Lợi về đến nhà, bỏ mặc cho người lính hầu dẫn ngựa đi ăn thóc và uống nước chứ không đích thân chăm sóc con ngựa ô tốt giống như các lần trước, vội vã bước nhanh vào nhà. Cái khăn trên đầu bị lệch làm cho tóc xổ cả xuống trán. Nhưng Lợi không có thì giờ sửa khăn lại. Anh gọi các con. Chỉ có con Thái trả lời cha. Lợi nôn nóng hỏi:
– Mẹ đâu rồi?
Thái lo âu đáp:
– Mẹ đi tìm cha mà!
– Đi hồi nào?
– Dạ mới hồi nãy.
Lợi nhìn con, đo lường xem đứa con gái nhỏ có đủ sức hiểu việc người lớn hay không. Sau một lúc do dự, Lợi hỏi:
– Mẹ có nói gì với con không?
– Dạ không. Mẹ mếu máo khóc. Việc gì vậy cha? Con hỏi, mẹ lắc đầu không nói.
– Vậy con có nghe mẹ nói chuyện vào cung không?
Bé Thái mừng rỡ đáp, mắt đỏ vì thương mẹ:
– Dạ có.
– Vậy mà lúc nãy con bảo mẹ không nói gì!
– Mẹ nói cả buổi sáng chầu chực xin gặp Hoàng hậu mà không được. Chiều nay mẹ đi lần nữa. Hoàng hậu cho người ra cổng bảo Hoàng hậu khó ở, không tiếp khách.
Lợi thấy cách ăn nói của con gái khôn ngoan rành mạch như người lớn, kéo con vào lòng vuốt tóc nó. Anh ngồi tần ngần, không nói năng gì, khiến Thái cứ nơm nớp không biết có nên nói thêm vài câu để cha vui lòng hay không. Một lúc sau, Lợi hỏi:
– Mẹ đi về phía nào con biết không?
Thái đáp:
– Dạ không. Lúc đi, mẹ có hỏi anh hầu: nhà riêng của quan Trung thư ở phía nào.
Lợi quên mình đang nói chuyện với con, gắt gỏng:
– Sao lại đến nhà ông đồ Kỷ?
Thái sợ, không dám nói gì nữa. Lợi hỏi:
– Đến nhà quan Trung thư? Hồi nãy con bảo mẹ đi tìm cha?
Giọng Thái run run:
– Con tưởng cha lại đằng đó. Hay… hay là mẹ đi tìm cậu Lãng, thưa cha?
Lợi thấy dự đoán của con rất hợp lý. Gần đây Lãng thường tìm cớ đến nhà quan Trung thư luôn, đến nỗi mỗi lần Lãng ghé tạt về đây, cả An lẫn cháu đều đem chuyện đó ra làm đề tài trêu chọc Lãng. Lợi thấy không còn giải pháp nào thích hợp hơn là kiên nhẫn ở nhà đợi vợ. Bây giờ anh mới thấy khát. Lợi bảo:
– Con vào rót cho cha chén nước.
Thái gỡ tay cha đứng dậy đi rót nước. Lợi lấy khăn lau mồ hôi trên trán, lúc đó mới chú ý đến cái khăn lệch. Anh đưa tay vuốt tóc để đội khăn cho ngay ngắn. Một sợi tóc bạc dính vào lòng bàn tay ươn ướt mồ hôi. Lợi chợt nghĩ: tóc mình bắt đầu bạc hồi nào? Bốn mươi tuổi đã là bao. Trong các tiệc rượu, bọn ca nhi tuổi cập kê vẫn thường gọi ta là “anh” và nhất định không chịu tin ta đã bốn mươi tuổi. Vậy thì tóc ta bạc từ lúc nào? Thôi, phải rồi! Tất cả đều do bọn tay chân Bùi Đắc Tuyên. Những chủ ghe Đồng Nai lo cho ta từng cái khăn đội đầu, cái đãy thêu đựng thuốc. Họ dám dốc hết túi để giúp ta. Không biết khi bị tra khảo, họ có khai bậy gì cho ta không?
Lợi lại đâm lo. Con Thái đặt khay nước trà xuống cái bàn chân nai trước mặt cha. Lợi quên cả khát, nét mặt bần thần. Thái phải nhắc:
– Cha uống nước ạ! Con đi lấy cái quạt lông công cho cha nhé. Cha uống nước đi.
* * *
Nghe tiếng An ngoài cửa, Lợi vội bỏ chén nước đang uống dở, đứng bật dậy. Chén nước bị đặt ngoài mép khay nên nghiêng đổ cả nước trà ra bàn. Mặc cho con gái xếp lại chén và lau chùi nước vung vãi, Lợi chạy ra gặp vợ. An chưa kịp nói gì, Lợi đã hỏi:
– Thế nào?
An mếu máo định nói, nhưng thoạt thấy con gái đứng bên cạnh, khuôn mặt trẻ thơ đầy lo âu, An mím môi yên lặng. Lợi hiểu ý, không hỏi thêm gì nữa. Vào nhà rồi, An hỏi con:
– Có ai hỏi mẹ không?
– Dạ không. À có. Có một bà thấp người, có nốt ruồi lớn trên cằm hỏi mẹ có lấy xấp nhung tàu không?
Lợi cằn nhằn:
– Nhung với gấm. Đến nước này mà em còn…
An bực dọc gắt:
– Còn thế nào? Chính anh nhờ em mua nhung để biếu cho bà đô đốc.
Lợi biết mình nói hớ, không nói gì nữa, nhưng nét mặt vẫn cứ hằm hằm. An hỏi bé Thái:
– Nước trà ở đâu tung tóe khắp nhà vậy?
Thái liếc về phía cha, đáp nhỏ:
– Con vô ý, xin lỗi mẹ!
An bảo:
– Con rót thêm cho mẹ chén nước. À thôi, con lấy dao cắt cam cho cha ăn luôn thể.
Con bé đi rồi, Lợi vồ vập hỏi An:
– Không được gì cả phải không?
An mếu máo khóc:
– Chưa bao giờ em nhục như vậy. Người ta cho con hầu ra đuổi em như đuổi chó.
– Còn về phía Công chúa?
An thở dài chán nản:
– Cũng chẳng được tích sự gì. Mới đầu vào cung, thấy Công chúa mừng rỡ đón tiếp, em đã mừng. Hình như Công chúa đang chờ em lắm. Nhưng vừa ngồi xuống, Công chúa gục đầu vào lòng tràng kỷ thút thít khóc. Công chúa khổ tâm quá, không biết thố lộ cho ai mối khổ tâm nên gặp được em như bắt được vàng. Công chúa cứ cầm tay em, ray rứt hỏi: “Có đúng thế không? Có đúng như lời thiên hạ đồn đãi là tướng công đã ra lệnh đục thuyền dìm chết hoàng thân Lê Duy Án? Ai nỡ làm vậy! Nhất định những kẻ ghen tị, thù hận tướng công đặt điều nói xấu mà thôi, phải thế không? Sao họ lại có thể dối trá như vậy được? Đem điều ác gán cho người ta, họ không thẹn với lương tri hay sao? Tướng công làm việc gì cũng quang minh chính đại, muốn giết thì giết, việc gì phải hại ngầm. Mà tại sao người ta lại thù hận, ghen tị được với một người như tướng công? Họ phao truyền toàn những lời độc địa. Họ còn bảo đáng lẽ tướng công đích thân cầm quân ra bắc diệt tuyệt họ Lê nhưng sợ sĩ phu Bắc Hà, nên mới sai đến tiết chế Nhậm. Nhậm là phò mã của hoàng đế, nên nhân cơ hội làm quá đi để bêu riếu tướng công trước dân Bắc Hà. Tôi nghe mà sững sờ. Muốn bịt tai lại để khỏi biết những điều độc ác, nhưng tò mò nên cố dằn lòng để nghe cho biết. Sao thiên hạ đặt điều lắm chuyện thế hở chị? Họ nói dối, phải không chị? Chị trả lời cho tôi biết đi. Chị quen biết tướng công từ thời khởi nghiệp, chị có hiểu tướng công đã làm gì mất lòng người ta để họ vu oan giá họa như vậy?” Đấy, từ đầu chí cuối Công chúa vừa khóc vừa hỏi, không cho em có thì giờ trả lời nữa. Em muốn nói chuyện mình, mà không thể mở miệng được.
Lợi tức giận:
– Sao lại không?
An đáp liền:
– Em thì chịu. Nói điều gì, chẳng khác nào nhè nhà có tang mà đến mượn tiền.
– Chính vào lúc đó mới dễ nhờ vả, vì người ta đang bối rối.
An đang cúi mặt vuốt lại nếp áo, nghe chồng nói vậy, vội ngước lên nhìn Lợi. An cảm thấy ngao ngán, cay đắng, thất vọng. Trong nỗi lo lắng, hoang mang, Lợi không nhận ra được nét biến đổi trên gương mặt vợ. Lợi trách:
– Vậy là mất toi cả buổi sáng. Rồi em có tìm được cậu Lãng không?
– Không. Buổi chiều nó không đến, vì đã ở đằng đó cả buổi sáng rồi. Nhưng lúc em cố xin vào gặp Hoàng hậu một lần nữa, con hầu có nói bóng gió một chuyện ghê gớm lắm. Anh, hình như bọn chủ ghe đã khai điều gì đó.
Lợi giật mình như vừa ngồi phải lửa:
– Nó nói gì mà em đoán thế?
Bé Thái bưng dĩa đựng tám miếng cam cắt khéo ra cho mẹ. Hai vợ chồng ngưng câu chuyện, nhìn nhau buồn rầu. Thái làm bộ xin lỗi:
– Con dao không được bén, nên con cắt vụng.
An cảm động nhìn con, dịu lời bảo:
– Con khéo lắm. Mẹ cắt cũng không được như con đâu.
Thái ngún nguẩy:
– Mẹ chỉ nói!
– Nhưng con tính vụng rồi. Một trái không đủ đâu. Con vào cắt thêm cho mẹ trái nữa.
Chờ cho con đi khỏi, Lợi vội hỏi:
– Con thị nữ đằng chỗ Hoàng hậu nói gì?
– Nó cười mỉa, rồi vờ như không biết em là ai, quay lại nói với con bạn: “Không biết ông Lợi ông Lộc nào đó làm chuyện gì mà quan thái sư (Bùi Đắc Tuyên) ghét hắn thế. Trước lúc ra về, ông ấy còn nghiến răng đe dọa: “Cứ đánh cho nát thây tất nhiên chúng nó phải khai. Một đứa đã thú có mưu với thằng Lợi, mấy đứa kia chối sao được”. Tao nghe cứ rợn cả xương sống, tưởng ông ấy đang đe tao”.
Lợi sợ hãi đến líu lưỡi, phải trấn tĩnh thật lâu mới thì thào bảo vợ:
– Như vậy là nguy lắm!
An cũng hạ thấp giọng, run run đáp:
– Mấy đêm nay em có ngủ được đâu. Trước kia em đã bảo…
Đột nhiên Lợi quát:
– Bảo cái gì? Bây giờ còn định…
Thấy con gái bước ra, Lợi bỏ dở câu nói. Thái ngơ ngác nhìn cha rồi nhìn mẹ. Nó đủ thông minh để đoán biết nhà đang gặp nạn lớn. Thái đặt dĩa cam xuống bàn, rồi òa lên khóc tức tưởi. An phải ôm lấy con, dỗ dành:
– Kìa, sao lại khóc? Con ngoan của mẹ, không có gì đâu. Mẹ với cha chỉ cãi nhau vì chuyện vặt mà thôi. Đã bảo! Nín đi. Nín đi con. Vào đây mẹ lấy khăn lau mặt mũi cho. Chừng này tuổi mà còn khóc nhè, xấu lắm.
Tuy nói thế, nhưng chính An cũng khóc lúc nào không hay biết!
* * *
Hai vợ chồng cùng dậy sớm để nhìn vẻ xơ xác của nhau. Khuôn mặt An gần đây vốn đã ốm, đầu tóc lại không chải, nên Lợi càng thấy vợ già. Anh nghĩ “bọn ca nhi nói đúng thật. An chẳng khác gì chị cả của mình”. Ý nghĩ đó khiến Lợi xấu hổ, nhưng nó cũng thôi thúc Lợi nói với vợ điều anh ngẫm nghĩ đêm qua. Lợi nói:
– Em này!
An hỏi bằng giọng rã rời, hơi khao khao:
– Cái gì anh?
Cái nhìn của vợ khiến Lợi e ngại, xấu hổ. Lợi nói tránh:
– Hình như đêm qua thằng Phát về khuya đấy. Lúc đó em ngủ chưa?
– Còn thức.
– Em không mắng cho nó một trận. Nó chơi ở đâu vậy?
– Em không hỏi.
– Sao lại không hỏi. Độ này nó không chịu động đến cái bút, cái nghiên. Hư quá rồi.
– Tại anh đấy.
– Sao lại tại anh?
– Cho nó tiền nhiều, tất phải hư.
– Con nhà quan hư hết sao? Con hư tại mẹ.
An không muốn cãi vã, chán nản nói:
– Vâng. Tại mẹ.
Lợi không ngờ An trả lời gọn như vậy, bật cười. An cũng mỉm cười, tự thấy hai vợ chồng đều ngớ ngẩn. Lợi không bỏ qua cơ hội, lại nói:
– Em này!
– Anh bảo sao ạ?
– Cả đêm qua anh tính lui tính tới, thấy chỉ còn một cách.
An đưa mắt dò thầm ý chồng. Lợi rụt rè trước khi tiếp:
– Anh phải trốn thôi. Trốn trước khi quá muộn!
An giật mình, thảng thốt hỏi:
– Trốn đi đâu? Gia đình đùm đề thế này!
Lợi lấy bạo, nói điều khó nói nhất:
– Chúng nó chỉ nhắm vào anh, nên tạm thời anh phải lánh mặt đi.
– Nhưng đi đâu?
– Vào Gia Định.
An hoảng hốt hỏi:
– Còn mẹ con em ngoài này làm sao? Vả lại, đã chắc gì Đông Định vương giúp anh. Rồi xa xôi cách trở thế, chắc gì còn có ngày còn gặp lại nhau.
An thút thít khóc. Lợi không muốn để cho xúc động ngăn anh nói ra điều quan trọng hơn hết, nên cười nhạt một tiếng, bảo vợ:
– Em tưởng anh vào đó làm tôi mọi cho “chú Bảy” ư? Không, làm tôi cho ba anh em nhà họ bấy lâu đủ rồi!
An ngơ ngác hỏi:
– Vậy anh định làm gì trong Gia Định?
– Anh vào đó với ông Chủng (Nguyễn Ánh).
An hoảng sợ, không dám tin những điều vừa nghe là có thật. Chị cứ nhìn đăm đăm vào mặt chồng, cố hy vọng chồng nói đùa, hoặc lỡ lời trong một lúc phẫn chí. Nhưng không, Lợi nói tiếp:
– Nhà Tây Sơn sắp đổ rồi. Anh em đánh nhau như vậy thì vững sao được. Ai nhìn xa trông rộng cũng thấy điều đó. Chỉ vì mọi người đều sợ khó, sợ nguy, buông tay để mặc cho thế cuộc đưa đẩy, nên không ai dám đi trước. Mình hơn thiên hạ ở chỗ dám làm trước mọi người. Kể ra cũng không phải là người đầu tiên, vì trước đây đã có Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Đăng Vân. Nhưng mình vào lúc này chưa phải là chậm. Anh vào Gia Định nhiều lần nên anh biết. Đất trong đó rộng, đủ chỗ cho mình, ở đây chật hẹp quá.
An qua được cơn xúc động ban đầu, chậm rãi trách chồng:
– Anh tính chuyện riêng của anh thông suốt, đơn giản lắm. Nhưng anh có nghĩ khi anh làm phản rồi, mẹ con em sẽ ra sao không?
Lợi lúng túng, nói lấp:
– Chẳng lẽ Chính Bình vương nỡ quên tình nghĩa thầy trò, quên… quên… (Lợi muốn nhắc đến mối tình cũ của Nguyễn Huệ, nhưng không dám) tình bạn bè, đến nỗi ra lệnh hại em và các con? Vả lại, Bùi Đắc Tuyên đã bắt đầu ngờ vực anh rồi, trốn cả nhà sao được. Hôm trước anh xin theo đoàn thuyền của Phạm Văn Hưng để vào Gia Định, lão ta bảo bộ Binh bác ngay. Một mình anh thì có thể tìm cách lừa tay chân của lão…
An cắt lời chồng:
– Thôi, anh đừng nghĩ quẩn nữa. Chưa có gì tuyệt vọng đến nỗi phải tính tới chuyện ghê gớm ấy. Lão Tuyên có làm gì mặc kệ, quan trọng là ở Chính Bình vương. Anh không thấy hai lần trước ông ấy mắng mỏ bộ Hình hay sao. Mình gặp thằng Lãng hỏi cho rõ, rồi hãy tính. Đừng phẫn chí liều lĩnh, anh. Có làm gì, có định làm điều gì, cũng phải nghĩ đến em và các con. Nhất là các con. Chúng nó có tội tình gì…
An nghẹn lời, không nói hết được điều khủng khiếp, bi đát chị vừa tưởng tượng ra cho tương lai các con. Lợi không biết nói gì thêm, bắt đầu sợ chính ý nghĩ của mình.
* * *
Những ngày sau đó, ý định táo bạo của Lợi trở thành nỗi ám ảnh hãi hùng của An. Càng nghĩ, chị càng thấy lo. Chị biết lắm. Lợi không phải là người dễ dàng chịu nhận sự rủi ro, thua thiệt về phần mình, Lợi có thể làm bất cứ việc gì. Cho nên An không cho Lợi đi đâu cả. Ban đầu Lợi còn ngoan ngoãn. Về sau, cuồng cẳng, Lợi xin đi uống rượu để quên. An bắt chồng thề không được đến nhà bạn bè, hoặc tới chỗ hẹn với bọn các lái. Cứ đến quán rượu đi. Từ đó chiều nào Lợi cũng trở về nhà với bộ mặt đỏ gay, ăn nói lè nhè, đôi bữa chủ quán phải cho người dìu Lợi về. An lo thay quần áo, lau chùi các chỗ Lợi ói mửa vung vãi, tuy hết sức phiền muộn nhưng không dám trách cứ chồng một lời. Thà Lợi nát rượu còn hơn để cho anh tỉnh táo suy nghĩ đến những chuyện động trời.
An đặt hết hy vọng vào Lãng vì Lãng làm việc gần gũi được cả Chính Bình vương lẫn Trần Văn Kỷ. Chiều nào chị cũng thấp thỏm chờ Lãng đến, lo sợ nhiều hơn là hy vọng. Lãng khổ tâm thấy chị đứng ở cổng chờ mình, đôi mắt hớt hải, môi run run lập cập thốt lên câu hỏi quen thuộc:
– Thế nào, họ đã trình lên rồi phải không?
Anh thương chị, xót xa cho hoàn cảnh chị, đồng thời cũng băn khoăn tự hỏi làm sao chị mình lại có thể gắn bó tha thiết với một người chồng tầm thường như vậy. Thà An đau đớn da diết vì một cái gì cao cả Lãng còn đỡ hận. Đằng này… Lãng chịu thua, không hiểu nổi đàn bà. Một lần Lãng thử kể chuyện Chính Bình vương bị bệnh không thể thiết triều xem thử phản ứng của An thế nào. Anh thất vọng não nề. An dửng dưng, chỉ bảo:
– Thế à. Còn việc anh Lợi?
Lãng hoang mang không hiểu cái gì mới là cái xương sống để tình yêu đứng được với thời gian: sự cảm thông giữa hai tâm hồn? Sắc đẹp? Tiền tài? Đời sống chăn gối? Nghĩa vụ đối với con cái? Hoặc tệ hơn nữa, là sự kiên nhẫn chịu đựng cái tầm thường yếu đuối của nhau? Lãng xót xa so sánh người chị thời An Thái với người đàn bà nạ dòng mặt mũi hốc hác, đầu bù tóc rối, đang cuống quít than thở bên cạnh anh chồng say, lòng thắt lại. Giá anh có thể mang đến một tin vui cho chị đỡ khổ. Mọi việc đều ở ngoài tầm tay Lãng. Anh chỉ có thể báo tin mà thôi, còn bao nhiêu âm mưu phức tạp, bao nhiêu sự kiện đang xảy ra trong cái guồng máy khổng lồ khó hiểu để đẻ ra cái tin dữ hay tin lành cho An, thì Lãng chịu!
Nhưng khoảng đầu tháng ba năm đó, Lãng hớn hở về nhà chị với một tin vui. Không để cho An kịp hỏi, Lãng nói trước:
– Tạm yên rồi chị ạ. Vào đây em kể cho nghe.
An reo lên, hai tay bấu lấy vai em:
– Thật sao Lãng? Nhưng… nhưng cái gì tạm yên?
Lãng không muốn cho chị hồi hộp, lo âu vô ích, đáp liền:
– Vụ anh Lợi ấy.
An líu cả lưỡi, bắt em dừng lại:
– Em có nói dối với chị không? Đừng nói dối cho chị vui, tội nghiệp. Em kể liền cho chị nghe đi. Nhưng thôi, em vào đây kể cho anh Lợi nghe luôn. Vào đây đi. Này chú, dắt ngựa cho uống nước nhé. Em đưa cương cho chú ấy. Nhớ cho nó ăn thóc nhé. Em vào lối này. Chỗ cửa có một chỗ anh Lợi ói mửa đêm qua chị chưa kịp sai chúng nó dọn. Ủa, anh Lợi đi đâu rồi? Lại đi. Tội nghiệp. Anh ấy lo đến nỗi không ăn ngủ gì được. Họ dựng lên những chuyện tày trời, ai không lo. Ngồi xuống đây. Khỏi cần nước nôi gì nhé? Kể cho chị nghe đi.
Thấy chị mừng rỡ cuống quít, Lãng vui lây. Anh cố ý khề khà chậm rãi để kéo dài chút vui hiếm hoi:
– Việc chúng nó muốn gán cho anh Lợi ấy mà. Nhất là sau khi một tên chủ ghe Đồng Nai nhát đòn chịu khai theo ý chúng nó…
An mất kiên nhẫn, giục:
– Biết rồi. Sau đó chúng nó… Sau đó họ làm gì nữa?
– Chúng nó ăn ý với bộ Hình, cố tra khảo để bọn còn lại chịu khai đã nhận lệnh của Gia Định ra đây nhờ anh Lợi làm nội ứng. Nhưng bọn này khôn hơn tên chết nhát kia: nếu khai như vậy, chính bọn họ cũng phải tội chết. Cuối cùng chỉ được lời khai của một tên mà thôi.
– Chuyện đó chị cũng biết rồi.
Lãng ngạc nhiên hỏi:
– Làm sao chị biết?
– Lão Tuyên tâu với Hoàng hậu, bọn thị nữ nghe được, kháo chuyện với nhau. Nhưng sau đó, họ làm gì?
– Chúng nó cứ trình cả lời khai ấy lên, với các đơn tố cáo bên bộ Hộ và Tàu vụ. Lập luận của chúng là anh Lợi được phân cho nhiệm vụ rất hệ trọng là tìm cách triệt lương của Phú Xuân. Dĩ nhiên công việc này chỉ là dự tính về sau, khi Gia Định đủ mạnh để mang quân ra đây. Trước mắt, anh Lợi phải nắm cho được các nguồn tiếp tế lương thực như Tàu vụ, các đoàn buôn gạo từ Đồng Nai, các kho chứa thóc, các mối hàng xáo… Về điều này, chúng nó có đủ bằng chứng.
An nóng nảy phản đối:
– Nhưng đó là công việc bộ Hộ giao cho anh Lợi kia mà!
– Bộ Hộ lại trình là anh Lợi làm quá nhiệm vụ được giao để thủ lợi riêng. Về việc này… về việc này…
An hiểu vì sao Lãng do dự không nói hết ý, vội khỏa lấp:
– Dù có trình thế nào rồi cũng không qua được mắt Chính Bình Vương. Anh ấy… ông ấy nghe tâu như vậy, đã quyết định thế nào?
– Lần này, anh Huệ không gay gắt với chúng nó như hai lần trước. Anh ấy chịu ngồi nghe tâu hết từ đầu chí cuối, hỏi rõ tại sao chỉ có một tên chịu khai trong khi các tên buôn gạo khác đều phủ nhận. Anh ấy còn hỏi bằng cớ để chứng minh việc anh Lợi làm có liên quan đến lời khai kia. Chúng nó ú ớ, đáp không xuôi. Anh Huệ nói: “Thôi được. Nếu quả đúng như các ông trình thì vụ này cũng quan trọng đây. Nhưng hiện ta còn nhiều việc phải lo trước. Các ông đã nghe phò mã (Vũ Văn Nhậm) ở Thăng Long đã tự chuyên, làm nhiều điều thất nhân tâm như thế nào rồi. Tiếng oán than đã vào thấu đây, ta không đích thân ra đó gỡ giúp cho phò mã không được. Phò mã xuất thân võ biền không thạo các điều lắt léo của việc cai trị, tính lại hay tự kiêu, tham lam. Khổ thế! Nếu ta làm ngơ để mặc cho hắn sa lầy, Hoàng đế lại nghi ta đưa hắn vào chỗ chết vì hiềm khích. Các ông tạm thay ta lo việc Phú Xuân ít lâu. Không. Quan Trung thư sẽ cùng đi với ta ra Bắc. Lúc về ta sẽ xem lại vụ này. Nếu các ông không có bằng cớ gì thêm cho xác đáng, thì bắt buộc ta phải nghĩ các ông cố ý hại người vì tư thù. Độ này Đắc Trụ làm gì vậy ông Tuyên?”. Chị biết không, đột nhiên anh ấy hỏi thế, khiến Bùi Đắc Tuyên giật mình, ấp a ấp úng. Anh ấy biết hết mọi việc làm của cha con nhà ấy, làm sao qua mắt anh ấy được.
An vẫn lo âu:
– Như vậy câu chuyện vẫn chưa ngã ngũ gì cả!
– Chị còn đòi gì nữa. Anh ấy nói như vậy là rõ rồi.
– Chị có nghe em thuật là ông ấy… anh ấy nói anh Lợi vô tội đâu? Chỉ gác lại để sau này xét mà thôi.
Giọng Lãng hơi bực:
– Nhưng chị quên ông Tuyên là anh ruột Hoàng hậu. Anh ấy phải tìm lời khéo léo để khỏi làm mất thể diện ông ta chứ. Với lại…
An vững tâm hơn, cười bảo em:
– Chị lo âu quá, mất cả sáng suốt. Như vậy là tai qua nạn khỏi rồi chứ, Lãng?
– Vâng.
– Sao chị thấy em không được vui?
Lãng không muốn nói rõ những điều mình nghĩ về Lợi, nói tránh đi:
– Không. Em có điều gì buồn đâu.
An muốn lấy lòng em, đùa:
– Hay vì mải lo chuyện chị, không có thì giờ tìm gặp nàng?
Lãng đỏ mặt, chối:
– Không đâu. Chưa có gì đâu.
Bây giờ An ở vào thế chủ động, tự tin. An tra vấn Lãng:
– “Chưa có gì đâu” mà ngày nào cũng tìm cách đến nhà quan Trung thư?
Lãng chống chế yếu ớt:
– Em đến để học thêm đấy chứ!
– Học cái gì? Học làm Tư Mã Tương Như phải không? Liệu nàng Văn Quân nói tiếng Thuận Hóa này có chịu trốn theo chàng Tư Mã không?
Lãng hơi chột dạ, hỏi chị:
– Sao chị lại so sánh như vậy?
An đáp:
– Không giống hẳn nhưng cũng hơi hơi đấy chứ. Chị chưa gặp được cô ấy. Nhưng nghe đâu cô ấy cũng đẹp như Văn Quân (An cười khúc khích). Thật ra chị cũng không biết Văn Quân đẹp thế nào. Nhất định là đẹp lắm. Cô ấy cũng bị dở dang như Văn Quân.
Đây là lần đầu tiên Lãng nghe một điều bất thường về cô con gái Trần Văn Kỷ. Anh không giấu được xúc động, hỏi An một cách thảng thốt:
– Dở dang ư? Chị nghe ở đâu thế?
An cũng kinh ngạc:
– Em không biết chuyện đó à?
– Chuyện gì?
– Chuyện cô ấy được một đám đến dạm hỏi. Mọi sự gần như xong xuôi, đùng một cái bên nhà trai xin thôi. Không biết vì lý do gì. Cô ấy đã trên hai mươi rồi phải không.
Lãng thành thực nói:
– Em chưa biết chuyện này. Có thật không chị?
– Lại không thật! Nhiều người nói lắm, không phải người nào cũng ganh tị với quan Trung thư đâu.
– Thế tại sao quan Trung thư không nói gì với em cả?
– Ai lại đem chuyện buồn trong nhà ra nói với người ngoài! Còn cô ấy?
– Chị hỏi sao?
– Chị hỏi cô ấy có nói với em chuyện đó không?
Một lần nữa Lãng thành thực với chị:
– Em có được nói chuyện với cô ấy lần nào đâu?
An trố mắt nhìn em:
– Đến lúc này mà em còn giấu chị à?
– Em nói thật.
An bật cười:
– Vậy làm sao em biết cô ấy có cảm tình với em mà tiến tới!
– Em chỉ đoán.
An cười to hơn:
– Dựa vào đâu mà đoán?
Lãng đỏ mặt, lúng túng:
– Lúc nào em đến, cô ấy cũng tìm việc để hoặc hái rau, hoặc đi ngang qua nhà học để em trông thấy cả.
– Em trông thấy được gì nào?
– Khuôn mặt nàng thanh tú và buồn buồn. Làn da trắng, hai má hồng ửng. Dáng người thon mà không yếu đuối.
– Quan Trung thư có biết em… em thương con gái không?
– Có lẽ biết.
– Quan có nói gì không?
Lãng suy nghĩ một lúc, đáp lơ lửng:
– Hình như không.
An bắt đầu lo ngại:
– Như vậy có thể thiên hạ đồn đãi đúng.
Lãng vội hỏi:
– Họ đồn gì thế chị?
An không muốn em buồn, nói dối:
– Thì họ đồn em định làm rể quan trung thư.
Rồi An cười thật lớn để che giấu sự bối rối. Lãng ngờ ngợ có điều gì chị giấu mình, nhưng không dám hỏi. Anh hoang mang, buồn rầu bảo An:
– Thôi, dẹp chuyện lẩm cẩm đó lại. Chị cho em về. Không biết chừng ít hôm nữa em sẽ theo Chính Bình Vương ra bắc. Em sẽ tìm cách mua lụa tốt Thăng Long về biếu chị.
Nguyễn Mộng Giác