Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Mùa Biển Động – Chuơng 103

Dale quá lạc quan khi nghĩ rằng thủ tục xin xuất cảnh Việt Nam và nhập cảnh vào Mỹ cho Quỳnh Như, với tư cách là vợ một công dân Mỹ, hoàn tất tối đa là bốn tháng. Dale nộp đơn từ tháng Mười. Mãi đến tháng Năm năm sau mọi thủ tục mới xong. Quỳnh Như được biết tin lúc đã về Sài gòn nghỉ hè và chuẩn bị khăn gói đi làm giám thị lẫn giám khảo cho các kỳ thi trung học. Việc chuẩn bị đám cưới bây giờ đi vào chi tiết tỉ mỉ phức tạp hơn trước. Nhất là về phía Dale.

Bà Thanh Tuyến vẫn khăng khăng đòi cho được phải có thân mẫu Dale qua Việt nam. Dale viết thư, đánh điện tín, gọi điện thoại viễn liên về cho bà Lucy. Biết mẹ không thể đủ sức lo giấy tờ. Dale trả tiền hẳn cho hãng du lịch để họ thu xếp mọi thứ, kể cả xe rước bà lên phi trường San Francisco. Hãng du lịch có chi nhánh khắp thế giới đã mau chóng mở văn phòng chi nhánh tại Sài gòn, Đà nẵng, để hốt bạc, nhờ các thân nhân Mỹ qua Việt nam thăm chồng con, hoặc các quân nhân viên chức Mỹ phục vụ ở Việt nam qua Hồng kông, Bangkok, Tokyo, Đài loan giải trí trong các kỳ phép. Lần đầu tiên dì Cindy tỏ tình máu mủ ruột thịt. Dì gửi tặng cho cô dâu chú rể một tấm gift certificate của hãng Sears trị giá 100 đô, và biếu cho bà chị Lucy hai tuần lương, thời gian tối đa bà Lucy được phép vắng mặt. Bà Lucy viết thư than với con rằng lâu nay bà cụ vẫn hy vọng khi Dale lấy vợ, bà em giàu có sẽ giúp bà chút đỉnh để làm lộ phí qua thăm Việt nam cho biết. Bây giờ, bà trắng tay. Hơn trăm bạc trong túi, theo bà lo xa, đi San Francisco sợ còn không đủ, chứ đừng nói bay qua tận Sài gòn. Dale đã vất vả chạy tiền trả cho hãng du lịch, bây giờ lại phải mượn Bob tiền gửi cho mẹ làm lộ phí. Quỳnh Như biết Dale kẹt tiền, nhưng sợ mẹ trở chứng vào phút chót, đã nhân gấp đôi số lương Dale được hãng UPI trả, sẵn trớn tuyên bố là bà cụ thân mẫu Dale xin phép được gánh vác chi phí tiệc tùng đãi hai họ và bạn bè.

Tuyên bố vung vít xong, Quỳnh Như không ăn không ngủ được suốt mấy ngày liền. Nàng gầy xọp; mắt lờ đờ, nghĩ hết kế không biết phải vay mượn ai tiền để đặt cọc cho nhà hàng Song Hỷ. Cuối cùng Quỳnh Như phải thú thật với chị. Hai chị em ôm nhau khóc. Quỳnh Trang mếu máo vỗ lưng em:

– Sắp phải xa em mấy năm, chị buồn lắm. Chị em mình từ nhỏ tới lớn sống bên nhau, bây giờ mỗi người một ngả. Em qua bên xứ lạ, lỡ đau yếu, bên này me với chị không yên tâm.

Quỳnh Như cũng sụt sịt khóc:

– Em cũng nhớ chị lắm. Em hay chọc ghẹo chị, em ăn hiếp chị. Chị của em là không ai bằng.

Quỳnh Trang cười:

– Thôi mày đừng nịnh tao nữa! Được, để chị lo số tiền đó cho. Mai, ồ không, đến mốt, chị sẽ đưa cho em, rồi em đưa cho me để lấy oai!

Hai chị em ôm nhau cười, cười rồi lại thút thít khóc. Quỳnh Như nói:

– Chị Trang biết không, bà cụ sinh ra anh Dale cũng y như me của mình. Bà cụ khoe ầm với bà con bên đó là anh Dale lấy được một công chúa Việt nam.

– Sao Như biết?

– Anh Dale kể cho em nghe.

Quỳnh Trang cười giòn giã:

– Chắc bà cụ không biết là ở ngoài Huế mình, ra ngõ là gặp tôn nữ, tôn thất. Kệ, em qua đó cứ xưng là cành vàng lá ngọc cho nó oai. Có thánh mới biết!

Quỳnh Như nổi tính tinh nghịch:

– Em xưng luôn là hoàng thái hậu cho tiện! Công chúa còn thấp lắm.

Bà Thanh Tuyến bảo Quỳnh Như gọi Dale đến để bà thông báo kế hoạch chi tiết của bà. Bà đã nghĩ sẵn mọi thứ, từ y phục, giờ giấc, nghi lễ, số khách mời, kiểu xe rước dâu, chàng rể quí cứ việc theo đó mà thi hành.

Bà sai Quỳnh Như chở bà lên gặp thầy tướng số Huỳnh Liên để xin ngày tốt. Ông ta hỏi tuổi Quỳnh Như, tuổi của Dale, lắc đầu than hai tuổi bị khắc nhau, nhưng ông sẽ tìm hết cách chọn cho một ngày giải được hết các xung khắc ấy. Ông tra cứu cả giờ đồng hồ mới mừng rỡ tìm được giờ Tị, ngày 14 âm lịch. So lịch âm dương, thì ra khoảng giờ này là lúc bà Lucy mới được xe hãng du lịch chở ra phi trường San Francisco để gửi hành lý và lấy thẻ chuẩn bị lên máy bay. Thêm ít trăm tiền trà nước cho thánh nữa, ông tìm cho một ngày giờ khác: giờ ngọ, ngày 17. Thần thánh nhân nhượng đến mức này là mức cuối.

Đầu tiên, bà Thanh Tuyến thông báo cho Dale biết ngày giờ. Dale rút cây bút chì ở túi (nhờ Quỳnh Như nhắc, chàng đã đổi vị trí cây bút chì trước khi bước vào cửa hiệu trà) ra dò tìm trong cuốn Agenda bỏ túi. Dale lúng túng thấy rõ. Ngày tháng ở Việt Nam trội hơn Mỹ một ngày. Bà cụ mất 16 giờ qua tới Sài gòn, mắt chưa quen giờ giấc thức ngủ mới thì hai mươi bốn giờ sau đã phải lo rước dâu. Thôi cũng rán năn nỉ bà cụ, đời chỉ phải nhọc một lần duy nhất!

Bà Thanh Tuyến bảo vì gia thế hai họ, nên thuê phòng cho bà cụ ở khách sạn tiếng tăm một chút, như Continental, Majestic chẳng hạn. Rất tiếc là hai cụ ông cụ bà đã ly dị từ lâu, nhưng việc đã lỡ, Dale nên mời một bạn đồng nghiệp lớn tuổi, tóc bạc trắng càng tốt, tạm làm một đôi đi chung xe với bà cụ đến nhà gái, chưa kể các bạn hữu khác của Dale, con số không quá 10 người vì nhà chật không có chỗ đứng, nhưng cũng không được dưới 6 người. Nhà trai kể cả các cậu phù rể phải đi trên 4 chiếc xe. Trên đường đi thì mặc Âu phục mầu sậm, nhưng đến nơi thì Dale phải thay lễ phục Việt Nam. Cụ Lucy nếu mặc áo dài Việt Nam thì nhà gái rất cảm động, vì điều đó chứng tỏ cho họ hàng nhà gái thấy: dù là người Âu Mỹ, cụ Lucy vẫn hết sức ngưỡng mộ và yêu mến cái hay cái đẹp của phong tục tập quán xứ sở bốn nghìn năm văn hiến.

Dĩ nhiên hôm đó Quỳnh Như phải mặc áo cưới may bằng gấm vàng, đội khăn vành cũng mầu vàng, mang hài. Dale mặc áo gấm xanh của chú rể, đội khăn đóng mầu đen. Làm lễ xong, nhà gái chỉ dọn đồ ăn nhẹ, và đãi rượu, bánh trái có hương vị đất cố đô. Thế là xong phần lễ nghi. Họ gái sẽ đưa cô dâu về khách sạn trên bốn chiếc xe, cũng có các cô phù dâu đi kèm. Phải làm sao cho bà con hai bên phố thấy đây là đám cưới của một cặp vợ chồng con nhà danh giá, có học, hai bên tôn trọng văn minh lễ nghi của nhau. Cho nên, bà Thanh Tuyến nhấn mạnh, xe đi khỏi Ngã Bảy thì coi như khỏi cần câu nệ lễ nghi nữa. Về khách sạn, Dale muốn mời khách uống chút rượu ăn tí bánh cũng được, mà kéo nhau ra một hiệu ăn Tàu ăn hủ tiếu cũng xong. Khách khứa đều là người quen cả, họ cần dằn bụng rồi nghỉ vài giờ, chờ tối đi ăn tiệc cưới ở hiệu ăn Tàu Song Hỷ.

Bà Thanh Tuyến chỉ giành phần quyết định đến đó. Buổi tối ở Song Hỷ, bà để cho Dale và Quỳnh Như tự tiện, muốn làm gì thì làm. Bao nhiêu khách, thực đơn gồm mấy món, thuê thợ chụp hình ra sao, ai lên thưa chuyện với hai họ và quí thân bằng quyến thuộc, ai lên cảm tạ, tùy! Theo ý bà, lời mở đầu tiệc nên dành cho ông Thanh Tuyến, và lời cảm tạ dành cho cụ Lucy, Quỳnh Như đứng phiên dịch ra tiếng Việt.

***

Dale dở khóc dở cười trước một kế hoạch chi li phức tạp như vậy. Ở nhà Quỳnh Như về, Dale nằm vật xuống giường, úp mặt vào gối. Bob đang ngồi ở bàn kiểm lại phim chụp được ngày hôm trước, không thèm quay lại, chỉ hỏi:

– Bà già đòi con gái lại phải không?

Dale vẫn úp mặt vào gối, đáp:

– Tao nản quá!

– Tao giúp được gì không? Cần bao nhiêu tiền nữa!

Dale ngồi dậy, kể cho bạn nghe. Mắt Bob sáng lên:

– Rồi! Tao có cách cho mày kiếm tiền trả nợ đám cưới. Mày cứ chịu khó làm y những gì bà cụ đòi. Tao đi kèm mày, chụp hình, rồi mày với tao làm một feature về một đám cưới điển hình Việt Mỹ bán cho các báo. Chắc chắn ăn tiền!

Nhưng… ồ không! Làm như thế phí đi. Có cách này kiếm được nhiều tiền hơn. Bên Mỹ hiện nay khán giả truyền hình bắt đầu chán những cảnh nhà cháy, quán rượu, gái điếm, bom nổ, xác chết. Họ cần những thứ romance ướt át ly kỳ lồng trong khung cảnh chiến tranh Việt Nam. Tại sao không quay một cuốn phim tivi ngắn thuộc loại Facts of Life về mối tình của mày, đám cưới của mày. Phải lắm. Cảnh đấm đá cao bồi Viễn Tây hay thế chiến thứ hai thì mình xài các đoạn phim quay được hồi Tết năm ngoái. Đám cưới xong, mày với Quỳnh Như chịu khó ra Huế cho tao quay thêm vài cảnh tụi mày gặp nhau ở đại học, cảnh mày đưa Quỳnh Như lên trực thăng để cấp cứu ở Đà nẵng, thêm vài thắng cảnh lăng tẩm ở Huế, cảnh các hầm xác tập thể. Phần cuối là cảnh đám cưới cổ truyền. Chúa ơi! Mới nghĩ sơ tao đã thấy hấp dẫn rồi. Làm một cuốn phim dài tốn bạc triệu còn được, huống chi một cuốn phim ngắn cho tivi. Mày đồng ý không, tao soạn script liền. Hãng mình không chịu bỏ tiền thì tao liên lạc bên CBS. Dĩ nhiên nếu mày thuận, tất cả chi phí đám cưới đều do tụi tao trả.

Dale lắc đầu:

– Không được đâu. Tao nghe cũng hấp dẫn lắm. Nhưng chắc chắn Quỳnh Như sẽ không chịu.

Bob mất hứng, lắc đầu ra chiều thương hại:

– Mày không bao giờ trở thành một ký giả chuyên nghiệp được. Mày nên về Mỹ săn sóc ba cái cầu chì, ống nước thì hơn.

Dale không giận, lại cười thoải mái:

– Mày nói đúng.

Bob cố vớt vát:

– Nhưng mày đồng ý viết chung với tao một cái feature chứ! Không viết feature đó, mày đào đâu tiền để trả nợ cho tao.

– OK. Tùy mày. Từ đây đến hôm mom tao qua, tao bận nhiều việc. Mày lo giùm tao.

***

Đây là lần đầu tiên trong đời cụ Lucy xuất ngoại. Đời cụ không di chuyển nhiều. Sinh ra và lớn lên tại một nông trại nhỏ tiểu bang Kentucky, cô gái quê chỉ mơ ước một ngày nào đó được ra khỏi cuộc sống quá bình lặng nhàm chán, ngày nào cũng thấy trước mắt những luống bắp, những đàn bò, những chiếc cày máy dơ bẩn thô kệch, những đàn ông từ già đến trẻ ăn mặc xốc xếch, hùng hục làm việc, giờ rảnh không làm gì khác hơn là tụm lại nốc rượu rồi đánh lộn đến sứt trán u đầu. Nhìn quanh làng, Lucy không thấy có chàng trai nào giống được một góc các tài tử điện ảnh hoặc các nam nhân vật truyện diễm tình nàng lén đọc được.

Vì thế, năm 17 tuổi gặp được anh tài xế xe truck chở hàng từ thị trấn kế cận về giao cho tiệm thực phẩm của bác Steven, Lucy mê cậu này ngay. Lucy bỏ nhà leo lên ngồi bên cạnh cậu tài xế, sống cuộc đời du mục nay đây mai đó đến chán chê suốt một năm để chua chát khám phá ra rằng dân tỉnh thành cũng say rượu và thô lỗ không thua gì dân nông trại. Đã thế, ở trạm nào, dường như cậu tài xế cũng có những người em bà con rất đáng ngờ. Lucy ghen, một lần giận quá xe đang chạy đẩy tung cửa ca-bin nhảy xuống đường, suýt tí nữa bị chiếc xe chạy sau cán nát thây. Lucy bị gãy xương ống chân trái và xầy xát cả một vạt lưng. Suốt thời gian nằm chịu băng bột, cậu tài xế thăm viếng đều đều. Đến lúc bác sĩ cho phép tháo gỡ lớp thạch cao, chống nạng trở lại cái ca-bin xe truck thân yêu, Lucy thấy chỗ ghế mình vẫn ngồi còn vương vãi nào vụn bánh mì, mẩu phó mát thừa, một áo lót phụ nữ và hộp băng vệ sinh. Quá lắm rồi! Lucy muốn trở về nhà, nhưng cô em gái Cindy viết thư cho chị biết ông bố còn giận, về thế nào cũng bị đòn. Lucy dứt tình với cậu tài xế, quá giang lên một thị trấn khác lớn hơn, và xin làm bồi bàn cho một quán ăn do người gốc Ý làm chủ. Đây là thời kỳ tương đối yên tĩnh của đời Lucy. Thị trấn toàn những gia đình ngoan đạo, nếp sống bảo thủ, đàn ông ra đường lúc nào ăn mặc cũng chững chạc, đàn bà mặc váy dài gần chấm gót. Lucy được người chủ quán cho ăn ở ngay tại nhà ông, chủ nhật ông đưa cả gia đình và Lucy đi lễ ở nhà thờ, mời nàng vào ban thánh ca vì ông chủ là một nhân vật quan trọng của hội đồng giáo xứ. Chính ông chủ giới thiệu cho Lucy gặp bố của Dale. Bà đã trải qua những kinh nghiệm bạc bẽo, nên khi để cho người chồng mới dìu lên trước bệ Chúa chịu phép hôn phối, bà tin tưởng rằng từ đây Ơn Trên sẽ phù hộ bà, bảo bọc bà, cuộc sống vợ chồng của bà sẽ êm ả như cuộc sống các gia đình hạnh phức nơi thị trấn an lành này. Bà đặt hy vọng nhiều quá, nên khi thất vọng, cũng thất vọng quá đáng. Sau khi ly dị, bà thù ghét tất cả đàn ông, và nghĩ rằng người đàn bà nào cũng đều là những sinh vật đáng thương, đã đang hay sắp sửa bị phản bội. Bà ghét nhất sự phản bội. Trên chiếc xe cũ bà mua trả góp dùng làm phương tiện đi làm nuôi con ở San Antonio, bà dán một cái sticker ngay ở kính sau, với hàng chữ: “Sau khi ly dị, tôi chỉ còn yêu loài chó”. Mặt kính hông bên phải: “Chúa ơi! Sao Ngài nặn lão Adam ra làm chi?” Hai tấm stickers ấy gây phiền nhiễu cho Lucy thật nhiều. Đi đâu bà cũng bị bọn đàn ông chế giễu, chọc ghẹo. Bà càng ghét đàn ông hơn, tất cả loài đàn ông, trừ đứa con trai ngoan của bà. Bà quyết luyện cho đứa con này trở thành một mẫu đàn ông đúng theo mong ước của bà, mẫu Adam mà khi Chúa muốn nặn thêm một người nữ để cho Adam bớt lẻ loi ở vườn Địa đàng, Ngài phải lấy nửa trái tim và nửa bộ óc của hắn để tạo ra bà Eva, chứ không phải chỉ nhón tạm ba cái xương sườn lẻ. Lucy cho đó là sự nghiệp, là ý nghĩa của cuộc đời còn lại. Bà ăn ở cần kiệm, bao nhiêu tiền dành hết cho con học hành. Dale được học bổng vào Đại học Michigan là niềm hãnh diện lớn nhất của bà. Chỉ tiếc là Dale lại chọn một ngành không thực tế, lại không học tiếp cho tới nơi tới chốn, đang học bỏ quê nhà lang bang ở cái xứ xa tít hai năm. Tin Dale quyết định lấy một người vợ Việt nam làm cho bà không vui, cũng không buồn. Mà cảm thấy bị con bỏ rơi, bị mất mát. Nhưng bà không quá ghen tị với một người phụ nữ mà qua ảnh Dale gửi về trông nhỏ nhắn, thơ ngây, như một đứa bé gái lên 11, 12 tuổi ở Mỹ. Quỳnh Như không cao lớn, không phải là khổ người Mỹ bà đã gặp trong đời, nên sau này ra sao chưa biết, ngay lúc này đây, bà chưa thấy cô gái Việt nam ấy là một địch thủ, một mối đe dọa cho bà.

***

Chiếc PAN AM hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất lúc 5 giờ chiều, giờ Sài gòn. Cô tiếp viên hàng không dìu cụ xuống chân cầu thang, sau đó hai người vợ lính đi thăm chồng ngồi cạnh cụ Lucy suốt hành trình dìu cụ từ máy bay vào phi cảng. Quan thuế khám xét đồ đạc, đóng dấu thẻ thông hành, hỏi qua quít vài câu, chỉ mất nửa giờ. Dale chờ mẹ ngay trước cửa phòng quan thuế. Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau, mừng rỡ. Nhiều ánh đèn flash phủ chụp lấy họ. Cụ Lucy ngạc nhiên hỏi:

– Ai chụp hình mom vậy?

Dale cười, giới thiệu Bob với mẹ, rồi nói đùa:

– Mom qua đây rước công chúa Việt nam về làm dâu, thì báo chí phải săn tin chứ!

Cụ Lucy cười, hở cả hai hàm răng giả đã vàng ố vì thiếu chăm sóc. Bà cụ nói:

– Mom kể cho hai chị ngồi bên mom trên máy bay, họ cứ trầm trồ mãi. Một chị sẽ ra Đà nẵng thăm chồng đóng ở Chu lai, nghe mẹ kể, nói thế nào cũng ra Huế thăm cung điện vua chúa Việt nam cho biết. Chị ta nói hè năm ngoái có đi Paris chụp một lô hình cung điện Versailles, đẹp lắm.

Bob chụp thêm một số hình nữa, rồi gài nắp máy ảnh, tiến tới chỗ cụ Lucy ngồi, ân cần hỏi:

– Bác có mệt lắm không?

– Hơi mệt. May có đem đủ thuốc suyễn theo. Trời nóng nhỉ!

– Xứ nhiệt đới mà, bác!

Rồi quay sang Dale:

– Tao đi lấy xe nhé. Mày dìu cụ ra phía trước đợi tao.

Dale đỡ mẹ đứng dậy, vừa dìu mẹ đi vừa nói:

– Quỳnh Như gửi lời xin lỗi không lên đây đón mom được. Có chút việc bận. Tối nay, Quỳnh Như sẽ lại khách sạn ra mắt mom, sẵn tiện đem cái áo dài Việt nam mom mặc thử có vừa không. Quỳnh Như chỉ đoán chừng để đặt thợ may thôi.

Cụ Lucy thắc mắc:

– Áo dài Việt nam? Mom có đem theo bộ đồ dì Cindy cho mượn mà!

Dale cố giải thích:

– Bên thầy me Quỳnh Như muốn mom mặc đồ Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cho lạ. Mom đem ảnh về khoe các bà Chris, bà Mary, chắc họ trầm trồ thích lắm.

Quả nhiên bà Lucy cũng thấy thích. Cụ cười rồi hỏi:

– Nhưng con có nhớ may cả cái quần cho mom không? Hay mom phải mặc sexy như con Lisa?

Hai mẹ con cười vui vẻ. Bob phanh xe trước mặt họ, và không quên nghề nghiệp, nhanh tay chụp được tấm hình hai mẹ con Dale đang cười tít mắt, cánh tay trái đứa con đang ôm choàng lấy đôi vai ốm của bà mẹ.

***

Bà Thanh Tuyến quả là một kế hoạch gia đại tài và độc tài! Diễn tiến của đám cưới đúng boong theo những điều bà dự liệu, đúng đến từng chi tiết, giờ giấc…

Nhưng bà không thể tiên liệu một số bất ngờ ngoài chương trình, quá trình độ hiểu biết của bà.

Bà muốn lễ cưới tổ chức ở hiệu trà đường Lý Thái Tổ phải vừa đơn giản chóng vánh vừa đầy đủ các lễ nghi cổ truyền. Hơn ba năm sống ở đoạn phố ồn ào đông đúc, phần lớn là dân lao động nghèo, bà còn lạ gì cái tính hiếu kỳ quái ác của lũ trẻ, và của cả người lớn ở khu Lý Thái Tổ. Nếu đám cưới diễn ra vào buổi chiều, sau giờ tan sở, số người tò mò sẽ kéo đến đông nghịt, gia đình bà sẽ trở thành diễn viên bất đắc dĩ của một màn kịch bi hài, mà kết cuộc không biết sẽ về đâu. Còn nếu làm lúi húi khuất lấp, thì không tránh khỏi những lời xì xầm, những cái bĩu môi. Bà nghĩ nát óc mới tìm được kế hoạch hợp lý đó. Bà chỉ cho Quỳnh Như trang hoàng bên trong cửa hiệu, còn bên ngoài, không có dấu hiệu gì khả nghi để thiên hạ phải tò mò.

Bà Thanh Tuyến chỉ nhìn xa được đến đó. Bà không biết, không thể biết cái tinh nhạy thiên biến vạn hóa của dân làm báo. Bob tưởng mình là người duy nhất thấy được cơ hội khai thác đám cưới của Dale. Bob lầm. Dale vừa gửi thiệp báo hỉ cho các đồng nghiệp ở Sài gòn, là đặc phái viên các báo, phóng viên truyền hình thấy ngay đấy là một cái tin nguội mà rất nóng, rất thích hợp với cột báo lề bên trái của trang nhất, phần còn lại với hình ảnh cho leo vào nguyên trang 3 hay trang 5. Mỗi phóng viên bạn Dale đều âm thầm tự hào mình là người duy nhất nghĩ ra sáng kiến, cho nên mới tờ mờ sáng, người nào cũng vác máy ảnh, máy quay phim, lặng lẽ bí mật đến đường Lý Thái Tổ. Họ ngỡ ngàng thấy nhau đông đủ ở đó, rồi cùng cười xòa. Lũ con nít dậy sớm chuẩn bị cơm nước hoặc phụ giúp cha mẹ mở hàng thấy tự nhiên phóng viên Mỹ bu đến khúc phố này, một đồn mười, lớn nhỏ già trẻ đứng bên lề đường lóng ngóng chờ cái gì ghê gớm lắm sắp xảy ra. Một vụ xuống đường? Một vụ tự thiêu được báo trước? Một vụ hành quyết chớp nhoáng cẩn mật như vụ xử Tạ Vinh ở pháp trường cát trước chợ Bến Thành?

Đám đông hiếu kỳ đợi cái bất ngờ kinh khủng nhất, ngoạn mục nhất, đến khi họ thấy đây chỉ là một đám cưới của cô con gái bà chủ hiệu trà và một ông Mỹ, thiên hạ thất vọng. Từ thất vọng tẽn tò, họ phẫn nộ. Họ bu quanh hiệu trà, ngăn lối đi của họ nhà trai. Họ cười nói ồn ào không kiêng nể. Và khi nhà gái đưa cô dâu ra cửa, đám trẻ con (và cả người lớn) chỉ trỏ, văng tục, và la lớn: “Ê! Me Mỹ! Me Mỹ”.

Quỳnh Như được Dale và Bob đưa lên xe hoa an toàn. Khi xe chạy rồi, nhìn ngoái phía sau thấy cha mẹ và bạn bè họ hàng cũng đang vất vả lách khỏi đám đông hỗn tạp để leo lên ba chiếc xe còn lại, Quỳnh Như tủi thân, bật khóc nức nở!

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 93

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây