Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàMùa Biển ĐộngTập 5 - Tha HươngMùa Biển Động - Chương 142

Mùa Biển Động – Chương 142

(Mùa Biển Động – Chương 142)

Suốt một tuần nay Quỳnh Như cáo bệnh không đi làm. Hôm đầu nàng gọi điện thoại vào sở bảo mình bị cảm bất ngờ, phải đi gặp bác sĩ để chẩn bệnh, có thể nàng sẽ gửi y chứng để xin nghỉ thêm vài hôm nữa cho hoàn toàn bình phục. Bà Barbara quản trị viên phân khu bách hóa Woolworth vui vẻ cho phép Quỳnh Như được nghỉ, ân cần hỏi thăm bệnh trạng, cuối cùng không quên nhắc là phải nhớ nộp y chứng cho bà lưu hồ sơ nhân viên.

Quỳnh Như vâng dạ cho xong, rồi nằm lì ở nhà đọc báo và xem tivi suốt ngày. Tin tức hình ảnh về chiến sự tại quê nhà làm cho Quỳnh Như xót xa, hoang mang. Mỗi lần ra đầu phố bỏ đồng bạc cắc vào thùng rút tờ San Francisco Cronicle ra, Quỳnh Như quay mặt đi không dám liếc qua cột tin Việt Nam nằm vất hết bề ngang của tờ nhật báo. Nàng lật úp tờ báo lại, cặp tờ báo vào nách chậm rãi uể oải lên phòng. Thường thường Dale giành coi báo trước để biết thêm chi tiết những mẩu tin ngắn đã được loan trên tivi trước đó.

Cả tuần lễ vừa qua Dale cũng bỏ hết mọi công việc làm ăn dưới Berkeley lên San Francisco ở với Quỳnh Như. Đời sống vợ chồng của họ hơi bất thường, mỗi người ở mỗi nơi bao năm nay mà không hề tính tới chuyện tìm cách chung sống dưới một mái nhà, cũng không hề tính tới chuyện có con. Cứ cách hai tuần thì Dale lái xe lên San Francisco thăm vợ, dặn Quỳnh Như đi ăn cơm Tàu ở Chinatown, đi xem với nhau một cuốn phim mới chiếu, ân ái với nhau một đêm, sau đó ai trở về công việc nấy. Cũng có khi Quỳnh Như lái xe về Berkeley thăm Dale. Hai thành phố cách nhau không đầy một giờ lái xe, nhưng cả hai vợ chồng đều chấp nhận cái khoảng cách vừa phải đó, không muốn tiến gần hơn nữa. Tình trạng lơ lửng con cá vàng ấy thật khó hiểu đối với những người thân quen với hai vợ chồng. Bà cụ thân mẫu của Dale có lần gắt gỏng với con:

– Mày làm cái trò gì vậy? Nếu thấy lầm lẫn thì ly dị đi rồi tìm đứa khác, ở đây thiếu gì đứa mê mày. Con Jenny bán ở tiệm cà phê đường Walnut đêm nào cũng gọi điện thoại cho mày. Con Jean bán đồ thêu ở đường Telegraph cứ ỡm ờ với thằng Bill không cho nó cưới, chỉ vì mày. Con Debbie nữ y tá đến đây săn sóc tao đâu phải vì thương hại gái già này, nó chịu khó thăm nom tao chỉ vì mê mày.

Rồi bà cụ hạ giọng năn nỉ:

– Con phải thương mom. Phải ly dị với con “Nu” để lấy một người vợ Mỹ. Con Jenny, con Debbie, con Jean đứa nào cũng đẹp cũng ngoan. Mom bằng lòng cả ba đứa, tùy con chọn.

Dale lắc đầu, ôm vai mẹ nói:

– Không, mom ạ. Chúng con vẫn còn thương nhau.

– Thương nhau! Thương nhau mà mỗi đứa ở một nơi như thế à! Thương nhau mà lâu lâu chỉ gọi điện thoại cho nhau, trao đổi qua quít vài câu ngắn như người dưng thế à!

– Sao mom biết tụi con chỉ nói vài câu thôi! Tụi con…

– Cái gì mom không biết. Hai đứa nói gì với nhau mom đều nghe cả. Phải nói cho mom biết: Tại sao? Tại sao? Tại sao?

Dale trầm ngâm hồi lâu không nói gì. Một lúc sau, Dale nói:

– Thật khó giải thích cho mom hiểu quá! Hồi ở Việt Nam, mọi sự đều bình thường. Về đây, cả con lẫn Quỳnh Như đều như thiếu không khí để thở. Đều như hai đứa trẻ lạc.

Dale cố pha trò cho mẹ bỏ qua chuyện rắc rối:

– Đáng lẽ hai đứa con phải xin việc ở sở “tìm người mất tích” hoặc văn phòng “Lost anh Found” của hãng Sears.

Bà cụ thở dài, nói:

– Mom tưởng “tìm” lại được con. Ai ngờ vẫn cứ “mất”!

Cô em gái Lisa thì táo tợn hơn, nói thẳng với anh:

– Anh đang bị “căn bệnh da vàng” hành hạ. Em đọc sách nhiều, thấy họ có nói rõ căn bệnh ấy. Căn bệnh rất phổ biến đối với những người từ Á Đông về. Người Anh từ thuộc địa Ấn về xứ cũng bị căn bệnh ấy. Họ như người bị bùa ngải, thân thể bạc nhược, ý chí suy sụp không muốn làm cái gì cả, ăn nói lửng lơ như người mất hồn. Không, như người bị bùa ngải. Các cựu chiến binh từ Việt Nam về đều mang chứng bệnh ấy. Nhiều nhà tâm lý học tiên đoán căn bệnh quái ác đó sẽ tàn phá xã hội mình đến nhiều thập niên nữa. Anh phải coi chừng. Tại sao anh không chịu làm giàu như vợ chồng em?

Dale chống chế:

– Mỗi người mỗi tính chứ. Ai cũng giàu cả, thì lấy ai nghèo để so sánh mà biết kẻ giàu.

– Ấy ấy, anh lý luận gàn bướng như vậy cũng là triệu chứng căn bệnh da vàng. Nhiều khi anh còn bị nặng hơn các cựu chiến binh vì anh có con phù thủy da vàng bên cạnh.

– Em nói cái gì kỳ cục vậy. Anh không cho phép…

– Không cho phép thì em vẫn cứ nói. Anh phải nhìn thẳng vào thực tế. Nếu anh lấy một người vợ Mỹ, chắc chắn bây giờ đã khác. Không đời nào một người vợ Mỹ cho phép anh sống phất phơ như vậy, anh phải học tiếp để xin một chân giáo sư đại học, hoặc phải ra mở văn phòng thầu xây cất, tệ lắm là đi bán bảo hiểm. Anh không được quyền lái chiếc truck cà tàng như thế kia. Anh phải bỏ hút thuốc, phải tập chơi golf như nhà em. Không chịu hả? Chỉ cần tốn 100 đô, ly dị là xong. Cứ ẩm ương như hai vợ chồng anh, thật khác thường. Anh phải đi gặp bác sĩ phân tâm.

– Lisa không thể hiểu được đâu.

– Chúa ơi! Anh chê em thiếu thông minh hả! Anh mới là người không hiểu gì cả, không hiểu cả chính anh. Anh đang bị suy nhược thần kinh. Anh không tươi vui hoạt bát như hồi chưa qua Việt Nam. Anh không biết anh muốn gì. Đúng không?

Dale phải cười gật đầu nói:

– Đúng. Nhưng…

– Không có “nhưng”. Đã công nhận như vậy, phải tìm cách giải quyết. Cái gì phiền hà rắc rối quá, thì bỏ. Đến như chiến tranh Việt Nam kéo dài bao lâu nay mà khi cần bỏ còn bỏ liền, huống chi… Nếu anh không nói được, cuối tuần sau anh đưa “Nu” về đây, em nói hộ anh. Chị ấy nên hồi hương, vừa có lợi cho chị ấy vừa có lợi cho anh.

Dale gạt phắt đi, cau mày để cô em gái táo tợn đừng bao giờ dám mở miệng nói điều gì làm phiền lòng Quỳnh Như. Từ đó, Dale tránh lui tới nhà em gái, tránh cả việc xuống San Jose.

Ngay cả giữa vợ chồng với nhau, Quỳnh Như và Dale vẫn không nói chuyện thẳng thắn và đơn giản như hồi mới yêu nhau ở Huế, và hai người không hiểu tại sao. Thời Quỳnh Như dọn ra khỏi nhà mẹ chồng thuê phòng ở chung với cô bạn học người Nhật, mỗi lần Dale từ San Jose về thăm mẹ và vợ, Michiko thường tế nhị tìm cớ để nhường phòng cho hai vợ chồng thoải mái vào cuối tuần. Thế mà Quỳnh Như vẫn hành xử nói năng y như có Michiko bên cạnh họ. Dale lo lắng hỏi vợ:

– Anh có làm điều gì mất lòng em không?

Quỳnh Như lắc đầu.

– Có phải em cảm thấy lạc lõng ở đây không?

Quỳnh Như gật đầu.

– Anh cũng vậy. Hình như anh không thuộc nơi này. Em xa quê hương, xa gia đình, lạc lõng ở đây là phải. Nhưng còn anh, tại sao? Anh nghiệm thấy quê hương không phải đơn giản là nơi ta sinh ra, lớn lên. Quê hương là chỗ nào ta thấy có ích. Cái đau của anh là anh không cần thiết cho xứ sở này, mà Việt Nam cũng không cần anh. Cái thời ở Huế, Chúa ơi, anh không bao giờ quên được. Lúc đó, anh thật sự có ích.

Quỳnh Như cảm động bóp nhẹ bàn tay Dale đang đặt lên vai mình, Dale không nhân cơ hội nắm lấy bàn tay bé nhỏ mềm mại ấy. Sự thay đổi không hẳn là hờ hững, Quỳnh Như biết vậy. Nhưng rõ ràng Dale thuộc về một cái gì khác, không còn hoàn toàn thuộc về Quỳnh Như. Nàng cảm thấy đã mất Dale, nhưng lại mất về một địch thủ vô hình, cái khó là ở chỗ đó.

Quan hệ của họ cứ ỡm ờ nhẩn nha như vậy suốt nhiều năm, họ còn là vợ chồng mà sống với nhau như hai người bạn, có thương nhớ nhau đó nhưng nồng độ không bao giờ đủ để tính tới những chuyện lâu dài như mọi cặp vợ chồng khác, cũng không có dự định nào cụ thể rõ ràng để tiến tới quyết định ly dị. Quỳnh Như biết giữa khoảng cách những lần thăm nhau cuối tuần, Dale có gặp gỡ, tán tỉnh, ân ái với một vài cô gái Mỹ khác. Nàng cũng ghen tức, khổ sở khi bắt gặp Dale tiếp điện thoại của những Jenny, Mary, Debbie, Laura… nàng không biết mặt. Nhưng cái ghen tức không đủ mạnh như các cơn ghen của các bà vợ trên đời. Đôi khi Quỳnh Như nghĩ mình hơi bất thường, cố tìm cách lý giải. Cách lý giải quen thuộc nhất, là nàng nghĩ mình như cái cây bị bật rễ khỏi lòng đất mẹ, không còn đủ sinh lực bình thường để yêu ghét vui buồn một cách bình thường.

***

Phải chờ tới khi tình hình Việt Nam suy sụp thảm hại, hai vợ chồng mới thực sự sống bình thường như vợ chồng. Thời sự Việt Nam đánh thức họ dậy, thảm họa Việt Nam qua báo chí và truyền hình khiến họ sống ở đất Mỹ mà được thở trở lại cái không khí sôi động của mảnh đất nằm cách họ nửa chu vi trái đất.

Cả hai vợ chồng đều bỏ việc. Quỳnh Như không thèm đi xin y chứng bác sĩ, cũng không đến sở gặp bà Barbara để xin nghỉ không lương, để giữ chỗ làm. Số tiền còn trong chương mục đủ để nàng sống hai tháng. Cộng thêm tiền túi của Dale, họ sống cần kiệm được nửa năm mà khỏi cần thắc mắc gì khác. Họ đâu cần nhiều. Tiền thuê căn phòng của Quỳnh Như hai trăm đô mỗi tháng. Điện, nước, điện thoại khoảng năm chục. Ăn uống thì xuống tiệm thực phẩm ở đường Market mua một lô đồ hộp về ăn liền khỏi cần nấu nướng gì. Họ không còn tâm trí đâu để nghĩ tới chuyện nấu nướng. Hai vợ chồng thở theo nhịp thở thoi thóp của Việt Nam, nhói tim đau theo những vết thương của Việt Nam. Họ mâu thuẫn ở chỗ tìm lại được hạnh phúc và lẽ sống giữa lúc Việt Nam đang quằn quại chết chóc từng phút từng giờ. Trước những cảnh kinh hoàng chiếu trên truyền hình, hai vợ chồng như hai đứa trẻ sợ hãi ôm lấy nhau để tìm chỗ trú ẩn, và nhịp tim đập rộn của người này kích thích sự sống ở người kia, hơi ấm của Dale khơi dậy khao khát nhục cảm của Quỳnh Như. Họ tìm lại được hạnh phúc giữa cái bất hạnh của đất nước xa xôi mà họ nhớ thương. Họ vồ vập ân ái với nhau trong khi nước mắt họ ràn rụa. Cái mâu thuẫn ấy thật bất ngờ, tuy phi lý nhưng có thực.

Lần đầu tiên hãng CBS chiếu cảnh rút lui hỗn loạn trên quốc lộ 7 ở đài số 2, Dale vội vã điện thoại cho vợ. Lúc đó, Quỳnh Như cũng đang xem truyền hình, đang đau xót và giận dữ nghe những lời bình luận thời sự của Walter Cronkite. Một giờ sau, Dale gõ cửa phòng Quỳnh Như, từ đó hai vợ chồng bắt đầu một cuộc đời mới.

Họ không biết gì tới đời sống chung quanh. Cô Jennifer ở phòng số 6 nửa đêm thứ ba đau ruột dư, xe cứu thương hụ còi làm náo động cả chung cư, họ không biết. Ông quản lý dẫn một cô bồ trẻ về phòng bị bà vợ bắt ghen xé nát quần áo cô gái, rồi vả ông chồng xấu máu đến sưng vều đôi môi ám màu thuốc lá, họ không hay. Ông phụ tá cảnh sát trưởng thành phố ăn hối lộ bao che cho một đường dây mãi dâm ở khu Tenderloin, bài phóng sự đăng nhiều kỳ, có kèm theo nhiều bức ảnh chụp ông phụ tá đang ngả ngớn giữa một đoàn gái đẹp ăn mặc khiêu dâm, họ mù tịt. Đống báo Dale ôm về mỗi ngày chỉ có phần tin tức thế giới, những phần tin địa phương, thể thao, phụ nữ, điện ảnh truyền hình, quảng cáo… Dale vất hết vào thùng rác gần chỗ bán báo. Căn phòng của Quỳnh Như trở thành một trung tâm thông tin gồm đủ máy thu thanh, báo chí các loại, máy ghi âm, máy truyền hình; bài báo nào liên quan tới thời sự Việt Nam đều được hai vợ chồng cắt ra, xếp vào cái phong bì to tướng ghi số theo thứ tự thời gian. Họ nín thở theo dõi từng chặng đường của đoàn di tản trên quốc lộ 7, hồi hộp chờ đợi một cuộc phục kích đẫm máu ở một xó rừng họ chưa từng đặt chân tới, lạnh theo cái lạnh của đêm rừng cao nguyên, đói theo cái đói của những đứa trẻ con mặt mày nhem nhuốc lạc thần họ thấy trên truyền hình. Ngoài số phận chung của hàng trăm nghìn người lếch thếch kéo nhau về miền duyên hải theo con đường bỏ hoang từ lâu, cả hai vợ chồng còn lo lắng cho số phận của hai người thân. Sau Tết, Quỳnh Trang có viết thư cho Quỳnh Như báo tin nàng sắp lên Phú bổn thăm Ngữ. Hiện giờ Ngữ ra sao, và Quỳnh Trang có đi Phú bổn như thư nàng viết hay không? Phú bổn, một địa danh heo hút nhỏ nhoi trở thành quan trọng vì ở đó có hai vợ chồng Ngữ. Tin về cuộc nổi loạn của lính Thượng tại tỉnh lỵ này là tin dữ đầu tiên Quỳnh Như nhận được, bắt đầu một loạt những tin dữ khác dồn dập đến.

***

Tối hôm trước, bà Cindy điện thoại lên San Francisco cho Dale biết cụ Lucy bị ngất xỉu phải gọi xe cấp cứu đem đi bệnh viện, nên hai vợ chồng Dale phải về Berkeley gấp, bỏ dở chương trình truyền hình tường thuật chiến sự ở vùng An lỗ Thừa thiên.

Dale hối hận vì đã bỏ mẹ già một mình, nghĩ nếu lần này bà cụ có mệnh hệ nào thì cả đời sẽ không sống yên được nữa. Việt Nam, cái xứ sở bi thảm xa xôi đó đã cướp mất đứa con trai của bà cụ từ nhiều năm qua (như lời cụ Lucy thường than vãn với mọi người), bây giờ một lần nữa cũng chính cái nước Việt Nam ấy chia lìa hai mẹ con, khiến cụ gặp hoạn nạn mà không ai giúp đỡ săn sóc.

Hai vợ chồng Dale tới bệnh viện thấy cụ Lucy đã được chuyển từ phòng cấp cứu về phòng riêng, mũi có gắn ống cao su để thở bằng bình dưỡng khí. Không nói được nhiều, bà cụ chỉ ra dấu cho con và dâu biết bà đã khỏe, không có gì phải lo ngại.

Dale nắm lấy bàn tay xanh xao nhăn nheo của mẹ, Quỳnh Như thì lấy giấy Kleenex lau mặt cho bà cụ. Cụ Lucy cảm động, hai mắt chớp chớp sắp khóc, nhưng không còn giọt lệ nào ứa ra hai khóe mắt thâm tím để lăn xuống đôi má hóp nữa.

Bác sĩ bảo hai người đi ra ngoài cho bà cụ nghỉ ngơi. Thấy Dale lo lắng quá, bác sĩ nói bà cụ bị đờm làm nghẹt khí quản nên ngất xỉu, không phải do tim hoặc các chứng nguy hiểm khác. Khí hậu vùng vịnh San Francisco đã bắt đầu chuyển sang mùa xuân, hy vọng lúc đó bịnh suyễn kinh niên của bà cụ sẽ thuyên giảm, không phải lo lắng nhiều. Ông còn cho biết là hãng bảo hiểm y tế chỉ cho phép bà cụ nằm bệnh viện thêm một ngày nữa, hai vợ chồng Dale thu xếp để đưa bà cụ về vào chiều hôm sau.

Dale im lặng suốt cả buổi tối hôm ấy, Quỳnh Như hiểu tâm trạng chồng nên để yên cho Dale chìm đắm trong ân hận, buồn bã, ray rứt. Họ trở về căn phòng bề bộn của cụ Lucy nghỉ đêm. Căn phòng đầy những thứ đồ đạc cũ kỹ mà Dale không hề dám dọn dẹp hoặc vứt đi, vì mỗi thứ đều là lưu niệm của đời bà. Trên cái bàn thấp cạnh giường, bà cụ bày một lô những chai lọ thuốc, có thứ đã quá ngày, có thứ đã dùng hết nhưng bà cụ giữ lọ thuốc lại để nhớ tên mà mua khi cần, khỏi phải đi nhờ bác sĩ cho toa.

Quỳnh Như mệt quá đi ngủ trước. Dale ngồi xem truyền hình ở phòng ngoài. Chính đêm đó, đài số 2 loan tin mất Huế. Dale vội đánh thức Quỳnh Như dậy. Từ giờ phút ấy, họ bị cuốn vào cơn bão thổi thốc từ bên kia biển Thái bình, giữa lúc chung quanh họ, đêm Berkeley êm ả, nước vịnh San Francisco lặng lẽ phản chiếu những ánh đèn quanh bờ và giữa lòng vịnh, là một bầu trời nhấp nhánh ánh sao.

***

Họ xem truyền hình, rồi đọc báo để cố hiểu cho rõ Huế thân yêu của họ đang chìm trong biển lửa và máu ra sao. Dale hy vọng ông bạn quí Bob Newsman có mặt tại Huế vào lúc này để những gì Bob nghe, thấy, ghi nhận qua lời viết và hình ảnh cũng đúng là những gì Dale nghe, thấy, ghi nhận. Hai người bạn đã từng sống ở Huế, đã từng nghĩ như nhau về Huế nên chắc chắn lời chứng của Bob sẽ trung thực hơn; Bob sẽ đau nổi đau của Dale, sẽ chới với vì mất mát giống như Dale chới với. sẽ quay phim những gì Dale cho là đáng quay phim. Sẽ viết những gì Dale cho là đáng viết nhất.

Nhưng qua báo chí và truyền hình, Dale được biết Bob Newsman được phân công theo dõi các biến chuyển của chính trường Sài gòn, mặt trận phía Bắc được giao cho thông tín viên Peter Arnett, người có thời cũng làm việc với Dale tại hãng UPI.

Peter Arnett có mặt tại Huế hôm 25-3, tận mắt chứng kiến cảnh trên hai trăm nghìn dân bồng bế dắt díu nhau đổ về bờ biển Thuận an hoặc theo quốc lộ 1 chạy về Đà nẵng. Arnett ước lượng khoảng tám mươi phần trăm dân Huế đã bỏ thành phố này chạy loạn, và so sánh cuộc chạy loạn này với cuộc chạy loạn của dân cố đô Dunkirt bên Anh thời đệ nhị thế chiến. Ống kính phóng viên nhiếp ảnh bổ túc cho những bài tường thuật cửa Peter Amett đăng trên báo. Một bức ảnh chụp cảnh xe cộ mắc nghẽn trên đèo Hải vân, cận cảnh là một chiếc xe truck Công binh chở chiếc xe xúc đất di tản khỏi vùng đất sắp bị mất, trên xe dân chạy loạn bám đen như một đoàn kiến bu vào dĩa mật. Xa hơn về phía sau là những chiếc GMC đầy người, xe đạp cột vào cái cản phía trước, đồ đạc giỏ xách chất lên cả nắp ca bô, chỉ chừa một khoảng nhỏ cho tài xế thấy đường mà lái. Một bức ảnh nữa chụp cảnh những người thiếu phương tiện dắt díu nhau chạy bộ. Một bé gái khoảng tám chín tuổi đi chân không cõng em trên lưng, đứa em trai khoảng bốn năm tuổi, một tay ôm cái túi nhỏ một tay quàng cổ chị, mắt nhìn tò mò vào ống kính của phóng viên. Cả hai chị em đều có ánh nhìn ngạc nhiên thơ ngây, không hiểu hết lý do những thảm họa đang diễn ra chung quanh.

Ống kính truyền hình thì quay cảnh Huế nhìn từ trực thăng xuống, trước khi quay cảnh hỗn loạn trên bãi biển Thuận an. Chiếc trực thăng chở phóng viên Mỹ bay một vòng quanh Đại nội, dòng sông Hương uốn khúc vẫn lặng lẽ hiền hòa, nhà cửa phố xá bên dưới như vẫn tiếp tục thiếp ngủ trong cái cổ kính rêu phong của gần hai trăm năm lịch sử. Huế vẫn đẹp, vẫn thơ nếu nhìn phớt qua toàn cảnh. Nhưng rồi trực thăng bay chậm hơn, thấp hơn. Người quay phim thu được rõ hơn cảnh phố Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu tiêu điều kín cửa, cảnh thiên hạ chen chúc nhau qua cầu Trường Tiền, cảnh những khu nhà đổ nát vì đạn pháo kích bên cạnh những đổ nát từ hồi Mậu Thân chưa kịp hàn gắn, cảnh chen nhau dày đạp lên nhau để ra tàu ở bãi biển. Quỳnh Như ngồi khóc nức nở trước khung truyền hình. Dale ôm lấy vai vợ không biết nói gì. Chính Dale cũng lặng người xúc động khi ống kính phóng viên truyền hình vô tình lướt qua cảnh mấy dãy lầu trường Đại học Sư phạm trong khu Tòa Khâm, nơi Dale được sống những ngày đẹp nhất trên đời.

***

Hai hôm sau cụ Lucy đã về nhà và sức khỏe bình phục. Cụ trở lại nếp sống cũ, nói xấu bà em gái, làm nũng với con trai và cau có với nàng dâu da vàng. Quỳnh Như lấy cớ phải làm việc trở lại để lên San Francisco, tuy thật ra nàng đã bị sở cho nghỉ việc. Dale vờ như không thấy mẹ hờn dỗi, cũng lấy cớ này cớ khác để vắng nhà, thật sự là theo vợ. Họ muốn trở lại San Francisco để sống trọn vẹn với thời sự Việt Nam. Tình trạng suy sụp ngày càng trầm trọng, họ biết nếu không dán mắt lên khung truyền hình, không theo dõi sát các bản tin phát thanh và báo chí, họ sẽ bị thời sự Việt Nam bỏ lại đằng sau.

Và họ bị bỏ đằng sau rồi! Chỉ trong vòng không đầy một giờ lái xe từ Berkeley lên San Francisco, bận lo đối phó với những dãy xe cộ nối đuôi nhau qua cây cầu treo dài ngoằng vắt ngang qua vịnh, quên mở đài phát thanh, họ không biết rằng Đà nẵng đã bắt đầu hỗn loạn.

Khi biết chắc Huế thất thủ, Dale lạc quan nghĩ rằng quá lắm Bắc quân chỉ lấy được vùng đất từ đèo Hải vân trở ra mà thôi. Đà nẵng là một căn cứ quân sự lớn hàng thứ nhì trong nước, quân số và vũ khí trang bị hùng hậu đủ để tự đứng vững trong nhiều năm, dễ gì một sớm một chiều rơi vào tay Bắc quân. Dale còn dùng những kiến thức quân sự học lóm được của bạn bè để giải thích cho vợ hiểu rằng chỉ cần một lực lượng nhỏ trấn giữ đèo Hải vân, và một lực lượng không cần nhiều phòng thủ mặt tây nam, Quân đoàn 1 sẽ biến Đà nẵng thành một pháo đài kiên cố. Dale nói thêm:

– Anh tin ở tướng Trưởng. Ông ấy dày dạn chiến trường, lại có tư cách. Sẽ không có một vụ rút chạy thê thảm như ở Quân đoàn 2 đâu.

Dale đã tiên đoán sai bét. Vừa về tới San Francisco, giở tờ San Francisco Chronicle buổi sáng ra, hai vợ chồng đã choáng váng vì bài tường thuật tại chỗ của ký giả Peter O’ Louglin. Một ngày sau khi Huế sụp đổ, Đà nẵng đã bắt đầu hỗn loạn. Từ dân số nửa triệu, trong vòng có mấy hôm Đà nẵng đã trở thành cái túi nhận dân chạy loạn từ Huế Quảng trị vào, từ Tam kỳ, Mộ đức, Đức phổ, Duy xuyên ra… Cái túi người lên tới một triệu rưởi, quá sức tải của thành phố cảng này, người tị nạn dắt díu nhau từng đoàn kéo tới, tạm trú bất cứ chỗ nào có thể căng lều gác mái che nắng che mưa được. Gạo mắm khan hiếm, thiên hạ chen chúc nhau ở ngân hàng để rút tiền. Ở bến tàu, ở sân bay, lại cái cảnh chen lấn giành giựt nhau một chỗ ngồi thoát khỏi Đà nẵng. Kinh hãi nhất là đoạn phim truyền hình quay cảnh chém giết hỗn loạn ở phi trường. Phóng viên CBS quay được cảnh một chiếc Dodge-4 chở đầy quân nhân và gia đình binh sĩ dùng súng và lựu đạn mở đường để ra phi đạo. Trên sân bay, chiếc phi cơ phản lực Airways 727 chuẩn bị cất cánh. Đây là chuyến Hàng không Dân sự cuối cùng, cơ hội sau chót của hàng vạn con người lóng ngóng chờ leo lên máy bay để vào Sài gòn. Phi cơ đã rồ máy nhưng không tiến ra phi đạo được vì lực lượng an ninh không giải tỏa nổi hàng nghìn người đã lọt qua được hàng rào phi trường.

Hàng loạt súng nổ, đám đông sợ hãi lùi ra xa nhưng vẫn có những kẻ liều chết nhào tới. Vài quân nhân không tới gần chiếc Airways 727 được, nổi giận mở chốt lựu đạn quăng bừa vào đám người nhanh chân hơn. Chiếc phản lực bị hư, nằm lại ít lâu để cơ khí viên tìm cách sửa chữa với bất cứ giá nào. Người đã leo lên được thì không chịu xuống, người bên dưới cố leo thêm lên. Cuối cùng phi hành đoàn liều lĩnh cho cất cánh, trong lúc nhiều quân nhân vẫn cứ cố bám vào bất cứ chỗ nào bám được để lên phi cơ, kể cả mấy cái càng chống hai bên bánh xe. Chiếc Boeing 727 cất cánh, những người bám vào cái càng phi cơ rơi xuống phi đạo như sung rụng. Rồi viên phi công cho quặp bánh xe vào thân tàu. Một người đàn ông bị kẹp dính vào dưới thân phi cơ, xác chết vẫn còn y nguyên cho tới lúc phi cơ hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn nhất.

Peter O’ Loughlin cũng mô tả tỉ mỉ cảnh bốc người bằng lưới lên hai chiếc tàu vớt Pioneer Contender và Pioneer Commander đậu ngoài khơi cửa Hàn. Chiếc xà-lan lúc nhúc hàng vạn con người được kéo sát vào mạn tàu Pioneer Contender. Cần cẩu trên tàu buông cái lưới xuống, đáy lưới lót tấm sàn gỗ tạp vẫn được dùng để kê các kiện hàng. Chiếc lưới cho chạm mặt xà-lan, cảnh giành giật chen lấn đã bắt đầu. Lính tráng, đàn ông, kẻ mạnh khỏe dày đạp lên trẻ em, người già, kẻ yếu ớt để giành chỗ vào lưới. Tuy vậy không biết bằng phép lạ nào vẫn có những bà mẹ ôm được con lọt lưới, một bà mẹ khác một tay bám được sợi dây lưới một tay ôm cứng đứa con nhỏ. Nhưng hai mẹ con không được lọt an toàn vào bên trong. Cần cẩu kéo lưới lên. Cái túi đen kịt người dần dần được nhấc bổng lên cao, lên cao nữa. Đứa con vuột khỏi tay mẹ rơi xuống biển. Người mẹ hốt hoảng thả tay kia khỏi sợi dây lưới, rơi xuống biển theo con. Trên boong tàu, Peter O’ Loughlin chứng kiến một người mẹ khác ôm cứng xác một đứa con đã chết từ lâu, và khi người ta cho bà biết con bà đã chết, người mẹ ngơ ngác qua khỏi cơn mê, hãi hùng nhìn xác con rồi đâm đầu xuống biển tự trầm.

Quỳnh Như buông tờ báo xuống, ngồi chết lặng hàng giờ không nói năng. Dưới phố, thiên hạ lũ lượt đổ ra đường để hưởng buổi chiều cuối tuần.

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 81

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây