Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Nơi lưu giữ những tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Mùa Biển Động – Chuơng 29

“Ba mong Sài gòn và người Mỹ đủ khôn khéo để đừng đẩy họ tới chỗ phải dứt khoát lựa chọn. Vì như vậy thì bi thảm quá!”

Ngữ đạp xe lên Tiểu khu làm việc mà đầu óc cứ bị lởn vởn mãi câu nói ấy của cha. Chàng không hiểu rõ Nam sẽ lựa chọn bên nào, riêng Tường bạn chàng, chàng biết rõ lắm. Cách nói năng của Tường, cái mơ ước không tưởng và sự bực dọc trước cuộc sống sung túc của gia đình, cái đam mê được sống trong một hệ thống đồ sộ hợp lý …. nhưng điều đó sẽ dẫn đến đâu nếu tình thế thúc bách nghiệt ngã, Ngữ biết! Chàng đặt câu hỏi: Nếu điều đó xảy ra, mình sẽ làm gì? Ngữ chưa biết phải làm gì cả, vì thế chàng thao thức cả đêm không chợp mắt được!

Chàng đạp xe trong trạng thái lãng đãng như vậy nên suýt tông phải một cô nữ sinh viên đang từ phía đài phát thành Huế băng qua đường Lê Lợi qua khu đại học. Ngữ kịp bóp phanh nên bánh trước chỉ chạm nhẹ vào vạt áo dài của cô gái mà thôi. Cô sinh viên lừ mắt nhìn Ngữ, rồi bỏ đi. Ngữ nhìn theo, thấy bên kia đường cảnh sinh viên đi lại có vẻ tấp nập hối hả. Chàng nghĩ: “Lại một vụ biểu tình hội thảo khác. Đề tài là cái gì đây? Có câu hỏi nào khó khăn như câu hỏi hai cha con mình đã đặt ra không?”

Khung cảnh ở Tiểu khu cũng có vẻ chộn rộn bất thường như thế. Ai nấy đều hối hả vì những việc không lấy gì làm quan trọng, nhiều nhóm nhỏ tụ nhau lại bàn tán xầm xì. Ngữ được Hân gọi đến gia nhập vào một nhóm hạ sĩ quan văn phòng Tiểu khu đang đứng dưới gốc cây muông rậm lá hút thuốc. Hân hỏi:

– Vào trong đó làm gì? Đứng đây một chút để biết thêm tin tức rồi còn qua Diệu đế.

Ngữ hỏi tiếp:

– Có tin gì mới không?

Người lính hạ sĩ đứng bên cạnh Hân đáp:

– Nghe nói bác sĩ Mẫn mất tích rồi. Không hiểu ông bị tụi nó bắt, hay đã kịp trốn vào chùa Tỉnh hội.

Ngữ ngơ ngác hỏi:

– Đà nẵng lại lộn xộn à?

Hân trố mắt nhìn Ngữ, không tin chàng hỏi chân thành. Hân hỏi:

– Cậu không nghe radio sáng nay sao?

– Không!

Hân biết Ngữ không biết gì thật, nên nói:

– Ông Kỳ lại đem quân ra đánh Đà nẵng. Lần này nhất định làm tới, chắc là Cabot Lodge đã xin được Hoa Thịnh Đôn chấp thuận.

Ngữ vội vã hỏi:

– Họ vẫn còn đóng trong phi trường chứ?

Anh hạ sĩ nhanh nhẩu đáp:

– Không. Tụi nó đã chiếm đài phát thanh và Bộ Chỉ huy Quân đoàn. Nghe nói nhiều chỗ khác cũng bị chiếm rồi.

Ông thượng sĩ già người Quảng trị từ đầu đến giờ đứng im, bây giờ mới lớn tiếng nói:

– Đ.M. tụi nó muốn ăn thua đủ thì vác xác ra đây.

Ngữ hỏi Hân:

– Trong Đà nẵng không có phản ứng gì sao?

Hân đáp:

– Chắc có chứ. Chờ chiều nay có người trong đó ra, thế nào cũng biết tin hai bên đụng độ. Các bạn đừng lo. Phe ta trong đó còn hăng hơn đây nữa. Thế nào cuối cùng Mỹ cũng phải đưa C-141 ra chở xác lính Sài gòn về. Dân Quảng không làm thì thôi, chứ đã làm là làm tới nơi tới chốn. Kế hoạch của Ðà nẵng thâm thật. Cứ dụ cho bọn nó ra khỏi vòng phi trường, giả vờ rút vài nơi cho bọn nó chiếm, xong bao vây lại. Lần này thì đừng có hòng leo lên C-141 cho Mỹ chở về Sài gòn. Hà hà! Về quê thì có!

Cả đám cười hô hố, mỗi người góp thêm một câu nói đùa để lại cười một lần nữa, rồi lần nữa…

Họ chỉ dừng lại khi thấy một chiếc xe Jeep chạy vào cổng Tiểu khu, rồi dừng ngay trước bậc thềm lên văn phòng Tiểu khu trưởng kiêm tỉnh trưởng. Người thượng sĩ già ra vẻ thông thạo, nói:

– Ai ngồi trên xe hình như ông Đính.

Hân hỏi:

– Đính nào?

Ông thượng sĩ vẫn nhìn về phía Tòa Hanh chánh:

– Còn Đính nào nữa. Tướng Tôn Thất Đính tư lệnh quân đoàn. Ơ kìa, đúng là ông Đính rồi. Ông ấy ra đây, chắc là trong đó dàn xếp êm rồi!

Ngữ nhìn kỹ, thấy lời ông thượng sĩ là đúng. Tướng Tôn Thất Đính đang bước lên các bậc thềm đi nhanh vào Tiểu khu, theo sau là Mân và hai người lính hộ vệ̀.

Chàng nói với cả nhóm:

– Có cả trung úy Mân nữa. Tôi quen anh ta. Để tôi vào hỏi Mân xem Đà nẵng ra sao.

Ngữ bước nhanh về văn phòng. Hai người lính hộ vệ đặt súng tiểu liên lên bàn tiếp phát công văn của Ngữ để rút thuốc ra hút, còn Mân thì đứng xớ rớ bên ngoài văn phòng kín cửa của đại tá tiểu khu trưởng. Thấy Ngữ, Mân mừng quá chạy lại nói:

– Anh Ngữ! Lãng nó ra tới chưa?

Ngữ không đáp lời Mân, hỏi lại:

– Trong đó có chuyện gì vậy?

Mân liếc nhìn hai người lính cận vệ, rồi kéo Ngữ ra chỗ xa, tận chỗ gần cửa ra vào, nói nhỏ:

– Trong đó nguy tới nơi rồi! Chúng nó bất thần chiếm Bộ Tư lệnh Quân đoàn, tôi vô tình tới thăm anh Đính, bị kẹt. Suốt ngày hôm qua không đi đâu được. Sau nhờ tôi lén chạy qua bên Thủy quân Lục chiến Mỹ, gặp anh sĩ quan quen thân qua vụ thầu, nên cuối cùng cũng xoay mượn được chiếc trực thăng bay ra đây. Hú hồn!

Ngữ vội hỏi:

– Thế anh có biết rõ tình hình biến chuyển tới đâu không?

Mân xịu mặt thú nhận:

– Tôi bị giam lỏng một chỗ, đâu biết gì. Nghe thiếu tá Darnell bảo quân mình ngoài Đà nẵng có pháo kích vài quả vào chỗ Thủy quân Lục chiến Sài gòn đóng. Cũng có nghe súng nổ ở vài nơi đấy, nhưng thú thật tôi không rõ ở đâu.

Ngữ nói:

– Anh em ở đây nghe radio nói quân ông Kỳ đã chiếm đài phát thanh và bộ chỉ huy quân đoàn. Tòa Thị chính bên bờ sông Hàn thì không biết đã bị mất chưa.

Mân buồn rầu nói:

– Chắc là mất rồi. Vì trên trực thăng, anh Đính bảo có cố dùng điện thoại liên lạc với bác sĩ Mẫn, nhưng không được.

Ngữ hỏi:

– Trung tướng ra đây có việc gì thế?

Mân hạ thấp giọng hơn nữa cho hai người lính cận vệ khỏi nghe thấy:

– Chạy thoát ra đây đã, rồi sẽ tìm cách phối hợp với sư đoàn Một để đối phó. Chắc thế nào chúng nó cũng tấn công Huế, nếu Đà nẵng không kháng cự được.

– Anh tin Ðà nẵng kháng cự được không?

Mân suy nghĩ một lúc, rồi đáp:

– Tôi không biết. Lâu nay tôi chỉ lo làm ăn, nhất là từ khi anh Đính ra nắm quân đoàn! Mình quá ỷ y , tụi Sài gòn nó trở mặt, đối phó không kịp.

Lúc đó cửa văn phòng đại tá xịch mở. Viên tỉnh trưởng bước ra trước, sau đó là tướng Đính. Viên đại tá đứng né sang một bên nhường bước cho tướng Đính đi trước, sau đó mới theo sau. Mân vội tới chỗ bàn tùy phái xách cái cặp da đi theo viên đại tá. Lúc đi qua chỗ Ngữ, Mân chỉ mỉm cười thay cho lời chào. Hai người lính hộ vệ tướng Đính cũng mang súng lên vai, bước nhanh ra xe.

***

Tiểu khu mau chóng trở thành căn nhà vắng chủ. Mọi người bỏ mặc giấy tờ trên bàn, bỏ mặc tủ hồ sơ không đóng, ùa nhau ra nhà xe lấy xe về nhà hoặc chạy xuống khu đại học.

Một lần nữa, mọi người lại có cảm giác ngây say pha lẫn nao nức và bồn chồn của người đang sống trong giây phút mà chắc chắn sau này các nhà chép sử phải ghi lại từng diễn tiến.Làm lịch sử! Phải! Ai nấy, từ bác tùy phái già cho đến các sĩ quan phụ trách ban ngành trong Tiểu khu đều nghĩ mình sắp làm lịch sử. Cuộc đời sắp được nới thêm chiều rộng, lại được nhiều nơi trên thế giới chú ý theo dõi lắng nghe. Nếp sống nhàm chán vô vị sắp được lịch sử cho thêm hương hoa. Tiếng gọi huyền bí quyến rũ của vĩnh cửu khiến mọi người bật đứng dậy, rũ bỏ hẳn cơn ngái ngủ. Mắt ai cũng sáng lên. Lòng ai cũng bồn chồn. Không ai có thể ngồi yên một chỗ trong lúc bên ngoài cánh cửa, lịch sử đang dồn dập. Cho nên cái tin Đà nẵng bị “giải phóng” khiến Huế sống lại y cái không khí thời Phật giáo tranh đấu để đưa đến sự chấm dứt của Ngô triều.

Ngữ định chạy về nhà xem Lãng có thoát được về Huế không, nhưng khi đạp xe đến trước khu đại học, chàng thấy lúc này mà về nằm nhà là điên. Đà nẵng và Huế từng cột chặt lẫn nhau trong phong trào tranh đấu, và nếu Sài gòn xem Đà nẵng là kẻ thù cần phải đàn áp tiêu diệt, thì nhất định Huế phải là mục tiêu sắp tới của quân Sài gòn. Không ai có thể đứng bên lề, vì tất cả đều bị đẩy vào cuộc. Đã tới lúc phải có một lựa chọn dứt khoát: hoặc đứng về phía chính phủ Sài gòn để chống lại phong trào tranh đấu của sinh viên học sinh và Phật tử, hoặc ở vào phe tranh đấu để chống lại Sài gòn. Không có một lối thoát thứ ba, khi Sài gòn thẳng thừng dùng súng đạn để đối phó.

Ngữ sẽ chọn bên nào?

Câu hỏi đó khiến đầu óc chàng quay cuồng. Chàng biết rõ Tường sẽ quắc mắt giận dữ nhìn mình nếu đến lúc này Ngữ còn đặt ra câu hỏi ấy. Suy đi nghĩ lại, Ngữ chỉ còn biết tìm lên Ngô. Chàng quay xe lại đạp lên phía ga.

Ngữ mong được gặp Ngô lúc này hơn bao giờ hết, vì hơn bất cứ lúc nào, chàng phải có một người bạn để nói hết những điều khiến Ngữ bồn chồn ray rứt. Chàng tự thấy bị đặt vào một tình thế hết sức khó xử. Nếu chàng đơn giản mà sống theo dòng xuôi của cuộc sống, không thắc mắc phản tỉnh, không tự đặt ra những câu hỏi, thì đơn giản biết mấy. Chung quanh chàng, người ta cư xử, hành động, nói năng khơi khơi như dạo chơi giữa cuộc đời, không thèm so sánh những gì mình nghĩ với những điều mình làm, không cần đo lường sự trung thực của hành động. Vui buồn giận hờn phát ra tự nhiên, rồi quen đi, rồi tiếp tục vui buồn giận hờn theo một cách khác, tùy thời. Khóc khi nhiều người chung quanh đều khóc, và cười khi chung quanh đã có khá nhiều tiếng cười. Xuống đường hò hét khi không có gì nguy hiểm, và ngoan ngoãn nhu mì khi tình thế đã ngã ngũ. Cứ như thế mà mọi người sống xuôi theo những giai đoạn lịch sử phức tạp rối rắm suốt bao nhiêu năm.

Ngữ không muốn như vậy, cho rằng thỏa hiệp xuôi dòng dễ dãi chứng tỏ sự thiếu trung thực, hoặc cá tính mờ nhạt, giống y như nhắm mắt nhắm mũi lao đầu vào một định kiến. Nhưng vào lúc này đây, muốn trung thực phải làm gì? Ngữ khinh bỉ loại tướng tá hãnh tiến và tham nhũng, tầm nhìn không xa quá chiều dài cây gậy chỉ huy. Nhưng đồng thời chàng cũng ngờ vục sự sáng suốt của những kẻ cuồng tín hay sốc nổi. “Tiếng nói của quần chúng, khát vọng của tuổi trẻ, sức mạnh của Đạo pháp”, những ý niệm trừu tượng đó khi cụ thể hoá bằng những cuộc họp vô trật tự mạnh ai nấy nói, bằng những vụ xuống đường đập phá không lý do, bằng những huyền thoại loan truyền về các nhà tu lãnh đạo tranh đấu đã khiến cho Ngữ không dám vội tin những mỹ từ.

Vậy thì chọn con đường nào, nếu lúc phải chọn đã đến? Ngữ tha thiết muốn gặp Ngô vì vậy.

***

Rủi cho Ngữ là Ngô không có nhà!

Đã thế, ông Bỗng lại bắc ghế ngồi ngay ở cửa ra vào, nét mặt đăm đăm như muốn gây sự với bất cứ ai.

Ngữ lỡ dừng xe đạp trước nhà Ngô, nên đành phải xuống xe tiến tới chỗ ông Bỗng ngồi, cúi chào. Ông Bỗng hỏi cộc lốc:

– Tìm Ngô hả?

Ngữ đáp nhỏ:

– Dạ.

Rồi muốn lấy lòng ông Bỗng, chàng cố thân mật hỏi:

– Thưa bác, hôm nay bác không đi làm?

Ông Bỗng không thèm đứng dậy nhường lối để mời Ngữ vào, giọng trả lời gắt gỏng:

– Làm việc à? Lấy tàu hỏa chở các cô các cậu vào Đà nẵng đánh nhau với ông Kỳ à? Cậu Tường cũng vừa lên đây tìm thằng Ngô để giao súng cho nó đấy. Được lắm! Em nó có hai cây súng càng đỡ nguy hiểm.

Ngữ đứng trân người chịu đựng, tức giận mà không biết phải làm gì. Ông Bỗng mỉa mai xong, điềm nhiên lấy thuốc ra hút, coi Ngữ như không có. Ngữ muốn lẳng lặng bỏ về, nhưng nhớ đến Diễm, nên cố dằn không biểu lộ chút bực dọc nào. Chàng im lặng một lúc, mới nói:

– Cháu chỉ tìm thăm Ngô mà thôi. Mấy hôm nay cả tiểu khu cấm trại…

Ngữ nói tới đó thì dừng, xấu hổ vì đặt điều nói dối. Ông Bỗng nghe tới chuyện lính tráng của Ngữ, chợt nhớ Ngữ thuộc vào một thành phần khác hẳn Tường. Nét mặt ông dịu lại. Ông liếc nhìn Ngữ, ánh nhìn có thiện cảm hơn. Nhưng ông không biết làm sao để xoay chiều câu chuyện, khỏa lấp sự giận dữ vô cớ và làm hòa với người bạn của con. Đã lâu lắm, ông không quen những lời dịu dàng hòa nhã. Huống chi ông phải moi óc tìm cách nào để vừa chứng tỏ mình lầm lẫn, lại vừa giữ được thể diện người lớn. Ông Bỗng lúng túng, ậm à ậm ừ một lúc, rồi mới nói:

– Cậu Tường với thằng Ngô đi uống cà phê trên ga. Cậu lại đó, chắc gặp

Tuy giọng nói của ông Bỗng êm ái hơn, nhưng hai tiếng “cậu” ông dùng để gọi Tường và Ngữ khiến Ngữ khó chịu. Có cái gì mỉa mai bất mãn trong lối xưng hô kiểu cách ấy. Ngữ không muốn nán lại thêm phút nào nữa, chào ông Bỗng ra về. Chàng nói vớt cho có:

– Cháu không cớ gì gấp lắm, chỉ muốn hỏi mượn Ngô cuốn sách hội họa. Dạ được, cháu lên ga bây giờ, may ra Ngô còn trên đó.

Ngữ đạp xe ngược lên ga Huế. Qua một khúc đường quanh chạy ven con sông đào, chàng gặp Diễm đang đi về phía chàng. Ngữ mừng quá phanh xe cách Diễm vài bước, còn Diễm thì dừng lại mỉm cười chờ Ngữ đến. Nụ cười Diễm buồn buồn. Ngữ hỏi:

– Diễm ở trên ga về hả?

Diễm đáp nhỏ:

– Dạ.

– Có gặp Ngô và Tường trên đó không?

Diễm nhìn về phía nhà mình, giọng hạ thấp xuống như sợ dù cách xa chỗ ông Bỗng ngồi, lời nói của nàng vẫn bị cha nghe thấy:

-Khổ quá anh Ngữ ơi! Ba em sai lên ga gọi anh Ngô về gấp, nhưng hai anh ấy nói chuyện không rời, làm sao em gọi được. Mà về một mình không có anh Ngô…

Ngữ cảm thấy nhột nhạt ở lưng, như đôi mắt cau có của ông Bỗng vẫn còn theo dõi chàng. Chàng liếc về phía khúc quanh con đường nhỏ, rồi dắt xe đạp đi tiếp về hướng nhà ga. Diễm không suy nghĩ gì, cũng theo Ngữ đi ngược đường trở lại. Ngữ hỏi:

– Có phải lúc nãy Tường đến tìm Ngô có gặp bác không?

Diễm đáp:

– Dạ không. Anh Ngô với anh Tường đi rồi, ba mới về. Nghe em nói hai anh đi với nhau, ba gắt ầm lên. Mọi sự đổ hết lên đầu em.

Diễm cúi gằm xuống để giấu xúc động. Giọng nói ở cuối câu nhỏ và rạn. Ngữ tìm cách an ủi:

– Phải hiểu cho bác, Diễm ạ. Chúng ta khác, thế hệ bác với ba má anh khác. Bác cau có mỉa mai Ngô, khó chịu với Tường, bác la rầy Diễm. Ba má anh bên nhà cũng vậy. Và anh nghĩ thầy mẹ của Tường, của Quỳnh Như cũng vậy. Không có bậc cha mẹ nào vui sướng khi thấy con cái bỏ học để xông vào những trò chơi lớn có tù đày, có súng đạn, có máu đổ. Có thể, một ngày nào đó, mười lăm hoặc hai mươi năm sau, Diễm cũng vừa nhai trầu vừa quát mắng đứa con cứng đầu của Diễm, cấm không cho nó bỏ học để xuống đường đả đảo một ông X ông Y nào đó.

Diễm bật cười, giả vờ vùng vằng bất mãn:

– Anh Ngữ thiệt! Anh bêu xấu em vừa thôi. Cho em nhai trầu bỏm bẻm và quát mắng con cái, thôi quá lắm! Em không thèm nói chuyện với anh nữa.

Ngữ vui vẻ đùa thêm:

– Nếu không chịu nhai trầu thì nhai kẹo chewing-gum. Phải rồi, bà cụ Diễm vừa nhai chewing-gum vừa la rầy con, được chưa?

Diễm không nhịn được, cười sặc sụa. Rồi chợt nhớ phải giữ gìn trước Ngữ, Diễm đưa tay che miệng, cố nín cười. Nhưng nàng không dằn được, lại cười lớn. Mặt Diễm đỏ hồng, mất hắn vẻ thiểu não lúc nãy. Nàng lườm Ngữ trách yêu:

– Như vậy em biết anh nghĩ em chẳng ra gì rồi nhé. Một là em “nhà quê”, hai là “đua đòi”. Có phải anh nghĩ thế không?

– Ô hay, sao lại qui tội bừa bãi như thế?

Diễm bĩu môi:

– Bừa bãi à! Tội anh rành rành ra đấy. Anh tưởng tượng em ăn trầu, không nhà quê là gì! Còn nhai chewing-gum nhóp nhép luôn miệng như mấy cô bán bar, ôi chao…

Ngữ lo Diễm giận thật, nghiêm mặt bảo:

– Anh vui miệng nói thế, chứ không có ý gì đâu.

Diễm tinh nghịch, ngún nguẩy nói:

– Có, nhất định anh có ý chê em.

– Không đâu.

– Có.

– Không.

– Có. Có. Có. Có.

– Không. Không. Không. Không.

Cả hai cười xòa. Trước mặt họ là đầu cầu Bạch hổ. Họ đã đi quá ga Huế lúc nào không hay biết!

***

Ngữ không gặp Ngô mặc dù liên tiếp mấy hôm sau đó, sáng nào Ngữ cũng tìm cớ lên khu cư xá hỏa xa để gặp Diễm. Muốn chắc chắn khỏi phải chạm mặt ông Bỗng, Ngữ đạp xe đi qua đi lại trước nhà Diễm nhiều lần, khi biết rõ ông Bỗng không có nhà chàng mới vào.

Thời gian đó, rủi cho chàng, các chuyến xe lửa chạy đường ngắn cũng tạm ngưng do thời cuộc căng thẳng. Ông Bổng khỏi phải lên ga chầu chực làm chef train những chuyến tàu bất thường như trước. Ông được nằm nhà lãnh lương. Nằm hoài cũng buồn, ông đi tìm những người bạn theo đạo Công giáo để giải tỏa nỗi bực dọc. Cho nên thay vì ông đội mũ đạp xe lên ga, bây giờ ông đi ngược xuống khu Phủ cam.

Giờ giấc đi về của ông thất thường, Ngữ khó lòng đoán lúc nào ông có ở nhà lúc nào không.Về sau, chàng tìm ra những tín hiệu đáng tin cậy.

Trước hết là cái xe đạp. Ông Bỗng có một chiếc xe đạp cao nhòng do Ấn độ chế tạo sơn màu đen. Ðây là loại xe cơ quan Bảo trợ Nhi đồng Quốc tế cấp phát cho các nhân viên y tế nông thôn. Ông Bỗng thích loại xe đó, tuy thô kệch nhưng rất bền. Ông đổi chác sao đó với người chủ xe và khuân chiếc xe đạp khác thường về nhà từ hai năm trước. Từ nhà lên ga không xa, khi không mang xách lôi thôi ông thường đi bộ. Thời gian nghỉ việc ham xuống Phủ cam bàn chuyện thời sự, vì đường xa, ông Bỗng phải dùng chiếc xe Ấn độ ấy. Ngữ chỉ việc liếc vào chỗ gốc nhãn cạnh căn phòng gia đình Diễm ở, nếu không thấy chiếc xe đạp ở đó tức là Trời có đoái thương người hiền lành.

Tín hiệu thứ nhì là cánh cửa trước ăn thông ra đường. Hễ ông Bỗng về nhà, là ông mở toang hai cánh cửa lá sách đã phai nước sơn xanh lá cây, bắc ghế ngồi nhìn mông lung xuống mặt sông trước mặt. Khoảng sông đào ở đây rộng hơn những chỗ khác, mặt nước sông xanh màu rêu phẳng lặng như mặt gương, phản chiếu rõ mồn một hai toà nhà nhiều tầng dành cho giáo sư đại học bên kia sông. Có thể cảnh sông nước yên tĩnh đẹp đẽ xoa dịu phần nào những phẩn nộ bất mãn trong đời ông, nên ông Bỗng thích ngồi ở đó chăng? Hay ông cần một vòm trời cao, một đoạn đường không quá ồn ào mà cũng không quá vắng vẻ? Dù vì lý do gì, khi cánh cửa nhà Diễm mở ra, thì chính cánh cửa ấy lại đóng ập không cho Ngữ đến.

Khổ nỗi hai tín hiệu vui ấy chưa nhất thiết mang tin vui cho Ngữ. Chiếc xe đạp Ấn độ không dựng dưới gốc nhãn, cửa trước đóng, nhưng ngày đầu, Ngữ gõ cửa đau cả ngón tay trỏ mà không ai bên trong lên tiếng đáp. Ngày thứ hai bà Bỗng ra mở cửa, và khi Ngữ ngượng nghịu lí nhí hỏi Ngô, bà đáp Ngô vừa chở Diễm xuống An cựu có tí việc nhà.

Ngày thứ ba chỉ có Diễm ở nhà, chưa kịp qua hết giai đoạn mon men khí hậu trời trăng để đến được lúc tâm sự thoải mái, thì ông Bỗng về. Ngữ phải bịa một cái cớ để cáo từ. Tiếc rẻ và bực bội!

Chiều hôm đó, Ngô qua Gia hội tìm Ngữ. Vừa bước vào nhà, Ngô hỏi ngay:

– Buổi sáng mày tìm tao hả?

Ngữ quên mất chuyện mình nói dối với ông Bỗng, ngớ ra một hồi, hỏi lại:

– Tao tìm mày làm gì… À à… phải rồi. Gớm, tao lên trên đó mấy lần đều không gặp mày. Đi đâu đi hoài thế?

Ngô hỏi lại:

– Bộ bên Tiểu khu của mày mấy hôm nay không bận vùi đầu vì chuyện tổ chức đội ngũ cho chiến đoàn Nguyễn Đại Thức hay sao?

Ngữ cố giấu cơn đam mê lỗi thời của mình, nói dối bạn:

– Có chứ! Còn mày?

Giọng Ngô hãnh diện:

– Tao phụ với thằng Tường tổ chức cho ổn đoàn Thanh niên Quyết tử. Hôm qua còn luộm thuộm lắm. Nay đã tạm được rồi. Gay nhất là cái khoản súng đạn. Quyết tử với tay không đâu có được! Mà xoay đủ súng cho bấy nhiêu người, lại tìm người hướng dẫn cách bắn, cách núp, cách lập công sự, cho các thư sinh ấy biết cách quyết tử, ôi chao, lôi thôi lắm. May có các thầy Tuyên úy và bên Nhân dân Tự vệ Thừa thiên giúp, nên bây giờ coi như tốt.

Ngữ lo ngại hỏi:

– Tình hình gay đến thế sao?

Ngô cười, rất tự tin:

– Gay chứ. Lần này họ quyết ăn thua đủ nên muốn “giải phóng” bất ngờ. Nhưng ông Kỳ tính lầm. Bất ngờ đâu không thấy, chỉ thấy tự đưa mình vào cái thế cưỡi cọp. Rút quân về như lần trước thì mất mặt. Thúc quân ra khỏi phi trường đánh ra Đà nẵng thì gặp ngay anh em quân đoàn Một đang chờ. Còn…

Ngữ cắt lời bạn:

– Tư lệnh quân đoàn Một bỏ ra đây mấy hôm trước, trong đó ai chỉ huy lính quân đoàn và đặc khu để chống quân ông Kỳ?

Ngô trố mắt hỏi:

– Thế mày chưa biết gì sao?

Ngữ đoán mình lạc hậu về tin thời sự, đáp lơ mơ:

– Dĩ nhiên là trước tình thế căng thẳng như vậy, họ phải nghĩ tới chuyện tìm một biện pháp thích hợp…

Ngô nóng ruột tiếp lời Ngữ:

– Ừ, họ cử ngay tướng Nguyễn Văn Chuân làm tân Tư lệnh vùng Một để điều khiển cuộc tấn công Đà nẵng, tấn công các chùa. Nhưng ông này biết người biết ta, đâu dám nghe lệnh Sài gòn.

Ngữ hỏi:

– Sao thằng Lãng ở Ðà nẵng ra nói anh em Phật tử và quân nhân lập các pháo đài chung quanh chùa để sẵn sàng tiếp chiến? Nó thấy tình thế hai bên gầm ghè nhau ghê quá, đâm lo, xách Honda chạy về đây. Nó bảo lính sư đoàn Một ngoài này cũng được gửi vào ứng chiến tận đèo Hải vân.

– Dĩ nhiên mình phải sẵn sàng ăn thua đủ thì họ mới sợ. Vụ tướng Chuân bất tuân thượng lệnh làm cho tướng Kỳ ê mặt quá. Chưa biết ông tướng râu kẽm này xuống lưng cọp bằng cách nào!

Ngữ hỏi:

– Có chắc ông ta nhượng bộ lần nữa không?

Giọng Ngô bực dọc:

– Sao lại không? Có cho kẹo cũng không dám làm tới. Vì làm tới lần này không u đầu thì cũng mẻ trán. Mày coi đây, mấy hôm nay tao tập bắn bia liên miên, báng súng tì vào đây đến đỏ rần cả một khoảng. Chỗ này. Ðể tao vạch áo cho mày thấy rõ hơn. Ủa, sao chiều nay mày ở nhà?

– Tao có việc vừa về thôi. Mày qua đây có chuyện gì gấp không?

Ngô bớt hăng hái, giọng nói ngập ngừng:

– Tường nó phân công cho tao việc viết một bài động viên tinh thần anh em Quyết tử để đọc trong đêm xuất quân. Mày hiểu, tao kẹt quá. Mà từ chối vào lúc này cũng kỳ! Mày giúp giùm, tao chờ lấy ngay bây giờ!

Nguyễn Mộng Giác

   Số lần đọc: 93

Tác Phẩm

BÀI KỀ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây