Sau những ngày say sưa vì thoát khỏi cảnh đàn áp, dân Thuận Hóa bắt đầu nhớ lại những ngày tủi nhục, khốn khổ trước đây. Họ bắt đầu tính sổ nợ. Một vài vụ trả thù lẻ tẻ xẩy ra. Các toán quân Tây Sơn đóng ở các trục giao thông quan trọng và những đồn lũy cũ của quân Trịnh giữ thái độ dè dặt, gần như không muốn dính vào các vụ ân oán giữa dân Thuận Hóa và quan quân Bắc hà. Do đó, càng ngày các vụ trả thù càng nhiều hơn, dần dần loang thành một thảm kịch vượt ra ngoài tầm tự chế của mọi người. Khắp các làng xóm, phố phường, dân Thuận Hóa mở những cuộc săn đuổi, truy lùng người Bắc hà. Bọn hiếu động họp với bọn vô lại tự tiện tổ chức các trạm kiểm soát ở bến đò, ở đầu chợ, ở cổng làng, thậm chí ngay trên đường thiên lý. Cách thức kiểm soát rất đơn giản: người qua lại bị buộc nói lớn hai ba câu tùy theo sáng kiến của những người gác đường. Chẳng hạn toán kiểm soát đò ngang trên sông Hương đòi hỏi người qua lại phải nói:
– Răng bữa ni đò đông chi lạ rứa tề!
Những cậu thanh niên bạo miệng thì đòi các cô gái đi chợ lập lại cho họ nghe hai câu ca dao:
Dẫu ngồi cửa sổ chạm rồng
Chăn loan gối phượng không chồng cũng hư.
để sau đó cười cợt với nhau.
Nhưng không phải lúc nào các vụ kiểm soát cũng hiền hòa tinh nghịch như vậy. Gặp một người đàn ông nói tiếng Thuận Hóa lơ lớ, hoặc nói đặc giọng Bắc hà, là bọn hiếu động bu quanh hạch hỏi, làm tình làm tội. Nhiều chỗ dân Thuận Hóa còn đánh đập, hoặc đâm chém người gốc Bắc vì hận thù tích lũy hơn mười năm dưới chế độ cai trị hà khắc của nhà Trịnh. Nhiều người Bắc hà theo thân nhân là lính Trịnh vào Thuận Hóa lập nghiệp phải trốn chui trốn nhủi, nhiều người giả câm giả điếc để trốn nạn.
Từ cái trò tinh nghịch, các vụ chặn đường kiểm soát tùy hứng trở thành những cuộc truy lùng đẫm máu, và đôi khi những kẻ bị săn đuổi phải liều chết chống lại.
Tình trạng hỗn loạn nguy hiểm đó không thể kéo dài!
Nguyễn Huệ đã cho ban hành nghiêm lệnh chấm dứt các vụ truy lùng dân Bắc, kèm theo các lời đe dọa trừng phạt những tên vô lại xem thường phép nước. Tờ bố cáo được dán trước cổng thành. Người qua lại xem lệnh như một điều không đáng quan tâm, vì nghĩ đến số lính Bắc hà ít ỏi còn sống sót sau đêm Tây Sơn hạ thành Phú Xuân. Không cần chờ lâu, bọn vô lại thấy trò tinh nghịch bắt đầu gây tai họa khôn lường. Các toán truy lùng và kiểm soát dân Bắc bị càn quét nội trong vòng một ngày. Vài tên đầu sỏ bị bêu đầu ngay tại chỗ hắn tụ tập tay chân tác oai tác quái. Cuộc truy lùng khủng bố qua đi, nhưng biến cố đó khiến Long Nhương tướng quân suy nghĩ.
Ông so sánh phản ứng của dân Gia Định mấy lần quân Tây Sơn vào Nam tiêu diệt tàn quân Nguyễn Ánh với phản ứng của dân Thuận Hóa. Vẻ bàng quan của Gia Định khác hẳn sự quá khích của Thuận Hóa, quá khích trong niềm hân hoan tự do cũng như trong lòng hận thù. Nguyễn Huệ thấy lại cái sức mạnh kỳ diệu của đám đông thời bắt đầu khởi dấy. Lúc đó, giữa những người chân đất xiêu giạt tụ tập ở Tây Sơn thượng, anh em ông chỉ cần hô hào một tiếng là muôn người như một đứng dậy, giơ cao gậy gộc, gươm giáo rùng rùng đổ xuống đèo. Ông có cảm tưởng giờ đây dân Thuận Hóa cũng có tâm trạng y như vậy. Hãy nhìn cảnh tượng thiên hạ đổ cả ra đường cười đùa, hò hét cho thỏa ước. Hãy nhìn sức mạnh tiềm tàng trong những đôi mắt rực sáng, trong cả niềm say sưa tìm kiếm điều gì không giống với sự thường tình. Họ tìm điều gì? Họ chờ điều gì? Cái gì khiến họ nôn nao không ngồi yên được một chỗ, khiến họ dám bỏ cán cày mái chèo để ùn ùn kéo nhau lên thành Phú Xuân? Họ chờ một tiếng hô chăng? Trước kia khi ở Tây Sơn thượng, chỉ cần một tiếng hô là đám người cùng khổ rùng rùng đổ xuống đèo. Bây giờ nếu ông hô lên một tiếng, những kẻ từng bị áp bức này sẽ đổ về đâu?
*
* *
Nguyễn Hữu Chỉnh tìm gặp riêng Nguyễn Huệ đúng vào lúc ông không dám trả lời các câu hỏi đó.
Nguyễn Hữu Chỉnh trình cho Nguyễn Huệ xem lại tờ lộ bố sẽ gửi về Qui Nhơn, sau khi được Nguyễn Lữ góp ý kiến đề nghị sửa đổi nhiều chỗ. Chỉnh chú ý theo dõi nét mặt Nguyễn Huệ khi Tướng quân chăm chú đọc lá thư báo tiệp này. Thấy Nguyễn Huệ bần thần không vui sau khi đọc xong, Nguyễn Hữu Chỉnh lấy bạo nói:
– Tôi có ý này, không biết Ngài có chịu nghe không.
Nguyễn Huệ ngước lên nhìn viên Phó tướng, hơi ngạc nhiên. Sau một lúc im lặng, Nguyễn Huệ bảo:
– Ông cứ nói đi.
Nguyễn Hữu Chỉnh bấu chặt hai tay vào mép kỷ để trấn tĩnh, cố ý nói thật chậm: (1)
– Ngài vâng mệnh ra lấy Thuận Hóa, chỉ đánh có một trận là xong, oai danh rung động khắp thiên hạ. Trong phép dụng binh có ba điều cốt yếu: một là thời, hai là thế, ba là cơ. Hễ gặp được ba điều đó, nhất định đi đâu thắng đấy. Nay ở Bắc hà tướng trễ, binh kiêu, triều đình không còn kỷ cương gì cả. Nếu ta thừa thế tiến ra đánh chiếm, thì thật đúng như lời cổ nhân: “Chiếm kẻ yếu, đánh kẻ tồi, lấy kẻ loạn, đè kẻ sắp mất”. Xin Ngài xét lại, cơ và thời ấy, ta không nên bỏ lỡ.
Nguyễn Huệ rúng động cả tâm thần, tim đập mạnh trong lồng ngực. Ông mím môi đăm đăm nhìn Nguyễn Hữu Chỉnh, tưởng viên Phó tướng đã đọc hết được niềm băn khoăn của ông, ước vọng thầm kín của ông. Chỉnh sợ, không dám nhìn thẳng vào đôi mắt rực sáng của Nguyễn Huệ nên không thấy được những giọt mồ hôi rịn ở hai bên sống mũi của Long Nhương tướng quân. Im lặng một lúc lâu để trấn tĩnh, Nguyễn Huệ mới nói:
– Bắc hà là một nước lớn, có nhiều nhân tài. Lời xưa có nói: “Con ong có nọc”. Ta có thể khinh thường được ư?
Nguyễn Hữu Chỉnh hăng hái nói:
– Nhân tài Bắc hà chỉ có một mình Chỉnh này mà thôi. Nay tôi đã đi rồi, Bắc hà chỉ là cái nước rỗng. Xin ngài chớ ngại.
Nguyễn Huệ liền cười nhạt, rồi nói với giọng nửa đùa nửa thật:
– Không ngại ai khác, chả hóa ra chỉ ngại một mình ông chăng?
Nguyễn Hữu Chỉnh giật mình, tự biết mình đã nói hớ, nên tái cả mặt, lắp bắp tạ lỗi:
– Sở dĩ tôi đề cao cái ngu hèn của mình thành ra tài giỏi, chẳng qua cũng chỉ để nói quá rằng nước tôi tuyệt nhiên không có nhân tài đó thôi!
Nguyễn Huệ thấy Chỉnh lúng túng, dài dòng bào chữa, cố cười ha hả một cách tự nhiên, rồi an ủi:
– Tôi cũng “nói quá” cho vui thôi. Ông đừng để tâm. Nhưng một nước đã đứng được bốn trăm năm, nay bỗng chốc mình ra cướp lấy thiên hạ sẽ coi việc ấy là cái gì?
Nguyễn Hữu Chỉnh trở lại yên tâm, chậm rãi đáp:
– Nước tôi có Vua lại có Chúa, đó là một việc hết sức trái ngược xưa nay. Chúa Trịnh tiếng là phù Lê, thực ra vẫn ăn hiếp Thiên tử, người trong nước từ lâu vốn đã không phục. Trước đây, những bậc anh hùng mỗi khi nổi dậy ai cũng vịn vào danh nghĩa phù Lê. Nhưng số họ Trịnh chưa hết, nên công việc của những người ấy đều không thành. Nay xét ở trong địa ký (2) của họ Trịnh có câu:
Chẳng đế chẳng bá
Quyền nghiêng thiên hạ
Truyền được tám đời
Trong nhà dấy vạ.
Tính từ Thái vương Trịnh Kiểm đến Tĩnh vương Trịnh Sâm đã đủ tám đời. Nếu ngài lấy cớ “diệt Trịnh phù Lê” mà kéo quân ra, thiên hạ không ai là không theo phục. Ấy là cái công nghiệp không mấy đời có!
Nguyễn Huệ gật gù ra dáng chấp nhận lý lẽ của Chỉnh, nhưng ông vẫn nói:
– Đó là việc rất hay. Nhưng ta vâng mệnh đi đánh Thuận Hóa, không phải vâng mệnh đi đánh nước ngoài. Xong việc nọ ra việc kia thì ra làm sao?
Nguyễn Hữu Chỉnh vội đáp:
– Trong kinh Xuân thu có nói: “Xoay nhỏ mà công lao lớn, thế là có công”. Như thế có xoay cũng chẳng ngại gì đâu? Huống hồ ngài há chẳng nghe nói: “Tướng ở ngoài, có khi không cần phải theo mệnh Vua” đó sao?
Nguyễn Huệ lặng im suy nghĩ, vầng trán nhăn thành nếp, đôi mắt đăm đăm nhìn ra phía trước nhưng hình ảnh viên Phó tướng cứ nhòe dần nhòe dần, như một khuôn mặt nhìn qua tấm kính ướt. Đầu tiên ông thấy cặp mắt Nguyễn Hữu Chỉnh trở thành hai vệt xếch, rồi trở thành hai hõm đen. Cái miệng cười mỗi lúc một rộng thêm ra, giơ hai hàm răng trắng nhởn, cho nên cuối cùng thật giống như một cái đầu lâu nhập nhòa uốn lượn. Tai ông văng vẳng tiếng chân rầm rập chạy, tiếng la hét săn đuổi, tiếng quát tháo giận dữ, tiếng thét đau đớn. Nguyễn Huệ vỗ nhẹ tay xuống mặt kỷ để đánh thức mình. Ông lại thấy Nguyễn Hữu Chỉnh mỉm cười, kiên nhẫn chờ đợi. Nguyễn Huệ nói:
– Ông bỏ tờ báo tiệp này đi. Ta viết hẳn tờ lộ bố mới, và sẽ gửi về Qui Nhơn theo đội quân áp giải tên Quận Tạo. Tôi giao hẳn việc đó cho ông. Ông khỏi phải cần phải hỏi ý kiến ai cả. Càng lắm thầy, càng thối ma mà thôi.
*
* *
Nguyễn Huệ đọc đi đọc lại bản thảo tờ lộ bố sẽ gửi về Qui Nhơn:
“Lũ thần vâng mệnh theo mưu mô của miếu đường, lại kính nhờ oai Trời thiêng liêng, Thuận Hóa đã được dẹp yên, khắp thiên hạ đều rúng động. Nay ở Bắc hà quân thì kiêu, tướng thì lười, thế có thể lấy. Thần xin theo lễ tiện nghi, đã ủy cho Hữu quân Nguyễn Hữu Chỉnh đem tiền bộ thủy binh đi trước, thẳng tới Sơn nam.
Riêng thần hiện đang chiêu mộ nhân dân ở các vùng ven biển, chọn lấy đinh tráng để tăng quân thế. Hẹn trong ít ngày sẽ dẹp yên xứ Bắc hà. Còn quan ải, thành quách xứ Thuận Hóa, hiện đã giao cho Đông định công (Nguyễn Lữ) coi giữ.
Vậy xin bề trên ban gấp chiếu chỉ cho thần tuân theo”.(3)
Ông cắn môi suy nghĩ. Cái hoa đèn trước mặt lắt lay, ngọn tim đèn thiếu dầu hóa thành tàn đen cong xuống giữa ngọn lửa yếu ớt. Lá thư do Chỉnh soạn vừa gãy gọn, vừa đầy đủ ý nghĩa. Nguyễn Huệ nhận thấy không cần thêm bớt gì. Chỉ có hai điều khiến ông lo lắng là phản ứng sẽ có của hai ông anh. Ông sẽ nói với Nguyễn Lữ thế nào đây để Đông định công bằng lòng ở lại trấn giữ Thuận Hóa cho ông cất quân ra Bắc hà. Và vua Thái Đức sẽ nghĩ thế nào sẽ làm gì khi tiếp được bức thư này?
Nguyễn Lữ hiện đã về thành Phú Xuân, và Nguyễn Huệ biết với bản tính thụ động, Nguyễn Lữ sẽ không gây nhiều trở ngại khi thấy mọi việc đã được xếp đặt, không thể thay đổi được nữa. Lữ không muốn, mà cũng không có can đảm làm điều gì khác thường có thể gây chấn động cho cuộc sống điều hòa và khi có biến cố xảy ra, ông cũng không dám làm gì để biến cố ấy đổi dòng. Mọi sự trước mắt ông đều là sự đã rồi, không nên thay đổi. Nguyễn Huệ hiểu rõ anh, nên dù có chút ít ngại ngùng, nỗi lo về “anh Bảy” không đến nỗi lớn lao lắm.
Nguyễn Huệ lo nhất là phản ứng của vua Thái Đức!
Ông quá hiểu chủ đích của Nguyễn Nhạc khi quyết định sai ông đem quân vượt đèo Hải Vân ra đánh Thuận Hóa. Anh Cả của ông vẫn nửa đùa nửa thật khoe mình là “người họ ngoại của Chúa Nam hà”. Nhà vua không có tham vọng nào khác ngoài ý muốn khôi phục giang sơn cũ của họ Nguyễn Gia Miêu, lấy lại từ tay nhà Trịnh miền đất từ sông Gianh trở vào đèo Hải Vân. Nhà vua không giấu diếm ước vọng đó. Gặp ai, ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, nhà vua cũng nhắc tới. Ngay với cả Chapman, người đại diện cho nhà cầm quyền Anh tại Bengale đến Qui Nhơn năm Mậu Tuất (1778). Cái ước vọng ôm ấp từ thời khởi dấy này, qua bao nhiêu năm tháng, qua bao nhiêu vất vả, tóc càng bạc nếp nhăn trên trán càng nhiều thì ước vọng ban đầu lại càng thu nhỏ lại. Tuổi đời như một chất cường toan ăn mòn dần các dự ước của thời trai trẻ. Bây giờ thấy ước vọng đó viên mãn, nhất định nhà vua phải bàng hoàng, gần như không thể tin có thể đó là sự thực. Sau nỗi bàng hoàng sẽ đến niềm lo âu. Sẽ có nhiều lý lẽ để biện hộ cho những bước chân uể oải chậm chạp, cho sự trì độn của trí não, cho tầm nhìn ngắn của đôi mắt bắt đầu nhấp nhem. Tất cả những điều đó, Nguyễn Huệ có thể đoán trước được!
Nếu lá thư này đến Qui Nhơn sớm, nhất định nhà vua sẽ ra lệnh ngăn cản. Còn nếu chuyến phiêu lưu kỳ thú này thất bại, tất cả tội lỗi sẽ đổ lên đầu Nguyễn Huệ. Chỉ nội cái “tội tự chuyên” cũng đủ phế bỏ tất cả chức tước, công lao xưa nay của ông! Nhưng, Nguyễn Huệ biết mình không thể dừng lại được!
Có một sức mạnh siêu việt, mạnh hơn tất cả mọi lý lẽ, thúc giục ông tiến tới. Con đường thênh thang dẫn về Thăng Long, đất văn hiến mấy nghìn năm! Thuận Hóa những ngày giải phóng sung sức như một con ngựa khỏe sắp lồng lên. Kẻ cầm cương nếu vì nhút nhát sợ hãi bụi đường thiên lý dùng hết sức ghìm cương lại tất sẽ bị quật ngã. Và sau đó, con ngựa khỏe cứ rong ruổi đường xa! Không! Không! Ông không thể dừng lại, làm một quan Trấn thủ thu mình tận hưởng tuổi đời trong cái thành cũ ven con sông Hương trầm lặng này! Nước sông xanh lặng lờ, núi không đủ cao để đùa giỡn với những đám mây! Những cơn mưa chì chiết lê thê! Làm quan trấn thủ Thuận Hóa? Ông mới ba mươi lăm tuổi mà đã chồn chân sớm sủa thế sao? Ông sẽ thay thế cho Quận Tạo, ngồi vào chỗ hắn ngồi, tay đặt vào thành ghế gấm còn vương mùi mồ hôi chua của hắn, chân bước lên những viên gạch hắn đã bước, mắt nhìn mái ngói hắn đã nhìn? Rồi sau đó? Bốn mươi tuổi? Năm mươi tuổi? Ông sẽ béo phệ như hắn, mắt híp như hắn, mấy ngón tay xanh xao nung núc như hắn? Và đến lúc nào thì cũng sẽ như hắn, ông cúi đầu lầm lũi bước theo sau xe quan tài và lá cờ bạc, vào một ngày mưa dầm ảm đạm?
Không! Không thể được! Hoặc ông ngồi vững trên lưng ngựa, giong cương cho lịch sử đưa xa về phía trước, cho đúng với ước nguyện của mọi người. Hoặc ông mù quáng ghìm cương để con ngựa lịch sử hất ông xuống bùn và dày lên trên mà tiến. Ông phải lựa chọn, đúng ra là phải thuận theo cái đà chẳng đặng đừng của thế cuộc. Ngọn đèn bên ông mờ dần. Đêm quá khuya. Căn phòng trống trải, lạnh lẽo. Nguyễn Huệ chưa bao giờ cảm thấy cô đơn như vậy! Trước khi quyết định một việc liên hệ đến sinh mệnh bao nhiêu vạn người, đảo lộn cả lịch sử, xáo động cả tình ruột thịt, rúng động cả lòng người, ông lại cảm thấy cô đơn và yếu đuối. Ông đứng dậy khỏi chiếc ghế gấm, định gọi tên lính hầu thay đèn, nhưng nghĩ lại, ông lại thôi. Ông đến đứng bên cửa sổ, nhìn ra trời đêm.
Trăng thượng tuần lờ mờ. Ánh trăng non chiếu lên các mặt lá ướt sương bóng nhẫy, gợi hình ảnh một sức sống trầm lặng nhưng nao nức hạnh phúc. Tháp canh in bóng đen trên nền trời xám đậm. Xa xa vọng về tiếng mõ cầu cứu, và tiếng chó sủa hoảng hốt!
Nguyễn Huệ bần thần giữa niềm hãnh diện tự tin và cảm giác bị lôi cuốn một cách yếu đuối tuyệt vọng. Một cơn gió thổi mạnh vào phòng. Tờ lộ bố bay xuống nền nhà. Nguyễn Huệ vội đến nhặt tờ giấy lên. Mặt giấy mịn và lạnh truyền cảm giác mơn man lên tay phải của ông. Ông lẩm bẩm:
– Không có cách nào khác! Phải thế thôi!
*
* *
Tờ lộ bố gửi về Qui Nhơn đồng thời với thời gian truyền hịch hô hào Bắc tiến để diệt Trịnh phù Lê. Và từ đó, cuộc chuẩn bị tiến công mới phải chạy đua với ngựa trạm từ Thuận Hóa về đến Hoàng đế thành.
Sau những ngày ngây ngất với tự do, Thuận Hóa lại quay cuồng trong những biến cố dồn dập đến nỗi từng người quên mất ý niệm về thực tại. Trai tráng khao khát tìm kiếm một thứ trật tự mới, ý nghĩa mới cho đời sống, nên sẵn sàng lao đầu vào các cuộc vận động mạnh bạo và dứt khoát do chính quyền mới đưa ra. Những người có tuổi thì ngơ ngác, lạc loài, nhưng không có cơ sở nào để tự tin. Mọi sự trước mắt họ lạ lùng quá. Có nhiều cái mâu thuẫn mà vẫn đi đôi với nhau, thậm chí bổ khuyết cho nhau để tạo nên sức mạnh. Họ không hiểu gì cả! Con cháu họ hoàn toàn đổi khác, vượt khỏi tầm kiểm soát và phán đoán của họ. Họ không dám trách mắng các hành động sốc nổi khác thường của chúng, nhưng cũng không dám mạnh mẽ cổ động chúng. Biết lấy gì làm cái nền cho mọi phán đoán đây? Hịch Bắc tiến như một chất men say thức tỉnh xứ Thuận Hóa trì trệ ngái ngủ dậy! Diệt cái bọn tham quan nhà Trịnh từng cha truyền con nối mấy trăm năm ức hiếp Thiên tử, hí lộng quyền bính, thật là một sứ mệnh cao cả. Khắp nước còn có xứ nào xứng đáng được trao cho sứ mệnh vinh dự ấy cho bằng Thuận Hóa. Thuận Hóa ở vào địa đầu dĩ nhiên phải lãnh vai tiên phong. Dân Thuận Hóa từng bị áp bức suốt mười năm, nên đáng được giao cho trách nhiệm trừng trị kẻ áp bức.
Nhưng gánh nặng của trách nhiệm cao cả đè lên đôi vai gầy gò của những người dân vừa bị đói khổ, dịch tễ suốt mấy năm. Thiếu ăn thiếu áo, đôi chân run, xương sống mỏi, liệu dân Thuận Hóa có kham nổi sứ mệnh vĩ đại lịch sử đã dành giao cho họ không? Trong vòng năm ngày, tất cả đàn ông Thuận Hóa đều phải nhập ngũ. Chùa chiền bị phá, chuông, tượng đồng bị thu về đúc súng. Các nhà sư, bất kể giả mạo hay chân chính đều phải cầm khí giới đi đánh giặc. Những tín đồ đạo Công giáo cũng không được chừa.
Với đôi mắt già nua, họ không thể hiểu được vì sao lại cần có những biện pháp thô bạo và dứt khoát như vậy. Gần như không có sự chuyển tiếp từ cái cũ sang cái mới. Không có ngoại lệ. Không có ưu tiên, biệt đãi. Không dài dòng, thận trọng xét từng trường hợp cá biệt, cân nhắc hơn kém trước khi quyết định. Nhất là không có gượng nhẹ khoan dung cho các trường hợp vi phạm. Nếu chỉ nhìn ở một đoạn cuối là phương cách thi hành mà không ngược trở lên nguyên nhân là chính nghĩa phù Lê, thì các biện pháp trưng binh do Tây Sơn ban hành còn hà khắc hơn cả thời Quận Tạo làm Trấn thủ. Nhưng tại sao bọn trai tráng lại hân hoan, mừng rỡ khi xa gia đình xông vào cuộc chinh chiến? Tại sao kể cả những người bị buộc phải gác chuông khánh, cởi áo cà sa, phải làm ngược với giới luật của tín ngưỡng, những kẻ chắc chắn bị ép buộc cầm giáo ấy vẫn trở thành những người lính Tây Sơn can đảm, kiên cường, có kỷ luật?
Trời đất đã đảo điên rồi chăng? Hay chính họ đã trở thành lẩm cẩm, nghịch thường?
Trần Văn Kỷ là một trong những nhân sĩ Thuận Hóa ngỡ ngàng băn khoăn trước vận hội mới ấy! Ông vui mừng thấy thành Phú Xuân sụp đổ. Tuy có chạnh lòng khi nghe tin người Bắc hà bị tàn sát, nhưng ông cố viện dẫn nhiều lý lẽ để bảo vệ niềm vui: tội ác của bọn lính Trịnh, lòng kỳ thị tự nhiên giữa nam bắc, thiệt hại không thể tránh khỏi của chiến tranh, cuối cùng là lý lẽ ích kỷ hơn: dân Thuận Hóa không bị thua thiệt gì nhiều. Nguyễn Hữu Chỉnh tìm đến tận nhà cố thuyết phục ông cộng tác với chính quyền mới. Trần Văn Kỷ đã từng ái mộ cái tài làm văn Nôm của Cống Chỉnh. Ông cũng nghe được những lời thị phi về con người ấy. Ông tự biết so về học thức, ý chí, tài biện bác, nhất là sự tự tin và xem thường kẻ khác để bạo dạn tiến thủ, ông thua xa Cống Chỉnh. Cho nên trong cuộc hội kiến đầu tiên, Trần Văn Kỷ cố nói càng ít càng tốt. Ông dè dặt vâng dạ, đến nỗi Nguyễn Hữu Chỉnh không ngờ một nhân vật có uy tín của Thuận Hóa văn vật lại xoàng xĩnh, tầm thường đến thế.
Rồi Nguyễn Hữu Chỉnh bị cuốn hút vào cuộc chuẩn bị hồi hương nên quên bẵng Trần Văn Kỷ. Chỉnh quên thì Long Nhương tướng Quân lại nhớ. Nguyễn Huệ sai Lãng tìm tới nhà Trần Văn Kỷ, mang theo nhiều quà cáp đắt giá và một lá thư do chính Nguyễn Huệ viết. Sự ân cần nể trọng của một người lẫy lừng nam bắc, đang nắm trong tay vận mệnh của Thuận Hóa, khiến Trần Văn Kỷ bối rối hơn cả lúc tiếp chuyện Cống Chỉnh. Thư Nguyễn Huệ viết bằng lời Hán có pha Nôm, không cầu kỳ văn hoa, mà hết sức mộc mạc, chân thành. Nét chữ chân phương, ý tứ đơn giản, nhưng đặt Trần Văn Kỷ trước một vấn nạn không có đường lui: Là một sĩ phu Thuận Hóa, lẽ nào ông bịt mắt che tai trước vận hội mới của Thuận Hóa? Ông không đứng ra gánh vác thì ai gánh thay cho ông? Chờ Qui Nhơn chăng? Chờ Gia Định chăng? Lại chờ Thăng Long chăng? Trần Văn Kỷ không dám nhận hết mâm quà. Ông chỉ nhận đĩa trầu, và hai gói trà ngon. Ông cũng hứa với Lãng là sẽ viết ngay lá thư trần tình với Long Nhương tướng quân.
*
* *
Trần Văn Kỷ chần chờ mãi, chưa viết thư phúc đáp cho Nguyễn Huệ. Thật ra phải nói ông rất ít có thì giờ rảnh rỗi để viết thư. Cái tin Phó tướng Tây Sơn Nguyễn Hữu Chỉnh và viên Thư ký của Long Nhương Tướng quân đến tận nhà mời Trần Văn Kỷ cộng tác mau chóng truyền đi khắp Thuận Hóa, và trở thành một đề tài thời sự. Trần Văn Kỷ là một trong những nhà nho khoa bảng ít ỏi còn lại của Thuận Hóa. Giống như Ngô Thế Lân, ông không chạy theo bọn quan lại nhà Nguyễn và các thế gia lâu đời như Nguyễn Cửu, Tống Phước, Nguyễn Khoa, Trương Phước, theo chân Duệ Tôn chạy vào Gia Định. Ông xem họ Nguyễn Gia Miêu như một cổ thụ đã ruỗng nát từ bên trong, không còn đủ sức đâm chồi nẩy lộc sau mùa đông năm Ất Mùi (1775) nữa. Bọn nhà nho hẹp hòi cố chấp xem đó là bằng chứng sự hèn nhát. Nếu vài người còn có cảm tình với Trần Văn Kỷ, chỉ vì họ hy vọng sau khi kinh đô thất thủ, ông sẽ bắt chước hai người con vua nước Cổ Trúc (Bá Di-Thúc Tề) bỏ Phú Xuân tìm mót rau vi trên núi Thú Dương chứ không thèm ăn gạo của nhà Trịnh. Nhưng thái độ của Trần Văn Kỷ sau năm Ất Mùi khiến họ thất vọng. Ông vẫn ở Phú Xuân, vẫn ăn gạo Trịnh. Thế là thế nào? Bạn bè chờ thấy Trần Văn Kỷ nhận mũ áo của Tĩnh vương Trịnh Sâm! Lại một lần nữa họ đoán sai! Ông từ chối mọi lời mời mọc, xem thường mọi đe dọa. Lại không trốn đi đâu! Hơn mười năm, ông cử Trần Văn Kỷ sống đạm bạc với nghề làm vườn và dạy học. Cho đến lúc thiên hạ hết nhớ đến ông! Kẻ xem ông là người gàn, kẻ xem ông là người bất tài. Ông hết trở thành một “vấn đề”!
Cho đến khi Nguyễn Hữu Chỉnh đích thân đến nhà ông đồ Kỷ! Bấy giờ ông lại trở thành đầu mối của câu chuyện bàn cãi. Người ta lại chờ xem thái độ của ông, đoán già đoán non đủ cách. Sự đảo lộn dữ dội trong đời sống Thuận Hóa, sức mạnh hiển nhiên của chế độ mới, tiếng tăm lừng lẫy của Long Nhương tướng quân, và nhất là cái dư lực sẽ đẩy tình thế đến những đảo lộn còn rộng rãi và dữ dội gấp bội, đã khiến ý kiến của từng người dân Thuận Hóa hừng hực quá khích. Họ không chịu lặng lẽ chờ đợi, để từ xa đón xem phản ứng của ông đồ Kỷ. Hịch Bắc tiến đã truyền, cảnh trưng binh ráo riết, cuộc chuẩn bị khẩn cấp đòi hỏi mọi người phải dốc hết sức lực và tài sản đóng góp, tiếng cười tiếng khóc chen nhau trong từng gia đình, những tranh cãi gay gắt trong từng bữa ăn, hăm hở sôi nổi bên những giọt nước mắt giấu diếm của những người ở lại! Thuận Hóa đang xao xuyến lẫn náo động, không cho phép ai được ngồi yên tĩnh nữa. Cho nên Trần Văn Kỷ phải tiếp đủ mọi loại khách xa gần, thân sơ tìm đến để thúc giục, khuyến khích hoặc đe dọa, cảnh cáo ông.
Lớp trẻ tìm đến ông như tìm một người đầu đàn. Họ cũng đặt cho ông những câu hỏi giống như câu hỏi của Nguyễn Huệ.
Số phận của Thuận Hóa do ai quyết định đây? Bao nhiêu năm tủi nhục vì tên Quốc phó Trương Phúc Loan, tiếp theo mười năm tủi nhục dưới ách thống trị của nhà Trịnh, bây giờ còn chờ gì nữa? Chờ ai đứng ra gánh vác thay đây? Chờ bọn con cháu họ Nguyễn trong Gia Định chăng? Chờ bọn kiêu binh Tam phủ ngoài Thăng Long chăng? Hay cứ phó mặc cho Qui Nhơn lo hộ mọi việc của Thuận Hóa? Lớp già thì viện đủ kinh sử để dài dòng quanh co về lẽ chính thống, về đức trung dung, về “Bắc phương và Nam phương chi cường”, về lẽ xuất xử của kẻ sĩ. Nhiều người nhìn trước nhìn sau trước khi nói đến những tiếng “bạo chúa”, “thoán đoạt”, “dân núi”, và lo lắng căn dặn trước lúc ra về.
Khách khứa về hết, ông đồ Kỷ lại một mình hỏi mình: Có nên cộng tác với Tây Sơn hay không?
Ông không thể trả lời được dễ dàng. Trong những lúc yếu đuối, ông đâm hối tiếc. Ông vẫn còn muốn để cho đời nhớ đến tên tuy bên ngoài cố làm ra vẻ dung dị, thô sơ, khuất lấp, tầm thường. Thật đáng tiếc! Đêm khuya, vợ con đã đi ngủ, ông không chịu đựng nổi dày vò của hối hận mới tìm đến Trang tử. Ông tìm lại những lời phúng thích Khổng tử họ Trang gán cho quan Đại công tên Nhiệm:
“Ở Đông Hải có loài chim tên là Ý đãi. Loài đó chậm chạp, từ tốn như vụng về. Bay cùng đoàn với nhau, con trước con sau, chen lấn nhau mà đậu. Khi tiến không con nào bay trước, khi lui không con nào dám ở lại sau, khi ăn không con nào dám ăn trước, đợi những đồ thừa. Cho nên loài đó được sống yên ổn trong hàng, người ngoài không hại được nó, mà nó tránh được họa.
Cây thẳng thì bị đốn trước. Giếng nước ngọt thì cạn trước. Ông có ý tô điểm tri thức để làm cho bọn ngu phải sợ, sửa cái thân để làm rõ kẻ xấu xa. Ông rực rỡ như giơ cao mặt trời mặt trăng mà đi, cho nên không tránh được họa…”.
Ông đồ Kỷ đọc lại đoạn đó một lần nữa, tự nhiên thấy giận vu vơ. Đêm đó, ông không chợp mắt.
Nguyễn Mộng Giác
(1) Lấy y theo Hoàng Lê Nhất Thống Chí, từ trang 81
(2) Sách ghi lời dự đoán trước về thế đất để mả. Thái vương Trịnh Kiểm lúc nhỏ nhà nghèo, thường ăn trộm gà hàng xóm để nuôi mẹ, ai cũng ghét. Họ bèn ném mẹ Trịnh Kiểm xuống vực sâu ở làng. Qua một đêm, chỗ vực sâu ấy bỗng biến thành một gò đất. Sau có một thầy địa lý đi qua gò đất, đọc bốn câu rằng: Phi đế phi bá, quyền khuynh thiên hạ, tộ truyền bát đại, tiêu tường khởi họa. Câu “Tộ truyền bát đại” có bản chép là “Truyền nhị bách niên”. Ghi chú số 1 của Ngô gia Văn phái: Hoàng Lê Nhất Thống Chí. Nxb Văn Học Hà nội, trang 99.
(3) Chương 8 Hoàng Lê Nhất Thống Chí, bản dịch của Ngô Tất Tố.
Số lần đọc: 3877