Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàMùa Biển ĐộngTập 5 - Tha HươngMùa Biển Động - Chương 158

Mùa Biển Động – Chương 158

(Mùa Biển Động – Chương 158)

Mọi sự diễn ra không đến nỗi như Ngữ lo ngại!

Tường được một thanh niên làm việc ở Thành đoàn chở Vespa về đường Lý Thái tổ lúc chín giờ sáng.

Ông Thanh Tuyến đã tìm cớ ra khỏi nhà từ lúc tám giờ, sau khi dặn vợ con nên dọn qua trước cho ông những thứ nào, dành chỗ ở cho cậu trưởng nam từ rừng về.

Bà Thanh Tuyến không cản chồng, bà vẫn ngại cha con lại cãi cọ nhau như hôm trước. Những đồ đạc ông Thanh Tuyến dặn Ngữ phải mang ra khỏi phòng là sách báo, quần áo và mấy thùng đựng băng nhạc. Bà Thanh Tuyến cho đó là dấu hiệu chồng đã nhượng bộ, đã lùi bước trước con. Ông không muốn Tường vì gai mắt trước những cuốn băng nhạc ấy, buột miệng nói những câu có thể gây bất hòa giữa cha con.

Tường mặc đồ bộ đội lưng đeo ba lô vào hiệu trà lần này cũng lôi cuốn khối người tò mò giống y như mấy năm trước Dale tới thăm cha mẹ vợ. Hình ảnh người bộ đội qua hai ngày không còn lạ lùng đối với người Sài gòn nữa. Họ đã nhìn thấy bộ đội khắp nơi, ở công viên trước dinh Độc lập, ở cổng Bộ Tổng tham mưu, ở Tổng Nha Cảnh sát, ở đài phát thanh, ở các cơ quan quân sự lớn nhỏ… nhưng là những người bộ đội sống thành tập thể, sinh hoạt theo đơn vị. Chưa có những chú bộ đội dám xé lẻ đi phố hoặc la cà một mình ở quán cà phê, tiệm phở, huống chi là có người một mình dám héo lánh tới một khu lao động phức tạp như khu Lý Thái tổ này. Lũ trẻ con lại bu tới quanh hiệu trà, người lớn phòng xa đứng túm tụm phía sau nhìn vào. Những người từng là dân cựu của khu Lý Thái tổ thắc mắc về gia đình ông bà chủ hiệu bán trà. Họ thấy gia đình đó có quá nhiều bí mật, lúc trước cô con gì lấy một ông chồng Mỹ có mấy ông nhà báo Mỹ vác cả máy quay phim tới ghi hình, bây giờ lại có ông bộ đội xách ba lô tới thăm. Tin tức truyền nhanh cho biết người bộ đội đó là con trai bà chủ hiệu trà. Thế là thế nào? Mới mấy ngày trước, một ông trung úy cao gầy mặc đồ lính ra ra vào vào nhà đó, hỏi ra là chàng rể. Lôi thôi quá chừng!

Tường bảo anh thanh niên chở mình khỏi phải trở lại, rồi vào nhà. Căn nhà Tường đã qua lại nhiều lần nên quá quen thuộc, tuy chưa lần nào dám để cho tình gia đình lôi cuốn, liều lĩnh dừng lại nhìn kỹ vào bên trong hai cánh cửa sắt.

Người Tường gặp ngay khi bước vào nhà là Ngữ.

Đã chuẩn bị trước, nên hai người bạn cũ nhận ra ngay.

Tường không quá ốm như là Ngữ tưởng tượng. Trước kia hồi còn đi dạy tại Huế, vốn Tường đã ốm, tóc thường để dài, râu biếng cạo, da xanh tái vì những đêm hút thuốc lá thức khuya nghiền ngẫm từ triết lý hiện sinh cho tới tư tưởng cách mạng, sau đó ăn ngủ thất thường vì lao đầu vào những đêm không ngủ, hội thảo, những ngày biểu tình, xuống đường… Bây giờ, tóc Tường hớt ngắn, râu cạo nhẵn, nước da rám nắng, nên trông mạnh khỏe hơn. Bộ quần áo vải bộ đội màu xanh rêu rộng thùng thình không cho phép Ngữ đoán Tường có mập hơn thời trước không. Tuy nhiên, căn cứ vào đôi má đầy, và bàn tay hết xương xẩu, Ngữ đoán bạn mập mạnh lên nhiều.

Phần Tường, Tường thấy Ngữ không thay đổi bao nhiêu. Ngoài bộ quần áo pyjama màu xám làm cho Ngữ có vẻ một anh công chức bậc trung hiền lành, gần như Ngữ giống y như Ngữ của chín năm trước. Tường nắm bàn tay bạn, nói ngay nhận xét đó:

– Mày không thay đổi gì hết. Vẫn vậy!

Ngữ đáp:

– Mày thì có khác. Mập và khỏe hơn!

Tường cười vui:

– Ấy, nhờ được bồi dưỡng trước khi vào tiếp quản Sài gòn chứ hồi ở Củ chi thì ốm lắm. Ngày đêm sống dưới địa đạo, không ốm sao được.

Bà Thanh Tuyến và Quỳnh Trang chen vào giành phần làm mẹ làm em. Bà Thanh Tuyến bảo Tường đem ba lô vào phòng, rồi không chờ con làm, đích thân bà xách cái ba lô đi. Bà cười, âu yếm hỏi:

– Chín năm đi theo Cách mạng mà về cái ba lô nhẹ hẫng thế này à? Cái gì lục cục trong này thế?

– Con còn về được với me là may lắm rồi. Có mấy món đồ kỷ niệm trong đó, chốc nữa con soạn ra biếu me.

Quỳnh Trang liếc nhìn anh và chồng, yên tâm thấy không có gì nguy hiểm, nên theo mẹ đem đồ đạc của anh vào phòng trong. Hai người đàn bà cũng muốn tránh đi, kín đáo theo dõi xem hai người bạn cũ ở hai chiến tuyến cư xử với nhau ra sao, nói với nhau những gì. Từ phòng trong, Quỳnh Trang nghe chồng hỏi anh:

– Hiện mày làm việc ở đâu?

– Chưa biết sẽ được điều về công tác nào. Tạm thời thì giúp cho anh em Thành đoàn để họ tổ chức lại lực lượng sinh viên học sinh. Sau này Thành đoàn ổn định, có lẽ mình trở lại bên Tuyên huấn.

– Khi hôm me kể là mày có đọc sách của tao. Tao đoán ở trên Khu mày làm Tuyên huấn, chắc không sai.

– Ừ, tao đã đọc kỹ hai cuốn sách của mày. Kể cả các truyện ngắn mày cho đăng báo mà chưa xuất bản. Trong đó sách báo Sài gòn tụi tao có đủ.

Quỳnh Trang nín thở chờ nghe cuộc đối thoại sắp gay cấn, nhưng nàng thất vọng. Quỳnh Trang chỉ nghe Ngữ hỏi:

– Vậy mày có viết lách gì không?

Và Tường trả lời:

– Bận lắm, lâu lâu chỉ viết theo kiểu nghiệp dư, theo nhu cầu công tác. Hy vọng từ đây về sau tao viết được cái gì quan trọng hơn. Cuộc sống phong phú quá, chỉ nghĩ tới việc ghi lại đã thấy ngợp. Nếu có viết, tao sẽ viết về đời sống trong địa đạo Củ chi. Hôm nào rảnh, tao sẽ dẫn mày xuống thăm lại chỗ tao sống hai năm nay. Chắc lúc đó mày sẽ nhìn rõ lịch sử hơn, không chao đảo như trước.

– Trước kia tao chao đảo ở chỗ nào?

– Thôi, chuyện dài lắm, lúc nào có thì giờ sẽ nói nhiều. Sau Tết Mậu Thân, lên rừng tao với thằng Ngô nằm nói chuyện với nhau luôn luôn nhắc tới mày, bàn luận về mày.

– À, mày nói với Trang, Ngô nó ở Hà nội à? Sao nó ra tận ngoài đó?

– Nó gặp nhiều rắc rối khi mới lên rừng, may mà… họ đưa nó ra công tác ngoài thủ đô. Chắc thế nào nó cũng được điều về Nam. Hiện rất cần cán bộ gốc miền Nam để tiếp quản mọi ngành. Có thể bên Giáo dục lại đòi tao trở lại.

– Hồi Mậu Thân mày làm gì?

Cả bà Thanh Tuyến lẫn Quỳnh Trang lo lắng chờ đợi. Giọng Tường trả lời bình thường:

– Tao lo việc với ông Hảo nhiều hơn là bên phía quân sự và trị an. Ngô về, mày hỏi nó sẽ biết nhiều chuyện hơn. Nó có kể hết với tao. Sáng nay mày bận gì không?

– Không.

– Nhà mình có xe gắn máy không?

– Có chiếc Honda dame của thầy. Trang cũng có một chiếc.

– Mày chở giùm tao xuống thăm Nam. Thú thật, có mày đi, tao… tao vui hơn.Ngữ cười, đáp:

– Được. Nam nó dặn tao khi nào mày về thì cho nó biết. Mày nghỉ hẳn trọn ngày hôm nay chứ?

– Không. Hai giờ chiều phải vào vì có cuộc họp quan trọng. Tao nhờ mày chở giùm tao về Thành đoàn luôn. Trên đó có nhiều anh em đã đọc và thích truyện của mày. Dân đô thị cả! Mày nên gặp họ. Tao phải đi tắm một phát rồi còn đi. Phòng tắm ở đâu?

***

Suốt dọc đường, cả hai người bạn đều có mối lo riêng nên chỉ nói với nhau những câu ngắn, hỏi những điều vô thưởng vô phạt, tránh né các đụng chạm. Họ dừng lại ở chuyện thường tình, người này vô ý nói một câu có thể gây va chạm rắc rối thì người kia dằn lòng tìm cách hướng qua chuyện khác. Tường nhờ Ngữ lái xe qua một số con đường để nhìn lại những kỷ niệm của thời đi học ở Sài gòn. Tường thành thật công nhận:

– Phải nói là quá khác thời tao học Đại học Sư phạm ở đây. Nhiều khu ổ chuột bây giờ thành phố xá sầm uất, nhà lầu xây san sát. Tao tìm không ra con hẻm ngày trước tụi tao ở trọ. Tiền Mỹ đổ vào nuôi dưỡng bộ máy chiến tranh dồn hết về đô thị, giàu có là phải. Nhưng là giàu có trên…

Tường kịp dừng lại. Ngữ hiểu bạn muốn nói gì, nhưng không chất vấn đến ngọn ngành. Ngữ chỉ hỏi:

– Mày ra Hà nội thấy thế nào?

– Sống kham khổ lắm. Nhất là nhà cửa, phần lớn đều chen chúc, chật chội. Nhiều Vụ, Viện trong rừng nghe tưởng ghê lắm, ra đến nơi tới thăm trụ sở, thấy tội quá. Được phương tiện nhiều như trong này chắc còn làm được nhiều việc hơn.

Một chiếc Peugeot 504 trắng mới tinh vượt qua mặt hai người. Trên xe có hai người bộ đội. Ngữ quay hỏi bạn:

– Tao không hiểu vì sao ai cũng mặc đồ lính cả. Như mày, sao mày được mặc quần áo bộ đội. Mày đâu phải là lính.

– Họ phát cho đấy. Một năm được hai bộ. Ngoài Bắc, cả dân cũng mặc đồ bộ đội, không cấm.

– Mày có thấy chiếc Peugeot kia không? Loại mới nhập cảng đấy. Dáng xe tân hơn kiểu 404 cổ điển.

– Mày có vẻ rành về xe. Trưởng giả hóa rồi hả?

– Không. Đó là thói quen viết lách, cái gì cũng tò mò tìm hiểu, quan sát. Chẳng hạn tao vừa quan sát người cán bộ ngồi bên tài xế trên chiếc Peugeot. Ông ta đội mũ cối, và chồm hẳn người nhìn lom lom phía trước, không ngồi dựa lưng vào ghế nệm một cách bình thường.

– Có gì lạ đâu! Mới vào Sài gòn, ai không tò mò. Đến như tao còn cảm thấy ngợp nữa là những người ở Bắc vào, hoặc lâu nay chỉ ở rừng.

– Không phải chỉ vì tò mò không thôi. Có thể là vì còn thiếu tự tin. Thủ trưởng với tài xế ở trên rừng chẳng khác gì nhau, về đây bây giờ cũng vậy. Nhưng theo tâm lý thông thường, ít lâu nữa cách ngồi của ông ta sẽ đổi.

– Đổi thế nào?

– Thời gian đầu, thủ trưởng sẽ bỏ cái nón cối xuống đặt lên đùi, ngồi dựa ngửa vào ghế nệm để tận hưởng tiện nghi chiến lợi phẩm. Sau đó, thủ trưởng sẽ ra ngồi ở ghế sau cho đúng phép tắc, cái nón cối đặt lên chỗ để đồ lặt vặt phía sau, đầu ngửa lên nệm êm, mắt nhìn lên trần xe mơ màng. Sau cùng thì thủ trưởng cư xử đúng điệu Tây phương, ngồi ghế sau nhưng không phải ngồi đâu cũng được. Phải ngồi ngay phía tay phải, để tài xế sau khi dừng xe lại đi quành qua bên này mở cửa cho thủ trưởng bước xuống.

Tường im lặng hồi lâu, rồi nói:

– Mày sắc mắc lôi thôi như vậy không lợi gì đâu. Cả những gì mày đã viết đều không tốt. Hôm nào rảnh tao sẽ nói chuyện nhiều hơn.

Ngữ quên cả lời tự giao hẹn, hỏi:

– Thế nào là không tốt? Tao viết với tất cả lòng lương thiện, chân thành.

– Tiêu chuẩn đạo đức bây giờ khác. Mày đừng vội viết gì cả. Tao lấy tình bạn thân thành thực khuyên mày. Tốt, xấu, thành thật hay giả dối bây giờ phải theo một tiêu chuẩn riêng.

Ngữ biết nói thêm sẽ không tránh khỏi những va chạm lớn, nên im lặng. Tường nghĩ bạn giận mình, nên nói:

– Lúc mới lên rừng, tao cũng ngỡ ngàng như mày hiện nay. Tao nghe nói tiếng Việt nhưng không hiểu, như nghe một loại ngôn ngữ khác. Có những điều tao nói với lòng chân thành, không ngờ người ta nghe xong cho là điều quái dị, không thể nào như thế được. Chẳng hạn tao nói tao giác ngộ cách mạng nhờ triết học hiện sinh. Mày nhớ hồi đó tao vẫn khoái lối Sartre dùng cái nhìn hiện tượng luận để mô tả cử chỉ ngụy tín của anh bồi bàn. Tao nói Sartre giúp tao nhìn ra cái giả ngụy của giới trưởng giả, từ đó tao tìm đọc triết lý hành động và gặp Marx. Câu chuyện của tao thành giai thoại khôi hài trên rừng, truyền ra cả Hà nội. Hồi tao ra, có mấy tay viết lý luận phê bình văn học của tờ Văn Nghệ tìm tới thăm, và hỏi: “Đâu đâu, cái người giác ngộ cách mạng nhờ triết lý hiện sinh đâu rồi?” Tao học được bài học khôn từ đấy. Mày chưa từng đổi phe, khó lòng mầy hiểu hết những điều tao nói. Mày cũng đơn giản như là những thằng tao gặp ở Hà nội.

Ngữ lờ mờ nhận ra Tường có điều gì bất an phức tạp, muốn hỏi thêm nhưng lại ngại. Mấy hôm nay biến cố này dồn dập biến cố nọ, đầu óc Ngữ căng đầy, gần như tê dại lười lĩnh không còn xúc cảm nữa. Vừa phải đối phó với những đổi thay trước mắt, đoạn đường còn lại, Ngữ không nói gì thêm, trí cứ nghĩ tới số phận Diễm. Không cần chuyển mạch, Ngữ hỏi:

– Ngô nó biết gia đình đã vào Sài gòn chưa?

– Chắc chưa. Diễm lấy thằng Mân phải không?

– Phải.

– Ngô có kể với tao. Sao con Diễm chịu lấy cái thằng như thế nhỉ?

Ngữ đỏ mặt nhớ lại tất cả kỷ niệm cũ. Chiếc Honda hơi chao nghiêng, rồi chạy trở lại bình thường.

***

Ngữ chở Tường tới đột ngột nên mọi người trong nhà đều lúng túng. Nam và bà Văn vừa đi chợ Thị nghè về, đang lo chuẩn bị nấu nướng để cúng tạ vào chiều nay. Lãng đang săm soi cái máy Polaroid vừa mua được, bắt đầu học nghề mới bằng cách vừa đọc cuốn sách chỉ dẫn cách sử dụng vừa bấm thử vài pô cho con Thúy. Nhà chỉ vắng một mình Quế.

Con Thúy nghe tiếng gõ cửa chạy ra mở cổng, reo lên:

– A, cậu Ngữ, cậu Ngữ!

Rồi thấy cậu mình đi với một ông bộ đội lạ hoắc, nó trố mắt nhìn, ánh nhìn vừa thích thú vừa tò mò. Ngữ nhắc:

– Mở rộng tấm cửa cho cậu dắt xe vào. Cậu mang tới biếu cháu một ông bộ đội đây!

Lãng cầm tấm ảnh vừa ráo nước sáp chạy ra cửa, nhận ngay ra Tường. Lãng gọi ầm lên:

– Chị Nam, ra đây nhanh lên!

Nam nghe tiếng em gọi, bỏ dao thớt chạy ra nhà trước. Linh tính cho nàng biết Tường tới. Chân nàng bủn rủn, nàng phải dừng lại vịn tay vào vách. Nam nghe tiếng Ngữ nói:

– Con Thúy đấy. Thúy, sao đứng nghệch ra vậy?

Giọng con Thúy lí nhí:

– Chào chú ạ!

Lãng cười:

– Cái con nhỏ này, không còn biết trời biết đất gì hết. Vào gọi me ra đây.

Con Thúy chạy đâm sầm vào người Nam. Nó thấy mẹ nó đang run, mặt mày xanh xao. Thúy hỏi nhỏ:

– Ai vậy me?

Nam ôm chặt con không nói. Con bé hiểu. Ngữ, Tường và Lãng đã vào nhà. Vẫn giọng Lãng rỗn rảng:

– Cô dâu đâu rồi? Ra mà rước người hùng “về từ đinh núi”.

Nam dắt con bước vào phòng trước. Tường đứng đó, nhìn về phía Nam, nụ cười có vẻ ngượng nghịu. Nam thầm cảm ơn Trời là nàng không bị hụt hẫng thất vọng như hồi Tết Mậu Thân. Nam cũng có ý nghĩ giống Ngữ. Tường khỏe mạnh hơn, rắn rỏi hơn trước. Tường không nhỏ lại như Nam lo sợ, cũng không còn lớn lao như trong kỷ niệm. Tường hoàn toàn bình thường.

Cảm giác ấy giúp Nam bình tĩnh trở lại. Nàng hỏi:

– Sao anh về Sài gòn đã lâu, bây giờ mới xuống?

Tường lúng túng trả lời những gì Nam không nghe rõ. Nàng cúi xuống nói với Thúy:

– Con lại chào… chào ba con đi!

Con Thúy sợ hãi nhìn người lạ. Nó ôm chặt lấy mẹ, không dám tiến về phía Tường. Bà Văn lúc ấy mới chịu gác tạm việc bếp núc, bước ra phòng trước. Tường vội chào:

– Thưa… thưa bác.

Bà Văn hỏi:

– Tường mới xuống hả? Trông con mập hơn hồi Tết Mậu Thân…

Bà Văn nói đến đó chợt nhớ đến cái chết của chồng. Mặt bà sa sầm lại. Tường không thấy được nét mặt bà Văn thay đổi, cứ đáp tự nhiên:

– Hồi đó ở trên rừng thiếu thốn đủ thứ. Từ hồi con vào Củ chi tuy sống dưới hầm nhưng vì ở gần Sài gòn, được tiếp tế đầy đủ hơn.

Bà Văn nói:

– Thôi để cho mấy đứa bay nói chuyện. Thúy, xuống bà biểu.

Lãng nhắc:

– Thúy chưa lại chào ba mày. Mày sợ bộ đội hả?

Thúy do dự không biết nên nghe lời bà hay nghe lời cậu. Cuối cùng, nó lí nhí “thưa ba” rồi chạy xuống bếp.

Ngữ nháy mắt cho Lãng, và nói:

– Lãng ra coi giùm anh chiếc xe, sao lâu lâu nó chạy ngắc ngứ như là ngựa mệt bị hụt hơi. Chắc carburateur bị dơ.

Hai anh em đưa nhau ra sân. Chỉ còn có Tường và Nam đứng lúng túng đối diện nhau trong phòng trước.

Nam nói:

– Anh ngồi tạm xuống cái ghế đó đi. Nhà mới dọn, chưa đâu và đâu cả.

Tường nuốt nước bọt dằn cơn xúc động, sẵn tiện nói:

– Em cho anh ly nước.

Nam trở ra phía sau lấy nước cho Tường. Con Thúy chạy tới hỏi nhỏ, mắt sáng lên:

– Ba con thật hở me?

Nam vuốt tóc con, gật đầu.

– Ba con là bộ đội à?

Nam lại gật.

– Sao bộ đội… à phải, bộ đội họ thắng nên ba về.

– Con ra với ba không?

– Không. Con sợ.

– Sao lại sợ.

– Con không biết. Me cần nước đá không, con lấy cho.

– Ừ con lấy vỉ đá ra cho me. Được rồi. Chốc nữa me gọi, con ra với ba nhé!

– Có me thì con ra. Con không dám ra một mình.

– Cái con này! Hay con bưng nước ra cho ba đi.

Con Thúy lắc đầu. Nam trở ra phòng ngoài với ly nước. Nàng đã hoàn toàn bình tĩnh. Nàng ngồi xuống cái ghế sắt đối diện với Tường, mắt nhìn thẳng vào mắt Tường, chú ý tới lối hớt tóc rẽ giữa lạ mắt và cái áo bộ đội cổ bẻ rộng. Nam mỉm cười nói:

– Anh mặc bộ quần áo này trông lạ, nhưng dễ coi hơn bộ đồ bộ đội hải quân. Ai vẽ kiểu quần áo hải quân vậy không biết. Cái yếm vuông trên cổ trông kỳ quá! Hải quân trong này…

Tường cắt lời Nam:

– Quan trọng gì cái áo cái quần. Miễn thắng là được.

Nghe thấy giọng Tường hơi bực bội, Nam bắt đầu giữ gìn lời nói hơn. Nàng cố tránh những điều gay go. Tường nói:

– Em gầy ốm hơn trước nhiều lắm.

Nam thấy lòng nao nao, giọng giận dỗi:

– Em còn sống được tới ngày nay là may rồi. Em sống làm gì không biết! Sao mãi tới nay anh mới nhớ tới vợ con?

Tường uống một ngụm nước để hoãn binh, uống xong mới đáp:

– Anh chưa biết em và bác đã vào đây. Có nhờ người bắn tin trước cho thầy me anh biết, để thầy me đừng nghe tin bọn xấu tuyên truyền mà di tản, họ không tiện nói chuyện với thầy me nên chỉ đưa tin rồi đi. Con nó dễ thương đấy chứ! Lên mấy rồi?

– Chín tuổi rồi đấy, anh quên rồi à?

– Chín tuổi, phải, chín năm hơn từ dạo đó. Con học lớp mấy rồi?

– Lớp bốn. Năm nay con nó học hành dang dở, không biết phải mất một năm hay ra sao nữa. Phần em, cũng mất chỗ dạy. Má không muốn trở về Qui nhơn.

Tường được dịp tỏ thiện chí, hăng hái nói:

– Vài hôm nữa các trường học sẽ mở cửa trở lại. Ban tiếp quản Bộ Giáo dục đã ra thông cáo cho các thầy giáo cô giáo tiếp tục trình diện ở trường, tuần tới tiếp tục dạy dỗ các em. Anh sẽ tìm cho con ghi tên học một trường gần đây. Quanh vùng có trường cấp một phổ thông nào không?

– Cấp một phổ thông là gì?

– Là trường tiểu học đó. Cấp một từ lớp một tới lớp năm, cấp hai từ lớp sáu đến lớp chín, và cấp ba từ lớp mười lên lớp mười hai. Em muốn xin dạy học ngay tại Sài gòn không?

Nam mừng rỡ hỏi:

– Em dạy giờ ở Qui nhơn, xin họ cho không?

– Dễ mà! Việc tuyển dụng giáo viên ngoài Bắc không rắc rối như trong này. Anh quen với nhiều cán bộ giáo dục, để anh lo cho. Xin làm giáo viên dễ lắm. Ở đâu cũng vậy, nghề giáo là nghề bạc bẽo không ai thích. Thanh niên ngoài Bắc thường nói: “Ruộng chạy hết sào, mới vào sư phạm”. Ở nhà tập thể trường đào tạo giáo viên thì kham khổ hơn các trường khác. “Ăn như sư, ở như phạm”.

Nam bật cười, mừng thầm là cuộc tái hợp không có gì gay go phiền muộn như nàng vẫn lo.

Lãng nghe chị cười, từ ngoài sân đi vào hỏi cả Tường lẫn Nam:

– Ông bà có vẻ “vui đại thắng” lắm phải không?

Nam biết em sắp chọc Tường, vội nói:

– Có gì đâu. Anh Tường nói ở ngoài Bắc nhà giáo “ăn như sư, ở như phạm” nên chị cười.

Lãng nghe chị nói tới “phạm”, hỏi Tường:

– Tình anh em Lãng xin hỏi thật: rồi các anh tính tụi tôi sao đây? Tha Tào luôn, hay lại chơi trò mèo vờn chuột?

Tường trả lời cho qua:

– Không có gì đâu, Lãng đừng sợ.

– Em không sợ. Các anh có hỏi thì Lãng cũng nói thẳng là Lãng đi lính thứ dữ, vì bọn lớn bỏ chạy nên Lãng đành phải hàng, chứ nếu không Lãng không chừa sót thằng nào hết. Anh coi, tụi bạn sợ đã lấy thuốc lá dụi vào thịt để xóa hai chữ SÁT CỘNG này đi. Em còn để y nguyên đây. Em không quên được cái chết của ba.

Nam sợ hãi nhắc:

– Lãng!

– Chị để cho em nói. Anh Tường như người nhà, để cho em nói một lần cho hả. Chiến tranh mà, chém giết nhau là chuyện thường. Ra ngoài trận, lỡ gặp anh nếu em không bắn trước thì anh cũng không tha. Bây giờ hết đánh nhau, các anh thắng, các anh tính sao thì nói cho rõ để tiện số sách.

Tường nói:

– Lãng cứ đọc kỹ chính sách mười điểm của Chính phủ Cách mạng Lâm thời.

– Xì! Đọc chi ba cái giấy quái quỷ đó. Lãng muốn biết các anh tính trong bụng chuyện gì kia, mười mười lăm điểm nói ngoài lỗ miệng, kể làm gì.

Ngữ tránh mặt ở bên ngoài nghe em bắt bí Tường, vội vào can thiệp:

– Thôi, đừng hỏi khó nhau. Chuyện đó làm sao Tường biết mà em hỏi.

Nam đưa mắt thầm cảm ơn anh. Lãng cho trêu “ông Việt cộng” như thế đã đủ, trở lại giọng nhỏ nhẹ hiền hòa:

– Em cũng biết là mình hỏi khó, nhưng cứ hỏi. Này anh, liệu tụi này có được để yên cho làm ăn sinh sống không? Em ba mươi tuổi đầu rồi, đã tới lúc phải lo có vợ có con, cho má em vui lòng.

Tường nói:

– Nếu Lãng chịu lao động sản xuất, không buôn bán linh tinh trái chủ trương chính sách Nhà nước, thì chắc không hề gì.

Lãng chất vấn liền.

– Thế nào là buôn bán linh tinh?

Nam gạt đi:

– Thôi để lúc khác.

Lúc đó bà Văn từ dưới bếp gọi Nam. Nam xuống phía bếp, bà Văn hỏi:

– Có nên biểu thằng Tường ở lại ăn cúng tạ không?

Nam nói ngay:

– Để hôm khác, má ạ! Sợ lại cãi nhau, mất vui. Thúy, con lên nói chuyện với ba.

Bà Văn nhìn theo hai mẹ con Nam. Bà nghĩ tới chồng, phân vân không biết mình đang buồn hay đang vui.

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 113

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây