Dù đô đốc Tuyết đã nhắc đi nhắc lại rằng vua Quang Trung không hề giận dữ khi nghe tin quân Bắc Hà đã rút lui về Ba Dội, Ngô Văn Sở vẫn hoang mang e ngại khi phải ra mắt nhà vua. Quan đại tư mã chùng chình chờ đủ mặt nội hầu Phan Văn Lân và thị lang Ngô Thì Nhậm mới chịu cùng đến gặp Nguyễn Huệ. Nhà vua không chờ cả ba yên vị, đã cau mặt trách:
– “Các ngươi đem thân đi theo việc binh, đã lên ngôi tướng súy, ta đã giao cho tất cả mười một tuyên, lại cho tùy nghi làm việc. Giặc đến chưa đánh trận nào, mới nghe thấy tiếng đã ù chạy. Binh pháp nói rằng: “Quân thua thì chém tướng”. Tội các ngươi đáng chết một vạn lần mới xứng” (1)
Lúc đó Phan Văn Lân và Ngô Thì Nhậm còn trù trừ chưa biết ngồi chỗ nào, còn quan đại tư mã thấy nhà vua liếc về phía cái trường kỷ gỗ lim đặt trước sập, tưởng vua Quang Trung cho phép ngồi, đã định ghé xuống góc ngoài. Nghe vua trách cứ, Ngô Văn Sở vội đứng thẳng dậy. Cả ba người đứng trân, hồi hộp chờ đợi cơn bão kế tiếp. Trong phòng, có thể nghe cả tiếng gió thổi vi vút qua đám lá thông bên kia cửa sổ. Trừ Ngô Thì Nhậm dám nhìn thẳng về phía trước mặt, hai viên võ tướng kia cúi gằm mặt xuống. Đúng lúc căng thẳng ấy, Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân nghe giọng nhà vua dịu lại:
Nhưng ta nghĩ rằng: Các ngươi đều là kiện tướng, tự nhiên gặp giặc là đánh, sợ đến lúc lâm cơ ứng biến thì không đủ tài. Trước kia ta phải để Ngô học sĩ ở lại cộng sự với các ngươi chính là lo sẵn chỗ đó. Bắc Hà mới yên, lòng người chưa qui phục. Thăng Long lại là một thành trống trải có thể bị đánh bốn mặt, sông núi không có chỗ nào có thể nương tựa. Năm trước ta ra đó, quả nhiên chúa Trịnh không thể chống nổi. Đó là chứng nghiệm. Các ngươi đóng quân trơ trọi ở đấy, quân Thanh kéo sang, người Bắc Hà nào cũng có thể làm nội ứng cho chúng, thì các ngươi nhấc chân nhấc tay sao được? Chịu nhịn để tránh sức mạnh ban đầu của chúng, đành phải chỉnh đốn đội ngũ rút về giữ chỗ hiểm yếu, trong thì khiến cho lòng quân kích thích, ngoài thì khiến cho giặc kiêu căng, đó là một kế rất hay. Khi mới nghe nói, ta đã đoán là Ngô học sĩ đây chủ trương. Lúc hỏi ông Tuyết, thì quả đúng như vậy.
Ngô Thì Nhậm cảm động đến ngạt thở, tiến tới trước một bước, lạy tạ hai lạy. Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân cũng mừng rỡ, ngước lên hướng về phía nhà vua cười lỏn lẻn, rồi nhớ đến nghi thức cần có, vội nghiêm mặt lại. Da mặt cả hai đều ửng hồng. Nhà vua trỏ chiếc tràng kỷ và một cái ghế gỗ trước mặt, ân cần nói:
– Các ngươi ngồi xuống đi. Ngô thị lang, ông ngồi phía bên này. Nghe nói ông với Phan thị lang đã bị tên “rước voi cõng rắn” đó truất hết quan tước, về quê làm thứ dân, gánh vác sai dịch, có không?
Ngô Thì Nhậm đáp:
– Tâu Hoàng thượng, sự thực có như thế.
Vua Quang Trung cười lớn và nói:
– Quan tước cựu triều các ông đã vứt trả từ lâu rồi, có còn đâu nữa mà truất? Những ai cùng chịu nạn với ông?
– Tâu Hoàng thượng: hai vị lão thần Nguyễn Hoàn và Phan Lê Phiên vì đã ra trình diện ở bộ Lễ trước đây, Trương Đăng Quĩ theo hộ giá nửa đường lại bỏ nên cả ba bị biếm xuống làm chức tư huấn. Nguyễn Quí Nha, Trần Bá Lãm, Vũ Huy Tấn viết thư nói việc Sùng nhượng công đã làm giám quốc theo kế hoãn binh của quan đại tư mã, nên bị hạ ngục. Ngoài ra còn có ba vị hoàng thúc từng cộng tác với chúng ta, có vị gả con cho quan Tây Sơn, nên bị chặt chân vất ra chợ cung.
Vua Quang Trung nhíu mày hỏi:
– Tự hoàng trẻ tuổi, nhút nhát, mà dám làm những việc ác độc như thế à?
Ngô Văn Sở chen vào đáp:
– Bẩm Tướng công, việc gì hắn cũng nghe theo lời xúi giục của Lê Quýnh.
Vua Quang Trung hỏi liền:
– Lê Quýnh, tên nào thế?
Ngô Văn Sở liếc về phía Ngô Thì Nhậm, nhường lời cho quan thị lang vì biết mình không thể thông thạo nhân sĩ Bắc Hà cho bằng Nhậm. Ngô Thì Nhậm đáp:
– Tâu Hoàng thượng, Quýnh quê ở làng Đại Mão, huyện Siêu Loại, vốn là tay phong lưu công tử khi trẻ chỉ biết uống rượu đánh bạc, văn sự võ bị đều ít luyện tập. Trước đây vì là con nhà quyền quí, nên được làm gia thần của vua Lê. Đến hồi quân ta kéo ra, vua Lê sai Quýnh đi hầu thái hậu chạy lên Cao Bằng. Vì bị đuổi gắt không thể không chạy sang Tàu, Quýnh có hơi biết chữ nghĩa, cho nên lúc nói chuyện với người Tàu, thốt ra nhiều câu ba hoa khoác lác. Sĩ Nghị không xét chỗ đó, liền đem lời Quýnh tâu lên. May được vua Thanh ưng chuẩn. Cả bọn theo gót quân Thanh về nước, từ đó Quýnh tự cho đó là công của mình. Sau khi về đến Thăng Long, Quýnh liền ra sức báo ân báo oán, ăn đút ăn lót, làm nhiều việc chẳng ra gì. Hết thảy hào kiệt đều không thích Quýnh, nhưng vua Lê vì thấy Quýnh có công, nên mới giao cho hắn nắm binh quyền (2)
Vua Quang Trung gật gù, rồi nói:
– Thời suy yếu nào cũng nảy sinh bọn ăn hại đó. Luật trời buộc phải như vậy. Tôn Sĩ Nghị có tin hắn không?
Ngô Thì Nhậm đáp:
– Tâu Hoàng thượng, hắn dắt Nghị về cho vua Lê nên muốn truyền gì, Nghị cũng nói qua hắn. Ngược lại, đi đâu vua Lê cũng dắt hắn theo. Ngày ngày tan buổi hầu, vua Lê tự đến dinh Nghị ở bờ sông Phú lương, chờ nghe việc quân quốc. Lần nào cũng vậy, vua Lê cưỡi ngựa đi trước, Lê Quýnh đi sau, quân lính theo hầu chỉ vài chục tên. Người trong kinh thành không ai biết đó là vua Lê. Những ai biết thì đều lắc đầu ngao ngán, than rằng: Nước Nam từ khi có đế có vương đến nay, chưa thấy bao giờ có ông vua luồn cúi đê hèn như thế.
Vua Quang Trung mỉm cười, nói chậm:
– Tốt. Tốt lắm. Tự hoàng do tay ta gây dựng nên, làm gì ta không biết sức hắn đến đâu. Hắn yếu đuối quá, nên luôn luôn phải tìm một chỗ dựa, mới yên tâm. Ta không ngạc nhiên khi thấy trên các tờ hịch chiêu mộ nghĩa quân của hắn không đề niên hiệu Chiêu Thống, mà lại đề Càn Long. Làm như nước Nam này trở thành quận huyện của triều Thanh rồi!
Có lẽ tự nhận thấy từ đầu đến giờ chỉ hỏi Ngô Thì Nhậm khiến hai viên võ tướng thân cận ngồi không yên trên tràng kỷ, nên vua Quang Trung quay về phía Sở và Lân hỏi:
– Còn tình hình quân Thanh thế nào, các ông có nắm được không?
Ngô Văn Sở vội đáp:
– Bẩm Tướng công… tâu Hoàng thượng, quân Thanh ở các đồn tự tiện bỏ cả đội ngũ, lang thang ra ngoài, không còn ước thúc gì nữa! Có kẻ đi ra khỏi thành đến hơn mười dặm để kiếm củi đun, có kẻ đi chợ búa mua bán với dân gian, sớm đi tối về là thường. Tướng sĩ thì ngày ngày chơi bời ăn uống, chẳng nhìn gì đến việc quân. Hễ ai nhắc đến việc quân ta đang mài gươm ở đây, thì chúng đáp: “Chúng nó như cá chậu, chim lồng, sống sót ngày nào hay ngày ấy, không đáng nói đến. Theo quân lệnh của quan lớn Đốc bộ (Tôn Sĩ Nghị), sang xuân, mồng sáu tháng giêng, mới kéo quân thẳng vào sào huyệt Tây Sơn. Lúc đó, đảng giặc sẽ lần lượt làm tù, không đứa nào xổng vó” (3)
Vua Quang Trung đưa tay ngăn Sở nói tiếp, hỏi dồn:
– Mồng sáu tháng giêng? Chúng nó nói khoác hay là có tin chắc chắn?
Ngô Văn Sở ngước cao mặt, đáp rõ:
– Bẩm… tâu Hoàng thượng, tin ấy chắc chắn.
Nhà vua chồm tới trước hỏi:
– Ông dựa vào đâu khác không? Chẳng lẽ cả tin vào lời bọn say rượu nói khoác?
– Tâu Hoàng thượng, tin thám tử từ Thăng Long báo về cũng nói y như thế. Thấy quân Thanh chùng chình mãi, bọn cựu triều từng rước quân Thanh về cho Chiêu Thống cũng phải đâm sốt ruột. Nghe đâu… (Sở ngập ngừng, liếc về phía Ngô Thì Nhậm, do dự một chặp, rồi mím môi nói tiếp) có một viên quan từng làm phó hiến ở Kinh bắc (4) dưng sớ thúc giục Chiêu Thống nên tốc chiến. Chiêu Thống cuống lên, sai Lê Quýnh vào thưa lại với Sĩ Nghị. Nghị mắng cho một chập, sau đó vẫn án binh bất động. Về sau, thái hậu lại giục. Đích thân Chiêu Thống cùng Lê Quýnh vào dinh khẩn khoản xin Nghị ra quân. Nghị lại mắng như tát nước cho một trận nữa, rồi hẹn đến mồng sáu năm mới sẽ xuất sư.
Vua Quang Trung trầm ngâm một lúc thật lâu, miệng lẩm bẩm: “mồng sáu tháng giêng… mồng sáu tháng giêng”. Cả phòng im lặng. Thật lâu về sau, đột nhiên nhà vua hỏi Sở:
– Còn dân chúng thì thế nào? Ông có chú ý đến lòng dân đối với chúng nó hay không?
Ngô Văn Sở đáp:
– Tâu Hoàng thượng, dân chúng oán ghét quân Thanh và bọn bán nước vô cùng.
Vua Quang Trung cắt lời Sở, hỏi:
– Ông suy bụng ông phải không?
Sở liền đáp:
– Tâu… không ạ. Duyên do lòng oán ghét đó rất rõ ràng đơn giản. Quân Thanh qua đây đông, “đường tiếp tế lương thực thì xa, nên bao nhiêu lương tiền vua Lê thu được của dân đều đem cung đốn cho họ hết sạch” (5)
Nội hầu Phan Văn Lân cũng mạnh dạn thêm lời:
– Hơn nữa, bọn khách trú cũng lộng hành quá lắm. ở phường Hà khẩu trong kinh thành, ở phố Cơ xá của trấn Kinh bắc, và phố Hiến của trấn Sơn nam, khách trú có hơn một vạn. Chúng đều theo quân của Nghị, thành lập hẳn một trại riêng. Bọn đó biết tiếng Nam, nên hằng ngày cho lùng bắt những ai từng làm việc cho chúng ta đem về khảo của, cướp hết tiền bạc rồi giết đi. Mỗi ngày số nạn nhân lên đến ba bốn chục. Ai có máu mặt giàu có, là bị chúng đặt điều vu hãm để chiếm đoạt tài sản. Nhiều hôm, chúng dám cướp bóc, hãm hiếp đàn bà con gái ngay giữa chợ, không kiêng nể ai cả!
Vua Quang Trung bậm môi, giận dữ nói lớn:
– Quân bất nhân, chúng nó tưởng Trời không có mắt ư! Các ông họp quân sĩ lại kể hết cho họ biết.
Rồi hạ thấp giọng, nhà vua ân cần bảo cả ba người:
– “Nay ta tự coi đốc tướng sĩ, phương lược tiến đánh đã tính sẵn rồi. Chẳng qua mười ngày có thể đuổi được giặc Thanh. Nhưng ta nghĩ: nó là nước lớn gấp mười nước mình, sau khi bị thua trận, thế nào cũng hổ thẹn nên cố báo thù. Như thế thì việc binh đao không bao giờ dứt, thật không phải phúc cho dân. Lòng ta không nỡ làm vậy. Tới lúc đó, chỉ có một cách nói cho khéo thì mới ngăn được cái ngòi chiến tranh. Việc ấy, phi Ngô thị lang đây không ai làm nổi. Đợi mười năm nữa, ta đủ thì giờ gây nuôi, nước giàu thêm quân mạnh thêm, thì ta có sợ gì nó!” (6)
Một lần nữa, Ngô Thì Nhậm cảm thấy máu dồn rạo rực trong người, hai thái dương nóng bừng. Mắt ông hơi hoa, nên hình ảnh vị hoàng đế trẻ tuổi uy dũng đang ngồi chống tay lên gối mỉm cười trước mặt ông hơi nhoè, và lung linh. Một thứ cảm giác ngây ngất như say rượu xâm chiếm toàn thân Nhậm. Ông nhìn đăm đăm về phía vua Quang Trung, mắt rực sáng, nhưng cổ họng ông nghẹn nên ông không thể nói được câu nào. Quan đại tư mã chắp tay thưa:
– “Hoàng thượng thật là lo xa, chúng tôi ngu đần không thể nghĩ tới chỗ đó. Hiện nay phương lược tiến đánh ra sao, dám xin Hoàng thượng chỉ bảo, để chúng tôi tuân lệnh mà làm” (7)
Nhà vua cười to, bảo:
– Vội gì. Tối nay họp tất cả các tướng, ta sẽ nói kỹ hơn.
***
Một điều khác thường có thật, là từ hôm xuất sư, đây là lần đầu tiên Lãng được nói chuyện với Nguyễn Huệ. Hôm 25 tháng mười một, Nguyễn Huệ kinh ngạc khi thấy Lãng mặc lễ phục bưng chiếc mâm bạc đựng áo cổn và mũ miện. Nhà vua không có dịp hỏi tại sao Lãng có mặt trong lễ đăng quang. Sau lễ, mọi sự xảy đến dồn dập; bị cuốn vào biến cố lịch sử sôi sục cuồng nộ, với nhịp chiêng trống giục giã, tiếng ngựa hí voi thét, với cảnh quân sĩ ùn ùn tiến ra phía trước như nước lũ, chính vua Quang Trung cũng cảm thấy mình mất mình. Nhà vua quên cả đói khát, đầu lúc nào cũng ngây say, lòng nôn nao. Không phải vì mệt nhọc mà ban đêm nhà vua trăn trở không an giấc. Nhà vua cảm thấy có một cái gì thật lớn lao đang thành hình, như một cơn bão, hoặc một trận lụt lớn. Cái gì làm lay đổ đến tận gốc những nền móng cố cựu, và dựng nên một trật tự mới, cái gì vượt quá sức tưởng tượng của nhà vua!
Giữa tâm trạng đó, Nguyễn Huệ còn tâm trí đâu để nhớ đến một thắc mắc nhỏ: thắc mắc về Lãng.
Cho nên dù đôi ba lần nhà vua có thấy Lãng giữa các tướng sĩ, hoặc giữa các cận thần, nhà vua vẫn không xem đó là điều bất thường.
Phải đến buổi chiều hôm ấy, một mình gặp Lãng trước doanh trại chỉ huy, vua Quang Trung mới nhận thức được hết sự khác thường. Lãng thấy nhà vua chắp tay sau lưng lững thững đi về phía mình, đã muốn tìm cách lánh sang hướng khác. Nhưng muộn rồi. Vua Quang Trung trông thấy Lãng, sau một thoáng bỡ ngỡ, đã thân mật gọi Lãng đến hỏi:
– Cậu đấy ư? Có việc gì không?
Lãng lúng túng và sợ hãi, lí nhí đáp:
– Tâu Hoàng thượng, thần…
Nhà vua cắt lời Lãng:
– Thôi, khỏi phải tâu bẩm gì cả. Nói chuyện bình thường như trước kia đi. Cậu xếp đặt xong được việc nhà để theo quân được sao?
Lãng ngước nhìn nhà vua, không dám đáp ngay câu hỏi. Thấy Lãng vẫn còn lúng túng, gần như sợ sệt, vua Quang Trung cười:
– Làm gì như gà mắc đẻ thế? Tại sao Lãng không tự nhiên được với ta như trước đây? Ta đổi khác chăng?
Lãng cúi mặt, đáp nhỏ:
– Tâu… bẩm không phải thế.
Giọng nhà vua dịu dàng hơn:
– Hay vì vụ đó mà cậu giận ta?
Lãng xúc động, đánh bạo ngước lên hỏi:
– Hoàng thượng đã biết gì chưa?
– Biết gì?
– Chị ấy đã dẫn hai con trốn khỏi Phú Xuân rồi!
Vua Quang Trung đang mỉm cười, chợt đổi sắc mặt. Nhà vua nhìn đăm đăm vào mắt Lãng, hy vọng vừa có một điều lầm lẫn nào đó. Hai người e ngại nhìn nhau, không ai nói gì. Một lúc sau, vua Quang Trung hỏi, vừa e sợ vừa hy vọng:
– Thật thế ư? Sao lại trốn?
Lãng đáp, giọng lạc đi vì xúc động:
– Tối hôm ấy, trước lễ đăng quang một ngày, chị ấy có vẻ nguôi nguôi. Chị ấy cam đoan sẽ cố gắng quên hết, để nuôi con. Nhưng…
Nhà vua bực dọc hỏi:
– Sao Lãng không báo cho ta ngay?
Lãng thú thật:
– Dạ hôm sau là ngày đại lễ…
– Lãng có gặp ta trên đàn Nam giao mà! Sao không báo cho ta biết ngay lúc ấy?
Lãng im lặng, không biết trả lời thế nào. Nhà vua càng bực dọc hơn, giọng hỏi gay gắt:
– Ta đã nhờ cậu việc gì, cậu nhớ không? Thấy cậu dự lễ lên ngôi rồi đi theo quân, ta tưởng mọi sự đều êm đẹp. Ai ngờ… sao cậu không ở lại để tìm cho ra tông tích? Ai buộc cậu theo quân đâu?
Lãng đáp nhỏ, như sợ Nguyễn Huệ nghe thấy:
– Sáng hôm ấy, tôi đã tìm khắp cả nhưng không thấy được gì. Chỗ quen biết cũ, ở bến đò, kể cả các quán trạm ngoại thành.
– Nhưng trước đó, cô ấy có nói gì về ta không?
Lãng không dám thuật lại những lời chua chát của An, nên đáp:
– Thưa không.
– Hay là… cả ba mẹ con đã dại dột…
Lãng hiểu ý, vội nói:
– Thưa có lẽ không đến nỗi thế. Chị ấy thương con, không bao giờ dám liều thân thế đâu.
Vua Quang Trung ray rứt không đứng yên được một chỗ, bỏ Lãng đứng một mình, cúi đầu chắp tay sau lưng đi qua đi lại suy nghĩ. Nhà vua dừng lại trước Lãng, do dự, rồi hỏi:
– Hay cậu quay trở lại Phú Xuân được không? Nhưng… chậm quá rồi. Mồng sáu tháng giêng… Mồng sáu… Chờ đến mồng sáu năm mới… Ý cậu thế nào?
Lãng nhớ lời chị, cảm động, giọng nói hơi nghẹn:
– Tối hôm ấy, chị dặn nên rán theo Hoàng thượng để lập công trận này. Chị ấy bảo thế nào cũng thắng lớn.
Vua Quang Trung vồ vập hỏi:
– Cô ấy cũng nghĩ thế sao? Thôi được. Ta sẽ ra lệnh cho ngựa trạm đem thư gấp về cho quan thái sư (Bùi Đắc Tuyên). Ông ấy sẽ tìm giùm cho. Còn cậu thì cứ theo quân. Hiện cậu thuộc doanh nào đấy?
– Thưa ở với đô đốc Bảo.
Nhà vua nói ngay:
– Ta sẽ bảo đô đốc cho cậu về ban chỉ huy. Cậu lại làm việc với ông đồ Kỷ, lo ghi chép tỉ mỉ diễn biến trận đánh này. Cậu đang chép sử cho đời sau đấy. Nhớ đừng ghi theo cái kiểu hồi trước, lúc cậu theo ta đánh Gia Định. Nhớ nhé!
Lãng chớp chớp mắt để nén cảm xúc, đáp nhỏ:
– Cảm ơn Hoàng thượng.
Vua Quang Trung xua tay:
– Không. Phận sự của ta đấy thôi! Ta thật có lỗi với thầy!
***
Hai ngọn đuốc sáng rực chiếu lên khuôn mặt rắn rỏi, rám nắng của các tướng lãnh. Bóng họ hiện mờ mờ lên trên vách bản doanh. Một cái bóng khác cao hơn, in đậm lên trên tấm vách giữa tấm bản đồ trải rộng lấp cả chiếc sập thấp. Sát bên chỗ vua Quang Trung đứng, đã đặt sẵn một hộp vuông đựng nhiều thanh gỗ sơn màu xanh, đỏ; và một chiếc gậy trúc vàng có bịt bạc ở hai đầu. Nhà vua hất hàm về phía Ngô Văn Sở bảo:
– Giặc bố trí quân thế nào, ông bắt đầu đi.
Quan đại tư mã quay ra phía sau, nội hầu Lân chuyển cho ông một thanh gỗ mun dài độ sải tay. Ngô Văn Sở cúi xuống lấy vài thỏi gỗ đỏ trong hộp, hắng giọng rồi nói:
– Tâu Hoàng thượng, ngay khi mới vào Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị đã cho đóng quân hai bên sông Phú Lương, và đóng bản doanh ở đây, chứ không chịu đưa hết quân vào kinh thành. Để tiện việc liên lạc, hắn cho bắc một chiếc cầu phao, ở đây.
Ngô Văn Sở dùng đầu cây thước mun đẩy hai thanh gỗ đỏ đến chỗ vẽ sông Phú Lương trên bản đồ, đánh dấu nơi đóng quân của Tôn Sĩ Nghị. Vua Quang Trung giơ tay ngăn lại, dùng chiếc gậy trúc lùa hai thỏi gỗ đỏ về phía mình. Tất cả các tướng đều ngạc nhiên, ngửng lên chờ đợi. Nhà vua lấy hai thỏi gỗ sơn xanh quăng về phía sông Phú Lương, mỉm cười bảo Ngô Văn Sở:
– Hãy dùng màu xanh. Màu đỏ là màu cờ đào, dành để chỉ đồn trại của quân ta.
Các tướng lãnh gật đầu tỏ ý tán thưởng lời nói của vua Quang Trung. Ngô Văn Sở tiếp:
– Về sau, hắn cho đắp ba lũy đất để phòng ngự mặt nam: lũy đầu tiên ở Thanh Liêm, mạn bắc sông Thanh quyết; lũy thứ nhì ở Nhật Tảo, lũy thứ ba ở Ngọc Hồi. Hắn chú trọng phòng vệ chặt chẽ mặt nam nên lập hai đồn thật kiên cố ở Ngọc Hồi và Hà Hồi. Hai đồn ấy ở đây và đây.
Ngô Văn Sở đẩy hai thỏi gỗ xanh về chỗ Ngọc Hồi, Hà Hồi trên bản đồ. Vua Quang Trung hỏi:
– Đồn nào quan trọng hơn?
Ngô Văn Sở đáp:
– Tâu Hoàng thượng, đồn Ngọc Hồi kiên cố nhất vì đông quân, hỏa lực mạnh, chung quanh đồn có đặt địa lôi và cắm chông sắt. Tướng chỉ huy ở đó đều là tướng giỏi như Hứa Thế Hanh, Trương Triều Long, Thượng Duy Thanh. Có thể nói lực lượng chính yếu phía nam của quân Thanh dồn hết về đây.
Nhà vua lại hỏi:
– Từ hai đồn ấy về phía Nam còn những chặn nào nữa?
Ngô Văn Sở đẩy ba thỏi gỗ xanh ra phía trước, giải thích:
– Tâu Hoàng thượng, còn có đồn lũy ở Nhật Tảo và Thanh Liêm. Gần đây nhất là đồn Gián khẩu do quân của Chiêu Thống trấn giữ.
Vua Quang Trung ngạc nhiên, hỏi:
– Hắn dám gửi quân đến tận đây làm bia đỡ đạn cho quân Thanh hay sao?
Ngô Văn Sở đáp:
– Đây là điều khổ tâm cho Chiêu Thống. Hắn và Lê Quýnh đến dinh họ Tôn xin xuất sư sớm. Sĩ Nghị hẹn mồng sáu năm mới sẽ ra quân, rồi còn giận dỗi bảo Chiêu Thống nếu nóng ruột cứ đưa một đạo quân đi trước. Hai thầy trò trở ra tiến thoái lưỡng nan, sợ Nghị chê là hèn nhát, nên Chiêu Thống đẩy việc khó cho Quýnh. Quýnh sợ, lại đẩy cho trấn thủ Sơn Tây. Cuối cùng, quân Sơn Tây phải đưa cả bản bộ xuống Gián khẩu lập đồn tiền tiêu che đạn cho bọn giặc ngoài.
Nhà vua gật đầu, suy nghĩ một lúc, rồi hỏi:
– Còn ở mặt tây, chúng đóng quân ở đâu?
Ngô Văn Sở đáp:
– Ô Đại Kinh đóng quân ở Sơn Tây. Sát phía tây nam Thăng Long, tâu Hoàng thượng, ở chỗ này, có đồn Khương thượng chứa mấy vạn quân Điền châu, Triều châu của Sầm Nghi Đống. Quân ở đây ô hợp, tướng cũng không giỏi như bên đồn Ngọc Hồi.
– Còn phía bắc?
– Tâu Hoàng thượng, phía bắc chỉ có một vài đồn nhỏ và yếu ớt của quân Chiêu thống do Lê Duy Chi chỉ huy.
Vua Quang Trung cầm gậy trúc trỏ vào bản đồ bảo tất cả các tướng:
– Như vậy quân giặc lo mặt thủ hơn là công. Trong việc phòng thủ, chúng chỉ chú trọng phía nam. Các ngươi xem đây, mấy vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy ở hai bên sông Phú Lương, nếu đúng như ông Sở vừa nói, có vẻ như đang chờ lệnh xuất sư hơn là giữ vai phòng vệ. Cái cầu phao đó dùng để hóng gió mát thì tiện. Lúc giáp trận, các ngươi sẽ thấy, không ổn đâu. Mặt tây nam Thăng Long cũng không phải là cánh chủ công. Ô Đại Kinh ở Sơn Tây càng không được việc. Hắn chỉ giữ vai dự bị, phía trước tiến thì hắn hậu tập, phía trước gặp khó, có lẽ hắn chạy trước hơn ai hết. Phía đông và bắc do quân Chiêu Thống chống giữ, không đáng kể. Nói tóm lại, cái bức tường ta phải húc cho đổ để vào Thăng Long, là mặt trận phía nam. Các ngươi nắm được địch tình từ bao lâu nay, các ngươi thấy có đúng thế không?
Nội hầu Phan Văn Lân nói:
– Tâu Hoàng thượng, Tôn Sĩ Nghị tuy ngoài mặt huênh hoang khoác lác, nhưng trong ruột cũng ngại lắm. Hắn cho thám tử len lỏi thật xa để nắm động tĩnh của ta. Mới hôm qua, ta bắt được hai thám tử là khách trú ở phố Cơ xá trấn Kinh bắc trước đây. Chúng khai có nhiệm vụ xuống tận Gián khẩu để nghe ngóng tình hình ở Tam Điệp.
Vua Quang Trung cau mày hỏi xẳng:
– Ông vừa nói gì đấy? Tam Điệp ư?
Phan Văn Lân vẫn lo sợ bị vua Quang Trung chê trách vụ thua trận ở sông Nguyệt Đức, nên tưởng nhà vua bắt đầu kiếm cớ trách phạt mình, cúi đầu không dám nói gì nữa. Nhà vua nghiêm mặt hỏi:
– Có phải ông vừa nói Tam Điệp không?
Phan Văn Lân đáp nhỏ:
– Tâu Hoàng thượng, vâng ạ.
Vua Quang Trung tiếp ngay:
– Tam Điệp! Dân chúng họ gọi núi Ba Dội, sao ông lại dịch ra chữ Hán làm gì!
Các tướng vỡ lẽ, mừng giùm cho Phan Văn Lân. Nhà vua nói:
– Nhưng đó chỉ là điểm nhỏ. Ý của ông Lân thật đáng chú ý. Các đồn tiền tiêu lẻ tẻ phía trước, nếu ta không diệt gọn, bọn tàn quân sẽ chạy về báo cho đại quân phía sau. Cho nên ta phải tính kỹ, và phải đánh thật mau, diệt thật gọn. Chúng đã hẹn mồng sáu tháng giêng sẽ xuất sư. Ta phải vào Thăng Long trước mồng sáu. Các ngươi có dám không?
Cả phòng đều nhất loạt đáp:
– Tâu Hoàng thượng, dám.
– Khá lắm.
Nhà vua lại dùng chiếc gậy trúc giảng giải hướng tiến quân sắp tới:
– Ta chia quân làm năm đạo để tiến công (8)
Đạo quân thứ nhất là đạo chủ lực do chính ta chỉ huy, ông Sở và ông Lân làm tiên phong, Hán hổ hầu làm hộ quân đốc chiến. Đạo quân này sẽ gồm cả bộ binh, tượng binh, k binh, làm nhiệm vụ đánh vào mặt trận chính của giặc, trên đường phía nam kinh thành Thăng Long. Nặng đấy! Phải đứng mũi chịu sào, húc vào Hà Hồi, Ngọc Hồi trước khi đến kinh thành, hai ông có ngại không?
Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân đều đáp:
– Tâu… Không ngại gì cả!
Nhà vua cười:
– Có ngại cũng không được. Các ông mang tội bỏ thành, bây giờ phải chiếm lại thành. Không chiếm được, phải tội chém!
Nhà vua quay về phía đô đốc Tuyết, tiếp lời:
– Đạo quân thứ hai đi đường thủy do đô đốc Tuyết chỉ huy, tiến vào sông Lục đầu diệt cho được quân Chiêu Thống ở Hải Dương, rồi tiến lên uy hiếp cạnh sườn phía đông của quân Sĩ Nghị đóng ở bờ sông Phú Lương.
Đạo quân thứ ba do đô đốc Lộc chỉ huy, cùng đi đường thủy với đạo quân của ông Tuyết. Nhưng vào đến sông Lục Đầu rồi thì ông Lộc phải đưa quân đi gấp lên các hạt Phượng nhỡn ở đây, Lạng Giang ở đây, Yên Thế chỗ này, để chặn đường chạy về của quân Thanh.
Đạo quân thứ tư do đô đốc Bảo chỉ huy, gồm tượng binh và kỵ binh, theo đường Sơn Minh ra làng Đại Áng, ở chỗ này, ngay phía tây nam đồn Ngọc Hồi. Ông Bảo phải phối hợp chặt chẽ với đạo chủ lực để đánh Ngọc Hồi. Lúc nào cần nằm yên ém quân, lúc nào khai hỏa, ta sẽ báo cho biết sau.
Đạo quân thứ năm cũng gồm tượng binh và kỵ binh do đô đốc Đông chỉ huy. Đạo quân này có nhiệm vụ đánh bất ngờ vào Thăng Long, phải tiến vào kinh thành trước tất cả các đạo quân kia, làm cho toàn bộ quân địch quanh Thăng Long phải hoang mang tan rã mau chóng. Ông Đông phải theo đường này, từ Chương Đức tiến theo hướng Sơn Tây. Không phải lên tận Sơn Tây để khiêu chiến với Ô Đại Kinh đâu. Ông rẽ quặt sang làng Nhân mục ở phía này, rồi tạt ngang sang tập kích đồn Khương thượng cho ta. Diệt xong Khương thượng, điều đó dễ phải không, ông tiến vào Thăng Long theo cửa tây, một mặt tiến công đại bản doanh của Nghị ở Tây Long, một mặt chặn bắt tàn quân Thanh từ Ngọc Hồi, và các đồn phía nam chạy về. Có quá nhiều việc không?
Đô đốc Đông mạnh bạo đáp:
– Tâu, không ạ.
– Ông vào Thăng Long trước, nhớ không được để xổng Tôn Sĩ Nghị đấy.
Cả phòng họp đều cười ồ. Đô đốc Đông hãnh diện đáp:
– Tâu Hoàng thượng, hắn chạy chậm hơn tôi.
Cả phòng lại cười. Nhà vua vui vẻ nói:
– Các ngươi chớ cười trước khóc sau đấy!
Rồi dùng gậy trúc gạt phăng tất cả các thỏi gỗ xanh trên bản đồ sang một bên, vua Quang Trung lớn tiếng bảo:
– Ta hẹn với các ngươi trong vòng năm ngày sẽ diệt tan quân xâm lược. Ba mươi Tết ta cho xuất quân. Vào Thăng Long trước mồng sáu. Ngày cuối năm Thân, cho quân sĩ ăn Tết nguyên đán ở đây trước. Hẹn với anh em: đến ngày mồng bảy, gặp nhau đông đủ trong thành Thăng Long sẽ mở tiệc lớn, ăn Tết lần nữa. Các ngươi hãy ghi lấy lời ta xem có đúng thế không? (9)
Sau đó, nhà vua ra lệnh giải tán. Các tướng rời khỏi đại bản doanh, trở về đơn vị lúc sương khuya bắt đầu xuống. Ở khắp các trại, lửa bếp nấu bánh chưng hãy còn lập lòe, làm xao xuyến cả sương khuya.
Nguyễn Mộng Giác
(1) Trích Hoàng Lê, bản dịch Ngô Tất Tố trang 105-106.
(2) Hoàng Lê, bản dịch Ng ô Tất Tố, trang 302, 303.
(3) Hoàng Lê, trang 300.
(4) Tức Ngô Tưởng Đạo, chú của Ngô Thì Nhậm.
(5) Cương mục, tập XX, trang 60.
(6) Hoàng Lê, trang 306.
(7) Hoàng Lê, trang 306.
(8) Từ đây trở xuống dựa theo ý của Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng trong Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ, từ trang 230-231.
(9) Theo Đại nam chính biên liệt truyện, sơ tập, quyển 30, tờ 33.