Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàMùa Biển ĐộngTập 5 - Tha HươngMùa Biển Động - Chương 161

Mùa Biển Động – Chương 161

(Mùa Biển Động – Chương 161)

Ngữ chần chờ cả một tuần lễ mới dám đi thăm Diễm, mặc dù có rất nhiều cơ hội.

Cửa hiệu trà cà phê đã mở cửa lại, việc buôn bán rất khá. Các tiệm ăn, tiệm giải khát nhất là cà phê vỉa hè mọc ra như nấm. Đường nào có nhiều bóng cây cũng mọc ra hàng dãy quán cà phê trên vỉa hè. Số người đột ngột bị thất nghiệp, (cộng thêm với dân miền Trung tản cư vào Sài gòn chưa dám về) đông đảo, số tiền dành dụm ngày một hao, gia đình nào cũng muốn tạm kiếm sống bằng một nghề ít vốn. Có nghề nào thích hợp hơn nghề mở quán cà phê vỉa hè. Chỉ cần tự đóng lấy vài cái ghế gỗ, mua vài cái phin, cái ấm, lò than, kiếm một tấm bạt treo vào vách hoặc cột lên cây che bếp, thế là cơ sở làm ăn thành hình. Cuộc đổi đời đột ngột lần này khác hẳn những vụ đảo chính, chỉnh lý trước đây. Mỗi ngày thời sự dồn dập, một thông cáo loan ra là làm đảo lộn đời sống hằng triệu người. Bao nhiêu thay đổi xảy ra chung quanh mà đọc tờ Sài gòn Giải phóng chỉ thấy đăng toàn chỉ thị với diễn văn, lời lẽ na ná giống nhau, mắt nhìn đâu cũng thấy “sự nghiệp vĩ đại”, “chiến thắng lẫy lừng”, “tình hình mới nhiệm vụ mới”, “đất nước ta giàu đẹp, nhân dân ta anh hùng”, “ba dòng thác cách mạng”, “dưới lá cờ vẻ vang của Đảng”, “lương tâm nhân loại”, “đỉnh cao trí tuệ”… Những từ ngữ kêu bon bon như chuông ban đầu có làm cho dân Sài gòn choáng váng, nhưng chỉ vài ngày, những âm thanh ấy trở thành tiếng ồn. Mọi người cần biết những điều bình thường, nhớ những tin xe cán chó, đánh ghen, bắt bò lạc, những chuyện lẩm cẩm từ thành đến tỉnh. Những con voi nằm ì trong căn nhà ấm cúng của người dân chỉ làm cho họ thiếu đất sống, thiếu không khí để thở. Muốn bắt được nhịp sống thật, dân Sài gòn chỉ còn mỗi một cách là tìm gặp nhau ở các quán cà phê vỉa hè để tán gẫu. Đã có cầu thì có cung. Cà phê ở tiệm bà Thành Tuyến rang xay không kịp để giao hàng, Ngữ phải phụ Quỳnh Trang đổ cà phê vào bì, cột gói cẩn thận để khách cần bao nhiêu, nửa ký, một hai ký là có liền. Ngữ thấy mình có ích, việc ăn ở nhà vợ cũng đỡ áy náy.

Ngữ phụ trách việc chở cà phê bột đi giao cho những tiệm cà phê đặt mua, nên suốt ngày lái xe gắn máy đi ngoài đường. Ngữ đi đâu và bao giờ về khỏi phải tường trình cặn kẽ cho vợ như trước, nên cơ hội thăm Diễm quá nhiều. Ngữ chỉ ngại, vì tự nhận thấy thăm Diễm là có lỗi với vợ. Chưa kể Ngữ sợ cuộc thăm viếng sẽ có những liên lạc sau đó, chưa biết hậu quả sẽ ra sao.

Ngữ chỉ quyết định thăm Diễm, khi người bạn họa sĩ đòi được bức tranh của Ngô ở khách sạn Continental về trả lại cho chàng. Ngữ không biết nên đem tranh gửi đâu. Chính lúc đó, Ngữ nghĩ tới Diễm.

Căn nhà ông bà Bỗng mua ở Khánh hội tuy nằm trong khu lao động ồn ào nhưng khang trang hơn căn nhà mẹ Ngữ thuê ở Thị nghè. Nhà lợp ngói suốt từ trước ra sau, tường gạch, phía trước có hàng rào sắt, từ con hẻm muốn vào nhà phải có người mở ổ khóa tấm cửa sắt. Ngay hiên trước, đặt mấy chậu sành Biên hòa trồng loại cây cảnh lá sum suê, che mát được một khoảng sân xi măng hẹp. Ngữ tìm đúng địa chỉ Nam đưa cho nhưng do dự không dám gõ cửa vì bên trong có nhiều tiếng đàn ông bàn luận ồn ào, giống như cảnh một trụ sở hành chánh phường khóm nào đó. Trước nhà, treo ngang theo mái hiên là một lá cờ Mặt trận Giải phóng Miền Nam thật lớn, bề dài đến hai thước.

Ngữ nghĩ có lẽ Quế ghi lầm địa chỉ, nhìn lại tấm giấy nhỏ lần nữa. Đúng số nhà này, con hẻm này. Ngữ quyết định gõ cửa. Một thanh niên đeo băng đỏ trên cánh tay trái chạy ra mở cổng cho ngữ, Ngữ e dè hỏi:

– Ở đây có phải nhà bác Bỗng?

Người thanh niên nói giọng Sài gòn hỏi lại:

– Anh hỏi làm chi vậy?

Ngữ bực:

– Tôi là người quen bác Bỗng. Có phải đây là nhà ông Bỗng không?

– Phải. Nhưng bác ấy bận họp. Anh muốn gặp bác gái thì đi lối này vào cửa sau.

“Bận họp”. Ngữ đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Ông Bỗng làm cái gì mà bận họp? Ngữ hỏi:

– Họp có lâu không?

– Chắc lâu. Chuẩn bị “phương án” để tổ chức cho nhân dân các tổ báo công.

“Phương án”, “báo công”. Ngữ đi vào lối hẹp dẫn tới cửa sau, đầu cứ muốn vỡ vì những từ ngữ lạ tai. Từ cánh cửa gỗ hông nhà sau nhìn vào, Ngữ thấy ngay Diễm. Nàng đang ngồi trên cái ghế gỗ thấp cạnh vòi nước lặt rau muống, và mặc cái quần jeans màu xanh lam, áo sơ mi mầu tím tay dài xăn lên tới trên cùi chỏ. Màu áo tím đột ngột làm cho Ngữ xúc động bàng hoàng: Đúng cái màu tím cô Diễm ngày xưa thường mặc. Đúng màu áo tím Ngô vẽ Diễm trong bức tranh Ngữ đang cầm trên tay!

Diễm nhận ra Ngữ lật đật bỏ rổ rau đứng dậy, bước nhanh ra chỗ ngưỡng cửa Ngữ đang đứng. Diễm không trang điểm, nước da mầu hồng quân mịn màng ửng lên màu hồng, trong khi đôi mắt sáng rỡ vui mừng. Diễm trách:

– Biết em còn kẹt lại đây mà anh không thèm tới thăm em. Mấy ngày chờ không thấy anh, em nghĩ anh quên em rồi!

Ngữ không biết phải trả lời thế nào, chống chế một cách yếu ớt:

– Tại bận lo đủ thứ chuyện. Hôm nay tương đối rảnh, anh đem bức tranh cho Diễm.

Diễm nhìn bức tranh được bọc kỹ bằng giấy bìa, hỏi:

– Em đâu có chơi tranh. Anh mua làm gì cho tốn tiền?

– Không. Bức chân dung Diễm do Ngô vẽ hồi đó.

Diễm reo lên:

– Có phải bức tranh treo ở Continental không? Đâu, anh mở ra cho em xem lại. Hôm đi tìm ông bạn anh Dale để xin phương tiện đi, đến Continental em thấy bức tranh này, cứ thắc mắc hoài là hồi đó anh xin bức tranh về, sao bây giờ nó lưu lạc ở đây.

Ngữ đã mở xong lớp giấy bao, và nâng bức tranh lên vừa tầm nhìn của Diễm. Diễm nghiêng đầu ngắm chân dung mình một lúc, nét mặt đổi ra buồn rầu:

– Trông bức tranh em càng thấy em già. Mỗi lần nhớ lại thời Huế em bần thần cả buổi.

Ngữ nói:

– Diễm mới ba mươi đã bảo già! Treo tranh ở đâu, anh treo giúp luôn.

Diễm nhìn quanh căn phòng sau, thấy không chỗ nào đủ rộng và đủ ánh sáng để treo tranh cả. Nàng than:

– Đáng lẽ phải treo ở căn trước, nhưng ba em đã cho mượn làm trụ sở rồi.

Ngữ đặt tấm tranh sát vào vách cho rảnh tay, hỏi:

– Bác làm gì mà hội họp trên đó vậy? Anh tới cửa không dám vào vì tưởng đây là một cơ quan nào đó.

Diễm cười, mắt lém lỉnh, giọng hạ thấp vừa đủ cho Ngữ nghe:

– Thấy ba em “cách mạng 30″, em cười thầm hoài. Mấy ngày trước cả xóm đều biết em sắp đưa ba mạ di tản, đồ đạc trong nhà lớp bán rẻ lớp cho, ba em còn làm tiệc chia tay mấy ông bạn nhậu. Tối 28 phi trường bị pháo kích không đi được, về nhà ba em thay đổi liền. Ba em đem anh Ngô ra làm cục kê, nói thế nào mà cả xóm đều nghĩ ba em là cán bộ nằm vùng. Em cười thầm, còn mạ thì sợ.

– Bác gái đâu?

– Mạ chạy đi mua vài thứ lặt vặt. Đồ đạc đem cho, bây giờ đòi lại họ không trả. Anh mỏi chân không em đem thêm cái ghế anh ngồi, cho em lặt xong rổ rau.

Ngữ trông cách Diễm đi lại nhanh nhẹn, thân thể gọn gàng trong cái quần jeans và áo sơ mi tím, vui vẻ đề nghị

– Anh mời Diễm đi tìm chỗ nào ăn chiều. Được không?

Diễm cười, hỏi:

– Anh không sợ người ta thấy anh đi với em à?

Ngữ lúng túng đáp:

– Anh có nghe Nam kể…Anh muốn tìm chỗ nào đó… nói chuyện nhiều với em.

Diễm xúc động, miệng không còn cười tự nhiên như trước. Nàng nhìn Ngữ thật lâu, sau đó mới nói nhỏ:

– Em cũng mong được nói chuyện nhiều với anh. Em bây giờ như người chết rồi… Em mặc thế này cũng được hay phải thay đồ?

– Mặc như vậy quá đẹp.

– Anh chở em nhé? Chiếc Simca của em ba cho ông cán bộ trên quận 4 mượn rồi.

***

Diễm chỉ đường cho Ngữ tới một cái quán nằm kín đáo trong một khu vườn cạnh bờ sông, bàn ăn đặt ngay dưới những vòm lá xanh, bếp cũng là một cái chòi lợp lá dừa cũng ở ngoài vườn, khách ăn được nếm những thức ăn miền Nam đặc biệt nhưng lại có cảm tưởng đang đi chơi picnic ở vùng quê. Thấy quán vắng, Ngữ hỏi:

– Họ lập quán ở nơi hẻo lánh xa phố thế này làm sao sống?

Diễm đáp:

– Mình đi ăn sớm nên tưởng vậy. Buổi tối và nhất là cuối tuần đông khách lắm. Hồi trước mỗi lần đãi đằng những chỗ cần nhờ vả, em đều đặt tiệc ở đây.

Ngữ cảm thấy nhói ở tim vì nhớ những lời đồn đại xấu về Diễm. Chàng nhìn Diễm nói chuyện với bà chủ quán, ngắm nét mặt hớn hở của Diễm, nghe giọng nói của Diễm, lại hối hận vì dám nghi ngờ Diễm. Chàng nghe Diễm nói với bà chủ:

– Bữa nay tôi thết một ông anh vừa thoát chết từ Pleiku về. Chị cho những món đặc biệt đó nghe!

Diễm chọn một cái bàn khuất sát bờ sông, sẵn tiện mang theo hai ly nước cam. Diễm nói:

– Em không cần hỏi, lấy nước cam cho anh. Em không thích anh uống bia.

Giọng Diễm trở nên lém lỉnh đùa cợt:

– Em muốn anh tỉnh để em hỏi tội anh.

Hai người ngồi xuống hai chiếc ghế mây. Ngữ đẩy ly nước cam về phía Diễm, hỏi:

– Anh có tội gì?

– Chờ tới nay mới xuống thăm em là một cái tội. Chị Trang biết anh đi thăm em không?

Ngữ lắc đầu tránh không nhìn Diễm.

– Nếu anh không mất tích… nếu biết anh về được Sài gòn… em không nói cho chị Nam biết chuyện đó đâu. Em không muốn làm phiền anh.

Ngữ nước lên nhìn Diễm. Bầu trời phía sau Diễm màu xanh ngọc. Diễm hơi ngửng đầu lên, nhìn chếch về hướng những trái vú sữa mầu tím đang đong đưa nhè nhẹ theo gió. Đôi mắt Diễm mở lớn, hớt hải y như nét mặt Diễm trong bức tranh Ngô vẽ. Ngữ nhớ lại căn nhà kho Ngô làm xưởng vẽ, nhớ lại cảm giác ấm áp lúc Diễm mang bánh mì và cái khăn ướt qua cho Ngữ dạo nọ. Ngữ nghẹn lời vì xúc động, giọng run run:

– Sao em lại nghĩ quẩn vậy. Sao lại phiền anh? Lúc nào nhớ tới em, nhớ tới thời ở Huế, nhớ tới đêm ấy…

Diễm đỏ mặt, cắt lời Ngữ:

– Em điên quá, đừng nhắc tới nữa. Nhưng anh biết không, lúc đó em tưởng em tỉnh. Em nghĩ em lấy anh Mân là phải. Tất cả đều do em. Mọi chuyện xảy ra đều đúng như em muốn, nhưng em biết em điên. Anh biết không, nhiều lần em cố ý chọc giận chị Trang. Thật vô lý, đáng lẽ em giận em, em lại giận chị ấy.

Ngữ cố lắm mới hỏi được câu quan trọng:

– Ông… anh Mân có biết chuyện đó không?

– Chuyện con hả? Anh ấy biết. Ở Phú quốc, tụi em đã nói thẳng hết mọi điều với nhau. Anh ấy dẫn theo con ca sĩ anh ấy bảo bọc. Cuối cùng, em mất hết, mất hết! Em lo cho con.

– Liệu vợ chồng Ngọc…

– Dĩ nhiên không có em thì anh Ngọc phải lo, nhưng tính tình anh ấy, em biết, ích kỷ lắm. Nhiều đêm em đang ngủ em nghe Thuận nó khóc rồi gọi: “Me ơi! Me ơi!”

Diễm bắt đầu khóc. Ban đầu nàng vẫn nhìn thẳng về phía chùm trái vú sữa, để mặc cho nước mắt ứa ra khóe mắt, để mặc cho nước mắt lăn chậm trên má. Ngữ lúng túng không biết phải làm gì, chi biết nhìn Diễm khóc lặng lẽ. Nàng ngồi im không nói lời nào với Ngữ, lâu lâu cúi xuống chùi nước mắt vào vạt áo rồi lại ngửng lên nhìn những chùm vú sữa. Ngữ muốn tìm một lời an ủi thích hợp, không thân mật quá mà cũng không xa cách quá đối với Diễm, nhưng chịu! Diễm thở dài, rồi nói:

– Em chẳng còn gì nữa. Em mất hết…

Diễm vội lau khô nước mắt trên má vì thấy bà chủ quán đã mang thức ăn ra. Nàng cố nói một câu nào đó chứng tỏ không có điều gì bất thường nhưng không nói được. Bà chủ nhìn đôi mắt Diễm đỏ, liếc nhìn về phía Ngữ, giữ ý không nói gì chỉ bày dĩa cá hấp, rau và bánh tráng ra bàn rồi lẳng lặng trở vào. Ngữ nói:

– Thôi em đừng buồn nữa. Cả nước đột nhiên dang dở, chứ không phải chỉ riêng em. Thế nào trước sau gì em cũng nhận được tin con.

Diễm lắc đầu mạnh như để lay cho đầu óc thôi vướng víu những bụi buồn phiền, rán cười nói:

– Anh ăn đi. Để em cuốn cho nhé!

Diễm hơi nhổm người lên, chồm về phía Ngữ để lấy dĩa bánh tráng. Không cố tình Ngữ vẫn nhìn được một khoảng ngực trắng và đầy sau lần vải sơ mi của Diễm. Ngữ nghĩ ngay đến đêm hôm ấy, lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất Ngữ được áp mặt lên chiếc ngực trắng ấy, được hít thở da thịt trinh nguyên của một người con gái mới lớn. Ngữ đỏ mặt nhìn tránh đi chỗ khác, miệng mỉm cười. Diễm cắm cúi lo cuốn bánh, lúc ngửng lên không hiểu vì sao Ngữ cười, Diễm hỏi:

– Anh có gì vui vậy?

Ngữ cười vì chợt nghĩ số phận oái oăm thế nào mà lần ân ái vội vã vụng về ấy lại đơm hoa kết trái, rồi liên tưởng đến câu chuyện một anh bạn ngớ ngẩn bị bồ chê vì đem tặng cho cô gái cuốn “Nòi giống tốt”. Nhưng Ngữ không dám nói thật, chỉ nói tránh đi:

– Trông em lo cuốn bánh cho anh, thấy hình ảnh dễ thương quá…

Ngữ ngập ngừng, rồi lấy bạo nói thêm.

– Như hình ảnh một người vợ.

Diễm cảm động, đưa cuốn bánh vừa cuốn xong cho Ngữ, và hỏi:

– Chị Trang có thường săn sóc miếng ăn cho anh không?

Ngữ không thể nói dối cho vừa lòng Diễm:

– Có. Tính Trang là tính một bà nội trợ.

Diễm có vẻ thất vọng, nhưng vẫn cố cười tươi, nói:

– Anh lấy em thì không được săn sóc chu đáo như thế đâu. Thật may cho anh.

Ngữ không muốn Diễm nhắc tới vợ, cố tìm đề tài khác để nói chuyện. Ngữ nói:

– Em cuốn cho em đi!

Diễm chống cùi chỏ lên mặt bàn, chắp hai bàn tay lại, gác cằm lên trên, mỉm cười, nhìn Ngữ nói:

– Em thích nhìn anh ăn. Lâu nay nghe anh nói nhưng chưa bao giờ nhìn thấy anh ăn cả.

Ngữ đang nhai, ngượng bỏ cuốn bánh xuống dĩa:

– Em nhìn, anh ăn không được. Em phải cùng ăn…

Diễm nói:

– Để em đút cho anh ăn.

Câu nói bạo dạn bất ngờ làm kinh ngạc cả Ngữ lẫn Diễm. Diễm hối hận là mình thiếu suy nghĩ đã nói một câu quá bạo. Ngữ thì nhìn Diễm, và như một phép lạ, trước mắt chàng Diễm hoàn toàn đổi khác. Từ hơn mười năm nay, đối với Ngữ, Diễm là một cái gì mông lung, bí nhiệm, tưởng như trong tầm tay nhưng lúc nào cũng bất trắc, không yên tâm. Những dấu hiệu tình cảm đầu tiên thật mơ hồ, không thể kiểm chứng được. Thư Diễm viết cho Ngữ cũng không phải là những tín hiệu rõ ràng, khi vui Ngữ đọc ra những lời tỏ tình kín đáo, khi buồn lại chỉ thấy những lời hỏi thăm gượng gạo. Ngay cả sau lần ân ái vội vã đó, Ngữ vẫn không biết rõ động cơ nào khiến Diễm liều lĩnh trao thân cho mình. Diễm như là một con chim đẹp nhưng trái chứng, bay đậu lúc nào không biết trước. Diễm, giống như lời nàng tâm sự cho những người lính trong chương trình phát thanh, có đó mà không có đó, thực và hư lẫn lộn. Nhưng sau câu nói vừa rồi, Ngữ thấy Diễm đổi khác. Nàng ngồi đó, đôi má không phấn son ửng đỏ, đôi mắt ướt và sáng, cái cằm đầy đặn tì lên hai bàn tay đầy đặn, cổ áo sơ mi rộng để hở một khoảng ức tròn, Diễm hiển hiện cụ thể, vững chãi, ngoan ngoãn chờ đón ngay trong tầm tay. Ngữ nóng mặt vì những ý tưởng ham muốn dồn dập tới. Phải cố trấn tĩnh, Ngữ mới nói được:

– Còn gì sung sướng hơn. Nhưng em cũng phải ăn với anh.

Diễm gật đầu, cầm cuốn bánh Ngữ đang ăn dở đưa lên miệng cắn một miếng nhỏ, rồi đưa cuốn bánh lên miệng Ngữ. Ngữ giả vờ ham ăn cắn nhẹ lên ngón tay Diễm. Biết Ngữ đùa, nhưng Diễm cũng kêu lên giả vờ sợ hãi. Ngữ không ăn bánh, cầm bàn tay Diễm lên áp vào má mình. Diễm bật cười vì đầu cuốn bánh có chấm tương làm bẩn cả một phía má Ngữ. Bắt đầu từ đó, họ sang ngồi sát bên nhau, vừa ăn vừa rủ rỉ như đôi chim bồ câu trốn bầy rỉa lông cho nhau bên bờ sông.

***

Diễm ríu rít kể hết chuyện này tới chuyện khác. Trước hết là chuyện ông Bỗng:

– Anh biết không, em giả vờ như không biết gì, nhưng em quan sát ba em, có nhiều chuyện vui không tưởng được. Nếu anh muốn tìm mẫu để sau này viết về những ông “cách mạng 30″, anh phải xuống nhà em, nói chuyện với ba em, để lấy tài liệu. Ba em thay đổi cả cách ăn nói. Ba em đâu có đọc sách báo gì, nhưng bây giờ ba em xài chữ nghĩa của họ sành lắm. Kể cũng dễ, chỉ có bấy nhiêu, thêm vài chữ thông dụng nói ngược với trong mình như: “đảm bảo”, “triển khai”. Em nhớ một số tiếng nữa họ hay dùng vì ngày nào cũng nghe ba em nói cả.

Ngữ hỏi:

– Có phải những tiếng này không? Để anh nhớ lại đã: “phương án” này,”đạt yêu cầu” này, “nhất trí” này, “vật tư” này.

– “Sự cố kỹ thuật” nữa. Em nhớ hôm mồng Hai em rầu thúi ruột nằm khóc mãi, mở tivi ra xem cho đỡ sầu. Họ chiếu cái phim gì của Liên xô có cái tên lạ lắm. Phim kể chuyện đời xưa, dựa trên một vở kịch Anh.

Ngữ cười lớn nhắc:

– “Không có gì mà ầm ĩ”. Ờ, họ đặt tên phim cố cho ra nôm na dễ hiểu mà nghe thật chói tai. Nào “Cây sến cực kỳ khẩn cấp”.

– “Năm người từ trên trời rơi xuống”.

– “Đến hẹn lại lên”…

Hai người cười nói rộn rã vì cái trò chơi mới, quên mất câu chuyện Diễm định kể. Tới khi nhớ, Diễm tiếp:

– Lạ quá, không hiểu họ lấy “sự cố kỹ thuật” ở đâu. Tivi đang chiếu phim Liên xô thì màn ảnh nhảy loạn xạ, âm thanh eo éo chói tai một lúc, rồi trên màn ảnh hiện lên bốn chữ SỰ CỐ KỸ THUẬT. Em ngớ ra, kỹ thuật thì biết nhưng sự cố là cái gì. Sau thì đoán là “trục trặc kỹ thuật” hay “trở ngại kỹ thuật”. Kể ra muốn làm người cách mạng cũng dễ. Chỉ cần thuộc làu một số tiếng.

Ngữ nói:

– Đó là một thứ phần thưởng họ trả công cho những người đem thân ra phục vụ. Em nghĩ coi, họ bắt buộc người khác xả thân suốt mấy mươi năm mà đã tưởng thưởng những người đó cái gì đâu. Cứ nhìn cách họ ăn mặc, nhìn bữa cơm bộ đội, nhìn nước da tai tái của họ thì biết. Có một món không mất tiền ban ơn cho hàng chục triệu người mà kho Nhà nước không bao giờ vơi là những mỹ từ. Thay vì gọi là tài xế thì họ gọi “đồng chí lái xe”, thay vì gọi chị bếp thì họ gọi “chị nuôi”. Chị bếp vẫn phải đổ mồ hôi vì suốt ngày lăn vào bếp nhưng chị ta thấy mình quan trọng hẳn lên khi được gọi là “chị nuôi”.

– Anh nói đúng, ba em đang bị mấy cái chữ đó hành. Ông bận bịu suốt ngày, hết họp lại hành, báo hại em với mạ phải lo làm “chị nuôi” cho mấy thằng nhóc làm công an, làm thanh niên phường.

– Nhưng họ giao cho ba em làm chức gì?

– Chẳng có chức gì rõ cả. Khi thì họ bảo ba em vận động thành lập hội các lão ông. Khi thì họ bảo ba em lo giùm chiến dịch báo công. Em nghe lỏm, thấy tay công an phường ăn nói khéo lắm. Hắn nói: “Bác nhiều tuổi được bà con cô bác trong khóm trọng nể, bác lại giác ngộ cách mạng sớm”. Hi hi, anh biết vì sao hắn bảo ba em giác ngộ cách mạng sớm hay không?

– Không.

– Từ hồi Tết Mậu Thân. Hồi gia đình em tản cư vào trú ở trường Luật. Em theo dõi từ đầu, nên nhiều khi thấy thương ba em hơn là giận. Ba em mà chính trị chính em gì! Ba làm tài khôn, nên họ rút đi thì bị báo cáo, bị bắt, bị mất việc. Ba em nằm nhà sáu năm nay, bây giờ họ vào, tưởng thời cơ đã tới rồi.

Ngữ lắc đầu:

– Chắc không lâu đâu! Họ chỉ nhờ ba em khi họ chưa lập đầy đủ guồng máy cai trị.

Giọng Diễm lo lắng:

– Em chỉ sợ lần này ba em nổi nóng chửi bới, thì khổ với họ. Sợ nhưng em với mạ không can ba em được. Ba em đang lên cơn.

Diễm lại cười rúc rích:

– Tối hôm qua ba em chủ trì cuộc họp của dân trong khóm. Ba em ăn nói dù sao cũng hơn hẳn tụi nó, chỉ khổ giọng Huế khó nghe thôi. Em với mạ cũng đi dự. Ba đang nói chợt dừng lại. Ở dưới không ai hiểu vì sao ba em dừng. Em vô phép nghĩ thầm “Ba không thuộc bài hở ba?” Ba nhìn quanh một lượt xuống phía dưới, rồi hỏi lớn: “Đồng bào có nghe tôi rõ không?”

Ngữ bật cười:

– Có phải bác bắt chước bác Hồ trong cuốn phim lễ độc lập tại vườn hoa Ba đình không?

Diễm cười đến đỏ mặt, gật đầu:

– Chính thị.

Ngữ nói:

– Vậy thì ba em lậm sâu quá rồi. Chỉ có thằng Ngô về may ra mới gỡ nổi thôi.

– À, anh Ngô vừa viết thư về. Có hỏi thăm tin anh.

– Đâu? Có đem theo đây không?

– Không. Chốc nữa về nhà em đưa cho anh xem.

Ngữ chột dạ vì thấy đã quá 7 giờ tối. Diễm thấy Ngữ xem đồng hồ, hỏi:

– Anh phải về chưa? Thôi mình nên về. Để em vào tính tiền. Anh đừng khách sáo. Hiện giờ em còn giàu hơn anh.

Hai người đi qua vườn vú sữa để ra chỗ để xe.

Đến một chỗ tàn cây tối khuất, Diễm dừng lại cúi xuống sửa dép. Ngữ cũng dừng lại. Diễm vừa đứng thẳng lên, Ngữ đã ôm Diễm thật chặt trong đôi tay. Diễm không chút ngạc nhiên, rướn người lên cho Ngữ hôn lên môi, lên má, lên cổ mình. Diễm hôn trả, hơi thở ấm mơn man lên mặt Ngữ. Ngữ lại nhớ cái đêm đáng nhớ, hai bàn tay vuốt ve lên tấm lưng mềm bắt đầu ướt mồ hôi của Diễm, thân thể dán chặt lên thân thể Diễm. Tiếng Diễm nói đứt quãng:

– Em mất hết. Chỉ còn có anh. Chỉ còn có anh! Đừng, anh! Bà chủ quán quen biết em. Khách họ bắt đầu tới đông rồi!

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 85

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây