Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàMùa Biển ĐộngTập 5 - Tha HươngMùa Biển Động - Chương 173

Mùa Biển Động – Chương 173

(Mùa Biển Động – Chương 173)

Mãi tới khoảng cuối năm, Quỳnh Trang mới nhận được lá thư đầu tiên của Ngữ. Đây là niềm vui duy nhất trong suốt thời kỳ gia đình lâm vào cảnh khốn khó. Đúng như lời báo động của ông Điển chú họ, Nhà nước đã dùng chính sách đánh thuế thật nặng để dẹp hết cảnh buôn bán của tư nhân. Cán bộ thuế hạch hỏi đủ điều làm như buôn bán lâu nay là một cái tội, ghi chép hết mọi khoản thu chi, hứa hẹn một giá biểu thuế phải chăng để “bà con cô bác còn điều kiện giúp đỡ Nhà nước lưu thông phân phối nhu yếu phẩm cho nhân dân, trong thời gian Nhà nước chưa tổ chức được guồng máy mậu dịch”. Bà Thanh Tuyến mỉm cười yên tâm, nghĩ dù họ có tính bao nhiêu phần trăm thuế đi nữa thì vẫn còn chút ít để sống, do bà không dại gì khai đủ các khoản thu nhập. Bà lầm to. Phòng thuế tự ý định các nguồn thu nhập cửa hiệu trà, phỏng định một ngày bán được bao nhiêu ký trà và cà phê, rồi nhân số tiền ấy lên đủ ba mươi mốt ngày mỗi tháng, bất kể những tháng dương lịch thiếu, chỉ có ba mươi ngày. Chưa hết. “Do nhu cầu xây dụng đất nước sau bao nhiêu năm bị đế quốc Mỹ tàn phá”, phòng thuế còn buộc những người “lâu nay làm giàu bằng chiến tranh xâm lược” phải có nghĩa vụ đóng góp một số phụ thu. Vơ vét hết tiền bạc, bán tư trang nộp thuế xong, chỉ còn có nước đóng cửa hiệu trà.

Trong vòng có vài tuần, bộ mặt Sài gòn thay đổi. Tất cả các cửa tiệm hàng phố đều đóng cửa, hàng hóa trước đây bày biện gọn ghẽ đẹp mắt trên các giàn tủ thì bây giờ bầy làm mẫu lơ thơ trên những tấm vải bạt ni lông. Trông hàng là những đứa trẻ con hoặc những người già cả. Ai muốn mua thứ gì thì lấm lét thì thào với người bán, sau khi hai bên đồng ý giá cả, họ lại lén lút hẹn nhau nơi khác để giao hàng nhận tiền. Công an kéo nhau từng đoàn đi dẹp những cửa hàng lưu động ở vỉa hè, mỗi lần bóng áo vàng hiện ra ở đầu phố là lũ trẻ con báo động để cha mẹ túm nhanh bốn góc tấm bạt chạy trốn vào ngõ hẻm.

Bà Thanh Tuyến phải ngồi trên cái ghế gỗ đặt trước cửa nhà, bên cạnh tấm các-tông bày vài món hàng mẫu để chờ liên lạc với các thân chủ quen. Ông Thanh Tuyến núp trong nhà chuẩn bị giúp vợ giấu hàng, hoặc chở cà phê đi giao cho những khách hẹn. Quỳnh Trang thì trở lại cuộc đời bôn ba cũ. Nàng phải gửi con cho mẹ để lên Bảo lộc mua lậu trà và cà phê. Người bán lấm lét hớt hải như đang bán đồ ăn trộm. Người mua trả tiền xong cứ hồi hộp không biết có đem được hàng về tới Sài gòn không. Quỳnh Trang phải đút thêm tiền để xe đò chịu đón nàng giữa rừng, gần tới các trạm kiểm soát phải quăng hàng xuống, vác bộ một đoạn rồi qua khỏi trạm lại đưa hàng lên. Tay chân Quỳnh Trang đầy những vết gai rừng, nàng ốm nhanh vì khổ và lo.

Tối hôm ấy vừa về tới nhà Quỳnh Trang được mẹ đưa cho lá thư của Ngữ. Thư không địa chỉ, chỉ có số “hòm thư”. Nàng hồi hộp quá, tay run lẩy bẩy bóc mãi không được mép lá thư. Bà Thanh Tuyến nhìn con, cảm động nói:

– Thì lấy kéo mà cắt. Từ từ đã nào. Con xem thử hiện nay họ giam nó ở đâu.

Quỳnh Trang không thể kiên nhẫn được nữa, luồn ngón tay út vào mép lá thư để rạch rời cái phong bì mầu xanh ra.

Nàng chăm chú đọc, càng đọc càng thất vọng.

Phần đầu lá thư có cái giọng nàng nghe loa phóng thanh ra rả suốt ngày đêm, cái giọng rất đúng bài bản chính sách. “Nhờ sự khoan hồng của Cách mạng, lâu nay anh vẫn học tập tốt, lao động tốt…” “Có được học tập, anh mới thấy đất nước ta giàu đẹp biết chừng nào, nhân dân ta anh hùng biết chừng nào…” Ngữ đang ở đâu, sức khỏe ra sao, bao giờ được tha về, những câu hỏi đó Ngữ làm như không cần phải cho vợ biết, không có gì quan trọng so với sự khoan hồng của Cách mạng, sự giàu đẹp của đất nước, chất anh hùng của nhân dân.

Phần sau lá thư Ngữ viết về những điều nhỏ mọn gần gũi hơn, nhưng cũng làm cho Quỳnh Trang thất vọng chẳng kém gì phần đầu.

Đó là phần Ngữ dặn vợ hãy gửi cho mình những gì trong dịp Cách mạng cho gia đình gửi vào trại mỗi người một gói quà tối đa năm ký. Ngữ viết:

“… Em gửi cho anh những thứ cần thiết sau đây: một bánh thuốc lào hiệu 888, một tút thuốc lá, một hộp cà phê Mỹ loại khỏi cần lọc để nhẹ ký và uống được lâu. Nhớ gửi anh ít đường. Thuốc ghẻ thì tìm mua loại mạnh, độ 5 chai là đủ vì nghe nói từ đây Cách mạng sẽ cho thân nhân đi thăm nuôi. À, gửi cho anh cái kéo cắt tóc và cái cắt móng tay. Nghề hớt tóc trong này có vẻ khá. Em cứ gửi, cán bộ cho giữ hay không, tính sau. Đồ ăn thì em cho anh một gói muối mè, và một lon mắm ruốc kho mặn với mỡ. Em nhớ kho thật mặn, cho thêm nhiều sả mới để lâu được. Em cho mắm vào bọc ni lông, rồi bỏ vào lon Guigoz gửi vào cho anh. Nhớ dùng lon Guigoz chứ đừng dùng các loại lon khác, vì loại lon này kỳ diệu lắm. Mấy ông được vợ cưng lúc đầu mang cả sữa Guigoz vào để xúc ăn, ăn hết cái lon trở thành soong nấu nước sôi quá tiện. Một cái lon Guigoz trong này đổi được sáu bao thuốc lá hoặc nửa bánh thuốc lào. Em nhớ bỏ mắm vào bao ni lông, vì chất muối làm thủng lon Guigoz, uổng lắm…”.

Phần cuối lá thư, Ngữ chỉ dành có năm hàng để thăm hỏi cả vợ con lẫn mọi người.

“… Em vẫn thường chứ? Con ra sao? Cho anh gửi lời hầu thăm thầy me. Má và các em anh bên Thị nghè sống thế nào, em viết cho anh biết. Em yên tâm, học tập tốt nhất định anh được về sớm với em. Cho anh gửi lời “cảm ơn” anh Tường. Trong này sáng nào cũng được đọc báo cách mạng …”

Bà Thanh Tuyến nghe con đọc đoạn cuối, liền hỏi:

– Thằng Tường có lên xin cho thằng Ngữ về à?

Quỳnh Trang buồn rầu vì nội dung lá thư, đang ngồi bần thần nghe mẹ hỏi, ngạc nhiên hỏi lại:

– Anh Tường can thiệp cho anh Ngữ hồi nào đâu?

– Chắc có, vì thằng Ngữ nó nhắn lời cảm ơn anh mày.

Quỳnh Trang lắc đầu, chậm rãi bảo mẹ:

– Anh ấy nói mỉa đó me. Chắc trong trại ảnh có đọc bài anh Tường viết chỉ trích mấy cuốn sách của ảnh.

Bà Thanh Tuyến nghe con nói có lý, im lặng không nói gì nữa.

***

Quỳnh Trang đang ngồi thái sả kho mắm để gửi cho chồng thì bà Thanh tới. Hai chị em nhìn vẻ bơ phờ của nhau, nắm tay nhau dặt dặt mà không biết lấy lời nào thích hợp để an ủi nhau. Quỳnh Trang dẫn bà Thanh xuống bếp:

– Chị xuống đây ngồi chơi với em một lát. Chuyện buôn bán đồ cũ của chị ra sao?

Bà Thanh không trả lời ngay, hỏi cô bạn nhỏ:

– Em cần chị phụ gì không? Để chị thái sả cho. Em chuẩn bị gửi quà cho chú Ngữ hả?

– Dạ. Chị có nhận được thư anh Thanh không?

– Có. Nay mai tôi cũng xuống bưu điện gửi đồ cho anh ấy. Không biết trong đó họ có bàn luận với nhau thế nào mà ai cũng dặn gửi mắm sả, đường, muối mè…

– Anh Thanh có bảo chị gửi thuốc ghẻ không?

– Có. Ảnh bảo mắm sả cho thêm nhiều tóp mỡ vào. Ảnh bảo nếu làm muối mè mất thì giờ lôi thôi, thì cứ mua mì gói ăn liền bóp vụn ra, thêm muối vào cũng được. Trong đó ăn uống cái kiểu gì lạ quá. Trang có con dao nào sắc hơn không. Cái này không được sắc.

– Chị đưa em mài cho. Thịt mỡ em mua loại thế này mà giá đắt quá. Phải thái nhỏ như hột lựu phải không chị?

– Có lẽ thế. Miếng mỡ lớn quá, không thấm muối để lâu không được.

– Chuyện buôn bán của chị ra sao? Em đi mua cà phê khổ quá, nếu bán quần áo cũ khá chắc em cũng ra chợ Trần Quốc Toản như chị cho bớt nhọc.

Bà Thanh vội can:

– Đừng đừng. Chị đang kẹt đây. Mới đầu ra nghề chị đem đồ nhà ra bán nên lời lỗ không tính, bán được món gì coi như tiền lời, mua đồ ăn cho các cháu. Đến khi phải mua quần áo cũ của người ta, chị mới hoảng. Hôm qua chị mua nhầm cái quần lụa Mỹ A.

Quỳnh Trang tò mò hỏi:

– Sao vậy chị? Quần áo cũ cứ coi cái nào vải còn chắc và chưa phai màu thì mua, sợ gì nhầm?

– Không đâu em ơi. Cái quần còn mới lắm. Màu vải đen nhánh, chị xem kỹ đai quần ống quần thấy đường chỉ còn chắc, chưa sờn mục gì cả. Chị bằng lòng mua ba nghìn. Mua xong mới bày lên sạp đã có mấy người tới săm soi muốn mua. Chị mừng thầm, nghĩ thế nào cũng kiếm lời được ba nghìn là ít.

– Ba nghìn? Quần áo cũ mà giá cao thế à?

– Không. Chị vẫn còn tính theo tiền cũ. Để chị kể tiếp cho nghe. Người đầu tiên tới xem quần, hỏi giá, rồi ngần ngừ nửa muốn mua nửa không. Chị bảo cứ trả giá đi, nếu được thì chị bán vốn. Em thấy không, chị đã biết nói dối. Chị ta thú thực là không đủ tiền, chỉ thấy cái quần tốt thì thích quá, đứng lại xem cho biết. Chị thứ hai xem xong, đã không trả giá lại còn dọa chị, hỏi chị có mua phải quần áo ăn trộm không. Chị giận quá, muốn mắng cho một trận mà không tìm ra lời nào. Nghĩ tới những câu chửi tục tĩu, chị ngượng. Chị chỉ nói quần áo cũ thì bọn trộm cắp đâu có thèm, chúng giật đồng hồ kính mát kia! Chị ta bảo chiều hôm qua một chị làm chung sở, nhà ở chợ Vườn Chuối, bi bọn nhóc trộm cắp chận đường dí dao bắt cởi cái quần lãnh ra đưa cho chúng, cũng may nhà ở gần nên chị bạn lấy vạt áo sơ mi che xì líp chạy vội vào nhà.

Quỳnh Trang cười:

– Chắc họ bịa đấy chị. Làm gì có chuyện đó.

– Chị ta thề là chuyện thật. Để chị kể tiếp cho em nghe. Chị ta bảo cô bạn làm giáo viên, trong xóm có nhiều học trò, may mà không đứa nào thấy cô giáo của mình bị lột quần giữa ban ngày. Chị này đi rồi thì một người nữa tới xem quần. Chị này có vẻ rành lắm, lấy răng cắn thử vải còn bền không, lật gấu quần lên xem đường chỉ, kéo dây thun ở lưng quần xem đã bị dãn chưa. Xem xong mọi chỗ, cuối cùng chị ta đưa đũng quần lên soi trước ánh sáng mặt trời. Chị ta nói: “Đũng quần bị mỏng rồi. Thôi, trả chị đây”. Trời ơi! Chị học nghề đã khá mà chưa biết phải soi kỹ đũng quần trước khi mua.

Quỳnh Trang trố mắt nhìn bà Thanh:

– Không ngờ nghề của chị cũng nhiêu khê lắm nhỉ!

– Chứ sao! Mua quần lụa đàn bà khó hơn mua quần đàn ông, vì quần lụa màu đen khó biết cũ hay mới. Mua quần cũ của đàn ông ít bị lầm hơn.

– Vì họ bán toàn quần còn mới hả chị?

– Không. Quần cũ chứ. Mua quần đàn ông mình chỉ cần xem kỹ hai cái ống. Nếu quần ống rộng, vải còn tốt thì cứ mua. Bán lại dễ lắm. Hoặc họ đem về cắt bỏ phần trên, chỉ dùng hai ống quần để may quần áo trẻ con. Nếu quần vải ca-rô có mầu thì họ đem may mũ vải. Chị thái xong bó sả rồi đấy. Cần chị giúp gì nữa không?

– Chị ở lại đây ăn cơm với em.

– Không, chị xuống có chút chuyện rồi phải về.

Tuy nói như vậy nhưng bà Thanh cứ nói hết chuyện này tới chuyện khác, không đả động gì tới “chút chuyện” khiến bà xuống thăm Quỳnh Trang. Quỳnh Trang đã thái xong thịt, dừng lại hỏi:

– Chị cần gì em không?

Bà Thanh đổi nét mặt, ngập ngừng hồi lâu, mới nói:

– Chị cứ sợ phiền em. Chị mượn tiền của em nhiều rồi mà chưa trả được. Chị biết sau vụ thuế em cũng túng.

Quỳnh Trang nói:

– Dạ đúng. Em cũng lo lắm.

– Anh Thanh viết thư bảo chị gửi quà… mà chị không có tiền. Chị…

Quỳnh Trang kinh ngạc hỏi:

– Sao chị không nói với em từ đầu? Trời ơi! Em túng, nhưng đâu đã đến nỗi không có đủ tiền cho chị mượn mua quà gửi anh Thanh. Chị, sao tụi mình khổ thế này!

Hai chị em ôm nhau khóc. Quỳnh Trang lấy lại được bình tĩnh trước bà Thanh, khẽ đẩy người bạn lớn ra, nói:

– Chị để em lên lấy tiền cho chị. Năm chục đủ không chị? Chị trông giùm em cái soong mắm. Chị lấy đũa quấy đều giúp em, không bị cháy đấy. Chị vặn giùm rề sô cho lửa nhỏ bớt lại.

Quỳnh Trang giao việc cho bà Thanh rồi lên buồng trên lấy tiền. Có tiếng đập cửa ở phòng trước. Nàng ra chỗ trước đây bày hàng nay đã không còn dấu vết buôn bán gì nữa ngoài khoảng tường còn in dấu những kệ trà, khác màu với những khoảng tường khác. Chưa mở cửa vội, Quỳnh Trang ghé mắt nhìn ra đường dò xét. Thằng bé con chị bán cà phê ở Ngã Bảy, khách hàng trung thành suốt bao năm nay. Quỳnh Trang nói thầm qua khe cửa:

– Tí tới lấy cà phê hở em?

– Dạ. Chị Trang gói sẵn cho em chưa?

– Rồi, nhưng em lấy bây giờ đâu có được. Sao em không đợi tối?

– Má em hết cà phê rồi.

– Thôi, em đi quành ra ngã sau chị đưa cho. Tiền ký cà phê hôm trước má đã trả cho bà chưa?

– Em không biết.

Quỳnh Trang đi lấy cà phê giấu trong vạt áo rồi lấm lén nhìn trước nhìn sau mở cửa bếp đi vào đường hẻm thông ra đường Nguyễn Tri Phương. Nàng bật cười khi thấy mình lẩm cẩm. Còn ở trong nhà chưa ra khỏi cửa, nàng sợ ai bắt gặp mang cà phê lậu đi bán mà phải đề phòng? Sợ hãi, đề phòng, ngờ vực, cảnh giác… đã trở thành nếp sống mới.

Quỳnh Trang giao xong cà phê trở về thì bà Thanh đã kho xong soong mắm. Bà Thanh khoe:

– Chị đã cho mắm sả vào lon Guigoz cho em rồi đấy. Có phải em định đổ mắm sả vào lon Guigoz gửi cho chú ấy không?

Quỳnh Trang nói:

– Dạ. Ủa. Chị không cho vào bao ni lông à? Thôi, để chốc nữa em trút ra rồi cho thêm một lớp ni lông cho khỏi mục cái lon nhôm. Anh Ngữ dặn kỹ như vậy. Trong đó lon Guigoz quý lắm. Chị rửa tay lên nhà ngồi chơi tí đã. Gửi chị tiền mua quà cho anh Thanh.

Bà Thanh lúng túng đưa tay nhận tiền, không dám nhìn thẳng vào mặt Quỳnh Trang, cũng không dằn được xúc động để thốt hai tiếng cảm ơn cho rõ. Bà đi theo Quỳnh Trang lên nhà trước. Cửa trước đóng kín, vì tiết kiệm điện nên bà Thanh Tuyến chỉ cho bật ngọn đèn ống 6 tấc khi nào cần, nên căn phòng bề bộn đồ đạc trông âm u ảm đạm. Quỳnh Trang mời bà Thanh ngồi xuống cái ghế gỗ, chính mình cũng ngồi cạnh bà bạn lớn. Bà Thanh nói:

– Chị dở quá, chứ những cô bán quần áo cũ ngồi cạnh chị khá lắm. Họ bày quần áo cho có chuyện vậy thôi. Cái chính là họ lấy sạp quần áo cũ làm nơi hẹn để bán thuốc tây. Họ lanh quá, chị nhìn phát ngợp.

– Tụi Công an để cho họ buôn thuốc tây à?

– Cái giỏi của họ ở chỗ đó. Họ quen thân với Công an. Sáng nào họ cũng dẫn thằng công an đi ăn phở, bao cà phê. Thuốc lá tụi nó hút toàn Dunhill, 555. Một bao thuốc lá đủ cho gia đình chị mua gạo ăn ba ngày. Em biết không, nhiều hôm chị ngồi không chờ khách, bỗng dưng chị tủi thân, chị khóc. Chị đâm oán anh Thanh. Cũng là sĩ quan cấp tá như người ta, mà sao mấy ông tá khác đi học tập vợ con ở nhà vẫn lên xe xuống ngựa, bàn tay trắng muốt đeo nhẫn đeo vòng, còn chị thì thân tàn ma dại thế này. Trong sạch để làm cái gì chứ? Chỉ làm khổ vợ khổ con.

Quỳnh Trang không biết an ủi bà Thanh thế nào, chỉ biết gượng gạo nói:

– Tính anh Thanh không làm chuyện đó được thì dù chị có ép ảnh cũng không làm. Mỗi người một tính mà chị. Ngay như em ai cũng nghĩ là quen buôn bán, thật ra em chậm lắm. Buôn lậu trà cà phê nếu muốn đỡ nhọc, khỏi phải đứng giữa rừng chờ xe thì cứ chịu khó cười cợt mồi chài lũ gác ở các trạm kiểm soát thuế vụ. Nhiều bà cũng là vợ sĩ quan còn chịu cặp bồ với tụi tài xế xe đò để tụi nó giấu hàng giùm cho. Họ đi buôn lậu mà dễ dàng chẳng thua gì hồi trước, lời lại nhiều vì giá cả mỗi nơi chênh lệch một trời một vực. Em chịu, trông các bà ấy cười cợt với mấy ông tài xế anh anh em em ngọt xớt, em buồn nôn.

Bà Thanh kinh ngạc hỏi:

– Thật vậy à? Sao họ tệ thế nhỉ. Dù sao giấy rách thì cũng phải giữ lấy lề. Mà thôi, thời thế đảo điên ai sống ra sao tùy họ, mình có quyền gì mà phán xét, phải không Trang. Chị về kẻo lũ nhỏ nó trông.

Quỳnh Trang đưa bà Thanh ra cửa, rồi trở vào bếp. Nàng trút mắm sả ra khỏi lon Guigoz để cho vào bọc ni lông. Lúc lấy cái muỗng nhôm xúc mắm sả đổ vào bọc, Quỳnh Trang ngờ ngợ cảm thấy cái gì bất thường. Năng lấy cái muỗng xốc muối sả trên cái dĩa bàn ra kiểm soát lại. Cả dĩa chỉ lơ thơ vài cái tóp mỡ. Nàng chợt hiểu, bật khóc:

– Chị Thanh ơi! Chị khổ đến thế à?

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 84

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây