Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàMùa Biển ĐộngTập 5 - Tha HươngMùa Biển Động - Chương 155

Mùa Biển Động – Chương 155

(Mùa Biển Động – Chương 155)

Nhờ thông đường Lãng về tới Sài gòn ngày mồng Một tháng Năm. Chiếc ghe chài gắn máy Yanmar bọn Lãng vừa-thuê-vừa-cướp ở Phan thiết về tới Vũng Tàu vào ngày 29. Tất cả ghe tàu lớn nhỏ của Vũng Tàu đều rời bến, ra đậu ngoài khơi. Nhiều chiếc rời Vũng Tàu chạy đi tìm tàu vớt của hạm đội 7. Bọn Lãng chạy theo những tàu di tản, ra tới hải phận quốc tế thì gặp một thương thuyền đầy nhóc người tị nạn. Chiếc ghe của Lãng nhấn ga lướt sóng theo kịp con tàu. Chiếc tàu thuộc loại nhỏ, boong tàu không quá cao nếu mạnh tay cứ thế nhảy lên bám vào thành tàu leo lên được. Nhưng những người đã an toàn trên tàu không muốn người khác lên thêm. Họ la ó xua đuổi những người trên ghe với những lời lẽ tục tằn. Người lính cùng đi với Lãng giận, chui vào buồng máy định lấy khẩu M-16, quạt cho bọn mất dạy một tràng rồi tính sau thì tính. Lãng kịp khôn ngoan ngăn lại. Trên tàu không phải không ai có súng. Làm liều cho hả giận khác nào tự tử lãng nhách. Công bình mà nói ở Phan thiết chính bọn Lãng cũng đã bắn dọa để đuổi bớt số người muốn quá giang. Bây giờ chính bọn Lãng bị xua đuổi cũng là lẽ công bằng.

Lãng bảo bác tài xế cứ cho ghe áp sát vào thành tàu, rồi nhảy lên bám tay vào gờ thép. Một báng súng đập mạnh vào mấy ngón tay Lãng. Đau quá, Lãng thả rơi người xuống, may mắn lúc đó sóng đẩy chiếc ghe ra xa tàu, Lãng chỉ bị rơi tòm xuống nước. Nếu Lãng rơi đúng vào lúc sóng xô ghe vào thành tàu, có lẽ Lãng đã bị ép dẹp thê thảm, như trường hợp Lãng từng chứng kiến ở Cam ranh.

Người nóng tính lúc nãy lại muốn xách khẩu M-l6 ra. Hai người khác ngăn kịp, số còn lại tìm cách vớt Lãng lên. Con tàu đã đi xa khoảng một trăm thước.

Cả hai mươi mốt người trên ghe giơ nắm đấm lên chửi thề om sòm, cuối cùng cũng phải nghe lời ông chủ ghe, chịu ghé vào Vũng Tàu. Ông chủ không muốn bỏ vợ con lại, và theo ông nghĩ, về Vũng Tàu bọn Lãng dễ dàng thanh toán số tiền thuê ghe hơn là để cho cả đám leo lên tàu đi luôn.

Sở dĩ nói bọn Lãng vừa thuê vừa cướp ghe, là vì ban đầu bọn lính rã ngũ đủ mọi thành phần (khác tuổi tác, khác binh chủng, khác quê quán chỉ giống nhau ở hai điểm là họ đều không có tiền và có dư tánh táo tợn) đã dùng súng uy hiếp buộc ông chủ ghe chở họ vào Vũng Tàu. Chính Lãng kê họng súng M-16 vào trán ông chủ ghe, bắt chước hô to cái điệp khúc “Đù mẹ một, Đù mẹ hai, Đù mẹ ba…” ở bãi biển Thuận an hồi cuối tháng ba. Ra ngoài khơi, hai bên chủ khách lại làm hòa với nhau, xưng hô bác cháu ngọt xớt, mời nhau từng miếng cá ngon, điếu thuốc thơm, chén trà nóng. Lãng hối hận vì đường cùng ra tay hơi quá đà với bác Năm, đứng ra đề nghị anh em góp mỗi người một ít để đền bù tiền xăng nhớt cho chủ ghe. Bọn họ không có tiền nhưng có vàng, Lãng biết. Xuất xứ mấy lượng vàng đó do đâu Lãng cũng biết. Chỉ tự suy từ mình, Lãng nhìn lướt là biết ai có vàng, và giấu ở đâu.Tất cả góp lại được hai lượng. Lãng cung kính mời bác Năm đến cho chúng cháu thưa chuyện, cung kính cảm ơn bác Năm đã cứu mạng chúng cháu, cái ơn ấy đời sau cũng chưa trả xong, chưa kể cái tội dám xử hỗn với bác. Cuối cùng cũng chính Lãng năn nỉ xin bác Năm đã giúp thì rán giúp cho tới nơi tới chốn, tới Vũng Tàu rồi thì bác Năm cứ tự tiện trở ghe ra Phan thiết, chúng cháu xin gửi bác Năm hai lượng để làm lộ phí.

Lãng rút kinh nghiệm gần tháng trường xoay xở đủ cách để trốn từ Dạ lê về tới đây (gần một tháng thử thách đối diện với cái cao đẹp nhất và bần tiện nhất, cái hồn nhiên nhất và cái xảo trá nhất của loài người) nên thu đủ hai lượng vàng trước khi ghe tới hải phận Vũng Tàu,nửa kín nửa hở cho bác Năm biết là số vàng trả công đã có sẵn đây, cập Bãi Trước là Lãng giao liền.

Khi thấy Lãng nhảy lên bám thành tàu, các đồng đội của Lãng chưa kịp nghĩ gì nhưng chủ ghe thì nghĩ ngay: “thằng nhỏ xạo, nó vừa muốn thoát thân vừa quịt số vàng của mình”. Vớt được Lãng lên, ông nhìn Lãng cười một cách ranh mãnh, bí hiểm. Lãng đang sợ cứ tưởng ông mừng Lãng thoát chết.

Cho nên không chờ hỏi ý ai, bác Năm bẻ tay lái cho ghe chạy ngược lại, hướng về Vũng Tàu.

Cập vào Bãi Trước, Lãng y hẹn giao đủ hai lượng vàng cho chủ ghe. Họ tìm tới mấy cái quán cất trong bãi dừa sát biển để nhậu mừng, không có quán nào mở cửa. Phố Vũng Tàu đóng im ỉm. Đường về Sài gòn đã bị cắt, các bãi ghe đậu hỗn loạn, số lính không lên Sài gòn được trở ngược xuống Vũng Tàu, thành phố biển hỗn loạn không có gì là lạ.

Trưa 30-4 bọn Lãng được tin Cộng quân đã chiếm được dinh Độc lập. Đường lên Sài gòn đã thông. Những chiếc xe hàng bị kẹt ba hôm nay ùa nhau chạy về Sài gòn, hành khách gạt ra không hết, đòi giá bao nhiên cũng chịu. Lính rã ngũ như Lãng thì nôn nóng muốn về nhà, và nhạy bén hiểu rằng thời thế đã đổi, không nên ẩu tả như trước phòng tai họa dây vào thân. Dân Vũng Tàu thì muốn lên Sài gòn để tận mắt chứng kiến những gì đã xảy ra tại thủ đô. Lịch sử đã sang trang, phải ở chính Sài gòn mới được thấy những điều ngoạn mục.

Lãng không biết gia đình ở Qui nhơn đã lưu lạc về đâu, đã chạy thoát kịp trước khi Sư đoàn 5 Sao Vàng ùa xuống chiếm tỉnh lỵ hôm 31-3 hay còn kẹt lại ngoài đó như kỳ loạn năm 1972. Đằng nào về Sài gòn ghé nhà chị Trang cũng biết hết mọi tin tức: tin gia đình, tin anh Ngữ…

***

Đường nhựa đông nghẹt xe và người. Chiếc xe nào cũng quá tải, người ngồi trên mui, người bám vào đuôi xe, thành xe. GMC nhà binh, Molotova bộ đội, xe tăng của cả hai phía, chen nhau nhích từng chút với xe Lam ba bánh, xe đò hiệu Renault đầu bằng, xe du lịch, xe gắn máy, khói tỏa mù mịt khét lẹt. Người đi bộ về hướng Sài gòn đông đảo, và số người tản cư bây giờ dắt díu bồng bế nhau trở về cũng không ít.

Xe vào tới xa lộ Biên hòa thì quang cảnh thay đổi hẳn. Bỏ lại phía sau những rừng cao su thẳng tắp im mát, Lãng bắt đầu chịu đựng cái nóng hừng hực tỏa lên từ mặt nhựa rộng. Xe chạy có mau hơn. Hai bên xa lộ, quần áo lính vất từng đống bừa bãi chưa có ai dám đụng tới. Vài đứa trẻ rắn mắt thấy những bộ treillis còn mới nguyên vất sát bên đường đi, định cúi xuống nhặt đã bị cha mẹ quát tháo, bảo không được chạm tới. Người lớn lo xa cũng phải. Lăn lộn với đống quần áo đủ cỡ là những súng ống, băng đạn, lựu đạn, giày trận, mũ sắt, thẻ bài. Tin đồn nhanh loan truyền là một người lính nào đó đã gài lựu đạn vào dưới đống quần áo, làm cho một thằng bé ở Thủ đức bị chết phanh thây. Loạt tin đồn nầy lan tràn nhanh, và dù nhiều tin vô lý, nhiều người vẫn tin.

Lãng đã trải qua kinh nghiệm sinh tử về vụ mặc quần áo lính thuộc đơn vị khác mà phải chết oan, nên thấy nhiều bộ treillis quá mới nhưng lòng dửng dưng. Cái quí nhất là sự sống, bây giờ thoát chết rồi Lãng thấy mạng sống mình cũng không có gì quí giá, thì nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ.

Xe tới gần Thủ đức thì chạy chậm lại, rồi dừng hẳn. Đường bị nghẽn vì Công binh Cộng sản đang kéo xác một chiếc T-54 bị bắn cháy nằm giữa đường. Lãng và đám bạn xuống xe lân la vào các quán mới lập hai bên xa lộ. Lãng ngạc nhiên thấy bia hộp, rượu Mỹ được bày bán ê hề, giá rẻ mạt. Hỏi ra mới biết đó là đồ dân Sài gòn hôi của khuân được từ PX Mỹ ở Tân cảng.

Lãng mua một khoanh lớn thịt Ham, hai xâu bia Budweiser ngồi nhậu với bạn chờ thông đường. Bia uống không đá đắng nghét. Miếng Ham phơi nắng bắt đầu hôi. Xe lại chạy. Dấu vết những trận đánh cuối cùng hai bên xa lộ còn nhiều. Một cái xác không biết của phe nào nằm ngay bên vệ đường, ai đó phủ xác bằng một chiếc poncho cũ chỉ còn hai bàn chân xám xanh ló ra ngoài. Lãng đoán đây là một người lính Việt Nam Cộng hòa nằm xuống vào phút chót, vì bàn chân mang giày và tấc thường xuyên mới còn trắng được như thế.

Xe qua cầu xa lộ là nhập ngay vào không khí đông đúc hỗn loạn của Sài gòn. Đèn xanh đèn đỏ ở Ngã tư Hàng xanh không hoạt động nữa, lại không có cảnh sát giao thông chỉ đường nên mạnh ai nấy chạy, người đi bộ muốn băng qua đường tự tiện băng qua, đi ngang nhiên nhàn nhã. Xe cộ và người khắp hướng đổ dồn về trung tâm thành phố. Lãng muốn xuống xe ở khu Hàng xanh rẽ qua đường Hùng vương lên Sài gòn ngay, nhưng cuối cùng nghĩ lại: dầu sao cũng phải lên Lý Thái Tổ hỏi thăm tin tức gia đình trước, sau đó hãy tính.

***

Quỳnh Trang thấy một người đen đúa tóc tai bờm xờm, mặc cái áo sơ mi xanh cụt tay và cái quần tây màu xanh đậm tự tiện kéo cửa sắt lách vào nhà. Nàng xanh mặt lên vì sợ. Nắng chói bên ngoài ùa vào nhà, Quỳnh Trang không nhận ra Lãng. Lãng thấy nét mặt lo sợ của chị dâu, bật cười nói lớn:

– Chị không nhận ra em à? Lãng đây!

Quỳng Trang trố mắt nhìn một lúc rồi kêu lên:

– Trời ơi! Lãng. Anh Ngữ! Anh Ngữ!

A! Anh Ngữ đã về đây an toàn. Tin vui đầu tiên. Quỳnh Trang chạy vội vào phòng trong, Lãng chưa kịp hỏi được thêm tin gia đình. Phía bên kia tấm vách cạc-tông, vẫn giọng Quỳnh Trang mừng rỡ rối rít:

– Anh, dậy đi. Lãng nó về rồi. Dậy, dậy! Anh hiểu gì không? Lãng nó ở ngoài nhà kìa.

Ngữ chạy ra, mặt còn ngái ngủ. Lãng hỏi:

– Anh sang dữ! Thiên hạ mất nước đang tán loạn xao xác, anh yên tâm ngủ khì.

Ngữ dụi mắt nhìn em, ánh mắt bắt đầu ánh lên vui mừng:

– Về được rồi hả? Má sẽ mừng lắm. Ghé đằng má chưa?

Thêm một tin vui nữa. Gia đình đã ở Sài gòn.

– Em có biết tin tức gì đâu. Về Sài gòn là lên đây liền. Sao bây giờ anh còn ngủ?

– Tối hôm qua lo chôn cất ông bạn đại úy quen ở Qui nhơn. Ông Thường, Lãng biết không?

Lãng lắc đầu, Lãng quay về phía Quỳnh Trang, thấy nét mặt chị dâu đã đổi thay hẳn. Lạnh lùng, thờ ơ, làm như câu chuyện hai anh em không hề dính dáng gì tới mình. Lãng hoang mang chẳng hiểu vì sao. Lãng cố hỏi cho phải phép:

– Hai bác đâu rồi chị?

– Thầy me chị chở nhau xuống Sài gòn xem bộ đội. Lạ thật, bộ đội thì có gì đâu mà đi xem.

Ngữ nói:

– Phải nói là xem lịch sử. Mấy mươi năm mới có biến cố bất ngờ nầy, phải xem cho biết. Chị Trang sợ tên bay đạn lạc chết uổng, cấm anh không được đi đâu.

Quỳnh Trang không thèm cãi lại, bỏ đi xuống phía bếp. Lãng ái ngại hỏi anh, thấp giọng xuống để chỉ có Ngữ nghe thấy:

– Sao chị ấy vui buồn thất thường vậy?

Ngữ cười, nói nhỏ:

– Bả đang giận anh.

– Chuyện gì?

– Chuyện anh ra trình diện rồi xuống Long an. Mấy ngày chót bả lo đến mất ăn mất ngủ. Chiều hôm qua anh lết về tới nhà, bả ôm anh khóc ròng. Sau đó giận, không thèm nói tiếng nào. Nhờ có em về, bả mới vào gọi anh đó!

Lãng cười:

– Có vợ phiền nhỉ! Má vào ở đâu? Em với anh đi thăm má liền bây giờ được không?

– Phải, chắc má mừng lắm. Má thuê nhà ở Thị nghè. Trang ơi!

Không có tiếng Quỳnh Trang trả lời, mặc dù từ dưới bếp có tiếng bát dĩa va chạm vọng lên. Ngữ nháy mắt với Lãng, nói lớn:

– Anh đưa Lãng xuống thăm má.

Quỳnh Trang từ dưới bếp đi lên, một tay cầm cái khăn lau sạch bàn tay kia.Quỳnh Trang không nhìn chồng, chỉ nói với Lãng:

– Em phải xuống liền cho má mừng. Sáng hôm qua dưới đó suýt chết cả nhà, em biết không?

– Thế à? Sao vậy chị?

– Hồi 9 giờ, tụi nó pháo kích vào khu Thị nghè. Một quả rơi vào hãng dệt ngay trước căn nhà má thuê. Một quả nữa rơi sau lưng, trúng căn nhà bà hàng xóm, hai cha con chủ nhà thiệt mạng. Đúng là nhà mình có phước lớn. Em về được, má sẽ cúng tạ.

Ngữ chen vào nói:

– Cái Honda của em còn xăng không? Trạm xăng họ phá hết trơn, không biết mua xăng ở đâu.

Quỳnh Trang vẫn chỉ nói với Lãng:

– Lãng cẩn thận, tránh những chỗ đông đúc. Thời buổi nhá nhem không có cảnh sát, tụi nó cũng chưa lo được gì cả, mạnh ai nấy làm nguy hiểm lắm. Xe chạy cứ như là ngựa hoang, ai bị cán chết rán chịu. Bình xăng còn đầy đấy. Chiều nay em về đây ăn cơm được không? Chị nói thế chứ chắc má không cho em đi đâu.

Lãng mỉm cười liếc nhìn Ngữ chế giễu, rồi nghiêm mặt hỏi chị dâu:

– Cháu đâu chị?

– Nó đi theo ngoại. Ai cũng thích chạy rong ngoài đường. Chị như con ở giữ nhà, lo hết người này tới người kia.

Ngữ hỏi:

– Chìa khóa xe em để đâu?

Quỳnh Trang bắt buộc phải đáp:

– Dưới cuốn sách để ở đầu giường. Anh về sớm, đừng để thầy me phải ngồi chờ anh về ăn cơm. Nhớ đừng lên phố.

***

Lãng ngồi yên sau dùng hai tay ôm lấy lưng ông anh để tỏ mừng rỡ. Lãng hớn hở nhìn cảnh ồn ào chen chúc hai bên đường, nói với anh:

– Em biết là lúc nào ba cũng đi theo phù hộ mình. Chiến tranh kéo dài bao nhiêu năm, anh với em ở toàn chỗ dữ mà bây giờ thân thể còn nguyên mà về gặp má, lạ thật. Anh biết không…

Lãng kể sơ lược vụ mình thoát chết ở Dạ lê:

– …Em thấy họng súng thằng đó chỉa về phía em, em nghĩ: Thôi tới số mình rồi! Súng nổ, em ngã vật xuống. Em nghĩ liền tới ba. Em than: “Sao ba không cứu con?” Lúc hoàn hồn tỉnh dậy, em thấy máu me đầy người, xác thằng đi bên cạnh nằm chồng lên người em. Em biết mình còn sống, nhưng lo không biết bị thương nặng nhẹ. Bị thương ở chỗ vắng vẻ này thì dù còn sống cuối cùng mất hết máu cũng chết thôi. Em cố đẩy xác thằng bạn ra. Sức yếu không đẩy nổi. Rồi, chắc chắn mình bị thương ở đâu đó. Cố hết sức đẩy lần nữa. Lần này được. Em ngồi dậy. Rờ khắp người, bàn tay lần tới đâu cũng thấy máu, nhưng không thấy đau. Lạ quá! Em không hề hấn gì cả. Em kêu to: “Ba ơi, con biết ba đã che đạn cho con!”

Ngữ hỏi đường vượt hiểm của Lãng. Lãng chỉ kể đoạn lết về được vào làng Dạ lê cướp xe Honda chạy vào Đà nẵng, từ Đà nẵng về tới Vũng Tàu Lãng hứa sẽ kể sau.

Lãng hỏi:

– Anh thoát về được Sài gòn còn ra trình diện làm gì cho chị Trang nhằn?

Ngữ nghiêm mặt nói:

– Vì ai cũng nghĩ như mầy nên tụi nó mới vào được Sài gòn.

Lãng cãi:

– Anh ra trình diện rồi tụi nó cũng tới đây vậy!

– Biết thế! Nhưng…

Lãng cắt lời anh:

– Thôi, anh cứ lẩm cẩm như vậy sẽ khổ cả đời. Cái kiểu “Không thành công thì thành nhân” như ông Nguyễn Thái Học nói. Anh chạy đi đâu vậy?

– Thì về Thị nghè thăm má.

– Rẽ qua dinh Độc lập được không? Em muốn coi tụi nó làm cái trò gì ở đó.

– Qua thăm má rồi hai anh em mình đi lên đó luôn. Hồi sáng họ có tổ chức mít ting mừng chiến thắng, mồng Bảy này lại có một lễ mừng khác, sẵn dịp chiến thắng Điện biên phủ làm thật lớn để mừng chiếm được cả miền Nam. Nghe nói có cả Lê Duẫn, Tôn Đức Thắng vào.

– Thế à, hồi sáng anh có đi dự lễ không?

– Không. Tối qua chôn ông Thường xong thì đã khuya, về nhà lăn ra ngủ. Bốn giờ sáng nghe tiếng lục đục giật mình thức dậy, mới biết là tụi nó gọi dân đi dự mít ting. Bốn giờ sáng tập trung, bảy giờ sáng lễ. Tao chẳng hiểu gì cả. Lễ lạc gì mà làm lúc bảy giờ sáng. Nghe tụi nó nói là làm lễ sớm để nhân dân còn trở về lo sản xuất.

– Chị Trang không đi à?

– Không. Chỉ có ông cụ bà cụ đi thôi. Ông bà già phải ngồi dầm sương, về nhà mệt ngất nhưng vẫn còn ham vui, ông lấy xe gắn máy chở bà đi xem bộ đội. Cháu Bình đòi đi theo ông bà ngoại.

Lãng suy nghĩ một lúc, rồi nói

– Anh may mắn lắm mới được chị Trang.

Ngữ nắm tay em bóp nhẹ tỏ dấu cảm ơn, không nói gì. Chiếc Honda chạy qua đoạn đường kề sân vận động Hoa lư. Người đi lại nườm nượp, dòng người khắp nơi đổ về công viên trước dinh Độc lập, và khu trung tâm thành phố. Ở ngã tư đã có vài thanh niên tay đeo băng đỏ đứng ra điều khiển lưu thông. Chưa quen công việc, họ vừa huýt còi vừa la đến khản giọng vẫn không giữ được cho lưu thông trật tự. Một số biểu ngữ vải đỏ viết chữ trắng giăng dọc theo bức tường bao quanh sân vận động. Lãng và Ngữ đã quá quen thuộc với những câu biểu ngữ đó: “Hồ chủ tịch vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp chúng ta”, “Sự nghiệp vĩ đại của cách mạng Việt Nam đời đời bất diệt”, “Đảng Cộng sản Việt Nam, người tổ chức cuộc cách mạng vĩ đại của nhân dân Việt Nam anh hùng…”.

Lãng cười nói:

– Vĩ đại, vĩ đại. Đi đâu cũng thấy toàn “vĩ đại” cả. Ở Quảng trị tụi em cứ chọc tụi nó hoài. Tụi em chửi cha thằng cha Thiệu, rồi thách tụi nó dám chửi bố mấy thằng già vĩ đại của tụi nó không. Nhìn nét mặt tức tối của tụi nó, em nín cười không được.

Ngữ dặn:

– Thời thế đã đổi. Mày bắt đầu giữ mồm giữ miệng là vừa. Sáng nay tao nằm trong phòng, nghe có người vào nói với Trang là có đồng chí Sáu Vinh nhắn thăm, bảo đã về Sài gòn nhưng quá bận công tác chưa về thăm nhà được. Quỳnh Trang không nói lại cho tao biết. Nhưng nghe thoáng qua tao hiểu. Tường đã về. Không biết con Nam đã biết chưa. Mấy tuần trước Tường có cho người đưa thư về, Nam có biết. Còn về hẳn đây thì chắc nó chưa biết. Từ sáng tới lúc em tới, Trang không đi đâu.

Lãng cười hết sức hồn nhiên:

– Em muốn nhìn thấy cảnh anh gặp lại anh Tường, chắc khôi hài lắm. Anh phải liệu lời mà nói với đồng chí Sáu Vinh. Nói chuyện với “ông anh vợ kiêm em rể” thì dễ, còn nói chuyện với đồng chí Sáu Vinh khó lắm đấy. Hôm nào ảnh về, anh tin cho em hay. Có lính thứ dữ ba búa như em, ảnh không dám lên mặt dạy đời đâu!

Ngữ ước được cái hồn nhiên của Lãng.

***

Ngữ kinh ngạc khi bước vào căn nhà mẹ thuê. Chỉ trong vòng có mấy hôm, từ một căn nhà bề bộn thiếu thốn, phép lạ nào đó đã biến cảnh bần cùng tạm bợ thành một căn nhà đầy đủ bàn ghế, giường, tủ lạnh, quạt máy, tivi… Toàn những đồ đạc to lớn dềnh dàng bọn hôi của khuân từ các cơ quan Mỹ đem bán với giá rẻ mạt. Cái tivi hiệu Motorola lớn quá khổ chưa có chỗ đặt còn nằm trên nền xi măng căn sau. Cái tủ lạnh hiệu Whirpool choáng hết một góc phòng trước, trong tủ lạnh đầy đủ nào bia, nào nước cam vắt, nước ngọt 7-Up, nho táo, thịt ham, đùi gà, thịt bò beefsteak đã cắt thành từng miếng bọc ni lông to bằng bàn tay xòe. Lãng choáng váng trước vẻ sung túc giàu sang, cười hô hố hỏi Quế:

– Cha chả! Dân chiến bại mà sống kiểu này thì mấy anh Vẹm tức đến hộc máu! Chị khiêu khích tụi nó hả?

Nam đáp thay cho Quế:

– Đồ họ khuân ở kho PX Tân cảng ra bán ê hề ở chợ Thị nghè đó. Cả tivi, tủ lạnh bàn ghế đều là đồ hôi của cả! Giá rẻ rề.

Căn nhà rộn rịp như gặp ngày Tết. Bà Văn ôm Lãng khóc một hồi, rồi bảo Quế lập ngay cho bà cái bàn thờ. Bà mở tủ lạnh xếp một dĩa hoa quả, lấy cái ly xúc gạo làm lư hương, lật úp hai cái dĩa nhỏ làm đế gắn hai ngọn bạch lạp… Tấm ảnh ông Văn được bày ngay giữa bàn thờ, dựa sát vào vách tường. Bà bảo tất cả con cái thay quần áo tề chỉnh để lạy tạ tổ tiên và chồng, vì sau bao năm loạn ly, cuối cùng các con đã bình an trở về đông đủ.

Ngữ nhìn mẹ chắp tay thật lâu khấn khứa trước ảnh ông Văn, trong khi bốn anh chị em chắp tay đứng chung quanh chiếc chiếu, lòng không khỏi bồi hồi xúc động, nước mắt lặng lẽ ứa ra khóe, rồi lăn xuống má. Cả bốn người con đều thút thít khóc trong lúc bà Văn lạy tạ người chồng quá cố. Sau bà Văn, đến lượt Ngữ trưởng nam đến lạy trước bàn thờ, sau đó lần lượt tới phiên Nam, Quế và Lãng. Nam khấn nguyện thật lâu, vừa khấn vừa khóc. Lãng giữ vẻ mặt thành kính nhưng chỉ lạy bàn thờ cha chứ không khấn.

Lãng lui ra khỏi chiếc chiếu, quay hỏi Nam:

– Con Thúy đâu chị?

Nam đáp:

– Nó chạy ra đường Hùng vương xem bộ đội.

Lãng định nói mỉa một câu, nhưng kịp dằn lại khi nhớ đến hoàn cảnh chị.

Lãng bị cả nhà bu lại hỏi tới tấp đủ thứ chuyện. Lãng nhẩn nha kể thật lâu về đoạn đường rút lui từ An lỗ ra cửa Thuận an. Lãng nói với mẹ:

– Tới Huế con có tìm cách ghé thăm căn nhà cũ của mình. Con không nhận ra được chỗ nào nữa. Họ đã phá hẳn căn nhà cũ, xây một cái nhà lầu trước mặt sát lề đường. Không có cái quán thuốc lá phía bên kia đường làm chuẩn, chắc con không thể định được khu đất hồi trước của mình nằm ở đâu.

Quế nói:

– Ừ, chị cũng nghe con bạn từ Huế vào nói như vậy.

Bà Văn thở dài rồi hỏi:

– Con có lên thăm mộ ba không?

– Không, tụi con đang lo rút cho kịp xuống tàu mà, đâu có thì giờ. Tới đầu cầu Trường Tiền, con lấy một chiếc xe ba gác của ai bỏ lại đạp nhanh xuống phố Chi lăng thăm nhà, rồi vội trở lên phố Trần Hưng Đạo cho kịp.

Nam hỏi:

– Khu bên trường Đồng Khánh Quốc Học có bị gì không?

– Không, tuy nó có pháo vào cầu Trường Tiền để phá cầu, nhưng không trúng.

Quế hỏi:

– Báo chí họ tường thuật vụ giết nhau để chen lên tàu ở Thuận an ghê quá, lúc đó em ở đâu?

Lãng kể sơ lược từ lúc qua khỏi phá Tam giang cho tới lúc bị bắt. Tới đoạn bị bắn, Lãng nói:

– Không biết ông Trung úy Huy ra sao! Chắc ông ấy bị bắt đi luôn chứ không thoát được đâu.

Bà Văn hỏi Ngữ:

– Hết đánh nhau rồi, mình về lại Huế được không con?

Câu hỏi của người mẹ làm bốn người con ngồi im lặng thật lâu. Cả Ngữ lẫn ba em đều bối rối, không biết trả lời mẹ thế nào. Có nên trở về Huế không? Còn lại gì ở Huế? Khu vườn, căn nhà đã hoàn toàn mất dấu. Ruộng vườn, không. Bà con, không. Còn chăng chỉ có những kỷ niệm, vui vẻ thơ mộng nhiều nhưng buồn bã đau xót không phải là ít. Có nên trở về Huế không? Ngữ thấy tim nhói đau khi lần đầu tiên chàng nhận ra rằng cả gia đình không có một nơi chốn nào đó để về, để nhận làm quê hương. Không còn lại gì ở Huế, thì liệu còn gì vương vấn trìu mến ở Qui nhơn thành phố bụi, ở Sài gòn nơi vừa tạm trú, trong một căn nhà thuê? Cả gia đình Ngữ thực sự đã trở thành dân lưu tán, là khách trú.

Bà Văn hỏi, chờ mãi không nghe Ngữ trả lời, đưa mắt nhìn một lượt bốn đứa con bà thấy mặt đứa nào cũng buồn rầu. Bà thở dài, nói với cả mấy anh chị em:

– Má tính chừng nào tình hình tạm yên về Huế hốt cốt cho ba con, hỏa thiêu rồi đem bình tro cốt về đây cho tiện. Nhiều đêm nghĩ một mình ba con nằm lạnh lẽo ngoài đó, má không ngủ được.

Quế nói:

– Hòa bình rồi, má. Dễ mà! Anh Tân với con định đám cưới xong hai đứa lái xe đi một chuyến từ Nam ra Bắc cho biết.

Câu chuyện lại chuyển qua chuyện hôn nhân của Quế. Giọng Quế quả quyết, tự tin, coi như mọi sự đã xong, gia đình không còn gì để bàn luận nữa. Bà Văn không nói điều gì trái ý con, nhưng qua giọng nói Ngữ thấy mẹ không vui. Quế nói:

– Mình nên lập nghiệp ở đây. Tụi nó ba đầu sáu tay cũng không trị nổi dân Sài gòn đâu, ở chỗ càng đông càng dễ sống. Về tỉnh lẻ khó sống lắm. Vài người Bắc, con gặp, hỏi thăm, họ bảo thế. Họ khuyên bằng bất cứ giá nào phải bám lấy Sài gòn. Ở ngoài Bắc nhiều người dại dột bỏ Hà nội về quê. Sau chịu không nổi muốn về Hà nội trở lại không về được. Có hộ khẩu ở Hà nội không phải dễ.

Ngữ quá ngạc nhiên, trố mắt nhìn Quế:

– Họ mới vào có hai ngày, Quế hỏi ai mà thạo vậy. Còn cái chữ quái quỉ gì nhỉ? À, “hộ khẩu” là cái gì?

Quế được dịp khoe khoang:

– “Sổ hộ khẩu” là “sổ gia đình” của mình trong này, nhưng kinh khủng hơn nhiều. Kinh khủng ra sao em chưa kịp hỏi.

Ngữ thắc mắc:

– Nhưng Quế hỏi ai? Hỏi mấy chú bộ đội à?

Quế vênh mặt lên:

– Tụi mặt búng ra sữa lơ ngơ láo ngáo như mán về thành ấy thì biết gì mà hỏi! Em hỏi tụi con buôn ấy.

– Con buôn? Chưa đầy hai ngày…

Quế cười:

– Sợ họ còn vào trước cả bộ đội ấy chứ! Em ra chợ Bến Thành thấy mấy trự cũng mặc đồ bộ đội mang dép nhựa nón cối nhưng nhìn qua là em biết. Dân trong nghề mà! Vào Nam càng sớm, buôn càng lời. Lãng, em với chị đi buôn đồng hồ và “đài” đi. Hai thứ đó bán bao nhiêu bọn con buôn ngoài Bắc cũng mua.

Lãng hớn hở nói:

– Được, chị cho em hùn vốn với. Chị đừng cười ngạo. Em có vốn góp với chị đàng hoàng mà!

Thế là hai chị em bàn luận hăng say chuyện buôn bán, cười nói râm ran, kể cho nhau nghe mấy cái ngố của cán bộ, bộ đội mới về thành. Ngữ và Nam tự thấy lạc loài, cũng tách riêng nói chuyện với nhau. Ngữ nói nhỏ với Nam:

– Tường đã về đây rồi, em biết chưa?

Nam giật mình nhìn anh, đôi mắt tỏ vẻ phân vân, Ngữ không đoán được em vui hay buồn, lo âu hay mừng rỡ. Nam cũng nói nhỏ với anh:

– Diễm còn kẹt lại đây, anh biết chưa?

Đến lượt Nam tò mò quan sát nét mặt anh. Ngữ thì thào:

– Thế à! Thôi, chốc nữa em với anh nói chuyện riêng với nhau. Anh chỉ còn em để tâm sự thoải mái thôi.

Nam cảm động, nói:

– Em cũng vậy.


Nguyễn Mộng Giác

 

   Số lần đọc: 99

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây