Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàMùa Biển ĐộngTập 4 - Bèo GiạtMùa Biển Động - Chương 118

Mùa Biển Động – Chương 118

(Mùa Biển Động – Chương 118)

Trung tá Thanh chịu đựng cảnh bẽ bàng và bất lực hơn một năm mới có cơ hội xin đổi đi nơi khác. Ông ngỏ ý nhiều lần với Đại tá Tỉnh trưởng xin trở lại Quân đoàn, nhưng ông đại tá không thuận. Viên tỉnh trưởng không muốn cấp dưới nghĩ ông tìm cách đẩy Trung tá Thanh đi, sau khi đã nhổ được cái gai bên Bình định Phát triển.

Cơ hội ấy đến vào cuối năm 1972, lúc ông đại tá được thăng chuẩn tướng và được gọi đi nhận chức tham mưu phó một quân đoàn. Mặc dù sau bảy năm làm tỉnh trưởng đã trở thành một quân nhân chỉ huy hành chánh nhà nghề, viên đại tá khôn ngoan nhận ra rằng cái chức tỉnh trưởng là một con dao bén nguy hiểm, nhanh tay lẹ mắt đến mấy cũng có ngày sơ sẩy, nhẹ thì đứt tay, nặng thì mất mạng hoặc thân bại danh liệt như nhiều tỉnh trưởng tiền nhiệm. Dù sao, tiến thân trong cái hệ thống đã có qui luật vững vàng là quân đội vẫn chắc chắn hơn, yên tâm hơn, giản dị hơn.

Viên tỉnh trưởng thay nhiệm sở, Trung tá Thanh chộp ngay cơ hội xin về Quân đoàn Hai để nhận một chức vự chỉ huy chiến đấu. Quân đoàn bối rối không tìm được chỗ thích hợp cho ông, cuối cùng bổ nhiệm ông về Phú bổn. Vẫn vai trò Tiểu khu phó. Bạn bè của ông cười mỉa, bảo ông bị biện pháp kỷ luật khi từ một tỉnh lớn bị đẩy về một tỉnh tí tẹo vốn chỉ là một quận miền núi hẻo lánh. Ông cười không nói gì. Trong thâm tâm, ông hy vọng biết đâu ở nhiệm sở mới, ít phải đối phó với các phức tạp dân sự, ông được nhiều cơ hội làm việc tốt hơn. Nhận được sự vụ lệnh, ông đưa cho Ngữ xem, và long trọng đề nghị Ngữ về làm việc chung với ông. Ngữ biết không thể nấn ná ở lại Qui nhơn được, dù bà Văn và các em muốn chàng ở lại. Ngữ quyết định nhanh không do dự.

Ngữ phải bỏ ngang bữa tiệc tiễn Trung tá Thanh và chàng tổ chức ở văn phòng Tiểu khu để ra phi trường đón Quỳnh Trang. Được tin Ngữ lại đổi nhiệm sở, Quỳnh Trang đánh điện tín báo cho Ngữ biết nàng sẽ ra Qui nhơn vào chuyến bay ba giờ chiều. Ngữ muốn đánh điện tín ngăn không cho vợ phải vất vả sợ đi đường xa bị động thai, nhưng không kịp.

Phi cơ đến phi trường Qui nhơn trễ nửa giờ. Ngữ nhờ bộ quần áo lính ra đến tận chỗ phi cơ đậu chờ cánh cửa phi cơ mở và nhân viên Air Việt Nam đẩy chiếc thang đến áp vào cửa phi cơ. Hành khách lục tục bước xuống. Quỳnh Trang ra sau cùng. Từ dưới đất nhìn lên đầu cầu thang, Ngữ thấy bụng vợ lớn quá khổ mặc dù chiếc áo sản phụ trắng choàng bên ngoài đã che bớt phần nào thân thể đã biến dạng của Quỳnh Trang. Lòng Ngữ tự nhiên cảm thấy vừa hối hận vừa hân hoan. Chàng không chờ cho ông hành khách đi trước Quỳnh Trang bước xuống khỏi thang, chạy lên chỗ bậc cấp Quỳnh Trang đứng, lo âu hỏi:

– Trời, em ra làm gì. Có mệt không? Anh định đánh điện báo cho em là sẽ về Sài gòn trước rồi mới lên Phú bổn sau. Để anh đỡ xuống thang kẻo ngã.

Quỳnh Trang thấy nhiều nhân viên Air Việt Nam (kể cả hai cô tiếp viên hàng không đang đứng ở cửa phi cơ chờ lối trống xuống phi cảng) nhìn mình tò mò, đâm ngượng, nhưng cảm động nói với chồng:

– Em tự đi một mình được mà. Bụng em còn nhỏ, đã đến nỗi nào.

Ngữ nhìn lại bụng vợ, thấy quả nhiên bụng Quỳnh Trang không lớn như lúc đầu Ngữ từ dưới nhìn lên. Nói thế, nhưng Quỳnh Trang vẫn vịn vào vai Ngữ bước xuống thang. Ngữ hỏi:

– Em không có xách tay à?

– Có. Nhưng em gửi hành lý cả, đi tay không cho khỏe. Anh phải chờ lãnh hành lý cho em.

Hai vợ chồng đã xuống khỏi thang. Họ đi về phía chái trước cửa phi cảng tìm chỗ đứng đợi. Ngữ hỏi:

– Em có khát không anh vào mua một lon nước ngọt cho em?

Quỳnh Trang nói:

– Không. Em vừa uống trước khi phi cơ hạ cánh.

– Thầy me vẫn thường chứ?

– Vẫn vậy! Quỳnh Như có gửi thư cho anh. Em đem cả những lá thư nó viết cho em để anh đọc nữa. Tội nghiệp con bé!

– Như gặp chuyện gì vậy?

– Không có gì. Nó chỉ buồn thôi. Me em buồn lắm. Nghe anh lại bị đổi đi lên Cheo Reo, me buồn hơn nữa.

– Cheo Reo à? Cái tên nghe như cảnh đèo heo hút gió! Ở đâu vậy?

Quỳnh Trang trố mắt nhìn Ngữ:

– Em tưởng anh phải thạo hơn em chứ. Cheo Reo là tên cũ của Phú bổn. Em biết nhờ thời kỳ thường đi xe đò lên Buôn mê thuột mua cà phê. Me bảo em ra nói với anh là hãy vào Sài gòn vận động để làm viêc lại ở tờ Tiền Tuyến. Có được không anh?

Ngữ do dự một lúc sợ vợ thất vọng:

– Chắc là khó. Nhưng anh sẽ cùng về Sài gòn với em để xin thử xem sao. Hành lý đã lấy xuống rồi. Phiếu gửi hành lý của em đâu?

Ngữ nhất định không cho Quỳnh Trang ngồi phía sau yên xe Honda để chở vợ về nhà. Chàng thuê một chiếc cyclo cho Quỳnh Trang, còn cẩn thận dặn bác cyclo nhớ chạy thật chậm, và nhớ tránh giùm những ổ gà. Quỳnh Trang thấy Ngữ lo lắng thái quá, cười thích thú, trách yêu:

– Anh lẩm cẩm quá! Còn hai tháng nữa em mới sinh, đã đến nỗi nào.

Ngữ nói:

– Ấy, anh đọc cuốn “Các bà mẹ sắp sinh con nên biết” thấy nói tháng thứ ba và tháng thứ bảy là hai tháng các bà bầu phải cẩn thận để tránh bị sẩy thai. Anh có gửi cuốn đó cho em rồi mà!

Bác cyclo già đứng giữa nghe hai vợ chồng trẻ, chen vào nói:

– Các cô các cậu bây giờ cái gì cũng tin ở sách, chứ hồi trước con vợ tôi hôm sau sanh hôm trước còn đứng giã gạo cả đêm. Có sao đâu!

Ngữ nói:

– Hồi trước khác bây giờ khác. Bác nhớ chạy cẩn thận nghe!

Thấy cả nhà đi vắng, Quỳnh Trang hỏi:

– Má không ở nhà à?

– Hôm nay má xuống chợ trông hàng cho con Quế ra Phù cát mua hàng. Nam chiều nay có giờ dạy đến sáu giờ trường mới tan. Cháu Thúy đi học mẫu giáo.

– Nó mấy tuổi mà đã đi học?

– Năm tuổi. Thật ra chưa đủ tuổi, nhưng Nam muốn con đi học cho dạn dĩ bớt. Tính con bé nhút nhát, vì quanh đây không có bạn chơi. Các cô các cậu thì đi cả ngày. Em đứng yên để anh ngắm xem “bà mẹ tương lai” có khác với “cô dâu mới” nhiều không!

Quỳnh Trang thích cách gọi kiểu cách của Ngữ, đứng xuôi tay cho chồng ngắm. Chiếc áo sản phụ may bằng vải trắng in những cánh chả tím choàng ra ngoài chiếc áo dài vàng nhạt may rộng. Quần lụa đen. Dép da đế thấp. Trông Quỳnh Trang vững chãi khỏe mạnh chứ không ốm yếu bệnh hoạn như thời Nam có mang con Thúy. Dấu hiệu thai nghén duy nhất trên khuôn mặt Quỳnh Trang là cặp mắt hơi nặng nề sượng sùng, như đôi mắt của người bị bệnh phù thũng mất ngủ.

Ngữ lo ngại hỏi:

– Em ngủ có được không?

– Được. Anh mở xách lấy cho em bộ đồ để thay. Cái xách lớn kia kìa. Không phải cái nhỏ.

– Em cần ủi lại không. Anh ủi cho!

Trang cười:

– Sao tự nhiên anh “nịnh đầm” với em thế?

– Để chuộc tội. Mỗi lần gặp những anh chồng đi với bà vợ mang bầu, anh thấy nét mặt anh chồng lạ lắm. Vừa có vẻ ngượng ngùng vì bị thiên hạ biết mình là tác giả của cái tác phẩm cồng kềnh bên cạnh, lại vừa có vẻ gian của kẻ phạm tội.

– Anh chỉ chẻ sợi tóc ra làm tư! Không ai ngượng ngùng cả, chỉ có anh thôi! Anh cho em mượn đôi dép Nhật. Đôi dép quai da thật, thấm nước hư đi!

Ngữ đem đôi dép cho vợ, sẵn dịp ôm Quỳnh Trang hôn. Cái bụng Quỳnh Trang làm cho Ngữ phải chồm người tới mới ôm trọn được đôi vai đầy của vợ. Quỳnh Trang để cho chồng hôn, nhưng Ngữ hôn xong, nàng trách:

– Anh hút thuốc lá nhiều quá.

Bữa cơm tối có đầy đủ gia đình. Con bé Thúy mê con búp bê da đen nhồi bông Quỳnh Trang đem ra làm quà cho cháu, không chịu ăn cơm. Nam mắng con:

– Thúy, mẹ đã bảo ăn cơm đi đã. Không ăn cơm mẹ nói dì Trang lấy con búp bê lại đó.

Con bé vội ngước lên nhìn mẹ, má vẫn áp vào mái tóc quăn xoắn tít của búp bê, ánh mắt dò hỏi nhưng không tin mẹ nói thật. Hết nhìn mẹ, Thúy lại nhìn Quỳnh Trang. Thấy hai người lớn làm mặt nghiêm, nó chột dạ, đem cất con búp bê vào giường rồi trở lại bàn ăn. Quế hỏi Nam:

– Sao chị lại bảo Thúy gọi chị Trang là dì? Phải gọi là cô chứ!

Bà Văn chữa lại:

– Phải gọi là mợ.

Quế cười, nhìn Quỳnh Trang nói:

– Ừ, em cũng thấy rắc rối thật. Gọi cô cũng được, mà gọi mợ cũng được. Nhưng gọi thế nào đúng hơn?

Mặt Nam dàu dàu khi nói:

– Gọi mợ hoặc dì đi!

Mọi người đều hiểu Nam muốn nói gì, nên từ đó không khí buổi ăn nặng nề, người vắng mặt cứ chờn vờn trong đầu mọi người, bữa cơm tự nhiên tẻ nhạt. Bằng trực giác, con Thủy cảm thấy có điều gì bất thường vừa xảy ra lúc nó đi cất con búp bê. Thúy tưởng mẹ, bà ngoại, dì và cậu mợ Ngữ giận nó vì nó không chịu ăn cơm. Để tỏ thiện chí hối lỗi, Thúy leo lên ngồi trên chiếc ghế cao giữa mẹ và mợ Trang, hăng hái cầm muỗng xúc nhiều cơm và nhai nuốt thật hăng. Quỳnh Trang vuốt đầu cháu nói:

– Cháu của mợ ngoan lắm. Hôm nào mợ có em bé, sẽ đem ra đây cho Cháu bồng. Búp bê của mợ sẽ đẹp hơn con này, biết khóc, biết bú sữa. Con búp bê đen này chỉ biết nhắm mắt mở mắt thôi.

Con Thủy ngưng nhai, ngước lên hỏi:

– Chừng nào dì đem em bé ra?

Quế nhắc, vừa nói vừa liếc nhìn Nam:

– Cháu gọi dì Trang là mợ.

Con Thúy cãi:

– Hôm trước dì Trang ra, mẹ bảo con gọi là dì mà!

Quế nói:

– Hồi đó, dì Trang chưa lấy cậu Ngữ. Nay thì cháu phải gọi là mợ. Gọi mợ vì dì Trang là vợ của cậu, hiểu chưa?

Có lẽ con bé thấy rắc rối quá, tuy gật đầu nhưng nét mặt hơi đăm chiêu, bối rối. Đột nhiên Thúy quay về phía Nam nói:

– Mẹ, hồi chiều sư cô nói sư cô có biết ba!

Câu nói con Thúy làm cho người lớn lại ngại ngùng nhìn nhau. Chờ mãi không thấy ai nói gì, Nam đành đáp lời con:

– Con hỏi gì sư cô mà sư cô nói vậy?

– Con có hỏi gì đâu! Sư cô nghe con nói giọng Huế nên thương con lắm. Sư cô cũng người Huế mà! Sư cô khen con đồ hàng chữ A rất đẹp, rồi nói là sư cô có quen với ba.

Ngữ từ đầu bữa ăn đến giờ giữ im lặng, bây giờ chen vào hỏi:

– Lớp cháu có mấy người?

– Nhiều lắm cậu. Con Lan ngồi bên cạnh cháu này, con Thiện hay mượn bút chì của cháu này, Con Liễu hay nhai kẹo cao su trong lớp này, con Thu mũi dãi thò lò ống tay áo dơ thật là dơ này…

Bà Văn cười ngăn lại:

– Thôi, đủ rồi. Con ăn đi, rồi còn đi ngủ sớm mai đi học. Mai bà phải xuống chợ sớm, cậu Ngữ sẽ chở con đi học

– Trưa ai chở con về?

Nam nói:

– Mai 9 giờ mẹ mới có giờ dạy. Để mẹ chở con đi học cũng được. Trưa con đứng chờ ở cửa lớp, nhớ đừng chạy đi đâu xa , mẹ đi dạy về mẹ đón.

Rồi quay sang phía anh, Nam nói:

– Mai anh chở Trang đi chơi đi! Đem Trang lên Chợ Huyện ăn nem cho biết.Dù Quỳnh Trang đã lấy Ngữ, nhưng Nam quen miệng từ thời còn học chung ở trung học, không gọi Quỳnh Trang là “chị” được.

Bà Văn nói:

– Đi đâu thì đi nhưng phải cẩn thận xe cộ. Đường xấu lắm, đầy ổ gà. Sơ sẩy để hư thai lại khổ.

Bà nói chung, rồi quay riêng sang Quỳnh Trang hỏi:

– Me con trong đó có định cho con sinh theo lối Việt nam không?

Quỳnh Trang đáp:

– Con không hiểu. Là vì lâu nay nhà con có ai sinh đẻ gì đâu! Nhưng sinh theo lối Việt nam là sao hở má?

– Hồi con Nam sinh, vì không chịu nghe theo má mà sinh xong cứ đau yếu hoài. Phải chịu khó ăn mặn và nằm lửa thì sinh xong mới khỏe được.

Quế bĩu môi:

– Má nói chuyện hồi xưa hoài! Ai đời sinh con mất sức lại phải nhịn ăn nhịn uống, còn đem cả cái lò than vào mà nướng, ai chịu nổi. Dưới nhà thương Thánh gia, mấy bà soeurs Mỹ bắt mấy bà vừa sinh xong phải đi tắm liền, cho đi lại thả cửa, hai ngày sau cho về. Không kiêng cữ gì cả, có sao đâu!

Bà Văn bực bội với Quế, nói:

– Có sao đâu! Bây giờ còn khỏe, chưa thấy gì. Nhưng sinh nhiều như mấy bà hồi trước, tuổi lớn hơn, mới thấy. Trang nói với me ra đây sinh, má nuôi cho.

Quỳnh Trang liếc về phía Quế cười thông cảm, rồi đáp:

– Dạ. Con sẽ xin me con. Chỉ sợ nhà trong đó đơn chiếc. Me con bảo nếu anh Ngữ lại xin về làm việc ở Sài gòn thì tiện lắm!

Bà Văn cảm thấy không vui, như câu nói của cô dâu có chạm chút đỉnh tới tự ái của bà. Như bà không còn chút chủ quyền nào trên đứa con trai nữa. Nó đã thuộc vào một gia đình khác, và bà không đủ điều kiện để giữ nó lại, giành nó lại. Từ đó đến cuối bữa ăn, bà giữ im lặng.

***

Nam và Quế muốn nhường chiếc giường rộng cho hai vợ chồng Ngữ, nhưng Quỳnh Trang từ chối. Hai vợ chồng ra ngủ ở cái divan đặt ở phòng trước để khỏi làm phiền các em. Quỳnh Trang ngồi ở bàn viết của Ngữ tò mò lục soạn để biết những gì Ngữ đã làm khi xa mình. Chiếc bàn gỗ tạp bày đầy những thứ lặt vặt một cách bừa bãi: sách vở xếp không gọn ghẽ, cái gạt tàn thuốc đầy ắp tro và mẩu thuốc thừa rơi cả ra ngoài, mấy trang bản thảo viết dở gạch xóa nhem nhuốc. Quỳnh Trang thấy Ngữ đang viết dở một cái truyện ngắn, lấy khung cảnh là một đơn vị chung sự vụ làm việc cạnh một nhà xác của quân y viện. Ngữ giật ba trang bản thảo không cho vợ đọc, mặt đỏ gay như bị bắt gặp đang trần truồng. Quỳnh Trang cười hỏi:

– Sao không cho em đọc?

Ngữ xếp ba tờ giấy vào túi áo ngủ, nói:

– Chưa xong gì cả, em đọc thấy hết cái dở của anh.

Quỳnh Trang nói:

– Em liếc qua thấy hay đấy chứ! Chỉ tiếc là chữ anh viết tháu khó đọc quá.

– Hay gì! Chuyện này anh viết không suông. Cả tuần nay viết không trôi. Đã định xé đi, nhưng tiếc!

Quỳnh Trang không nài, hỏi:

– Sao anh cứ chọn mấy đề tài bi thảm? Sao không viết về em?

– Em thích anh viết về em à?

– Thích chứ. Để xem anh nhìn em ra sao.

– Nhìn ra sao thì em đã biết rồi. Với lại đã viết bao nhiêu thư.

– Cũng qua thư anh viết cho em mà em lo! Truớc đấy, anh viết dài chữ nắn nót dễ đọc. Gần đây, anh viết ngắn, chữ tháu như gà bới. Thư lại chẳng có gì thơ mộng cả! Anh có đổi thay không?

Thấy Quỳnh Trang nghiêm trang khi hỏi câu ấy, Ngữ nói:

– Không thay đổi gì cả. Càng ngày em càng đáng yêu hơn, càng trở thành da thịt, thân thể của anh. Người ta thường ít viết về những gì mình đang có. Chỉ có mấy tên thất tình mới viết về tình yêu thôi. Anh có đủ, viết làm gì nữa. Và viết sao cho đủ!

Quỳnh Trang bĩu môi nhưng nét mặt vui:

– Anh ngụy biện giỏi lắm. Nhưng em vẫn thích anh viết về em. Con Như hỏi em là có truyện nào anh viết về em không? Em trả lời có. À, em quên đưa thư con Như cho anh đọc. Thư mới nhận tuần trước có cái nó viết riêng cho anh. Em không mở ra, nhưng thế nào anh đọc xong em cũng phải có quyền đọc ké. Anh phải cho em đọc ké, vì em cho anh xem luôn mấy lá thư nó viết cho me nữa.

Nói như vậy, nhưng Quỳnh Trang lười không đi lấy thư. Nàng ngồi yên trên ghế, bảo Ngữ:

– Anh vào mở cái xắc nhỏ của em, thư em để trong ngăn ngoài, mở cái fermeture ra là thấy.

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 85

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây