Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàMùa Biển ĐộngTập 5 - Tha HươngMùa Biển Động - Chương 153

Mùa Biển Động – Chương 153

(Mùa Biển Động – Chương 153)

Đêm hôm đó, Bắc quân pháo kích vào khu Khánh Hội. Không nhiều, chỉ mười mấy quả đạn cối, nhưng bấy nhiêu đã đủ cho khu lao động này nín thở hoảng hốt. Không cần phải thạo tin tức, ai cũng biết là địch đã tới, thật gần, gần đến nỗi du kích địa phương hoặc bộ đội chính quy có thể đặt súng cối hướng về bên này sông thong thả rót kinh hãi lên mục tiêu rộng và gần trước mặt…

Chiếc Simca vừa đậu trước nhà, ông Bỗng đã tỏ uy quyền gia trưởng. Bà Bỗng lận lung lấy chìa khóa len lén mở cửa sợ hàng xóm biết. Ông thì nói oang oang cho cả xóm nghe:

– Vào bật điện cửa trước cho sáng coi! Diễm, đem đồ đạc vào đi. Còn chờ gì nữa.

Quả nhiên, những căn nhà kế cận thấy lạ đều mở cửa. Hàng xóm ban đầu còn lấp ló nhìn lên, xì xầm bàn tán. Về sau, họ kéo ra đứng trước nhà nhìn gia đình ông Bỗng trở về. Ông phất tay chào mấy ông bạn già từng nhậu giã biệt với ông mấy hôm trước, rồi không nói năng gì, vào nhà bảo vợ đóng cửa lại. Ông thấy không có gì vội, cứ từ từ thực hiện những tính toán ông nghĩ trên suốt đoạn đường từ Tân sơn nhất về Khánh hội.

Bà Bỗng nhìn căn nhà trống trơn, nức nở khóc. Ông quát:

– Thôi, đừng tiếc của nữa. Còn nồi niêu soong chảo với cái máy may thì còn sống được. Đã chết đói đâu mà khóc như đưa ma vậy?

Diễm đến an ủi mẹ, nói nhỏ cho mẹ yên tâm:

– Con còn một ít vàng với đô la mang theo trên người. Mạ đừng lo. Ngày mai con có tìm được đường đi cũng để lại một ít cho mạ.

Bà Bỗng vội hỏi con gái:

– Con còn tính đi nữa sao?

– Con không đi bỏ cháu Thuận cho ai? Con thấy ba nhất quyết ở lại rồi. Con thương mạ quá, nhưng đằng nào con cũng phải đi.

Bà Bỗng liếc về phía chồng, thấy ông Bỗng ngồi bệch lên nền nhà hút thuốc, nét mặt trầm tư. Bà nói nhỏ vừa đủ cho Diễm nghe:

– Con có kẹt thì để dành đó, mang qua bên đó làm vốn sinh nhai. Mạ còn giấu vàng con cho mạ trong cái yếm. Con rờ lên bụng mạ đi.

Diễm làm theo ý mẹ. Ba lượng vàng lá nàng cho bà Bỗng được bà khâu chặt vào mặt trong cái yếm, cộm lên dưới hai lần vải. Diễm thấy thương mẹ hơn. Nàng hỏi mẹ:

– Sao cái máy may Singer mạ chưa bán đi?

Bà Bỗng cười, tuy nước mắt còn đầm dìa:

– Mạ cho bà Bảy, rồi hụt đi lần đầu hôm kia mạ xin lại. Mạ dặn riêng bã là nếu thấy nhà đóng cửa lâu tức là mạ đi rồi, thì bà vào nhà mà lấy. Cũng may… thôi con tìm đường đi một mình đi. Qua bên đó, hai anh em đùm bọc nhau mà sống. Lâu lâu thư từ về, ăn nên làm ra thì gửi chút ít giúp đỡ mạ.

Diễm nắm tay mẹ lắc lắc, cảm động không nói được.

Ông Bỗng suy nghĩ một lúc, đứng dậy vứt điếu Bastos lên nền nhà ngay chỗ ông vừa ngồi. Nhớ điếu thuốc bị cấm hút trên xe buýt, ông lục túi lấy điếu thuốc đã dẹp lép cong queo ra nhìn một lúc, rồi cũng vứt đi. Ông hỏi vợ:

– Nhà còn vải màu không?

Bà Bỗng ngạc nhiên, hỏi chồng:

– Mình hỏi làm chi vậy?

– Tôi hỏi có còn vải không thì cứ trả lời, đàn bà biết gì mà hỏi.

– Vải vóc quần áo cho người ta hết rồi còn đâu. Quần áo lãnh may đã giao cho người ta tuần trước. Vải dư cũng trả lại hết rồi. Mình cần quần áo mai ra chợ mua, may làm chi cho tốn.

– May quần áo làm chi. Tôi muốn may cờ để treo.

Diễm hoảng hốt ngăn cha:

– Thôi ba ơi! Sợ cộng sản vào, thiên hạ lo đốt cờ, đốt quần áo lính, ba còn may cờ. Mình lo đi Mỹ cả xóm đã biết, thế nào sáng mai họ cũng bu tới đây hỏi thăm. Mai con đi sớm để khỏi nhìn họ cười giễu. Ba mạ liệu tìm cách nói sao để ở được với họ. Con biết miệng đời độc địa lắm!

Ông Bỗng lắng nghe lời con, miệng cười mỉm. Dường như ông đang có điều gì vui sướng đắc ý trong đầu, vì lúc thường nghe con dạy khôn mình, thế nào ông cũng cãi bướng hoặc mắng át đi. Ông không trả lời Diễm, chỉ nói với vợ:

– Mai bà đi chợ mua vải màu cho tôi. Ba màu xanh, đỏ, vàng.

Diễm hốt hoảng:

– Ba may cờ cộng sản à? Con lạy ba. Tình hình này người ta chém giết nhau dễ lắm. Người khôn đều nín thở rán chờ cho ngã ngũ rồi mới nói. Ba…

Ông Bỗng quát to, giọng giận dữ tột độ:

– Mày chê tao dại phải không? Đồ con bất hiếu! Mày đi đâu thì đi cho khuất mắt tao. Chạy theo bám đít tụi Mỹ đi. Đi, đi!

Diễm ngơ ngác chẳng hiểu gì cả. Cha nàng giận vì nàng lỡ lời nói tới chuyện khôn dại, nàng hiểu. Nhưng những lời độc địa ông la lớn quá sức chịu đựng của nàng. Ông bêu xấu con với hàng xóm. Ông cố la cho hàng xóm nghe rõ lời ông. Diễm ngồi gục đầu khóc. Cả đêm, hai mẹ con ôm nhau thút thít, người này rán an ủi người kia. Họ không dám nhìn về phía ông Bỗng.

***

Diễm dậy thật sớm ra đi để tránh gặp mặt cha. Bà Bỗng nằm co quắp ngủ mê mệt trên tấm bạt nhà binh trải trên nền gạch hoa. Nhìn thân hình ốm o của mẹ, Diễm rơm rớm nước mắt. Nàng lay mẹ dậy thì thào:

– Mạ, con đi.

Bà Bỗng giật mình, mở mắt lơ láo nhìn quanh. Thấy Diễm đang cúi xuống nhìn mình, bà hiểu. Bà ngồi dậy, vấn lại đầu tóc, thì thào hỏi con:

– Con đi sớm vậy? Ở lại với mạ chút nữa!

Diễm thút thít khóc:

– Mạ cầu nguyện cho con đi thoát. Cho con gửi lời xin lỗi ba. Thế nào tụi con cũng tìm cách thư từ cho mạ yên tâm.

Bà Bỗng không biết nói gì thêm, vừa chùi nước mắt vừa cầm tay con bóp nhẹ. Diễm sợ bịn rịn mãi ông Bỗng thức dậy, gỡ tay mẹ ra nói nhỏ:

– Con đi!

Nàng lấy cái xắc tay, cầm đôi dép da đi chân không ra phòng trước. Ông Bỗng đã dậy từ lúc nào, đang ngồi hút thuốc. Diễm sợ hãi chùn bước lại. Ông Bỗng hỏi:

– Đi đâu sớm vậy?

Diễm lí nhí trả lời.

– Con ra chợ mua một ít đồ ăn.

Rồi vì biết cha vốn ghét ông Thanh Tuyến, Diễm nói thêm cho có lý:

– Với lại con lên Lý Thái Tổ đòi bớt tiền của bác Thanh Tuyến. Con đi thì không sao, nhưng ở lại thì phải đòi tiền chia để làm vốn buôn bán.

Ông Bỗng cười thỏa mãn:

– Phải đòi lại chứ! Bọn nhà giàu lưu manh thời nào không sướng, việc gì cho tiền cho nó. Cả cái xe cũng để đó cho tao. À, ghé đường Ngô Đức Kế mua cho ba cái radio. Cái Sony ba băng ba cho ông Tám rồi.

Nghe cha đổi cách xưng hô, Diễm biết ông Bỗng đã hết cáu kỉnh. Nàng nói:

– Dạ. Con sợ chợ trời ở Ngô Đức Kế dẹp rồi. Ai còn dám bày máy móc ra bán buôn nữa. Nhưng con sẽ cố tìm mua cho ba, loại Sony như cái cũ cũng được hở ba?

– Mấy ngày nay chỗ nào cũng là chợ trời, thiếu giống gì mà không mua được. Cái như cũ cũng tốt.

Diễm quên chìa khóa xe, trở vào lấy thấy mẹ đang ngồi khóc. Nàng đến ôm vai mẹ lần nữa, áp má lên mái tóc bạc và thưa của bà, nói nhỏ:

– Mạ đừng khóc, con đi!

Đúng như lời ông Bỗng nói, ra tới đường Trịnh Minh Thế, Diễm đã thấy trên vỉa hè người ta bày bán đủ thứ đồ đạc hôi của được từ các cơ quan Mỹ và nhà dân đã ra đi, mặc dù có lệnh giới nghiêm 24/24. Nào quạt máy, tủ lạnh, radio, tivi, quần áo, giày dép, đồ nấu ăn, son phấn… Diễm mua một cái radio ba băng hiệu Hitachi đem về cho cha, rồi vội ra đi. Nàng không dám gặp mẹ lần nữa.

Phố xá phần nhiều kín cửa, nhất là sau đợt pháo kích của Bắc quân vào khu Hàng xanh, Thị nghè lúc chín giờ sáng. Xe cộ thưa thớt. Ngoài đường dường như chỉ còn hai hạng người. Một hạng mặt mày lơ láo, rầu rĩ, mỗi người một cái xách nhỏ trên tay, hớt hải chạy quanh khắp thành phố để tìm đường thoát như Diễm. Một hạng khác gồm phần lớn thanh niên và con nít mặt mày hớn hở cười nói bi bô, lấy xe ba gác, cyclo, Honda đi hôi của. Rải rác hai bên đường có những chiếc xe hơi bị chủ bỏ lại, rồi bị những nhóm hôi của đến phanh thây, bốn bánh bị gỡ, ghế bị tháo. Có những người kiên nhẫn hơn, dở nắp ca bô ra gỡ một số bộ phận máy còn dùng được.

Diễm ghé vào trạm xăng Esso. Trạm xăng đã đóng cửa, nhưng dân quanh vùng bu đến chen nhau hút xăng còn sót trong bồn qua cái can nhựa, xăng đổ ra lênh láng đầy một đoạn đường. Diễm lo ngại đậu xe ở thật xa, chỉ sợ một người nào đó vô ý vất một mẩu thuốc lá cháy dở xuống đất là có một trận hỏa hoạn lớn, và nhiều người sẽ bị thiêu sống. Chỉ cần mất một số tiền nhỏ, Diễm đã đổ đầy bình chiếc xe Simca. Thằng bé bán xăng nhìn chiếc Simca, ngây thơ hỏi:

– Cô giàu quá sao chưa đi, cô?

Diễm lấy làm lạ, hỏi lại:

– Sao em hỏi vậy? Giàu thì phải đi à?

– Nghèo thì tiền đâu mà đi? Từ sáng sớm tới giờ em hút được tới năm can xăng. Cô mua thêm để đành không?

Diễm lắc đầu, lên xe đi. Nàng qua cầu, chạy dọc theo bến Bạch đằng. Trên bến, hai chiếc tầu nằm cạnh bờ, có lẽ bị hư nên không thấy dấu hiệu nào chứng tỏ là tầu sắp nhổ neo. Chỗ cầu tàu, một nhóm vài chục người có đủ già trẻ, đàn ông đàn bà người nào cũng có cái xách trên tay đứng túm tụm có vẻ như chờ đợi. Diễm dừng xe lại, nhìn lên boong tàu. Vài thủy thủ đứng hút thuốc, có vẻ thảnh thơi nhàn nhã. Lại có người trên tàu đi xuống.

Diễm thất vọng, quẹo trái đường Tự Do. Đường vắng. Một số người ngoại quốc đi lại hối hả. Các quán ăn vẫn dành cho khách ngoại quốc đóng cửa. Diễm tới khách sạn Continental tìm Bob Newsman. Người quản lý khách sạn cho biết hai ông Mỹ ở phòng 107 đã xách hành lý ra đi từ 7 giờ sáng.

Diễm cố dằn lòng không khóc trước mặt người lạ. Diễm trong bức tranh sơn đầu treo ở góc tối nhìn Diễm xơ xác hớt hải mười năm sau. Diễm lại nhớ tới Ngữ. Và nhớ tới những lời thì thầm nàng gửi cho Ngữ hồi trở về căn nhà đổ nát trong thời gian Tết Mậu Thân.

Trước đường Tự Do nhiều chiếc xe Jeep chở người Mỹ chạy vụt qua, hối hả. Diễm đoán đã tới phút chót người Mỹ rút khỏi Sài gòn. Lòng nàng nóng như có lửa đốt. Chạy đi đâu đây?

Đường ra Vũng Tàu đã bị cắt. Mấy chiếc tàu nằm ụ bất động ở bến Bạch đằng. Phi trường Tân sơn nhất bị pháo kích. Những chiếc phản lực cơ Phanton, F5 đảo lượn gầm rú trên không phận Sài gòn, bảo vệ cho từng đàn trực thăng đáp xuống bốc người đưa ra hạm đội 7. Bầu trời Sài gòn lấm chấm hình hàng trăm chiếc trực thăng bay đi bay về như một đàn ong bị động ổ. Nhiều người đang bay thoát khỏi thủ đô, nhưng làm sao biết chỗ tập trung để được may mắn như họ? Diễm không còn biết phải đi đâu, chỉ nhắm mắt lái xe chạy theo hướng những người mặt mày hớt hải đang bồng bế dắt díu tìm đường chạy. Nàng lên Tân sơn nhất. Người chạy loạn bị chận từ ngoài xa, dồn thành một đám đông cả mấy nghìn. Trở lại bến Bạch đằng, số người tụ họp lố nhố trên bờ đông hơn. Một số leo lên hai chiếc tàu, một số lại từ trên tàu dắt díu trở xuống. Vẫn không có dấu hiệu nào chứng tỏ hai chiếc tàu sửa soạn nhổ neo.

Diễm lái xe đến Tòa đại sứ Mỹ đường Thống nhất. Bên này đường, trước tòa nhà xây cất dang dở, mặt tiền gắn những mẫu trang trí hình cái cân có lẽ sẽ dùng làm trụ sở của một cơ quan tư pháp, một đám đông khoảng trên trăm người thấp thỏm đứng chờ, mắt theo dõi động tịnh phía Tòa đại sứ. Thành cao bao quanh Tòa đại sứ che khuất những gì xảy ra bên trong. Ngay chỗ mái tò vò, bốn năm Thủy quân lục chiến Mỹ súng lăm lăm ở tay đe dọa không cho ai tới gần, trừ những chiếc xe lâu lâu dừng lại đổ xuống một số người di tản lẫn lộn cả Mỹ lẫn Việt, quân nhân và thường dân. Mỗi lần có một nhóm người mới được đưa tới và được đưa vào bên trong Tòa đại sứ, đám đông bên kia đường lại ùa sang, lính Mỹ lại phải dùng súng đe dọa để đẩy giạt họ trở lại chỗ cũ. Một số không nhỏ chán nản bỏ đi, quay đầu nhìn lại cái pháo đài kiên cố, ngước cổ nhìn lên những chiếc trực thăng rồ máy hạ xuống sân thượng tòa building cao, ánh mắt vừa thèm thuồng vừa tuyệt vọng.

***

Diễm quên ăn quên khát lái xe chạy vòng khắp thành phố, tới xế chiều vẫn không tìm ra đường đi. Chiếc Simca chạy trên những đường phố quạnh hiu, lệnh giới nghiêm chỉ ảnh hưởng tới những người thật thà bình thường, đường phố dành trọn cho những người muốn chạy thoát và bọn lưu manh. Các toán lính tuần tiễu thi hành lệnh giới nghiêm chỉ làm việc cho có lệ, nên cảnh cướp phá những căn nhà vắng chủ, cảnh giành nhau hút xăng ở các trạm Esso, cảnh mua bán đồ ăn trộm diễn ra khắp nơi.

Khoảng năm giờ chiều, Diễm chạy theo một chiếc xe du lịch hiệu Peugeot 504 vì thấy trên xe có nhiều người mặt mày rầu rĩ và trên mui xe có ràng cột một vài hành lý. Chắc chắn những người này phải chạy tới một điểm hẹn nào đó. Diễm rú ga đuổi theo sát chiếc Peugeot. Xe chạy qua cầu Thị nghè, qua khỏi trường trung học Phước an thì quẹo mặt, rẽ qua đường Nguyễn Văn Lạc, rồi rẽ phía trái qua Dương Công Trừng. Diễm mừng khấp khởi, biết xe trước đang vào trại Hải quân Cửu long.

Chạy quá hãng dệt một đoạn thì chiếc Peugeot dừng lại. Diễm cũng dừng xe ở trước hãng làm đồ sứ. Trước mặt Diễm lại có một đám đông đứng chật cả một đoạn đường, một số rõ ràng là dân muốn di tản mặt mày lo âu thất thần xách theo hành lý, số đông hơn là dân lao động khu Thị nghè bu tới vì tò mò. Diễm khóa xe xách cái xắc tay chạy tới phía trước. Nàng được biết ngay là Quân cảnh đã lập chốt ở đầu cây cầu gỗ, chặn con đường độc đạo để vào trại Hải quân. Con rạch dưới cầu rộng chưa đầy 50 thước nhưng cũng đủ ngăn chặn không cho ai được qua khu quân sự bên kia. Số người dồn lại ở đầu cầu ngày càng nhiều. Đàn bà con nít kẻ khóc vì lo, kẻ mệt quá ôm xách tay ngồi đại lên lề đường.

Diễm chen lấn cho được tới đầu cầu, rồi lại bị lấn ngược trở về phía hãng dệt. Mùi mồ hôi tỏa ra nồng nặc đến ngạt thở. Con nít la khóc, người lớn chen lấn chửi rủa nhau. Diễm cố chen ra khỏi đám đông, cổ rướn lên cao để thở.

Phải mất cả nửa giờ Diễm mới thoát khỏi cái khối thịt điên dại đồng thiếp đó. Quần áo nàng tơi tả, mồ hôi đẫm cả mái tóc và quần áo. Hạt nút cổ bị bật tung, để hở cả cái nịt vú. Chiếc dép trái rời khỏi chân từ lúc nào không hay. Diễm đi cà nhắc lết về phía chiếc Simca.

Nàng thấy chiếc xe như thấp xuống, bé lại. Nàng tưởng vì mệt quá mắt nàng đã quáng. Không. Nàng vẫn nhìn rõ màu xanh của chiếc Simca. Nàng kêu lên: “Trời ơi” khi thấy bốn bánh xe đã bị ai gỡ mất, chiếc Simca nằm bẹp bên lề đường như người hấp hối. Diễm ngã sấp lên ca bô xe, khóc ngất.

Nam thấy Diễm trong hoàn cảnh tuyệt vọng đó, xẩm tối ngày 29-4.

***

Suốt ngày hôm ấy, ông Bỗng thực hiện trọn vẹn được kế hoạch ông nghiền ngẫm suốt đêm qua. Có cái radio Hitachi Diễm mua về, ông mở đài theo dõi thật sát tin tức. Nhờ thế, ông biết Sài gòn đã giới nghiêm 24/ 24. Chương trình phát thanh của đài Sài gòn rời rạc, chắp vá. Ngoài lệnh giới nghiêm được đọc đi đọc lại nhiều lần, đài cho phát lại bản ghi âm buổi lễ nhậm chức tổng thống của Đại tướng Dương Văn Minh, cũng như bài nói chuyện của tân Bộ trưởng Thông tin Lý Quý Chung. Chen vào giữa các mục trên không phải là các bản nhạc hùng vẫn thường nghe trong các cuộc đảo chánh chỉnh lý trước đây. Chỉ có những bài nhạc êm dịu ca tụng quê hương thanh bình, nêu cao tình đồng bào, hầu hết là những bài do Phạm Duy và Trịnh Công Sơn sáng tác.

Chán, ông Bỗng mở qua đài Hà nội và đài Mặt trận Giải phóng. Ở đây không khí khác hẳn. Tin tức và điệu nhạc lời ca đều rộn rịp hớn hở. Bài “Tiến về Sài gòn” đệm cho suốt chương trình phát thanh đun máu ông nóng lên. Ông nhịp chân, lặp lại lời ca:

Tiến về Sài gòn, ta quyết diệt giặc thù
Tiến về đồng bằng, giải phóng thủ đô…

Ông mở âm độ cái radio lớn hơn, lớn hơn nữa, tới mức cả xóm đều nghe mà ông tưởng chỉ có một mình ông được độc quyền nghe thôi. Ông cũng quên không còn nóng ruột vì bà Bỗng ra chợ mua vải màu đã lâu chưa thấy về. Gần trưa, bà mới về, sợ chồng la rầy phải giải thích trước là vì giới nghiêm chợ không họp, bà mua được vải là nhờ mấy chủ sạp ra chợ dọn vải chở về và bà may mắn đến kịp lúc, bà năn nỉ bảo là cần may cờ Phật giáo treo trước nhà để tránh tai bay vạ gió họ mới chịu bán.

Ông Bỗng không cau mày nhăn nhó chút nào, mặt ông tươi rói. Bà Bỗng rụt rè nói:

– Con Diễm nó nói cũng có lý. Mình may cờ lỡ cảnh sát họ bắt…

Ông Bỗng cười, chế nhạo vợ:

– Mấy ổng về bây giờ đây, thằng cảnh sát nào còn dám bắt ai nữa. Bà cứ may lá cờ cho tôi.Cờ đỏ sao vàng, nhớ chưa.

Bà Bỗng quá nhớ lá cờ đó, lá cờ phất phới trong trí nhớ thời thanh xuân của bà. Nhưng ông Bỗng chợt nhớ, lại gọi vợ:

– À này, không phải cờ đỏ sao vàng. Phải may cờ Mặt trận chứ! Tôi bảo bà mua cả vải xanh mà. Bà biết cờ Mặt trận không?

– Tôi không biết. Nó ra sao?

– Thì cũng như cờ đỏ sao vàng, chỉ khác nửa phần dưới màu xanh. Mấy ổng nghĩ ra lá cờ Mặt trận tiện thật. Rồi ra đổi thành cờ đỏ sao vàng cũng dễ.

Bà Bổng cẩn thận đóng cửa ngăn ra phòng trước, phủ rèm cửa sổ rồi mới lấy vải ra cắt. Ông Bỗng thì rủ mấy ông bạn già vào nhà, xuất tiền cho một ông chạy đi mua xoài và thịt gà quay, rượu đế về nhậu mừng hòa bình.

Ông giải thích rằng dù ai thắng ai thua, điều chắc chắn là chiến tranh sắp dứt. Hòa bình đã về. Nhậu mừng là phải.

Rồi ông tỉ tê kể đời ông. Lần đầu tiên, mấy ông bạn già nhiều lần cắn xoài sống nốc từng lít đế với ông Bỗng được biết “ông Ba Huế”‘ có một đứa con trai “giác ngộ” đi theo cách mạng từ năm 1966. Đứa con đó bị “tụi nó” bắt giam hai năm ròng, nhờ Cách mạng mới được giải thoát và đã về chiến khu hoạt động từ 1968 tới nay. Con ông sắp về. Nhậu mừng là phải

Ông bảo chỉ vì con trai ông theo Cách mạng mà chính ông cũng bị tù, bị sa thải, phải trốn vào Sài gòn đóng vai ông già say khù khờ cho cảnh sát khỏi tình nghi. Ông làm phiền anh em, làm phiền hàng xóm, càu nhàu hành hạ vợ con cũng chỉ vì ông phải đóng kịch. Thật ra ông không phải thế. Ông vẫn xứng đáng là cha của đứa con trai đi theo Cách mạng sắp về. Ông vẫn bí mật làm cùng một việc như nó. Anh em bạn già không hề biết “ông Ba Huế” là ai, nhưng cảnh sát tụi nó ranh lắm, tụi nó đánh hơi ra ông. Lúc nào hả? Mới đây thôi. Tụi nó tài đáo để. Nhưng hơi chậm. Ông sợ tụi nó thủ tiêu ông trước khi tháo chạy, nên phải liều lĩnh đóng màn kịch chót: ông giả vờ như sắp tìm đường di tản, giả vờ mời anh em tới nhậu chia tay, giả vờ chia chát đồ đạc cho bà con lối xóm. Ha ha! Tụi nó hết nghi liền, có tin mật cho ông biết như vậy. Bây giờ, hôm nay, lúc này, ông hết lo sợ nữa.

Tiến về Sài gòn, ta quyết diệt giặc thù
Tiến về đồng bằng, giải phóng thủ đô

Thấy không? Con ông, thằng Ngô sắp về. Thủ đô sắp được giải phóng. Cha con sắp được đoàn tụ. Nhậu mừng là phải. Dzô, dzô!

Ngay tối hôm đó, cả xóm đều biết “ông Ba Huế”‘ là cán bộ nằm vùng, làm gì không biết nhưng với cái tuổi đó chắc là cán bộ cao cấp. Ổng giả ngộ thiệt khéo!

***

Sáng 30-4, lá cờ Mặt trận đầu tiên xuất hiện trong xóm lao động Khánh hội là lá cờ do bà Bỗng may, do ông Bỗng treo lên mái ngói đúng lúc 10 giờ 17 phút. Lúc 11 giờ 55, khi bộ đội đã chiếm dinh Độc lập, lũ trẻ con trong xóm vỗ tay reo hò khi thấy một ông già ốm yếu hom hem cầm một lá cờ lạ hoắc từ trong hẻm chạy ra đường, vừa chạy vừa phất cờ vừa rướn cổ hô to: “Hồ Chí Minh muôn năm”.

Vẫn là “ông Ba Huế”.

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 109

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây