Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàMùa Biển ĐộngTập 5 - Tha HươngMùa Biển Động - Chương 143

Mùa Biển Động – Chương 143

(Mùa Biển Động – Chương 143)

Quỳnh Như vừa khóc vừa nói với Dale:

– Em không thể ở đây được nữa. Em phải về Việt Nam. Em không thể chịu đựng được nữa. Ở đây em phát điên mất. Anh chịu theo em càng tốt. Anh không đi, em cũng về. Anh phải lại Tòa Tổng lãnh sự với em.

Dale ôm vợ tìm cách trấn an Quỳnh Như:

– Em phải bình tĩnh mới được. Phải chờ xem tình hình biến chuyển ra sao rồi hãy tính. Anh nghĩ tình hình chưa đến nỗi tuyệt vọng.

– Chưa đến nỗi! Anh đọc báo xem truyền hình thấy rõ bao nhiêu điều mà còn nói “chưa đến nỗi”. Lại còn mấy ông lớn ở Tòa Bạch ốc nữa. Họ phủi tay coi như mọi sự đã xong. Anh có đọc bài bình luận trên số báo hôm qua không? Người Mỹ các anh có vẻ hí hửng xoa tay phủi nợ là khác. Các anh đang vui sướng lắm, em biết!

Dale đang buồn cũng phải bật cười:

– Em lạ lùng chưa! Giận ai lại đổ hết tội lỗi độc ác lên đầu anh. Hãy bình tĩnh lại đi, Quỳnh Như. Tình hình còn nhiều biến chuyển đột ngột, có thể chỉ mất miền Trung, có thể cả miền Nam sẽ sụp. Liệu như thế thì có nên về không?

– Có sụp đổ hết em cũng về. Về để chết em cũng về. Thà chết chung với gia đình, còn hơn ở đây. Anh lại Toà Tổng lãnh sự với em.

Dale biết không thể can ngăn gì được, lặng lẽ thay quần áo đưa Quỳnh Như lại Tòa Tổng lãnh sự Việt Nam Cộng hòa.

Con đường trước Tòa Tổng lãnh sự đường Market ồn ào tấp nập xe cộ và người đi lại. Ngay phía trước tòa building ấy, một nhóm thanh niên cả Mỹ lẫn Việt tụ tập lại, mỗi người cầm một tấm các-tông có kẻ khẩu hiệu bằng viết nỉ: “Hãy cút về nước ngay lập tức”. “Những kẻ bị áp bức đã thắng”. “Chấm dứt ủng hộ bọn tay sai tham nhũng”. “Hồ Chí Minh muôn năm”. Một thanh niên Mỹ mặc bộ đồ jeans dơ bẩn râu tóc để dài và rối y như một dân vô gia cư ngủ đường, cầm lá cờ đỏ sao vàng phất qua phất lại, trong khi một thanh niên Việt phất lá cờ của Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Quỳnh Như ngờ ngợ, nhớ là đã gặp thanh niên đồng hương này ở đâu đó. Cuối cùng, khi hai vợ chồng lách qua đám biểu tình qua Tòa Tổng lãnh sự giữa những lời la ó tục tằn của họ, nàng mới nhớ thanh niên Việt ấy học ở trường Berkeley, và là con một ông lớn ở Sài gòn.

Quỳnh Như và Dale lên cầu thang, vào phòng tiếp khách của Tòa Tổng lãnh sự. Bốn người Việt Nam đã đến trước họ, và đang ngồi chờ. Hai phụ nữ ngồi bên nhau nhưng lạnh nhạt với nhau, không ai nói chuyện với ai. Một người, qua cách ăn mặc trang điểm, Quỳnh Như đoán gốc gác thuộc tầng lớp thấp, có thể là gái bán bar lấy chồng là lính Mỹ. Một người còn trẻ, khoảng trên hai mươi, ăn mặc giản dị, nét mặt rầu rĩ, có lẽ là một nữ sinh viên du học. Hai người đàn ông thì một người trẻ tuổi đang cắm cúi xem báo, người trung niên ăn mặc tươm tất với cà vạt áo veste cẩn thận thì đang nói chuyện với cô thư ký ngồi ở bàn tiếp tân.

Quỳnh Như chờ cho hai người chấm dứt câu chuyện để tới hỏi việc xin hồi hương, nhưng chờ lâu quá họ vẫn không ngưng nói.

Sốt ruột, nàng tới gần nói:

– Xin lỗi làm phiền cô. Tôi muốn gặp ông Tổng lãnh sự.

Cô gái không quay nhìn Quỳnh Như ngay, tiếp tục nói thêm vài câu với người đàn ông trung niên, rồi mới quay nhìn khách mới. Từ nét mặt vui vẻ tự nhiên, cô thư ký đổi ra nét mặt lạnh lẽo hách dịch của một công chức:

– Cô gặp ổng có việc gì?

– Có chút việc riêng.

– Ở đây không giải quyết việc riêng.

Quỳnh Như nổi cáu:

– Đấy chỉ là một cách nói. Tôi muốn xin hồi hương.

Cô thư ký liếc nhìn về phía Dale, rồi hỏi:

– Xin hồi hương làm gì? Đi một mình hay đi với chồng?

– Còn tùy. Tôi muốn biết thủ tục.

– Lại xem bảng thông cáo đằng kia.

Người đàn ông trung niên chen vào nói:

– Chắc tôi chờ ổng không được, Tuyết ạ! Bây giờ tôi có cái hẹn phải đi. Chừng nào ổng về Tuyết nói giùm là tôi có tới, và sẽ trở lại đây đúng ba giờ chiều. Chắc lúc đó ổng về rồi.

– Chưa chắc đâu anh. Ổng đi với ông đại tá từ Washington D.C. xuống để lo chuyện nhà cửa gì đấy. Anh đi đâu cho tôi số điện thoại, ổng về tôi điện thoại báo cho anh biết.

– Tôi đi lăng quăng cho biết San Francisco ấy mà. Thôi, cứ cách khoảng nửa giờ, ồ không, một giờ thì tôi điện thoại về đây thăm chừng. Ở đây có gì cần xem cho biết hở Tuyết.

Cô thư ký cười:

– Anh hỏi ổng. Ổng là thổ công ở đây mà. Anh phải tận dụng kinh nghiệm của ổng, vì ít hôm nữa bả sang thì ổng nghỉ hưu.

Hai người cười xòa. Người đàn ông trung niên đưa tay bắt tay từ biệt cô thư ký, rồi đi ra cửa. Cô thư ký lấy ngay vẻ mặt lạnh lùng quay sang hỏi Quỳnh Như:

– Cô còn chờ gì nữa?

– Tôi chờ gặp ông Tổng lãnh sự.

Người thư ký khó chịu ra mặt, hất hàm bảo:

– Cô ra ngồi đợi.

– Đợi tới bao giờ? Ông Tổng lãnh sự đi vắng tới lúc nào?

– Ổng bận công tác. Nửa giờ nữa ổng trở lại đây.

Quỳnh Như ngờ vực nhìn cô thư ký, nghĩ cô ta nói dối. Nhưng nàng không còn cách nào khác hơn là đến ngồi trên cái ghế cạnh Dale để đợi. Bên cạnh Quỳnh Như, người con gái có dáng dấp sinh viên ngồi thu hai tay đặt trên đầu gối, đôi mắt thất thần nhìn mông lung ra phía trước. Dale hỏi:

– Họ bảo đợi phải không? Em ngồi đây, anh ra chợ mua một ít thức ăn.

– Phải đấy. Nhớ mua cho em một ít hộp Yaourt. Mấy tuần nay ăn ngủ thất thường, em bị nổi mụn.

Dale đi rồi, Quỳnh Như quay sang hỏi chuyện làm quen với cô gái ngồi cạnh:

– Em cũng định xin về Việt Nam phải không?

Người con gái giật mình quay lại, rồi đáp:

– Dạ. Nhưng chắc là khó. Em du học theo học bổng, tất cả tùy thuộc ở chính phủ.

– Họ trả lời ra sao?

– Em tới đây nhiều lần, họ đều nói là không được lệnh gì đối với các sinh viên du học cả. Bên nhà đang rối đầu, không ai lo tới tụi em hết. Em lo quá.

– Gia đình em ở đâu?

– Ở Nha trang, chị ạ!

– Ở Nha trang thì chắc còn yên.

Người con gái mừng rỡ, mắt long lanh vui, vội hỏi:

– Chắc yên chứ chị? Tụi bạn em không biết nghe tin ở đâu nói rằng sẽ cắt đất từ đèo Cả trở ra. Em nghĩ tin đó đúng, không thế tại sao mình rút khỏi cao nguyên và Huế. Rồi rút khỏi Đà nẵng. Em xem truyền hình thấy cảnh hỗn loạn ở Đà nẵng mà xót xa. Em không cầm được nước mắt. Mấy tuần nay em có học hành được gì đâu. Em cứ sợ nếu… em một thân một mình bên này sống ra sao đây. Chắc chắn Nha trang không có việc hì hở chị?

– Không việc gì đâu?

– Ờ, mà gia đình chị ở đâu?

– Ở Sài gòn.

– Giọng chị như lai lai giọng Huế. Chị người Huế phải không?

– Phải.

– Chia buồn với chị. Em chưa ra Huế lần nào, dù bà ngoại em người Huế. Bạn bè hồi học trung học của em nhiều đứa cũng gốc Huế. Huế mất rồi, thật buồn. Hết còn dịp ra Huế để thăm cho biết cảnh sông Hương, núi Ngự, lăng tẩm. Em có một người anh đi lính ở Huế. Không biết ảnh có chạy thoát được không?

Cô gái buồn rầu thở dài, rồi tiếp:

– Người nào cũng có thân nhân sống rải rác khắp nơi, nghe tin mất một chỗ là nghĩ ngay tới người thân đang ở đó. Ông anh rể của em là sĩ quan Công binh đóng ở Kontum.

Quỳnh Như nhớ đến Ngữ, nói:

– Chị cũng có một ông anh rể làm việc ở Phú bổn. Không biết ảnh ra sao.

– Vụ di tản trên quốc lộ 7 chứ gì? Em có đọc báo tường thuật kỹ vụ này. Em không hiểu gì cả, chị ạ. Có lẽ tại em qua đây học khoa học nên dốt về chính trị, không hiểu được vì sao bổng dưng ông Thiệu ra lệnh rút hết quân khỏi cao nguyên.

– Chị cũng không hiểu. Em qua đây học gì, trường nào?

– Em học Thực vật học. Ở đây.

Cô sinh viên do dự một lúc, rồi mới e dè hỏi Quỳnh Như:

– Chị qua đây làm gì?

– Chị cũng qua đây học Anh văn. Ở Berkeley. Nhưng thôi học lâu rồi. Anh Dale lúc nãy là chồng chị.

– Anh ấy đi lính ở Việt Nam?

– Không. Ảnh qua dạy Anh văn ở Đại học Huế. Chị gặp ảnh ở đó.

Cô sinh viên mừng rỡ ra mặt, tránh được một thành kiến không mấy vui về những người phụ nữ lấy chồng Mỹ. Câu chuyện giữa hai người thân mật đằm thắm hơn trước. Họ nói chuyện rỉ rủ sa đà, quên mất thời gian chờ đợi.

***

Dale trở lại lúc 11 giờ rưỡi. Cô thư ký bắt đầu dọn dẹp giấy tờ trên bàn để sửa soạn đi ăn trưa. Dale nóng ruột hỏi vợ:

– Ông ấy chưa về à?

– Chưa. Hồi nãy giờ em ngồi nói chuyện với cô bạn đây, vui quá. Đây là Dale chồng chị. Đây là… à quên, từ nãy tới giờ mải nói chuyện quên không hỏi tên em là gì. Chị tên Quỳnh Như.

– Em tên Thu Hương. Pleased to meet you.

– Em nói tiếng Việt với ảnh cũng được. Ảnh nói chưa trôi chảy, nhưng nghe thạo lắm.

Dale cố biểu diễn:

– Tôi nói tiếng Việt chưa được “chì” lắm, nhưng nghe các bà cằn nhằn bằng tiếng Việt thì “thạo một cây”.

Cả ba cười ồ. Dale thấy cô thư ký đã xách ví đứng dậy, hỏi vợ:

– Họ hẹn cho em gặp mấy giờ?

– Có hẹn gì đâu. Chỉ bảo ngồi đợi.

Dale nhìn đồng hồ.

– Đã đợi hơn hai tiếng đồng hồ rồi. Bây giờ họ đi ăn trưa. Hay mình lấy hẹn ngày mai đến.

– Anh làm như đây là công sở của nước anh. Em phải gặp cho được ổng ngày hôm nay. Anh bận gì cứ đi đi, chiều bốn giờ trở lại đây đón em.

– Có bận gì đâu. Nhưng anh không thể kiên nhẫn ngồi nhìn mấy cô công chức giũa móng tay xem báo được. Anh có mua cho em cái hot dog để ngoài xe. Anh đói quá, ăn rồi.

Quỳnh Như nói:

– Thôi thế này: anh về đi. Còn em thì rủ Thu Hương đi ăn trưa, để chốc nữa tụi em về đây đợi tiếp.

Dale gật đầu, nói:

– Được. Tờ Newsweek tuần này vừa ra. Có bài tường thuật cảnh địa ngục trên những chiếc tàu vớt người tị nạn ở Đà nẵng. Tối em về đọc cho biết.

Quỳnh Như không muốn nghe thêm chuyện buồn, giục chồng:

– Anh về đi. Có thì giờ đem đồ xuống tiệm giặt. Cả tuần nay đồ quần áo dơ chất đống, hôi hám cả phòng. Anh nhớ giặt luôn mấy tấm drap em nhét trong thùng giấy ở dưới giường nữa. Hộp bột giặt Tide còn không?

– Chắc chắn còn. Anh đi nhé. Mong gặp lại Thu Hương. “Chào từ biệt” cô.

Dale đi rồi, hai chị em cùng dẫn nhau xuống lầu băng qua đường đi tìm một tiệm fastfood. Đám biểu tình chỉ còn lại ba người Mỹ đang ngồi trên lề đường, gặm bánh mì, tấm các-tông kẻ biểu ngữ được dùng làm mâm bày thức ăn và mấy lon Coke. Thu Hương hỏi:

– Chị không dạy tiếng Việt cho anh ấy hay sao mà ảnh dùng câu “Chào từ biệt”. Người mình có bao giờ nói thế đâu! Cũng giống như mấy ông lính G.I. mới qua Việt Nam, mua vội một cuốn dạy đàm thoại, gặp ai cũng đon đả nói: “Chào ông, buổi sáng”, “Chào cô, buổi chiều”. Em nhịn cười không nổi!

– Chị có dạy đấy chứ! Nhưng riêng câu “chào từ biệt”, chị thấy ngây ngô và hay hay, nên không sửa cho ảnh, “chào từ biệt”, “chào giã biệt”. “Chào vĩnh biệt”. Nghe thơ lắm.

Hai người định ghé vào ăn tạm một miếng hamburger, nhưng Thu Hương đổi ý, muốn đi ăn mì ở tiệm Tàu Triều Châu trên đường Market. Lâu ngày không được nói chuyện tiếng Việt thỏa thích, lại nói chuyện với một người cùng tâm tình, cùng trình độ, hai người bạn gái mới quen quên cả giờ giấc. Thu Hương than:

– Không biết ông mới này thế nào, chứ ông Tổng lãnh sự cũ em đã gặp rồi, chán lắm. Hồi mới qua đám bạn tụi em hăng lắm. Chị hiểu, lúc đó đại học nào tụi sinh viên Mỹ cũng rầm rộ tổ chức “sit-in” phản đối chiến tranh, ca tụng cộng sản. Chị học Berkeley chắc đã rõ. Trên này chỉ thua dưới chị chút xíu mà thôi. Tụi em cô đơn dễ sợ, như là lội nước ngược. Tụi em chạy lại đây cầu cứu Tòa Tổng lãnh sự, muốn mấy ổng giúp tài liệu, nếu được giúp tụi em một ít phương tiện để in truyền đơn, làm báo chống lại tụi phản chiến. Vậy mà, chị biết không, mấy ổng lại nghĩ tụi em bày chuyện để lấy tiền tiêu. Em tức quá, đòi mấy ổng cung cấp báo chí tài liệu của Sài gòn để tụi em xuất tiền túi ra Xerox phổ biến. Mấy ổng đưa, nhưng tài liệu sơ sài, xem mà chán. Trong lúc đó thì tụi nó bày ra cả xấp những bài báo và hình ảnh nói xấu chế độ Việt Nam Cộng hòa. Nào bà tướng này ăn diện đúng mode New York, Paris. Nào ông tướng kia đứng đầu đường dây ma túy. Chưa hết. Tụi nó còn đem phim của Hà nội ra chiếu cho sinh viên Mỹ coi nữa. Phim “Điện Biên Phủ”. Phim thời sự quay cảnh khu Khâm Thiên đổ nát, nhà thương Bạch Mai sụp đổ hồi 1972. Riết rồi tụi em chán, chỉ chúi đầu vào sách vở rán học cho xong.

– Chừng nào em xong?

– Hết Spring semester này em xong cái B.S. Em chỉ mong sao bên nhà bình yên cho em lấy xong cái B.S. vào mùa hè này. Ảnh đã xin cho em chỗ dạy ở Đại học Cần Thơ, còn gia đình em thì muốn em về dạy ở Đại học Cộng đồng Nha trang cho gần gia đình.

– Ảnh nào?

Thu Hương chợt thấy mình lỡ lời, đỏ mặt ngồi im. Quỳnh Như hỏi:

– Bồ của Thu Hương hả?

Thu Hương lí nhí đáp:

– Dạ. Tụi em…

– Thôi đừng giấu chị nữa. Hai người quen nhau lâu chưa?

– Lâu rồi, chị. Tụi em gặp nhau ở đây. Em chân ướt chân ráo mới ở Việt Nam qua, không có ảnh…

– Anh ấy hồi hương năm nào?

– Năm ngoái. Ảnh lấy xong cái Ph.D. là về liền. Bạn ảnh hiện làm khoa trưởng ở Đại học Cần Thơ. Cần Thơ cũng là quê của ảnh.

– Mấy ông Nam kỳ quốc bây giờ có thế lắm. Nhất là dân du học từ Mỹ về. Không biết chừng vài năm nữa chị gặp lại Thu Hương ở Sài gòn, Thu Hương không thèm nhận đã quen với chị.

– Chị trêu em, em giận đó. Chị nhất định xin về à?

– Còn em?

– Em muốn về liền, tuy hơi tiếc chưa lấy xong cái M.S. Nếu tình hình càng tệ, cả Sài gòn cũng mất như báo chí Mỹ tiên đoán, em sợ phải bơ vơ ở đây. Em không thân quen ai ở đây cả, ở đây biết xoay xở ra sao để sống. Thà về Việt Nam sống chết chung với gia đình còn hơn.

– Chị cũng nghĩ như vậy. Chị khó xử hơn em, vì đã là công dân Mỹ. Lại còn Dale. Em có nhận được thư nhà không?

– Không. Cách đây hai tuần em có nhận được thư ảnh. Ảnh bảo ông tùy viên làm ở Tòa đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Washington D.C. là bạn ảnh, có cần gì cứ gọi điện thoại nhờ ông ấy. Em có gọi, nhưng khó gặp ông ấy quá. Em có viết thư lên hỏi ý kiến, nhưng cũng chưa nhận được thư trả lời.

***

Mải nói chuyện hai người quên xem đồng hồ, tới hồi sực nhớ thì đã hai giờ chiều. Họ vội vã trở lại Tòa Tổng lãnh sự. Đám biểu tình đã giải tán. Biểu ngữ bị vất lại, la liệt trên lề đường. Cô thư ký bận xem cuốn mẫu quảng cáo quần áo dày cộm của hãng Sears, không thèm ngước lên chỉ trả lời cộc lốc câu hỏi của Thu Hương:

– Ông Tổng lãnh sự còn bận họp. Các người cứ ngồi đó đợi.

Tòa Tổng lãnh sự không lớn lắm, chắc chắn văn phòng ông Tổng lãnh sự hoặc phòng họp chỉ cách phòng tiếp tân này bằng một bức vách ngăn. Quỳnh Như không thấy dấu hiệu sinh hoạt nào ở đây, ngoài cử động uể oải của cô thư ký và tiếng máy điều hòa chạy rì rì. Những người chờ đợi vào buổi sáng đã bỏ đi không trở lại. Một cụ già tới hỏi thăm tin tức ở Việt Nam, bị cô Tuyết trả lời ấm ớ nhát gừng, chán nản cũng cầm gậy ra cửa không thèm chào từ biệt. Hai chị em tiếp tục câu chuyện bỏ dở. Thu Hương kể chi tiết mối tình của mình, đổi lại Quỳnh Như cũng kể thời kỳ nàng và Dale yêu nhau ở Huế. Thu Hương cười khúc khích khi nghe Quỳnh Như kể lại những gian nan nàng đã vượt qua để ông bà Thanh Tuyến cuối cùng chịu cho con gái lấy Dale, và chuyện cụ Lucy phải thân hành qua Việt Nam để rước dâu. Thu Hương hỏi:

– Chị có hạnh phúc không?

Quỳnh Như trầm ngâm hồi lâu, rồi thành thực đáp:

– Chị cũng không biết nữa. Có lúc chị nghĩ mình lầm lẫn. Có lúc chị không hối tiếc gì. Lý tưởng nhất là hai vợ chồng chị được về sống ở Việt Nam, xin dạy học ở một trường nào đó. Có còn kịp không?

Thu Hương bối rối, không dám trả lời ngay. Nàng cắn môi suy nghĩ, đáp nhỏ:

– Em cũng mơ ước như chị. May là còn kịp.

Có tiếng bước chân mạnh mẽ từ cửa đi vào. Hai người đàn ông mặc đồ veste lịch sự bước vô phòng. Người có tầm vóc cao lớn mặc bộ quần áo màu beige có sọc thắt cà vạt đỏ điểm chấm trắng có vẻ là chủ trong khi người mặc đồ xám xách cặp da là khách, vì người cao lớn đi thẳng tới chỗ bàn cô Tuyết thân mật vỗ vai và hỏi:

– Ở nhà có việc gì gấp không?

– Có ông đại sứ gọi lúc 12 giờ rưỡi. Ông dặn lúc anh về thì gọi cho ông, số ở tư gia chứ đừng gọi đằng văn phòng. Thư từ hôm nay không có gì, ngoài vài tờ báo Sài gòn. Có mấy người chờ gặp anh.

Ông Tổng lãnh sự (Quỳnh Như đoán chắc đó là ông Tổng lãnh sự) quay nhìn về phía hai người khách, khẽ gật đầu chào họ, rồi nói với người bạn:

– Anh vào đây nghỉ một chút đã, rồi hãy tính. Chuyện đâu còn có đó. Ngày rộng tháng dài, lo gì.

– Không nhẩn nha được đâu, ông ơi. Ổng cho tôi đi chỉ để lo cho xong vụ này. Không xong thì đừng hòng nhìn lại mặt ổng.

Ông Tổng lãnh sự đến chỗ bình nước lọc nhấn nút rót nước vào cái ly giấy ngửa đầu uống cạn, cười nói:

– Nhìn mặt ổng lúc này ích gì, chỉ thiệt thân. Ổng phạt không cho anh về, càng tốt.

– Ông quên là vợ con tôi còn ở Sài gòn. Đâu được như chị sắp qua đây với ông nay mai.

– Nhưng chuyện nhà cửa, gấp sao được. Đã đành pay-off một lần lấy được nhà liền, nhưng có được chừng ấy tiền dại gì mà pay-off. Sao không trả góp, rồi lấy tiền đó làm business.

Người khách liếc nhìn Quỳnh Như và Thu Hương lo ngại. Ông Tổng lãnh sự cũng nhận thấy mình thiếu kín đáo trước người lạ. Ông đến gần hai người khách, nhã nhặn hỏi:

– Hai cô cần gì không?

Quỳnh Như nói:

– Chúng tôi lo cho bên nhà quá. Đọc báo, thấy tình hình ngày càng xấu. Hết Pleiku, Kontum tới Huế, Đà nẵng…

Ông Tổng lãnh sự cười to, cắt lời Quỳnh Như:

– Báo Mỹ tụi nó phóng đại đấy. Mình chỉ “tái phối trí lực lượng” đó thôi. Nói thật với hai cô, đây là một cách để áp lực lên chính phủ Mỹ, rồi mọi sự đâu vào đó. Phái đoàn của tướng Weyand sắp qua bên mình để quan sát tình hình về phúc trình lại cho Quốc hội chịu chi tiếp tiền viện trợ. Tôi là người trong cuộc, tất nhiên tôi biết rõ mọi sự, các cô cứ tin tôi đi. Ông bạn tôi đây mới ở Sài gòn qua tuần trước. Không tin các cô cứ hỏi ổng.

Thu Hương nói:

– Tôi muốn xin về Việt Nam.

Ông Tổng lãnh sự kinh ngạc hỏi:

– Tại sao lại về vào lúc này? Thiên hạ lo chạy qua đây còn cô thì…

Ông nói đến đó mới nhớ là mình tự mâu thuẫn. Ông bối rối không biết phải nói thêm điều gì. Ậm à một lúc, Ông hỏi:

– Hai cô có làm đơn xin hồi hương không?

Quỳnh Như đáp:

– Dạ chưa. Chúng tôi muốn hỏi trước, rồi…

– Thôi thế này. Bây giờ cũng gần ba giờ chiều rồi. Mà tôi lại còn bận lo công việc khẩn với ông bạn kia. Hai cô đến cô Tuyết để lấy giờ hẹn, ngày mai tôi sẽ xin tiếp hai cô để giải thích thủ tục cặn kẽ hơn. Chào hai cô nhé!

Ông Tổng lãnh sự đưa mắt bảo bạn theo ông vào văn phòng. Quỳnh Như và Thu Hương đến lấy cái hẹn vào hôm sau. Hai người không hy vọng gì nhiều, chỉ vui vẻ lấy hẹn vì lại được gặp nhau để hàn huyên.

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 124

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây