Chờ cho các bạn khác về rồi, Ngô mới bảo nhỏ với Ngữ:
– Ðêm nay mày ngủ lại đây đi!
Ngữ hỏi, mắt nhìn quanh:
– Có chỗ không? Mày chỉ có cái giường bố.
Ngô nói:
– Mày ở lại tao có chuyện cần hỏi mày.
Ngữ biết Ngô muốn tâm sự chuyện gì đó quan trọng lắm, vì suốt cuộc tranh luận, Ngô muốn nói với Tường nhiều nhưng khi định nói lại đổi ý do dự. Ngữ cởi hạt nút áo trên cùng cho đỡ nóng, lấy quyển vở Ngô dùng để phác họa quạt phe phẩy. Ngô hỏi:
– Mày muốn tắm không?
Ngữ hỏi lại:
– Tắm ở đâu?
– Tao vẫn thường xách nước qua bên này. Hơi xa, nhưng tiện hơn. Phòng tắm bên đó liền với nhà bếp, đi ra đi vô đụng đầu…
Sợ làm phiền bạn, Ngữ lắc đầu:
– Thôi. Tao chỉ rửa măt qua rồi đi ngủ. Cho tao mượn cái khăn mặt đi. Ngô định lấy cái khăn của mình đưa cho bạn, nhưng nhớ lại cái khăn đó quá dơ. Ngô cẩu thả, nhiều khi dùng ngay khăn lau mặt để lau các vết sơn thừa trên tranh; ngay cả khi chỉ dùng để lau mặt, cái khăn ấy cả tháng không giặt nên hôi hám, đen đủi chẳng khác nào tấm giẻ lau bàn dưới nhà bếp. Ngô nói:
– Ðể tao về nhà đem qua chai nước lọc, sẵn tiện lấy cái khăn cho mày. Ngữ chờ bạn đi rồi, mới cởi cả áo ngoài nằm dài trên cái giường bố. Chàng thấy mệt, tuy cả ngày chỉ la cà chứ không làm việc gì nặng. Bức tranh Ngô vẽ dở mới được một nửa có hình một cô gái vạm vỡ đang giơ tay lên như hô khẩu hiệu. Ngô chỉ mới vẽ được một nửa khuôn mặt, nên chỉ hơi hiện rõ cái miệng tròn. Khuôn mặt thiếu mắt và mũi, cánh tay phải lại cụt đến cùi chỏ, nên thoạt nhìn, Ngữ không khỏi bật cười. Chàng nghĩ lẩn thẩn:
– Ðúng là thời thiên hạ chỉ chú ý đến cái miệng. Ở đâu cũng nghe nói, nói, nói. Nói không kịp thở và không thèm dùng mắt để nhìn lại xem người khác có nghe hay không. Có cái gì giông giống với không khí đam mê điên dại trong thánh kinh, khi ai ai cũng tưởng được Thiên khải để nói tiên tri. Hội thảo. Tuyên cáo. Đêm suy tưởng. Dạ đàm. Nói trên loa phóng thanh, nói ở buổi họp mặt. Có thể cả những cột điện trước khách sạn Morin cũng biết phát biểu để tỏ ý kiến tán đồng với các bản tuyên ngôn. Và những vì sao khuya cũng nhấp nháy để báo tin đã nhận sứ điệp.
Ý tưởng ngộ nghĩnh nhân xem bức tranh dang dở của Ngô khiến Ngữ vui vui. Chàng muốn nói ngay ý đó với bạn. Có tiếng chân bước nhẹ trước xưởng vẽ. Ngữ hơi ái ngại, ngờ rằng không phải bước đi nặng và gấp của Ngô. Chàng ngồi dậy, tay vơ cái áo mắc trên ghế dựa. Diễm lấp ló ở cửa phòng, hỏi vào:
– Em vô được không?
Ngữ cài nút áo xong mới đáp:
– Diễm vào đi. Ngô đâu?
Diễm không đáp ngay, chỉ nói:
– Anh ấy sai đem cái khăn qua cho anh.
Ngữ đưa tay nhận cái khăn còn ướt và ẩm, hỏi Diễm:
– Diễm chưa đi nghỉ ư?
Diễm buồn buồn đáp:
– Chưa ngủ được, anh Ngữ ạ!
– Bận học bài thi à?
– Không. Lâu nay có học hành gì đâu mà thi với cử. Chắc tụi em mất năm nay quá. Tại nhà…
– Sao ạ?
Diễm ngập ngừng một lúc, mới nói:
– Nhà em lúc nào cũng thế. Ba về thì không đứa này cũng đứa kia bị la!
– Ngô đang bị dũa à? Chuyện gì thế?
Diễm lại do dự, nhìn Ngữ, đôi mắt chớp chớp cô giấu xúc động. Một lúc sau, nàng nói nhỏ:
– Ba em sợ.
Ngữ đoán chuyện rắc rối khá trầm trọng, nên cố lấy giọng thân mật hỏi cho cô em gái bạn khỏi ngại:
– Chắc lại như ông bà bên anh chứ gì? Các ông cụ bà cụ bao giờ cũng lo xa.
Quả nhiên Diễm vui vẻ hỏi:
– Bên ấy bác cũng thường rầy các anh chị chuyện hội thảo xuống đường à?
Ngữ đoán được đại khái câu chuyện, nên hỏi Diễm:
– Có lẽ bác ngại khi thấy tụi này cứ họp mặt ở đây…
Diễm quên dè dặt nói:
– Đúng thế! Ba em…
Nói nửa chừnǵ, Diễm ngưng lại, Ngữ thấy thái độ của Diễm nửa muốn về, lại nửa muốn tiếp tục câu chuyện, nên nói:
– Diễm ngồi lại chơi đã. Ngồi ở cái ghế này.
Diễm e dè ngồi xuống ghế nhìn quanh phòng như một khách lạ. Ngữ bật cười hỏi:
– Diễm ít qua đây lắm sao?
Diễm cười đáp:
– Không. Nhưng tự nhiên đêm nay căn phòng này khác hẳn đi. Có cái gì đó… Hình như thiếu thiếu cái gì.
Ngữ nói liền:
– Thiếu các cô gái cổ cao, phải không?
Diểm reo lên:
– Phải. Anh ấy dẹp đi đâu hết rồi!
– Tường nó chê quá, Ngô đâm nản. Anh cô đang vẽ những cô gái vạm vỡ, Diểm không thấy sao?
Diễm nhíu mày ngắm bức tranh vẽ dở của anh, trề môi chê:
– Xấu òm. Em không thích.
– Diễm thích cái gì? Tranh tố nữ cổ thiên nga à?
– Cũng không.
– Phiền nhỉ. Ngô có cô em khó tính quá.
– Không phải thế. Em thích cái gì tự nhiên. Cổ cao quá hay thấp quá, đều có cái gì quá đáng. Anh Ngữ này…
– Diễm nói gì?
– Hồi nãy em có lén nghe các anh nói chuyện. Nghe lén xấu lắm, nhưng ba sai em qua kêu anh Ngô về, em không đi không được.
Ngữ lo ngại hỏi:
– Bác về từ lâu rồi à?
– Cách đây khoảng một giờ.
rồi như không muốn Ngữ bận tâm về cha mình, Diễm nói:
– Em không thích cái lối nói của anh Tường.
Ngữ vui mừng tìm được người đồng chí khả ái, hấp tấp hỏi:
– Diễm không thích chỗ nào?
Diễm đỏ mặt thiếu tự tín, cười do dự một lúc mới dè dặt nói:
– Em không thích… không thích lối nói sát sạt của anh ấy. Nghe như nghe cha đạo giảng kinh. Phải thế này, phải thế nọ. Anh ấy nói cái gì cũng có lý cả, cãi không được. Nhưng nghe vẫn tức anh ách thế nào!
Nghe Diễm diễn tả tâm trạng mình gọn và đúng quá. Ngữ thú vị đập nhẹ xuống ghế bố reo lên:
– Đúng quá. Diễm hay thật.
– Anh nói mỉa em hả.
– Không đâu. Diễm nắm được cái thần của thằng Tường. Vì sao tức anh ách, Diễm biết không?
– Em chịu.
– Vì nó lên gân để nói những điều quá sức mình. Không phải nó nói dối hay nói dóc, không ai chân thành và đam mê cho bằng Tường. Nó không nói dối. Nó chỉ có tin một điều quá sức chịu đựng của nó mà thôi.
Diễm lắc đầu:
– Em không hiểu gì cả.
Ngữ nói:
-Đấy là lỗi của tôi. Tôi viết văn mà diễn tả không đúng và gọn cho bằng Diễm, tệ quá.
– Anh lại nói mỉa em rồi.
– Không. Tôi nói thật. Chân lý đúng nghĩa bao giờ cũng đơn giản dễ hiểu. Cái gì nghe mà tức anh ách, hoặc cảm thấy có gì đè nặng lên đầu mình, cái đó còn xa mới là chân lý.
Diễm lại thú nhận:
– Em chỉ hiểu mù mờ.
Ngữ cười chữa thẹn:
– Như vậy Diễm đừng cố hiểu, vì tôi chưa nói được đúng chân lý.
Diễm cười, đỏ mặt vì được Ngữ khen. Nàng nhìn quanh như sợ ai trông thấy, rồi hỏi:
– Sao chẳng bao giờ các anh hỏi ý kiến tụi em cả?
Ngữ ngạc nhiên hỏi lại:
– Hỏi chuyện gì?
– Chuyện các anh đang say mê làm đấy. Anh Ngô không bao giờ hỏi em xem vẽ như thế có đẹp không. Anh có đưa truyện cho chị Nam hay con Quế đọc rồi hỏi ý kiến không?
– Ừ nhỉ. Chưa bao giờ cả.
Diểm liếc nhìn Ngữ rồi nói nhỏ:
– Em có đọc hết các truyện anh viết.
Ngữ vội hỏi:
– Ðọc ở đâu?
– Trên báo. Cả trên bản thảo anh cho anh Ngô mượn nữa. Ngữ lo ngại hỏi, lòng vô cùng hồi hộp:
– Diễm thấy thế nào?
Diễm cười không nói. Ngữ giục:
– Cứ nói thật. Tôi không buồn đâu.
Diễm che miệng cười rúc rích rồi đáp nhanh:
– Em thích lắm.
Lời khen bất ngờ và ngắn ngủi khiến Ngữ nôn nao cả lòng. Chàng ngước lên nhìn Diễm, thấy Diễm đẹp và dễ thương quá. Tại sao đến bây giờ, sau bao năm đi lại quen biết với gia đình Ngô, Ngữ mới thấy Diễm xinh xắn đẹp đẽ. Diễm cũng có khuôn mặt hơi gầy như Ngô, nước da Diễm ngăm ngăm không được trắng lắm. Nhưng ánh mắt tinh nghịch và cái mũi cao khiến khuôn mặt Diễm linh hoạt hẳn lên. Đôi mắt Diểm cũng lạc quan như đôi môi hay cười. Cái cằm nhọn hiện rõ trên cần cổ thon cao. Có thể Ngô lấy em gái làm người mẫu đầu tiên không biết chừng. Như vậy Ngữ đã lầm khi chê Ngô mô phỏng Modi. Ngữ không thể dừng được nữa. Chàng phải biết rõ Diễm nghĩ gì về truyện của chàng. Trước hết là truyện “Vòng hoa dành cho ngài lãnh tụ”. Ngữ hỏi:
– Diễm có đọc cái truyện cuối chưa?
– Dĩ nhiên em đọc rồi. Ðọc từ hồi tờ Khởi Hành mới ra Huế.
– Diễm mượn của ai thế? “
Diễm xịu mặt hỏi lại:
– Anh chê em không dám bỏ tiền mua báo hả?
Càng ngày Ngữ càng khám phá ra nhiều điểm thú vị. Chàng tưởng tượng được Diễm làm chị phó tổng thư ký đặc trách nội vụ như thế nào, Diễm dẫn đầu cuộc biểu tình hoặc làm đặc phái viên vào xách động tận phía bên kia đèo Hải vân thế nào, nhưng không bao giờ tưởng tượng được rằng Diễm bỏ tiền dành mua ô mai để mua báo Khởi Hành. Tưởng tượng Diễm mua báo Phụ Nữ Ngày Mai, hoặc Tiểu Thuyết Thú Tư, Thời Nay, Phổ Thông dễ hơn. Ngữ hồi hộp hỏi:
– Diễm đọc xong truyện đó có thấy tức anh ách không?
Diễm đáp ngay:
– Không đâu. Ðọc thú lắm. Em cứ tưởng Lãng có gặp cái ông “đại hiệp” đó thật. Anh làm em quê một cục.
– Sao thế?
– Em chạy đi hỏi thằng Lãng. Nó chưa đọc truyện của anh nên ngớ ra.
– Diễm gặp nó ở đâu?
– Lãng đi đâu với ông Mân không biết. Cái hội RYC cũng có thật chứ anh?
– Ừ, có thật, nhưng…
– Anh pha trộn thực với tưởng tượng làm em không biết đâu mà lần. Ðọc cứ hồi hộp không hiểu ra làm sao.
Ngữ vui mừng nói:
– Nếu viết được cái truyện mà người đọc cứ tưởng như có thật tức là đã thành công đấy. Có những chuyện thật trăm phần trăm nhưng kể vụng người ta đọc không ai tin, người ta cứ tức anh ách như Diễm vừa nói. Ngược lại…
Diễm cắt lời Ngữ:
– Nhưng em không chịu cách anh phân tai người.
Ngữ chưa hiểu, hỏi lại:
– Diễm muốn nói gì?
– Mười một cặp tai cắt của những tên đại gian ác đã chết, em cho là nhiều quá. Giảm bớt số đó lại, để “đại hiệp” phải cắt trộm nhiều cái tai sống nữa cho đủ số. Thiếu gì hạng người còn sống nhăn nhưng đáng bị cắt tai.
Ngữ thấy ý kiến ngộ nghĩnh, hỏi:
– Như hạng người nào?
Diễm vội kêu:
– Chịu. Em chỉ nói thế thôi. Cắt tai, ôi chao, ghê thấy mồ!
Nói xong Diễm cười khúc khích, hai tay đưa lên bịt tai lại. Ngón tay Diễm vô tình vệt tóc, cho Ngữ thấy hai vành tai Diễm nhỏ và hồng, thật xinh.
******
Ngô xách xô nước qua, rồi ôm chiếu trải xuống nền xi măng, không nói năng gì. Ngữ biết bạn đang có chuyện buồn, nên không hỏi vội. Chàng cầm cái khăn mặt ra chỗ gốc nhãn. Ngữ nhớ lúc nãy khi Diễm vừa đưa cái khăn cho chàng, nó hãy còn âm ấm. Chi tiết ấy đối với chàng trở nến lạ lùng. Ngữ nghĩ: Có lẽ không phải cái khăn của thằng Ngô đâu. Nó không cẩn thận đến nỗi nấu khăn cho sạch Mỗi tối. Chàng rộn rã cả lòng khi chợt nghĩ: Biết đâu là khăn của Diễm. Phải rồi. Chỉ có các cô mới lớn sợ mụn chăm sóc nâng niu da mặt như nâng trứng hứng hoa mới chịu khó kỹ càng như thế thôi.
Ngữ muốn kiểm chứng lại dự đoán của mình, nhưng chàng vừa hy vong lại vừa lo sợ thất vọng.
Sau một hồi chần chờ, chàng áp cái khăn còn ướt lên mặt. Đúng là khăn của Diễm. Chàng ngửi thấy mùi xà phòng thơm pha lẫn mùi kem Quế em gái chàng vẩn thường đánh lên mặt trước khi đi ngủ. Ngữ có hai cô em gái nên chàng khá rành về son phấn. Chàng nhắm mắt hít nhẹ thứ hương nồng nàn, lòng vui lâng lâng. Không biết Ngữ đứng yên dưới gốc nhãn trong bao lâu, chàng chỉ giật mình trở lại thực tại khi có tiếng Ngô gọi lớn:
– Có gì thế Ngữ?
Ngữ nói:
– Có gì đâu.
– Sao mày không rửa mặt?
Ngữ biết Ngô thắc mắc vì không nghe tiếng nước xối, chàng cười một mình, áp khăn lên mặt một lần chót, rồi mới múc ca nước dội lên , vắt qua. Nước đổ xuống vũng gần gốc nhãn kêu róc rách. Bấy giờ Ngữ mới nói dối Ngô:
-Tại trăng đẹp quá.
Nước làm cho mùi hương phấn loãng đi, nhưng bù lại, Ngữ thấy hình như sau mùi son phấn hiện lên đậm dần mùi thơm thơm của dạ thịt. Chăng vội lau mặt thật nhanh để xả nước lần nữa, vắt xong, phủ khăn lên mặt. Mùi thơm thơm vẫn vương vấn đâu đây. Giọng Ngô bắt đầu sốt ruột:
– Mày rạy rọ cái gì lâu thế?
Ngữ vội đáp:
– Tao vào ngay đây. Gớm. Cả ngày đi ngoài đường, cái mặt đầy cả bụi.
Nói thế nhưng Ngữ vẫn nấn ná áp mặt lên cái khăn ướt lần nữa mới bước vào nhà. Ngô nằm ngửa trên chiếu, mắt lim dim như sắp ngủ. Ngữ hỏi:
– Có chuyện gì mà trông mày buồn thế?
Ngô thở dài, rồi đáp lơ lửng:
– Ba tao… thật phiền.
Ngữ không dám hỏi kỹ chuyện nhà của bạn, kiên nhẫn chờ. Một lúc sau Ngô mới nói:
– Hình như đến nay mấy ông tướng trong Sài gòn bắt đầu sốt ruột về những gì ta làm ở đây rồi đấy.
– Sao mày biết?
– Ba tao đi họp để nghe tỉnh trưởng nói chuyện. Ông ấy dọa nếu con cái làm rối loạn trị an, cha mẹ phải chịu liên lụy.
– Dọa đập bể niêu cơm của công chức à?
– Ừ, vì thế ba tao mới lo.
– Bác không vui khi biết tụi mình tụ tập bên này?
– Ừ
– Bác có phiền gì tao không?
– Hư… ươm… có, nhưng ít thôi. Mày mặc đồ lính nên ba tao khá yên tâm. Ba tao ngán nhất là có thằng Tường.
Ngô e dè một chút rồi nói:
– Ngữ này.
– Cái gì?
– Mày có thấy độ rày thằng Tường hơi khang khác không?
Ngữ nhận thấy Ngô có nhận xét giống mình, nhưng để kiểm chứng lại cẩn thận, chàng cố hoãn binh:
– Độ này à? Từ lúc nào?
– Từ lúc nó bị hành hung ở Thanh bồ. Hình như cả nhóm Lập Trường càng ngày càng muốn xa dần nhà chùa. Phải thế không?
– Mày làm ở đấy đáng lẽ phải rõ hơn tao chứ.
– Tao chỉ đến đưa tranh rồi về. Vả lại, hình như họ xem thường tao.
Ngữ suy nghĩ một lúc rồi nói:
– Họ xa chùa cũng phải. Càng nhờ vả nhà chùa càng dễ liên lụy đến việc thù hằn giữa Phật giáo và Công giáo. Hơn nữa, các thầy đã bắt đầu muốn tạo thanh thế riêng rồi.
– Nhưng nhóm trí thức này có hậu thuẫn không nếu tách ra khỏi nhà chùa? Tao nghi lắm. Hiện giờ thì hai bên cứ nhì nhằng, nửa muốn anh đi đường anh tôi đường tôi, nửa tiếc.
– Sự thực ra sao khó nói lắm. Hình như mấy ông Cứu quốc đang băn khoăn tìm cách gỡ lối bí.Tao chưa tiện hỏi thằng Tường việc ấy.
Ngô đột nhiên hỏi bạn:
– Hình như thằng Tường có cái gì mới, phải không?
– Tao chưa hiểu mày nói gì.
– Cách nói của nó khác, mày không để ý à?
– Có chứ. Mày muốn nói cách lập luận chứ gì.
– Ừ, nhưng rõ hơn hết là cách dùng chữ. Nào là “bọn can thiệp Mỹ”, nào là “nhân đạo chung chung”, nào là “bức màn khói ảo tưởng”, nào là “ra ngõ gặp anh hùng”. Tao nghe quen quá.
– Mày nghe ở đâu?
Ngô suy nghĩ một lúc, cố nhớ lại cái gì còn lãng đãng mơ hồ trong óc. Chợt Ngô reo lên:
– Phải rồi. Ðúng là cách dùng chữ của đài Hà nội. Phải. Ðài Hà nội cũng nói như thế.
Ngữ bàng hoàng vì thấy Ngô nói đúng. Chàng buồn rầu hỏi bạn sau một hồi yên lặng nặng nề:
– Nó không hy vọng con đường nào khác à?
Ngô hỏi Ngữ:
– Mày nghĩ có con đường nào khác không? Nếu tìm cái gì có vẻ hợp lý rõ ràng, cái gì liên tục và có hệ thống, thì nói như Tường dễ hiểu hơn. Tụi mình chỉ mới mơ ước mà thôi.
Hai người bạn thấy tâm trạng mình đều hoang mang như nhau, và tuy tức anh ách, vẫn chưa đủ lý để bác bẻ lập luận của Tường. Họ chua xót và cay đắng, cả đêm không ngủ được.
***
Đêm hôm ấy, Diễm cũng không chợp mắt nổi!
Nàng tìm hết cách dỗ giấc ngủ. Đầu tiên Diễm nằm thật thẳng, duỗi hai tay hai chân thoải mái, hơi thở điều hòa như chỉ dẫn của bà Hạnh Thuần trên phụ trang phụ nữ. Vô hiệu. Nàng thử đếm từ 1 đến 100, rồi 200, 300. Càng đếm trí óc càng tỉnh táo, mắt ráo hỏanh cứ nhìn rõ miếng vá hình chữ nhật trên trần mùng. Thử lấy tay xoa nhẹ thái dương rồi vuốt lên trán nhiều lần cho đầu óc bớt căng, vẫn vô hiệu.
Sao tự nhiên mình thế này? Diễm tự hỏi mình. Bên kia vườn, ánh đèn xưởng vẽ anh Ngô vẫn còn sáng. Diễm xoay người lại, nghĩ có thể vì chói chang nên không ngủ được. Nhưng đúng lúc nàng vừa xoay lưng với ánh đèn bên kia, Diễm nhớ lại hết. Phải rồi… và nàng đỏ mặt vì thẹn.
Nàng vẫn quay mặt vào vách, nhưng không cố dỗ giấc ngủ nữa. Nàng nói thầm với mình:
– Mình thật kỳ. Anh ấy đâu có xa lạ gì. Anh ấy đến đây chơi với anh Ngô từ năm hai người còn học chung lớp đệ tam Quốc học. Nay anh Ngô đã học năm thứ ba Cao đẳng Mỹ thuật, nghĩa là cách đây 1, 2, 3, 4, 5, 6, hơn sáu năm. Anh ấy biết mình tận hồi mình còn qua rủ con Quế đi đánh thẻ. Một lần anh ấy xin đâu được một trái banh tennis đã rụng lông đem về định cho em, nhưng thấy mình tới chơi, lại bảo con Quế nhường cho khách. Hai đứa giành nhau trái banh cuối cùng đều khóc bù lu bù loa. Khôi hài thật. Chẳng biết lúc đó anh ấy nhìn mình ra cái gì?
Sáu năm, anh ấy vẫn qua lại đây hoài, mình cười nói tự nhiên có thấy gì đâu. Có lẽ anh ấy cũng vậy. Nhưng hồi tối đứng ngoài nhìn vào xưởng vẽ, tự nhiên mình thấy anh ấy khác hẳn.
Anh ấy đâu có gì lẫm liệt như anh Tường, cũng không nổi danh như cồn như anh Sơn. Nhưng đêm nay thấy anh Tường đáng ghét dễ sợ, còn anh Sơn… còn anh Sơn sao có vẻ bông lông hời hợt thế nào. Nói gì cũng cười hô hố, không đàn ông tí nào cả. Ai lỡ mê anh Sơn chắc khổ, vì có được dành anh ấy làm của riêng đâu. Anh ấy cứ chờn vờn, nay cười chỗ này, mai cợt chổ kia, hát hỏng đàn địch, theo anh ấy chắc phải phát ghen đến hụt hơi rồi chết. Còn anh Ngữ thì… phải, anh Ngữ khác hẳn. Có cái gì vững chãi trầm tĩnh. Đàn ông lắm. Không “kịch” như anh Tường, không “đàn bà” như anh Sơn. Anh Ngữ đúng là một người anh cả lý tưởng. Không biết chị Nam, con Quế có thấy thế không? Nghe chị Nam than anh ấy bốc đồng muốn làm gì thì quyết làm cho được, không chịu nghe ai. Chị ấy đến kỳ!
Như vậy là có ý chí chứ sao gọi là bốc đồng? Con Quế thì than anh ấy cộc. Con người thế mà cộc được à? Lúc anh Tường thách thức, anh ấy không nổi đóa mà vẫn từ tốn đĩnh đạc biết bao. Cộc? Cộc sao bằng anh Ngô mình? Mình chịu đựng nổi tính cộc của anh Ngô thì…
Thì thế nào, Diễm đỏ mặt không dám nghĩ tiếp. Cô quay lại nhìn ánh đèn bên kia. Họ vẫn còn thức. Diễm lại nghĩ:
– Không biết anh ấy có nghĩ lẩn thẩn như mình không? Mình thì lẩn thẩn quá. Anh Ngô sai đi lấy cái khăn cho anh Ngữ mượn, tự nhiên mình quýnh lên. Lụp chụp xát xà phòng Dial giặt cái khăn lỡ lau mặt rồi xả ba bốn nước, không biết đã sạch chưa? Mình sợ mùi mồ hôi còn vướng lại nên ngâm nước sôi, có lẽ không đến nỗi đâu. Chỉ có mỗi một việc cỏn con mà cứ hồi hộp như sợ ma nhà ga. Không biết anh ấy nghĩ gì về mình mà khách sáo thế nhỉ? Còn vội vã mặc áo cho tử tế nữa. Dấu hiệu gì đây? Coi mình là khách ư? Không đâu. Chỉ tại Mình lớn tướng lên rồi, mình thành thiếu nữ rồi, ảnh phải giữ phép lịch sự. Có điều phải xem lại là ảnh nói chuyện tự nhiên quá. Đọc tiểu thuyết, ngay cả trong các truyện tình anh ấy viết cũng vậy, khi người ta yêu nhau hay tạm yêu nhau, chàng và nàng thường ăn nói lấp lửng đầu Ngô mình Sở ngớ ngẩn lắm kia. Đằng này câu chuyện có đầu có đuôi hẳn hòi. Mình chỉ hơi khớp ban đầu, sau đó lạm bàn sang văn chương triết lý nữa chứ. Anh ấy khen mình thành thực hay nịnh đầm? Chắc là thực. Mình cũng khá ghê. Nói đâu ra đó. Thật tức cười. Hóa ra lâu nay anh ấy tưỏng mình là đứa con nít chỉ chực xé sách để thắt thuyền. Mình bảo có mua báo Khởi Hành, ảnh trố mắt ra. Vui thật.
Diễm bật cười khúc khích. Mę Diễm giật mình, mở mắt ngơ ngác nhìn. Thấy con gái chưa ngủ và nét mặt hớn hở vô cớ, bà Bỗng càu nhàu:
– Làm gì chưa ngủ cho rồi?
Diễm liếc nhìn ánh đèn bên kia vườn. Đột nhiên như có thần giao cách cảm, ánh đèn bên xưởng vẽ chợt tắt. Diễm mỉm cười nhắm mắt lại thì thầm:
– Thôi, anh ngủ ngon nhé.
Nguyễn Mộng Giác