Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Sông Côn Mùa Lũ – Chương 69

Hôm ấy ở cửa Đại Hưng, cái đám đông gồm những tên vô công rồi nghề, bọn hiếu sự, những kẻ gan sứa ngay ngáy tuân theo phép nước và các nhà nho ưu thời mẫn thế thường tụ tập về đây mỗi sáng đông hơn thường lệ. Người ta chen nhau đến vã mồ hôi để xem cho được bản Yết thị vừa dán vào sáng sớm. Người chen vào hăm hở, còn kẻ vừa từ trong cái đám hỗn độn lam lũ ấy chen được ra ngoài, thì ngoài mớ quần áo bèo nhèo nhễ nhại, khăn áo trễ tràng còn có thêm một bộ mặt ngẩn ngơ. Hễ thấy ai chen được ra là một đám người (phần lớn là những ông đồ ốm yếu và già cả tự liệu không đủ sức khỏe để xô lấn) đã vây quanh nhao nhao hỏi:

– Cái gì thế bác?

– Họ ra lệnh gì mới không chú?

– Đã cho đi lại ban đêm chưa anh?

– Lại có bố cáo vừa chặt đầu vài tên cướp giật nữa phỏng?

Nạn nhân không biết trả lời ai trước ai sau, lại bực bội vì cảnh chen lấn, hất đầu vào phía trong nói:

– Vào đấy mà xem.

– Nhưng bác vừa từ trong ấy ra mà!

– Tôi có xem được gì đâu. Hoài của! Rách mất cái áo the.

Bấy giờ mọi người mới chú ý đến thiệt hại của người bị chất vấn. Cái áo the đã sờn cổ và bạc mầu bị rách một đường dài trên vai trái. Chắc bác này không nói dối! Họ lại kéo đến vây hỏi người khác. Lần này họ được biết đại khái là “vua Nam hà sẽ từ Qui Nhơn ra Thăng Long để xét việc cấy gặt và coi phong tục của dân gian, chỉ mươi ngày nữa sẽ tới nơi. Thượng công bá cáo để cả trong ngoài đều biết”.

Tin sốt dẻo đó mau chóng trở thành đề tài bàn luận sôi nổi. Người ta tụ năm tụ bảy để tranh luận với nhau.

– Thảo nào, tôi đoán có sai đâu!

– Bác đoán gì nào?

– Suỵt. Nói khẽ chứ, ở đây tai vách mạch rừng.

– Thôi, ông anh! Đừng rung cây nhát khỉ nữa. Có biết được gì thì nói mẹ ra cho người ta nhờ!

– Thì để cho bác ấy nói, ở đây người nhà cả. Không có ai thân thuộc với Tây Sơn đâu.

– Biết đâu đấy. Hôm kia tôi cũng tưởng thế. Mới mở miệng than van sao đời nay hễ thù hằn nhau từ mấy mươi đời là vu trộm cắp để cho quân Tây đem chém, đã có người đem học lại với họ. Tôi phải trốn luôn mấy hôm, vụ đó mới xuôi.

– Thật thế hả? Thật có bọn khốn nạn như thế sao? Nhưng ở phố tôi, bọn bị đem chém đều đúng là dân vô lại trộm cướp cả mà!

– Nhưng các bác này để cho ông anh đây bảo cho biết đã đoán gì đã. Nói xa đề rồi!

– Ờ nhỉ, ông đoán gì thế?

– Chuyện dài dòng lắm. Các bác có kín miệng thì tôi mới dám nói.

– Tiên sư đứa nào bép xép. Không có ai hở môi đâu. Yên trí. Bác cứ nói đi!

– Này nhé. Nhưng các bác có thực kín miệng không?

– Lại còn hỏi. Đã thề độc thế rồi còn ngờ!

– Thôi được. Tôi nghĩ được điều hay mà không nói ra cũng ấm ức. Các bác có biết vì sao có cái bố cáo này không?

– Vì sao?

– Phải có cớ chứ!

– Ờ, tại sao vậy?

– Thế này này. Chả là tình hình Bắc hà đâu đã yên. Họ Trịnh tuy bị phế, nhưng nhân tâm còn rối lắm. Ở đây thì nhờ có quân Tây mà bên ngoài có vẻ ổn. Nhưng các bác qua khỏi cửa ô xem nào! Ôi thôi, rối như mớ bòng bong.

– Hôm qua tôi về quê vợ ở Yên Lãng, có thấy gì đâu!

– Tôi nói rối là nói chung cả thời thế kia mà. Này nhé. Bác có biết hiện giờ Thạc Quận công ở đâu không?

– Tôi nghe hình như ở Sơn Tây.

– Đúng, ở Sơn Tây. Ông ấy có nhận được lệnh triệu, nhưng có chịu lên đâu. Còn Liễn Quận công nữa!

– Có phải Liễn Quận công Đinh Tích Nhưỡng bị thua ở Sơn Nam dạo trước không?

– Đấy. Chính ông ấy. Thua trận Sơn Nam, Quận Liễn đem cả họ chiếm luôn lấy trấn Hải Dương, đem thóc kho ra phát cho dân để lấy lòng, nhờ thế chiêu mộ được cả nghìn dũng sĩ. Lại có bọn cướp bể đem bộ hạ đến xin gia nhập, nên hiện Quận Liễn có tới vài vạn quân.

– Khiếp nhỉ. Giá lúc ở Sơn Nam mà có chừng ấy quân, chưa chắc kinh thành đã vỡ.

– Lại thêm Dương Trọng Tế kéo cờ giữ huyện Gia Lâm. Thanh thế mạnh lắm. Thượng công cho người đến Gia Lâm tìm thợ sắt bị quân của ông Nghè Tế bắt giết cả. Chơi thế mới gọi là chơi!

– Nhưng quân Gia Lâm được nhiều ít?

– Cả vạn chứ ít ỏi gì. Không thế đâu dám vuốt râu hùm.

Một ông đồ nhắc:

– Những việc đó có dính dáng gì đến chuyện vua Tây thân hành ra Bắc?

– Có chứ. Thượng công biết chưa thu phục được lòng dân Bắc hà, nên mới bố cáo khắp thiên hạ là vua anh sắp ra, để phô trương cho lớn thêm thanh thế. Chứ theo ý nông cạn của tôi thì chưa chắc vua Tây đã ra thực. Qui Nhơn ra đây cách sông cách núi, trong đó lại phải đối phó với họ Nguyễn ở Gia Định, ra làm sao được.

– Ờ, bác nói cũng có lý.

– Có lẽ như thế thật! Mới biết có con mắt nhìn xa vẫn hơn.

– Hiểu được như vậy mới thấy thương cho bọn ngu phu đang chen nhau đọc cho được bố cáo đàng kia.

– Cái lão bị rách áo mới đáng thương làm sao! Về nhà chắc bị vợ cấm cửa!

– Nhưng nếu vua Tây ra thật thì sao?

Nhiều tiếng nhao nhao phản đối:

– Ra thế nào được. Chỉ vờ để dọa dẫm đấy thôi!

– Tôi thấy họ chẳng vờ vịt gì ráo. Cứ trông cách hành binh thần tốc của họ thì biết. Một dọc từ Nghệ ra đến đây, chỉ mười ngày. Lão lại Tả phiên chỉ cười trong lễ tang một chút, phập, thế là xong. Họ rim rỉm, nhưng đã làm thì nhanh gọn lắm. Mấy nhóm ở Sơn Tây, Gia Lâm, Hải Dương còn ngo ngoe được, là vì họ chưa muốn ra tay đấy thôi.

– Bác sợ quá nên tưởng thế. Họ làm được thì đã làm rồi. Cũng như chiếm được ngôi thì đã chiếm rồi. Việc gì phải nhường lại cho Tự hoàng.

Vài người thấy nhóm này bàn luận hăng say, tò mò đến gần. Cả nhóm suỵt bảo nhau thôi nói. Người vừa đem hết tài bàn hươu tán vượn ra lòe bạn bè hắng giọng nói lớn:

– Các bác biết không, chợ phiên hôm qua đông ra phết. Mua gạo đã dễ hơn nhiều.

Những người khác biết dụng tâm của bác ta, bồi thêm:

– Thế à. Còn rau quả đã hạ giá chưa?

– Tiền đò có bớt chút nào không?

Rồi mọi người tự tìm cách tản dần.

*

* *

Tin vua Tây Sơn sắp đến Thăng Long cũng khiến cả triều đình băn khoăn hồ nghi, kể cả con người từng trải được Nguyễn Huệ ủy cho việc soạn tờ bố cáo là Nguyễn Hữu Chỉnh.

(1) Trước đó, Nguyễn Hữu Chỉnh đoán thế nào trước sau quân Tây Sơn cũng rút về Nam. Mà Nguyễn Huệ đã đi thì Nguyễn Hữu Chỉnh không thể ở lại kinh sư một mình. Vì vậy Chỉnh mới có ý muốn chiếm lấy chức Trấn thủ Nghệ An. Chỉnh đã nói ngầm với Tự hoàng:

– Tôi đem hắn ra, chỉ vì có việc tôn phù. Bây giờ việc ấy đã xong, tôi quyết không theo hắn nữa. Chắc thế nào hắn cũng về. Mà khi hắn đã về rồi, thì trấn Nghệ An trở thành bức phên tường giữ giống sài lang. Vậy xin Bệ hạ cho tôi vào đó trấn thủ. Cả mặt Nam hà tôi xin đương cả.

Nhưng đến khi nghe vua Tây Sơn sắp ra, Chỉnh ngờ thế nào vua Thái Đức cũng cướp ngôi chiếm nước. Muốn dựa vào vua Tây Sơn để tránh tai vạ, Chỉnh lại khuyên Tự hoàng nên đem Ngọc tỷ ra hàng, và giục triều đình thảo gấp một tờ hàng biểu. Triều đình bàn bạc mấy ngày chưa xong được gì, người nọ đổ cho người kia không ai dám hạ bút thảo trước. Đùng một cái, vua Thái Đức đã ra tới Thăng Long.

Suốt mấy mươi ngày đi lên tiếp từ Qui Nhơn ra Bắc không nghỉ, ăn uống thất thường, đêm lại ngủ giữa đồng để tránh bất trắc, cho nên khi tới kinh sư, cả Vua lẫn tướng sĩ tùy tùng mặt mũi hốc hác, hình dung tiều tụy, quần áo dơ dáy xốc xếch, không còn một chút nào là vẻ uy vệ của vua chúa nữa.

Nguyễn Huệ báo cho triều đình biết, rồi ra tận cửa ô để đón Nguyễn Nhạc. Tự hoàng vội ra đón vua Tây Sơn ở phía Nam Giao.

Vua Lê đứng trong cửa ô sai hoàng thân là Thành phái hầu ra quì ở bên trái đường đi để nói thay lời nhà vua.

Vua Tây Sơn khi tới cửa ô gặp Nguyễn Huệ xong, cùng giục ngựa đi thẳng vào kinh thành không dừng lại, cũng không trả lời Thành phái hầu. Đi qua xong mới sai người trở lại bảo:

– Quả nhân thấy đấng Tự hoàng quá lễ, sợ rằng nếu xa giá ở lại chậm trễ, hoặc giả làm phiền cho quí thể phải quì lạy mệt nhọc, rồi quả nhân lại mang tiếng thất lễ. Vì thế quả nhân phải vội vã đi ngay. Xin ngự giá hãy cứ về cung, ngày khác thong thả sẽ cùng gặp nhau.

Tự hoàng thấy vậy, biết vua Tây Sơn hãy còn trọng mình, nên khi về cung không bàn đến chuyện xin hàng nữa.

*

* *

Hai anh em chưa về đến Vương phủ, Nguyễn Huệ đã tạ cái tội tự chuyên, không chờ lệnh vua anh đã đem quân ra Bắc. Nguyễn Nhạc cười nói:

– Không sao! Tướng ở bên ngoài nếu gặp việc ích lợi cho nước nhà thì tự chuyên cũng được. Bắc hà có thể lấy ngay, đó là chỗ thần diệu trong việc dụng binh. Vả lại, chú trèo đèo lội suối đi hàng muôn dặm, mở mang bờ cõi, khiến cho đất nước rộng thêm, thật là thủ đoạn anh hùng, anh thực không thể nào sánh kịp. Nhưng mình đi đánh nước người ta, đã kéo quân vào sâu xứ họ, một chốc làm thay đổi hết nền nếp cũ, chắc là muôn người đều ghét mình. Anh chỉ lo ngại đến những việc bất ngờ có thể xảy ra, ý mình không thể nghĩ tới, nên phải lật đật ra ngay đây để giúp chú. (2)

Rồi hai anh em gióng xe vào phủ. Nguyễn Huệ đưa nhà vua vào thẳng cung Quyển bồng. Nguyễn Nhạc nhìn quanh cách bài trí xa hoa tráng lệ, cười ha hả bảo em:

– Chúng nó vơ hết đồ quí giá ở Phú Xuân đem về đây, hèn gì cung phủ đẹp đẽ hào nhoáng đến thế. Chú nấn ná không chịu về là phải.

Nguyễn Huệ cười gượng, thưa lại:

– Tĩnh vương Trịnh Sâm vẫn được khen là người có óc mỹ thuật. Cách bài trí màn trướng, bàn kỷ, đều do hắn cả.

Nguyễn Nhạc cúi nhìn quần áo mình, nói đùa:

– Anh ăn mặc thế này đứng đây không xứng.

Rồi nhìn quanh, nhà vua hỏi:

– Tắm rửa ở chỗ nào?

Nguyễn Huệ vội đưa vua anh đi tắm rửa, và thay quần áo. Xong xuôi, hai anh em lại trở lên cung Quyển bồng. Nguyễn Nhạc ngồi gác cả hai chân lên sập thếp vàng, như cách ngồi tự nhiên thoải mái của viên Biện lại Vân Đồn thời trước, chống hai tay vặn mình vài lần cho bớt mỏi, rồi bảo em:

– Đi đường suýt bị cướp chú biết không?

Nguyễn Huệ chưa kịp hỏi, nhà vua đã vui vẻ kể:

– (3) Tới cửa biển Hội thống ở trấn Nghệ An thì có dân quê đem ít đồ biển đến biếu. Chúng nói: “Chúng tôi thấy quan lớn đi qua, nhân có chút quà mọn gọi là tỏ tấm lòng thành”. Anh vội bảo: “Tôi không phải là quan lớn. Tôi là họ ngoại của Chúa Nam hà vẫn thường được gọi là Biện Nhạc đây. Các người hậu tình, thấy tôi đi xa lương khô ăn nhạt đem những món ngon lành biếu tôi, cảm ơn, cảm ơn lắm”. Rồi lại thấy một bọn độ vài chục người, ai nấy lưng đóng khố bện, tay cầm một cái đòn ống, ở trần trùng trục đứng ở ven đường. Chờ đến khi anh đi qua bọn đó hô lên: “Chúng tôi về Nam bị Chưởng Tiến đòi mãi lộ, cướp hết của cải”. Anh hỏi: “Nó ở đâu?”, bọn chúng đáp: “Nó được của rồi, vội chạy vào trong dãy núi kia”. Ta liền cho quân đuổi theo. Vừa đến một chỗ hiểm, mấy chục tên đó liền rút dao nhọn trong đòn ống ra mà reo: “Mày biết chúng tao hay chưa? Chúng tao là bậc anh chị trong đám thủ hạ Chưởng Tiến, hôm nay đến đây để chặt cái đầu lũ “lông đỏ” (4) tụi bay. Vừa reo chúng vừa xông lại đâm chém, quân phải chạy tán loạn mới thoát chết. Từ đó anh không dám tin cái bọn ân nghĩa vờ của Bắc hà nữa. Dọc đường, không ngủ ở nhà dân. Đến đâu giương màn ra giữa đồng mà nằm. Quân sĩ đều ngủ lộ thiên. Ra tới đây mà còn ngồi được trên yên ngựa và đủ hơi nói chuyện với chú, đủ biết anh còn săn gân lắm.

Nguyễn Huệ nói:

– Ở Nghệ An mà chúng nó dám bạo gan thế à? Sau này phải tìm người bạo tay đặt ở chỗ đó, thì từ Lũy Thầy trở vào mới yên được.

Nguyễn Nhạc chưa muốn bàn vội đến việc nước phức tạp và tế nhị, nên hỏi qua chuyện khác:

– Ủa, thím đâu rồi?

Nguyễn Huệ đỏ mặt, biết anh đã hay chuyện mình làm rể họ Lê. Ông lúng túng đáp:

– Dạ… chờ anh đòi mới dám ra mắt.

– Lại khách sáo bày vẽ. À, anh quên thím là “lá ngọc cành vàng” quen khuôn phép lễ nghi. Chú nhanh tay lắm. Phải. Em vua nước Tây làm rể vua nước Nam. Còn gì xứng đôi vừa lứa hơn. Chú không sợ thím lớn đổ ghè tương hay sao?

Nguyễn Huệ càng đỏ mặt tía tai, không dám trả lời. Rồi không hẹn cả hai anh em cùng cười ha hả. Vua Thái Đức giục:

– Vào bảo thím ấy ra đây cho biết anh biết em. Khoan đã, để anh ngồi lại cho “bề thế” một chút. Đằng nào thím ấy cũng là công chúa, không phải dân bán trầu!

Nguyễn Huệ vào Tử các đưa Ngọc Hân ra mắt vua Thái Đức. Công chúa đoán trước thế nào nhà vua cũng vời ra bệ kiến nên đã ăn mặc trang trọng, phấn son kỹ càng trước. Cách trang điểm còn kỹ càng hơn cả ngày về nhà chồng nữa. Nguyễn Huệ gần như sững sờ trước sắc đẹp của Công chúa, đứng lặng một lúc không tìm được lời nào để nói. Công chúa kinh ngạc một cách thích thú, vờ không hiểu gì, hỏi:

– Sao Thượng công ngơ ngác thế?

Nguyễn Huệ cười sung sướng, nhưng không giải thích, chỉ bảo:

– Công chúa ra mắt nhà vua đi!

Đến lúc đó Ngọc Hân mới sợ. Công chúa lo âu nói:

– Hoàng thượng có trách móc Thượng công không?

Nguyễn Huệ cười trấn an Công chúa:

– Không đâu. Nhà vua còn bảo “em vua nước Tây làm rể vua nước Nam, môn đăng hộ đối, mối nhân duyên này đẹp quá”.

Nguyễn Huệ cố ý sửa đổi phần cuối lời của vua anh. Công chúa đỏ mặt vì thẹn, và sung sướng. Nguyễn Huệ giục:

– Thôi, ta đi ra nào.

Đến điện Quyển bồng, Công chúa định sụp xuống lạy Nguyễn Nhạc, nhưng nhà vua đã khoát tay bảo:

– Cho miễn lễ.

Nguyễn Huệ yên lòng khi thấy vua anh đã ngồi uy nghi trên sập y như lúc thiết triều. Ông chỉ sợ Nguyễn Nhạc vẫn ngồi theo tư thế thoải mái trước đây, lúc trong điện chỉ có hai anh em. Nhà vua mỉm cười gật gù khen:

– Người như thế này xứng đáng làm em dâu nhà ta.

Rồi lấy vẻ mặt buồn rầu, nhà vua tiếp:

– Chỉ tiếc đường sá xa xôi, ta không ra đây kịp để diện kiến Long nhan. Nhưng có chú nó ở đây lo liệu chu tất việc tống táng, ta cũng yên lòng.

Công chúa muốn hỏi thăm gia đình anh em Tây Sơn ở Qui Nhơn, nhưng vừa bối rối vừa sợ hãi, không biết nói thế nào. Vẻ thẹn thùng của Công chúa khiến nhà vua chạnh lòng, thương hại. Nhà vua bảo:

– Mấy tháng nay thím có quá nhiều nỗi lo âu, chắc cũng không được khỏe. Chú đưa thím vào nghỉ ngơi, không lại bệnh.

Ngọc Hân vui mừng ngửng lên thưa:

– Xin đội ơn Bệ hạ!

Nguyễn Nhạc cười lớn, đến lúc đó mới lấy giọng thân mật nói:

– Ơn huệ gì! Thím cầm chân được chú Tám nhà này là giỏi rồi, là trở thành ân nhân của ta rồi. Chỉ trông cái bộ bẽn lẽn của chú, ta cũng biết ngựa hoang đã bị đóng cương rồi đấy!

*

* *

Buổi chiều hôm đó, lần lượt các tướng sĩ đến Vương phủ lạy mừng vua Thái Đức. Nguyễn Huệ cho đặt cái ngai Chúa Trịnh vẫn ngồi ở điện Chánh Tẩm, bày biện trật tự uy nghi như một buổi thiết triều. Nhưng Nguyễn Nhạc không ngồi lên ngai. Nhà vua đến ngồi xếp bằng trên cái sập đặt ở phía bên trái điện, sai lính hầu nhắc thêm vài bộ tràng kỷ đặt gần sập để tiếp khách. Nhà vua nói:

– Anh em trong nhà cả, bày vẽ làm gì.

Lãng và Lợi rủ nhau đến lạy mừng vua Thái Đức một lượt. Thấy hai người vào, Nguyễn Nhạc cười hỏi:

– Sao? Hai chú đã tìm được đám Bắc hà nào chưa?

Lợi nhanh nhẩu đáp:

– Tâu Bệ hạ, mới một đám mà đã khốn khổ rồi ạ!

Nhà vua cười to hơn, bảo Lợi:

– À, chú dám nói xấu “lệnh bà” phải không? Chuyến này ta phải đích thân dẫn chú về Qui Nhơn cho con An nó xé xác ra. Hay là không muốn về?

Lợi vội thưa:

– Tâu Bệ hạ, tôi đâu dám!

– Sao lại không? Ông Cống có vẻ quyến luyến với chú, tất phải tìm giúp cho chú một cô vợ Bắc hà chứ.

Lợi mỉm cười đáp:

– Gái Bắc hà chê lính Tây ăn nói không có khuôn phép. Họ còn gọi đùa là “dân lông đỏ” đấy ạ!

– Ờ, ở Nghệ An ta cũng có nghe chúng nó gọi thế. Nhưng các chú có quyền, có tiền, thì ai dám chê nào? Nhưng thôi, chú Lợi đã yên phận không nên bầy vẽ. Còn chú Lãng đây thì nên lắm!

Lãng ngượng, lí nhí đáp:

– Dạ tâu Thánh thượng, thần cũng không dám ạ.

Nhà vua trợn mắt hỏi:

– Lại không dám! Chú theo sát chú Tám (Nguyễn Huệ) như hình với bóng, không giống lông cũng giống cánh chứ! Năm nay chú được bao nhiêu rồi?

– Dạ ba mươi mốt, tâu Thánh thượng.

– Ba mươi mốt mà chưa chịu lấy vợ! Quá lắm rồi! Chẳng lẽ chú chê cả gái Nam hà lẫn gái Thăng Long? Hay thế này, chờ “bà” nhà ta đổi ý, chú làm “người nhà” ta đi.

Lãng nghe nhà vua nhắc lại chuyện Thọ Hương, sợ hãi ngước lên xem nhà vua nói đùa hay nói thật. Nguyễn Nhạc cười, cái cười hơi gượng gạo nhưng khuôn mặt không lộ chút sắc giận nào. Nếu có, chỉ có sự buồn chán thất vọng che giấu trong vẻ linh hoạt đùa cợt mà thôi! Lãng vội thưa:

– Thần được Thánh thượng ban cho quá nhiều ân huệ, và không làm được việc gì cho nên dáng, rất lấy làm ái ngại.

Nhà vua nói:

– Chú khéo lắm! Ta hiểu ý chú. Như vậy là không muốn trở về Qui Nhơn phỏng?

Lãng không hiểu vì sao tự nhiên Nguyễn Nhạc chuyển qua trách móc một điều mình chưa làm, chưa nghĩ, nên đáp:

– Thần không bao giờ dám trái lệnh trên.

Nhà vua cười lớn, bảo:

– Phải rồi, chú Tám (Nguyễn Huệ) ra lệnh cái gì mà các chú chẳng nghe.

Lợi thấy mình bị liên can, vội thưa:

– Tâu Bệ hạ…

Nhưng nhà vua tự thấy đã đi quá xa, nên cắt lời Lợi:

– Ta nói đùa đó thôi. Trước khi đi Thuận Hóa, ta có tiếp các bà đến van nài, khóc lóc, cầu khẩn xin cho các đức ông chồng về. Ta không nhớ ai với ai, vì đông quá. Chắc thế nào cũng có con An! Ta không chịu nổi tiếng khóc, dù là tiếng thút thít, nên có hứa sẽ cho phép các tướng tá binh sĩ viễn chinh mau chóng về nhà. Kể ra thì chỉ mới vài ba tháng thôi, nghĩa là còn ngắn hơn các chuyến vào Gia Định. Nhưng các bà ấy nhạy lắm. Vào chỗ đồng chua nước mặn toàn rừng sác với bèo trôi, các bà yên tâm. Còn ra cái chốn trai thanh gái lịch này, ôi thôi, nguy lắm. Cái giọng Bắc hà thánh thót uyển chuyển như múa này, đến chú Tám dạ sắt gan đồng cũng xiêu, huống chi các chú. Hồi cất chân ra đi, thím Tám chưa biết vụ chú Tám làm phò mã nhà Lê. Chứ nếu biết thì… ha… ha. Chú Lãng ta không lo, vì tính chú, ta biết. Chỉ sợ cái thằng bẻm mép này thôi (nhà vua trỏ Lợi). Vẫn còn làm việc với Hữu quân đấy chứ?

Lợi đáp:

– Dạ từ sau trận Vị Hoàng, tôi đã chuyển về Trung quân.

Nhà vua hỏi:

– Các cơ ngũ đã thay đổi nhiều lắm nhỉ?

Lợi thành thực đáp:

– Tâu Bệ hạ, vâng ạ. Vì có thêm nhiều tân binh Thuận Hóa. Thượng công phải xếp đặt lại mới chỉ huy được đám tân binh ô hợp đó.

Nguyễn Nhạc làm bộ kinh ngạc:

– Thượng công? Ngươi muốn nói chú Tám phải không? À quên. Chú ấy đã nhận chức tước của ông cha vợ thì phải gọi khác đi. Nguyên súy, Phù chính dực vũ Uy quốc công, phải đúng thế không?

Lợi không nhớ được hết, còn Lãng thì nóng mặt, không biết trả lời thế nào. Lãng băn khoăn, không thể đoán được ý thực, lòng thực của nhà vua ra sao. Hình như nhà vua có ý trách móc xa xôi, các câu đối đáp có vẻ hờn dỗi, ngờ vực là khác, nhưng điều lạ là ở vào địa vị uy quyền tột đỉnh, nhà vua không biểu lộ thẳng sự giận dữ đối với thuộc cấp, lại lượn lờ quanh co, như trách mà lại sợ giận.

 

*

* *

 

(5) Hôm sau, vua Thái Đức sai bày ở phủ đường ba chỗ ngồi: chiếc sập của vua Tây Sơn kê ở chính giữa, phía tả là ghế dành cho Tự hoàng, phía hữu là ghế của Nguyễn Huệ. Hai bên, hai hàng giáp sĩ đứng hầu, nghi vệ cực kỳ nghiêm chỉnh.

Lễ này theo lệ hai vua gặp nhau, không ai phải lạy ai.

Xa giá Tự hoàng vào đến cửa phủ, vua Tây Sơn cử viên quan hầu ra đón. Tự hoàng đi bộ vào trước bệ. Vua Tây sơn ở trên sập xuống đất và đứng ra phía cạnh sập tỏ ý kính lễ, rồi sai Nguyễn Huệ xuống dưới thềm nghinh tiếp và mời Tự hoàng vào ghế. Mọi người yên vị xong, vua Tây Sơn hỏi:

– Tự hoàng năm nay xuân thu độ bao nhiêu?

Một viên tụng thần đáp thay Tự hoàng, rồi tiếp:

– Quốc quân họ Lê chúng tôi gặp phải họ Trịnh tiếm quyền cướp thế, mũ giáp lộn ngược đã lâu. May nhờ Thánh thượng là bậc chí nhân đại nghĩa, sai tướng ra quân, vì đấng Quốc quân chúng tôi mà chỉnh đốn lại hoàng đồ. Hiện nay đất cát, nhân dân nước Nam đều do Thánh thượng gây lại. Nếu như Thánh thượng sẵn lòng thu nhận một vài quận quốc làm món khao thưởng quân sĩ, thì đấng Quốc quân chúng tôi xin vâng mệnh.

Vua Thái Đức đáp:

– Tôi nghe ngày xưa đức Thái Tổ mở mang nước Nam Việt, công đức thật là như trời. Tuy tôi ở lánh trong phía biển Nam, song cũng là đất của đức Thái Tổ khai thác. Vì giận kẻ cường thần hiếp chế vua nên tôi phải làm việc tôn phù. Nếu là đất của nhà Trịnh, thì một tấc tôi cũng không để. Nhưng là đất của nhà Lê, thì một tấc tôi cũng không lấy. Tôi nghĩ quí quốc mới dẹp xong, còn có nhiều việc cần phải sửa sang nên phải ra đây giúp đỡ. Sau khi bốn phương bình định, anh em tôi lại về nước. Chỉ mong Tự hoàng chấn chỉnh giường mối triều đình, giữ yên bờ cõi, để cùng nước tôi đời đời kết nghĩa láng giềng, như thế là phúc cho cả hai nước vậy.

Viên tụng thần lại thay Tự hoàng đáp lại:

– Thánh thượng nghĩ đến công đức của tiên Hoàng đế, mở lòng giúp đỡ, khiến cho nền mối của các vị tiên Hoàng đế không đến nỗi bị đứt, ơn của Thánh thượng ban cho thật là vô cùng. Quốc quân chúng tôi xin đời đời giữ lễ lân bang không sai trái.

Vua Tây Sơn liếc qua phía tả xem Tự hoàng có muốn đích thân nói thêm gì không. Thấy vua Lê vẫn im lặng, khuôn mặt đăm đăm. Nguyễn Nhạc kêu trà đồng pha trà đệ lên các ghế.

Hồi lâu, Tự hoàng có lời xin về.

Vua Tây Sơn đứng dậy từ biệt. Nguyễn Huệ tiễn Tự hoàng xuống thềm, Nguyễn Nhạc cũng đi theo sau. Khi đã cúi chào Tự hoàng, Nguyễn Nhạc bước giật lùi về chỗ, rồi sai viên quan hầu theo hộ vệ Tự hoàng ra khỏi cửa phủ.

Vua Lê lên kiệu về cung, và sai các quan trong triều qua phủ chào vua Tây Sơn.

Nguyễn Nhạc lần lượt hỏi hết quan chức, tên họ từng người. Các quan thưa gửi xong, nhà vua nói:

– Tôi nghe ở nước An Nam, ông nghè là quí nhất. Các ông có phải là ông nghè chăng? Tôi sắp nói với Tự hoàng xin cho mấy ông đem về để dạy dỗ mấy người trong nước. Các ông có chịu đi theo tôi không?

Các quan đều thưa:

– Quốc quân chúng tôi bảo sao chúng tôi phải tuân theo vậy. Dẫu rằng sang đông, sang tây, sang nam, sang bắc, đi đâu chúng tôi cũng không dám chối từ.

Nguyễn Nhạc hỏi:

– Trong các ông khi thấy tôi đột nhiên ra đây, có ai ngờ tôi không?

Các quan đều thưa:

– Thánh thượng đã sai quan Thượng công ra phò dựng nhà Lê, việc ấy quang minh lắm rồi, chúng tôi đâu còn dám ngờ.

Nguyễn Nhạc nhếch môi cười một tiếng, rồi nói:

– Ai mà ngờ tôi là ngu. Chúa Trịnh bắt quân đi hàng muôn dặm, cố chiếm lấy đất Thuận Hóa, lấy nước lớn làm hại nước nhỏ, mới sinh cái vạ ngày nay. Gương ấy hãy còn rành rành. Nếu tôi tham đất nước Nam, lấy nước nhỏ làm hại nước lớn, thì còn mong lâu bền sao được! Giả sử đời tôi giữ được đi nữa, thì đến đời con cháu tôi cũng không thể nào giữ nổi. Tôi có ngu gì mà gây cái mầm vạ ấy. Chẳng bao lâu nữa, anh em tôi sẽ về, các ông nên giúp đỡ nhà vua cho yên thiên hạ, hai nước kết nghĩa láng giềng, giữ mãi lấy tình hòa hiếu, để cùng hưởng phúc thái bình.

Các quan đều khen:

– Sách có nói rằng: “Thánh nhân bất cần viễn lược” (Bậc thánh nhân không chăm lo đến việc lập công ở phương xa). Thánh thượng nghĩ tới chỗ đó thật là cao hơn người thường hàng muôn vạn tầng. Nhưng Quốc quân chúng tôi hiện còn trẻ tuổi, chưa quen nhiều việc, lũ tôi lại toàn kẻ tài hèn, Thánh thượng nếu đã giúp cho nước tôi được còn, xin hãy tạm lưu lại đây, để vua tôi nước chúng tôi được nhờ cậy vào oai linh của Thánh thượng. Bao giờ bốn phương đều yên, giềng mối đều dựng lại, bấy giờ ngự giá hãy về cũng chưa muộn gì.

Vua Thái Đức nói:

– Có về cũng hàng năm hàng tháng, chứ phải hàng tuần hàng ngày hay sao? Các ông đừng lo!

Các quan lạy tạ lui ra, rồi cùng bàn riêng với nhau. Kẻ thì cho lời vua Tây Sơn là thành thực, người bảo giả. Đại để cũng chỉ đoán có hai việc là ông ta đi hay ở, mà cứ hư hư thực thực, chẳng ai biết đích xác như thế nào!

Nguyễn Mộng Giác

(1) Hoàng Lê, bản dịch Ngô Tất Tố, trang 116, 117
(2) Hoàng Lê, bản dịch Ngô Tất Tố, trang 114
(3) Hoàng Lê, bản dịch Ngô Tất Tố, trang 112
(4) Hoàng Lê dùng chữ “hồng mao”. Trong Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca có câu tả cách ăn mặc của quân Tây Sơn:
Quân dung đâu mới lạ thường
Mão mao áo đỏ chật đường kéo ra.
Có lẽ tác giả căn cứ vào cách ăn mặc đó (mũ lông áo đỏ) mà gọi Tây Sơn là quân hồng mao chăng?
Chú thích của Nguyễn Đức Vân và Kiều Thu Hoạch trong bản dịch Hoàng Lê của nhà xuất bản Văn Học, Hà nội, trang 137
(5) Lấy y theo Hoàng Lê, bản dịch Ngô Tất Tố, từ trang 117.

   Số lần đọc: 3425

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây