Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàTruyện DàiTiếng Chim Vườn CũTiếng Chim Vườn Cũ - Chương cuối

Tiếng Chim Vườn Cũ – Chương cuối

Me tôi đi từ trưa tới giờ chưa về.

Tôi để mặc cho bà làm gì thì làm, vì không còn cách nào khác. Tôi đã chẳng làm được tích sự gì, nên phải để cho me tôi cầu viện đến các đấng thần linh. Me tôi đã cầu khẩn van vái hết nhà thờ đến nhà chùa. Và mặc cho me tôi khóc nức nở khi lâm râm cầu khẩn, Phương Thảo vẫn vậy.
Hai hôm nay, me tôi nghe lời người ta đồn đãi, tìm lên miếu Ông. Me tôi theo đuổi một chút hy vọng nhỏ nhoi, một chút ánh sáng le lói cho tuổi già quá nhiều bóng tối của bà. Tôi biết vậy. Đó cũng là một nhu cầu cần thiết cho cuộc đời. Cho nên tôi sẵn sàng ở nhà coi sóc Phương Thảo cho me tôi yên lòng đi tìm một lẽ sống.

Trời bắt đầu tối. Tôi dìu Phương Thảo xuống nằm ở ghế dài kê cạnh cửa bếp cho Phương Thảo trông ra khu vườn chuối đã bắt đầu ngả màu tối. Nàng để mặc cho tôi dẫn đi, vai kê tin cậy vào vòng tay tôi. Ðến gần ghế, như một cái máy, Phương Thảo ngồi xuống, ngã lưng lên tựa trên hai cái gối lớn và duỗi chân dài ra, như mọi lần. Nàng không quay lại nhìn tôi, chỉ hướng mắt đăm đăm về phía có mấy tàu lá thẫm phất phơ. Tiếng lá xì xào như gợi được sự tò mò của Phương Thảo vì khi gió mạnh, tiếng xao xác to hơn, tôi thấy đôi mắt nàng khẽ chớp.

Tôi để mặc Phương Thảo ngồi yên ở đỏ, lại phía bếp nấu sẵn cơm giùm cho me tôi. Hôm qua trời mưa tạt vào mái hiên, nên củi khô bị thấm nước. Tôi nhen mãi lửa vẫn chưa bắt lên mấy thanh củi ấm. Khói bay mù mịt, tro vươn vãi tứ tung lên mặt, tóc, và cổ tôi. Nhìn quanh để tìm giấy nhen lửa, tôi không thấy được mảnh giấy loại nào.

Tôi lên bàn học tìm, và đúng lúc đang hối hả ấy, tập luận án còn lại của tôi nằm ngay giữa bàn.

Tôi nhìn cái bìa in đẹp với đôi chút mỉa mai. Tôi nhìn chiều dày của nó, với tất cả thẹn thùng. Tất cả, tất cả, chỉ là những lầm lẫn to lớn, những huênh hoang vô lý. Tại sao tôi lại có thể ngây thơ đến độ cặm cụi tra tìm những chồng sách bám bụi trong thư viện, đem cai khung thuyết này cái mẫu thuyết kia gán ghép cho trường hợp của Phương Thảo.

Chưa chi đã vội hí hửng tuyên bố thế này thế khác. Nào lối loại suy chính xác, để lần đến nguyên nhân căn bệnh. Nào những nghiên cứu công phu với lời rào trước đón sau đặc giọng khiêm nhường lố bịch.

Tôi đã chẳng biết gì cả. Tôi không xứng đáng, vì đã thất bại hoàn toàn. Bực bội, tôi giận cả chính tôi . Phải làm cái gì đó, để tự chứng tỏ sự bất lực của mình . Để sòng phẳng .

Ít ra, tôi phải tự cho tôi biết rằng mình không đáng giá bao nhiêu . Ý nghĩ lóe trong đầu . Không do dự tôi chụp tập luận án đem xuống bếp . Tôi vất hết mớ củi ướt ra, xé mạnh một lượt hai tờ giấy trong luận án để bật diêm đốt . Phần dẫn nhập và đề tặng làm cho nước trong son bắt đầu sủi bọt . Hết phần chẩn bệnh thì nước đã sôi . Phần trị liệu giúp cho cơm cạn . Sau khi chắt hết nước cơm thừa, dùng muỗng trộn đều và đậy nắp lại chờ chín, chỉ còn trên tay phần Tồn Nghi .

Lúc bấy giờ, bên ngoài trời đã tối hẳn. Ngọn lửa trên bếp đã tắt. Chỉ còn lại một vài đóm tro hồng đủ soi lờ mờ hai chữ Tồn Nghi ở đầu trang giấy.

Tồn nghi ! Tồn nghi ! Tất cả đều nên xếp vào phần tồn nghi, từ kiến thức sách vở của tôi cho đến cả cuộc đời mù sương của Thảo. Sau bao nhiêu năm học hành, và bao nhiêu tháng lặn lội để tìm dấu vết một quá khứ, trước mặt tôi, vẫn chỉ là một vùng mây mù.

Tôi bật diêm thắp sáng ngọn đèn dầu hỏa. Ánh sáng không làm cho Phương Thảo quay lại. Nàng vẫn nhìn thẳng vào bóng đêm, nhìn tận một phương trời xa lạ nào đó chưa từng có trong tầm mắt.

Tôi cũng vậy. Tôi đã tìm xa, thật xa. Nhưng gốc bệnh lại ở quá gần. Ở trong lũy tre già xơ xác từng chứng kiến sự phế hưng mau chóng của hết thế hệ này đến thế hệ khác.
Ở cánh đồng xanh màu cỏ lúa, mà mỗi luống cày mỗi vồng rau đều đã thấm máu vô tội của bao lớp dân nghèo.

Ở những căn nhà tranh cửa đóng im ỉm giống các đôi mắt nhắm lại để khỏi nhìn thấy xót xa, cay đắng.

Gốc bệnh ở thật gần : Ở một ám ảnh khủng khiếp trong thời thơ ấu của Phương Thảo. Chỉ có điều đó là không đáng tồn nghi. Chắc chắn như thế. Tôi muốn kiểm chứng lần chót.
Tôi giả tiếng tu hú, cất giọng rền rĩ trong khi cố quay mặt về hướng đèn cho Phương Thảo khỏi nhìn thấy môi tôi mấp máy.

Quả nhiên, chiếc ghế lay động.

Phương Thảo quay hẳn lại phía tôi, mắt ngơ ngác tìm kiếm. Nhưng tôi đau nhói trong lòng khi thấy trong chút ý thức hiếm hoi ấy, mắt nàng vẫn tràn đầy hoang dại, xa vắng.
Tôi biết mình đã tìm được gốc bệnh. Nhưng đồng thời, tôi cũng biết rằng mình bất lực hoàn toàn. Tôi không có phép trị liệu nào.

Phương Thảo bị ám ảnh, đến độ khủng khiếp, bởi những cây cọc cắm đầu lâu để bêu giữa chợ, bởi đôi mắt trắng dã mở lớn nhờ sáng kiến của người sống, bởi đôi môi tái ngậm hờ điếu thuốc bốc khói ….

Tôi tìm đâu ra một thế giới “trong sạch” cho Phương Thảo bây giờ?

Đâu đâu cũng chỉ có những lâu đài dựng bằng những cây cọc cắm đầu lâu, và đâu đâu cũng gặp phải những làn môi thâm nhả khói ảo tưởng cho đôi mắt mơ màng đuổi bắt.

Không còn chỗ nào dành cho em nữa đâu, hỡi Phương Thảo của anh !

HẾT

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 4157

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây