– Mọi người kính phục Tướng quân. Vì kính phục nên nể sợ.

Nguyễn Huệ vội hỏi:

– Còn Lãng thì thế nào?

Lãng đáp:

– Tướng quân đã biết rõ cảm tình của em rồi!

Nguyễn Huệ nói một mạch:

– Không. Lãng chưa hiểu rõ ta, cũng như ta chưa hiểu rõ Lãng. Không có điều gì, không có người nào đơn giản cả. Chẳng hạn Lãng đừng lầm tưởng rằng ta xin Lãng về để cứu Lãng. Không. Ta cần Lãng. Ta cần Lãng như cần một tấm gương soi rõ mặt mình, cái mặt không có mũ trụ trên đầu, vào lúc không còn ai chung quanh để cố nghiêm nghị hoặc đóng tuồng hòa nhã. Ta muốn có một người hoàn toàn đáng tin cậy bên cạnh để được nói bất cứ điều gì thích nói, sống thoải mái bình thường như một kẻ vô danh, lúc yếu đuối, hèn nhát cũng như lúc giận dữ điên cuồng. Lãng đừng gọi ta là “Tướng quân”. Cũng không nên khép nép giữ ý, đi sau ta như một tùy tướng. Lãng hiểu ý ta không?

Lãng chưa hiểu nhiều, nhưng cứ đáp liều:

– Dạ vâng, thưa Tướng quân.

Nguyễn Huệ cười chế nhạo:

– Cậu vừa đáp hiểu, lại vừa dùng hai tiếng “Tướng quân”. Cậu chưa hiểu gì cả.

Câu chuyện đến đó thì ngừng.

Tối hôm ấy và từ sáng hôm sau, trên đường trở về kinh thành, Nguyễn Huệ lầm lì không tìm cách gợi chuyện với Lãng. Vì thế, anh cho cuộc đối thoại hiếm hoi hôm trước chỉ là một phút lạc lòng của viên dũng tướng.

Dù sao, Lãng cũng vui mừng vì hiểu được vị trí của mình đối với Nguyễn Huệ.

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 3888

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây