Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàMùa Biển ĐộngTập 5 - Tha HươngMùa Biển Động - Chương 184

Mùa Biển Động – Chương 184

(Mùa Biển Động – Chương 184)

Một hôm Ngữ dừng chiếc cyclo trước tiệm trà ghé uống nước trước khi đi tìm khách, chàng thấy Lãng từ trong nhà đi ra. Thấy anh, Lãng có vẻ bối rối, chỉ chào hỏi lấy lệ rồi leo lên xe đạp đi luôn.

Vào nhà, Ngữ thấy không khí có vẻ khác thường. Bà Thanh Tuyến đang nói chuyện gì đó với Quỳnh Trang, thấy Ngữ vào cả hai đều ngưng nói, sắc mặt ngượng nghịu như vừa bị bắt quả tang đang làm điều gì không phải. Ngữ muốn hỏi vợ, nhưng có mặt bà Thanh Tuyến Ngữ đành giả vờ như không thấy gì, tìm nước uống xong lấy xe đi.

Buổi tối vì có một hành khách đi xe lửa về tận Phú lâm, nên mãi mười một giờ đêm Ngữ mới về. Cả nhà đã đi ngủ, trừ Quỳnh Trang. Ngữ chỉ mong có thế. Chàng muốn biết chuyện gì đã xảy ra mà bà Thanh Tuyến lẫn Quỳnh Trang muốn giấu.

Quỳnh Trang rủ chồng đi dạo. Đèn đường hư gần hết, lâu lâu mới có một ngọn đèn mờ vì nguồn điện yếu ớt. Quỳnh Trang không chờ Ngữ hỏi, buồn rầu bảo chồng:

– Khi trưa me hỏi em điên hay sao mà cho anh đi với nó. Em nói với me là thấy anh đạp cyclo cả ngày khổ cực mà tối ngủ không yên giấc, nghe tiếng kẹt cửa cũng giật mình, em sống không đành. Thà để anh đi may ra còn có chút tương lai, em với con qua sau cũng được. Còn nếu anh không nghĩ tới vợ con, không nghĩ đến mấy năm khổ cực có nhau, thì…

Quỳnh Trang nghẹn lời không nói hết câu. Ngữ ngơ ngác không hiểu vợ nói gì, nắm vai vợ giữ lại rồi xoay người Quỳnh Trang đối diện với mình, vội vã hỏi:

– Em nói gì anh không hiểu. Đi đâu? Nó là ai?

Quỳnh Trang nhớ ra là Ngữ chưa biết chuyện, nên nói lại từ đầu:

– Sáng nay Lãng lên nhà gặp em với me. Anh cũng biết mấy tháng nay thằng Lãng làm cho con Diễm. Nay chiếc ghe đã hạ thủy, sắp lấy được giấy phép. Con Diễm hứa cho thằng Lãng đi không. Lãng không muốn đi bây giờ, vì lâu nay nó quen dẫn mối vượt biên, tiền đang kiếm được khá. Nó nói nó giấu anh, vì anh nhát, sợ anh can. Nó định để dành tiền đủ sẽ tự mình đóng ghe đưa cả nhà đi, kêu thêm khách lấy tiền làm vốn qua bên đó buôn bán. Nó không nhận cái chỗ con Diễm cho thì uổng quá, nên nó lên hỏi em xem có bằng lòng để anh đi trước không. Sẵn có me ở đó, em hỏi me, me bảo đừng nên để anh đi với con Diễm. Em hỏi thật anh, lâu nay anh có gặp nó không?

Ngữ vội chối:

– Gặp làm gì? Còn đi đâu mà không có em và con, anh không đi. Diễm có lần hỏi anh có đi không? Anh dứt khoát từ chối.

Quỳnh Trang vội hỏi:

– Nó hỏi anh hồi nào?

Ngữ biết mình lỡ lời, vội chữa:

– Thật ra không phải Diễm hỏi anh. Diễm nài nỉ Ngô đi với gia đình. Thằng Ngô không dám đi, sau vụ Mười Chí qua Thái lan bị đòn như em biết. Sẵn câu chuyện, Ngô hỏi anh có ý định đi không, để Ngô nói giúp với Diễm cho.

– Nhưng sao thằng Lãng bảo con Diễm nhờ nó lên hỏi em có đồng ý cho anh đi không?

– Chắc thằng Lãng không đi, nên Diễm mới hỏi như vậy. Người ta có nghề nghiệp, Anh văn giỏi, qua Mỹ còn kiếm nghề mưu sinh được. Anh qua đó làm gì! Có em cùng đi, vợ chồng nương tựa nhau, may ra.

Quỳnh Trang sung sướng nghe Ngữ nói nịnh, nét mặt hết buồn rầu. Nàng nói:

– Nếu anh còn nghĩ tới mẹ con em, nếu anh còn biết nghĩ… thì theo em, anh nên đi chuyến này. Nếu còn tiền, em đã lo tìm chỗ khác cho anh đi. Nhưng chỗ nào em hỏi họ cũng đòi năm, sáu cây cả. Nay Diễm nó cho đi không, bỏ cũng uổng. Anh này…

– Gì hở Trang?

– Em với me tính thế này, anh nghe có được không. Em sợ anh qua bên đó một mình chịu không nổi cô đơn, đâm đốn, tính anh em còn lạ gì. Nên em sẽ năn nỉ con Diễm để anh dẫn con theo. Nó cho nợ thì em viết thư cho Quỳnh Như, đến nơi Như sẽ xoay tiền trả cho con Diễm. Em chưa nói vì còn chờ hỏi ý kiến anh. Em nghĩ nếu nói với con Diễm, chắc nó bằng lòng cho con đi với anh. Con Diễm cũng không lòng dạ nào đòi tiền con Như đâu, vì con Như nuôi giùm con con Diễm mà! Hai cha con qua đó sống với nhau, anh chăm sóc dạy dỗ con cho nó học hành, chờ em với thầy me qua sau. Xa con em đau lòng lắm, nhưng ở lại trước sau gì nó cũng tới tuổi nghĩa vụ. Anh đừng cười. Con lên mười rồi, tám năm nữa có là bao. Anh bằng lòng nhé? Mai em tìm gặp con Diễm nói với nó. À không, em sẽ nhờ Lãng nói trước với nó, nếu nó bằng lòng em tìm gặp nó sau.

Ngữ vội nói:

– Anh đã bằng lòng đi đâu!

– Chứ ở lại đây làm gì?

Ngữ định đem những điều trước đây từng nói với Ngô để nói với vợ. Nhưng chàng chợt khám phá một điều: các lập luận tưởng như vững chắc cao cả đó giờ đây trở nên gượng ép, giả tạo. Ngữ đã lập luận như vậy vào lúc biết chắc mình không có điều kiện để đi. Khi phải ở lại chịu đựng, Ngữ dùng trí thông minh để quàng vào số phận hẩm hiu ấy một ý nghĩa cao cả: nào ra đi là chạy trốn, là đào ngũ, là bật gốc khỏi đất mẹ để suốt cuộc đời còn lại lơ láo thui thủi nơi xứ người; nào ở lại là can đảm chấp nhận thân phận chung để nếu không làm được gì thì cũng dùng ngòi bút ghi lại các tang chứng của lịch sử; nào quê hương là chỗ ta cảm thấy có ích… Bấy nhiêu từ ngữ cao cả, bấy nhiêu lý luận chặt chẽ đột nhiên rệu rã, mong manh phù du, chỉ còn lại lòng náo nức một cuộc sống mới. Ngữ lúng túng một hồi mới tìm được lời đáp vợ:

– Dù không được gì nhưng ngày ngày còn có em có con bên cạnh. Biết đi có lọt không, rủi ra lại tù tội. Nếu đi lọt, lại phải xa em không biết bao lâu nữa.

Quỳnh Trang nắm tay Ngữ, an ủi vỗ về như chị an ủi em:

– Anh rán chịu đựng một thời gian thôi. Anh và con đi xong, hoặc em cũng tìm cách đi theo. Hoặc em chờ Quỳnh Như bảo lãnh đi một lần với thầy me. Ở lại đây họ có cho anh sống yên đâu!

***

Mọi sự đã được dàn xếp êm đẹp. Diễm bằng lòng cho Ngữ và cháu Bình đi, với điều kiện là khi nào Quỳnh Trang qua Mỹ, Quỳnh Trang phải trả lại Diễm phần tiền chỗ của thằng Bình. Diễm lên giọng đàn chị nói vói Quỳnh Trang:

– Em muốn cái gì cũng phải phân minh. Em hùn hạp làm ăn nhiều, dù quen thân nhau bao nhiêu đi nữa hễ tiền bạc không phân minh ngay từ đầu thì về sau cũng thù ghét nhau. Cái ân của con Như đối với em, em sẽ tính với nó. Chị nhờ con Như trả hộ, chắc con Như không nỡ từ chối, nhưng làm sao em ngửa tay lấy tiền của nó được. Khi nào chị sang được, chị trả cho em số tiền Mỹ kim trị giá hai lạng vàng.

Quỳnh Trang bực mình vì cái giọng kẻ cả của Diễm, nhưng đành dằn lòng làm ra vẻ hớn hở, cảm ơn Diễm rối rít.

Nàng bắt đầu chuẩn bị mọi điều cho sẵn sàng, để hễ Diễm báo tin là cha con Ngữ lên đường.

Khác với vẻ hăng hái ban đầu, từ khi biết chắc chồng con sẽ đi, lúc nào Quỳnh Trang cũng như người mất hồn, nói trước quên sau, cầm cái kéo trên tay mà cứ đi tìm kéo từ nhà trước ra nhà sau. Bà Thanh Tuyến phải gắt:

– Mày làm gì như người bị ma bắt vậy? Đã bằng lòng cho nó đi thì phải vui vẻ cho nó yên tâm ra đi, chứ giữ bộ mặt đưa đám đó lỡ nó đổi ý…

Quỳnh Trang thút thít khóc:

– Con lo lắm, không biết ảnh đi có lọt không. Chị Mai đằng quán cà phê Mơ bảo con tụi công an bán bãi lưu manh lắm. Tụi nó lấy tiền xong, rồi chính tụi nó cho người vây bắt. Thằng em của chị ấy tốn bốn cây nộp cho chủ ghe, bị bắt lại phải tốn thêm ba cây nữa mới ra tù. Anh Ngữ mà bị bắt lại chắc ở tù mục xương.

Bà Thanh Tuyến đã sờn lòng, nhưng thấy con gái lo lắng quá, phải nói cứng:

– Một trăm chuyến đi thì cũng phải có một chuyến bị rủi ro. Me nghe người ta dặn mỗi người đi nên mang theo chiếc nhẫn một chỉ. Nếu bị công an du kích vây bắt, tháo nhẫn nộp cho tụi nó thì tụi nó cho về, khỏi dẫn về giao cho Công an lôi thôi. Con nhớ làm cho thằng Ngữ chiếc nhẫn.

– Dạ. Con đã chạy đi hỏi để sắm cho đủ: đường chanh sấy khô này, sữa bột này, vitamin C này, thuốc say sóng này, bao ny lông để hứng nước mưa này…

– Nhớ mua hai cái bao ny lông loại lớn và dày để cha con nó đựng hai bộ quần áo và hai đôi dép. Bà Thảo dưới Đakao dặn mẹ như vậy. Bả bảo con trai bả bị bắt dưới Vũng tàu chỉ vì không biết lo trước. Chiếc ghe đi được một ngày thì bị bão, sóng đẩy trở vô Bãi Sau. May là bờ biển vắng, người ta nhào xuống chạy trốn được khá đông. Con trai bà Thảo cũng chạy trốn được, nhưng bị Công an Vũng tàu bắt vì quần áo ướt nhẹp, chân lại không có đép. Mình vào bờ, mặc quần áo khô chân đủ dép đủ giầy, ai mà nghi.

Quỳnh Trang cau mày cằn nhằn:

– Nãy giờ me bàn toàn chuyện rủi ro không à! Con đã lo, me còn…

Bà Thanh Tuyến thấy mình vô ý, nhưng cố nói thêm:

– Thì cứ lo hết mọi điều, cả chuyện rủi ro nếu biết lo trước cũng không hại gì. Nhớ bảo cha con nó mang theo cái áo ấm. Ban đêm ngoài biển lạnh lắm.

– Dạ, Con đã để riêng ra rồi. Con có mua tấm ny lông để làm áo mưa, nếu cần,trải ra ngủ cũng được.

– Ối, chỗ đâu đặt lưng mà ngủ. Nhưng cứ đem theo, lỡ mưa gió. Bỏ thêm vào xắc cho hai cha con chai đầu gió. Cả trăm mạng người chen chúc dưới hầm tàu, có dầu xoa vào mũi đỡ thấy mùi hôi. Mua cho hai cha con hai cái gối hơi kê lưng ngồi cho khỏi mỏi. Loại gối cao su thổi hơi vào đó. Làm gối cũng được, hữu sự làm phao cũng tốt.

Quỳnh Trang kêu lên, nét mặt hớt hải:

– Me!

Một lần nữa bà Thanh Tuyến lại lỡ lời, nói gở!

***

Ngữ chuẩn bị ra đi một cách khác, lãng đãng tài tử chứ không cụ thể chi li như cách của vợ. Ngoài những người trong gia đình, chàng không dám cho ai biết. Dĩ nhiên trong đám bạn hữu thường đi lại với Ngữ, Ngô biết. Chiếc ghe đã có giấy phép, tài công đã lái ghe xuống Bến đá- Vũng tàu cào tôm chờ ngày thuận tiện. Bên phía lo bãi đã móc nối với Công an, du kích và theo lời họ khoe khoang, chỗ nào cũng ăn ngập mày ngập mặt nên bãi hoàn toàn an ninh. Vấn đề còn lại là làm sao dẫn khách tới bãi đầy đủ và an toàn đúng giờ hẹn.

Vì không biết ngày nào đi, nên Ngữ không đạp cyclo nữa, chỉ nằm nhà chờ. Đi đâu Ngữ phải cho Quỳnh Trang biết giờ về và chỗ đến. Thời gian đó Ngô thường lên hiệu trà rủ Ngữ đi uống cà phê ở Ngã bảy. Quỳnh Trang yên lòng khi Ngô rủ Ngữ đi, vì nếu Diễm đi thì Ngô phải biết.

Ngô được Diễm mua biếu cho chiếc xe gắn máy Suzuki nên có phương tiện đèo Ngữ đi khắp nơi, gọi là đi để nhớ lần cuối cảnh vật quê hương. Ngô nói với bạn:

– Qua bên đó, mày sẽ tiếc nếu bây giờ không đi thăm cho nhiều chỗ. Mày đừng xem thường. Hồi ra Hà nội tao nhớ đến da diết giọng rao chè của các chị bán chè đêm ở công viên Phú Văn lâu. “Ai ăn chè đậu xanh bột lọc nước dừa đường cát không?” Mày chú ý tới cách các chị bán chè cất cao giọng trong vắt thánh thót khi đến tiếng “không” ở cuối câu. Đẹp vô chừng. Thơ vô chừng!

Ngữ thích thú đáp:

– Phải. Tiếng rao của Huế mình là một lời ca. Mấy bà rao bánh nậm bột lọc cũng thật đặc biệt. “Ai ăn bánh nậm bột lọc?” Cuối lời rao cụt ngủn chấm dứt bất ngờ, nhưng bù vào đó, tiếng “ai” ở đầu câu thật êm ả, thân ái. “Ai ăn bánh nậm bột lọc?”

– Không biết chừng qua bên đó mày viết về quê hương còn tha thiết hơn mày viết ở đây. Ừ, mà liệu mày viết được không?

– Tao không rõ. Còn ai đọc không? Và viết cái gì?

Ngô trố mắt nhìn Ngữ:

– Mày nói gì lạ thế? Có biết bao điều đáng viết mà mày chưa viết. Đến khi được tự do viết, mày lại hỏi viết cái gì?

Ngữ cãi lại:

– Nhưng viết phải có người đọc. Liệu ở nước ngoài còn có người đọc tiếng Việt không?

– Sao lại không! Bên đó có nhiều báo, hình như cả trăm tờ thì phải. Báo ra nhiều tức là còn nhiều người chưa quên tiếng Việt. Chỉ sợ mày ham làm giàu không viết được thôi.

Ngô vô tình chạm điều Ngữ vẫn thường lo âu. Ngữ nói:

– Tao tài cán gì mà làm giàu. Cái tao lo là không viết được như tao mong ước. Vì sao hả? Trả lời không dễ đâu. Không phải hễ thoát được khỏi vòng phấn của mấy ông Tuyên huấn là viết ào ào. Nhiều nhà văn Liên sô hay Đông Âu khi còn ở trong nước sống chui sống nhủi, viết lén in lậu mà tác phẩm ngùn ngụt lửa, giá trị cao. Khi ra nước ngoài rồi thì viết xuống hẳn. Hình như chỉ khi nào bị đàn áp đè nén, người ta mới dồn hết sinh lực vào đầu ngòi bút, mới quý từng chữ viết ra. Khi được tự do, chữ nghĩa rẻ rúng, không thấy có gì quan trọng đáng để cặm cụi nữa.

– Mày nói gì thế? Solzhenitsyn vẫn tiếp tục viết.

Ngữ cãi lại:

– Nhưng ông ấy cảm thấy lạc loài hơn là lúc còn ở Nga. Lúc chưa bị trục xuất, một lời nói của ổng lọt ra là cả thế giới lắng nghe, rồi vỗ tay tán thưởng. Bây giờ ổng hét vào tai người ta vẫn làm ngơ. Hình như người ta thích ổng ở tù hoài để họ đứng bên ngoài la ó hơn là thấy ổng được thong dong tự do. Ối, nhưng hơi đâu bàn chuyện trên trời dưới đất. Tao tài cán gì mà lớn lối.

Ngữ không dám để bạn đưa đi quá xa, vì thành thật tự xét mình, chàng thấy chuyện viết lách không hề là động cơ chính để chàng bằng lòng ra đi. Chàng có thể giả dối với ai khác, nhưng không thể giả bộ đối với Ngô.

***

Quỳnh Trang cứ lo Ngữ bị Công an làm khó dễ đúng vào lúc Diễm báo tin đi, nên như người bị chứng tự kỷ ám thị, nhìn đâu nàng cũng thấy Công an. Nàng gầy xọp, hốc hác, đêm cứ trăn trở không chợp mắt. Ngữ đi đâu, Quỳnh Trang đứng ngồi không yên, chỉ lo chồng bị bắt. Nàng lo ngại cũng phải, vì Công an có thể bắt giữ Ngữ bất cứ lúc nào. Ngữ sống bất hợp pháp ở Sài gòn, lại thuộc thành phần cải tạo. Cái giấy tạm tha bọc trong túi không phải là lá bùa hộ thân mà ngược lại. Nhà nước tạm tha cho chàng về để “lao động sản xuất” chứ không tạm tha để về “ăn bám xã hội”. Thật là cái tội tày đình.

Ngữ ở nhà, Quỳnh Trang cũng lo, ai gọi cửa là nàng xanh mặt, nhất là về đêm. Một tối đã gần giờ giới nghiêm, Quỳnh Trang nghe có tiếng xe gắn máy dừng trước cửa hiệu trà, sau đó có tiếng gõ cửa. Ngữ đã ngủ, Quỳnh Trang hốt hoảng lay chồng dậy, giục Ngữ xuống nhà cầu lánh mặt vì nàng sợ Công an đi xét sổ hộ khẩu. Chờ cho Ngữ trốn xong, Quỳnh Trang mới ra nhà trước. Ai đến vào giờ này, lại đi xe gắn máy nếu không phải là thằng Công an khu vực? Những người thân quen với gia đình không ai đủ tiền mua xăng để đi xe gắn máy. Chiếc Suzuki của Ngô nổ tiếng máy khác hẳn, Trang biết. Người gõ cửa đi xe Honda dame. Quỳnh Trang nghe tiếng máy nổ từ xa đã đoán chắc như vậy. Ai? Ai?

Quỳnh Trang vừa mừng vừa lo khi biết Nam đang chờ mở cửa.

Quỳnh Trang lật đật mở khóa, hỏi bạn:

– Trời ơi! Có việc gì gấp không mà lên vào giờ này?

Nam đẩy chiếc Honda vào trong nhà, đáp:

– Có chuyện cần. Anh Ngữ đâu?

Quỳnh Trang sợ đến đứng tim, vội hỏi nhỏ:

– Có chuyện gì anh Tường cho biết phải không?

Nam thấy chị dâu quá lo, vội nói:

– Không có gì đâu. Nam xuống hỏi anh Ngữ một chút cho biết rồi về liền. Trang vào đánh thức anh dậy giúp mình. Anh ngủ rồi hả?

Quỳnh Trang xuống nhà cầu gọi chồng lên. Ngữ lo lắng đứng bên vợ chờ Nam nói. Nam bị xúc động, giọng run và khao khao:

– Anh đi, cho em gửi con Thúy theo được không?

Hai vợ chồng Ngữ kinh ngạc, vì bất ngờ. Ngữ hỏi:

– Sao lại cho cháu đi?

Quỳnh Trang thì hỏi:

– Anh Tường chịu cho đi à?

Nghe nhắc tới Tường, Ngữ đâm giận. Từ ngày Ngữ rục rịch chuẩn bị đi, không bao giờ Tường về đường Lý Thái Tổ. Ngữ nghĩ Tường sợ bị liên lụy, trong lòng vẫn có ý chê Tường hơi yếu. Ngữ hỏi:

– Sao Tường không chở em xuống đây?

Nam nói:

– Việc này em tự lo tiện hơn. Nếu anh bằng lòng hứa với em qua đó chăm sóc giùm cho cháu… (nói đến đây, Nam nghẹn lời) ngày mai em sẽ tìm con Diễm nói với nó.

Quỳnh Trang hỏi:

– Nhưng anh Tường bằng lòng à?

Nam không trả lời bằng lời, chỉ gật đầu. Một lúc lâu về sau, Nam vừa thút thít vừa nói:

– Xa con em đau đến đứt ruột, nhưng vợ chồng em đã bàn tính kỹ, cho nó đi may ra tương lai nó khá hơn, chứ ở đây… Anh đi còn có ngày đoàn tụ với chị, còn em cho cháu đi thì… vĩnh viễn không mong có ngày gặp lại cháu nữa. Xót xa lắm (Nam lại khóc). Nhưng thà như vậy còn hơn. Có anh, em yên tâm. Anh qua trước, ít lâu nữa Lãng nó tìm cách đưa má với vợ chồng con Quế đi, Thúy có các dì các cậu đông đủ, cũng đỡ.

Quỳnh Trang hỏi:

– Còn chuyện tiền bạc cho cháu đi, Nam lo được à?

– Em sẽ năn nỉ con Diễm, nó lấy rẻ rẻ cho. Anh bằng lòng, em sẽ đi mượn con Quế hoặc thằng Lãng. Em lo được, quan trọng là anh Ngữ chịu hứa thay em chăm sóc giùm cháu. Tính cháu ham vui qua đó không có người kèm, sợ cháu nó hư đi.

Ngữ cảm động, nắm tay Nam nói:

– Được, anh hứa, Nam về đi, giờ giới nghiêm sắp tới rồi.

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 95

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây