(Mùa Biển Động – Chương 162)
Ngữ dừng chiếc Honda lại ngoài đường Trịnh Minh Thế, ở một quãng chỉ có những căn nhà xi măng cốt sắt cao kín cửa và xa cột đèn đường cách con hẻm vào nhà Diễm độ năm mươi thước. Diễm thả cánh tay đang ôm chặt hông Ngữ bước xuống xe trước, trong lúc đứng bên lề đường tối chờ Ngữ dựng xe không thắc mắc hỏi han gì. Ngữ cũng không giải thích vì sao không chở Diễm về thẳng nhà. Hai người cùng hiểu. Diễm đứng sâu vào lề đường, sát vách cao của căn nhà lầu ba tầng. Ngữ tiến lại gần, cúi xuống ôm thật chặt Diễm trong đôi tay và hôn say sưa lên môi Diễm. Thân thể họ lại quằn quại dán vào nhau, lần này Diễm bạo dạn hơn, vừa cười khúc khích vừa cố tì môi lên môi Ngữ thật lâu không cho Ngữ ngưng hôn. Hai người không còn màng quan tâm đến những người đi đường lác đác đạp xe đạp đi qua nữa. Ngữ hổn hển hỏi:
– Làm sao gặp lại em? Lúc nào?
Diễm dụi mặt vào vai áo Ngữ để chùi nước miếng đẫm cả mặt vì cái hôn dài nghịch ngợm, nũng nịu nói:
– Ngay tối nay được không?
Ngữ biết Diễm nói đùa, nhưng cũng trả lời thành thực:
– Anh phải về, trễ quá rồi. Ngồi với em quên cả trời đất. Mai gặp em ở đâu?
Diễm vẫn ôm chặt lấy lưng Ngữ, chỉ ngả người ra sau để nhìn rõ mặt Ngữ hơn, đáp:
– Khoảng bốn giờ chiều mai em có việc ra thương xá Tam đa. Mấy chỗ mua băng sỉ của em đổ băng nhạc ra bán, tuy rẻ nhưng cũng kiếm được khá tiền. Em ra đòi tiền họ.
– Được. Mai anh chờ em ở đó. Nhưng em đứng ở chỗ nào? Chờ em ở cửa phía tây nhé?
Diễm gỡ tay Ngữ ra, đáp:
– Dạ, em sẽ đợi ở đó.
Ngữ tham lam hôn gỡ thêm một lần nữa, nhưng lần này Diễm không hôn trả, cười và tránh xa ra, nói nhỏ:
– Thôi, em phải vào nhà. Mai gặp anh.
Diễm chờ cho Ngữ đề máy chiếc Honda rồi mới vẫy tay chào bước về phía đầu đường hẻm. Ngữ chưa cho chiếc xe gắn máy chạy ngay, chờ xem Diễm có quay lại không. Hơi thất vọng vì thấy Diễm đi thẳng, Ngữ quay xe lại qua cầu về đường Nguyễn Huệ. Chàng ghé lại mấy cái sạp hàng tạp hóa còn mở để mua cho vợ hai hộp xà phòng trầm, và mua cho con một gói kẹo Nougat. Ngữ bắt gặp mình có gian ý, đó mặt tự thẹn. Nhưng nỗi hân hoan làm Ngữ bay bổng lên như cánh chim chao lượn trên những tầng mây nhanh chóng lấn áp những mặc cảm mới nhóm.
Ngữ về tới nhà không bị Quỳnh Trang chất vấn về chuyện về trễ, mà chỉ bị cằn nhằn là công việc nhà quá nhiều nàng làm không xuể, không có cả thì giờ ăn cơm tối. Ông Thanh Tuyến lo xay cà phê, hai mẹ con bà Thanh Tuyến thì một người lo cân, một người lo cho những bọc cà phê đựng trong bao ni lông vào các bao giấy dày và cột lại thành gói sẵn sàng để ngày mai Ngữ đi giao hàng. Nét mặt mọi người đều mệt nhọc, thằng Bình ngồi bên mẹ khóc tỉ tê dường như đòi cái gì đó không được mẹ cho. Ngữ đưa gói kẹo cho con, nói chung với cả nhà như một cách bào chữa:
– Nhiều khách hàng bữa nay bắt đầu trở chứng, bắt ngồi đợi cả tiếng đồng hồ mới chịu trả tiền.
Bà Thanh Tuyến tưởng thật, gắt:
– Ai không sòng phẳng tiền nong thì không giao cà phê nữa. Họ cần mình, chứ mình đâu cần họ. Những ai không chịu trả?
Ngữ vội vã nói:
– Họ có xin lỗi, hứa lần sau giao cà phê là họ trả liền.
Quỳnh Trang nhắc con:
– Bình ham ăn nhé! Con đem kẹo lại mời ông bà ngoại đi!
Thằng bé dùng dằng, nhưng cuối cùng cũng đem gói kẹo đậu phụng lại mời ông bà. Sợ người lớn ham ăn như mình, thắng bé lấy sẵn một viên kẹo ra khỏi gói đưa cho ngoại chứ không đưa cả gói. Quỳnh Trang nhắc:
– Còn ba nữa!
Thấy vợ săn sóc mình, Ngữ bắt đầu cảm thấy ân hận. Ngữ đưa cho Quỳnh Trang hai viên xà phòng:
– Lâu lắm mới tìm thấy loại này. Không biết của Hồng kông thật như loại em xài ngày xưa, hay lại made in Chợ lớn.
Quỳnh Trang vội hỏi:
– Giá bao nhiêu một viên?
Ngữ nói giá, cẩn thận trừ đi một nửa. Quỳnh Trang lắc đầu:
– Đồ giả rồi. Xà phòng trầm thứ thật giá phải gấp đôi.
Ngữ lại ân hận nói dối về giá cả, để làm giảm giá trị món quà chuộc lỗi. Chàng đến bên Quỳnh Trang nói:
– Em để anh thay cho.
Quỳnh Trang nói:
– Anh đến thay việc cho thầy. Thầy ngồi lâu mỏi lưng rồi.
Ông Thanh Tuyến bảo rể:
– Anh đến ngồi đây cầm cái túi ni lông hứng cà phê cho tôi xúc cà phê hột đổ vào máy. Chỉ còn một ít thôi, làm cho xong đi.
Quỳnh Trang hỏi:
– Anh ăn uống gì chưa?
– Rồi.
Ngữ đưa tay lên bụng thêm dấu chứng tỏ mình đã no. Khi đưa bàn tay đó lên vuốt tóc, Ngữ giật mình. Chàng vừa ngửi thoang thoảng thấy mùi nước hoa Diễm phẩy lên quần áo. Lo lắng nhìn quanh, Ngữ nói:
– Để anh đi thay đồ đã. Thầy chờ con một chút.
Ông Thanh Tuyến nói:
– Được, anh đi thay quần áo đi. Lên đây tôi nói cái này!
Ngữ giật mình nhìn ông Thanh Tuyến dò xét. Nét mặt ông thản nhiên, không tỏ ra dấu hiệu gì bất thường. Tuy vậy, Ngữ vẫn lo: “Hay trong lúc mình đi chơi với Diễm, ông Thanh Tuyến có xuống Khánh hội tìm Diễm?” Có thể lắm. Từ ngày Tường về, nét mặt ông thường lầm lì khó hiểu. Những cuộc cãi vã giữa hai cha con, Ngữ chỉ được vợ kể lại chứ không bao giờ ông Thanh Tuyến và Tường cãi vã nhau trước mặt Ngữ. Ông bà giấu kín những chuyện không vui của gia đình, xem Ngữ như một người ngoài, không muốn chàng rể thấy những phức tạp rắc rối xảy ra từ khi Tường về. Nhiều hôm dừng xe trước nhà Ngữ nghe trong hiện trà có tiếng đàn ông cải vã to tiếng. Khi Ngữ vào, mọi người đều im lặng, cố làm như không có gì xảy ra. Ngữ không thể yên tâm dù thấy ông Thanh Tuyến thản nhiên bình thường là vì vậy.
Ngữ cởi bộ quần áo đang mặc, kể cả quần áo lót nhét vào thùng đồ dơ để thay quần áo mới. Chàng dí mũi ngửi lên tay, hốt hoảng nhận ra mùi nước hoa của Diễm. Lại phải đi tắm. Mặc quần áo xong, định mở cửa phòng tắm đi ra ngoài với một câu sẵn sàng để nói cho mọi người nghe: “Chà, trời nắng quá, đường sá không ai quét rác bụi ơi là bụi”, Ngữ chợt nghĩ: Coi chừng sáng mai Quỳnh Trang ôm đồ dơ đi giặt. Ngữ lại lôi mớ quần áo khả nghi ra cho vào cái xô, mở khóa xả nước vào ngâm. Câu dự định nói trở thành câu Ngữ hỏi vợ:
– Em cần ngâm trước quần áo dơ của em với con để mai giặt không?
Quỳnh Trang đáp, nét mặt tự nhiên:
– Khỏi cần. Quần áo của anh vải dày, ừ, ngâm trước giùm cho em dễ giặt.
Ngữ mừng thoát nạn, đến ngồi bên cái máy xay cà phê giúp việc cho cha vợ. Ông Thanh Tuyến nói:
– Anh thay tôi xúc cà phê hột đổ vào máy. Để tôi hứng cho.
Ngữ thay chỗ cha vợ, bắt đầu làm việc. Cầm cái xúc bằng tôn dùng xúc cà phê đưa lên, sẵn dịp Ngữ đưa bàn tay lên mũi rà lại xem tay mình còn mùi nước hoa không. Ngữ yên tâm. Ông Thanh Tuyến chờ cho công việc điều hòa, mới nói:
– Tường nó dặn tối nay Ngữ đừng đi ngủ sớm, chờ 10 giờ đêm đi họp về nó nói vài chuyện.
Ngữ lo âu hỏi:
– Chuyện gì vậy thầy?
Ông Thanh Tuyến không trả lời thẳng:
– Anh nên cẩn thận chuyện giao thiệp. Đổi đời rồi, lòng người cũng thay đẩi. Bọn muốn tâng công nhiều lắm. Một số thì mong được họ dùng. Một số lớn hơn vì sợ hãi mà làm, lấy công chuộc tội. Cũng có người làm để chứng tỏ lập trường. Chắc anh hiểu!
Ngữ kinh ngạc đến nỗi quên cả đổ cà phê vào máy, nhìn đăm đăm vào mắt ông Thanh Tuyến. Câu ông vừa nói bất ngờ đối với Ngữ vì không thuộc bản tính của ông. Ngữ từng chứng kiến nhiều đổi thay trong hành động, tính tình ông Thanh Tuyến, qua nhiều đoạn đời khác nhau. Từ một nhà kinh doanh xông xáo tự tin, đeo đồng hồ vàng, lái Toyota đi làm ăn lớn cho tới người tàn phế nằm một chỗ gặm nhấm những nỗi ân hận lớn nhỏ và ưa suy ngẫm những điều bao quát siêu hình, từ một ông già cảm thấy bị thời gian bỏ quên tới một người đàn ông hồi xuân hối hả chạy theo thời gian bị lãng phí vì tàn phế, từ một người chỉ nghĩ tới tiền phớt lờ các biến động thời sự cho tới một kẻ cẩn trọng thủ thân như hiện nay, quả thật ông Thanh Tuyến đã thay đổi nhiều quá. Ngữ không hiểu những lúc không có Ngữ ở nhà, hai cha con ông đã nói gì với nhau, đến nỗi ông thay đổi cả cách sống, lối nghĩ. Ông nhũn nhặn hơn, dễ chịu hơn, chấp nhận những công việc bình thường như là ra tay xay cà phê giúp vợ con. Ngữ hỏi:
– Anh Tường dặn thầy thế à?
– Nó sẽ nói nhiều với anh. Mấy hôm nay anh gặp bạn bè nhiều không?
Ngữ bắt đầu dè dặt, nói bớt mọi thứ lại:
– Con có gặp một số ít bạn viết văn làm báo ở chợ sách. Họ thất nghiệp, nên bán sách cũ để kiếm sống. Thỉnh thoảng rảnh mới rủ nhau đi uống cà phê vậy thôi. Con cũng ngại, không nói gì bậy bạ.
– Anh có gặp những tay ở Bắc vào không?
– Có, vô tình gặp vì họ có quen các bạn cũ của con ở đây. Vài ba người thôi.
– Anh có đến chơi nhà anh Sơn phải không?
– Sao thầy biết?
Ông Thanh Tuyến định nói gì đó, nhưng thấy vợ và Quỳnh Trang lắng nghe câu chuyện hai người đàn ông, nên ông chỉ nói:
– Để Tường nó kể anh nghe rõ hơn. Nhưng đại khái là anh không nên la cà bạn bè nhiều. À, anh có đến thăm các tòa soạn cũ không?
– Chưa. Sao thầy hỏi vậy?
– Đó cũng là những nơi tai vách mạch rừng cần phải tránh xa. Nếu ít bữa họ có bảo khai lý lịch, nhớ đừng đả động gì tới chuyện viết lách.
– Anh Tường nói với thầy thế à?
– Không. Tôi nghĩ như vậy. Thôi, để chốc nữa nó về anh hỏi kỹ hơn. Cái ông người Quảng anh gặp ở nhà Sơn làm việc cùng chỗ với Tường ở trong Khu. Cũng có thời ở Huế đấy! Mình. Xay hết khoản này còn phải xay cái thùng cà phê kia không?
– Không. Cà phê đó họ rang quá lửa, mai trả lại họ. Gần xong chưa mình?
– Gần xong rồi. Gớm, xong việc cái lưng mới thấy mỏi.
***
Từ hôm Tường về đến nay, hai người bạn cũ ít có dịp nói chuyện lâu với nhau, trừ lần Ngữ chở Tường xuống thăm mẹ con Nam. Giữa hai người có nhiều điều tế nhị khó nói, nhất là chuyện Nam. Cuộc tái ngộ có vẻ thuận buồm xuôi mái ban đầu, sau đó trở nên dùng dằng ngượng ngập, thật khó hiểu đối với người ngoài. Cả hai gia đình đều nghĩ Tường với Nam sẽ quên hết mọi chuyện đau buồn xa xưa để bắt tay xây dựng một cuộc đời mới. Nam chịu để cho Tường giới thiệu ghi danh dự một khóa “bồi dưỡng nghiệp vụ” để trở thành giáo viên văn cấp ba vào niên khóa sau. Tường hứa là nhờ quen biết nhiều cán bộ lãnh đạo bên Giáo dục, lúc đó Nam thấy trường nào thuận tiện, gần nhà thì Tường sẽ xin cho Nam dạy ở đó khỏi phải đạp xe đi làm xa. Ai cũng hiểu hai tiếng “lúc đó” Tường nói hàm chứa nhiều điều vui: lúc đó có thể Tường và Nam đã sống chung với nhau, lúc đó hai vợ chồng đã đem con ra ở riêng tại một căn nhà do Nhà nước cấp và sống cuộc đời êm ả bình dị của nhũng gia đình cán bộ công nhân viên được tin cậy ưu đãi, nên Tường không cần hỏi tới những nhiệm sở trong khu vực Thị nghè gần nhà bà Văn, hay khu Lý Thái tổ gần hiệu trà. Phần Quỳnh Trang nàng cũng mừng thầm, vì Tường dọn ra ở riêng giải quyết cho nàng được nhiều khó khăn. Nhà không đủ rộng để có phòng thêm cho cả Nam và cháu Thúy mà Quỳnh Trang thì không thể bỏ cha mẹ, cùng chồng con đi ở chỗ khác được. Cảnh đối xử ngượng ngập bối rối giữa Tường và Ngữ làm cho nàng khổ sở, không an tâm. Quỳnh Trang ái ngại, thương Ngữ mà không biết phải làm cách nào. Nếu Tường dọn ra ở riêng, Quỳnh Trang thấy mọi sự được ổn thỏa.
Nhưng những gì mọi người chờ đợi đều không xảy ra. Cách vài ngày Tường vẫn xuống Thị nghè thăm vợ con. Nam có chú ý sửa soạn cho bữa cơm nào có Tường ăn được tươm tất đầy đủ hơn. Con Thúy có hí hửng đi khoe với lũ bạn gái quanh nhà những sách vở tranh ảnh Tường đem tặng con và phụng phịu mếu máo mỗi lần bị cậu Lãng đem cán bộ bộ đội ra làm đề tài chế giễu, nhưng mọi sự cứ nhẩn nha, dậm chân tại chỗ. Cả Nam và Tường đều không có cái tham lam cuống quít của nhũng người tình cũ gặp lại nhau sau bao năm xa cách. Có thể người nọ cứ chờ đợi người kia phát một tín hiệu bạo dạn nào đó ra trước để đáp ứng, nhưng chờ mãi không thấy. Tường chỉ nói mơ hồ chung chung về một đời sống ổn định trong hòa bình, rất đúng bài bản: “do chiến tranh tàn phá mà Việt Nam chưa có điều kiện thuận lợi tiến thẳng lên xã hội chủ nghĩa được, phải qua một thời kỳ quá độ đầy cam go, phải từ từ lo ăn no mặc ấm cho mọi người dân trước khi đi tới chỗ mọi người đều ăn ngon mặc đẹp”. Nam thất vọng, chỉ chờ nghe Tường định gì cho riêng gia đình mình, chứ không chờ nghe Tường nói về đời sống tươi đẹp của mọi người. Lãng vớ được dịp may, phang vào một câu khôi hài:
– Nè anh Tường, mấy anh tìm đâu ra hai chữ “quá độ” thiệt là hay hết sức. Bây giờ là thời kỳ “quá độ”. Ít lâu nữa tới thời kỳ “quá sá”. Sau đó chuyển qua thời kỳ “quá sức”. Cuối cùng thì mọi người đều “quá cố”.
Tường quắc mắt nhìn Lãng giận dữ, nhưng cũng đủ bình tĩnh để dằn lại, không cãi vã to tiếng. Ba lần Nam dẫn con lên hiệu trà thăm Tường, không khí câu chuyện cũng nhẩn nha gượng gạo như vậy. Quế không chịu được cái gì thiếu phân minh, một hôm hỏi thẳng Tường trước mặt Nam:
– Bây giờ anh chị tính sao đây? Anh vào rừng có cặp với cô cán bộ nào chưa mà về đây cứ ẩm ương vậy?
Nam bị chạm tự ái, nạt em:
– Quế, không được nói hỗn!
Quế bướng bỉnh cãi lại:
– Em không có gì hỗn hào với anh Tường cả. Em thích cái gì cũng phân minh. Thứ nhất, anh chị phải làm đám cưới trở lại cho thân nhân bạn bè biết. Thứ nhì, phải làm giấy khai sinh lại cho con Thúy. Nó mang họ mẹ đâu có vui vẻ gì. Thứ ba là phải tính chuyện sống chung ra sao đây. Không có anh thì mấy chị em phải nương dựa đùm bọc nhau qua ngày, có anh thì khác!
Nam hiểu điều tự hào Quế muốn gói kín đáo trong câu nói- tự ái lại bị va chạm lần nữa. Nàng nói với Quế:
– Tao có thân tao lo, mày khỏi phải thắc mắc.
Tường thì không nói gì, chỉ ngồi nhìn vào hai bàn tay đặt trên bàn. Tình trạng đó kéo dài cho đến đêm Tường nói chuyện với Ngữ.
Ngữ thức chờ Tường đến 10 giờ rưỡi đêm, cả nhà đã tắt đèn đi ngủ trước để tiết kiệm điện. Quỳnh Trang thao thức không ngủ được, nằm trong buồng lắng tai nghe thử anh và chồng nói với nhau những gì, nhưng hai người bạn đã dẫn nhau ra đường, đi tản bộ nói chuyện.
Ngữ hỏi:
– Mày có chuyện gì cần cho tao biết để đề phòng phải không?
Tường im lặng khá lâu để căn nhắc chữ nghĩa, rồi mới hỏi:
– Cách đây bốn hôm, hôm thứ ba, mày có ghé chơi đằng nhà thằng Sơn?
– Có.
– Mày có gặp Ba Liệu?
– Có. Ông ta nói lại với mày à?
– Mày có nói chuyện lâu với thằng Nhã?
– Đúng. Ai báo cáo cho mày?
Giọng Tường có vẻ giận:
– Tao làm cái chó gì mà có người báo cáo với tao! Mày ngu ngơ lắm, chẳng biết cái gì cả. Chính tụi nó gặp mày xong phải tự nguyện báo cáo lại với cơ quan để phòng thân.
Ngữ cũng bắt đầu tức giận:
– Tao làm cái chó gì mà phải phòng thân?
– Mày hỏi câu đó chứng tỏ mày chẳng biết cái mẹ gì hết.
Tường ngưng lại khá lâu, như để lấy lại bình tĩnh. Giọng Tường trở nên đằm hơn, chậm và rõ, như lời tâm sự:
– Mày phải ở vào hoàn cảnh tao và tụi nó mày mới hiểu được. Tụi nó được đưa về đây ngay chứ không như thằng Ngô tức là đã được tin là tinh thần vững, không dễ bị đời sống thực tế trong này lôi cuốn, để cho lập trường chao đảo. Nhưng biết đâu được. Cả một guồng máy chính quyền và một đạo quân đông hàng triệu người vẫn còn đó, ai là người bình thường, ai là người địch cài lại, làm sao biết. Cách mạng đã cài người vào guồng máy chính quyền và quân đội Sài gòn, thì tụi Mỹ tụi Sài gòn đâu có dại gì mà không đặt tay sai ở lại đây. Thử hỏi tụi tao dám tin ai? Cả một bọn sinh viên đấu tranh cũ vào khu công tác đủ ngành bây giờ về đây Sở Công an Thành phố điều động về ráo cũng chỉ vì họ muốn nhờ tai mắt dân địa phương mà thanh lọc người chế độ cũ. Mày đừng ngạc nhiên khi thấy sắp tới bao nhiêu ân oán cũ sẽ xảy ra, tụi ngoài Bắc không biết nhưng sẽ tận dụng dân miền Nam để chơi dân miền Nam. Thằng Ba Liệu hay thằng Nhã gặp mày do vô tình, có thể tụi nó nói chuyện với mày cũng thoải mái thành thật như là hai thằng văn nghệ kháo chuyện với nhau. Nhưng làm sao dám bảo đảm là sau này mày không bị tố cáo chuyện này chuyện nọ. Có thể mày may mắn không việc gì. Có thể mày gặp rủi ro. Mày bị rắc rối, lúc đó những thằng từng nói chuyện với mày cũng bị rắc rối theo. Công an sẽ gọi những thằng đó lên để hỏi là tại sao tụi nó dám liên hệ với một thằng nguy hiểm như vậy, ai cho lệnh liên hệ, tại sao liên hệ rồi thấy có nhiều điểm khả nghi, có vấn đề, mà không báo cáo. Đặt trường hợp đó, thằng Ba Liệu hay thằng Nhã ăn làm sao nói làm sao đây? Lý lịch nó bị tì vết, bị chuyển công tác, bị trả về sản xuất, không được nhẩn nha nộp đề cương rồi khơi khơi đi tìm tài liệu, đi thực tế để vừa chơi vừa viết lách lăng quăng nữa. Sơ hở một chút là thành “phó thường dân”, như trước kia tụi mình vẫn nói. Cho nên không cần lệnh lạc gì cả, thằng nào cũng phải thủ tối đa, phải giữ mình. Đừng nói chi xa, chính tao trước khi dọn đồ về nhà cũng phải báo cáo cho cơ quan biết là tao có một con em lấy một thằng chồng Mỹ có hành tung rất khả nghi, và một ông em rể làm tới trung úy và có viết lách. Nếu tao xin về được bên Tuyên huấn, có thể, tao nói trước, chính tao phải tự nguyện xin đọc và phân tích các truyện mày viết. Cho nên tụi nó gặp mày xong thì không cần ai nhắc nhở cũng phải vội thông báo cho Phòng Tổ chức của cơ quan tụi nó biết. Phòng Tổ chức biết tức là Công an biết, Tuyên huấn biết.
Ngữ bỡ ngỡ hỏi:
– Phòng Tổ chức là cái quái quỷ gì mà quyền hành lớn vậy?
– Là Phòng Nhân viên, nhưng không phải Phòng Nhân viên theo cái nghĩa thông thường. Sinh mệnh chính trị của mày, tức là đời sống của mày, do Phòng Tổ chức nắm. Nó có quyền tuyển dụng mày, sa thải mày, bỏ tù mày. Mày có hiểu vì sao mày mới đi chơi nói lăng quăng vài câu người ta đã biết hay chưa?
Ngữ bàng hoàng rồi lo sợ, tuy chưa rõ lo sợ cái gì. Tường tiếp:
– Anh em trong nhà, tao thành thực khuyên mày từ nay đừng la cà nhiều tới những chỗ quen biết cũ, gặp quen gặp lạ gì cũng đừng nên vui miệng nghĩ sao nói vậy. Nếu nay mai có lệnh bảo quân nhân và giới viết lách đi trình diện, thì mày nên trình diện theo diện quân nhân, đừng khai theo giới viết lách. Mày mới là trung úy, trên mày còn có vô khối thằng tá thằng tướng, mày chỉ là con tép riu. Nhưng mày khai mày là dân cầm bút, thì người ta nhìn mày khác ngay. Thằng Ba Liệu đã nói gì với mày?
Ngữ nói:
– Thì vẫn bấy nhiêu cái lý luận cũ mèm tao đã nghe tay chủ bút tờ “Làm Dân” dạy dỗ từ trước.
Tường hỏi kỹ hơn:
– Nhưng nó lập luận thế nào? Có phải nó bảo mày không phân biệt được tiến bộ với phản động, nhập nhòe chính tà, tung hỏa mù làm lạc hướng đấu tranh hay không?
– Thì đại khái như vậy.
– Có phải nó dẫn chứng hai cái truyện mày cho đăng trên số Tết Mậu Thân, truyện “Dọc Đường” và “Mùa Xuân Qua Đèo” phải không?
– Phải. Tay chủ bút tờ “Làm dân” đem mổ xẻ hai cái truyện ấy. Còn Ba Liệu thì chỉ mới nhắc tới truyện “Dọc Đường” thôi. Tao hơi ngạc nhiên là hai người ở hai thời điểm khác nhau nhưng hễ gặp tao là đều nói y một kiểu, đều đem hai truyện ấy ra bàn.
– Vì trường hợp của mày, truyện mày viết bị đem ra phân tích, mổ xẻ tại Ban Tuyên huấn trong Khu. Khi xếp loại, họ phân vân về mày. Thà mày chống Cộng rõ ràng theo kiểu Võ Phiến, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Mạnh Côn, Mai Thảo đi, tiện cho họ sắp xếp. Khỏi mất công bàn cãi lôi thôi, xếp vào danh sách “những tên biệt kích văn nghệ Mỹ Ngụy” rồi chấm dứt cuộc họp để thì giờ đọc báo Sài gòn xem Lệnh Hồ Xung với Doanh Doanh đi đâu làm gì. Hoặc mày có viết sách diễm tình ba xu cũng tiện cho họ, xếp mày vào hạng “đồi trụy dâm ô” là xong. Đằng này mày với mấy thằng nữa cứ viết cái kiểu ấm ớ, khi chửi bên này, khi mắng bên kia. Xếp mày tiến bộ thì không xong, xếp vào hạng phản động biệt kích cũng không ổn. Bàn cãi mãi, sau có thằng đưa ra ý kiến tao nghe lạnh xương sống. Nó nói cái lối nửa nạt nửa mỡ chống chiến tranh đề cao tình thương mới là đòn độc hại nguy hiểm của Mỹ Ngụy. Nó bảo chính bàn tay CIA sau khi nghiên cứu thấy chống cộng trực tiếp không còn ăn khách nữa, bèn tung ra loại văn nghệ xám, lập trận hỏa mù làm cho thanh niên hoang mang không thể phân biệt đâu là ta địch, bạn thù. Nó liền kết truyện mày viết với truyện chưởng Kim Dung, nhạc thằng Sơn để kết luận rằng mũi dùi xung kích văn hóa địch không còn nằm ở loại văn nghệ tâm lý chiến mà nằm ở đây, nó đặt tên là loại “văn nghệ ngụy dân tộc”. Mày thấy chưa, hai truyện ngắn của mày ai cũng biết là vì vậy.
Ngữ cãi:
– Tụi bay toàn ăn tục nói phét, ngồi trong rừng không biết làm gì vẽ con chuột thành con voi để lập công. Tao là hạng cây bút cà mèng, sách bán ế, tiếng tăm chưa qua khỏi vòng bạn bè mà tụi bay vẽ rồng vẽ rắn đủ thứ!
– Tao cũng biết như thế nhưng tao không dám nói. Ai cũng biết mày lấy Quỳnh Trang, mày và tao là bạn học cũ với nhau. Phần tao cũng có nhiều chuyện đáng lo, gánh sao nổi thêm chuyện mày. Nhất là hồi từ Huế rút lên rừng sau Mậu Thân. Mày chờ thằng Ngô về nó sẽ kể hết cho nghe. Tao muốn quên cái thời đó đi, không muốn nhắc tới nữa. À, tao quên là cái thằng đưa ra lối xếp loại nguy hiểm đó còn kèm vụ Mậu Thân vào cách viết của mày. Nó nói không phải vô tình mà mày cho đăng hai cái truyện đó vào hai số báo Tết Mậu Thân. Nó bảo địch với một guồng máy tình báo tinh vi đã đánh hơi thấy trận tổng tấn công của ta, nên mở chiến dịch tâm lý chiến để đánh lạc hướng thanh niên, kềm hãm cuộc nổi dậy của nhân dân tiến bộ vùng tạm chiếm. Trận hỏa mù đó hiện rõ trong hai truyện ngắn “Dọc Đường” và “Mùa Xuân Qua Đèo” của mày .
– Tụi mày hiếp dâm văn chương kiểu đó thì chỉ đẻ ra toàn quái thai mà thôi. Mày nhắn lại với Ba Liệu y nguyên văn như vậy. Tao hoàn toàn chịu trách nhiệm, đéo sợ thằng nào cả.
Tường im lặng hồi lâu, rồi nói:
– Mày làm được gì! Mày coi, sĩ phu Bắc hà đâu phải là hạng vừa, nhưng họ làm được gì? Tao nghe tin mày gặp Ba Liệu mới hốt hoảng báo động cho mày biết. Mày rán tránh những chỗ đó. Mày không còn được sống hồn nhiên như trước đâu. Mày gặp nhiều tay cừ từ Bắc vào mày mới thấy: họ chỉ cười cười, làm như không biết gì, ăn nói nhũn nhặn, chịu khó lắng tai nghe tụi mày huyên thiên rồi gật gù tán thành. Mày đừng tưởng bở. Họ đã qua cái cầu tụi mày sắp qua, cười cười như vậy nhưng họ biết hết. Mày rán nín thở qua sông đi, Ngữ!
Nguyễn Mộng Giác
Số lần đọc: 3194