(Mùa Biển Động – Chương 127)
Mãi đến năm giờ chiều, Đại úy Vinh mới về. Chuyện họp hành kéo dài vì những phát biểu ấm ớ và chủ tọa cuộc họp thiếu cá tính là điều thông thường. Nhưng Ngữ chú ý ngay đến nét mặt nghiêm trọng của ông bạn. Vừa bước vào cửa, đại úy Vinh đã bảo Ngữ:
– Xếp của cậu sắp tới đấy. Moa gặp ổng tại cuộc họp. Bả đâu. Gớm, nhà có bàn tay đàn bà có khác. Hoa hiếc bày biện, trông ấm cúng hẳn lên. Hai ông bà đã ăn gì chưa?
– Rồi. Trung tá Thanh bảo với cậu sẽ tới ngay hay còn lâu?
– Sắp tới rồi. Ổng ghé phố mua ít quà.
Có tiếng chiếc Jeep phanh lại ở chỗ đậu xe cạnh nhà. Ngữ vội nói vói vào buồng trong:
– Em ơi, có Trung tá Thanh tới chơi!
Trung tá Thanh bước vào, và cũng y như Đại úy Vinh, nét mặt ông có vẻ khẩn trương. Quỳnh Trang ra tận cửa đón Trung tá:
– Chị có gửi quà cho anh. Để em mang ra.
Trung tá Thanh cảm ơn, rồi quay lại nhận một cái gói do anh trung sĩ tài xế vừa mang vào, hỏi Quỳnh Trang:
– Cháu đâu rồi?
– Cháu nó ngủ, anh ạ. Nó hơi bị cảm.
– Tôi có mua quà Tết cho cháu đây. Cô cầm hộ cháu.
– Anh cần em đưa quà của chị ra xe bây giờ, hay để tối đi ăn về hãy đem ra?
– Cô cho bây giờ đi. Chắc tối nay tụi mình không đi ăn với nhau được, với tình hình này… (ông Thanh đưa mắt nhìn về phía Đại úy Vinh). Tôi ngồi đây chơi một chút rồi phải chạy đi lo một vài việc.
Đại úy Vinh chen vào nói:
– Trung tá ngồi xuống chứ, để tôi đi tìm cái gì uống.
Quỳnh Trang nói:
– Em đi pha trà cho.
Trung tá Thanh ngồi xuống chiếc ghế sofa, thấy Quỳnh Trang đã quay gót, vội hỏi vói theo:
– Quỳnh Trang định ở trên này bao lâu?
Quỳnh Trang quay lại, đáp:
– Em định ở chơi một tuần. Mai em xuống dưới chỗ anh, cuối tuần sau lên đây về Sài gòn. Nếu anh Ngữ xoay phương tiện sớm hơn, em cũng muốn về sớm. Em đi, hàng họ không ai coi.
Trung tá Thanh định nói gì thêm, nhưng đổi ý, nói với Quỳnh Trang:
– Thôi được, cô xuống pha cho chúng tôi bình trà nóng, rồi lên đây tôi bàn tính cho cô chuyện về Sài gòn. Chuyện này tôi phải ra tay, chứ “người yêu lý tưởng” của cô thì tôi biết, chẳng lo được gì đâu!
Quỳnh Trang bật cười, nhìn Ngữ nửa giễu cợt nửa âu yếm, rồi quay lưng đi xuống bếp.
Chờ cho Quỳnh Trang đi khuất xong, Trung tá Thanh mới bảo Ngữ:
– Cậu phải đưa mẹ con cô ấy về Sài gòn càng gấp càng tốt. Đừng để cô ấy về Phú bổn, càng kẹt thêm.
Đại úy Vinh cũng nói:
– Nếu ngày mai tìm chỗ trên máy bay quân sự được, thì nên cho bà xã cậu về ngay.
Ngữ ngạc nhiên hỏi cả hai người:
– Tình hình trầm trọng lắm à?
Nét mặt Trung tá Thanh đanh lại:
– Trầm trọng hay không còn tùy ở mình. Nhưng ý định của chúng nó thì rõ lắm rồi. Hai căn cứ ở ngoại vi quận Thanh an đã bị chúng chiếm, hồi sáng tôi lái xe lên đến ngả ba Thuần mẫn thì bị kẹt đường cả giờ đồng hồ. Quân đoàn phải điều trung đoàn 45 ở Thuần mẫn lên giải tỏa Thanh an. Trưa nay, Bộ Tư lệnh lại được tin chúng nó cắt đường 19 ở đèo Mang Yang, còn đường 23 thì bị chặn ở Chư cúc. Nếu chúng cho quân liều lĩnh cắt nốt đường 14 nữa, thì đó là dấu hiệu cuộc bao vây tấn công Pleiku bắt đầu. Cậu còn muốn đưa bà xã về Phú bổn nữa thôi.
Ngữ lặng người, cổ nghẹn không trả lời được.
Quỳnh Trang đã trở ra phòng khách, tay ôm hai gói quà Tết của bà Trung tá Thanh gửi. Trung tá Thanh đổi nét mặt, hớn hở tự nhiên nhận quà vợ, cảm ơn Quỳnh Trang, rồi nói đùa:
– Sao cô không rủ bà xã tôi cùng đi, cho tôi được hưởng thêm một đêm hợp cẩn như cậu Ngữ?
Quỳnh Trang đỏ mặt, ánh mắt long lanh vì sung sướng:
– Anh gặp em là luôn luôn có chuyện để trêu. Có, em có rủ chị đi, nhưng…
– Tôi viết thư về dặn đừng lên, vì sau Tết tôi sẽ xoay phép về thăm nhà.
– Chị dặn thưa với anh là có gói bánh tổ nên mở ra ngay đem chiên để giữ được lâu, sợ bị mốc. Các món khác toàn đồ khô, không hề gì.
Trung tá Thanh gọi người tài xế vào, bảo anh mang trước hai gói quà ra xe. Quỳnh Trang thấy vẻ gấp gáp, cố nài:
– Anh vội đến thế à? Còn anh Ngữ cũng…
Trung tá Thanh cười:
-Tôi không bắt cóc Ngữ của cô ngay bây giờ đâu. Cô ngồi xuống đây bàn gấp vài chuyện rồi tôi còn chạy.
Bốn người ngồi xuống quanh cái bàn gỗ cẩm lai mặt bàn gắn kính. Nhìn mặt bàn trống trơn, nàng mới nhớ là mình chưa mang nước trà mời khách. Quỳnh Trang nhổm dậy, nói:
– Em quên mang khay nước ra. Xin đợi em một chút.
Khi Quỳnh Trang đã trở lại yên vị, Trung tá Thanh nói liền:
– Tôi vắn tắt cho Quỳnh Trang rõ. Tình hình không yên, Quỳnh Trang không nên lên Phú bổn, và nên về Sài gòn càng sớm càng tốt, sợ tới lúc tụi nó cắt hết mọi trục lộ thì xoay đường hàng không về Sài gòn sẽ vất vả lắm. Đừng hãi! Tụi nó tính như vậy, còn làm gì được hay không là chuyện khác. Lấy được Pleiku đâu có dễ như lấy Bình long, cô yên tâm. Cho nên… vì tôi là xếp trực tiếp của Ngữ, tôi quyết định thế này: Ngữ ở lại đây vài ngày lo xoay phương tiện cho cô đem cháu về Sài gòn, khi nào cô lên máy bay rồi mới phải về Phú bổn. Cô đừng lo! Ngữ nó dở, nhưng đã có ông thầy là Đại úy Vinh đây. Phần tôi, nếu hỏi bên Quân báo biết đường sá không có gì trục trặc, tôi về Phú bổn ngay bây giờ. Thế nhé!
Trung tá Thanh quay về phía Ngữ:
– Cậu xong chuyện tìm cách về liền!
Ông bắt tay Đại úy Vinh, vỗ vai Ngữ, mỉm cười chào Quỳnh Trang rồi vội vã đi. Quỳnh Trang lo sợ đến nỗi không thốt được lời cảm ơn hay chào từ biệt Trung tá.
Ông Thanh đi rồi, Đại úy Vinh mới nói:
– Ông ấy tính giùm cho “ông bà” như vậy là tình lý vẹn toàn. Bây giờ tới phiên tôi. Rút kinh nghiệm năm 1972, tôi biết tối nay tất cả các sòng mạc chượt đều vắng teo và bắt đầu từ sáng mai, phi cảng dân sự cũng như quân sự hết sức tấp nập. Cuộc họp hồi trưa, đã có lệnh cấm trại 100%. Quân cảnh có nhiều việc làm lắm. Lính của tôi chận xét giấy phép của quân nhân ở mọi trục lộ giao thông để vồ mấy anh chết nhát, làm gì tôi không xoay được cho Trang hai chỗ ngồi trên máy bay quân sự! Dễ ợt à! Chị và cháu đâu có choán nhiều chỗ ngồi trên chiếc C 130 bằng một bộ xa-lông cẩm lai.
Ngữ nóng ruột, hỏi:
– Sao ông đem chuyện đồ gỗ vào đây?
Đại úy Vinh cười to, thoải mái, hể hả:
– Thì như hồi 72, các quan lớn chẳng những gửi trước bà lớn và các cậu ấm cô chiêu về Sài gòn, mà còn gửi luôn cho các chiến hữu không quân vận tải lo hộ nào bác tài, chị sen, con chó Nhật lông xù, hộp phấn sáp, đồ dạc quí giá, giường tủ gỗ gụ.
Rồi viên đại úy khôi hài bảo Quỳnh Trang:
– Không biết chừng chị còn được ngồi trên ghế sofa bọc nhung để về Sài gòn nữa kìa!
Quỳnh Trang quá lo âu, dù cố cười cho phải phép nhưng vẫn không cười nổi. Ngữ hỏi:
– Ông lo được chứ?
– Chắc chắn được. Ngày mai chủ nhật không chắc, nhưng thế nào thứ hai cũng có chỗ. “Ông bà” yên tâm hưởng nốt mấy ngày trăng mật còn lại đi. Tôi họp anh em trong đồn quân cảnh để phân công bố phòng tuần tiễu, rồi tụi mình đi ăn tối. Cũng may nhà tôi đã đem các cháu về Qui nhơn, không thì cũng phải chạy lo thêm chỗ máy bay quân sự.
***
Pleiku là thành phố sống theo nhịp tim của lính, nên chỉ qua một đêm, nhịp sống của thành phố hoàn toàn thay đổi. Một lần nữa, thiên hạ chen lấn nhau ở các cửa hàng thực phẩm để mua gạo, đường, nước mắm, mì gói, trứng vịt muối… dự trữ. Những tiệm ăn, cửa hàng bán quần áo mỹ phẩm ế khách. Ai nấy đều hối hả, nét mặt lo lắng.
Mọi cơ quan từ dân sự cho tới quân sự đều được lệnh cấp tốc tổ chức hệ thống phòng thủ. Hàng rào dây kẽm gai được tu sửa lại, xe nhà binh chở bao cát đi đi về về để nâng cao các công sự. Trên các khúc đường dẫn vào thành phố, đã có lệnh dựng thêm các chướng ngại vật như ngựa gỗ, hầm nổi đắp bằng bao cát có trí đại liên. Nhiều chỗ người ta chở những tẩm vỉ lót sân máy bay hoặc xích cũ xe tăng đến để lập những ụ công sự chạy hình chữ chi, gọi là để ngăn ngừa xe tăng địch tấn công vào thành phố.
Địch có bao nhiêu quân, hiện ở đâu thì không ai rõ. Nhưng lệnh bố phòng chuẩn bị và lệnh cấm trại là mồi lửa châm vào cái dây chuyền đồn đãi hết sức bén nhạy, khiến ai cũng có cảm tưởng xe tăng của địch sắp sửa đến đầu phố mình ở.
Nhưng giữa nỗi lo âu đối phó chống trả, cũng có không khí rộn rã vui vẻ. Đời sống như đã qua một khúc quanh mới, bỏ được nhịp sinh hoạt nhàm chán. Học sinh được nghỉ học, được phát súng sung vào các đội dân phòng canh gác ở những công sự mới lập. Những bà nội trợ được lê la xì xầm bàn tán, hưởng vội chút tự do trong thời gian ông chồng bị cấm trại. Trẻ con bu quanh những chiếc xe tăng hay sờ mó vào các khẩu đại liên, thỏa giấc mơ làm cao bồi Django. Có một điểm chung họa may người ngoài cuộc mới thấy, là mọi người tuy có lo lắng nhưng vẫn tin tưởng “bám trụ” chờ địch. Không ai nghĩ là phải mất Pleiku. Địch đến, ta chờ. Thế thôi. Nếu có cơ hội, tạm cho thân nhân về Sài gòn, xuống Qui nhơn, xuống Nha trang một thời gian, lúc yên lại về cho ông rảnh tay. Dĩ nhiên chỉ những người có đủ điều kiện cho vợ con ra đi bằng đường hàng không mới nghĩ tới chuyện đó, vì các trục đường bộ đã bị cắt.
Thấy Đại úy Vinh bận rộn quá, Ngữ mượn chiếc Honda của ông thượng sĩ thường vụ chở vợ con đi quanh phố cho biết. Quỳnh Trang cũng chỉ mong được đi lại cho bớt lo. Khí hậu lạnh căm, trời âm u hơn hôm trước. Ngữ đặt con ngồi chung cái yên trước trong lòng mình, để giữ ấm cho thằng bé, Quỳnh Trang ngồi yên sau, quàng tay ôm cả hai cha con. Phố Pleiku chạy lòng vòng Honda không đầy 15 phút đã hết, xe nhà binh gầm rú đề máy hoặc thắng rít lúc dừng lại khiến phố hẹp đầy người càng trở nên nguy hiểm. Quỳnh Trang thấp thỏm không yên, đòi về. Ngữ ghé thăm cửa hiệu mỹ phẩm của ông bạn làm thơ ở phố chính, cửa hiện đóng cửa nhưng chủ nhân có ở đó. Cả bà vợ đẹp của ông nhà thơ cũng có mặt. Quỳnh Trang được gặp một người cùng lứa tuổi cùng nghề nghiệp buôn bán, nên hai bà hỏi thăm nhau đủ điều. Thấy trong tủ kiếng chưng bày mỹ phẩm có nhiều loại son phấn và đồ lót phụ nữ hết sức đúng thời trang và đắt giá, Quỳnh Trang kinh ngạc hỏi bà chủ:
– Trên này mà chị vẫn bán được những thứ này à? Một cặp xu-chiên “Lou” chị bán bao nhiêu?
Chủ nhà nói giá. Quỳnh Trang le lưỡi, thắc mắc:
– Có người mua à?
– Các bà tá bà tướng ở đây chơi sang lắm. ở Sài gòn có gì mới, tôi phải điện thoại xuống bảo gửi lên ngay. Cặp này đã có bà dặn để dành rồi đấy.
– Đồ thêu chị đặt ở đâu mà đẹp quá. Còn đẹp hơn hàng thêu ở thương xá Nguyễn Huệ.
Bà chủ cười hãnh diện, mở tủ lấy một cái áo lụa thêu ra cho Quỳnh Trang quan sát kỹ từng mũi thêu, giải thích:
– Phải mất cả tuần mới thêu xong cái áo này. Chị thấy thêu tay khác với thêu máy, phải không? Trông chỗ cổ tay thì rõ. Nhưng cái áo này chưa được đẹp lắm. Chị vào trong em cho xem bộ áo thêu này, bà đại tá Quân vận đặt trước Tết, chưa lấy.
Hai bà vợ dắt nhau vào phía trong. Thằng Bình lo ngại nhìn cha rồi cũng chạy theo mẹ. Ngữ hỏi bạn:
– Ông không cho bà xã về Sài gòn à?
Ông bạn “quân nhân gốc thi sĩ” lắc đầu:
– Ối, như tập trận giả ấy mà, hơi đâu! Đi đi về về thêm phí tiền vô ích.
– Lần này tụi nó có vẻ muốn chơi Pleiku Kontum thật đấy ông.
Nhà thơ có vẻ đầy tự tin:
– Mất Pleiku là mất Quân đoàn 2. Mất cao nguyên là mất hết. Sài gòn có để cho mất hết không? Còn lâu!
Ngữ vui lây trước vẻ lạc quan của bạn, hỏi sang chuyện khác:
– Lâu nay ông còn làm thơ không?
Người bạn đột ngột mất hết vẻ tự tin, lúng túng nói:
– Cũng lai rai viết vài bài cho vui vậy mà!
Rồi anh hạ thấp giọng, mắt liếc về phía trong:
– Bà xã tôi ghen quá, làm được bài thơ tình nào cho đăng lên là có chuyện. Mà như ông biết, tôi chỉ làm được loại đó.
Ngữ cười, cũng hạ thấp giọng, hỏi:
– Sao ông không đề tặng thơ cho bả?
– Đề tặng sao được. Làm thơ cho người khác, bả biết mà!
Hai ông bạn nhìn nhau cười, thông cảm. Phía trong, hai bà xã cũng đang khúc khích nói với nhau chuyện gì đó bên ngoài không nghe rõ. Một lúc sau, Ngữ nghe bà chủ nói:
– Chị thử cái này…
Và giọng Quỳnh Trang bảo con:
– Con ra với ba đi. Ngoan nào. Ra một chút cho me thử cái áo này. Ngoan lên. Me bảo…
Thằng Bình vạch tấm màn trúc đi ra, mặt mày buồn xo. Ngữ muốn ngồi xuống ôm con vào lòng, đùa giỡn với con trong khi chờ vợ nhưng không làm được. Có một khoảng cách vô hình nào đó giữa hai cha con. Đôi lúc Ngữ tự hỏi không biết mình có phải là một ông cha bình thường hay không. Lúc Quỳnh Trang mới sinh, Ngữ không về phép được, chỉ nhìn thấy mặt con lần đầu khi nó đã được bảy tháng. Thằng bé mạnh khỏe, ăn ngủ bình thường, không xấu không đẹp, như mọi đứa trẻ khác. Phải, như mọi đứa trẻ khác, và Ngữ không tìm thấy thứ tình cảm huyền nhiệm nào trong tình cha con, cũng không có niềm hãnh diện sở hữu như Quỳnh Trang đã có. Một năm sau về thăm nhà, thằng bé đã biết đi, đã tập nói u ơ nhiều câu làm cho mẹ hớn hở đón nhận như những lời vàng ngọc. Ngữ thấy thằng bé ngộ nghĩnh, nhưng tại sao nó cứ nhìn Ngữ bằng đôi mắt cau có thế kia. Quỳnh Trang bảo nó ghen với bố, nó thấy mỗi lần bố về là mẹ nó không toàn vẹn là của nó nữa. Ngữ cũng thấy mình mất Quỳnh Trang. Cứ như vậy, mặc dù những lần hai vợ chồng gặp nhau đều có con đi theo, tình phụ tử cứ nhì nhằng, lơ lửng, lạnh lẽo.
Ngữ lúng túng muốn vuốt tóc con nhưng lại sợ thằng bé đang bực, trở chứng hất tay mình ra thì mất mặt với ông bạn thơ. Thằng Bình đứng yên một chỗ, mặt cau lại. Rồi đột nhiên, nó nổi cơn ho. Ban đầu ho húng hắng, về sau ho dữ dội. Ngữ ngờ rằng thằng bé muốn làm nư để cho mẹ chú ý. Quả nhiên, nghe tiếng con ho, Quỳnh Trang vội vạch tấm màn trúc chạy ra. Nàng mặc một bộ đồ lụa vàng thêu những đóa cúc trắng nhỏ, cổ áo hình trái tim tay áo ngắn lên tới phía cùi chỏ. Quỳnh Trang chùi nước mắt dỗ con nín, lúc ngước lên Ngữ còn thấy nàng được trang điểm kỹ, mắt có tô son xanh và môi hồng. Ngữ nôn nao rộn rã vì công nhận là khi trang điểm và ăn mặc sang trọng, vợ mình đẹp hẳn lên. Bà chủ cũng đã ra phía ngoài cửa hàng, mỉm cười hỏi Ngữ:
– Anh thấy bà xã có khác không? Sao anh không cho chị trang điểm? Đàn ông các anh ích kỷ lắm!
Ngữ cười gượng, đáp:
– Tại Quỳnh Trang không thích đấy chứ!
Quỳnh Trang cảm thấy ngượng nghịu vì bị mọi người quan sát, vội dẫn con trở vào phòng trong.
Lúc trở ra, nàng ăn mặc trở lại như cũ, phấn sáp cũng rửa sạch. Trên tay, Quỳnh Trang cầm một gói giấy.
Ngữ đưa đồng hồ cho vợ nhìn, thầm nhắc đã tới giờ hẹn đi ăn cơm tối với Đại úy Vinh. Họ chào vợ chồng nhà thơ ra về. Chờ đi đủ xa, Ngữ hỏi vợ:
– Em mua cái áo ấy phải không?
Mắt Quỳnh Trang sáng lên:
– Ừ! Em thích lắm. Cũng may…
– Cũng may là bà đại tá không đến lấy như đã hẹn…
– Phải. Em bảo chị ấy thôi để cho em, đặt cho bà ấy bộ khác. Chị ấy cho địa chỉ chỗ thêu, nhưng em biết về Sài gòn em sẽ không thích nữa. Chị ấy trừ bớt cho em 3000 tiền đặt cọc của bà đại tá. Nhờ vậy cũng tương đối rẻ!
Ngữ buột miệng nói không ngăn kịp:
– Nếu em mua được quần áo của bà tướng đặt thêu, thì chắc được trừ bớt tiền cọc nhiều hơn!
Quỳnh Trang đang hớn hở, nghiêm nét mặt lại, cau có nhìn Ngữ.
– Anh nói gì vậy?
– Không, anh nói đùa!
– Đùa sao được! Anh mỉa mai em thích mặc áo của các bà lớn phải không? Em trở lại trả cái áo.
Ngữ hoảng quá, chụp vai vợ giữ lại, năn nỉ:
– Anh lỡ lời nói đùa, mà em giận. Tính em thích ăn mặc giản dị, anh biết. Anh còn thấy mình có lỗi, không có tiền bạc danh phận gì để em hãnh diện vì anh. Anh không nuôi nổi vợ con.
Giọng Quỳnh Trang vẫn còn tức tối:
– Em đâu cần những thứ đó. Anh tưởng em ham những thứ đó sao?
– Không. Anh biết em không ham những thứ đó. Hồi nãy anh bực, vì thấy chị ta cứ đem các bà tá bà tướng ra mà quảng cáo hàng.
– Nhưng em thích là thích cái áo! Bình để yên cho mẹ nói chuyện.
– Anh biết! Anh có trách em chuyện mua áo đâu.
Thấy vợ đã hơi nguôi giận, Ngữ nhắc:
– Thôi mình về, sợ con nó lạnh. Bình, con cài lại cổ áo đi.
Quỳnh Trang ngồi xuống cài cổ áo lên cho con. Thằng bé vẫn còn căm vì bị mẹ bỏ rơi, khăng khăng cúi đầu xuống, không chịu ngửng mặt lên.
Quỳnh Trang gắt:
– Ngửng lên! Me bảo, ngửng lên!
Thằng bé không nghe lời mẹ! Quỳnh Trang giận quá, đánh cho nó một bạt tai. Bình khóc ré lên.
Ngữ đến chỗ dựng xe, đề máy rồi lái đến bên chỗ vợ con. Thằng bé được mẹ dỗ đã nín khóc, nhưng nhất định không nói tiếng nào, lâu lâu còn thút thít. Suốt đoạn đường về nhà, không ai nói với ai lời nào. Họ cũng không còn quan tâm đến cảnh hối hả chuẩn bị phòng thủ trên khắp phố xá và cơ quan, đồn bót họ đi qua.
***
Ở ngoài, thiên hạ lo chuẩn bị đối phó với cuộc bao vây tấn công vào Pleiku của Bắc quân. Trong nhà, Ngữ cũng vất vả đối phó với cuộc chiến tranh lạnh. Cuộc chiến tranh lặng lẽ, lãng đãng, không có trận tuyến, khó giải quyết vì không có lời tuyên chiến nhưng không biết làm sao ký hòa ước vì Quỳnh Trang không để cho Ngữ có cơ hội cầu hòa.
Suốt ngày Chủ nhật, Quỳnh Trang cứ giữ nét mặt lạnh nhạt, thờ ơ, làm như không hề có Ngữ bên cạnh. Nếu cần nói với chồng điều gì, nàng nói qua trung gian là đứa con, hoặc nhìn đi chỗ khác nói trống, Ngữ hiểu thì làm, không hiểu thì nàng tự đi lo lấy. Những lúc có mặt ông Vinh, Quỳnh Trang nói chuyện, cư xử tự nhiên như không hề có gì xảy ra. Nàng vui vẻ, đối đáp bình thường với Ngữ (nếu cần còn trêu chọc, khôi hài). Nhưng ngay khi ông Vinh ra khỏi phòng, chỉ còn hai vợ chồng, nàng đổi ngay nét mặt. Ngữ thấy tức cười, muốn nhân cơ hội tìm cách nói đùa về sự đổi thay ấy để làm hòa với vợ, nhưng lúc thấy nét mặt nghiêm nghị của Quỳnh Trang, Ngữ không dám liều lĩnh. Chàng nghĩ thầm: Chỉ còn biết chờ thôi!
Đại úy Vinh bỏ cả buổi sáng chủ nhật để đốc thúc binh sĩ dưới quyền chấn chỉnh, tăng cường vòng phòng thủ đồn. Buổi chiều ông mới lái xe cùng Ngữ đi lo chỗ máy bay quân sự cho mẹ con Quỳnh Trang về Sài gòn.
Vẫn với giọng nói bô bô rổn rảng, ông hỏi Quỳnh Trang:
– Chị muốn về hôm nào?
– Anh cho tôi về ngày mai.
– Gấp thế! Thứ ba đi. Cho thằng bạn tôi được hưởng thêm cái thú gia đình một ngày nữa, tội nghiệp nó. Chị muốn về sáng thứ ba hay chiều?
– Anh xin cho buổi sáng. Về dưới đó trễ quá, tối khó tìm phương tiện về nhà. Đi taxi tốn tiền lắm.
– Tôi sẽ tìm những chuyến C-130 cho chị, đi cho đỡ xóc. Còn nếu kẹt sáng thứ ba không có chuyến C-130 nào, chị đi loại C-147 cũng được chứ?
Quỳnh Trang cười:
– Đã xin đi không mất tiền, còn lựa chọn! Sao cũng được, anh ạ! Miễn là về được sớm để lo chuyện nhà. Anh liệu trên này có việc gì không?
– Chị hỏi tình hình ở đây à? Ôi ! hơi đâu mà lo. Chúng nó không làm gì được đâu. Đánh bất ngờ như hồi Mậu Thân còn chưa nên cơm cháo gì, huống gì cứ nhẩn nha như ngày nay. Dù sao mình cũng phải chuẩn bị phòng thủ, sợ chúng nó pháo kích, thế thôi!
Ông Vinh lái xe cùng với Ngữ đi tìm những chỗ quen biết. Ông quá lạc quan. Tìm cách gửi hai mẹ con Quỳnh Trang về Sài gòn không dễ dàng như ông tưởng.
Ông lái xe đưa Ngữ tới chỗ quen biết gần đồn quân cảnh nhất. Thấy Ngữ dợm xuống xe, ông can:
– Khỏi cần. Để moa vào một chút xong việc, ra ngay hai đứa mình còn đi loanh quanh chơi. Nhà tay trung tá này là sòng mạc chượt moa hay tới nhất, vì vui.
Viên đại úy vào nhà độ 15 phút, trở ra, nét mặt vẫn bình thường, không có dấu hiệu vui buồn gì để Ngữ đoán là việc xong hay không. Xe chạy rồi, ông Vinh hỏi:
– Ông với bà xã có chuyện gì vậy?
– Có gì đâu!
– Hồi khuya moa thức dậy đi tiểu, thấy ông nằm chèo queo ngoài ghế sofa, trông thảm lắm.
Ngữ cười nhỏ để giấu ngượng nghịu:
– Mình nói đùa quá trớn, bả giận. Chuyện xong không?
– Chuyện gì?
– Chuyện máy bay về Sài gòn.
– Hắn không có nhà. Mụ vợ thì đem con về Sài gòn hôm qua rồi. Sẵn phương tiện, hắn nhanh chân “lo trước cái lo của thiên hạ”.
Đại úy Vinh cười, thích thú tìm được một câu ví von lấy từ sách nho: “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu”. Ông tiếp:
– Đến chỗ này thì chắc xong. Hắn ở Không đoàn 6. Thiếu tá Trực, ông biết không?
Ngữ lắc đầu. Đại úy Vinh biết Thiếu tá Trực có ở nhà, nên đưa cả bạn vào chơi. Ông thiếu tá xác nhận có nhiều chuyến C-130 chở quân cụ đạn dược lên Pleiku để tăng cường khả năng hỏa lực cho Quân đoàn 2, nhưng phận sự của ông là tiếp nhận quân cụ để giao lại Quân đoàn, muốn gửi ai về Sài gòn thì phải trực tiếp nói chuyện với phi hành đoàn. Viên thiếu tá nói thêm:
– Mai ông vào chỗ tôi, tôi giới thiệu cho. Đưa bà xã về Sài gòn hả.
– Không. Tôi lo giùm cho vợ con ông bạn tôi đây. Trung úy Ngữ, ở Tiểu khu Phú bổn.
– Hân hạnh được biết Trung úy.
– Dạ cảm ơn Thiếu tá.
Viên thiếu tá không cần khách sáo, tế nhị gì hết, quay sang nói thẳng với Đại úy Vinh:
– Nếu là vợ con ông thì tôi gửi dễ dàng lắm. Ở đây ai cũng biết ông. Còn người khác, thì ông phải trực tiếp nói với họ một tiếng. Sợ họ hiểu lầm.
Đại úy Vinh tức giận, lớn tiếng:
– Lầm cái gì? Lấy tiền để lo đưa người về Sài gòn à?
– Sự thực không có chuyện đó, nhưng khi nhiều người cần ra khỏi Pleiku, thì có nhiều bọn lợi dụng quen biết.
Ngữ giận quá, đứng dậy bỏ ra ngoài. Bên trong, Đại úy Vinh cãi vã to tiếng với viên thiếu tá. Nói cho đúng, chỉ có viên đại úy to tiếng, còn giọng ông thiếu tá thì nhỏ nhẹ, phân trần.
Độ năm phút sau, Đại úy Vinh ra xe. Ngữ chán nản nói:
– Chắc không xong rồi. Ông quen đằng Air Việt Nam không?
– Làm chó gì còn vé đằng đó mà hỏi. Ông đừng lo. Thế nào tôi cũng xoay chỗ cho ông được. “Tiên lễ”, lễ không xong thì “hậu binh”. Tình hình càng căng thì càng có khối anh trốn trại đưa vợ con về Sài gòn. Kể cả những anh to đầu. Tôi chỉ cần lấy cái lệnh cấm trại 100% ra nẹt, các anh ấy phải bỏ bớt đồ đạc xuống cho bà xã ông lên. Để rồi ông coi! Nhưng tôi hy vọng không phải dùng đến hạ sách, chọc các ông ấy không ích gì. Tôi còn có nhiều bạn!
Đại úy Vinh chở Ngữ đến hai chỗ khác, mỗi chỗ ông đều bảo Ngữ ngồi chờ ngoài xe để một mình mình vào gặp chủ nhà. Ngữ nhìn nét mặt bạn lúc trở ra đoán được ngay kết quả. Lái xe đi, ông Vinh chỉ thông báo việc thành bại bằng những câu ngắn:
– Nhà trống trơn. Hắn cho vợ con vù về Sài gòn từ chiều hôm qua. Không xong!
– Hắn hẹn lấy lệ. Đá banh cho Trung tá Trưởng phòng.
Ngữ hỏi:
– Bây giờ đi đâu? Thật phiền cho ông!
– Phiền cái gì, ông chỉ vẽ! Tôi thề là không chịu thua bọn này. Đây là vấn đề danh dự!
Ngữ thấy găng quá, nói:
– Ông nói gì ghê gớm vậy! Không được thì thôi. Bả ở đây, chờ lúc nào yên thì về, có sao!
– Không. Đây là danh dự của tôi! Tôi với ông đến chỗ này nữa, chỗ Trung tá Trương. Chỗ khó. Vì tôi có ân oán với hắn. Nếu hắn biết điều, thì đây là cơ hội để hắn tỏ thiện chí. Nếu không…
– Sao nghe bạn nói rắc rối quá vậy! Hay thôi đi. Quỳnh Trang ở lại đây ít lâu, tạm đằng chỗ ông được không? Quá lắm là một tuần, khi thông đường 23…
– Ông biết tôi ân oán với hắn như thế nào không?
Rồi không chờ Ngữ trả lời, viên đại úy tiếp:
– Một lần lính của tôi bắt được quả tang một vụ buôn bạch phiến. Tang vật rành rành trên chiếc Dodge-4 do một trung sĩ lái từ phi trường Cù hanh ra. Tôi cho lập hồ sơ qua quân Cảnh tư pháp. Tay trung tá này điện thoại xin bỏ qua vụ đó, bảo cấp dưới ham tiền lỡ dại. Tôi bảo không được. Tôi biết đây chỉ là đầu mối của một đường dây lớn. Nội vụ được Quân pháp thụ lý. Nhưng lúc ra tòa, thì gói bạch phiến hóa thành gói bột ngọt. Trắng án. Tôi giận quá, hối hận vì cả tin nên không niêm phong tang vật để cho tụi nó đánh tráo. Từ đó gặp tôi ở đâu, hắn cười cười chọc quê tôi.
– Vậy ông tới gặp chả làm gì?
– Nhưng hắn được việc cho việc này.
Xe dừng lại trước một ngôi nhà biệt lập chung quanh có nhiều cây xanh. Cổng nhà bằng gỗ sơn màu xanh olive, chỉ khép hờ không khóa. Đại úy Vinh không xuống xe, lái xe chạy chậm để đẩy cổng đưa xe vào bên trong. Người lính làm vườn từ góc sân chạy lại, không chờ Đại úy Vinh hỏi đã nói trước:
– Thưa Đại úy,Trung tá không có nhà. Sáng mai Trung tá mới lên.
– Ông đi đâu?
– Về Sài gòn.
– Cấm trại mà về Sài gòn làm gì?
– Thưa có công tác gấp.
Đại úy Vinh không nói gì nữa, nhấn ga cua một vòng thật gắt trở ra cổng.
Hai người về đồn lúc 7 giờ tối. Quỳnh Trang đã chuẩn bị xong bữa cơm, thấy chồng và bạn về chỉ đưa mắt thăm hỏi Đại úy Vinh chứ không nói gì. Đại úy Vinh nói:
– Chị đừng lo. Ngày mai, à mà chị về ngày mai được không?
– Càng sớm càng tốt anh ạ!
– Ngày mai, tôi sẽ đích thân đưa cháu và chị lên phi trường lo chỗ cho chị về.
– Chuyến mấy giờ hở anh?
Ông Vinh chợt lúng túng, nhưng nhanh trí lấy lại ngay bình tĩnh, đáp:
– Giờ máy bay đến có thay đổi phút chót, nên chưa rõ đến Cù hanh lúc mấy giờ. Có lẽ khoảng trưa mai.
***
Dù cố gắng hết sức, Đại úy Vinh vẫn không tìm được một chỗ máy bay cho mẹ con Quỳnh Trang về Sài gòn vào ngày thứ hai. Phi cảng quân sự chưa có cảnh chen chúc xô lấn, chỉ có gia đình các Sĩ quan cao cấp tạm thời rời Pleiku bằng phương tiện vận chuyển quân sự. Quân xa chở hành lý và các mệnh phụ cùng cậu ấm cô chiêu cứ việc lái thẳng đến cầu thang phi cơ, khỏi cần lóng ngóng chờ đợi ở phi cảng chật chội. Đại úy Vinh biết các chuyến phi cơ ấy còn rất nhiều chỗ trống, nhưng, đòi cho người nhà đi chung máy bay với các bà tướng, ôi chao, ông đâu có dại.
Cảnh thấp thỏm chờ đợi, cùng quang cảnh được chứng kiến ở sân bay làm cho Quỳnh Trang đâm cáu kỉnh. Lần đầu tiên nàng thấy địa vị thấp kém nhỏ nhoi của chồng trong hệ thống quân đội; nàng cũng thấy rằng so với Đại úy Vinh, Ngữ xoay xở đối phó với cái khó khăn quá dở. Cuộc chiến tranh lạnh kéo dài, đến ông Vinh tính tình vô tâm cũng phải áy náy. Những lúc có mặt đủ ba người, ông cố pha trò để không khí bớt căng thẳng. Cả Ngữ lẫn Quỳnh Trang đều không còn muốn che giấu sự bất hòa của họ, chỉ cười gượng hoặc im lặng. Ông Vinh kêu Ngữ ra chỗ riêng hỏi:
– Ông làm gì để bà ấy giận vậy?
Ngữ buồn rầu nói:
– Chỉ lỡ lời, làm cho Quỳnh Trang không vui. Chuyện vặt ấy mà, hôm qua tôi kể ông nghe rồi.
– Bà ấy có phiền tôi điều gì không?
– Không. Sao ông hỏi vậy?
– Tôi tìm hết cách nhưng vẫn không gửi được bà ấy về Sài gòn. Bữa nay tôi ra phi trường một mình, ông bà cứ để đồ đạc sẵn sàng như vậy. Có chỗ, tôi gọi điện thoại để lính của tôi chở ông bà ra liền. Nhớ đừng đi đâu!
Suốt ngày ở nhà chờ điện thoại, hai vợ chồng ở bên nhau mà như hai cái bóng thấp thoáng, lạ lẫm. Ngữ tìm hết mọi cách để bắt chuyện nhưng Quỳnh Trang chỉ giữ im lặng. Có một lúc không dằn được, Ngữ la to:
– Em thật vô lý. Anh đã nói là anh lỡ lời, và anh xin lỗi đã vô tình làm em buồn. Vậy mà em cứ giận dỗi hoài. Vợ chồng sống với nhau phải có lúc giận nhau, nhưng phải tha thứ cho nhau, chứ nếu không…
Quỳnh Trang ngửng phắt lên, hỏi:
– Nếu không thì sao?
Ngữ thấy mình lại ở vào một thử thách nguy hiểm khác, Ngữ suy nghĩ cẩn thận, rồi mới chậm rãi nói:
– Chẳng sao cả! Anh với em lấy nhau lúc đã trưởng thành chứ đâu phải bồng bột gì. Anh hiểu rõ em, và em cũng biết rõ cả tính tốt lẫn tật xấu của anh. Chúng ta không che giấu gì nhau cả. Em phải hiểu là anh đâu có xem ba cái lon lá đó ra gì để phải nói cạnh nói khóe với em.
Quỳnh Trang im lặng không nói gì thêm, nét mặt cũng không thay đổi để Ngữ đoán được là vợ có thông cảm cho mình hay không.
Mãi tới trưa hôm sau, khi Đại úy Vinh hối hả về cho vợ chồng Ngữ biết là quận lỵ Thuần mẫn đã bị địch chiếm, con đường đi Phú bổn lẫn Buôn mê thuột bị cắt vì Thuần mẫn nằm ở ngã ba đường thì Quỳnh Trang mới tự ý chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh kéo dài đã ba ngày ròng. Nàng hốt hoảng hỏi chồng:
– Trời ơi, rồi làm sao anh trở lại Phú bổn?
Ông Vinh nói:
– Chúng nó lấy Thuần mẫn, cắt nốt đường 14, thế là dấu hiệu chót chúng nó sắp đánh vào đây nay mai.
Quỳnh Trang lo sợ đến xanh xám mặt mày, giọng hỏi run run:
– Làm sao đây anh? Còn anh Ngữ nữa! Anh ở lại đây với anh Vinh chứ đừng về Phú bổn. Dù thông đường trở lại cũng đừng về. Anh Thanh sẽ bỏ qua cho anh. Nếu cần em sẽ viết thư cho anh ấy.
Ngữ mỉm cười thỏa mãn, tận hưởng sự hốt hoảng lo âu của vợ. Chàng cũng kịp nhận ra một sự thực trớ trêu khác: quân địch chưa đến, tình hình nguy cấp chưa biết thắng bại ra sao, nhưng chàng là người đầu tiên hưởng được đôi chút thắng lợi của cảnh phập phồng bất trắc.
Đại úy Vinh giục:
– Chị sửa soạn ngay đồ đạc tôi chở lên phi trường, không giải quyết ngay bây giờ, từ chiều trở đi phi trường Cù hanh sẽ hỗn loạn, không tìm ra chỗ máy bay nữa đâu.
Quỳnh Trang quýnh lên, chạy vào phòng rồi lại chạy ra, hỏi:
– Ngay bây giờ hở anh? Đã có chỗ chưa?
Đại úy Vinh nói dối không do dự:
– Có rồi.
Quỳnh Trang mừng rỡ chạy vào phòng trong, rồi lại trở ra, tay còn cầm mớ quần áo dơ của con:
– Rồi anh Ngữ ra sao? Anh cho anh Ngữ ở lại đây được không?
Nói xong, nàng thấy mình ích kỷ, nên thêm:
– Các anh ở đây em không yên tâm chút nào hết! Lỡ có việc gì…
Đại úy Vinh cười lớn:
– Làm sao “lỡ được”! Chị yên tâm. Không hề gì đâu! Còn lâu chúng nó mới lấy được Pleiku.
Ngữ theo vợ về phòng để giúp Quỳnh Trang dọn dẹp đồ đạc cho nhanh. Quỳnh Trang đang cúi xuống nhét vội mớ quần áo vào cái va li, thấy Ngữ vào, vội ngửng lên, chạy đến ôm chầm lấy Ngữ. Ngữ cảm động rơm rớm nước mắt, cố nói mà nghẹn lại vì xúc động. Đôi vai Quỳnh Trang cũng run run. Ngữ áp má mình vào tóc vợ.
Quỳnh Trang xoay người lại, mếu máo nói:
– Anh gọi con vào cho em thay quần áo. Anh ở lại, làm cái gì cũng phải nghĩ tới em và con.
Ngữ hôn đôi má đẫm nước mắt của vợ, đáp:
– Em khỏi cần dặn. Lúc nào anh cũng nhớ tới em và con.
– Ý em muốn nói… muốn dặn là… là anh phải giữ mình. Việc là việc chung, anh không làm thì cũng có người khác làm…
Ngữ hiểu ngay ý vợ, cười xòa:
– Được được, phải biết tránh chỗ nguy hiểm, để cho người khác làm.
Quỳnh Trang gạt nước mắt, cố cười gượng:
– Nói ra nghe kỳ cục, nhưng…
– Được. Anh hiểu.
Quỳnh Trang nói ngay, như ra lệnh:
– Anh ở lại đây, không được về Phú bổn.
Ngữ định phản đối, nhưng thấy nét mặt khẩn khoản của vợ, nói:
– Để xem tình hình ra sao! Vả lại, đường bị cắt rồi, làm sao về.
Có tiếng đại úy Vinh giục:
– Xong chưa ông bà? Ủa, sao thằng nhỏ còn chạy chơi ngoài kia?
Chiều hôm đó, mãi 6 giờ Đại úy Vinh mới đấy được hai mẹ con Quỳnh Trang lên một chiếc C- 147. Chiếc phi cơ vận tải quân sự lại không về thẳng Sài gòn mà phải xuống sân bay Biên hòa, từ đó Quỳnh Trang phải xoay phương tiện ra khỏi phi trường quân sự rồi đi xe Lam về nhà. Để có chỗ ngồi trên chiếc máy bay thiếu tiện nghi vào giờ khắc khẩn trương ấy, ông Vinh đã phải dùng hạ sách. Phải “hậu binh” sau khi “tiên lễ” không đi tới đâu. Ông đòi còng hai anh binh nhì “người nhà” của một ông chuẩn tướng, được xếp lớn cấp quân vụ lệnh miệng giao nhiệm vụ khuân đồ đạc của xếp lên máy bay ở Cù hanh và xuống máy bay ở Biên hòa.
Đại úy Vinh bóp còi hụ xe Quân cảnh đến làm khó dễ vào lúc máy bay sắp cất cánh, mà đống đồ đạc bàn ghế tủ lạnh T.V chở trên chiếc GMC chỉ mới được bốc xuống, hai anh lính kiểng chưa kịp khuân lên phi cơ. Viên thiếu tá “biệt phái” của ông tướng thấy ông đại úy Quân cảnh như trâu điên húc càng, đành phải bỏ cái giọng hách dịch xuống nước nhường nhịn cho được việc. Họ trao đổi tù binh.
Ông Vinh nhận đại vợ con bạn là vợ con mình, nên viên thiếu tá chịu thuyết phục phi hành đoàn cho mẹ con Quỳnh Trang quá giang thì bên Quân cảnh sẽ bỏ qua vụ hai anh lính kiểng “đào ngũ vào thời chiến”.
Một cái tủ lạnh Hitachi và một bộ bàn ăn gỗ trắc bị bỏ lại, cho hai mẹ con Quỳnh Trang ôm hành lý lên máy bay!
***
Chiếc C-147 vừa biến mất vào bầu trời xám đầy những đám mây thấp.
Ngữ quay lại bảo bạn:
– Bây giờ ông chở cho tôi lên Quân đoàn. À không, cho tôi về nhà lấy đồ, rồi lên Quân đoàn xin quá giang trực thăng về Phú bổn ngay.
Đại úy Vinh đăm đăm nhìn Ngữ, suy nghĩ một lúc, rồi nói:
– Ở hoàn cảnh này, moa không thể khuyên cậu điều gì cả. Mỗi người cứ làm những gì mình cho là phải. Hôm qua cậu có liên lạc điện thoại được với Trung tá Thanh không?
– Không. Ông ấy đi đâu không có ở Văn phòng. Tôi có hẹn khi nào đưa được bà xã lên máy bay, sẽ liên lạc lại. Nếu ông ở vào trường hợp tôi, ông ở lại đây hay về nhiệm sở?
– Về chứ! Chẳng phải về vì những cái to tát mẹ gì cả, nhưng lẽ phải thông thường bắt phải về. Như nhà đang có tang con cái lớn bỏ đi chơi để tránh việc, coi không được.
Ngữ gật gù đồng ý với bạn:
– Thôi ông cho tôi về đồn đi.
Ngữ liên lạc được với Trung tá Thanh, biết chính xác thêm một số diễn biến nguy hiểm của tình hình cao nguyên. Bắc quân chiếm quận lỵ Thanh an ngay sát hướng tây Pleiku, càng làm cho kế hoạch bao vây tấn công Pleiku rõ hơn, nhưng ông Thanh còn cho biết thêm là các căn cứ quân sự gần Buôn mê thuột cũng đang bị địch rình rập tấn công, từ Đức lập, Đắc soong cho tới căn cứ Núi Lửa. Trung tá Thanh cho rằng áp lực địch ở quanh Buôn mê thuột chỉ là đòn nghi binh và mục tiêu chính vẫn là Pleiku và Kontum. Kinh ngạc nghe cấp chỉ huy nói oang oang bấy nhiêu điều trên điện thoại, Ngữ hỏi Trung tá Thanh sao không dùng mật hiệu. Ông Thanh cười:
– Lần này chúng nó muốn dàn trận công khai chơi nhau với mình mà, có gì bí mật nữa đâu. Chúng ta chuẩn bị sẵn sàng để đón khách. Cậu nên tìm phương tiện về đây càng sớm càng tốt.
Ngay sáng hôm sau, Ngữ tìm được một chuyến trực thăng UH1B đi công tác ở Phú bổn để quá giang. Tại sân bay trực thăng, không khí chuẩn bị chiến đấu ngoài cái vẻ khẩn trương hối hả đã có từ hai tuần nay, bây giờ còn có thêm cái vẻ hoang mang lạc hướng. Hồi khuya, địch đã mở cuộc đại tấn công Buôn mê thuột, ngược hẳn với dự đoán lâu nay. Điều trầm trọng hơn nữa là ai cũng biết nếu so sánh hỏa lực và quân số hai bên, số phận của Buôn mê thuột thật mong manh.
Nguyễn Mộng Giác
Số lần đọc: 91