Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàMùa Biển ĐộngTập 5 - Tha HươngMùa Biển Động - Chương 166

Mùa Biển Động – Chương 166

(Mùa Biển Động – Chương 166)

Buổi sáng thức dậy chuẩn bị thay quần áo đi làm thì Tường nghe bên ngoài có tiếng Quỳnh Trang đang nói chuyện với một người đàn bà lạ, người khách nói giọng Huế. Chàng ngưng đánh răng khi nghe em gái nói:

– Tâm ngồi chơi, đợi chị vào gọi ảnh ra. Anh Tường vừa thức dậy.

Quỳnh Trang xuống bảo Tường:

– Anh ra tiếp khách.

– Ai thế?

– Học trò cũ của anh. Cô ấy đến tìm anh trưa hôm qua, em dặn sáng nay phải tới sớm trước giờ anh đi làm mới gặp anh được.

– Có chuyện gì vậy?

– Tâm nó định nhờ anh chuyện gì đó.

Quỳnh Trang bỏ ra trước tiếp khách, không thấy nét mặt nhăn nhó của anh. Từ ngày Tường về, nhiều người quen cũ thường tới nhà nhờ vả Tường can thiệp chuyện này chuyện nọ. Họ tưởng Tường có thế lực lớn, Tường chỉ cần nói một tiếng là xong. Tường thường tìm cách từ chối bằng cách nói rằng mình chỉ là một cán bộ văn hóa cấp thấp, thế lực nhỏ nhoi không thể can thiệp được cho ai cả. Những người đến nhờ vả Tường không tin lời Tường, có người cho rằng Tường ỷ đứng vào phe chiến thắng khinh bỉ những người thân quen cũ nay đã thất thế. Có người nói riêng với Quỳnh Trang hoặc bà Thanh Tuyến rằng nếu Tường cần “chút ít” để đãi đằng thượng cấp cho xong việc họ, họ cũng không tiếc gì, miễn là được việc. Bà Thanh Tuyến và Quỳnh Trang không dám kể những đề nghị ấy cho con và anh nghe, tuy trong lòng cũng thầm hãnh diện về thế giá của gia đình trong hoàn cảnh mới.

Tường ra phòng trước thấy một thiếu phụ khoảng trên dưới ba mươi mặc quần lụa đen áo bà ba trắng, mái tóc uốn không chải mà cột túm ra sau ót bằng một sợi dây cao su. Tuy cách ăn mặc cốt làm cho ra vẻ cẩu thả xuề xòa hợp thời trang, nhưng phong thái của thiếu phụ vẫn còn giữ được vẻ đài các của một phụ nữ từng một thời khá giả. Khách lạ thấy Tường ra, vội đứng dậy gật đầu chào Tường. Giọng Huế chậm rãi rõ ràng dù có hơi run vì xúc động:

– Chắc thầy không nhớ con đâu! Con là Tâm, học Đồng Khánh sau chị Trang hai năm. Năm con lên đệ nhất có học triết với thầy. Lớp đệ nhất A2, cùng lứa với Thu Nhi và Bích Đào, thầy nhớ không?

Tường mời khách ngồi xuống ghế, còn Tường thì vẫn đứng để cho khách hiểu là đã tới giờ đi làm, không thể tiếp khách lâu được. Tường thú thật:

– Tôi dạy nhiều lớp quá, bây giờ gặp lại học trò cũ nếu không xưng thì tôi chịu, không nhận ra được. Cô Tâm vào đây lâu chưa?

– Dạ gia đình con mới vào Sài gòn mấy tháng nay thôi. Trước đây chồng con làm việc ở Nha trang, hồi tháng Tư mới chạy giặc vào đây. Con…

Thiếu phụ vội ngưng không nói tiếp nhìn ông thầy cũ dò phản ứng vì vừa lỡ lời nói tới hai tiếng “chạy giặc”. Không thấy Tường thay đổi nét mặt, Tâm nói tiếp:

– Anh Vĩnh chồng con trước làm Trưởng ty Tài chánh ngoài đó. Con xin vắn tắt để khỏi mất thì giờ của thầy. Chạy… chạy vào trong này, tụi con có mua một cái nhà nhỏ trên Tân bình để có chỗ cho lũ con ở. Khổ lắm thầy ơi! Thời buổi loạn lạc mình chạy vào đây bà con làm ngơ sợ mình ăn bám họ cả đời. Tụi con ở tạm nhà các anh chị một thời gian không xong, cuối cùng phải mua nhà. Căn nhà nhỏ ở trong hẻm Hồ Biểu Chánh, tiền dành dụm của hai vợ chồng con chỉ đủ để mua căn nhà đó thôi.

Tường sốt ruột hỏi.

– Có phải căn nhà đó hiện bị cán bộ chiếm phải không?

– Dạ. Thầy thông cảm cho hoàn cảnh tụi con. Nhà con bị đi học tập rồi…

– Nhưng vì sao nhà gia đình Tâm đang ở mà cán bộ nào dám tới chiếm nhà được?

Thiếu phụ bối rối, hai bàn tay xoăn lấy nhau để cố giữ bình tĩnh:

– Tụi con tưởng Sài gòn thế nào cũng bị bom đạn nặng. Lúc đó họ đồn đãi ghê lắm thầy ơi. Tụi con sợ, dẫn các cháu về phía nội ở Vũng tàu, chờ khi nào “Sài gòn được hoàn toàn giải phóng” thì lại về. Tụi con đem các cháu về đây hôm mồng Hai, tới nhà thì nhà đã bị niêm phong. Con lo quá, không biết phải khiếu nại ở đâu. Chưa kịp làm gì thì ngày hôm sau nhà đã bị lấy làm trụ sở cho Thanh niên. Bây giờ Thanh niên tìm được căn phố lầu phía trước, lại có một gia đình cán bộ tới ở. Thầy thương giùm tình cảnh gia đình con…

Tâm không nói tiếp được nữa, bắt đầu khóc.

Tường không chịu đựng được tiếng khóc của đàn bà, vội hỏi:

– Nhưng Tâm mua nhà có giấy tờ gì không?

Thiếu phụ mừng rỡ, ngửng lên nói:

– Dạ có. Hai bên có làm giấy tay, chữ ký có thị thực của Phường, thị thực quận Tân bình.

– Tâm đã trình giấy tờ đó cho Ủy ban Nhân dân Phường chưa?

Giọng Tâm pha đôi chút bực tức:

– Con có trình đủ cả, ở Phường cũng như ở Quận. Họ bảo giấy tờ chế độ ngụy không còn giá trị nữa. Con tức quá, hỏi như vậy thì bao nhiêu giấy khai sinh hôn thú của dân Miền Nam bây giờ vô giá trị hết sao. Xin lỗi thầy lúc đó con dại quá, không biết giữ lời. Họ lại quay sang hỏi con tại sao khoá cửa nhà xuống Vũng tàu? Con bảo dẫn lũ cháu đi thăm nội, họ bảo tụi con định di tản, chạy theo đế quốc Mỹ… Tụi con…

Tường liếc nhìn đồng hồ, cắt lời khách:

– Thôi, tôi hiểu đại khái câu chuyện rồi. Bây giờ tôi phải đi làm. Tôi có quen với đồng chí Bí thư quận Tân Bình. Ngày mai tám giờ, Tâm đến đây đi với tôi lên quận Tân bình. Tôi sẽ nhờ đồng chí Năm Được ra lệnh cho Phường trả lại nhà cho Tâm. Chắc không khó đâu. Mới tiếp quản Sài gòn đã chiếm nhà của dân, đâu có được.

Thiếu phụ mừng quá, cảm ơn Tường rối rít. Quỳnh Trang lúc đó mới chen vào, bảo cô bạn nhỏ.

– Tâm yên tâm đi. Thấy không, nghe qua, chị đã nói với em là có lẽ anh Tường giúp em được việc này.

Tường nói:

– Chưa chắc đâu, nhưng tôi sẽ cố hết sức. Ngày mai tôi xin nghỉ một buổi để giúp cho Tâm. Thôi, bây giờ tôi phải đi làm. Tâm ở lại chơi với Trang nhé!

***

Dường như Nhã chờ đợi Tường đã lâu nên khi thấy Tường tới cơ quan, Nhã mừng rỡ reo lên:

– A! Cậu tới rồi. Gớm, bận việc gì mà tới trễ thế?

Tường nhìn đồng hồ. Đã chín giờ rưỡi. Chàng nói dối, nói khá to cốt cho cả Ba Liệu và Mười Chí cùng nghe:

– Bị chiếc xe gắn máy hành! Khổ ghê, xăng dạo này tụi con buôn lưu manh cứ pha dầu hỏa vào, chạy phun khói đầy đường mà ít ngày bu-gi lại bị đóng chấu.

Nhã trỏ đống sách trên bàn Tường, nói:

– Cậu được phân công đọc lô sách này rồi làm bản báo cáo cho hội nghị chuyên đề tuần sau. Nhưng cậu đã cà phê cà pháo gì chưa?

Tường liếc về phía hai đồng nghiệp. Cả Mười Chí lẫn Ba Liệu đều đang chăm chỉ làm việc, không ai ngước nhìn lên hoặc có vẻ như đang nghe cuộc đối đáp giữa Tường và Nhã. Tường e ngại hỏi:

– Cậu định bao cà phê cho tôi à?

Nhã cười:

– Ừ! Ta đi nửa giờ chứ mấy.

Không chờ Tường đồng ý, Nhã xếp dọn bàn làm việc của mình trước. Hai người kéo ra cái quầy cà phê gốc me ngay góc đường Nguyễn Trung Trực và Nguyễn Du.

Nhã cầm theo cuốn sách mỏng bìa có bọc giấy bao nên Tường không biết là cuốn gì.

Nhã gọi hai tách cà phê và bốn điếu thuốc Ruby Quân tiếp vụ. Tường nhắp một ngụm cà phê, than:

– Nhà tôi bán cà phê, uống loại ngon đã quen. Uống phải thứ cà phê pha bắp rang này, chán quá!

Nhã nói:

– Ối! còn ngồi thoải mái uống cà phê dỏm thế này là sướng chán. Ít lâu nữa phải xếp hàng tranh nhau cốc cà phê loãng ở cửa hàng ăn uống quốc doanh, lúc đó lại tiếc. Này, Lê đình Ngữ là em rể cậu phải không?

Tường đang uống cà phê, vội dừng ngay lại, bắt đầu cảnh giác. Tường hỏi:

– Phải. Cậu hỏi làm gì thế?

Nhã cầm cuốn sách mỏng lên nói:

– Hôm trước gặp Ngữ ở nhà Sơn, hắn có khuyên tôi nên đọc cuốn này. Hắn nói đúng. Tôi đọc đi đọc lại ba lần, nghiền ngẫm từng câu từng chữ. Gớm thật! Đầu óc tôi bị đảo lộn hết.

Tường đỡ quyển sách mỏng Nhã đưa. Cuốn Bài Học Lịch Sử của Will và Ariel Durant, bản dịch của Nguyễn Hiến Lê và do nhà Lá Bối xuất bản. Nhìn năm in bản dịch Việt ngữ là 1973, Tường nói:

– Tôi chưa đọc cuốn này. Có gì hay không?

Nhã hăng hái nói:

– Cậu phải đọc mới thấy ghê! Đả cho được lối lý luận của cặp vợ chồng này không phải dễ đâu. Có thể tôi sẽ tìm đọc thêm để viết một bài cho tờ “Triết học”. Này, cậu đưa sách đây tôi đọc cho cậu nghe đoạn này. Để xem. Trang 22. Đây rồi, một đoạn trong chương ba:

…Bài học đầu tiên của lịch sử: đời là một cuộc cạnh tranh. Cạnh tranh không phải chỉ là việc làm ăn mà là việc sinh tử. Cuộc cạnh tranh đó ôn hòa khi có nhiều thức ăn, và trở nên tàn bạo khi số miệng ăn nhiều hơn thức ăn. Các loài vật ăn sống nuốt tươi lẫn nhau mà không biết ân hận gì cả; còn con người văn minh thì thủ tiêu nhau một cách hợp pháp. Sự hợp tác quả thật có đấy, và gia tăng theo sự phát triển xã hội đấy, nhưng phần lớn chính vì nó là một công cụ và hình thức cạnh tranh. Chúng ta hợp tác trong đoàn thể của chúng ta, trong gia đình, xã hội, hội ái hữu, giáo hội, đảng, chủng tộc hoặc quốc gia của chúng ta, để làm tăng cường tư thế cạnh tranh của tập thể chống với các tập thể khác. Tập thể cũng như cá nhân, khi cạnh tranh thì đều tham lam, hiếu chiến, thiên vị và kiêu căng. Quốc gia gồm nhiều người như chúng ta, nên chúng ta ra sao thì quốc gia như vậy, chỉ khác là bản chất của quốc gia đậm hơn, rõ rệt hơn và cái thiện cái ác của quốc gia cũng lớn hơn của cá nhân rất nhiều. Chúng ta tham lam, hay gây lộn bởi vì trong huyết quản còn dòng máu của ngàn thế hệ đã phải săn đuổi, chiến đấu, giết chóc để sinh tồn, và đã phải ăn đến phình bụng ra vì sợ còn lâu mới kiếm được con mồi khác. Chiến tranh là cách săn mồi để ăn của một quốc gia. Nó tạo ra sự đoàn kết chính vì nó là hình thức cạnh tranh tối cao. Khi nào các quốc gia chưa trở nên thành phần của một tập thể lớn hơn và được tập thể che chở hữu hiệu thì chúng còn tiêp tục hành động như cá nhân và gia đình trong thời kỳ săn mồi”.

Đấy, cậu thấy không. Tôi đọc đoạn này rồi cứ suy nghĩ hoài. Tôi đối chiếu lối nhìn này với những gì chúng ta đã viết đã tự hào, thú thật với cậu lòng tôi bắt đầu chao đảo. Tôi tự hỏi: phải chăng chúng ta đang còn ở trong “thời kỳ săn mồi”? Chúng ta đang hả hê tham lam vì sau mấy mươi năm khổ cực lội suối băng rừng, cuối cùng chúng ta vồ được miếng mồi béo bở? Rồi nhìn quanh thấy các cụ nhà ta giành nhau nhà đẹp, xe mới, tôi choáng váng. Hóa ra những gì đang xảy ra ở đây, hai ông bà cụ người Mỹ ở cách xa chúng ta nửa vòng trái đất đã thấy từ lâu.

Tường nhớ lại chuyện cô học trò cũ nhờ vả, nhưng chỉ dám phát biểu nhát ngừng:

– Có lẽ ông bà ấy bi quan quá, nhìn con người tầm thường nhỏ nhoi như một sinh vật trên trái đất này mà thôi. Nếu…

Nhã cắt lời tường.

– Không, đọc cả cuốn cậu sẽ thấy họ lạc quan chứ không bi quan. Họ nhìn thẳng vào lịch sử và mạnh dạn đưa ra những suy diễn chung, tuy có nói từ đầu rằng trong thời đại tốc độ biến chuyển đi quá nhanh như hiện nay, căn cứ vào dĩ vãng để rút một bài học cho tương lai là một việc làm hồ đồ nguy hiểm. Cái ghê gớm đáng sợ là giọng đĩnh đạc khách quan đó. Nó làm cho mọi điều chúng ta đang hô hào cổ động với biết bao nhiêu là mỹ từ đều trở thành trò bông phèng hết. Để tôi đọc cho cậu nghe đoạn tiếp:

“Đây là bài học thứ hai của lịch sử: đời là một cuộc đào thải. Trong sự cạnh tranh để có thức ăn, một số thất bại. Trong cuộc đấu tranh để sinh tồn, một số người được trang bị kỹ hơn các người khác. Vì Tạo hóa (ở đây có nghĩa là toàn bộ thực tại và các diễn trình của nó) chưa đọc kỹ bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ hoặc Tuyên ngôn Nhân quyền của Cách mạng Pháp, nên sinh ra chúng ta đã không tự do bình đẳng: ta phải chịu những di truyền về thể xác và tinh thần, chịu sự chi phối của tập quán cùng truyền thống của tập thể ; mỗi người một khác về sức khỏe, về sức mạnh, khả năng tinh thần và tính khí. Tạo hóa thích dùng sự dị biệt đó làm chất liệu cần thiết cho sự đào thải và tiến hóa. Ngay cả anh em sinh đôi cũng khác nhau rất nhiều, và không có hai hạt đậu nào hoàn toàn giống nhau cả.

Sự bất bình đẳng không những chỉ tự nhiên và bẩm sinh mà còn gia tăng cùng với sự phức tạp của nền văn minh. Sự bất bình đẳng về di truyền gây nên sự bất bình đẳng nhân tạo trong xã hội. Bất cứ một phát minh hoặc khám phá nào cũng đều do những cá nhân xuất sắc tạo ra và lợi dụng khiến cho người khoẻ lại khỏe thêm và kẻ yếu hóa ra yếu hơn. Phát triển kinh tế gây ra sự chuyên môn hóa các chức vụ, dị biệt hóa khả năng, do đó mà có kẻ quí người hèn đối với tập thể .

Nếu biết rất kỹ các người đồng loại thì chúng ta có thể chọn ba mươi phần trăm số người mà khả năng gom lại cũng nhiều bằng tất cả số bảy chục phần trăm kia. Cuộc sống và lịch sử đã lựa chọn, đào thải như vậy đấy, sự bất công vĩ đại đó làm cho ta nhớ tới Thượng Đế của…”

Nhã lúng túng chìa sách cho Tường hỏi:

– Của… của… tên người này đọc thế nào nhỉ?

Tường nhổm người choàng qua bàn gỗ nói:

– Calvin. Đọc là Can-ven. Tiếng Pháp ấy mà.

Nhã đỏ mặt vì mặc cảm không biết Pháp ngữ, cắm cúi đọc tiếp:

“…Tạo hóa mỉm cười chế nhạo sự phối hợp giữa Tự do và Bình đẳng trong thế giới không tưởng của chúng ta. Bởi vì Tự do và Bình đẳng vĩnh viễn là hai kẻ thù không đội trời chung. Khi cái này mạnh thì cái kia phải chết. Cho con người ta được tự do thì sự bất bình đẳng tự nhiên giữa họ với nhau sẽ tăng theo cấp số nhân, như đã xảy ra tại Anh và Mỹ vào thời kỳ tự do kinh doanh ở thế kỷ mười chín. Muốn chặn bớt sự bất bình đẳng thì phải hy sinh tự do như ở Nga sau 1917. Ngay cả khi bị kiềm chế, sự bất bình đẳng vẫn cứ gia tăng. Chỉ những người ở dưới mức trung bình về khả năng kinh tế mới muốn có bình đẳng. Những người nào cảm thấy tài giỏi thì lại muốn tự do. Rốt cuộc hạng tài năng thường được toại nguyện”.

Cậu thấy không, kinh khủng quá! Đọc xong đoạn này, tôi có cảm tưởng như vừa bị ai dùng thanh gươm sắc vụt một nhát chém lìa đôi chân. Bao nhiêu căn bản lý luận lâu nay mình vẫn dựa vào đó để sống, phút chốc tan ra mây khói hết! Cái nguy là ở chỗ đó. Nhất là cách hai ông bà nói về Tự do và Bình đẳng. Ở đoạn sau, họ nói thêm là nhân loại hiện nay chỉ có thể lựa chọn giữa hai con đường: hoặc cho tự do để phồn thịnh trong bất bình đẳng, hoặc hạn chế tự do để bình đẳng trong nghèo đói. Chúng ta đang chọn vế sau. Làm thế nào để đả phá lập luận ghê gớm ấy nhỉ?

Tường đáp:

– Thử liệt ông bà Durant vào hạng “tự-nhiên-chủ-nghĩa” xem sao.

Nhã vui mừng:

– Phải đấy. Phản động vì muốn duy trì nguyên trạng bất công. Nói cho có nói vậy thôi, chứ nếu viết bài mà dẫn chứng mấy đoạn tôi vừa đọc cho cậu, thì cãi thế nào cũng chỉ là cãi chầy cãi cối. Đoạn nào cái lý của họ mạnh quá, mình lờ đi đừng dẫn chứng. Tôi sẽ viết một bài cho tờ Triết học. Cậu đón xem!

***

Hai người trở lại cơ quan thì Ban Đời sống đã phân phối xong nhu yếu phẩm tiêu chuẩn cho công nhân viên. Chị nữ công chức cũ của Phủ Quốc vụ khanh Đặc trách Văn hóa được lưu dung ở cơ quan đã xong công việc, cẩn thận lấy lòng cán bộ, bằng cách bỏ hết thịt, cá hộp, bột ngọt, bột giặt, thuốc lá, đường sữa… vào bao bì và mang tới đặt lên bàn làm việc của Tường và Nhã. Vừa tiếp quản Sài gòn chưa đầy hai tháng, kho đụn tịch thu được còn đầy, nên tiêu chuẩn nhu yếu phẩm phân phối cho cán bộ công nhân viên còn khá. Mỗi kỳ phát nhu yếu phẩm, cơ quan như mở hội, mọi việc quan trọng tới đâu cũng gác cả lại, hồ sơ giấy tờ xếp vào hộc bàn, từ thủ trưởng tới chú bảo vệ hớn hở bu vào đống hàng chị phụ trách đời sống vừa chở về, cá thịt bày ra ngay giữa văn phòng để cắt thái, cân đo. Tường và Nhã mải bàn về chuyện lớn trùm vũ trụ trở về muộn, hụt không tham dự được vài giờ chung vui.

Tường nhìn thoáng qua bọc nhu yếu phẩm, nhấc để xuống nền phòng rồi tiếp tục làm việc chứ không mở ra xem trong đó có những gì. Chàng liếc qua phía bàn Nhã. Bọc nhu yếu phẩm của Nhã lớn gấp đôi bọc của Tường. Tường không còn ngạc nhiên như buổi đầu nữa: nhu yếu phẩm phân phối cho cán bộ nhân viên theo giá rẻ không đồng đều như nhau hoặc theo nhân số gia đình, mà tùy thuộc vào bậc lương. Ai cán bộ cấp cao, bậc lương cao thì được hưởng tiêu chuẩn nhiều hơn. Nhã thuộc hạng cán bộ nghiên cứu thuộc diện chính qui, bậc lương cao nên kỳ nào nhu yếu phẩm cũng gấp đôi gấp ba các người khác.

Tường nhớ lại mấy đoạn Nhã vừa đọc của Will và Ariel Durant, thấy ngay cả khi hạn chế tự do để cố tạo bình đẳng vẫn không thể tạo ra được bình đẳng. Một lập luận Tường vẫn thường nghe là: ai phục vụ nhân dân nhiều thì được nhân dân đền bù tương xứng. Sự bất công được giải thích bằng triết lý công bằng.

Ở bên cạnh, Nhã soạn hết những thứ phân phối ra bàn để kiểm soát lại từng món, lấy món nào ra Nhã cũng nhẹ tay chậm chạp như nâng niu những đồ trân quí, mắt sáng lên không che giấu niềm sung sướng. Những nhân viên lưu dung háy mắt với nhau mỉm cười quan sát Nhã. Nhã biết nhưng vẫn tiếp tục soạn các món ra. Bỗng Tường thấy mặt Nhã cau lại khó chịu. Nhã nhìn khắp phòng như muốn tìm ai. Chị phụ trách Ban Đời sống vẫn còn đứng đó, lo lắng hỏi:

– Đồng chí Nhã có bị thiếu thứ gì không? Tôi đã kiểm kỹ rồi mà, có đủ hai tút thuốc Captan và một tút Bastos, ba hộp sữa, 200 gam…

Nhã vội nói:

– Không, đủ cả. Cảm ơn chị.

Từ đó Nhã cắm cúi đọc sách, ghi chép như mọi người cho đến lúc tan sở. Lúc ra bãi đậu xe lấy xe đạp, Nhã đến gần Tường nói:

– Tụi khốn nạn. Không có mặt mình ở đó là chúng nó giở trò ngay. Cậu nghĩ xem, ba lon sữa của tôi chúng nó giao toàn những lon đã bị móp. Muốn gửi về Bắc cho bà cụ, lại phải đem ra chợ bù tiền để lấy những hộp không bị móp coi cho được một chút. Còn nửa ký thịt của cậu, cậu đã giở ra kiểm soát chưa? Phần tiêu chuẩn của tôi toàn thịt bầy nhầy, chỉ dính có được tí nạc. Thế có tức không chứ!

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 3199

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây