Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàMùa Biển ĐộngTập 5 - Tha HươngMùa Biển Động - Chương 178

Mùa Biển Động – Chương 178

(Mùa Biển Động – Chương 178)

Ngữ được “tạm tha” vào tháng 9 năm 1978.

Sau mấy tháng tinh thần căng thẳng vì truyện ngắn “Vòng hoa…”, Ngữ như một người leo núi kiệt lực lúc leo đến chóp núi rồi thì nằm vật xuống thở dốc, thân thể rã rời, không còn được hưởng cái khoái cảm thành công nữa. Tự do, ôi hai tiếng lâu nay Ngữ khao khát ước mơ, cuối cùng đã không thần kỳ huyễn diệu như Ngữ tưởng. Nó cũng hiu quạnh xác xơ y như cái ga xép nhỏ nằm giữa rừng bên ngoài trại cải tạo mà thôi.

Về tới nhà, chàng thêm bỡ ngỡ thất vọng. Hóa ra lâu nay qua thư từ và những lần thăm nuôi gặp nhau, Quỳnh Trang giấu không cho Ngữ biết gia đình đã sa sút. Lá thư nào Quỳnh Trang cũng bảo “nhà vẫn bình thường”. Lần thăm nuôi nào nàng cũng mặc bộ quần áo tươm tất nhất, không vải hoa may kiểu sặc sỡ nhưng mầu sậm dung dị, ủi phẳng, quần tây có nếp. Nét mặt Quỳnh Trang lúc nào cũng tươi cười, và nếu Ngữ có hỏi về chuyện đi đường nhọc nhằn, nàng trả lời bằng cái giọng châm biếm nhẹ nhàng, xem như đó là cái thú mạo hiểm của một cuộc cắm trại. Những món ăn liền nàng tiếp tế cho Ngữ đều thuộc loại sang. Rõ ràng tuy có đổi đời, nếp sống gia đình vẫn được như cũ. Ngữ yên tâm, thầm hãnh diện khi so với các món thăm nuôi nghèo nàn gồm lơ thơ một nải chuối, hũ dưa, gói đường tảng, lon muối mè của các bạn.

Bước chân về hiệu trà Ngữ nhận ra ngay những điều bất thường. Việc buôn bán trà đã dẹp từ lâu mà Ngữ không biết. Ông Thanh Tuyến mặc cái áo sơ mi cũ bỏ ngoài quần ngồi bó gối buồn hiu trước vài gói trà làm mẫu, thêm tấm bảng bằng cỡ cuốn vở học trò nguệch ngoạc mấy dòng rao “Ở ĐÂY NHẬN ƯỚP VÀ RANG THUÊ CÀ PHÊ”. Gói trà vuông vức có in tên hiệu trà dưới Chợ lớn trông rất bắt mắt, sau này Ngữ mới biết để đề phòng Công an tịch thu, bà Thanh Tuyến không cho trà vào ba gói quảng cáo chiêu hàng, mà độn đầy toàn giấy báo xé nhỏ. Còn tấm bảng rao xay thuê cà phê chỉ là một cách ngụy trang. Nếu lỡ ông Thanh Tuyến bị bắt quả tang giao gói cà phê cho khách hàng, thì với tấm bảng quảng cáo đó, ông có thể nói với Công an rằng ông không buôn bán trái phép, chỉ “lao động vinh quang” bằng nghề rang xay thuê cà phê hột khách hàng đem tới mà thôi.

Khung cảnh bên trong nhà bề bộn luộm thuộm hơn trước nhiều. Các tủ hàng ngăn kệ bày trà, cà phê đã dẹp hết, căn phòng trước trống trơn, hộp giấy cũ, báo cũ rải rác đây đó không ai buồn dọn dẹp. Quỳnh Trang mới bị tịch thu và phạt vạ ba mươi ký cà phê nàng nhờ tài xế xe be giấu vào những súc gỗ chở từ Bảo lộc về xưởng cưa, vốn liếng mất hết nên nằm ủ rũ không thiết ăn uống gì. Thằng Bình ăn mặc dơ dáy, khỏi bị ai canh chừng mặc sức chạy nhông ngoài phố, học được khá nhiều những câu chửi thề của dân Ngã Bảy.

Xuống Thị nghè thăm mẹ và các em, Ngữ càng buồn hơn.

Vợ chồng Quế đã dọn ra ở riêng nên khi Ngữ xuống, trong nhà chỉ có Lãng. Ngữ ngơ ngác không nhận ra được thằng em trai sau hơn ba năm xa cách. Lãng ốm gầy như người nghiện hút, tóc cắt ngắn lởm chởm như bị ai lấy kéo xén một cách cẩu thả, hai cánh tay đen ốm và đầy ghẻ. Lãng mở cửa cho anh mà bàn tay kia cứ gãi loạn lên hông trái. Ngữ hỏi:

– Má đâu? Em bị bệnh hồi nào mà ốm o vậy?

Đến lúc đó Ngữ mới thấy lại đúng thằng em hồi trước. Lãng cười phô cả hai hàm răng đã rụng mất hai cái răng cửa, nói lớn:

– Bệnh thời đại mà anh. Bác Hồ ở tù cũng nhờ gãi ghẻ mà thành người “đời đời bất diệt” đấy. Anh đi qua cầu Thị nghè không thấy má à?

– Má vẫn bán xăng sao?

– Không bán xăng lấy gì sống! Một tháng em về đây bị đau lên đau xuống sặt sừ, không làm gì giúp cho má được. Em kiếm tiền được thì dứt khoát không để cho má khổ nữa. Chừng nửa tháng nữa thôi. Tụi ghẻ bắt đầu chịu thua thuốc rồi. Anh thấy không? Hai cánh tay em hồi mới về ghẻ chi chít liền không thấy da. Nay nhiều chỗ đã bắt đầu đóng vảy.

Ngữ dắt xe vào trong cửa, Lãng khóa cổng lại rồi nhắc anh:

– Sao anh không khóa xe đạp lại?

Ngữ ngạc nhiên hỏi:

– Lãng đã khóa cổng rồi, cần gì khóa xe?

– Không được đâu anh ơi! Khóa lại đi cho yên tâm. Mấy ổng nói “ra ngõ là gặp anh hùng”. Dóc tổ! Phải sửa lại là bây giờ “ra ngõ là gặp trộm cắp”.

Ngữ thấy em lo thái quá, nhưng cũng khóa xe cẩn thận đúng như lời Quỳnh Trang đã dặn dò. Thấy em cứ tiếp tục gãi, Ngữ hỏi:

– Em đi học ở đâu nước độc hay sao mà ghẻ lắm thế?

– Anh hỏi gì?

– Anh hỏi em đi học ở đâu?

Lãng ngớ ra, không hiểu anh nói gì.

Ngữ giải thích:

– Chị Trang nói với anh là em được cử đi học trường cải tạo công nông nghiệp Duyên hải.

Lãng chợt hiểu, cười rũ một lúc, cười đến chảy nước mắt. Lãng cố nhịn cười, bảo anh:

– Anh học tập như thế mà tụi nó tha tào cho anh về thì cũng lạ. Trường cải tạo công nông nghiệp! Anh có biết cái trường quỷ quái đó thực ra là cái gì không? Đó là trại khổ sai. Tụi nó ruồng bắt dân ma túy, trộm cắp bụi đời, cả dân chợ trời như em nữa cũng bắt tuốt, đầy cả lũ xuống Rừng Sát bỏ đói khát cho muỗi cắn chết thôi. Chết đứa nào tụi nó mừng đứa nấy. Chết thì khiêng xác vùi xuống sình là xong, gia đình có hỏi thì bảo chết rồi, khỏe re. Em còn giữ được bộ xương với cái bao da ghẻ này về là phước đức lắm.

Ngữ nhìn Lãng vừa hăng hái nói vừa quơ tay, công nhận thằng em út sáng mắt hơn mình nhiều. Ngữ vẫn còn quá tin vào các chữ nghĩa nghiêm trang hoa hòe. Lãng không đọc sách, không mê chữ, nên cái nhìn của Lãng nhìn thẳng vào sự thực. Lãng đã nguôi giận, hỏi anh:

– Em nghe chị Trang nói chị đã mua đất cho anh ở Bảo chánh rồi phải không?

– Phải. Anh về nghỉ ít lâu rồi xuống dưới đó. Chị Trang nói vườn chuối tốt lắm. Họ trồng chuối thưa, nên giữa hai hàng chuối có thể trỉa bắp được. Anh làm rẫy trỉa bắp thạo lắm.

Lãng nói:

– Anh xuống dưới đó tìm cách rủ mấy thằng Xã đội đi nhậu vài bữa. Tụi nó dân Nam ưa nhậu lắm. Làm thân với tụi nó rồi anh xin cho được cái giấy phép về Sài gòn thăm nhà hàng tuần. Nắm được cái giấy phép rồi, anh nhờ thằng Công an xã coi giùm vườn chuối, hoa lợi nó muốn làm gì thì làm, coi như cúng cô hồn cho tụi nó để về trên này mà sống. Em lăn lộn ngoài chợ trời hai năm, vô tù học thêm được kinh nghiệm mấy thằng bụi đời khác, em thạo “tụi nó” hơn anh. Anh đừng tính chuyện trồng bắp gây vườn chi cho mất công.

Ngữ nhăn mặt nói:

– Mày thích sống bạt mạng ngoài chợ trời nên nghĩ vậy. Sống như mày thì trước sau cũng vô tù trở lại.

Lãng không giận, chỉ mỉm cười gật gù nói với anh:

– Để rồi anh coi. Không lâu đâu! Vài tháng sau anh sẽ thấy em có lý hay anh có lý.

***

Ngữ thay em xách cơm ra cầu Thị nghè cho mẹ. Lãng bảo anh ăn cơm với mình rồi hãy mang cơm ra cho bà Văn, nhưng Ngữ chợt nảy ra ý ra cầu ngồi ăn chung bữa cơm đoàn tụ với mẹ, nói ý định ấy với em. Lãng nói:

– Thôi cũng được. Để em sớt thêm đồ ăn cho đủ.

Ngữ quan sát cách em nấu nướng và bới thức ăn ra mấy cái ngăn ga mên, cảm động nhận ra những thay đổi của em. Lãng chăm chút cẩn thận cho từng món ăn của mẹ. Chính tay Lãng ra chợ Thị nghè tìm mua cá bống về kho tiêu, món ăn Ngữ biết mẹ rất thích. Rau muống luộc vừa chín tới y như cách bà Văn thường dạy Nam và Quế cách luộc rau, kèm theo một chén nước mắm dầm nửa cái trứng vịt và pha thêm chút ớt bột. Lãng múc các thức ăn cho vào ba cái ngăn gà mên nhôm, ngăn dưới cũng đựng cơm đủ ăn cho hai người. Sau khi đặt ga mên vào cái giỏ nhựa, Lãng lấy tờ giấy sạch gói hai cái chén, hai cái muỗng và hai đôi đũa, tất cả được buộc kỹ bằng một sơi dây thun rồi cũng cho vào giỏ xách.

Ngữ khen:

– Em cẩn thận như một bà nội trợ. Em khác trước nhiều lắm.

Lãng chớp chớp mắt để giấu sung sướng đáp:

– Chị Quế đi rồi, em phải lo chứ. Má dạy mãi em mới làm được mấy món này đấy. Nhất là kho cá bống. Kho không khéo con cá cứ bã ra, nát vụn, không ngọt và cứng như thế này. Hôm nào anh định xuống Bảo chánh?

– Chắc độ một tuần nữa.

– Nếu cần em sẽ đi xuống đó với anh. Anh không quen môi miếng với “tụi nó” đâu.

Ngữ ầm ừ cho qua, xách giỏ cơm đạp xe ra cầu Thị nghè. Bà Văn thấy một người đàn ông đạp xe đạp đèo thêm một cái giỏ ghi đông rề xe ghé lại lề đường, vội chạy tới hỏi:

– Bán xăng phải không cậu? Xăng còn nguyên chất không?

Ngữ thấy mẹ đen điu hốc hác, rưng rưng xót thương không nói được lời nào. Bà Văn vẫn chưa nhận ra con, nói thêm:

– Tôi mua giá cao hơn những chỗ khác, xăng tốt mười lăm đồng một lít. Cậu không tin…

Vừa nói tới đó, bà Văn nhận được mặt con. Bà há hốc miệng mở lớn mắt để nhìn cho rõ, rồi lẩm bẩm:

– Con đó hở Ngữ? Phải Ngữ không con? Con được về hồi nào?

Bà Văn bật khóc. Ngữ lúng túng dựng xe đạp vào lề đường, tay run, lật bật mãi mới ghếch được pê đan vào lề xi măng để chạy tới ôm mẹ. Hai mẹ con ôm nhau khóc giữa trưa nắng.

Bà Văn thút thít nói:

– Con cũng còn khá, không đến nỗi thân tàn ma dại như thằng Lãng. Năm ngoái má muốn theo con Trang lên thăm con, sau nghe nói họ cho ở đêm, nên má thôi. Kỳ vừa rồi má lại bị đau.

Ngữ vội hỏi:

– Má có bị đau yếu gì không? Má ốm hơn trước nhiều.

– Má có đau yếu gì đâu, lâu lâu chỉ bị cảm nắng. Với lại chỗ dốc cầu này xe cộ đi lại nhiều, bụi bặm quá. Con đừng lo, má quen rồi.

Vừa lúc đó một chiếc Molotova bộ đội sơn màu rêu úa vừa qua khỏi cầu Thị nghè chạy chậm lại, sát vào lề đường rồi dừng lại ở chỗ bà Văn bày hai chai xăng độ ba mươi thước. Bà Văn mừng rỡ nói với con:

– Con xách giỏ cơm vào đi. Để má lại mua xăng bộ đội.

Ngữ nhìn mẹ một tay giữ lấy cái đãy tiền giắt ở lưng quần lãnh, một tay nắm vạt áo trước le te chạy về phía chiếc xe bộ đội. Chiếc Molotova không tắt máy. Một chú bộ đội nhảy xuống xe tới thì thầm với bà Văn. Bà Văn gật đầu, lôi cái đãy vải ra vội vã đếm tiền, vội vã dúi tiền vào tay bộ đội, lóng ngóng chờ đón can xăng chuyển từ xe xuống. Chiếc xe nhà binh rồ máy chạy về hướng Sài gòn. Bà Văn dáo dác nhìn quanh, rồi cúi xuống ôm cái can xăng chạy về chỗ Ngữ. Ngữ thấy cảnh mẹ rán sức tha can xăng nặng vội vã tìm chỗ giấu vì sợ Công an tuần cảnh, không chịu đựng nổi nữa, vội chạy nhanh tới giúp mẹ nhấc bổng can xăng lên tay. Bà Văn vẫn nhìn xuôi nhìn ngược, miệng giục con:

– Con đem giấu sau cái tường đổ kia cho má. Nhanh lên. Giờ này tụi Công an hay đi rình bắt xăng lậu lắm. Tụi nó kiếm tiền đi ăn trưa.

Ngữ ôm can xăng chạy trước, bà Văn bén gót theo sau chỉ đường. Giấu kín can xăng vừa mua được dưới đống rác hôi hám xong, bà Văn yên lòng, bà cười thật tươi, khoe với con:

– Má mua rẻ được tới ba mươi đồng. Mấy thằng bộ đội bán xăng lậu không dám đứng lâu kỳ kèo, trả rẻ tụi nó cũng bán.

Ngữ nói:

– Con đem cơm ra để con ăn với má luôn.

Bà Văn cười vui, nhưng vẫn trách:

– Sao con không ăn ở nhà với thằng Lãng. Ra chi đây cho nắng nôi, bụi bặm.

Hai mẹ con bày đồ ăn ra chiếc chiếu rách bà Văn vẫn ngồi để chờ bán xăng, từ chỗ trải chiếu tới chỗ đặt hai chiếc chai đựng nước trà giả xăng cách nhau cả hai mươi thước. Bà Văn giải thích cho con hiểu:

– Ban đầu má thiệt thà, bày nguyên cả hai chai xăng trên lề đường. Sau tụi Công an cứ xách xe đi tịch thu hoài, má mới nghĩ tới nước trà. Tụi nó xách nhằm nước trà về, tức lắm, má kể cho thằng Lãng nghe, nó cười quá.

Ngữ nói:

– Má! Tụi con sẽ rán kiếm tiền để má ở nhà khỏi đi bán xăng nữa. Thấy má khổ, con xốn xang. Con đã nói chuyện với thằng Lãng…

Bà Văn gạt đi:

– Khổ gì! Má có sức má mới làm. Con đừng lo cho má. Con xới cơm ra đi. Thằng Lãng đã biết kho cá bống rồi đấy.

Hai mẹ con ăn “bữa tiệc đoàn tụ” bên lề đường, giữa trưa nắng bụi bặm. Thấy mẹ nhóp nhép trệu trạo nhai miếng cơm, bụi đen pha với mồ hôi đóng vào các nếp nhăn trên trán trên má, mái tóc thưa và bạc phất phơ theo gió, Ngữ nghẹn không nuốt nổi miếng cơm trong miệng.

***

Biết gia đình ông bà Bỗng đã dọn nhà qua xóm Chùa, nên sau khi từ biệt mẹ, tiện đường Ngữ rẽ lên Đa kao. Ngữ hy vọng vu vơ là biết đâu chính Diễm ra mở khóa cổng để dẫn chàng vào căn nhà đầy kỷ niệm ấy. Ngữ dự định nếu gặp Diễm, câu đầu tiên chàng sẽ xin lỗi Diễm, giải thích vì sao buổi chiều cuối cùng trước hôm đi trình diện học tập chàng đã tới trễ. Chắc chắn Diễm sẽ cười xòa bó qua. Chuyện cũ đã ba năm, giận dỗi cho mấy rồi cũng theo thời gian mà nhạt phai, huống hồ chính Diễm đã tự động gửi quà Tết cho chàng.

Cổng trước không khóa. Căn nhà núp dưới bóng cây hình như cũng chưa sửa sang gì như Diễm nói. Cửa trước cũng mở rộng. Từ bên trong, có tiếng hai người đàn ông đang nói chuyện, cả hai đều giọng Huế.

Ngữ nhận ra tiếng Ngô, lòng rộn rã mừng, tuy cũng hơi thất vọng vì không nghe giọng nói nhẹ và mơn trớn của Diễm.

Ngữ dựng xe vào gốc mít, gõ nhẹ vào tấm cửa gỗ ra hiệu rồi bước vào nhà. Ngô đang ngồi trên cái bàn gỗ thấp kê sát vào tường, trên bàn la liệt những đôi guốc gỗ chưa sơn. Ngồi đối diện với Ngô là một thanh niên trẻ tóc để hơi dài mặc quần áo bộ đội.

Ngô nhận ra Ngữ, reo lên:

– Người tù đã trở về rồi! Mày được tha hôm nào?

Thấy Ngữ e ngại nhìn người bộ đội lạ, Ngô hỏi:

– Mày không nhận ra Mười Chí à? Tao quên mất, mày đâu biết ai là Mười Chí với Mười Hướng. Tần đây! Tần hồi trước học Mỹ thuật Huế, nhớ không?

Ngữ nhớ ngay cậu họa sĩ trẻ một thời sống lang bạt và sau này nhảy núi đột ngột không ai hay. Tần đứng dậy bắt tay Ngữ, nói:

– Mừng anh được “tạm tha”.

Ngữ cười, đáp:

– Vậy là Tần thông thuộc số phận tụi này quá rồi. Đúng là giấy phóng thích chỉ đề là “tạm tha”. Lớ xớ bị tóm trở lại thì khỏi tha nữa.

Ngô nói:

– Mày biết như vậy là tốt. Gắng ngoan ngoãn đi con. Mày có vết rồi đấy, viết lách lung tung đã thành án, phải coi chừng.

Ngữ biết bạn nói đùa vì đã biết Ngô bỏ nhiệm sở về Sài gòn sống bất hợp pháp, quay sang hỏi Tần:

– Tần về đây có làm việc ở Mỹ thuật không?

Ngô đáp thay cho Mười Chí:

– Nó nắm quyền sinh sát mày đấy, mày biết không? Sách mày bị cấm là do nó đấy.

Tần cãi:

– Ngô cứ nói bậy anh Ngữ tưởng thật, oan cho tôi. Tôi sắp thôi việc ở chỗ đó rồi. Đang xuống đây làm học trò anh Ngô, vẽ guốc kiếm sống coi bộ khỏe hơn.

Ngô cười, từ đó ba người đều tránh không muốn nhắc tới những chuyện đau đầu. Đề tài chính là cái nghề đang thịnh hành thời bấy giờ: nghề dùng bút lửa vẽ guốc. Ngô hăng say nói với Ngữ:

– Nếu mày hết đường “binh”, vá xe đạp trên lề đường bị Công an đuổi, ra chợ trời buôn nước bọt lưỡi không dẻo bị lừa, đạp cyclo không đủ sức, bán cà phê dỏm bị ế hàng bạn bè văn nghệ hay lại uống chịu rồi quên trả tiền, “chà đồ nhôm” bị cụt vốn hết còn thứ gì để gỡ đem ra chợ trời… đến lúc đó thì mày qua đây tao truyền nghề cho. Như Trương Vô Kỵ xông pha cho lắm cuối cùng cũng về vẽ lông mày cho Triệu Minh, mày cũng nên kết thúc cuộc đời bằng nghề vẽ guốc. Không không. Không cần có hoa tay đâu. Chỉ cần thuộc một số mẫu vẽ là được. Ai đặt làm guốc đặc biệt, tao với thằng Tần sẽ vẽ mẫu cho mày, mày lấy bút lửa đồ lại là được.

Tao cho rằng nghề vẽ guốc là sự kết hợp kỳ diệu của nghệ thuật và đời sống. Bỏ công vẽ một bức sơn dầu rồi làm gì? Mấy người xem đã hiểu? Mấy người đủ tiền mua? Bọn có tiền mua tranh về treo ở phòng khách, mình có tài hoa tới mấy cũng chỉ là cái giá cho tụi nó chưng sự giàu sang của tụi nó mà thôi. Không ích lợi gì. Không có tính quần chúng. Vẽ guốc là đem nghệ thuật phụng sự thiết thực cho đời sống của đa số quần chúng. Hơn thế nữa, người mang guốc hoa đều là những thiếu nữ trẻ đẹp, ngực nở, mông tròn, má hây hây, xứng đáng để tụi mình đem nghệ thuật lót đường cho họ đi, giữ gìn gót chân son của họ…

Tần cười, can Ngô:

– Thôi, ông ba hoa nhăng nhít chừng đó đủ rồi. Ông chọc giận mấy ông bạn trên hội Mỹ thuật bằng luận điệu đó thì được, chứ ba hoa với anh Ngữ làm chi. Ảnh mới về để cho ảnh nghỉ ngơi.

Ngữ nói:

– Mày làm đài phát thanh nên tao thấy mày ba hoa cũng nhuyễn hơn thời xưa nhiều. Ừ, biết đâu có ngày tao phải theo mày học nghề. Kiếm được khá không?

Tần cười:

– Anh hỏi vậy là tháo ngòi nổ của anh Ngô rồi đó.

Ngô cãi:

– Kiếm được ít vì mình giao thiệp dở, không tìm ra mối. Thiếu gì thằng vẽ xấu òm mà hàng đặt không làm kịp, phải thuê mình vẽ bớt.

Tần đứng dậy nói:

– Thôi, tôi phải về trước. Ít ra cũng phải tỏ ra là mình không xem thường thủ trưởng quá, trước giờ nghỉ làm phải có mặt ở cơ quan. Anh Ngữ ngồi chơi.

Tần về rồi, Ngữ mới nhìn quanh nhà hỏi:

– Hai bác đâu?

Ngô nói:

– Ông bà già ra Nha trang đón con Diễm.

Ngữ giật mình hỏi:

– Diễm bị tù thật à?

Ngô buồn rầu đáp:

– Mày đọc báo biết rồi còn gì. Tao đã can nhưng con Diễm nó ẩu quá. May tìm được chỗ nhờ nên chỉ bị một năm, chứ ban đầu tụi nó tính đưa con Diễm lên chánh phạm để nhẹ tội cho hai thằng thương nghiệp vật tư. Mới mà cũng mau. Nó mãn hạn tù cách đây hai hôm.

Tự nhiên Ngữ thấy ruột xót cồn cào, rồi nước dịch vị ở bao tử cứ trào lên miệng. Ngữ cố nhịn đau không được, nói nhanh với bạn:

– Tao đi cầu một chút.

Ngữ chạy vào nhà cầu súc miệng, một lúc sau cơn đau đã hạ. Nhìn vào gương, Ngữ nhớ những lần vào đây rửa mặt, đang quệt bọt cạo râu lên mặt thì Diễm hiện ra trên gương, hai tay ôm choàng lấy đôi vai Ngữ ngả đầu làm hề. Ngữ vuốt lại tóc, lấy bộ mặt tươi tỉnh bình thường trở ra phòng trước. Ngô nhìn Ngữ đăm đăm, rồi hỏi:

– Mày có xuống nhà này nhiều lần rồi phải không?

Ngữ ngạc nhiên hỏi lại:

– Sao mày hỏi vậy?

– Tao chưa kịp chỉ chỗ nhà cầu mày đã biết đường rồi.

Ngữ thấy mình hớ, đành nói:

– Có. Diễm có dẫn tao tới coi nhà này trước khi tao đi trình diện.

Ngô nhớ lại đôi dép Nhật và cái bàn chải đánh răng đàn ông, nhớ lời Diễm thố lộ hôm cùng ra Nha trang với anh, mắt cứ đăm đăm nhìn bạn, hồ nghi. Ngữ tránh nhìn trở lại, cầm đôi guốc đang vẽ dở hỏi Ngô:

– Vẽ một đôi guốc thế này họ trả bao nhiêu?

– Còn tùy hình vẽ đơn giản hay phức tạp. Loại thường vẽ hàng loạt thì hai đồng một đôi. Loại guốc đặt để cho bà con ở ngoại quốc đôi khi lấy được tới mười đồng.

– Vậy là thu nhập hàng tháng cũng bằng công nhân viên rồi còn gì.

– Nhưng công nhân viên được mua gạo rẻ. Lương bao nhiêu không phải là chính. Cái làm cho mình phải lụy vào Nhà nước là gạo. Trong này còn dễ, ngoài Bắc mất sổ gạo là coi như đi ăn mày. Độ rày dân Sài gòn đã bắt đầu thấm chuyện gạo. Mấy tỉnh lúa gạo quanh đây đặt trạm cấm không cho dân tự do chở gạo lên bán cho Sài gòn nữa, Sài gòn chới với. Tuần trước ba tao nổi hứng làm một chuyện khó tin, sau thấy không xuôi vì nhà ít người quá, nên thôi. Gia đình nào đông con thì làm như vậy được.

– Chuyện gì vậy?

– Chuyện gạo. Các tỉnh cấm chở gạo nhưng đâu có nghĩ tới chuyện cấm dân chở cơm. Giá một ký gạo ở Sài gòn cao gấp ba giá ở Long an. Ba tao đạp xe xuống Long an mua gạo nhờ nấu cơm, rồi chở cơm về Sài gòn. Tụi trạm kiểm soát thấy kỳ cục, nhưng không biết làm sao đành cho đi. Ba tao nói đã có nhiều ông già làm chuyện đó. Già rồi, không biết làm gì đỡ đần cho vợ con, rán đạp mấy chục cây số mua gạo nấu cơm đem về Sài gòn ăn, tiết kiệm mỗi ngày cũng được gần mười đồng bạc. Tao tính gần mười đồng, nếu gia đình trên mười miệng ăn. Nằm ở Sài gòn chắc gì đã kiếm được mười đồng.

Ngữ ngạc nhiên kêu lên:

– Chuyện kỳ cục nhất thế giới. Nhà nước ép dân đến bậc đó thì sống với ai.

Ngô không nói gì, chỉ ngồi thẫn thờ nhìn đôi guốc trước mặt. Ngữ hỏi:

– Bác trai không còn giúp việc cho phường à?

– Lại thêm chuyện đó nữa. Tụi nó đủ người muốn đẩy ông già ra từ lâu, nhưng chưa tìm được cớ. Tao còn ở Hà nội, ông già còn lấy tao ra làm cái mộc che. Tới hồi tao bỏ về, tụi phường nó biết. Tụi nó bắn tiếng là sẽ bắt tao vì sống không hộ khẩu, thuộc thành phần ăn bám xã hội. Tao phải nhờ Năm Được gọi điện thoại dọa tụi phường vài câu, tụi nó mới để tao yên. Cho tới lúc con Diễm bị bắt, thì hết thuốc chữa. May mà trước đó con Diễm đã xin chuyển hết hộ khẩu ông bà già qua bên này.

Ngô ngước nhìn bạn, có vẻ ngập ngừng, rồi nói:

– Mai mày rảnh, xuống đây chơi. Chắc mai con Diễm nó về.

 

Nguyễn Mộng Giác


   Số lần đọc: 108

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây