Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Trang NhàTruyện DàiĐường Một ChiềuĐường Một Chiều - Chương 2

Đường Một Chiều – Chương 2

( Đường Một Chiều – Chương 2 – Nguyễn Mộng Giác)

Đêm qua tôi mất công chờ Tín đến mười một giờ khuya. May mắn là sáng nay, mới sáu giờ ba mươi, Tín đã lái xe lại. Tôi không biết lấy gì cảm ơn Tín, cảm động quá, chỉ biết ôm chầm lấy người sĩ quan phụ tá cũ nghẹn ngào. Tín để yên chờ tôi dằn được xúc động, rồi mới bảo:

– Em sai thằng chuẩn úy trong căn cứ đánh điện tín cho anh. Anh nhận được lúc nào?

– Chín giờ sáng hôm thứ hai, nhưng điện tín mù mờ, không nói gì rõ cả. Về đến đây mới biết chuyện động trời ấy.

– Vâng, cả em nữa, mới đầu nghe chuyện cũng không tin. Nhất là thằng Ninh được anh cưng nhất tiểu đoàn, hưởng tất cả ưu tiên ưu đãi. Mấy ngày nay bận lo đám táng cho chị, chưa có thì giờ qua bên quân cảnh tư pháp hỏi cho rõ nội vụ.

 

Rồi Tín hạ giọng, như muốn phân trần:

– Em cũng muốn rán đợi vài hôm nửa cho anh về. Nhưng người này bàn đi người kia tán lại, cuối cùng em cũng nao núng. Chờ anh gần bốn ngày trời vẫn không thấy anh về, sau em sợ điện tín bị lạc, có nhờ truyền tin họ liên lạc bằng điện thoại giùm. Trên ấy họ bảo anh đi rồi. Sau thấy có mùi, em mới cho đi chôn.

Tôi giải thích:

– Từ căn cứ xuống phi trường mất một ngày đường. Lại phải nằm chờ ở phi trường hơn hai ngày nữa. Dù sao cũng phải thành thật cảm ơn Tín. Thà về đây thấy nấm đất mới, còn đỡ đau lòng hơn là nhìn gương mặt lạnh hay cái quan tài.

Tín nhìn quanh rồi hỏi:

– Các cháu chưa dậy hả anh?

– Chưa. Chỉ có con Ly dậy sớm lo nấu nước sôi pha sữa cho mấy em.

Tín ngậm ngùi bảo:

– Tội nghiệp con Ly. Lũ nhỏ không biết gì, cứ tối tối quen lệ đòi mẹ. Báo hại con Ly dỗ ngon dỗ ngọt mãi. Dỗ không được, mấy chị em ôm nhau khóc. Tín định sai con Thanh lại đây ngủ với Ly cho có bạn. Nhưng con nhỏ sợ nhà có tang không dám lại. Mấy hôm đó con ở lại đi về quê mới chết chứ. À, em quên, anh chưa lấy xe được. Anh có ra mộ không, để em chở đi luôn.

Tôi nói:

– Phải đấy. Để chờ tôi thức lũ nhỏ dậy ra thăm mộ một thể. Trưa nay Tín bảo giùm cho trung tá hay tôi về phép. Và sẵn Tín cho tôi mượn chiếc Jeep của Tín luôn. Được không?

– Được chứ. Em vào căn cứ lấy chiếc xe của anh. Thằng Ninh lấy xe anh đi nhậu với bạn, khuya mới về. Sau đó, nó lấy chiếc xe lái chạy trốn. Quân cảnh đem xe về làm tang vật, mới trả lại đơn vị chiều qua.

Tôi kêu con Ly bảo sửa soạn cho lũ nhỏ ra thăm mộ. Ty và Nô quen với Tín trong mấy ngày tang tóc, lễ phép đến trước viên đại úy chào:

– Thưa chú.

– Thưa chú, ạ.

Tín vuốt tóc Ty, rồi kéo Nô vào lòng hỏi:

– Thay quần áo chú chở đi thăm má.

Nô hỏi ngay:

– Đi bằng xe gì, chú.

– Bằng chiếc Jeep như chiếc xe của ba vậy.

Nô trề môi chê:

– Cháu không thèm. Hôm nào ba mua cho Nô một chiếc xe có con rồng như chiếc xe lớn hôm trước đó.

Nghe lũ nhỏ ngây thơ đòi mua xe nhà táng, tôi đau nhói trong lòng. Tín cười lớn để giấu bối rối, rồi nói lảng sang chuyện khác:

– Cháu vào mặc áo đẹp rồi còn ra xe.

Nô vỗ tay reo:

– Phải rồi. Để Nô mặc bộ đồ mới. Nô mặc áo dài đội mũ trắng như chị Ty và chị Ly vậy.

Tín càng bối rối hơn. Dù tránh thế nào cũng không khỏi được cảnh tang tóc. Nhất là trước mặt chúng tôi, chiếc ảnh của Thúy mờ ảo sau làn hương loãng. Tôi gọi Ly lên hỏi:

– Ở nhà có may đồ tang cho ba không?

Ly đáp:

– Thưa ba có, để con đem cho ba.

Rồi cả nhà chất lên chiếc xe Jeep của Tín. Vợ Tín cẩn thận đến nỗi may cho bé Mi một cái áo tang trắng, và một mũ chụp xinh xinh. Ly bế Mi ngồi vào bằng sau. Còn Ty và Nô thì tranh đua ngồi trong lòng tôi. Cuối cùng Nô đã thắng, Ty phụng phịu ngồi chung với Ly và con Gái, nhưng lại tìm được cái thú chọc cho Mi cưởi. Xe qua vài ngã ba ngã tư, thiên hạ thấy cả xe mặc toàn đồ tang, tò mò nhìn một lúc, rồi tiếp tục chú ý đến việc riêng của mình. Tín lái khá nhanh, chưa đầy nửa tiếng đồng hồ đã ra tới nghĩa trang. Ty và Nô làm tài khôn, đua nhau chạy trước để chỉ lối cho ba. Ly nói đúng, chỗ đất mộ hơi thấp, mùa này hay mưa nên huyệt đầy cả nước là phải. Hình như hôm qua có một cơn mưa nhỏ, nên đất mộ còn ướt. Lũ chăn bò thả bò ăn cỏ mọc cao quanh các ngôi mộ cũ, hôm trước đã để thú vật dẫm chân lên mô đất mới. Nhìn dấu chân bò in sâu xuống lòng mộ, nhìn vết nước ẩm ướt đây đó, tôi nghĩ đến cảnh mưa gió gào thét đưa một người xuống huyệt lạnh, và cái đau đớn bất động của kẻ xuôi tay nằm xuống, vĩnh biệt trong nuối tiếc cuộc đời, chia lìa đành đoạn vòng tay ấm của con cái, gia đình. Tôi đứng im lặng trước mộ, nước mắt trào ra từng dòng từng dòng tiếp nối. Tôi không nghe gì, không thấy gì. Tôi khóc lặng lẽ như vậy khá lâu, càng về sau tâm hồn càng bớt u ám nặng nề. Lúc lấy được lại bình tĩnh, tôi thấy mấy đứa con cũng đang lặng lẽ đứng thành hàng phía sau lưng, không dám nói gì vì sợ động đến nỗi đau đớn thiêng liêng của tôi. Tôi cúi xuống vái lạy Thúy, thì thầm khấn nàng phù hộ cho gia đình còn lại được may mắn. Tôi cũng hứa là sẽ tìm hiểu vì sao Ninh phạm tội ác, và sẽ trả thù cho Thúy. Khấn xong, tôi dành chỗ cho Ly ngồi xuống khỏa lấp chỗ có dấu chân bò. Ly khóc thành tiếng, run run nói gì đó với Thúy, tiếng nói vỡ và tan trong gió lộng. Nhìn mấy nén nhang cũ cắm trước mộ, tôi mới nhớ mình quên bảo con Gái đốt nhang để khấn. Tôi gọi Ly:

– Con đem hộp diêm và bó nhang lại chỗ cái mộ cao kia để đốt. Gió thế này con phải mồi bằng giấy mới cháy được.

Tín đề nghị:

– Cháu lấy cái Zippo của chú mồi cho dễ.

Ty và Nô không chịu vái, chạy theo xem chị đốt nhang. Tôi nhìn quanh mộ, mắt lơ đãng bắt gặp một đoạn dây dừa cháy dở, và một vài mảnh quần áo đốt sót. Tôi nghĩ: Chắc đoạn dây người ta dùng hạ huyệt, và quần áo cũ của Thúy đây. Chú ý hơn, tôi nhận ra được một mảnh vải nylon màu hồng, có in hoa tím. Vải dệt bằng tơ nhân tạo nên đốt không cháy, mép vải chỉ đùn lại thành hàng mà thôi. Nhìn mặt vải hoa, tôi bồi hồi ngậm ngùi. Tôi không lầm đâu! Đây là mảnh vải còn lại của cái áo cánh Thúy thường mặc vào mùa nắng. Tôi mua cho Thúy xấp hàng nầy khi xin phép về thăm vợ vì nghe tin Thúy sinh Mi không được xuôi. Tôi vụng về không quen chọn quà, nhất là quà vải vóc cho vợ. Nhưng quả thật xấp vải ấy làm cho Thúy vừa lòng, nàng khen tôi có gout, biết chọn một loại vải hoa vừa mỹ thuật vừa trang nhã. Tôi bảo con Gái đưa Mi cho tôi bồng. Tôi cúi xuống nhặt mảnh vải còn lại, lòng không thôi bần thần. Mi ngơ ngác nhìn trời đất chung quanh, rồi trở lại ngọ nguậy khó chịu trong cái mũ chụp trắng. Tôi hôn con bé, má còn thơm mùi mồ hôi mẹ. Con bé khóc, hai tay chới với nghẹt thở trong vòng tay ôm của tôi. Lúc ấy Ly cũng đã mồi được nắm nhang rồi… Tín nhắc:

– Cái Zippo của chú đâu?

Ly hốt hoảng:

– Chết, chắc cháu quên đằng kia rồi.

Thằng Nô cười:

– Con cất đây. Con biết bật lửa rồi chú.

Rồi Nô bật biểu diễn cho chú Tín xem. Lối mở nắp, lối phất tay cho xăng lên trông điệu nghệ sành sỏi không kém gì những người nghiện thuốc lá. Tôi gọi hai đứa bé:

– Nô và Ty ham chơi chưa lạy má. Lại cắm nhang lạy má đi con.

Hai đứa bé vâng lời, con Ty vái thành thạo, còn thằng Nô chưa biết, vừa vái vừa nhìn con Ty để bắt chước.

Chờ Ty và Nô vái xong, tôi bảo:

– Bây giờ Ty và Ly đem nhang cắm đều các mộ quanh đây. Ly, con khấn nhờ các cô các bà an ủi chăm sóc giùm má nghe không.

Ly nghe tôi nói, động lòng thương mẹ và thương mình, rơm rớm nước mắt. Rồi con bé đi chia đều nhang cho khắp mộ. Tà áo của Ly bay, mái tóc rối và chiếc khăn tang quấn vội không che hết được gương mặt sầu muộn và ánh mắt say sưa thành tín của Ly. Tôi chợt nghĩ đến những cánh thiên thần ban phát chút hơi ấm cho các ngôi huyệt lạnh, xoa dịu những nỗi hận chất ngất một đời, hóa giải cuộc phù du. Càng ngày tôi càng khám phá thấy ở Ly một vẻ huyền nhiệm kỳ bí, cái gì gần như sự pha trộn giữa đam mê và thanh thoát, giữa vũ bão và heo may, giữa sự sống và nỗi chết. Tôi thì thầm với Thúy:

– Tội nghiệp cho Ly, em thấy không? Thúy chết, anh và các con bơ vơ. Nhưng Ty, Nô và Mi còn có anh. Chỉ một mình Ly là lạc loài, côi cút. Nhưng em đừng lo. Anh xin thề với em rằng anh thương nó còn hơn cả con chúng ta, còn hơn cả anh nữa. Nó là hình ảnh sự cô độc cam chịu, sự nhọc nhằn hiện hình.

Ly và lũ nhỏ đã trở về. Tôi dẫn chúng đến lễ ở mộ ngoại, cách mộ Thúy không xa bao nhiêu. Tôi hỏi Ly:

– Con có nhớ mặt ngoại không?

Giọng Ly buồn:

– Dạ không. Má nói ngoại chết từ khi má chưa gặp ba. Má còn nói nhờ vậy mà ngoại hết đau khổ vì má.

– Má nói như vậy hồi nào?

– Tết năm ngoái. Lúc con theo má đi dẫy mả ngoại.

Tôi ngờ ngợ cảm thấy có một phần đời của Thúy mà tôi chưa bắt gặp, chưa biết tới. Mà có hỏi Ly, con bé cũng không biết gì. Tôi cảm thấy mệt mỏi, chán nản. Lúc trở lại chỗ đậu xe, thấy vẻ mặt tôi, Tín nói:

– Xin chia buồn với anh. Nhiều lúc tôi thấy anh chị hạnh phúc quá, tôi đâm lo. Anh chị sống với nhau có được bao nhiêu đâu? Có phải sáu năm không?

Tôi đáp:

– Chúng tôi lấy nhau năm 1965. Thúy sinh con Ty năm 1966.
Tín thì thào, tiếng nói nhẹ như tiếng gió than tiếc trên các nấm mộ:

– Mới có bảy năm. Thật như một ảo ảnh. Có đó rồi mất đó.

***

Phải , mới có bảy năm mà thôi. Bảy năm hạnh phúc thoáng qua như một cơn gió thoảng. Tôi vẫn thường nói với Thúy tại sao mình không gặp nhau sớm hơn. Thúy ra dấu cảm động về câu hỏi ấy, nhưng ngay sau đó, nét mặt dần dần không vui. Đúng nét mặt của Ly lúc này. Hai mẹ con có cùng cái nhìn, cùng một lối cau mày. Ở nét mặt ấy, ở ánh mắt ấy có cái gì huyền diệu cuốn hút, quyến rũ tôi ngay từ thuở đầu.

Độ ấy tôi mới ra trường, hăng say cuộc sống hoạt động nên chọn ngành dù. Tôi đỗ cao, tự nhủ không cần xin xỏ gì, họ cũng xếp mình vào các đơn vị chiến đấu để thi thố tài năng. Nhưng quan điểm của các cấp chỉ huy ngược hẳn lại. Họ cho tôi về cạo giấy ở ngay bộ chỉ huy. Tôi không dám khiếu nại, sợ cấp trên cho mình ưa lý sự và kiêu căng rởm. Vì thế, tôi đành làm con gián ru rú gặm nhấm mớ giấy tờ, hồ sơ lúc nào cũng cao nghệu trên bàn. Ghi ghi chép chép. Trình ký trình xem. Bưu điệp. Chuyển phiếu. Chụp cái điện thoại bên này: Dạ phòng một tôi nghe. Dạ vâng. Thưa đại tá. Chụp cái điện thoại bên kia: Dạ nghe rõ. Thưa trung tá. Vâng vâng dạ dạ suốt ngày như cái máy, tôi đâm ra cáu kỉnh bực bội. Tôi thèm cuộc sống rộn rã ở bên ngoài, gối đầu vào bụi cỏ nghe hơi sương thấm dần trên mặt da cháy nắng, thèm gió lành ở đồng nội, thèm tiếng thú lạ ở giữa đêm rừng. Thèm mồ hôi nhọc nhằn, thèm tình đồng đội. Thèm cơn say ngây ngất của máu trước mắt và lửa sau lưng. Cái giấc mộng người hùng của tôi thời ấy ẩm mục theo đống giấy tờ vô tri chất đầy quanh bốn bức tường. Tôi không bằng lòng với kiếp sống chật chội. Ngoài giờ làm việc và trực gác, không biết làm gì, hai ba đứa bạn rủ nhau chen chúc trên chiếc Jeep cũ ì ạch chạy khắp phố, nhiều hôm uống bia thay cơm, hoặc nhiều hôm ăn cơm xong chưa kịp tiêu, nốc thêm bia vào rồi mửa thốc mửa tháo không còn một hột. Cuộc sống sao mà nặng trĩu, vô nghĩa. Bạn bè đi đi đến đến. Sống buông thả, ơ hờ, không có đứa nào tạm gọi là đủ thâm tình để gối đầu bên nhau tâm sự vụn hoặc nói chuyện tiếu lâm nhảm. Bà con cũng không có. Nhiều lúc buồn quá ăn cơm xong, không biết đi đâu, tôi ngồi ở quán bẻ vụn cả ống tăm rồi về. Tôi đã phí của nhà hàng quá nhiều tăm mà không lưu ý, cho đến hôm Thúy nhắc khéo:

– Bữa nay tăm lên giá rồi nghe chú Lộc.

Tôi hơi khó chịu, nhìn bà chủ quán đúng lúc Thúy đang nhen rề sô kho lại xoong thịt bò bán điểm tâm buổi sáng. Tôi nghĩ bà chủ quán trẻ cũng không vừa, tính lời tính lỗ từng đồng. Hèn chi công việc nhiều, mà bà chủ không dám thuê thêm người làm. Khách ăn đông, công việc đi chợ, nấu nướng, rửa chén bát, dọn bàn, thật bề bộn, nhưng chỉ có hai người quán xuyến hết: một bà chủ và một người đàn bà trung niên phụ bếp. Đôi lúc làm không xuể, đứa con gái nhỏ khoảng sáu tuổi có giúp mẹ chặt đá, bưng trà cho các “chú”. Có lẽ vì cuộc mưu sinh nhọc nhằn, nên nét mặt bà giúp việc và hai mẹ con bà chủ không mấy vui. Tôi nghĩ vậy, về sau mới biết mình lầm. Một hôm ham nhậu nhẹt với bạn bè tôi tới quán hơi trễ. Khoảng chín giờ rưỡi hay mười giờ. Bà chủ vẫn còn để dành cơm cho tôi. Tôi thấy mình làm phiền Thúy quá, xin lỗi vài câu lí nhí rồi định ăn qua quít cho xong để người ta đóng quán. Nhưng Thúy ngăn lại, bảo để chờ hâm nóng canh lại đã. Tôi cảm động quá, vui vẻ ngồi chờ, tìm câu gì nói nịnh cho bà chủ vừa lòng:

– Chị cẩn thận như vậy, đông khách là phải.

Không thấy Thúy nói gì, tôi quay sang gọi con bé:

– Ly, cho chú ly đá lạnh. Có còn đá không?

Ly ngước mắt thầm hỏi mẹ. Thúy bảo:

– Con lấy chanh làm cho chú một ly đá chanh. Bữa nay chú hơi say. Uống cho giã rượu.

Rồi quay sang phía tôi Thúy nói:

– Uống nhiều rượu không tốt. Các chú ỷ sức khỏe, nhưng coi chừng có bữa trúng gió chữa không kịp đâu.

Trong ánh nhìn trong lời nói, tôi tìm thấy vẻ trìu mến bao dung của một người chị. Tôi khám phá thấy đằng sau vẻ lạnh lẽo và hiu hắt thường ngày, Thúy còn có cái gì khác hơn. Sự trầm lặng ấy che giấu kín đáo lòng thương yêu, lòng nhẫn nhục, tính cần cù chịu đựng bất cứ bất hạnh nào trên đời. Tôi hơi hoang mang, không hiểu vì sao gương mặt còn trẻ ấy phù hợp với vẻ lạc lõng trầm lặng xa lạ đến như vậy. Và tôi tò mò. Khi Thúy bưng đến tô canh chua nóng, tôi lấy bạo hỏi:

– Ba cháu Ly đâu rồi chị?

Thúy nhìn tôi, bỡ ngỡ. Có lẽ nàng chưa biết tôi hỏi đùa hay hỏi thật, và muốn biết chắc trước khi trả lời. Nét mặt thành khẩn của tôi làm cho Thúy bỏ vẻ e dè phòng vệ. Nàng đáp nhỏ:

– Anh ấy mất lâu rồi.

Tôi sợ không dám khơi dậy nỗi đau đớn của người góa phụ, cố ăn cho nhanh rồi còn về. Phút thông cảm ngắn ngủi ấy, tôi xem như một biệt đãi cho riêng tôi, chỉ dành cho một mình tôi mà thôi. Từ đó, tôi có cảm tưởng cái nhìn của Thúy mỗi lần bắt gặp tôi có vẻ vui tươi hơn. Tôi không bị xếp hàng chung chạ với đám người hỗn tạp ồn ào sáng sáng chiều chiều ra vô quán cơm bình dân. Tôi được hưởng một cái khẽ gật hoặc một nụ cười mỉm. Có lẽ con bé Ly cũng theo ý mẹ, luôn luôn bưng ly trà đá cho tôi trước mọi người. Từ đó, tôi có cảm giác mơ hồ là mình đã có một nơi để trở về, hay đúng hơn, một nơi có thể ghé lại. Khi quán không còn đông khách, tôi nói vài câu đùa với bé Ly. Con bé mồ côi sớm khôn hơn tuổi và có một linh tính bén nhạy vô cùng. Ban đầu tôi không để ý, nhưng càng về sau, tôi càng nhận rõ. Tôi thử lại xem ước đoán đó có đúng không, bằng cách kê ghế ngồi lân la gợi chuyện với Thúy. Lúc nào thấy vậy, con bé cũng phụng phịu ra mặt, ra trước quán kéo cửa sắt lại để trút giận dỗi và đuổi khách về.

Nhiều bữa, tôi hỏi thẳng con bé để trêu:

– Ly ghét chú lắm phải không?

Con bé trả lời cộc lốc:

– Không.

Tôi cố nài:

– Có mà. Chú thấy Ly ghét chú. Ghét chú thậm tệ.

– Không mà.

– Thế tại sao Ly nhăn nhó khi thấy chú ngồi lại đây muộn?

Ly nghĩ ngợi một lát, rồi trả lời chậm:

– Tại Ly muốn đóng cửa sớm cho má đi nghỉ. Má làm việc cả ngày, mệt tội.

Thấy con bé quá lanh trí, tôi không dám chòng ghẹo nó nữa. Và hình như cả Thúy cũng vậy, nàng bắt đầu sợ hãi e dè với con, tránh nói chuyện lâu với tôi. Về phần tôi, thấy mình bắt đầu làm phiền người khác vì những mẩu chuyện đầu Ngô mình Sở vu vơ không ích lợi gì, tôi cũng bớt la cà lui tới. Ăn thì cắm cúi cho mau xong. Xong thì về liền. Với lại tôi còn tự ngờ rằng trong ý định thân thiện của mình, ở tận chiều sâu, ở tận trong tối, có những tà ý không mấy tốt đẹp. Tôi muốn chấm dứt, chấm dứt ở chỗ đáng chấm dứt. Nhưng muốn là một chuyện, và mọi sự ngoài tầm tay đưa đẩy mình đi đâu, là chuyện khác. Tôi làm ở bộ chỉ huy gần một năm, mới bắt đầu đưa đơn xin ra đơn vị. Cấp chỉ huy trực tiếp của tôi thời ấy không ưa tôi mấy, nên muốn tôi đi cho khuất mắt. Một đằng muốn đi mà chưa được đi, một đằng muốn thuộc cấp đi cho khuất mắt mà hắn vẫn còn nhởn nhơ đó. Trạng thái nhì nhằng làm cho không khí giao tế trong phòng trở nên gượng ép, giả tạo. Những câu nói bóng gió. Những cáu kỉnh xài xể vô lối. Lối gọi nhau bằng cấp bậc với giọng khinh bỉ hay trịch thượng ngụy trang. Tôi hết sức buồn chán, nét mặt lúc nào cũng nặng nề. Có lẽ chính Thúy băn khoăn nhiều về sự đổi khác nơi tôi, nên một hôm nàng khẽ hỏi:

– Tôi có làm điều gì chú buồn không?

Tôi đã hết thắc mắc về Thúy lâu rồi, nên khá kinh ngạc khi nghe nàng hỏi vậy. Tôi thành thực ngạc nhiên:

– Tôi có buồn gì đâu, chị.

Thúy không nói gì, một lúc sau khẽ liếc nhìn Ly đang cho đá vào nước trà, rồi nói:

– Chú thông cảm. Tính con Ly nó lạ lắm.

Câu nói ấy của Thúy, câu nói vô cùng ngắn ngủi và đơn giản này, quấy nhiễu tôi cả đêm hôm ấy. Tôi cứ lật ngược lật xuôi từng chữ một, tìm khám phá chủ ý bí mật đằng sau ngôn từ. Có lúc tôi thất vọng vì Thúy cho tôi chỉ là một đứa bé con dễ dàng bực bội vì trái chứng của con Ly. Có lúc tôi háo hức, nôn nao tìm thấy ở câu nói ngắn ngủi ấy một lời mời gọi. Tôi ngồi nán lại khuya hơn, bẻ tăm nhiều hơn để nghe những đoạn tâm sự rời rạc gãy vụn như đống tăm trước mặt. Thúy vừa muốn kể mà lại vừa muốn giấu, nên càng kích thích lòng háo thắng nơi tôi. Thú chơi cút bắt ấy giúp tôi quên được những phiền nhiễu trong căn cứ, và đống giấy tờ cao ngất trên mặt bàn. Rồi chầm chậm, chầm chậm, trước sự ngỡ ngàng của mọi người và của cả tôi nữa, Thúy trở thành sự cần thiết cho đời tôi. Cùng với biến đổi trong hồn mình, tôi thích thú thấy khuôn mặt đăm chiêu của Thúy biến đổi. Nay một chút hồng nơi gò má. Mai một chút son trên môi. Mái tóc lòa xòa được vén khéo. Và ánh mắt, nhất là ánh mắt, long lanh một nỗi đam mê. Tôi hãnh diện thấy cuộc sống hồi sinh, hãnh diện thấy sức mạnh chinh phục của mình. Mà cũng bối rối không ít khi thấy chính mình rơi vào chiếc bẫy êm ái do mình giăng mắc.

Đến khi nhận được lệnh ra đơn vị, tôi thấy phải giải quyết gấp, cho xong một lần. Không một chút chần chờ do dự, tôi ngỏ lời với Thúy. Nàng lặng người đi, khẽ liếc về phía Ly lo lắng. Rồi gật đầu.

Hạnh phúc của chúng tôi đến như vậy đó, lặng lẽ, đơn giản không hoa hòe nhưng đủ chơn chất để cuộc sống chung đôi về sau đầy dẫy âu yếm, rộn rã.

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 5637

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây