(Mùa Biển Động – Chương 144)
Tin mất Qui nhơn làm Quỳnh Như bàng hoàng không thua gì tin Huế lọt vào tay Bắc quân một tuần trước đó. Chỉ trong vòng một tuần lễ, Quỳnh Như đã mất hai miền đất từng ghi đậm lên trí nhớ Quỳnh Như, mỗi nơi có một dấu hằn khác nhau.
Huế là nơi Quỳnh Như lớn lên, đi học, chuẩn bị vào đời và gặp được người yêu, nên mặc dù Huế trải qua quá nhiều cảnh tang tóc, cho tới lúc này Quỳnh Như nhớ về Huế như nhớ về một nơi chốn bình yên, mơ mộng, êm đềm. Những nỗi đau của Huế phai nhanh theo năm tháng, trong trí Quỳnh Như chỉ còn lại những chiều thứ bảy cùng bạn bè dạo phố rồi đi ăn cháo lòng Như Ý, hoặc bánh bèo Vỹ dạ, những ngày chủ nhật đạp xe lên chùa Bảo quốc hoặc lên lăng Tự Đức, những sáng thứ hai mặc áo dài đồng phục màu xanh đậm xếp hàng chào cờ trước hiên dãy lầu trường Đồng khánh, những trò ma mãnh vô hại trong lớp, những tối văn nghệ cuối năm ở hội trường Morin. Kể cả những cuộc xuống đường chống chánh phủ có đầy đủ lựu đạn cay và súng nổ cũng không hề có nét sắt máu hoặc bi thảm, mà trở thành một cuộc chơi lớn, hấp dẫn hứng thú. Huế đối với Quỳnh Như mãi mãi là một bài thơ tình, Huế ươm giữ tuổi thơ, Huế rợp bóng cây xanh và ngát hương cau. Xa Huế Quỳnh Như không luyến tiếc nhiều nhưng nếu có một quyền lực nào đó bắt buộc nàng quên Huế, thì nhất định Quỳnh Như chống cự quyết liệt. Phủ nhận Huế, mất Huế có khác nào xóa mất tuổi thơ, cắt mất một phần đời đẹp đẽ thơ mộng nhất của Quỳnh Như.
Trong khi đó, Qui nhơn in dấu lên đời Quỳnh Như theo một cách khác. Tuy dạy học ở Qui nhơn không đầy một niên khóa, nhưng đoạn đời ngắn ngủi ấy lay tỉnh Quỳnh Như ra khỏi giấc mơ êm ả để nàng trực diện với cuộc đời thật. Huế như bà mẹ ru Quỳnh Như an giấc mà lấy sức lớn lên, Qui nhơn như người cha nghiêm khắc mà từ ái, dặn Quỳnh Như thử thách với cuộc đời. Thành phố bụi bặm ầm ĩ ấy, giữa lúc chiến tranh lên tới cường độ cao nhất, là nơi trưng bày tất cả nét bi thảm của cuộc chiến, chỉ cần ra khỏi cửa là thấy. Dường như trên mũi đất hình tam giác nằm giữa đầm Thị nại và biển Đông ấy, cuộc đời đã bày sẵn tất cả hình thái của vinh nhục, cao thượng và bần tiện, giàu sang và nghèo đói, hạnh phúc và bất hạnh, hân hoan và đau xót, vinh quang và ô nhục để cô gái Huế mau chóng trưởng thành, đủ kinh nghiệm đối phó với bất trắc về sau.
Nếu Huế là một bài thơ tình thì Qui nhơn là một vở bi hài kịch, Huế ấp ủ Quỳnh Như bằng bóng cây thì Qui nhơn xô Quỳnh Như vào bụi lốc. Quỳnh Như không phải là nạn nhân của trận lốc ấy, nhưng Quỳnh Như đã chứng kiến nhiều thảm cảnh ở đó, trên một mảnh đất nhỏ, trong một thời gian ngắn.
Báo Mỹ tường thuật khá rõ những giây phút hấp hối của Qui nhơn, từ trận đánh ác liệt giữa Sư đoàn 5 Sao Vàng và Trung đoàn 47 ở Bình khê cho tới một cuộc rút lui bi thảm ở bờ biển. Lại những xác chết trên bờ cát nóng. Lại những chiếc xe tăng nằm lại cho sóng đập vào xích sắt rỉ sét. Lại cảnh những đoàn người lũ lượt chạy loạn theo quốc lộ 1.
Quỳnh Như lo không biết gia đình bà Văn lưu lạc về đâu thì nhận được thư Quỳnh Trang viết hôm 23-3-75. Một trường hợp hi hữu, thư từ Việt Nam qua Mỹ chỉ mất một tuần. Quỳnh Trang viết:
Quỳnh Như ơi, chị đang rối đầu sắp phát điên, nhưng cũng phải rán viết thư cho em. Chị đang khóc đây. Anh Ngữ mất tích. Chị chạy đi hỏi khắp nơi mà không nhận được tin tức gì cả. Huế mình cũng sắp mất, mà má anh Ngữ cũng mất liên lạc với thằng Lãng. Má và cả Nam, Quế hiện đang ở nhà mình. Rút kinh nghiệm năm 1972, lần này cả gia đình lo chạy trước, chứ chờ tới nay thì chắc đã mắc kẹt ở Cam ranh hay là Phan rang. Sắp mất hết cả rồi. Như ơi. Em bên đó có thấy sáng sủa hơn không? Ngày đêm chị cầu khẩn cho anh Ngữ bình yên. Anh ấy có mệnh hệ nào, chắc chị sống không nổi. Chị cứ hối hận hôm lên thăm ảnh, chỉ vì chuyện vặt mà chị giận ảnh. Chị từ Pleiku về Sài gòn lúc tình hình trên đó bắt đầu rối loạn, nhưng chị không ngờ sau đó tình trạng suy sụp kinh khủng đến như vậy. Nêu biết trước chị đã… thôi, chị biết có nài nỉ anh ấy về Sài gòn với chị để an thân anh ấy cũng không chiều chị. Má ủ rũ cả ngày vì cùng một lúc có hai đứa con mất tích.
Nhà mình đông người, nên em biết rồi, nhiều chuyện không vui đã xảy ra. Nam về đây như là về nhà chồng, thế bắt buộc phải ở nhưng không vui. Con Thúy nó lanh lắm, biết lấy lòng bà nội, được me cưng chiều thành ra thằng Bình của chị lại đâm ganh, hai đứa nhỏ cứ kình cãi nhau luôn. Chị cũng hơi buồn, vì me thương cháu nội hơn cháu ngoại. Chắc vài hôm nữa chị cũng phải tìm chỗ thuê nhà cho ba má và mấy em ra ở riêng, một là vì chị nghe con Quế tính ở luôn đây không về nữa, hai là chị biết càng chung đụng nhau lâu, thế nào hai nhà cũng có chuyện xích mích. Lúc đó chị sẽ ở vào thế khó xử, đứng về bên nào cũng không tiện. Nói chung chị đang rối đầu, sắp phát điên lên mất.
À, chị quên kể cho em nghe một tin quan trọng khác: cách đây hai hôm, có một người lạ ghé vào mua cà phê. Lúc đó chỉ có me trông hàng. Người đàn ông lạ trả tiền xong, có đưa cho me lá thư ngoài bì không đề tên người gửi người nhận gì cả, chỉ nói là có người bạn thân nhờ ông ta chuyển cho gia đình ở Sài gòn. Me kinh ngạc chưa kịp hỏi thì người lạ đã đi khỏi. Em biết thư của ai không? Của anh Tường. Anh ấy bảo mấy tháng nay anh ấy ở rất gần Sài gòn, lâu lâu đi công tác có đi ngang qua đường Lý Thái Tổ nhưng không ghé. Anh ấy còn nói có một hôm trông thấy me mặc áo lụa lèo màu mỡ gà ngồi ở quầy thu tiền. Anh ấy đi bộ qua nhà nhìn vào, muốn vào lắm nhưng dằn được. Lá thư làm cả nhà rối loạn, bữa ăn nào cũng là đề tài bàn cãi. Me khóc, trách anh Tường vô tình. Thầy bênh anh ấy, bảo cẩn thận như vậy là phải, vừa giữ được an ninh cho anh ấy vừa giữ được an ninh cho gia đình. Chị đứng về phe me. Nam xem lá thư, nhận ra nét chữ anh Tường, nó giả vờ lạnh nhạt, nhưng sau đó chị thấy nó ngồi khóc trong buồng. Riêng chị, tình hình càng suy sụp chị càng thường tự hỏi: “Nếu anh Tường trở về thì sao?” Chị không biết trả lời sao nữa. Chị ích kỷ, nghĩ ngay tới số phận anh Ngữ và nhiều người khác, nếu anh Tường về. Nhưng anh Ngữ ơi, hiện anh đang ở đâu?
Như liệu xem có thể về thăm nhà một chuyến được không? Chị nhớ em, thương em rất nhiều. Chị nhận đủ thư và quà em gửi cho me và chị cách đây hai tháng. Em làm ở cái kho mỹ phẩm nên bị méo mó nghề nghiệp, tưởng chị vẫn còn xài phấn son (dù là sơ sài) như hồi chưa lấy chồng. Chị an phận “già” rồi, son phấn làm chi nữa. Chị đã nhường các mỹ phẩm em tặng chị cho con Diễm.
Em nhận được thư nhớ bỏ chút thì giờ trả lời liền, cho nhà yên tâm một phần. Cầu Trời Phật cho gia đình ta qua hết được mọi tai ương, dù anh chị em ta mỗi người một phương. Anh Tường ở phía bên kia, chị ở đây, còn em ở nơi xa xôi mù tăm bên đó. Chị phải dừng bút, vì biết càng nghĩ những điều cần viết cho em chị càng đau lòng, không ngăn được nước mắt.
Thương em,
Chị
***
Từ lúc nhận được thư chị, Quỳnh Như đứng ngồi không yên. Nàng như người lên cơn sốt, lúc nào cùng bứt rứt nóng nảy. Nàng gây sự với mọi người, một cái cớ vặt Quỳnh Như cũng cãi vã to tiếng với Dale, cãi xong rủ ra khóc. Gặp ông Tổng lãnh sự, người đàn ông bặt thiệp quen miệng lưỡi khoan hòa nửa vời chưa giải thích xong các thủ tục phức tạp cần làm để xin hồi hương, Quỳnh Như đã bực dọc kêu lên:
– Sao mà rắc rối quá vậy! Tình thế này mà các ông còn bày đặt ra đủ thứ chuyện để làm khó dễ đồng hương. Việt cộng đã tới bên đít rồi mà các ông cứ quen thói nhẩn nha.
Ông Tổng lãnh sự ngơ ngẩn nhìn người phụ nữ trí thức trước mặt, không ngờ Quỳnh Như có thể nhắc tới một đôi chữ thô tục với ông. Lại còn cái giọng trách móc gay gắt kia nữa, trong lúc Quỳnh Như đang cần ông giúp đỡ. Ông Tổng lãnh sự cố dằn cơn giận, chậm rãi nói:
– Xin cô đừng nóng. Cái khó ở chỗ cô, xin lỗi, ở chỗ bà đã là công dân Mỹ. Bà phải được Bộ Ngoại giao Mỹ chấp thuận cho xuất cảnh, lúc đó Tòa Tổng lãnh sự chúng tôi mới có thể bắt đầu làm thủ tục gửi về Toà Đại sứ, rồi Tòa Đại sứ chuyển hồ sơ của bà về Sài gòn. Tôi xin đoan chắc rằng phần vụ của Tòa Tổng lãnh sự chúng tôi không có trở ngại nào, bà không thuộc thành phần người Việt có hoạt động chống chính phủ Việt Nam Cộng hòa ở đây, cơ quan an ninh không làm khó dễ gì bà cả. Nhưng liệu Bộ Ngoại giao Mỹ có cho công dân Mỹ qua Việt Nam vào lúc này không? Trong lúc theo chỗ tôi biết, chính phủ Mỹ đang vận động xin ngân khoản để di tản công dân Mỹ khỏi Việt Nam, à quên, khỏi Đông dương chứ. Tình hình Nam vang nguy ngập lắm, sợ không đứng được quá một tuần lễ nữa, chắc bà đã biết.
Quỳnh Như ngồi rũ, cúi đầu chết lặng không nói năng gì. Ông Tổng lãnh sự đã nguôi giận, nhỏ nhẹ nói:
– Nếu bà cho phép tôi xem bà như một đồng hương quen thân, thì tôi xin mạo muội thành thực khuyên bà đừng nên xin về. Tại sao lại về nước vào lúc này, trong lúc ai cũng muốn thoát khỏi Việt Nam qua đây. Không giấu gì bà, mấy ngày nay tôi đầu tắt mặt tối không kịp thở vì phải đi tìm mua nhà hộ cho mấy ông lớn ở Sài gòn. Nhiều ông đã mua được nhà ở miền Đông, nhưng một số thích mua nhà ở miền Tây vì khí hậu ở đây ấm hơn, người già khỏi lo bị cảm, suyễn, tê thấp. Tôi có đề nghị với họ là nên mua nhà ở miền Nam Califomia hơn là mua nhà ở vùng vịnh San Francisco, dưới đó khí hậu ấm áp và điều hòa hơn cả Sài gòn, giá nhà lại còn rẻ hơn trên này. Họ không chịu, vì Toà Tổng lãnh sự ở đây quen biết am hiểu thị trường địa ốc. À này, tôi mạo muội tò mò hỏi bà một đôi điều riêng tư có được không ạ?
Quỳnh Như ngước lên. Nét mặt ông Tổng lãnh sự hết còn vẻ đáng ghét như hôm qua, như lúc nãy. Ngược lại, ông có vẻ như một người anh hiền hòa. Quỳnh Như cố dằn xúc động nói:
– Cảm ơn ông. Xin ông Tổng lãnh sự cứ hỏi.
– Hình như ông nhà hiện đang kinh doanh trong ngành nhà cửa? Ngành Real Estate.
Quỳnh Như cười dù má còn đẫm nước mắt:
– Không lớn đến độ ấy đâu. Dale chỉ mở một cửa hiệu nhỏ chuyên sửa chữa lặt vặt. Plumbing & Heating Systems, ông biết đấy. Làm ăn cò con qua ngày vậy thôi. Không phải là một công ty lớn như cỡ George Brasil Co.
– Không hề gì. Ông nhà là người Mỹ, bà là công dân Mỹ, tôi thấy ông bà có thể giúp cho chúng tôi việc này được. Ôi, không phải chuyện lớn lao hay khó khăn gì, nhưng cốt nhất là hai bên phải tin nhau, hợp tác giúp đỡ nhau cho qua quốc nạn này. Tôi xin trình bày vắn tắt: Các ông lớn ở Sài gòn, như bà biết, muốn mua nhà ở đây, đề phòng trường hợp… chỉ đề phòng thôi, chứ chưa chắc thời cuộc đã tuyệt vọng. Dĩ nhiên họ dư sức để pay-off chồng tiền một lần rồi lấy nhà ngay, khỏi lôi thôi vay mượn nhà băng. Nhưng mình ở Mỹ mình hiểu, đồng đô la ở đây kiếm không phải dễ, ăn tiêu phải tằn tiện để có đồng nào dư thì tìm cách đầu tư sinh lời. Vứt cả trăm nghìn đô la để pay-off mua nhà là dại. Tội gì không vay tiền để mua nhà mà phải pay-off. Cái khó là các ông ấy chưa qua đây, chưa phải là công dân Mỹ thì ngân hàng nào chịu cho vay! Mà có chịu thì họ cũng không dám minh danh đứng tên vay vào lúc này. Bọn báo chí Mỹ biết các ổng lo mua nhà trước để thủ, chúng nó sẽ làm rùm lên. Cho nên phải tìm giùm những người đáng tin đứng tên mua hộ nhà, đúng ra là vay tiền nhà băng mua hộ nhà, bù lại mấy ổng giúp vốn cho mình làm ăn, hợp nhau mở business. Không hiểu sao gặp bà tôi tin cậy ngay, nên mới mạo muội nói hết những chuyện tế nhị ấy ra. Bà nghĩ sao?
Quỳnh Như hơi bực dọc, nhưng cũng cảm động vì ông Tổng lãnh sự mở lòng thành thực với mình. Nàng nói:
– Tôi e không giúp ông được, vì cả Dale lẫn tôi đều bết bát về chuyện kinh doanh. Cả cuộc đời chúng tôi, chúng tôi lo còn không xong thì còn mong lo gì cho ai được.
Ông Tổng lãnh sự cố nằn nì:
– Không. Ông bà khỏi bận lo gì hết. Mọi sự chúng tôi lo cả. Ông bà chỉ việc đứng tên.
Quỳnh Như lắc đầu:
– Nhà tôi tài tử lắm, không muốn dây dưa với bọn nhà băng. Anh ấy nhất quyết không làm nô lệ cho mấy ông chủ nhà băng, không xài credit card, không vay tiền mua xe. Anh ấy là một người Mỹ bất bình thường.
Ông lãnh sự chán nản ra mặt, nhưng cũng cố vớt vát:
– Ông bà cứ suy nghĩ cho kỹ. Số điện thoại của tôi đây, lúc nào tiện ông bà cứ gọi. Riêng chuyện bà, tôi khuyên bà nên làm như mọi người ở đây: Thay vì xin hồi hương, bà nên vận động mọi cách để đưa thân nhân qua đây. Bằng mọi cách. Càng sớm càng tốt, xin bà nhớ cho. Thời gian không chờ đợi chúng ta. Nha trang đã mất hôm qua, bà biết không? Phạm nhân, quân phạm được thả khỏi nhà tù túa ra đốt phá, cướp bóc. Sáng nay lại có tin Cam ranh mất. Vẫn bấy nhiêu chuyện tái diễn: lớn chạy trước, nhỏ chạy sau. Chúng ta may mắn, đang ở cái đích mọi người đang phải vất vả chen nhau chạy tới. Việc gì bà phải mất công chạy ngược về điểm khởi hành!
***
Ngày 3-4, tờ San Francisco Chronicle loan tin chính phủ Mỹ đã ra lệnh cho thân nhân của nhân viên Tòa Đại sứ Mỹ tại Sài gòn phải hồi hương. Các chuyến bay chở họ bắt đầu hoạt động. Số người được di tản ra khỏi Việt Nam có thêm hai nghìn trẻ mồ côi Việt.
Hôm sau, một tai nạn hàng không làm chấn động dư luận Mỹ. Chiếc phi cơ khổng lồ Galaxy C-5A chở 243 cô nhi đầu tiên vừa cất cánh lên khỏi phi trường Tân sơn nhất đã lâm nạn. Hình ảnh xác chiếc phi cơ nằm tan nát trên ruộng lúa, quần áo xác trẻ con bị vung vãi tung tóe khắp mặt đất làm rúng động mọi người, như dấu hiệu nhắc nhở rằng cuộc di tản sắp tới không phải luôn luôn êm xuôi như mong ước. Mỗi ngày thêm một tin xấu. Phái bộ của tướng Wyand từ Sài gòn trở về đưa ra những kết luận bi quan lấp lửng về tình hình Việt Nam.
Ông yêu cầu quân viện khẩn cấp cho Việt Nam Cộng hòa, nhưng khi bị chất vấn là nếu khi nhận được số quân viện ấy, liệu Sài gòn có đứng được không, ông tướng trả lời: “May ra!” Báo chí được dịp bàn ra tán vào, phần lớn cho rằng phủi tay lúc này là đúng lúc.
Quỳnh Như không còn có thể nằm dí một chỗ theo dõi tình hình quê hương qua truyền hình và báo chí được nữa. Nàng biết nếu không đi đâu, không tìm cách phí sức thì đầu óc nàng sẽ điên loạn vì quá căng thẳng.
Bấy giờ nàng mới thấy lời khuyên của ông Tổng lãnh sự có lý. Thời gian không chờ đợi ai. Mỗi phút chậm trễ là một tai họa. Nàng thúc giục Dale tìm cách liên lạc với các bạn cũ ở Sài gòn để đưa gia đình sang Mỹ.
Dale bỏ hết công việc chạy khắp nơi, điện thoại lên thủ đô, điện thoại qua Sài gòn. Nhiều bạn bè hứa cuội. Nhiều người từ chối với những lý do không cần minh bạch. Chỉ có Bob Newsman là tận tình. Bob long trọng hứa với Dale là sẽ tìm cách đưa gia đình Quỳnh Như qua Mỹ. Bob khoe có làm quen với nhiều bạn làm việc cho cơ quan CIA ở Sài gòn. Lúc nào tình hình thật sự nguy ngập không thể không rời khỏi Việt Nam được, chính Bob sẽ đích thân lo đưa gia đình Quỳnh Như ra khỏi Sài gòn với Bob. Qua điện thoại, Bob giở giọng triết lý:
– Như mày biết, thất bại nào cũng mồ côi cả. Bây giờ họ bắt đầu đổ lỗi cho nhau, ở bên đó mà nghe thiên hạ tuyên bố thế này thế nọ không đúng đâu. Phải ở đây mới biết tình hình thực sự ra sao. Bên CIA họ bảo hy vọng Pháp sẽ đứng ra dàn xếp cho một giải pháp chính trị. Chưa biết kết quả ra sao. Tao đang ở chung phòng với một thằng làm phân tích gia tình báo, tay này trẻ mà khá lắm. Cái gì nó cũng biết. Mày nói với Quỳnh Như nên yên tâm. Tao sẽ lo mọi chuyện, nếu cần!
Nguyễn Mộng Giác
Số lần đọc: 85