Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàMùa Biển ĐộngTập 5 - Tha HươngMùa Biển Động - Chương 177

Mùa Biển Động – Chương 177

(Mùa Biển Động – Chương 177)

Được gia đình thăm nuôi, tuy đỡ đói khổ hơn trước nhưng những người tù cải tạo quanh Ngữ bị xuống tinh thần thấy rõ. Bị cách biệt với thế giới bên ngoài, họ chỉ có một công việc là rán nín thở qua sông. Một hy vọng là ngày được phóng thích. Gặp thân nhân, họ biết thêm rằng bên ngoài cái nhà tù này vẫn là nhà tù, đôi khi cái nhà tù không có hàng rào kẽm gai ấy còn khắc nghiệt hơn nhà tù đang giam giữ họ. Ngày về đã xa tắp mù khơi, trong khi họ biết chắc ngày mơ ước ấy sẽ có những điều não lòng. Một số tù cải tạo tìm cách vượt thoát, người thoát nạn may mắn không biết trôi về đâu, sống chui sống nhủi qua ngày ở xó xỉnh nào, người bị bắt lại chịu những hằn học cực hình của quản giáo. Những kẻ bằng lòng chịu đựng một cách bình thường cũng bị vạ lây. Sau mỗi lần có người trốn trại, mấy nghìn người tù phải nghe những lời chửi mắng ra rả suốt tuần lễ, việc lao động bị hạn chế, không khí nghi kỵ trong anh em gia tăng.

Đầu năm 1978 ở lán của Ngữ có một người treo cổ tự vận chết chỉ hai ngày sau khi được gia đình thăm nuôi. Cái chết của đại úy Linh thật bất ngờ. Ông thuộc ngành Quân cụ, gia đình khá giả và có được gửi đi Mỹ du học một năm về kỹ thuật bảo trì và sửa chữa chiến xa. Vốn tính ưa hoạt động và quảng giao, ông được cả lán thương mến, và tự nhiên trở thành người đại diện cho cả lán để liên lạc tiếp xúc với Ban Quản giáo. Ông Linh hy vọng mình thuộc vào một binh chủng chuyên môn kỹ thuật, chưa hề phải tự tay bóp cò bắn phát súng nào, nên phải được về sớm. Hy vọng nhiều quá nên chờ càng lâu ông càng xuống tinh thần. Qua năm 1978, ông trầm lặng ít nói hơn. Sau kỳ thăm nuôi đợt đầu năm 1978, bạn bè ngạc nhiên không thấy người vợ trẻ đẹp của ông Linh lên thăm chồng, chỉ thấy bà mẹ già và đứa em gái đi theo xách giỏ quà cho mẹ. Không ai dám hỏi ông Linh về chuyện khác thường. Người ta xì xầm với nhau là vợ ông Linh đã dẫn con đi vượt biên theo một người Tàu ở Chợ lớn. Những tin đồn loại đó nhiều lắm, mỗi khi không thấy vợ lên thăm chồng là tức khắc bạn bè đồn đãi ông bạn xấu số đã bị vợ bỏ rơi, ôm cầm sang thuyền khác. Vì vậy ai cũng bán tín bán nghi. Cả lán lặng lẽ quan sát theo dõi ông Linh. Ngược lại với tin đồn, ông Linh vẫn sinh hoạt ăn ngủ bình thường. Có thể nói ông còn linh hoạt hơn cả trước ngày thăm nuôi nữa. Chỉ sau khi ông tự tử những người nằm gần chỗ ông mới nhớ là ông hay bàn về cái chết, nhất là những vụ tự tử. Ngữ nhớ hôm đó có kể cho đại úy Linh nghe cái chết “nghiêm chỉnh” của viên trung tá Cảnh sát trước Quốc hội. Ông Linh trầm ngâm suy nghĩ, công nhận cái chết đó có hùng khí nhưng vẫn chưa đạt được mức chót vót của nghệ thuật chết. Ông chê cách ngậm nòng súng lấy ngón chân đạp cò của văn hào Mỹ Hemingway là yếu. Ông cũng chê cách đứng lên chồng sách đưa đầu vào thòng lọng rồi đạp ngã chồng sách tự tử của Tam Ích là quá sách vở. Chết là hết, còn bày trò nhắn nhủ gửi gắm sứ điệp cho hậu thế làm chi! Ông bảo cả Hemingway lẫn Tam Ích còn yếu đuối sợ sệt, phải tự đặt mình trước sự đã rồi. Cả sinh mệnh của họ phải gửi gắm vào một cái tích tắc, vì chính họ không dám tự tin. Họ có thể đổi ý sau cái tích tắc định mệnh ấy. Đạp vào cò súng hay đu người đẩy ngã chồng sách, ông Linh nói chỉ cần tí xíu can đảm trong cái tích tắc. Ai nghe cũng cho ông Linh chờ hoài không được thả đâm ra lẩm cẩm.

Ông chết rồi mọi người mới biết ông đang lựa chọn một cách chết đạt mức cao của nghệ thuật chết. Ông vẫn chọn cách thắt cổ như Tam Ích. Ông lén xé quần đùi bện thành dây thòng lọng. Mái lán thấp, mặt sau giáp liền với một khóm cây dại khá cao nên cũng kín đáo. Ông Linh phải tự tử ở ngoài lán nên cột dây thòng lọng vào kèo nứa, thì nút thòng lọng chỉ thấp tới ngực là cùng. Thế mà ông vẫn tự tử được. Muốn chết, ông phải dùng sức mạnh của ý chí để co hai chân lên. Và sức mạnh ấy ở chỗ ranh giới sống chết, phải được vận dụng tối đa để thắng được phản xạ tự nhiên của bản năng sinh tồn.

Sau khi chôn cất xác ông Linh, cả trại nặng trĩu như nhà mồ. Không khí chung thê lương u ám, tuy bầu trời quang đãng, nắng vàng reo vui trên những khóm lá nõn. Ban giám thị tập trung cả trại lên lớp cả buổi, y như những lần có người trốn trại. Viên trung tá giám đốc kết tội ông Linh “hèn nhát tìm cái chết để trốn học tập cải tạo”. Nghe đến đó, bất giác cả trại cười ồ. Rừng đêm dội tiếng cười ra xa, khung cảnh vừa bi tráng vừa khôi hài.

***

Cùng lúc đó, Ban Quản giáo chính thức cho tù cải tạo biết rằng những người “học tập tốt, lao động tốt” chỉ được tha về khi nào gia đình đã tìm được chỗ thích hợp để tù cải tạo về đó lao động sản xuất, không ở thành phố “ăn bám gia đình, làm rối loạn trị an”. Người nào được chính quyền địa phương nhận cho về lao động sản xuất trước thì được “ưu tiên khoan hồng” cho về trước. Ai nấy lo viết thư về cho thân nhân. Ngữ viết thư cho vợ, bảo làm sao tìm cho mình một khu rẫy ở vùng Xuân lộc hay Long khánh và xin chứng nhận hứa cho cư trú của Ủy ban Nhân dân địa phương gửi lên ngay.

Trong lúc đó Ngữ thử đánh liều một ván bài chót. Truyện ngắn “Vòng hoa dành cho ngài lãnh tụ” Quỳnh Trang mang lên, Ngữ giữ suốt hai tháng không muốn đem nộp cho cán bộ quản giáo. Đọc lại cái truyện một thời chàng rất thích, mà bạn bè cũng xôn xao bàn tán, Ngữ thấy rõ những khuyết điểm của mình về kỹ thuật, những non nớt của mình về nội dung. Ngữ thấy hồi đó mình hết sức ngây thơ, cứ nghĩ rằng tệ đoan tham nhũng là trở lực duy nhất trong một xã hội lành mạnh, nhân ái. Gần một tháng sống dưới chế độ mới trước khi trình diện học tập cải tạo, Ngữ khám phá ra rằng những tệ đoan ấy có cơ trầm trọng hơn cả dưới chế độ cũ. Ngữ rút ra kết luận có lẽ hợp lý hơn: Tham nhũng là phó sản của quyền lực. Hễ quyền lực càng không bị hạn chế và kiểm soát chặt chẽ bao nhiêu thì tham nhũng càng bành trướng bấy nhiêu. Mà quyền lực dưới chế độ mới lại được phân phát một cách bừa bãi, như một cách thưởng công thay thế cho những phần thưởng vật chất cụ thể Nhà nước không có được. Ngườí nào cũng có ảo tưởng Đảng và Nhà nước giao cho một trách nhiệm thiêng liêng và có quyền sinh sát đối với kẻ khác. Họ nhai bo bo rưới nước tương nhưng thỏa mãn vì được ra oai, được khiếp sợ, được ghé vai đẩy bánh xe tiến hóa của nhân loại, được làm lịch sử!

Nhưng không có cái dại nào giống cái dại nào. Trong một phút thiếu suy nghĩ, Ngữ đem cái truyện ngắn ra khoe với cán bộ quản giáo. Tay cán bộ đem nộp lên cấp trên. Ngay hôm sau Ngữ bị gọi lên “làm việc”.

Viên thiếu tá chính ủy tiếp Ngữ một cách nhã nhặn, lẽ phép một cách khác thường. Ông đích thân pha trà mời Ngữ uống, rút bao thuốc lá Tam Đảo ra mời Ngữ hút. Trên bàn đã đặt xấp hồ sơ dày cộm của Ngữ từ trạí Long giao chuyển giao từ lâu lên trại mới. Viên chính ủy tỏ ra thông thạo về văn chương, đọc sách nhiều, nhất là loại sách lý luận văn học. Ông cũng nắm được những nét chính của sinh hoạt văn chương Miền Nam, dĩ nhiên là với những suy diễn rất đúng bài bản. Ề à nói chuyện phiếm cả giờ đồng hồ viên thiếu tá mới đề cập tới truyện ngắn “Vòng hoa dành cho ngài lãnh tụ”. Ông hỏi Ngữ viết truyện ngắn ấy lúc nào, và hồi đó đang làm gì, nghe tới đâu ghi chép tới đó. Ngữ kể sơ lược hoàn cảnh sáng tác của mình, nhưng cố ý nói rõ thêm những hậu quả mình hứng chịu sau khi truyện ngắn ấy được phổ biến ra, nhất là bản báo cáo mật của An ninh Quân đội.

Viên thiếu tá lắng nghe Ngữ trình bày, cuối cùng nói:

– Theo lẽ thông thường, ngoài Bắc chúng tôi không bao giờ một người lính được phép viết như thế này. Chỉ mới nghĩ rồi nói ra lời đã là một cái tội, đừng nói tới chuyện viết thành truyện rồi in ra phổ biến linh tinh. Người viết phải bị biện pháp kỷ luật, cơ quan nào in ra cũng phải chịu liên lụy. Văn nghệ là lưỡi gươm bén của Cách mạng, không thể đùa được. Đế quốc Mỹ sừng sỏ với một guồng máy kềm kẹp tinh vi cũng không phải là loại ấm ớ, để cho lính ngụy các anh muốn làm gì thì làm. Làm cái gì chúng nó cũng quy hoạch trước, phương án thực hiện năm năm, mười năm. Anh viết như vậy mà chúng nó để yên thì lạ quá. Không tin được!

Ngữ trả lời rằng người lính quân đội cũ chỉ có phận sự đối với các công việc thuộc về quân sự, viết lách là quyền tự do riêng của cá nhân. An ninh Quân đội có thể nghi ngờ Ngữ, đặc biệt theo dõi, nhưng họ không có quyền vịn vào truyện ngắn ấy để áp dụng biện pháp kỷ luật với Ngữ. Nhiều nhà văn nhà báo Miền Nam tuy ở trong quân đội nhưng vẫn được viết tự do theo ý mình.

Viên thiếu tá lắc đầu không tin. Ông nói:

– Hoặc chúng nó có âm mưu mà anh không biết. Hoặc anh biết nhưng chưa thành thật khai báo. Thôi anh về nghĩ lại đi, lúc nào cần thì cho tôi biết để chúng ta hợp tác nhau làm việc. Tôi ghi chép những gì anh nói được hai trang giấy đây, nhưng chắc chắn là không đầy đủ. Tôi đã liên hệ với đồng chí Sáng cho anh được nghỉ lao động hai ngày để anh viết lại những gì anh đã nói với tôi, và những gì anh chưa kịp nói. Chúc anh học tập tốt để chóng về với chị Quỳnh Trang. Cái tên hay nhỉ! Tôi cũng có một cháu gái tên lót chữ Quỳnh. Quỳnh Lưu. Quê vợ tôi đấy.

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 86

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây