Nguyễn Huệ chỉ cố giữ được vẻ mặt bình tĩnh hiền hòa trong khi tiếp An. Đưa An về xong, ông ra căn phòng tiền sảnh nơi ông làm việc với một nét mặt khác, dáng điệu khác. Ông đi đi lại lại một mình trong phòng, đầu cúi xuống, đăm chiêu. Mảng tóc quăn rũ xuống che mất con mắt phải mà Nguyễn Huệ vẫn không buồn vuốt lên. Trong phòng hoàn toàn im lặng. Một lúc sau, Ông đến chỗ lọ sứ cổ cao, rút lá thư của La sơn phu tử lẩm nhẩm đọc lại, không biết là lần thứ mấy.
Nguyễn Thiếp phúc đáp như sau:
“La sơn, Nguyệt ao, tiện sĩ Nguyễn Khải Xuyên dâng Đại nguyên súy xét soi: Đầu năm nay, ngày mùng 4, tiếp được hai quan bộ binh và bộ hình của quí quốc đem một phong thư tới đón và cho vàng cùng lụa màu. Những ủy khúc rõ ràng. Mở thư cung kính đọc, lời ý đều hiểu hết. Trộm nghĩ: Tiện sinh này tính chất ngu lậu, tài năng học thuật không có gì hơn người. Chỉ vì có nhiều bệnh, trộm gửi thân ở chốn lâm tuyền. Bình sinh chỉ giảng tập các sách Tứ Thư, Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử. Còn nhâm, độn, thao, lược, binh pháp, võ nghệ đều chưa học. Quí quốc ở xa, mới nghe tiếng đồn về tiện sĩ, còn lẽ bởi đâu và thế nào, sợ chưa biết hết sự thực.
Lễ hậu này, xưa nay chưa thấy; mà lại khứng cho kẻ già yếu ở chốn lâm tuyền! Lòng yêu lành chuộng sĩ ấy, người tầm thường đâu có nghĩ tới. Tôi xét ra tự thấy có nhiều chỗ thiếu, nên cảm mà thẹn thùng khôn xiết. Nhưng lấy nghĩa mà cân nhắc, thì tôi không ra có ba lẽ:
Lượng sức, dò phận, trên không dám mong được như Y Khương; dưới không sánh kịp Gia Cát. Gặp thời tiết gió bụi, nếu ra làm việc thì tay run, chân rối. Rốt cuộc, ắt làm lầm nhà nước, nhục cha mẹ. Không ra, đó là lẽ thứ nhất.
Từ xưa, con đầu không ra làm quan. Huống chi, cha mẹ, anh em tôi đều mất. Nhà thờ, phép nhà, cốt ở một tôi. Không ra, đó là lẽ thứ hai.
Lệ xưa, làm quan bảy mươi tuổi về hưu. Bản triều trọng kẻ già, nên sáu mươi lăm tuổi đã cho viện lệ xin nghỉ. Đáng về mà lại ra, thì sẽ mang tội rất nặng. Không ra, đó là lẽ thứ ba.
Mang ba điều không tốt, đối với nhà nước không ích được mảy may. Dốt nát, vụng về rất mực. Như thế sao mà xứng với tấm thịnh tình của Đại nguyên súy.
Đạo thư mời, năm nén vàng, hai tấm lụa, tôi nhất thiết không dám nhận, xin kính cẩn gửi cho ông Phan Khải Đức đưa giả y nguyên, để giúp một ít vào việc phí khao thưởng quân sĩ.
Xin Đại nguyên súy lượng cho.
Tiện sĩ Nguyễn Thiếp xin trả lời.
Cảnh Hưng thứ 48, tháng giêng ngày mồng chín. (1787)
Nguyễn Huệ lấy bút khoanh vòng mấy chữ quí quốc, bản triều, đáng về và Cảnh hưng thứ 48; trong khi đưa ngọn bút lông trên tờ thư tay ông run run, môi mím lại. Nguyễn Huệ lẩm bẩm:
– Quí quốc! Bản triều! Cảnh hưng thứ 48! Vẫn cái điệu hát trung quân cũ kỹ nhàm tai! Đến bao giờ họ mới chịu quẳng mấy cuốn sách cũ gián nhấm, để nhìn thẳng vào việc đời?
Tên lính hầu sẽ sàng nhón bước đến gần bẩm báo là có quan Trung thư lệnh xin ra mắt. Nguyễn Huệ nghe một cách lơ đãng. Người lính tưởng chủ tướng nghe chưa rõ, run run nhắc lại lần nữa. Nguyễn Huệ đặt lá thư xuống kỷ, ngước mắt nhìn lên. Trước mắt ông, hình ảnh tên lính hầu nhòe ra, phải một lúc lâu, ông mới nhìn rõ được vẻ mặt ngượng nghịu, cử chỉ lúng túng của anh ta. Nguyễn Huệ hỏi:
– Ông ấy đến hồi nào?
– Dạ bẩm Thượng công, mới đến thôi!
– Ra mời vào.
Trần Văn Kỷ và Lãng bước vào nơi làm việc của Nguyễn Huệ. Lãng chắp tay nghiêng người chào chủ tướng định quay ra, thì Huệ đã gọi:
– Ở lại chút đã. Cô An vừa ra, cậu biết chưa?
Lãng ngơ ngác hỏi:
– Thưa An nào ạ!
Nguyễn Huệ cười:
– An chị cậu mà cậu không biết à?
Lãng ngạc nhiên quá, quên cả lễ nghi, hấp tấp hỏi:
– Chị ấy ra hồi nào? Sao anh biết?
Nguyễn Huệ liếc về phía Trần Văn Kỷ, nghiêm mặt đáp:
– Cả gia đình đã trốn ra đây hôm qua. Cậu có thể về để đi thăm đi. Cô ấy vừa đến đây lúc nãy. Tiếc là không có cậu.
Lãng mừng quá, quên cả chào kính trước khi lui, quay gót tiến ra phía cửa. Nguyễn Huệ chờ cho Lãng đi khỏi, mới lặng lẽ đưa lá thư của La sơn phu tử cho quan Trung thư lệnh.
Trần Văn Kỷ e ngại chưa dám đọc ngay, rụt rè hỏi:
– Thư của ai thế, bẩm Thượng công?
Nguyễn Huệ đáp:
– Ông cứ đọc đi đã. (Nguyễn Huệ gọi Trần Văn Kỷ bằng “ông” từ vài ngày gần đây)
Trần Văn Kỷ lễ phép nói:
– Xin phép Thượng công!
Rồi mới cúi xuống đọc. Trong khi Trần Văn Kỷ nhíu mày đưa xa tờ giấy đọc kỹ lá thư của La sơn phu tử, Nguyễn Huệ lấy cán bút gõ nhè nhẹ lên mặt kỷ, chờ đợi. Quan Trung thư lệnh đọc một lần, rồi hai lần. Khi biết chắc Trần Văn Kỷ đã đọc xong, Nguyễn Huệ hỏi:
– Ông có chú ý mấy chữ ta khoanh vòng không?
Trần Văn Kỷ đáp:
– Thưa có.
Nguyễn Huệ cười nhẹ, rồi chua chát nói:
– Ông thấy không? Ta nói có sai đâu. Trong đầu óc của từng nhà nho cả trong nam lẫn ngoài bắc đều có một lũy Thầy. Họ không thể nhìn qua khỏi được vách lũy. Quí quốc! Bản triều! Đến bao giờ họ mới dám đứng trên mặt lũy để nhìn cho xa chút nữa?
Trần Văn Kỷ trầm ngâm rồi nói:
– Có lẽ chẳng bao giờ cả!
Nguyễn Huệ liền bảo:
– Như vậy thì việc gì ta phải cầu cạnh đến hạng ấy!
Rồi Nguyễn Huệ đưa cánh tay có vết sẹo cho Trần Văn Kỷ xem, hỏi:
– Ông có biết ai gây cho ta vết thương này không?
Trần Văn Kỷ tò mò quan sát vết sẹo thâm tím dài khoảng hai lóng tay ở cánh tay trái của Nguyễn Huệ, lắc đầu. Nguyễn Huệ nói:
– Một tên trung thần của họ Nguyễn Gia Miêu đấy. Hắn liều chết để tỏ lòng trung với ai, ông biết không? Với một tên con nít dâm loạn do quốc phó Trương Phúc Loan dựng lên ở đây, ngay tại chỗ chúng ta đang ngồi. Với Duệ Tôn đó! Lòng trung theo kiểu ấy chẳng khác gì một điều ngu xuẩn. Ta chưa được đọc nhiều kinh sử, nhưng nhất định Khổng phu tử không dạy những điều cố chấp ngu xuẩn như vậy!
Trần Văn Kỷ lại cảm thấy bị chạm tự ái. Ông nhìn thẳng vào Nguyễn Huệ, chậm rãi đáp:
– Thượng công nói như vậy thật đúng với bọn hủ nho, nghĩa là đối với phần lớn sĩ phu nam bắc. Đừng nói chi đến hạng tiểu nhân võ vẽ dăm ba câu kinh truyện làm kế sinh nhai hoặc lừa bịp thiên hạ để cầu danh. Ngay cả những bậc học rộng, hiểu nhiều, có đạo đức như La sơn phu tử cũng tự cảm thấy khó thích nghi với đời. Trong thư, Lục Niên tiên sinh thú nhận “lượng sức, dò phận, trên không dám mong được như Y Khương, dưới không sánh kịp Gia Cát. Gặp thời tiết gió bụi, nếu ra làm việc thì tay run, chân rối. Rốt cuộc, ắt làm lầm nhà nước, nhục cha mẹ”. Lục Niên tiên sinh không nói nhún chút nào. Sự thực như vậy. Kẻ sĩ khi gặp cảnh gió bụi hầu hết đều tay run, chân rối như lời Lục Niên tiên sinh thôi! Giao cho việc cầm quân ư? Không có cái bạo lạnh lẽo của đám võ biền. Đổi đời thiên hạ cho loạn thành bình ư? Không dám động đến cái đã có sẵn, sợ gây đổ vỡ và đau thương, không dám dẫm lên một ngọn cỏ thì làm sao dám phát bờ, phá bụi vạch đường mới? Với kẻ gian hùng thì không đủ gian để đánh đổi. Với kẻ cố chấp thì không nỡ nói nặng, vì chính họ cũng là một kẻ cố chấp. Họ phải bám vào một chút cố định nào đó làm vốn liếng tin tưởng và chịu đựng cuộc sống, như lũ trẻ thơ ra chợ sợ lạc, bám vào gấu quần mẹ. Bảo họ gạt bỏ chút cố định còn lại đó để xây dựng một cái hoàn toàn mới chưa chắc chắn, khó lắm. Cho nên dù biết cả vua Lê lẫn chúa Trịnh đều chẳng ra gì, nhưng thà làm dân bản triều còn hơn làm quan quí quốc.
Tuy thế, không phải họ không cần thiết. Họ là tầng lớp tượng trưng cho truyền thống. Có họ, thiên hạ tuy cực khổ nhưng yên lòng, vì cảm thấy còn được nối liền với quá khứ, tổ tiên. Thiếu cái truyền thống ấy, dù ta mạnh, ta nắm quyền sinh sát, nhưng quyền uy của ta vẫn bị xem là bạo lực, là… là…
Trần Văn Kỷ định nói “mán mọi, rừng rú” nhưng sợ khiến Nguyễn Huệ nổi giận, nên ngưng nửa chừng. Nguyễn Huệ đoán được ý viên Trung thư lệnh, cười ha hả bảo:
– Là “vong mạng, vô lại, trộm cướp, mán mọi” chứ gì! Ta đã nghe nhiều người nói như thế rồi. Ông chớ ngại. Nhưng này, truyền thống là cái gì? Có cao cả ghê gớm lắm đâu! Đó chỉ là thói quen lâu đời! Ngay như việc chúa Trịnh hiếp vua Lê, nếu lấy chữ nghĩa thánh hiền mà xét, thì trái mười mươi ra chứ! Nhưng vì chuyện hiếp đáp ấy đã kéo dài suốt hai trăm năm, nên thiên hạ xem chuyện xấu xa ấy là truyền thống đáng kính, đến nỗi có kẻ dám tự chôn mình để được tiếng trung thần như Lý Trần Quán. Bỏ cái thói quen ấy đi, trở lại từ đầu, xem nhà Trịnh có gì nào? Thái vương Trịnh Kiểm hả? Ta nghe chỉ là một tên vô lại chuyên phá làng phá xóm, đến nỗi láng giềng ai cũng kêu rêu ghét bỏ, mẹ hắn chết làng xóm không thèm chôn mà vứt xác xuống cái ao nước thối. Ông muốn có truyền thống để khỏi mang tiếng “vong mạng, mán mọi” chứ gì? Thì ta hãy tạo ra một truyền thống mới, bắt đầu từ bây giờ.
Trần Văn Kỷ lúng túng trước ý kiến dứt khoát mà hợp lý của Thượng công. Nhưng viên Trung thư lệnh cũng cố vớt vát sĩ diện nhà nho. Ông nói:
– Lập một truyền thống mới không đơn giản. Trước hết, phải cần có một thời gian khá lâu, như một triều đại phải trải qua nhiều đời. Thứ nữa, bậc sáng nghiệp phải có tài đức, hoặc mưu chước để nắm giữ quyền hành. Đã thế, còn cần phải biết thuyết phục để được nhóm người chọn lọc vốn đã được thiên hạ tôn trọng từ đời cũ ủng hộ. Đối với những người này, không thể lấy bạo lực hoặc mưu chước để ép buộc được. Khi đã thuyết phục được tầng lớp chọn lọc tượng trưng cho truyền thống này rồi, ta mới dùng uy quyền để ép buộc đám đông còn lại chấp nhận “cái lý” đưa ra, như lâu nay mọi người đều phải nghĩ ai chống lại nhà vua thì đáng bị chém bêu đầu và tru di tam tộc. Lúc cái lý này vừa được ban bố, chưa hẳn đã có nhiều người tin theo. Không tin mà không nói gì cả, không chống lại bằng hành động thì cho tạm yên. Ngược lại, đem đóng gông, hạ ngục hay chém đầu. Làm như thế vài ba đời “cái lý” trở thành truyền thống, đủ mạnh để hễ cháu chắt bất tài của một tên vô lại như Thái vương Trịnh Kiểm mà chết, thì có hàng nghìn, hàng vạn Lý Trần Quán mua quan tài, mua vải liệm tự chôn để được chữ trung thần.
Trần Văn Kỷ nói một thôi dài, Nguyễn Huệ chăm chú lắng nghe, đôi mắt chăm chăm nhìn vào miệng viên Trung thư lệnh như muốn hứng lấy từng tiếng, không để rơi tiếng nào. Trần Văn Kỷ nói xong, khuôn mặt Nguyễn Huệ trở nên trầm tư. Theo thói quen, ông lại đưa ngón tay lên quệt ở đầu mũi, rồi vuốt lại mảng tóc quăn ở góc trán.
Một lúc sau, Nguyễn Huệ gật gù một mình, rồi bảo:
– Phải! Thế là phải! Giải quyết xong việc Qui Nhơn, ông nhớ viết thư cho Lục Niên tiên sinh một lần nữa. Lần này ông ấy trả luôn cả thư mời, tức là dứt khoát từ chối. Lần sau, thế nào cũng khá hơn.
Trần Văn Kỷ vội hỏi, lòng vừa mừng, vừa lo:
– Việc Qui Nhơn là việc gì, thưa Thượng công?
Nguyễn Huệ đáp:
– Vụ sứ bộ bị giết ở Trà Câu ông biết rồi chứ? Nay được thêm tin nhà vua đã ra lệnh giam thân nhân các tướng theo ta, và phong tỏa các đường giao thông thủy bộ. Qui Nhơn đang chuẩn bị chiến tranh. Máu chảy ruột mềm, dứt tình nghĩa với nhà vua ta đau xót lắm. Nhưng không có cách nào khác. Kéo dài nhì nhằng thế này, một là Thuận Hóa sẽ suy sụp vì đói và bị chiếm, hai là… hai là như ông nói, tầm mắt thiển cẩn của Qui Nhơn sẽ thành truyền thống mà thôi!
Trần Văn Kỷ cố che giấu sự sung sướng vì Phú Xuân đã trở thành trung tâm quyền lực, giả vờ lo âu hỏi:
– Nhưng còn gia quyến của Thượng công?
Nguyễn Huệ đáp:
– Ta hiểu rõ tính nhà vua. Không bao giờ nhà vua liều lĩnh đặt hết vốn liếng vào một canh bạc chưa chắc ăn. Nhà vua phải thấy các tướng tài và các đạo quân tinh nhuệ đều ở lại đây cả. Ta không ưa bài bạc, nhưng chuyến này ta đánh một ván bài liều lĩnh nhưng có tính toán. Ông soạn gấp cho ta một bài hịch đi!
*
* *
Trần Văn Kỷ hối hận vì không từ chối dứt khoát ngay buổi sáng. Ông loay hoay mãi chưa thảo được bài hịch. Hết vò xé tờ giấy này đến tờ khác, viết được vài câu đã thấy hoặc chưa đủ mạnh để phải dốc toàn lực của Thuận Hóa kéo vào Qui Nhơn đánh một trận sống mái, hoặc quá mạnh trở thành xấc xược, hỗn láo đối với vua anh. ở đâu mới đạt được thế trung dung? Khó quá.
Nếu tờ hịch dựa trên tình nghĩa anh em thì không có chữ nghĩa nào biện minh được chuyện đưa quân vào uy hiếp Hoàng đế thành. Lỡ đến một lúc nào đó, tình máu mủ ruột thịt đủ mạnh để binh đao xếp lại, thì số phận kẻ viết hịch sẽ thế nào? Còn nếu muốn viện đến một mục tiêu cao cả hơn, phóng khoáng hơn, cần thiết hơn cả tình ruột thịt, mục tiêu có thể xốc dậy cả một khối lớn dân chúng lâu nay chịu bao tai ương của chinh chiến thì mục tiêu ấy là gì? Trần Văn Kỷ biết ý Thượng công là muốn nêu cao lẽ nhất thống. Nhưng nhất thống thế nào được? Vua Lê hãy còn ở Thăng Long. Vua Thái Đức ở Hoàng đế thành. Thiên hạ hiện chia hai trên danh nghĩa, và chia tư trên thực tế. Bốn trung tâm quyền lực là Thăng Long, Phú Xuân, Qui Nhơn và Gia Định. Muốn thống nhất thì một mình Phú Xuân phải phá đổ ba trung tâm quyền lực kia. Liệu Phú Xuân có kham nổi không?
Đây là một câu hỏi đã từng dày vò Trần Văn Kỷ nhiều đêm. Ông chịu ra cộng tác với Nguyễn Huệ, sẵn sàng chấp nhận lời thị phi của bọn bạn bè cố chấp, chỉ vì cái thao thức thường thấy ở những người đã luống tuổi: tình quê hương. Chim bay mỏi cánh thì nhớ tổ. Trần Văn Kỷ tự thấy mình đã già yếu, nên muốn được thấy một Thuận Hóa trù phú phồn thịnh và nhiều quyền uy khi mình còn được sống nốt tuổi trời. Ông đã không chọn lầm người để gửi gắm ước vọng đó. Qua mấy tháng gần gũi với Nguyễn Huệ, ông nhận thấy viên tướng trẻ 35 tuổi này vừa có sự thâm trầm chín chắn của một người từng trải, lại vừa có cái gan dạ liều lĩnh của một thanh niên, có cái bộc trực của dân lao động, lại có sự tế nhị của kẻ ăn học. Gặp được một người như vậy, Trần Văn Kỷ tự xem mình là kẻ may mắn, ông tin đó là thiên mệnh. Ý Trời đã muốn cho Nguyễn Huệ gặp ông, thì nhất định ý Trời cũng muốn Phú Xuân trở thành kinh đô của một nước Nam thống nhất.
Những khao khát thầm kín đó, có thể viết lên giấy, truyền bá khắp thiên hạ được không? Không! Chính Trần Văn Kỷ đã dài dòng bàn luận với Nguyễn Huệ sáng nay về hai tiếng truyền thống. Ông muốn phá đổ một lượt ba thứ truyền thống hay sao? Ai sẽ theo ông? Phá xong thì dựa vào đâu để dựng lên một truyền thống mới? Ôn lại sử sách, Trần Văn Kỷ nhận thấy các nhà sáng nghiệp đều dựa vào cái công chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc để chính thức thiết lập một triều đại mới. Những kẻ vượt ra ngoài thông lệ đó đều thất bại, bị đời gán cho cái tiếng soán đoạt như họ Hồ, họ Mạc.
Viết gì đây? “Bất cập” hay “thái quá”? Trần Văn Kỷ thức đến khuya, nghiên mực đã khô, đèn đã hết dầu mà tờ giấy trước mặt vẫn còn trắng. Đến cuối canh ba, mệt quá, ông gục đầu xuống bàn ngủ quên cho đến sáng!
*
* *
Lãng đến thăm chị và các cháu nhưng không gặp ai ở nhà cả. Người hầu gái Lợi vừa thuê cho biết bà chủ vừa dẫn các con đi ra phố mua sắm một ít quần áo và đồ đạc. Ngồi một mình, Lãng tò mò quan sát một vòng cách bày biện trong nhà. Anh thấy so với lần đầu tới thăm chị, quang cảnh chung có vẻ tươm tất, ngăn nắp, sạch sẽ hơn. Nhà của viên phó đốc thị dĩ nhiên không sang trọng bằng lúc quan quốc phó Trương Phúc Loan ở. Khi Phú Xuân bị tấn công, một số bàn ghế, màn trướng bị dân chúng ùa vào hôi của, nên khi Lợi đến nhận, nhà chỉ còn cái vẻ bề ngoài. Lợi lấy của kho sai thợ sửa sang lại, nhưng không chú tâm nhiều đến các tiện nghi, sao cũng được. Phải chờ bàn tay người nội trợ như An, căn nhà mới đẹp đẽ, gọn gàng và trang nhã được như hiện nay.
Lãng đợi độ một khắc thì ba mẹ con An trở về. Thấy có cậu Lãng đến thăm, hai đứa bé mừng rỡ, a vào ôm lấy Lãng. Con Thái hỏi:
– Cậu đã lên chùa Thiên Mụ chưa?
Còn thằng Phát thì hỏi:
– Cậu đã thử bơi từ bên này qua bên kia sông chưa? Cháu thấy nước sâu quá, chưa dám thử. Hôm nào cậu cháu mình bơi thi đi!
Lãng trả lời con Thái trước. Anh nói:
– Chùa Thiên Mụ à? Tại sao không dưng cháu hỏi thế?
Con Thái liếc về phía mẹ, le lưỡi ra vẻ sợ sệt, nói nhỏ:
– Mẹ vừa dẫn hai đứa cháu lên chùa tạ ơn Trời Phật đấy. Chùa lớn ghê hả cậu. Cao lớn hơn cả chùa Thập Tháp trong mình.
Thằng Phát xô con Thái ra, hỏi Lãng:
– Sông sâu được một con sào không cậu? Nước không chảy,chắc khỏi sợ sóng phải không cậu?
An từ nhà sau ra, xua các con:
– Hai đứa đi chơi để mẹ hỏi cậu chuyện này đã.
Con Thái phụng phịu. Thằng Phát nấn ná chờ xem mẹ có thay đổi ý kiến, hoặc cậu có giữ lại hay không. Thấy hai người lớn không nói gì cả, chúng đành dắt nhau ra sân xem các chú lính hầu trồng hoa.
Chờ cho các con đi khỏi, An mới hỏi Lãng:
– Từ sáng đến giờ đi đâu cũng nghe hịch, hịch. Hết đọc hịch dán ở khắp nơi, lại nghe đọc ở cổng chùa. Chị không hiểu gì cả. Thế là thế nào? Em đừng bảo là chưa biết gì về bài hịch đó.
Lãng buồn rầu rút một tờ hịch trong bọc áo ra đặt lên bàn, nói:
– Em có đem về cho chị một bản đây. Như vậy là chị đã được đọc trước rồi.
An thảng thốt hỏi:
– Ai thảo bài hịch này thế? Không lẽ em?
Lãng vội nói:
– Không. Không phải Lãng đâu!
– Chị không dám đọc lại nữa. Ghê gớm quá! Không tin được. Chị không tin chính anh ấy thảo bài hịch này, hoặc nói các ý chính cho một người nào đó soạn. Dù sao chăng nữa, nhất định anh ấy phải đồng tình với người soạn hịch. Làm sao có thể dùng đến những chữ “sài lang”, “cẩu trệ”? (1) Với lại những gì “khinh suất, can không nghe” nữa!
Lãng cầm bài hịch đọc đoạn An vừa nhắc:
– …”Không có tội nào to bằng tội giết vua, nhưng nếu khinh suất can gián mà không nghe, ắt phải truất xuống, vì là quan hệ đến sự an nguy của muôn đời” (2)
– Ấy đấy! Dù gì đi nữa thì cũng là anh cả. Sao nỡ dùng những tiếng thậm tệ như vậy để viết hịch?
Lãng tò mò hỏi An:
– Anh Lợi có nói gì không?
An đáp:
– Hịch mới được truyền sáng nay. Còn anh Lợi thì có việc đi từ tinh sương nên chị chưa biết anh ấy nghĩ gì. Chị đoán anh ấy không nghĩ gì rắc rối đâu. Một lần nói chuyện bất hòa gay go giữa nhà vua và anh Huệ, anh Lợi bảo: “Nhà vua hết thời rồi. Kẻ nào nhìn xa thì phải mau mau bỏ Qui Nhơn ra đây, chậm thì không kịp hối”. Anh ấy nói toàn giọng lưỡi của lão cống Chỉnh. Chị buồn ghê lắm. Còn em thì sao?
Lãng dè dặt đáp:
– Em hả? Em cố tin ở cái gì cao cả để nuốt cho trôi những thứ trái đắng.
An nhíu mày hỏi:
– Thế là thế nào?
– Chẳng hạn em cố tin ở điều bài hịch gọi là “quan hệ đến sự an nguy của muôn đời”. Nếu thật cần phải làm cho thiên hạ sống yên vui đến muôn đời, thì cũng có thể cắn răng dứt bỏ tình anh em.
An phản đối:
– Nhưng tình anh em là điều có thật, là điều rõ ràng như có thể đếm được bàn tay có năm ngón; còn “quan hệ đến sự an nguy của muôn đời” là cái gì? ra sao? méo hay tròn? ai mà biết được! Ai thảo bài hịch thật khéo mồm khéo mép! Ai thế? Nghe nói anh Huệ tìm được một quân sư tài giỏi lắm phải không?
Lãng vội đáp:
– Chị muốn nói quan Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ chứ gì? Không! Bài hịch này do quan lại bộ Hồ Đồng soạn.
– Hồ Đồng? Ai vậy?
– Một thuộc hạ của Nguyễn Ánh, bị bắt ở tận Đồng Tuyên trong Gia Định.
An mừng rỡ vì tìm được cái cớ biện hộ cho Nguyễn Huệ:
– Hèn gì! Hắn cố soạn cái giọng ấy để tâng công chuộc tội đấy mà! Có điều chị không hiểu, là tại sao dân Thuận Hóa có vẻ hí hửng quá! Chị đi đâu, trên chùa, ngoài phố, ở chợ, đâu đâu cũng thấy thiên hạ bàn tán vui vẻ, như sắp vào Qui Nhơn ăn cỗ. Bọn trai tráng lũ lượt đua nhau tòng quân. Kể cả bọn con nít chưa tới mười lăm tuổi cũng van nài cho được sung quân. Dĩ nhiên người nặng gánh gia đình thì lo âu ra mặt. Còn bọn trẻ thì… Tại sao thế?
Lãng cười nhỏ, cố giải thích:
– Có gì đâu. Chị hãy ở vào hoàn cảnh dân Thuận Hóa. Bao nhiêu năm ở dưới ách tham bạo của tên quốc phó Trương Phúc Loan, rồi hơn mười năm tiếp tục sống nhẫn nhục dưới ách cai trị hà khắc của họ Trịnh. Sống như thế thì vào lính đi đánh nhau với bất cứ ai, ở bất cứ nơi nào cũng đáng mơ ước. Vì dù sao cũng còn có một niềm hy vọng đổi đời.
An lắc đầu:
– Những cái đó phức tạp quá, phải bóp trán, cau mày, mới hiểu nổi. Cũng giống như phải cố tưởng tượng ra “sự an nguy của muôn đời” để hiểu nổi vì sao phải gọi anh là “sài lang, cẩu trệ”. Chị chịu thôi!
Lãng thú nhận:
– Em cũng vậy. Em chưa hiểu được hết!
– Nhưng Lãng ở gần “anh ấy”, Lãng có hỏi được gì không?
Đến lúc đó, Lãng mới để ý chị cố nói tránh không nhắc thẳng đến tên Nguyễn Huệ trong câu chuyện. Anh liếc dò vẻ mặt An. Lãng thấy chị có vẻ nồng nhiệt hào hứng khác thường, đôi mắt ươn ướt long lanh, má đỏ hồng, cử chỉ linh hoạt khi nói chuyện, khác hẳn vẻ mặt thụ động nhẫn nhục thường ngày. Lãng se lòng khi nghĩ: “Đã bao năm rồi, mà chị ấy còn được như thế sao!”. An thấy Lãng ngỡ ngàng nhìn mình, đột nhiên giật mình, đỏ mặt, nói lảng sang chuyện khác. An hỏi:
– Em thấy chị trang hoàng nhà cửa lại có đẹp không? ối! Đàn ông thì ai cũng như ai. Ăn ở như người ở đậu, ăn nhờ. Dơ dáy bừa bãi, không chịu được. Chị vừa cho trồng hoa lại đấy. Nửa tháng sau em đến đây, đã có một vườn hoa nhỏ quanh nhà rồi. Chị cũng sẽ cho trồng lại mấy khóm chuối và cam, ổi.
Lãng dè dặt nói:
– Có lẽ… có lẽ em cũng phải vào Qui Nhơn.
An hốt hoảng hỏi:
– Em cũng đi đánh nhau à? Đánh ai? Còn anh Lợi?
– Không biết anh Lợi có phải theo quân không!
Giọng An ray rứt:
– Sao lại vào đánh Qui Nhơn? Thế là thế nào? Trời hỡi! Đến lúc nào bọn đàn ông mới chịu gác giáo lên trần nhà cầm cày cuốc giúp đỡ vợ con đây! Chừng nào, hở Lãng?
Lãng không trả lời được câu hỏi của chị. Trong Lãng, đã có cái gì rạn vỡ. Có thể là niềm tin!
*
* *
“Đầu năm Đinh Vị (1787) trong khi người ta tưởng những lực lượng thống nhất có cớ tập thành thì một biến chuyển lớn lao làm tan vỡ viễn tượng đó: anh em Tây Sơn, hay nói đúng hơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đánh nhau”. (3)
Một người viết sử đã nhận xét như vậy về biến cố “nồi da xáo thịt” của phong trào Tây Sơn. Ý kiến này đã được nhiều sử quan thời xưa và sử gia thời nay tán đồng.
Mới thoạt nhìn, nhận xét ấy có vẻ hợp lý, rõ ràng: Phong trào Tây Sơn từ năm khởi dấy cho đến mùa xuân Đinh Vị vẫn luôn luôn là một sức mạnh thống nhất, có tổ chức, có chỉ huy nhất quán từ trên xuống dưới. Tùy theo từng hoàn cảnh, từng nhu cầu chiến lược mà có những liên minh tạm bợ, bạn đó rồi thành kẻ thù đó, nhưng sau khi các phần tử lưu manh vô lại bị đào thải, bọn cơ hội và những kẻ cố chấp hẹp hòi bị lịch sử vượt qua, thì càng ngày phong trào càng được tinh lọc, ổn cố. Tiêu diệt được tàn quân nhà Nguyễn cùng bọn xâm lược Xiêm ở phương nam, xô ngã nhà Trịnh ở phương bắc, đương nhiên phong trào Tây Sơn đã phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, “có cớ” tập họp được mọi lực lượng để thống nhất xứ sở dưới quyền lãnh đạo của Trung ương hoàng đế Nguyễn Nhạc. Biến cố “nồi da xáo thịt” khiến cái dòng lịch sử bình thường ấy đột nhiên khựng lại, hoang mang, ngơ ngác. Hy vọng thống nhất tan vỡ! Sự ổn cố của phong trào bấy giờ mới chứng tỏ sự giả tạo bấp bênh của nó!
Lỗi về ai? Các sử quan nhà Nguyễn, lạ lùng thay, đã đổ hết trách nhiệm lên đầu Nguyễn Nhạc. Nào là Nhạc đắc chí nên sinh ra buông tuồng hiếu sát, giết hại viên cộng sự ban đầu của mình là Nguyễn Thung, lại nhẫn tâm làm điều ép uổng dâm loạn với cả em dâu là vợ Nguyễn Huệ. Mọi người đều ghê tởm (5)
Những người chép sử Bắc hà thì lại đổ lỗi cho Nguyễn Huệ. Tác giả Hoàng lê nhất thống chí mượn lời Nguyễn Hữu Chỉnh tâu với vua Lê Chiêu Thống để nêu nguyên nhân mối biến loạn này như sau:
“Vua Tây từ khi về nam thì kéo về luôn quốc thành, còn Thượng công thì ở Phú Xuân, nghỉ quân mua vui, hoặc là ban bố mệnh lệnh, sửa sang thành lũy. Bao nhiêu quân tướng, khí giới, các vật quí báu lấy được ở Bắc hà đem về, Thượng công đều chứa vào một chỗ, vua Tây cho người ra vời, Thượng công cũng không chịu vào chầu. Rồi thì phong quan ban chức, Thượng công đều tự quyết định, không hỏi gì đến vua Tây. Vua Tây cho người đem ấn ra phong thượng công là Bắc Bình vương, và hỏi các thứ của báu bắt được ở phủ chúa Trịnh. Thượng công cũng không chịu trả lại. Vua Tây giận lắm, vì thế anh em mới gây ra cuộc binh đao” (4)
Dù không đồng ý với nhau về nguyên do nồi da xáo thịt giữa anh em Nguyễn Nhạc Nguyễn Huệ, các sử quan đều đồng ý với nhau rằng biến cố ấy tác hại nghiêm trọng đến sự thống nhất của phong trào, khiến cho viễn tượng “nhất thống” dân tộc, lãnh thổ, chính quyền sau mấy trăm năm chia cắt bị tan vỡ một cách đáng tiếc.
Nhưng nếu xét kỹ càng hơn bằng lối đặt ngược vấn đề: Giả sử sau khi ở Thăng Long về, Nguyễn Huệ ngoan ngoãn vâng theo lệnh vua anh, đem hết đại quân cùng kho chiến lợi phẩm về Qui Nhơn, không ở lại Phú Xuân “sửa sang thành lũy, ban bố mệnh lệnh, phong quan ban chức”, sẵn sàng làm một viên tướng tư lệnh của lực lượng tinh binh cơ động chờ lệnh vua đi chinh phạt bất cứ đâu vào bất cứ lúc nào, thì liệu cái cơ thống nhất có thành tựu được không? Hai nguồn sử liệu, độc lập nhau (một của Chapman, người Anh đại diện thương mại của chính quyền Anh tại Bengale đến Qui Nhơn năm 1778 và được nói chuyện trực tiếp với Nguyễn Nhạc; một của Ngô gia văn phái trong Hoàng lê nhất thống chí chép việc mắt thấy tai nghe đương thời tại Bắc hà.) đều khách quan trả lời: KHÔNG!
Trong cuộc hội kiến giữa Chapman và Nguyễn Nhạc năm 1778, bằng giọng thân tình chân thật chứ không bằng giọng khách sáo ngoại giao, Nguyễn Nhạc cho biết ước vọng cao nhất của mình là chiếm cả giang sơn Nam hà, từ Lũy Thầy vào đến Gia Định. Chỉ chừng ấy thôi!
Trong cuộc hội kiến với vua Chiêu Thống nhà Lê tám năm sau (1786) tại kinh đô Thăng Long, Nguyễn Nhạc cũng nhắc lại điều ấy cho các quan nhà Lê nghe. Nói chuyện với dân Nghệ An, Nguyễn Nhạc cũng nhún nhường tự coi là “họ ngoại của chúa Nam hà”.
Rõ ràng trước sau như một, Nguyễn Nhạc chỉ muốn dừng lại bên này Lũy Thầy. Việc Nguyễn Huệ kéo quân ra bắc phù Lê diệt Trịnh hoàn toàn ở ngoài tiên liệu của ông. Ông không muốn, mà cũng không ngờ. Nghe tin em đã chiến thắng ở tận kinh đô Đàng ngoài, Nguyễn Nhạc không vui mà lại sợ. Ông vội vã ra bắc lôi em ông về. Cho nên nếu không có vụ nồi da xáo thịt, thì cái cơ thống nhất cũng không thể thành tựu được. Dự đoán những khả-thể của lịch sử là việc liều lĩnh. Nhưng nếu dám liều thì có thể đoán được như sau: nhờ sự ngoan ngoãn vâng lời của Nguyễn Huệ mà uy quyền của vua Thái Đức trở nên tuyệt đối, Nguyễn Ánh ở Gia Định hết có cơ hội khôi phục, và nhà Tây Sơn đương nhiên trở thành vương triều cai quản cả giang sơn Đàng Trong như ước muốn của Nguyễn Nhạc. ở Đàng Ngoài, không có mối đe dọa từ Phú Xuân, tất nhiên họ Trịnh trở lại phủ chúa, và mọi sự diễn lại y như lúc chưa có phong trào Tây Sơn. Như vậy thì làm gì có thống nhất xứ sở?
Ngược lại, phải xem biến cố “nồi da xáo thịt” là một “điều chẳng đặng đừng” để tiến tới viễn tượng thống nhất. Không nên tìm cách đổ lỗi cho Nguyễn Nhạc “dâm, bạo” như sử quan triều Nguyễn. Tất cả trách nhiệm của biến cố này thuộc về Nguyễn Huệ: một mình Nguyễn Huệ!
*
* *
Chưa bao giờ Nguyễn Huệ cảm thấy cô đơn như vậy!
Ông thức trắng nhiều đêm. Một mình. Không thể nói chuyện u ẩn với ai. Cũng không có ai dám nói thẳng với ông những điều họ nghĩ, kể cả Lãng, Trần Văn Kỷ và công chúa Ngọc Hân. Những người thân thiết với ông đều hiểu ông đang ở vào một cảnh huống khó xứ, tiến thoái lưỡng nan. Quyết định của ông sẽ làm đảo lộn tất cả cuộc diện lịch sử, làm náo động dư luận. Nhiều người thân thuộc sẽ trở thành tử thù. Anh em vợ con chia lìa. Miệng thế mặc sức mà đàm tiếu, cười cợt. Cái chén thuốc đắng đó chính ông phải uống. Không thể sợ hãi, không thể nhắm mắt chạy trốn để đổ vấy cho ai khác. Dù tự tin bao nhiêu đi nữa, ở vào giờ phút quyết định này, tay ông vẫn run rẩy. Gánh nặng của trách nhiệm khiến ông ngột thở, và chua chát.
Trong những ngày định mệnh ấy, công chúa Ngọc Hân lo âu cho sức khỏe của Nguyễn Huệ, nhưng công chúa tế nhị không hở môi hỏi đến lý do tâm trạng căng thẳng của chồng. Ngọc Hân lặng lẽ thay nến trên bàn Nguyễn Huệ, châm nước trà thêm vào chiếc bình sứ, lẳng lặng đặt chén sâm trước mặt chồng rồi rón rén trở về phòng khuê. Nguyễn Huệ thức mấy đêm thì công chúa cũng thức mấy đêm. Đôi mắt công chúa thâm quầng, vừa lo lắng cho lần mang thai đầu tiên vừa lo lắng cho sức khỏe Nguyễn Huệ. Công chúa không dám khóc trước mặt Nguyễn Huệ. Nỗi đau xót Nguyễn Huệ đang tìm cách giải quyết lớn lao quá, công chúa không làm gì được. Chỉ biết khóc.
Trong lúc đó Nguyễn Huệ bậm môi chịu đựng gánh nặng trách nhiệm và dọn lòng chờ đón mọi hậu quả. Ông thừa hiểu vì sao Trần Văn Kỷ tìm cớ thoái thác không viết bài hịch. Ông thông cảm nỗi lo xa của viên Trung thư lệnh. Ông cũng hiểu động cơ nào thúc đẩy lại bộ Hồ Đồng viết những lời lẽ hỗn xược, nặng nề kể tội vua Thái Đức. Ông đã chụp bút định sửa, nhưng vào lúc chót, ông kịp dừng lại. Khi đã quyết định tấn công Qui Nhơn thì những chữ “sài lang, cẩu trệ” chỉ là tiểu tiết tối cần để biện minh cho quyết định táo bạo bất đắc dĩ trên kia. Đã như vậy thì sửa chữa cho nhẹ bớt có ích gì. Điều quan trọng là ở chỗ: Ta có thực tin hành động này cần thiết cho sự an nguy của muôn đời hay không?
Nguyễn Huệ dứt khoát tin tưởng điều đó.
Và khi đã giải quyết được khúc mắc cơ bản, ông cảm thấy lòng nhẹ nhõm. Quen quyết định nhanh chóng, ông ra lệnh phổ biến bài hịch, đồng thời với lệnh trưng binh. Tất cả đàn ông từ mười lăm tuổi trở lên đều phải nhập ngũ, Nhà nào cũng chỉ còn lại đàn bà con nít. Đình, chùa, miếu biến thành trại lính. Thiếu đồng để đúc khí giới và nồi, thì lấy cả những tượng Phật còn lại. (6)
Đạo quân hùng hậu kéo vào Qui Nhơn mùa xuân Đinh Vị có người ước lượng sáu vạn (7), có người tính đến mười vạn. (8) Giống như chuyến bắc tiến mấy tháng trước, đạo quân ô hợp ấy mau chóng trở thành một đạo quân hăng hái thiện chiến, do lòng tin tưởng tuyệt đối vào tài chỉ huy của Nguyễn Huệ, và tinh thần tự ái của dân Thuận Hóa được kích động mạnh mẽ.
Quân Nguyễn Huệ vào bao vây Hoàng đế thành, đắp núi đất cao để đặt đại bác bắn vào. Nguyễn Nhạc lấy đạn đem vào đền thờ ông bà kêu khóc để kể tội đứa em bất hiếu bất mục, rồi cho người lẻn vào Gia Định nhờ Nguyễn Lữ tiếp cứu. Đặng Văn Chân đem quân về đến Tiên Châu (Phú yên) thì bị tướng của Nguyễn Huệ đánh tan, chính Chân phải đầu hàng để làm tì tướng của Phú Xuân.
Nhưng Nguyễn Huệ không thể chiến thắng mau chóng dễ dàng như những lần hành quân trước. Ông đã hạ lệnh giáp công hai ba lần, nhưng lần nào cũng bị đẩy lui, số quân Phú Xuân đông đảo bị hao hụt đến một nửa. Vòng vây không đủ khép kín, trong khi cuộc chiến đã nhì nhằng dằng dai cả tháng. Nguyễn Huệ phải lấy thêm quân Thuận Hóa, gọi nhập ngũ cả những đứa trẻ vừa đủ mười lăm tuổi.(9)
Vua Thái Đức chờ viện binh mãi không được, lại thấy quân Thuận Hóa được tăng cường đông đảo, tuyệt vọng, bắt buộc phải ẵm Quang Toản con Nguyễn Huệ lên mặt thành kêu khóc để gợi tình máu mủ.
Nguyễn Huệ chỉ có thể bậm môi kiên gan đến mức độ ấy. Trông thấy vua anh hạ mình kêu gọi hòa giải, lòng ông rúng động. Ngay tức khắc Nguyễn Huệ ra lệnh giải vây. Trần Văn Kỷ được cử vào thành để thương lượng cách phân chia vùng kiểm soát. Kẻ chiến bại phải chấp thuận các đòi hỏi của kẻ chiến thắng.
Vua Thái Đức bằng lòng nhường thêm Quảng Nam cho Nguyễn Huệ, lấy Bến Ván làm ranh giới ngăn cách đất của Bắc Bình vương Nguyễn Huệ và vua Thái Đức.
Đến lúc này (lúc hai anh em đồng ý chia đất để tránh va chạm quyền lợi của nhau) viễn tượng thống nhất mới thực sự bắt đầu tan vỡ. Nguyễn Huệ nhìn xa thấy rộng, cao vọng lớn, nhưng không thể vượt lên khỏi các ràng buộc của tình ruột thịt.
Làm sao được! Ngoài khối óc, ông còn có một trái tim nhạy cảm!
Con đường nam tiến của ông đã bị tắt nghẽn ở Bến Ván. Tuổi già của vua Thái Đức, sự bất lực của Đông Định vương Nguyễn Lữ trở thành hai lớp lũy dày bảo vệ cho Nguyễn Ánh ở Gia Định tự do hoạt động khôi phục. Ước vọng thống nhất đành phải chịu dang dở.
Cho nên, nếu Nguyễn Huệ xứng đáng nhận lấy vinh quang vì can đảm hy sinh cái tiểu tiết để phụng sự đại cuộc, thì chính Nguyễn Huệ cũng phải một mình chịu trách nhiệm về sự yếu đuối của mình. Ông dám bất tuân lệnh vua anh vượt qua Lũy Thầy, nhưng không đủ sức mạnh ý chí và sự lạnh lùng để vượt qua cái lũy vô hình là tình máu mủ. Bến Ván! Bến Ván! Cái tên ấy sắc sảo như một lưỡi gươm bén chém đứt thân thể của xứ sở, chém đứt ước vọng thống nhất của một người anh hùng dám một mình chịu đựng tất cả tai tiếng, dèm pha, đàm tiếu, thực hiện cho được cao vọng của mình. Những dao động, thanh toán nội bộ sau biến cố quan trọng này, tất nhiên không thể tránh khỏi. Kể tỉ mỉ làm gì những điều vụn vặt ấy!
Nguyễn Mộng Giác
(1) Liệt truyện, quyển 30, tờ 14.
(2) Liệt truyện, quyển 30, tờ 14
(3) Lịch sử nội chiến ở Việt Nam. Tạ Chí Đại Trường, trang 144.
(4) Liệt truyện, quyển 30, tờ 13b, 14a.
(5) Hoàng Lê, trang 193.
(6) Thư Doussain gửi cho Descouvrières 8-6-1787 (BEFFEO 1912, trang 19)
(7) Thư Doussain 6-6-1787.
(8) Thư Labartette gửi cho Letondal 21-5-1787. (Launay III, trang 129)
(9) BEFFEO, 1912, trang 17.