Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàMùa Biển ĐộngTập 5 - Tha HươngMùa Biển Động - Chương 154

Mùa Biển Động – Chương 154

(Mùa Biển Động – Chương 154)

Từ sáng 29, đoạn quốc lộ trước căn cứ vắng vẻ một cách bất thường. Phía Xuân Lộc, súng vẫn nổ dòn. Trên vòm trời xa phía thủ đô, đàn trực thăng vẫn tiếp tục bay lượn đi về. Vài đụn khói đen bốc lên, tuy nhiên so với trước, không khí yên ả hơn nhiều.

Bằng con mắt nhà nghề, Trung tá Thanh biết cơn bão sắp tới, như trước lúc mưa gió sấm chớp phũ phàng lúc nào bầu trời cũng lặng lẽ an bình. Chẳng cần suy nghĩ xa, ông đã biết do đâu không còn ai chạy về Sài gòn nữa. Địch đã đến, cấm dân không được rời khỏi vùng họ kiểm soát. Cũng có thể không cần cấm đoán ngăn cản, dân chúng đã hiểu là Sài gòn chỉ còn cách bờ vực trong vòng gang tấc, thủ đô nằm dưới tầm đạn của hằng trăm khẩu đại pháo, thì chạy về Sài gòn có khác nào chạy vào đường tử.

Trung tá Thanh đoán thế nào Bắc quân cũng dùng quốc lộ này làm mũi dùi đánh vào hông của Sài gòn, hợp cùng những mũi dùi khác từ Củ chi đánh lên, từ Biên hòa theo xa lộ đánh vào, chưa kể theo chiến thuật thế nào họ cũng gửi một lực lượng mạnh khống chế ngay từ phút đầu sân bay Tân sơn nhất, đài phát tuyến Phú lâm và Bộ Tổng tham mưu. Theo dõi tin tức khắp các đài trong đêm qua, ông biết tình thế đã tuyệt vọng. D.A.O. phải rút khỏi Việt Nam trong vòng 24 giờ đồng hồ. Chỉ còn hơn mười hai tiếng nữa. Những đoàn trực thăng lên xuống phía chân trời xa kia làm ông Thanh nhói đau lồng ngực.

Quả tình khi các sĩ quan trong căn cứ hỏi, ông bối rối không biết phải ra lệnh cho họ làm gì. Cuối cùng, ông bảo họ mang bao cát ra đắp một công sự chận ngang quốc lộ, chận đường tiến của địch. Đó là lệnh ông nhận từ lúc đầu, và cho tới giờ phút này, Sư đoàn chưa cho thêm lệnh khác.

Ông bảo Truyền tin xin lệnh của Sư đoàn. Họ bảo vẫn làm y như cũ. Ông Thanh yên tâm hơn, cùng với các sĩ quan đốc thúc lính đắp thật kiên cố phòng tuyến chướng ngại vật trên quốc lộ.

Chờ cả ngày vẫn chưa thấy địch xuất đầu lộ diện. Đến mờ tối, một lực lượng địch không biết nhiều ít núp theo quốc lộ bắn xối xả vào phòng tuyến trên quốc lộ. Tiếng súng giao tranh kéo dài nửa giờ thì ngưng. Hai tiểu đội giữ đường bị thiệt mất bốn người, chết không vì đạn mà vì một quả cối 81 ly rơi đúng vào chỗ họ trí khẩu M60. Ba người khác bị thương. Chuyển bốn xác chết và ba người bị thương vào căn cứ, Trung tá Thanh cho tăng cường một tiểu đội khác giữ đường.

Quá khuya, Bắc quân mở một cuộc tấn công gỡ chốt khác. Lần này quân số địch đông hơn, đoán được nhờ nghe thấy hỏa lực địch mạnh gấp bội. Cối 81 ly mưa vào căn cứ, xối lên tuyến ngăn đôi quốc lộ. Hai tiểu đội chịu không thấu sức tấn công của địch xin rút vào đồn. Trung tá Thanh cho bắn phủ đầu yểm trợ cho họ rút về. Từ đó, hỏa lực địch dồn hết vào căn cứ.

Lính trong đồn chỉ có hai lựa chọn chiến đấu hay là chết, nên người nào cũng bình tĩnh chống trả.

Chừng nửa giờ, địch lại ngưng tấn công. Đêm tối mịt mùng. Đoàn trực thăng trên bầu trời Sài gòn bây giờ trở thành những đàn đom đóm lập lòe bay từng nhóm nhỏ. Trung tá Thanh cho bắn mấy trái hỏa châu còn lại để quan sát động tĩnh bên ngoài đồn. Tim ông thắt lại: Địch bắt đầu chuyển quân trên quốc lộ. Đầu tiên là những toán lẻ tẻ đi rời rạc và tiến chậm như dò đường. Sau đó họ đến đông đảo hơn. Rồi có những toán di chuyển bằng xe.

Đại úy Thường nóng mặt, hỏi ông Thanh:

– Mình để chúng nó diễn hành ngang nhiên thế à?

Trung tá Thanh dùng máy liên lạc xin lệnh của Sư đoàn. Bên kia chỉ phát ra những tiếng u u đứt quãng. Ngữ nói:

– Đạn của mình còn ít lắm. Ba người bị thương máu ra nhiều quá. Mai không tản thương được chắc họ chịu không thấu.

Trung tá Thanh thở dài, nói với Đại úy Thường:

– Mình không đủ sức chặn đường 4 nữa rồi. Các chốt khác chắc cũng bất lực như mình. Thôi, chỉ còn lo giữ lấy căn cứ cho đến sáng mai. Thế nào ngày mai mình cũng được tiếp viện, hoặc nhận nhiệm vụ mới.

Bên phía địch, dường như họ cũng không có thì giờ để nhổ cho xong cái chốt. Từng toán ngày càng đông tiến về phía Sài gòn, làm như không hề biết có mấy mươi họng súng đang nhắm về phía họ. Cả căn cứ nôn nao chờ sáng, lòng hoang mang không chợp mắt được.

***

Rồi trời cũng sáng. Bầu trời hoàn toàn yên ả. Không còn một chiếc trực thăng nào trên bầu trời Sài gòn. Không có tiếng gầm rú quen thuộc của những chiếc Phantom hoặc F5 về phía Xuân lộc. Một đàn chim sẻ không biết từ đâu bay tới sợ hải, im tiếng suốt đêm trong các khóm lá của cây bàng duy nhất trong sân đồn, sáng nay đồng loạt lên tiếng ríu rít. Sương đêm tan dần, đồng lúa quanh đồn ngậm sương hớn hở hút không khí tươi mát của buổi sáng, màu nõn xanh ngát cho tới mênh mông. Thiên nhiên chim chóc như vô tình không hề biết tới tâm trạng bồn chồn uể oải của mấy mươi người lính mất ngủ. Đoạn quốc lộ trước căn cứ lại vắng hiu. Những bao cát xây công sự trên quốc lộ bị sức nổ làm văng đi tứ tung, một số khác bị xe địch ủi giạt sang lề đường trong đêm qua.

Trung tá Thanh tìm cách liên lạc với bất cứ đâu khả năng chiếc máy truyền tin PRC-25 cho phép liên lạc được, nhưng đâu đâu cũng chỉ nghe những tiếng u u đáp trả. Trong ba người lính bị thương đêm trước, một người bị đạn ở đầu đã chết lúc sáng sớm. Ngữ đề nghị dùng chiếc Dodge liều chở hai người bị thương còn lại hoặc về bệnh viện Long an, hoặc về Sài gòn. Trung tá Thanh gạt đi, bảo phải chờ xem tình hình biến chuyển ra sao. Buổi phát thanh sớm của đài VOA cho biết đại sứ Martin đã rời Tòa đại sứ Mỹ lúc 4 giờ 40 sáng nay trên chiếc trực thăng CH-46 cuối cùng rời khỏi tòa building kiên cố nằm bệ vệ trên đại lộ Thống nhất. Trung tá bảo Ngữ mở thường trực đài phát thanh Sài gòn, vì đoán rằng thế nào sáng hôm nay chính phủ cũng loan báo những chỉ thị quan trọng.

Lúc 9 giờ, đài Sài gòn cho ngưng chương trình nhạc để xướng ngôn viên loan báo “Xin đồng bào chú ý. Xin đồng bào đừng rời máy phát thanh. Tổng thống Dương Văn Minh sắp đọc lời hiệu triệu quan trọng”.

Mọi người thấp thỏm chờ. Mãi tới 10 giờ 20 phút sáng, Tổng thống mới đọc lời hiệu triệu trên đài phát thanh. Giọng tướng Minh trầm, chậm, cố gắng bình tĩnh tự tin nhưng vẫn không giấu được vẻ uể oải chán nản.

“Tôi yêu cầu các quân nhân Quân lực Việt Nam Cộng hòa chấm dứt tình trạng chiến tranh, bình tĩnh ở yên vị trí, đừng nổ súng để bảo toàn tính mạng nhân dân. Tôi kêu gọi những người anh em trong Chính phủ Cách mạng Lâm thời đừng nổ súng, vì chúng tôi đang chờ gặp các đại diện của họ để thảo luận về việc trao quyền lãnh đạo chính phủ – quân sự cũng như dân sự – trong trật tự để không gây đổ máu cho đồng bào…”.

Đại úy Thường bực quá, hét to:

– Ổng đầu hàng rồi. Tôi biết mà, ổng được nhượng ghế là chỉ lo đầu hàng thôi. Thật là nhục nhã. Vùng 3 vùng 4 còn đó, sao không đánh tới cùng mà vội đầu hàng!

Trung tá Thanh ngồi ôm đầu không nói gì. Những người lính bu quanh cái radio đứng chết lặng hồi lâu không ai nói năng. Đại úy Thường hỏi:

– Trung tá tính sao?

Trung tá Thanh bối rối, hỏi lại mọi người:

– Từ sáng tới giờ trên đài Quân đội Tổng tham mưu có ra lệnh gì không?

Mọi người lắc đầu.

Đại úy Thường nóng nảy hơn trước:

– Bọn lớn hèn nhát tháo chạy thoát thân thì mình phải tự tính chuyện mình. Tôi không chịu nhục được. Thà chết chứ không đầu hàng chúng nó.

Trung tá Thanh nhìn các sĩ quan hiện diện, rồi nói:

– Các sĩ quan vào họp riêng với tôi, ngay bây giờ.

***

Các sĩ quan vào hầm chỉ huy, thì ngoài quốc lộ súng bắt đầu nổ. Cả căn cứ xôn xao, mỗi người chạy tới núp ở vị trí của mình. Bắc quân ngang nhiên ào ào tiến về thủ đô, bộ đội cầm AK hoặc đứng ngồi chen chúc trên những xe GMC chiến lợi phẩm hoặc trên những chiếc xe tăng T-54 ngụy trang cành lá cây tươi sơ sài. Khẩu đại liên trên một chiếc T-54 lâu lâu bắn một loạt đạn vu vơ ra hai bên đồng để thị uy. Một chiếc khác bắn vào căn cứ. Không biết người lính nào trong đồn nổ súng bắn trả trước tiên, nhưng sau đó những khẩu M16 cùng đại liên M-60 từ trong đồn đồng loạt bắn ra quốc lộ. Đám bộ đội đi trên những chiếc xe lọt vào tầm đạn hoảng hốt nằm rạp xuống sàn xe, sau đó nhảy xuống núp sau những chiếc GMC đã đứng lại. Mấy chiếc T-54 đã qua khỏi đồn liền quay trở lại. Những chiếc sau chạy trờ tới. Thế là năm chiếc xe tăng quày ngang chúi mũi lội xuống ruộng, chia nhau bao vây đồn. Đám bộ đội quen chiến trận cũng men theo những chiếc GMC xách AK tìm địa thế thuận lợi chờ lệnh.

Trong hầm chỉ huy, ông Thanh nói lớn với sáu sĩ quan để át tiếng súng đang nổ giòn bên ngoài.

– Được mạng đổi mạng để khỏi đầu hàng nhục nhã như Đại úy Thường vừa nói thì còn gì bằng. Dù ta biết sức ta không chọi lại được địch. Nhưng chúng ta là lính, chúng ta là quân nhân chuyên nghiệp. Lệnh Tổng thống là ngưng nổ súng chuẩn bị bàn giao cho họ thì ta tuân hành. Chúng ta không đầu hàng. Chúng ta tuân lệnh trên.

Đại úy Thường vẫn giận dữ:

– Nói bàn giao quanh co nhưng thực ra vẫn là đầu hàng.

Trung tá Thanh lắc đầu, nói:

– Chúng ta không còn cách nào khác. Cầm cự để chúng tàn sát hết, vô ích. Chúng ta cần sống để làm chuyện khác.

Rồi giọng Trung tá Thanh đanh lại, chắc nịch:

– Đó là lệnh của tôi. Giải tán cuộc họp.

Các sĩ quan lần lượt ra khỏi hầm. Đại úy Thường ngồi trên một bao cát hai tay ôm lấy đầu. Trung tá Thanh định nói chuyện riêng với viên đại úy, nhưng sau đó bỏ ý định, cũng bước ra khỏi hầm. Ngoài đồn, địch quân dùng loa pin kêu gọi “anh em ngụy quân” đầu hàng để được Cách mạng khoan hồng. Các sĩ quan buồn rầu ra lệnh cho lính của mình ngưng bắn. Bên ngoài, súng địch cũng thưa dần, lời kêu gọi đầu hàng bằng giọng Bắc chát chúa nghe rõ hơn. Lời kêu gọi quy định rõ cách thức đầu hàng: từng người xếp hàng một rời khỏi đồn ra quốc lộ, không được mang vũ khí, hai tay để lên đỉnh đầu.

Không ai chịu trước cái nhục của kẻ đầu hàng, nên Trung tá Thanh phải ra trước. Ngữ là người thứ năm. Lần lượt từng người ra khỏi đồn trước những họng AK gờm sẵn để sẵn sàng nhả đạn vào bất cứ ai có cử động khả nghi. Tới mặt đường lộ, các hàng binh phải để cho hai bộ đội khám xét khắp thân thể rồi mới được tới ngồi xếp hàng ở gần chiếc T54, trước mũi đại liên của một chiếc T54 khác.

Trung tá Thanh cố bình tĩnh để theo dõi những người lính ra quốc lộ sau ông. Người lính cuối cùng đã rời đồn từ lâu mà vẫn chưa thấy bóng dáng Đại úy Thường. Người bộ đội tóc hoa râm có lẽ là sĩ quan chỉ huy hỏi Trung tá Thanh.

– Còn ai trong đó không?

Trung tá Thanh vội đáp:

– Còn một người nữa.

Vừa lúc đó, Đại úy Thường hiện ra trước cổng căn cứ. Hai tay ông để lên đỉnh đầu y như mọi người ra trước. Ông bước chậm, thảnh thơi như cố ý kéo dài thời gian còn được tự do. Người bộ đội cầm loa nóng ruột giục:

– Khẩn trương lên! Khẩn trương lên!

Đột nhiên, viên đại úy dừng lại, rút bàn tay khỏi đỉnh đầu đút vào túi áo trận như muốn lục túi lấy vật gì. Những khẩu AK khạt đạn vào thân thể ông Thường. Ông ngã sấp xuống, thân oằn lên rướn cong rồi nằm lật ngửa ra, mắt nhìn lên trời. Đạn xoáy đất tạo thành một lớp mây mỏng tỏa quanh xác ông. Trung tá Thanh sững sờ kinh ngạc không kêu được tiếng nào, ngực tức khó thở. Ngữ cũng kinh ngạc rồi bật khóc lúc nào không biết. Mấy chiếc T54 bắt đầu phóng lửa vào căn cứ. Khói bốc lên, rồi lửa hồng theo gió cũng tỏa ra, phủ lấp toàn căn cứ. Hơi nóng thổi hắt lên tận chỗ đoàn hàng binh đang ngồi.

Trung tá Thanh tự động đứng dậy xin nói chuyện với người chỉ huy của đơn vị bộ đội thiết giáp.

Ông xưng cấp bậc, và không có gì để nói ngoài ý nguyện muốn đưa xác Đại úy Thường đi chôn cất tử tế đâu đó, nếu được thì cho đưa về Sài gòn. Viên chỉ huy nói:

– Các anh chịu ra hàng là tốt. Chúng tôi không được lệnh bắt giữ tù binh. Chúng tôi muốn vào giải phóng Sài gòn trước các đơn vị khác. Các anh tự lo tìm cách về nguyên quán. Cách mạng sẽ có chính sách sau.

Trung tá Thanh không hiểu viên chỉ huy bộ đội muốn chơi trò gì nữa đây. Ông nhìn kẻ địch ngang cấp với ông, ngờ vực. Không muốn cho kẻ địch thấy mình sợ hãi, ông Thanh hỏi:

– Chúng tôi được quyền đứng dậy đi về Sài gòn chứ?

– Vâng. Các anh muốn, có thể đưa xác anh kia theo. Chúng tôi đã khám kỹ. Không có gì trong túi hắn cả. Không hiểu tại sao hắn dại dột thế, chỉ thiệt thân.

Viên chỉ huy ra lệnh cho đơn vị thiết giáp tiếp tục di chuyển. Chờ cho đám bộ đội đi xa, ông Thanh mới yên tâm là mình được tự do đi đâu thì đi. Toán hàng binh vẫn còn ngồi một chỗ chờ lệnh Trung tá. Tất cả ngơ ngác, không tưởng tượng nổi chiến tranh có thể chấm dứt một cách kỳ cục như thế này!

***

Xe chở bộ đội nối đuôi nhau đổ về Sài gòn. Họ là kẻ thắng, làm chủ lòng đường. Những kẻ chiến bại đi bộ bên lề, thản nhiên chịu đựng cảnh ngộ hoặc tò mò nhìn theo những chiếc T-54 gầm rú nghiến nát mặt nhựa chạy qua mặt họ. Một vài chiếc M-113 bị tịch thu chạy chen vào giữa những chiếc T-54, người lái vẫn mặc quân phục Việt Nam Cộng hòa, trên xe lính miền Nam đứng chung với bộ đội, chỉ khác là nòng súng đại liên trên pháo tháp M-1 13 bị bịt bạt. Dân chạy loạn cũng đổ ra đường, kẻ tản cư lên Sài gòn trở lại quê, kẻ có gia đình ở Sài gòn bị kẹt ở Long an bây giờ theo chân bộ đội về thành phố. Quần áo lính, mũ sắt, dây bạt đạn, nịt, giày saut, súng ống vứt bừa bãi rải rác dọc theo quốc lộ.

Những người lính đi cùng với Ngữ ban đầu thờ ơ nhìn đống quân trang vất đây đó với đôi mắt mệt mỏi, thờ ơ. Đi một đoạn, họ gặp vài quân nhân đi chậm đã cởi quân phục chỉ mặc có quần đùi áo lót. Một người bắt chước, sợ đám bộ đội có kẻ ngứa tay bắn vào lính chiến bại cho thỏa căm tức. Rồi người nữa cởi vất quần áo trận. Chỉ còn ông Thanh và Ngữ còn mặc quần áo lính, vì sáu người lính võng xác đại úy Thường và hai người bị thương cũng đã dừng lại cởi quần áo vứt đi.

Ngữ đi tới gần Trung tá Thanh hỏi:

– Có nên vứt bỏ quân phục không, Trung tá?

Ông Thanh lắc đầu. Ông nói:

– Chúng ta chỉ còn một chút tự trọng cuối cùng này thôi! Cậu thấy ngại, hãy bắt chước họ.

Ngữ cảm động nhìn ông Thanh, tiếp tục bước. Người lính có mang radio phía trước mở lớn âm độ cho mọi người biết đài Sài gòn đã đổi chủ. Làn sóng điện đang phát giọng một nhạc sĩ quen biết hát bài “Nối Vòng Tay Lớn”. Tiếng hát vấp váp lúng túng, không có đàn đệm. Bộ đội thiết giáp địch đã chiếm dinh Độc lập. Cờ Mặt trận đã phất phới trên nóc dinh.

Ông Thanh thở dài:

– Hết rồi. Thực sự hết rồi!

Ông dừng lại, chậm rãi cởi bộ đồ trận ra. Cái quần đùi ông mặc mầu nâu ống hơi dài, vải mỏng nhăn nhúm. Cái áo mai dô thì rách lỗ chỗ ở cổ và sau lưng. Không nhìn về phía Ngữ, cũng không nói thêm điều gì, ông tiếp tục bước tới. Ngữ cũng cởi bộ đồ trận vứt xuống bờ đường, lòng nao nao như vừa phải xé bỏ những trang lưu bút đẹp nhất của thời học trò. Chàng cố đi nhanh bắt kịp ông Thanh để nói với ông vài lời. Cho ông, và cho chính Ngữ. Không nói ra, lòng quặn đau không chịu nổi.

Một chiếc xe Lam ba bánh từ phía sau bạo dạn len lỏi giữa những chiếc xe nhà binh vượt lên trước, trên xe chen chúc nhiều người, hai bên hông xe lại có bốn năm người lính bại trận đu người đeo theo để đỡ một độ đường. Trung tá Thanh chận chiếc xe lại, thương lượng tài xế chở giúp hai thương binh và xác ông Thường về Sài gòn. Người trên xe lục tục xuống. Mọi người bằng lòng đi bộ nhường chỗ cho người bị thương. Anh tài xế ngần ngừ không muốn chở xác chết, nhưng sau đó phụ đưa cuốn poncho gói xác lên trước. Viên trung tá dặn dò kỹ bốn người lính đi theo, rồi mới ra dấu cho xe Lam chạy. Ngữ hỏi ông Thanh:

– Họ đưa đi đâu?

– Tôi dặn đưa về bệnh viện Cộng hòa. Mình về lên Cộng hòa ngay để lo chôn cất ông Thường. Tại sao anh ấy tự vận nhỉ? Tại sao? Tôi hiểu cậu muốn nói gì rồi. Anh ấy là người Công giáo nên phải mượn tay người khác, nhưng cũng là một cách tự vận. Có lẽ anh ấy không chịu đựng được nhục nhã. Anh ấy hy vọng quá nhiều nên tuyệt vọng cũng lớn. Lúc ra hàng, cậu sợ không?

Ngữ đáp liền:

– Không. Chỉ thấy nhục.

– Tôi không thấy nhục bằng lúc này. Cởi bộ đồ trận ra, tôi thấy như mình đang ở truồng đi nhong nhong giữa chợ. Lúc ra hàng, tôi còn có cái lá nho để che hạ bộ như hình vẽ thân thể đàn ông trong sách vạn vật học. Đó là lệnh của Tổng thống. Tôi là quân nhân chuyên nghiệp, tôi phải theo lệnh. Bây giờ, cái lá nho nhỏ xíu đó đã rơi mất. Hai bàn tay không che nổi nỗi ô nhục.

Ngữ không biết nói gì để an ủi ông Thanh, và tự an ủi mình. Chàng lầm lũi bước dưới ánh nắng thiêu đốt mà lưng cứ cảm thấy lạnh. Ngữ nhìn xuống chân mình. Hai ống quyển cao lêu khêu, lông chân mọc đen phủ từ dưới đầu gối xuống tới trên mắt cá trông dị hợm xấu xí. Vết sẹo dài ở bắp chân trái (do vết thương hồi chàng là trung sĩ đóng đồn trước khi được đổi về Tiểu khu Thừa thiên) tím bầm hằn sâu vào thịt càng làm cho chân trái xấu xí hơn. Đôi giày trận còn mang trên hai bàn chân trở thành hai chiếc hia bẩn thỉu. Liếc nhìn một lượt đôi chân những người đi bên, Ngữ thấy chân họ cũng xấu xí dị dạng như chân mình. Ngữ bắt đầu hiểu tâm trạng phức tạp của Trung tá Thanh.

Nguyễn Mộng Giác

 

   Số lần đọc: 151

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây