Từ hơn một năm nay, Ngữ nhận thấy tâm hồn mình có nhiều thay đổi. Sự thay đổi ấy phản ảnh trong các truyện chàng viết khá rõ nên nhiều nhà phê bình nhạy cảm đã nhận ra được, như đã thấy trong bài tổng kết cuối năm.
“Từ những đóa hồng dành tặng những người yêu nhau chuyển thành những vòng hoa cườm đặt lên mộ những người chơn chất giữa hai lằn đạn”. Họ thật khéo ví von!
Chuyện của Ngữ dành để tặng những người yêu nhau ư? Mới nhìn thì có vẻ như vậy! Những nhan đề đại loại như “Khi mùa mưa tới”, “Thơ tình gửi ngọn sầu đông”, “Nhà bên kia”, “Mùa tưởng nhớ” của những truyện đầu là bản tóm tắt chính xác những gì chàng viết suốt các truyện ngắn ấy. Khung cảnh luôn luôn là những vườn cây rậm rạp của Kim long, Vỹ dạ, Nguyệt biều, ở đó những người con gái tóc thề vừa dẫm bàn chân son lên xác lá khô vừa hát nho nhỏ một lời tình ca. Chất Huế mộng ảo mà trì trệ, chì chiết, đậm đặc trong truyện của chàng, đến nỗi nếu đọc kỹ, truyện nào cũng có mùi ẩm mốc của một thứ quá khứ lộng lẫy vang bóng và giọng điên khùng của những nhân vật lỗi thời bất đắc chí. Những người yêu nhau bây giờ họ sảng khoái, bạo dạn ôm hôn nhau ngoài công viên trống trải , đèo nhau trên Honda lạng qua lạng lại trên xa lộ, không thỏ thẻ tỏ tình mà hét vào tai nhau “I love you” như Paul Anka trong bài Crazy Love, làm gì họ thèm đọc những truyện ấy của Ngữ. Họa chăng là một số độc giả Huế (hay gốc Huế) thích tẩn mẩn dò tìm cái cô này là ai, chàng sinh viên dở điên dở khùng kia là ai, cảnh này mượn khu vườn nào của Nguyệt biều, cái nút ruồi kia mượn tạm trên mặt người đẹp Đồng khánh nào, v.v. .. để qua thì giờ! Ngữ không có ảo tưởng về các lời khen tặng nặng màu địa phương ấy. Chàng muốn khác kia. Những điều chàng vững tin, chàng muốn người khác cũng vững tin như mình. Một lần chàng bảo với Tường rằng những điều xác tín ấy như “sự hòa điệu của vũ trụ, bản chất cao đẹp của con người, cái rẫy chết tất yếu của giả trá và tàn ác” đều trừu tượng bao quát quá, chỉ mới là ý niệm chứ chưa trở thành máu thịt để làm tác phẩm nghệ thuật. Chàng chưa sống đủ để hiểu những ý niệm ấy, nên tuy tha thiết muốn viết về chúng, chàng vẫn không làm gì được.
Chàng là con nhái bén muốn to bằng con bò mộng. Chỉ còn lại cho chàng những điều hồ nghi.
Có tác phẩm nào xứng đáng với tên gọi xây toàn bằng hồ nghi đâu? Nó chỉ là chất men của một phản ứng mới, chất xúc tác của một cuộc đổi thay toàn diện, là lớp vữa nối tiếp đoạn chót lỗi thời và cái khởi đầu chưa đủ cứng cáp. Ðôi lúc nó là sự thao thức trước khi giác ngộ, nhưng nhất định chưa phải là giác ngộ. Biết ngờ chỉ là đầu mối của trí, chứ chưa phải là trí. Thành thử cao vọng ban đầu của chàng so với vốn sống ít ỏi thật chênh lệch. Ngữ thứ đủ loại đề tài, đủ loại nhân vật, đủ loại kỹ thuật. Nét chung là chuyện tình. Nhưng thứ không khí ẩm ướt và tình tiết quằn quại thê thiết bàng bạc trong truyện chàng chỉ là “một cách lấp khoảng trống”. Chàng không định “dành cho những người yêu nhau”. Và chắc chắn những người yêu nhau bây giờ cũng không giành giật làm gì mấy truyện ấy! Những vòng hoa cườm đặt lên mộ người chơn chất giữa hai lằn đạn? Về điểm này, có lẽ người phê bình trên tạp chí văn học nghĩ đúng! Gần đây Ngữ nhận thấy những xác tín trừu tượng chỉ có ý nghĩa nếu tìm các biểu hiện qua lịch sử. Triết lý trở nên viển vông nếu không đem đối chiếu với lịch sử nhân loại. Ngữ tin rằng nếu lịch sử đưa ra được các chứng liệu cụ thể về “bản chất cao đẹp của con người, về sự rẫy chết tất yếu của cái ác”, thì sự tồn tại của mọi vật trên thế giới này mới xứng đáng. Ngữ tìm. Tìm mãi tìm hoài. Chàng tìm được gì? Không đáng bao nhiêu! Chỉ tìm được ranh giới mơ hồ giữa thiện ác, sự dễ biện minh khi cần bạo lực, vòng lẩn quẩn của một số diễn biến phi lý, và cuối cùng, rõ ràng hơn hết thảy là: mọi người đều là nạn nhân của chính đồng loại. Khám phá chua chát này khiến Ngữ choáng váng không dám tin ở mình. Chàng thử quên đi, tìm các dữ kiện lịch sử khác để cố chứng minh ngược lại. Nhưng nó cứ bám riết lấy chàng. Những xâu tai khô của thằng em say như giọt nước cuối làm tràn cả ly đây. Chàng viết một mạch cái truyện nhan đề “Vòng hoa dành cho ngài lãnh tụ” nội trong một đêm, không hề xóa lấy một chữ. Chàng tự thấy mình biến đổi. Trước kia chàng đâu có chua chát, khinh bạc đến thế! Nhân vật của chàng dịu dàng khả ái, e ấp nhìn nhau như Thúy Vân Thúy Kiều “e lệ nép vào dưới hoa” trong chiều thanh minh e ấp nhìn Kim Trọng. Nó hơi giống một số truyện sau này chàng mới được đọc trong tuyển tập “Con Voi”của nhà văn Ba lan Wlawomir Mrozeck. Chàng lại tìm thấy cái mạch văn hoạt kê châm biếm từng được lưu ý. Truyện ngắn ấy được in trân trọng ở trang đầu tờ tuần báo Văn học qui tụ hầu hết các cây bút trẻ. Huế nhạy cảm hơn bất cứ đâu về các thời sự văn học, nên điều dễ đoán là các bạn Ngữ kháo nhau tìm đọc. Họ tìm thấy một anh chàng Ngữ khác trước, như đã tìm thấy một anh họa sĩ tên Ngô lột xác bằng cách lìa xa các cô gái cổ cao. Nhiều cuộc tranh luận được “tổ chức” trong nhóm bạn bè chàng, như một cách “thao thức” rất hợp thời trước hiện tình đất nước.
***
Phải đặt hai chữ tổ chức vào trong ngoặc kép vì những cuộc tranh luận giữa bạn bè loại đó không hề được chuẩn bị trước. Họ cảm thấy gần gũi với nhau về điểm nào đó, phần nhiều là điểm quan trọng thiết yếu nhất của đời sống tâm linh. Vô tình gặp nhau lần đầu, họ tìm hiểu nhau. Rồi những lần sau, họ tìm đến nhau như những người bạn. Sự thành hình tự nhiên các nhóm thân hữu như thế trở thành hiện tượng xã hội hay không, tùy thuộc tính chất sinh hoạt của các nhóm ấy mang mẫu số chung hay không. Có thể nói vào thời ấy, nhóm bạn bè của Ngữ mang tính thời đại rõ nhất.
Một người viết văn vạch trần sự bạo tàn của chiến tranh , mô tả người dân giữa hai lằn đạn như con nai tội nghiệp trước bọn thợ săn. Một người làm thơ đăng trên “Giữ thơm quê mẹ” trìu mến nhắc đến một rặng tre làng, một mái đình cũ, rẫy bắp nương khoai như cái thời xa xưa ấy là thời hoàng kim của dân tộc. Một họa sĩ vẽ thiếu nữ Huế bâng khuâng bên thành quách cũ trước khi vẽ những “em bé trầm tư” trước đống xác chết. Một nhạc sĩ vừa phát hành tập “Ca khúc Da vàng” và mau chóng trở thành phát ngôn viên của thế hệ trẻ. Họ tụ họp nhau nay ở nhà người này mai ở nhà người khác, uống cà phê đen và hút thuốc Ruby quân tiếp vụ, kể cho nhau nghe cuộc xáo trộn khủng khiếp của bộ mặt xã hội từ khi quân đội Mỹ ồ ạt đổ vào Việt nam. Đông hà, Phú bài, Ðà nẵng, Chu lai, Qui nhơn, Phù cát, An khê… ở đâu có doanh trại Mỹ là chỉ vài hôm sau Snack-bar, Laundry, Car Wash, Room for Rent, Tea House mọc lên như nấm. Đĩ rạc phì phèo Salem chờ Mỹ đen giữa khuya ông ổng hát cải lương ở căn phòng trước, trong khi vợ chồng con cái ông công chức già phải dồn cả vào cái xó tối phía sau để có phòng cho thuê. Phu cyclo không thèm chở hạng thầy giáo vì biết các thầy hay cò kè thêm bớt. Đạo đức, lễ giáo đổ sụp trước hàng tiêu dùng trong PX. Ăn cắp đồ Mỹ thành một dịch vụ đáng kính chỉ hạng có quyền có thế mới làm nổi. Gió cuốn làm xơ xác biết bao nhiêu gia đình, thứ gió văn minh vật chất thừa mứa chưa bao giờ dân tộc này thử thách. Bao giờ những mẩu chuyện loại ấy cũng làm nóng bầu không khí cuộc gặp gỡ lúc đầu. Rồi chàng nhạc sĩ cầm đàn say sưa hát bài nhạc mới nói đến người nô lệ da vàng. Anh họa sĩ sửa chóa đèn để các bạn thấy rõ hơn thứ mầu chết sau lưng em bé mồ côi trầm tư. Rồi thơ Phan Duy Nhân, Trần Quang Long, Phan Trước Viên… Bài thơ của Phan Duy Nhân được yêu cầu ngâm đi ngâm lại không biết bao nhiêu lần là “Thu cho mẹ và chị”. Thơ, nhạc, họa nhờ tính cách biểu hiện cụ thể và trực tiếp bằng âm thanh mầu sắc nên luôn luôn dễ dàng hấp dẫn. Trong các cuộc hội họp loại đó, khó xử khó nói nhất là bọn viết văn.
Không ai đủ kiên nhẫn ngồi nghe cả một cái truyện ngắn dài trên mười trang đánh máy, nhất là do chính tác giả đọc. Những đêm thiếu ngủ hút thuốc lá và uống cà phê quá độ làm cho giọng đọc khao khao khó nghe. Tác giả thường sống và viết trầm lặng cô độc, nên không hề biết chiều chuộng thính giả bằng giọng đọc diễn cảm. Nếu có bàn về nội dung một cái truyện, ít nhất truyện đó phải in lên báo và tất cả đều đã đọc. Chưa đủ. Những người đã đọc phải xúc động ghê gớm mới đủ cường độ suy tưởng, xếp đặt ý kiến để có một lời phê bình nghe được. Khó khăn quá. Nhiều cuộc hội họp Ngữ chỉ biết ngồi hút thuốc liên miên, lâu lâu gặp ai nhìn, cười vu vơ cho có vẻ mình không cô độc, mình đang vui. Nhiều khi chàng ngáp dài giữa cuộc vì thấy vô vị quá, thừa thãi quá. Chỉ có cái truyện “Vòng hoa dành cho ngài lãnh tụ” nhờ có tiếng vang và mang thời sự tính, nên được mọi người tìm đọc trước. Lại nữa ai cũng có sẵn ý kiến. Cho nên khi Tường khai pháo bằng câu trách nhẹ:
– Tao thấy có vẻ “nhân đạo chung chung” thế nào ấy!
Liền sau đó không khí “xưởng vẽ” của Ngô sôi động ngay. Gần như Ngô gắt gỏng với Tường:
– “Nhân đạo chung chung” là thứ gì? Mày xài chữ ở đâu lạ hoắc thế?
Tường lúng túng giải thích:
– Một ông bạn mới của tao thích xài chữ đó, vì nôm na hơ’n, không lai căng như “chủ nghĩa nhân bản không tưởng” hoặc “chủ nghĩa nhân bản hư vô”.
Ngô đốp chát ngay:
– Thế nào mới là “nhân đạo không chung chung”? Ông bạn mày gọi sao? “Nhân đạo riêng riêng” phải không?
Tường quá quen với những lúc quá khích của Ngô, nên điềm tĩnh nói:
– “Nhân đạo chung chung” nghĩa là đem tình thương chia cho ai cũng được một phần đều. Anh phu kéo xe gò lưng kéo cũng tội nghiệp thật, vì vất vả quá. Nhưng ông nhà giàu ngồi trên xe cũng tội, vì không có ông lấy ai trả tiền cho anh phu xe mua gạo. Nhân đạo hợp lý, hay nếu gọi “nhân đạo riêng riêng” theo ý mày cũng được, phải chia tình thương cho đúng chỗ đúng lúc: Thương anh phu kéo xe, ghét tên nhà giàu. Đúng. Nhưng nếu anh phu kéo xe xin tiền nhà nước để nằm khoèo ở nhà mà ngủ, thì không thương được nữa rồi. Anh phải lao động mới có ăn, không được sống bám hoặc sống bằng bóc lột.
Ngũ chen vào nhận xét:
– Ông bạn mới của mày lập luận hết chê. Phàn biệt từng lúc từng nơi thật rõ: ta là ai người là ai, kẻ khác ai là bạn ai là thù. Lúc nào kẻ thù có thể là bạn ta, và lúc nào bạn ta có cơ thành kẻ thù. Cả một khoa học tinh vi và phức tạp trong việc điều chỉnh tình thương cho hợp lý ấy.
Anh nhạc sĩ cười dễ dãi, theo thói quen đưa ngón tay đỡ gọng kính đồi mồi lên đầu mũi rồi mới nói:
– Thương ghét là chuyện tự nhiên, hễ thấy thương được thì thương, không thương được thì thôi, chi li làm gì cho mệt.
Tường quay sang ông bạn nhạc sĩ:
– Chính vì mày nói như vậy, nên lời nhạc, và cả điệu nhạc của mày cứ lơ lững phất phơ.
Nhạc sĩ thách:
– Mày thứ dẫn chúng tao coi.
– Này nhé, lấy bất cứ bài nào của mày cũng được. Như bài đi đâu cũng nghe hát là “Gia tài của mẹ” được không?
Nhạc sĩ cười hồn nhiên, thách tiếp:
– Được. Nhân đạo chung chung nằm ở đâu?
– Ngay trong mấy câu đầu đã nằm sờ sờ ra đấy:
Một nghìn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ để lại cho con
Gia tài của mẹ, một nước Việt buồn
Anh nhạc sĩ ngây thơ hỏi:
– Có gì đâu nào?
Tường gắt, giọng quá bực:
– Thì nó lù lù ở câu ba: “Hai mươi năm nội chiến từng ngày”. Mày đã cần điều chỉnh cái kính cận chưa? Sao lại nội chiến? Hồi trước Vua Quang Trưng diệt quân Thanh và bọn Chiêu Thống, có ai dám bảo cuộc tiến công ấy là nội chiến đâu. Kháng chiến đó chứ. Mày nói hai mươi năm, tức là từ 1945 đến nay. Chống thực dân Pháp là nội chiến à? Hay mày tính đến chính phủ Bảo Ðại lúc đó chưa thành hình? Mày chia đều tình thương cho cả kháng chiến lẫn quân xâm lược, còn gì cãi nữa.
Lập luận của Tường chặt chẽ quá, lại nói vào lúc mọi người còn lan man kéo dài tâm trạng hưởng thụ lười lĩnh, nên nghe qua, ai nấy đều sửng sốt. Mọi người đều tức anh ách, nhưng không thể bẻ lại được. Anh nhạc sĩ xịu mặt xuống, mất hẳn vẻ vui tươi hồn nhiên của người thoả mãn về đời sống vật chất lẫn danh vọng. Anh gật gù nói:
– Ừ nhỉ, tính hai mươi năm cũng sai. Mười năm thì đúng hơn.
Tường liền hỏi:
– Nghĩa là kể lùi từ thời ông Diệm?
Nhạc sĩ thiếu hẳn tự tín, ngập ngừng nói:
– Thì tạm tính như vậy đi. Hiệp định Genève cả hai bên đều có ký kết.
Giọng Tường đanh thép:
– Không. Mày lầm. Chỉ có chính phủ nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa ký kết với chính phủ Cộng hòa Pháp. Cái gọi là chính quyền Sài gòn lúc đó chỉ được ký ké. Còn Mỹ thì ký ngoài lề.
Ngô viện trợ thêm sức cho nhạc sĩ:
– Nhưng đã nhận Bến Hải làm ranh giới thì người ngoài Bắc phải nhận có một nước Việt nam Cộng hòa ở phía Nam. Chính họ đề nghị hiệp thương năm 1956 với Miền Nam chứ ai khác đâu.Sau đó họ đánh lại. Không phải nội chiến là gì?
– Họ đánh vì có bọn can thiệp Mỹ.
Ngữ thấy lạ, hỏi lại:
– Mày nói cái gì? “can thiệp Mỹ” là sao?
– Bọn can thiệp Mỹ, có gì lạ đâu mà mày hỏi.
– Lâu nay tao chỉ nghe nói “đế quốc Mỹ, xâm lược Mỹ”. Còn “can thiệp Mỹ” thì thú thật tao mới nghe mày nói lần đầu.
Tường giải thích cho cả đám vì thấy nét mặt mọi người đều ngơ ngác không hiểu y như Ngữ:
– “Đế quốc Mỹ” là danh từ nói chung, còn riêng trường hợp lịch sử Việt nam thì phải phân biệt hành động của đế quốc Mỹ ở hai giai đoạn và xác định tính chất của nó cho thật đúng. Thời kỳ Pháp còn cố níu lấy Việt nam Miên và Lào tuy đã vã mồ hôi và hết nhẵn cả tiền, Mỹ làm bộ giúp Pháp một tay để gỡ rối. Thâm ý của Mỹ là muốn thay chân Pháp ở Đông dương nhưng vì còn kẹt ông bạn già ở đó, nên chưa dám ra mặt công khai, Mỹ chỉ đứng ngoài can thiệp thôi, nên gọi là “bọn can thiệp Mỹ”. Đến khi Pháp rút, Mỹ đưa ông Diệm về, thì Mỹ trở thành “bọn xâm lược” rồi, khỏi cần giả dạng can thiệp từ xa nữa.
Lối lập luận sắc và gọn, cách dùng những chữ hoàn toàn lạ tai, nhất là cái giọng gẫy gọn tự tin như đao chém xuống thớt của Tường đã khiến các bạn chàng hoang mang. Qua khỏi cơn ngỡ ngàng ban đầu, họ dồn về một phía để tự tìm cho mình cho thế hệ mình một thế đúng hợp lý.
Cả bọn tìm quanh mọi lý lẽ để bẻ lại Tường. Họ tìm ra được nhiều lập luận từng phổ biến rộng rãi thời ấy, những lập luận đã đăng trên các tạp chí Hành Trình, Ðất N ước, Giữ Thơm Quê Mẹ, trên các báo Đất Tổ, Lập Trường, đã in trong các sách “Ðạo Phật Hiện Ðại Hóa”, “Nói Với Tuổi Hai Mươi”, “Hoa Sen Trong Biển Lửa”, “Đường Hay Pháo Ðài”, “Cho Cây Rừng Luôn Xanh Lá”, và tủ sách “Tìm Về Dân Tộc” của nhóm trí thức Công giáo cấp tiến. Tuy phần đông bọn họ sống và sáng tạo bằng xúc cảm trực tiếp trước đời sống, nên ý tưởng hôi hổi bốc khói thiếu hẳn mạch lạc gọn ghẽ, nhưng sách báo thời ấy đã khơi đúng niềm thao thức của họ, nói giùm ước vọng của họ. Do đó, nhiều lúc Ngô hoặc Ngữ, hoặc cả Sơn nữa, lặp lại đúng y một bài báo của Nguyễn Văn Trung trên Hành Trình, một bài thơ của Nhất Hạnh, một đoạn tùy bút của Lý Chánh Trung, một bài phiếm luận của Cha Nguyễn Ngọc Lan với tất cả niềm hãnh diện say mê, vì cứ tin rằng chính mình cảm nghĩ và phát biểu lần đầu. Họ cùng thao thức nỗi thao thức của lớp đàn anh đi trước (phần nhiều là trí thức khoa bảng thời chống Pháp đi học ở nước ngoài nên chưa từng có kinh nghiệm về cộng sản Việt nam), niềm thao thức đi tìm chỗ đứng trong lịch sử, tìm lối biện minh cho cuộc đời đang sống và dự định cho tương lai. Cũng như lớp đàn anh, họ chưa tìm ra được lý lẽ nào hoàn toàn khả tín. Họ mới lần mò dò đường theo hướng này chưa xong đã vội thử dò hướng khác. Tìm vận hội mới bằng cách phát động phong trào canh tân Phật giáo để đứng ra lãnh nhiệm vụ lịch sử? Xoá tan ảo tưởng và mạnh dạn trong nhận thức lịch sử để thực hiện đúng tinh thần Vatican II? Hòa giải dân tộc để cùng tiến đến phồn thịnh trong khi văn hóa chuẩn bị cho cuộc thống nhất mơ ước?
Chỉ cần mạnh dạn bỏ súng xuống là mọi sự yên ngay!
Lúc bọn họ đang tranh luận với nhau trong xưởng vẽ của Ngô cũng đúng vào thời một bài tâm ca của Phạm Duy trở nên cái “mốt” minh triết của thời đại:
Kẻ thù ta đâu có phải là người
Giết người đi thì ta ở với ai?
Kẻ thù ta tên nó là gian ác
Kẻ thù ta tên nó là vô minh
Tên nó là hờn căm
Tên nó là tị hiềm
Tên nó là một lũ ma, thế thì :
Kẻ thù ta đâu có phải là người
Giết người đi thì ta ở với ai?
Điệp khúc “kẻ thù. .. với ai” nhắc nhở mọi người tính chất trừu tượng của cuộc chém giết phi lý. Và đòi giải quyết chiến tranh bằng cách nhận chân cho được chất trừu tượng ấy. Thật khó quá! Đem những lập luận ấy đối đầu với lý luận cụ thể rõ ràng nói có sách mách có chứng của Tường, thứ lập luận căn cứ trên một định đề duy nhất không cho phép ai được hồ nghi, cả bọn không phá được định đề mà cứ quanh co từ chối các hệ luận do Tường đưa ra. Cho nên cãi riết một hồi, Tường lên giọng kẻ cả nói:
– Hãy rán chui ra khỏi đám khói mù tụi mình tự tạo để lừa dối mình. Nếu nắm được điểm cốt yếu, tụi mày như có được cái kính chiếu yêu soi thấy hết cái trò nỡm của thi ca nhạc họa tiểu luận tiểu thuyết vân vân và vân vân… Toàn là đồ giả hết. Thằng Thế Vũ vừa viết được một cái truyện ngắn hay, tao chưa đọc nhưng nghe cái tên thật thích hợp, thật đúng cho tâm trạng thế hệ mình: “Vòng hoa ngụy tín”.
Ngô vội hỏi:
– Thế nào mới không ngụy tín?
– Phải thấy rõ, như một lần Hoài Thanh thấy rõ khi viết về thơ mới trong “Thi nhân Việt nam”, phải thấy rõ “chúng ta là những kẻ thất cước không có liên hệ gì với quá khứ của giống nòi”. Thất cước. Tụi mày nghe chưa? Không có căn cước nên chúng ta đi tìm lạng quạng khắp nơi. Thì cứ đi tìm. Căn cước của mình có mất đâu. Ngữ chăm chăm nhìn Tường, thấy bạn có nụ cười khinh bạc đáng ghét.
***
Cái truyện ngắn của Ngữ chỉ được đem ra bàn cãi mổ xẻ vào cuộc họp mặt sau. Vẫn ở xưởng vẽ của Ngô.
Câu chuyện ban đầu lúc nào cũng lan man, mỗi người kể cái bực gặp phải giữa một xã hội đang xáo trộn dữ.
Ngô kể chuyện Diễm đi chợ Đông ba gặp một lính Mỹ đen từ phi trường Phú bài lên Huế la cà xem cố đô của Việt nam cho biết. Anh lính đen như cột nhà cháy và béo nung núc như cái thùng phuy ấy đi đâu cũng bô lô ba la, chân nhún nhẩy, cái đít bự ngún nguẩy làm trò cười cho lũ trẻ con. Chọc cho thiên ha cười xong, anh ta nhe hàm răng trắng Hynos ra cười.
Diễm vừa ở chợ Đông ba bước ra, chạm mặt với anh bạn của Louis Armstrong, hết hồn, không lui được nữa. Anh Mỹ đen giơ bàn tay hộ pháp vàng nghệ ra vỗ một cái thật mạnh vào mông Diễm, rồi cười hô hố. Diễm giận quá, lại thẹn với bọn con nít mất dậy lúc đó đang cười hô hố, phát khóc.
Tường kể vụ khám phá xác “một cô điếm trong xe rác lâu nay lãnh thầu chở rác của căn cứ Chu lai. Ngữ kể kinh nghiệm cá nhân của mình:
– Hôm ấy, tao đang đạp xe sát lề đường thì một chiếc xe ca chở lính Mỹ chạy qua. Nói đúng hơn là xe truck dài, loại chở đến vài trăm người đi những khoảng ngắn. Tao đã có kinh nghiệm đau đớn về mấy chú G.I. say rượu lái ẩu, nên nép thật sát vào lề. Chiếc xe truck quá lớn chiếm hết lòng đường. Tao nghe nhiều tiếng cười hô hố ngay trên đầu mình, rồi một bãi đờm rơi đúng ngay trán. Cục đờm vàng lợm lòng thòng trên đầu mũi tao. Tụi mày tưởng tượng xem tậm trạng tao như thế nào! Tao mất trí, đúng thế. Giận quá, tao đạp xe thật nhanh, nhanh đến nỗi tao đuổi kịp chiếc xe truck. Tao đạp quá đầu chiếc xe, rồi chận cho chiếc xe đang chạy dừng lại bằng cách dại dột nhất, là liều lĩnh quẳng xe đạp xuống đường bắt buộc tài xế phải phanh thật gấp. Tiếng thắng hơi và tiếng vỏ cao su chà lếch trên mặt đường nhựa có lẽ ghê khiếp lắm, nhưng tao có biết gì! Tao chạy đến cửa xe truck chửi cho bọn mất dạy một hồi. Tiếng Anh của tao kém, tao lại đang giận run nên nói lắp bắp có ra gì đâu. Bọn lính Mỹ cười rũ lên. Bấy giờ tao mới thấy mình khôi hài. Tao phát khóc y như Diễm vậy!
Tường vội hỏi:
– Rồi sau ra sao?
– Một G.I. Mỹ xuống xách cái xe tao bằng một tay, vất lên lề đường, rồi chiếc truck tiếp tục chạy. May là quãng đường đó hoàn toàn vắng vẻ. Không ai trông thấy cảnh đáng nhục ấy. Tao kể lần này là lần đầu!
Tường reo lên:
– Sao không viết ngay thành truyện ngắn! Viết những đề tài như vậy còn có lý hơn viết những cái như “Vòng hoa dành cho ngài lãnh tụ”.
-Thế là cuộc bàn luận mổ xẻ tác phẩm của Ngữ bắt đầu!
***
Ngữ đã dựa vào chuyện của Lãng, thêm thắt phát triển thành cái truyện ngắn “Vòng hoa dành cho ngài lãnh tụ”. Đại khái câu chuyện như sau:
“Một Ông tướng chỉ huy vùng chiến thuật đang có thế lực rất lớn, nhưng trong thâm tâm ông muốn lên cao hơn nữa! Muốn từ vai số ba số bốn lên ngôi số một. Vì thế lúc nào ông cũng khả ái, hòa nhã, khom lưng lễ phép vái lạy cụ già, xoa đầu cho kẹo em bé, nhường bước cho phụ nữ, rỏ nước mắt với thương binh. .. Ông có một cái tật rất phù hợp với cao vọng của ông: cái tật ưa sưu tầm các kỷ vật lạ. Có lẽ ông nghĩ sớm đến lúc không còn hy sinh cho tổ quốc được nữa, nhân dân tưởng nhớ công ơn trời biển của ông muốn lập nhà tưởng niệm, thì ông phải có gì cho họ bày vào tủ kính chứ.
Hồ Chí Minh còn giữ được đôi dép lốp, cái va-li mây, cái gáo dừa ăn cơm thời ở chiến khu để người ta thờ phượng, để xếp vào viện bảo tàng. Còn ông? Phái đích thân lo liệu ngay từ bây giờ! Do đó trong bộ sưu tập của ông tướng đã có nhiều kỷ vật lạ: cái bình nhựa đựng xăng tự thiêu của hòa thượng Thích Quảng Đức, cái búa Nhất Chi Mai dùng để chặt tay phản đối chính quyền Ngô Ðình Diệm. khẩu súng thiếu tá Nhung dùng để bắn chết hai ông Diệm Nhu trong xe M-113, cây gậy chống già của cụ giáo học Trần Văn Hương, bọc đất thiêng Nguyễn Khánh vứt lại phi trường Tân Sơn Nhất sau khi đã được Cabot Lodge tiễn lên máy bay đi làm “đại sứ lưu động”.
Về Huế, Ông thường lui tới Royal Youth Club để sưu tập thêm vài bà dì, bà cô nhỏ tuổi của Bảo Long. Nhờ thế ông biết có vụ một chú lính Dù đeo xâu tai người say rượu rồi hành hung đổ máu ở khu Lạc sơn. Xâu tai người thì ông tướng còn lạ gì! Không đáng làm vật lưu niệm ớ viện bảo tàng mang tên ông trong tương lai ! Nhưng cô em gái cậu lính dù mắc nạn ăn nói khéo quá, ông tướng cảm động. Ông đòi công, bằng cái giá lạ đời nhất: phái nộp xâu tai người cho ông làm vật lưu niệm.
Nhà lãnh tụ có tài biến hóa của phủ thủy chuyên nghiệp nên sau khi được quân cảnh “khẩn trình” cái bọc dày cộm có đề hai chữ’ “tang vật” bên ngoài, ông liền có sáng kiến lập cho xâu tai người một bản tiểu sử. Từ bao lâu nay, kỷ vật nào của ông cũng có đính kèm một tiểu sử chi tiết hết cả!
Ông gọi viên đại úy phòng tâm lý chiến có bằng cao học sử địa. giao cho anh ta nhiệm vụ khó khăn và lạ lùng nhất: Đại úy sử gia phải đi với cậu lính Dù tìm cho ra tông tích của mười lăm cặp tai người! Tai nào của ai, mấy tuổi, làm nghề gì, lý lịch bản thân và quá trình, bị chết trong hoàn cảnh nào.
Đại úy sử gia chưa bao giờ phải sọan một thứ luận án cao học hóc búa như vậy. Anh lo quá. Nhưng lệnh là lệnh. Anh phải thi hành trước, sau này muốn khiếu nại gì thì cứ việc!
Khiếu nại ông tướng vùng à? Thà đi kiện củ khoai còn hơn!
Đại úy sử gia đành phải nhận sự vụ lệnh đi kèm chú lính Dù ra Đông hà tìm người cho chú xâu tai khô. Khó khăn lắm họ mới tìm ra, vì đơn vị của người lính này đang hành quân lớn tận Hạ Lào. Họ đành nằm chờ ở hậu cứ của lữ đoàn thủy quân lục chiến suốt hai tuần. Cuối cùng, viên đại úy may mắn tìm ra được “nhân vật chính” . Đai úy thích thú vô cùng: đó là một thanh niên trên ba mươi tuổi , lẫm liệt, hào sáng như Tiêu Phong; phong lưu lãng mạn như Lệnh Hồ Xung. Nhân vật chính là một lọai “trượng phu hành hiệp” lạc từ tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung ra lăn lộn ở khu vực lửa đạn cực Bắc. Anh ta kể vanh vách lai lịch ba mươi cái tai khô.
Không gọi mười lăm cặp mà phải gọi ba mươi cái, vì nếu so kỹ hình thù từng cái, ta chỉ thấy đủ mười một cặp, tám cái tai còn lại, không cái nào giống cái nào!
Mười một cặp tai khô ấy “đại hiệp” đã cắt từ mười một xác chết của những tên mất mạng rồi vẫn còn đáng bị cắt tai:
– Hai tên giật mìn xe chở trẻ em đến trường mẫu giáo, bị cốt nổ quá nhạy nên tự giết mình.
– Bốn tên đốt khu dân cư để bán tôn bị chết cháy lây.
– Hai tên trả tiền nhậu bằng quả lựu đạn mở chốt, sẩy tay tự giết.
– Một tên hiếp dâm một thiếu phụ bị ông chồng thí cho một nhát cuốc.
– Hai tên du đãng nghiện xì-ke giết mẹ để lấy tiền.
Tám cái tai lẻ còn lại, phải khó khăn lắm đại úy sử gia mới tìm xuất xứ được. “Đại hiệp” thú nhận đó là tai của những người còn sống, họ lại đang có quyền trong tay, nói ra chỉ chuốc họa vào thân. Nài nĩ lắm, “đại hiệp” chỉ dám tiết lộ cho sáu xuất xứ:
– Một cái cắt trộm của ông tu sĩ chuyên buôn lậu đồ Mỹ.
– Một cái cắt lén của ông tu sĩ khác ưa ái xe hơi có hụ còi.
– Một cái của ông đảng phái chuyên lo thanh toán đồng chí.
– Một cái của anh trí thức cơ hội.
– Một cái của chị thập thành đắc cử dân biểu.
– Một cái của anh dân biểu buôn thuốc phiện bằng va-li ngọai giao!
Nói đến đây, “đại hiệp” lại dừng. Như thể là quá sức can đảm của anh ta rồi. Tiết lộ cái xấu của các nhà tu, anh khoa bảng hoặc các ông các bà lập pháp, vì họ đều là người sống bằng cái lưỡi , nên ít nguy hiểm. Họ chưa quen xài súng. Hai cái tai cuối cùng, một cái lớn và đen, một cái nhỏ trắng và có xâu lỗ tai, nhất định anh ta không nói gì cả!
Đại úy sử gia liền về trình “kết quả tạm” lên cho Ngài lãnh tụ xem. Bản tiểu sử làm cho xâu tai khô rẻ tiền tự nhiên có giá! Nó là bản tóm tắt của một xã hội, bản tóm tắt vừa gọn ghẽ chính xác vừa huyền bí hoang đường.
Nhà lãnh tụ đem khoe với phu nhân. Phu nhân bận tiếp một ban đấu thầu xây cất phi trường mới , bảo ông tướng lãnh tụ chờ thêm cho năm phút. Năm phút sau, hai vợ chồng vào buồng riêng săm soi xâu tai khô có đánh số từng cái, mỗi số tương ứng với một bản tiểu sử. Đến hai cái tai vô danh cuốí cùng, đột nhiên nét mặt họ ngớ ra. Nhà lãnh tu ngơ ngác nhìn phu nhân. Phu nhân hốt hoảng nhìn chồng. Cả hai đồng thời khám phá ra rằng họ đã bị kẻ gian phi cắt mất cái tai phải từ lúc nào không hay”.
***
Long thi sĩ bảo Ngữ:
– Giữa bạn thân tao nói thật cùng mày: Tao không ưa truyện đó lắm. Không phải do kỹ thuật.Tao quen phất phơ, nên cái gì đậm quá, sắc quá, tao dễ ngán. Đọc cái gì giúp cho tâm hồn thêm lâng lâng yêu đời, tao thích hơn.
Việc phê bình thuần cảm tính nên Ngữ chỉ biết đáp:
– Cái đó tùy tâm tính mỗi người. Yêu ghét màu này màu nọ, khó định bằng lý lắm. Tao cũng ao ước được làm nhà văn của tình yêu muôn thuở như nhiều bạn trẻ khác. Bằng chứng là nhiều truyện được các cô gái Huế viết thư khen. Nhưng tự nhiên tao thấy những cái dáng ỏng eo đó thật phù phiếm.
Tường nói:
– Mày chuyển hướng là phải. Như hôm kia tao có nói một lần, mày vẫn còn mắc cái tật “nhân đạo chung chung”.
Ngô vội hỏi gì đó, nhưng nhớ cuộc tranh luận bất quân bình hôm trước, chàng lại thôi. Ngữ chờ Ngô không thấy bạn hỏi gì, nên hỏi Tường:
– Tao lại nghĩ ngược lại. Tao yêu ghét phân minh, không đánh đồng người phu xe với anh nhà giàu như mày giảng hôm kia.
Tường đang lơ mơ hút thuốc, lưng dựa vào vách một cách tự tín, nghe Ngữ nói như vậy, ngạc nhiên bật dậy hỏi:
– Mày nói cái gì? Yêu ghét phân minh à?
Ngữ đã suy nghĩ chín từ hai hôm nay, nên đáp chắc:
– Đúng.
– Trong truyện tao chỉ thấy mày ghét chứ chưa thấy mày tỏ ra yêu ai!
Sơn cười, nói chen vào:
– Có đấy. Nó ngầm đề cao thằng gì giống Tiêu Phong và Lệnh Hồ Xung. “Đại Hiệp”! Nhân vật ấy lạ đấy chứ!
Tường cãi:
– Đó chỉ là phần râu ria bên ngoài. Phần vào đề hoặc phần dẫn truyện. Ý chính vẫn là tiểu sử của ba mươi cái tai khô. Tao chia làm hai phần: phần tai chết và phần tai sống, cho tiện việc phân tích nhá! Trước hết là mười một cặp tai chết: hai người đặt mìn vụng về, bốn người đốt nhà sơ ý là sáu, hai tên lính nhậu là tám, một tên hiếp dâm rủi ro là chín, và hai tên nghiện xì-ke giết mẹ là mười một.
– Mày liệt kê như vậy để làm gì?
Ngô sợ Ngữ lâm thế bí, đáp liều:
– Khi viết cũng như khi vẽ, màu gọi màu, chữ gọi chữ. Mày “thẩm vấn” như vậy, ai đáp được?
Nếu mày hỏi tao vì sao chỗ này dùng màu xanh lá cây mà không dùng màu xanh lơ, tao chịu!
Ngữ gật đầu cảm ơn thiện chí của Ngô, rồi nói:
– Không đâu. Mình có chủ ý đấy.
Tường reo lên:
– Thấy không? Nó không vô tình liệt kê ra đâu. Cho tao biết chủ ý của mày!
Ngữ nhớ lại cuộc tranh luận hôm Tường đưa cho chàng đọc số Một tờ Lập Trường, mặt nóng lên vì phấn chấn. Giọng anh run run:
– Tao xem tên hiếp dâm, kẻ giết mẹ với tên đặt mìn, dù là đặt mìn theo lệnh cũng cá mè một lứa mà thôi. Chúng đều đáng bị cắt tai!
Tường liền cãi:
– Cá mè một lứa sao được! Mày “nhân đạo chung chung” rồi!
Ngữ đã chuẩn bị câu đáp trước nên giọng dứt khoát:
– Không. Tao yêu ghét phân minh.
Tường thách:
– Mày chứng minh đi!
– Tao yêu tao trọng con người. Tao yêu tao trọng cuộc sống, quyền sống của mỗi người, dù họ là ai. Không được nhân danh bất cứ thứ gì để tước đoạt quyền được sống ấy. Kẻ càng yếu đuối, càng vô phương tự vệ thì càng phải được bảo vệ. Ngược lại, tao ghét mọi hình thức bạo lực. Không có thứ bạo lực nào được biện minh hết thảy, cũng không thể có cái xấu nào là cần thiết.
Tường bĩu môi:
– Mày lại giở cái giọng ru em ra rồi!
Sơn thấy không khí găng quá. Mà bản tính nghệ sĩ của Sơn thì không thích cái gì kém vui. Cho nên anh vội bảo hai người:
– Để tao hát cho hai đứa mày nghe bài ca mới của Nguyễn Đức Quang. Bài “Không phải là lúc”.
Không phải là lúc ta ngồi mà đặt vấn đề
Mà phải cùng nhau ta làm cho tươi mới!
Hàng chục năm qua ta ngồi ngó nhau!
Nghi ngờ nhau, khích bác nhau!
Cho cay, cho sâu, cho thật đau!
Không phải là lúc ta ngồi đó mà cãi suông
Không tin nơi nhau, thế ta định nhờ ai dẫn đầu
Thế giới ngày nay không còn ma quái!
Thần tượng tàn rồi, còn anh với tôi!
Chúng ta đi tới bằng cái tầm thường thôi!
Làm việc đi không lo khen chê!
Làm việc đi hãy say và mê!
Cứ bắt tay từ từ chúng ta giải quyết
Mình chậm chân theo sau người ta
Còn ngồi đây nghĩ lo viễn vông
Thắc mắc ngại ngàng đến lúc nào mới làm xong!
Sơn đập một cái thật mạnh vào thùng đàn, cười lớn rất vô tư rồi nói:
– Ðấy! Tao cũng nghĩ như vậy!
Tường nhìn quanh thấy các bạn bị bài ca thuyết phục, tức giận nói:
– Đó là cách tránh né của loài đà điểu.
Thế giới ngày này không còn ma quái.
Thần tượng tàn rồi, còn anh với tôi!
Sai be bét. Ma quái còn đầy dẫy khắp chốn, còn thần tượng thì thiếu gì. Ra ngõ là gặp anh hùng, chỉ vì tụi mày lòa hết nên không trông thấy đấy thôi. Chúng ta sống trong xã hội có quá nhiều bọn cần cắt tai nên đâm bi quan.
Rồi quay sang Ngữ, Tường hỏi:
– Tao hỏi thật, mày không tìm ra cái gì đẹp để tin ư?
– Có chứ! Nhiều cái cao đẹp là đằng khác.
– Đừng nói những điều trừu tượng chung chung. Hãy nói cụ thể!
– Tao tin như mọi bạn bè hiện nay, là có thể làm một cuộc cách mạng xã hội mà không cần đến bạo lực hoặc sự giúp đỡ tai tiếng từ bên ngoài.
Tường kêu to:
– Làm gì có chuyện đó.
Họ lại bế tắc, như lần ngồi ở quán cà phê gần Đại học Y khoa.
Nguyễn Mộng Giác
Số lần đọc: 143