Nếu mấy hôm trước Ngữ cố tìm được phương tiện để vào Lăng cô thì chàng cũng không thể tìm được Ngô và Lãng.
Lý do đơn giản là toán thanh niên quyết tử do Ngô cầm đầu không vào được tới đó!
Hôm ấy, Ủy ban Tranh đấu đã dùng chiếc Dodge 4 của Tiểu khu để đi rải quân. Toán đầu tiên nằm ở Dạ lê. Toán thứ nhì ở vùng phi trường Phú bài có nhiệm vụ canh chừng hoạt động của phi trường. Theo kế hoạch phòng thủ Huế thì toán này phải liên lạc gấp với bộ chỉ huy đặt tại Viện Đại học trong trường hợp thấy rõ là quân đại tá Loan đã được không vận đến phi trường Phú bài để từ đó làm bàn đạp tấn công Huế. Làm cách nào để từ ngoài vòng rào phi trường quan sát được động tịnh bên trong, không ai cần đặt câu hỏi về chuyện đó. Còn việc liên lạc với Bộ Chỉ huy, thì toán này được hứa là sẽ cung cấp ngay ngày hôm ấy một máy liên lạc PRC-25, bằng chuyên chở quân thứ hai của chiếc Dodge 4 cũ kỹ ì ạch này. Máy PRC-25 ấy không bao giờ đến.
Toán cuối cùng gồm toàn những cảm tử quân mạnh khỏe, quyết tâm chết vì Ðạo pháp và Dân tộc, nên được xem là toán xung kích tiền phương. Chốt bảo vệ cho Đạo pháp và Dân tộc nằm sâu nhất, tận Lăng cô.
Dĩ nhiên không có một kế hoạch gia quân sự nào dại dột tin rằng chỉ cần ba toán thanh niên quyết tử ấy đã đủ để kiểm soát một vùng đất dài chạy dọc ven biển từ đèo Hải vân cho tới cái rún của cách mạng là Huế. Đời nay làm gì có những cậu Phù đổng làng Gióng! Ba toán đó chỉ là những toán tiên phong đi quan sát địa hình, ổn định vị trí để ngay sau đó, Bộ Chỉ huy sẽ gửi thêm các đơn vị chủ lực quyết tử đến tăng cường.
Bộ Chỉ huy hành quân chấp nhận ý kiến của Tường là mặc dù nhiệm vụ phòng thủ vẫn ở quân nhân thuộc Sư đoàn 1 và Tiểu khu Thừa thiên, nhưng giống như bộ đội cộng sản có khung đảng viên ở mọi cấp đơn vị làm bộ óc, làm xương sống, thì lực lượng tranh đấu cũng có cái khung là các sinh viên học sinh quyết tử. Đạo quân đông đảo từng làm cho cả Pháp lẫn Mỹ khốn đốn của Hà nội ban đầu chỉ có cái khung vài chục người ô hợp, do một cậu nhà giáo đội mũ phớt chỉ huy. Bây giờ với cái khung ba mươi người quyết tử cho một dải đất hẹp, Tường nghĩ như thế quá đủ.
Nhưng bộ chỉ huy Đoàn Thanh niên Quyết tử, Ủy ban Tranh đấu không nghĩ tới những điều ngẫu nhiên, những chuyện bất ngờ. Chẳng hạn kế hoạch không nghĩ tới chuyện chiếc Dodge 4 Tiểu khu cho lực lượng tranh đấu Huế mượn bị hư hệ thống điện, đầu máy bị chảy và xi-lanh máy rỗ lỗ chỗ. Sau khi rải được toán quyết tử ở Phú bài, anh hạ sĩ tài xế đề máy cho xe nổ để chở toán của Ngô vào Lăng cô. Máy không nổ. Lật ca-bô lên kiểm soát các hệ thống dây điện một lúc, đề lại, máy thở khờ khè một chút, lại tắt. Anh tài xế nhờ mười anh chàng quyết tử đẩy chiếc Dodge 4 một đoạn dài, xe mới nổ máy. Lại lên đường. Chiếc xe chạy êm một đoạn đường ngắn, sau đó bắt đầu có dấu hiệu bất thường. Đang chạy, tự nhiên rùng mình một cái, chùn chân, lại chạy tiếp. Lê lếch khi êm khi không như thế cho đến Truồi thì xe chết máy hẳn.
Chốt tiền phương của Ngô và Lãng thay vì thọc sâu tận chân đèo Hải vân, lại phải “rút lui chiến thuật” về tận Truồi.
***
Ờ mà thôi! Truồi thì Truồi! Ở đâu cũng là quê hương cần bảo vệ, ở đâu cũng đánh “giặc” được!
Cả toán cùng nhau đi quan sát địa hình, tìm một cao điểm để dễ quan sát và lập công sự. Trong mười người, chỉ có Lãng là người duy nhất có kinh nghiệm chiến trường. Ai cũng biết điều đó, kể cả Ngô, nên nhất nhất mọi điều, Lãng đều chỉ dẫn và quyết định hết. Lãng chọn một mô đất cao gần quốc lộ để đóng chốt, và bảo mọi người phải đào hố cá nhân.
Phiền đây! Chưa chạm mặt với quân thù mà đã lo đào hố để núp, nghe không ổn tí nào! Lại có vẻ hèn nhát nữa! Nhưng vì không ai có thẩm quyền hơn Lãng về kinh nghiệm chiến đấu bằng súng đạn, nên cả toán phải đào công sự vậy. Dù vừa đào vừa thở dài ngao ngán.
Chỗ đóng chốt Lãng chọn lại ở hơi xa xóm dân cư, nên họ phải chia nhau dùng hai cái xẻng cá nhân cán ngắn. Hì hục mãi suốt buổi chiều, họ mới đào xong. Ai nấy đói tới cồn cào. Anh hạ sĩ tài xế lóng ngóng tìm xe quá giang về Huế để đem đồ nghề xuống sửa cái Dodge 4, nên không ăn bánh mì khô với toán quyết tử. Anh ta lần xuống xóm nhà dân, và không thấy trở lại nữa. Chiếc Dodge 4 nằm bên vệ đường cách chỗ đóng chốt của toán quyết tử không xa.
Họ nằm ở đó suốt đêm, suốt ngày hôm sau, rồi ngày hôm sau nũa, để chờ các toán chủ lực tới bổ sung. Không có ai tới cả. Cũng không bắt liên lạc gì được với Huế. Chán nản, họ bỏ những công sự chật hẹp ra ngồi trên chiếc Dodge nói chuyện gẫu. Mỗi người có một cuộc đời riêng lần đầu tụ họp nhau ở chỗ vắng vẻ này nên những mẩu chuyện thật hay bịa họ kể cho nhau nghe đều trở nên mới tinh. Hầu hết là chuyện tiếu lâm hoặc chuyện yêu đương ăn nằm với gái. Lãng tuy ít tuổi nhưng lại là người sành cả chuyện đánh đấm lẫn chuyện ăn chơi nên trở thành ngôi sao sáng. Mọi người há hốc miệng để nghe Lãng kể các chiến tích đã lập, những trò chơi bời ở Đà nẵng, những trận thanh toán lừa lọc nhau giữa các băng du đãng chợ Cồn…
Ngô ăn nói vụng về nên không hào hứng góp vui, bỏ toán ngồi dựa vào bánh xe sau chiếc Dodge dùng bút chì phác họa khung cảnh chung quanh lên một cuốn sổ con. Ngô vẽ quang cảnh khu vực đóng chốt, vẽ cảnh những thanh niên quyết tử ngồi đấu láo qua thì giờ, vẽ con đường hun hút vắng vẻ, vẽ xóm nhà dân xơ xác. Mặt trận miền Nam vẫn yên tĩnh, nhưng Ngô biết lắm, không trước thì sau lịch sử cũng sôi động bùng nổ qua con đường này. Những ngọn cỏ khô, những cánh đồng trống, chiếc Dodge cũ, hầm hố cá nhân, kể cả một viên đá rêu bám ở vệ đường, một hoa dại bị dẫm nát bên bờ ruộng, cũng sắp trở nên một thành phần của giai đoạn lịch sử đầy biến động sắp tới. Ý nghĩ đang phác thảo lịch sử khiến Ngô cảm thấy say sưa. Chàng tìm được một cách quên thời gian chờ đợi hết sức kỳ diệu! Nhờ thế, chàng cũng quên rằng toán quyết tử của mình phải cần những lực lượng vũ trang đầy đủ và đông đảo hơn nhiều mới đủ sức trở nên nút chặn đầu tiên bảo vệ Huế!
***
Từ đầu tháng sáu, Huế đã hoàn toàn bị bỏ ngỏ nên quân đại tá Loan vào Huế không mấy khó khăn. Trừ một vài kháng cự lẻ tẻ của các toán thanh niên quyết tử, cuộc tiến công thảnh thơi chẳng khác nào một cuộc dạo cảnh xem hoa. Hoặc một cuộc hành hương bất đắc dĩ và kỳ cục!
Phải! Một cuộc hành hương! Vì lúc những toán Thủy quân Lục chiến và Nhảy Dù tiến vào các đường phố Huế, họ gặp những loại chướng ngại vật phòng thủ mà suốt bao nhiêu năm cầm súng , họ chưa hề gặp trên bất cứ chiến trường nào: những bàn thờ Phật bày ra giữa lòng đường đang khói hương nghi ngút!
Hai bên đường phố, nhà nào cũng kín cửa. Những quân nhân ly khai, những sinh viên xách động, những cộng sản nằm vùng, những nhà sư tranh đấu, nói chung là những kẻ địch họ phải đương đầu trong cuộc hành quân này, hoàn toàn vắng mặt. Trước mũi súng của họ, chỉ có những bức tượng Phật đủ cỡ.
Diễm đứng trong nhà ghé mất nhìn qua tấm màn cửa vải hoa đã bạc màu hồi hộp quan sát những gì xảy ra bén ngoài. Trên cầu Nam giao bắc ngang qua con sông đào nước xanh, hai chiếc xe GMC chạy từ đường Lê Lợi lên đậu ngay giữa cầu. Xe nào cũng chở đầy lính Thủy quân Lục chiến súng ống mang đầy người.
Họ tụ lại từng nhóm trên cầu, hình như để nghe lệnh lần chót. Một người lính chỉa súng lên trời bắn một loạt tiểu liên thị uy. Ðược đà, nhiều loạt súng khác nổ. Rồi nhóm lính phân ra làm ba: một toán tiến lên dốc Nam giao khá đông đảo, được hai chiếc thiết giáp chạy từ phía An cựu lên hộ vệ phía sau. Một toán rẽ phía tay trái xuống khu vực Từ đàm. Toán thứ ba rẽ phải về phía nhà Diễm. Nàng lo sợ không dám vén màn nhìn ra bên ngoài nữa. Nhưng không dằn nổi tò mò, một lúc sau Diễm lại ghé mắt nhìn ra đường. Bà Bỗng lo cho con, cau mặt nhưng nói nhỏ:
– Diễm! Có khép cửa sổ lại không?
Diễm định với tay ra khép cánh cửa, nhưng ông Bỗng lại cản:
– Thôi, để yên đó. Khép cửa lại họ biết trong này có người, bắn bậy thêm nguy hiểm.
Bà Bỗng nghe nói tới súng đạn, chạy đến kéo con ngồi thụp xuống núp sau tấm vách.
Bên ngoài, có nhiều tiếng cười đùa. Không biết đám lính Thủy quân Lục chiến đang làm gì mà Diễm nghe họ đồng thanh hô “một, hai, ba”, rồi tiếp sau đó, tiếng vật gì rơi ùm xuống sông. Tiếng cười nổi lên, rồi tiếng đồng thanh “một, hai, ba” lại bắt đầu.
Ông Bỗng không chịu đụng được nữa, chạy tới gần cửa lớn nhìn qua khe cửa. Diễm chỉ chờ có thế. Nàng đứng thẳng dậy vạch hé tấm màn.
Ngay trước nhà, bốn người lính Thủy quân Lục chiến đang “đối phó” với chướng ngại vật phòng thủ của gia đình Phật tử ở ngay cạnh nhà Diễm. Một người cầm khẩu súng lăm lăm về phía dãy nhà khu gia cư hỏa xa canh chừng, trong khi ba người kia xúm lại bê nào tượng Phật, nào lư hương, nào chân nến, nào mõ, nào kinh, đem đặt trả lại cho chủ nhân giấu mặt ở khoảng lề đường gần nhất. Sau khi cung kính mang hết những thứ đồ thờ phượng thiêng liêng ấy trả xong, hai người lính khiêng cái bàn đến gần bờ sông. Họ lật ngược chiếc bàn gỗ quí lại, mỗi người nắm lấy hai chân bàn. Bốn người lính đồng lên tiếng hô “một, hai, ba”. Vừa dứt tiếng thứ ba, hai người lính kia đã lấy hết sức vứt chiếc bàn xuống nước. Cứ như thế, họ chậm chạp nhưng vui vẻ dẹp hết các chướng ngại vật thiêng liêng.
Độ nửa giờ sau, chiếc GMC trên cầu nổ máy, chạy về phía ga. Chiếc thứ hai chạy thẳng lên dốc Nam giao. Cảnh vật bên ngoài hoàn toàn im lặng!
Rồi một cánh cửa lớn căn nhà nào đó trên đường Phan Chu Trinh mở. Rồi một cánh cửa khác! Tiếng nói chuyện lao xao bắt đầu nổi lên đây đó.
Cho đến một lúc mà mọi người đều nghĩ là toán Thủy quân Lục chiến đã đi xa, nhà nào cũng ùa ra đường. Người lo kiểm soát lại thử những đồ thờ trước nhà có thiếu thức gì không. Người thì chạy quá xuống bờ sông đào, tìm vớt cái bàn của mình. Hầu hết đều hoảng hốt vì nước sông đã cuốn trôi chiếc bàn đi khá xa. Cho nên xảy ra cái cảnh tranh cãi la ó, vì rất nhiều người bỏ công vớt lầm cái bàn không phải của mình. Máu tham nổi lên, nếu gặp trường hợp cái bàn đó được đóng bằng gỗ quí hoặc chạm trỗ công phu. Thế là chủ nhân thực sự của chiếc bàn quí không dằn được sân si. Nhiều cuộc chiến tranh nhỏ bắt đầu!
***
Cuộc “dẹp loạn” không diễn ra êm ả như vậy ở phố Trần Hưng Đạo. Hôm đó cả gia đình ông Thanh Tuyến sợ đến xanh xám cả mặt mày, ôm nhau ngồi núp ở hầm kho ngay phía dưới cầu thang gỗ. Trong nhà chỉ có nơi này là an toàn nhất, vì những viên đạn lạc độc ác phải đủ sức xuyên qua hai lớp tường xi măng mới tới được nạn nhân.
Ba mẹ con vừa mếu máo khóc vừa dìu ông Thanh Tuyến từ trên lầu xuống nhà dưới để núp đạn. Ngoài phố từng loạt tiểu liên nổ giòn giã,mỗi lần như vậy, bà Thanh Tuyến lại lâm râm niệm Phật. Quỳnh Như và Quỳnh Trang lặng người vì sợ hãi. Chỉ có ông Thanh Tuyến là còn giữ được bình tĩnh. Khi bà Thanh Tuyến khóc nỉ non than vãn:
– Tường ơi là Tường ơi! Con ở đâu hở con! Con lạc đi đằng nào không về đây để nếu có chết cũng được chết chung với thầy với me, với anh với em! Con có sao không hở Tường! Ối trời ơi! Chắc người ta giết con tôi rồi…
Ông Thanh Tuyến tỉnh táo khuyên lơn vợ:
– Mình hãy bình tĩnh lại đi nào! Việc gì mà khóc như khóc đám ma thế?
Nghe ông Thanh Tuyến nhắc tới hai tiếng “đám ma”, cả Quỳnh Như lẫn Quỳnh Trang đột nhiên bật khóc. Bà Thanh Tuyến càng khóc to hơn. Ông Thanh Tuyến bực quá, gắt lớn:
– Có im đi không? Làm ồn lên chúng nó vào đây phá hết nhà cửa bây giờ!
Ba người đàn bà yếu đuối không dám khóc lớn nữa, nhưng tiếp tục sùi sụt, thút thít. Nhiều tiếng giày nặng thình thịch bên kia cánh cửa sắt khóa kín. Rồi có tiếng hỏi lớn, giọng Bắc:
– Nhà nào?
Đằng xa, có tiếng trả lời giọng trầm khó nghe.
– Nhà này hả?
Tiếng trả lời gần hơn:
– Nhà đó. Ðúng rồi.
Bên trong, gia đình ông Thanh Tuyến nín thở lo sợ. Có tiếng đập cửa. Ban đầu là hai tiếng nhẹ và rời, nhưng sau đó, tiếng đập vội vã, giận dữ. Quỳnh Như thì thào van xin:
– Me đừng mở! Me đừng mở! Con sợ lắm.
Quỳnh Trang đưa mắt dò hỏi ông Thanh Tuyến. Ông Thanh Tuyến nhìn ra phía cửa trước, nhìn vợ với cái nhìn bao dung thương hại, rồi bảo Quỳnh Trang:
– Con ra mở cửa đi. Hay dìu thầy ra một thể!
Bà Thanh Tuyến xót xa bảo chồng:
– Ðể em dìu mình đi.
Quỳnh Như nín khóc, thì thào:
– Cho con theo với!
Tiếng đập cửa ngày càng gắt. Giọng nói vọng vào đã mất kiên nhẫn:
– Có ai trong nhà không? Sao không chịu mở cửa?
Một giọng Quảng nam hằn học:
– Quẳng một trái lựu đạn là xong!
Quỳnh Trang vội lên tiếng:
– Có chúng tôi ở nhà đây. Chúng tôi đang tìm chìa khóa.
Dù cố gắng bình tĩnh, giọng nói của Quỳnh Trang vẫn khao khao nghẹn ngào. Nàng mở hộc quầy thu tiền tìm chìa khóa, nhung lýnh quýnh tìm mãi không ra trong khi tiếng đập cửa dồn đập hơn. Ông Thanh Tuyến mắt yếu không giúp được gì cho con, còn bà Thanh Tuyến và Quỳnh Như thì run rẩy đứng nép vào nhau. Quỳnh Trang rút cả cái hộc ra lục soạn một hồi mới tìm ra cái chìa khóa cửa. Nàng vội ra mở cánh cửa sắt. Tiếng chìa khóa lạch cạch khiến cho những người lính bên ngoài hiểu là chủ nhà chịu nghe lệnh. Họ ngưng đập cửa hoặc văng tục.
Cửa mở. Ánh sáng mùa hè giữa trưa ùa vào căn phòng tối, cả gia đình ông ThanhTuyến chói mắt nên chỉ nhận ra bốn bóng đen ập vào nhà.Một người lính dõng dạc hỏi:
– Ai là gia chủ?
Ông Thanh Tuyến cố điều khiển đôi môi bị tê liệt để nói, nhưng giọng ông phều phào không ai nghe được gì. Bấy giờ, đột nhien bà Thanh Tuyến bình tĩnh hoàn toàn. Bà đến đứng án ngữ trước mặt chồng, đáp chậm và nghiêm:
– Tôi là gia chủ đây!
Người lính vừa hỏi nói tiếp:
– Nhà còn ai nữa không?
Quỳnh Trang đáp thay mẹ:
– Không. Nhà chúng tôi chỉ có bốn người.
Người lính đứng chận chỗ cánh cửa hé hỏi:
– Thằng Tường đâu?
Bà Thanh Tuyến sợ quá, líu lưỡi không đáp được. Lại Quỳnh Trang trả lời thay mẹ:
– Anh tôi ít khi về nhà. Ba bốn ngày nay anh tôi không về.
Bấy giờ người lính lớn tuổi nhất, có thể là trưởng toán, mới lên tiếng hỏi:
– Trên lầu, còn ai trốn trên ấy không?
Quỳnh Trang đáp:
– Không có ai trên đó cả. Nếu muốn, xin các ông cứ lên xét.
Người trưởng toán đưa mắt ra dấu cho hai người đứng gần ông bà Thanh Tuyến, ra lệnh:
– Đi theo họ lên lầu xét cho kỹ. Chỉ cần hai cô này dẫn đi thôi. Còn. .. còn. .. Nhưng thôi! Đưa họ lên lầu hết đi. Thằng Tánh ở lại với tao dưới này canh chừng.
Gia đình ông Thanh Tuyến líu ríu dìu nhau lên cầu thang, theo sau là hai người lính. Họ đến phòng khách. Căn phòng khách tuy đã bỏ bê tồi tàn từ mấy tháng nay nhưng vẫn còn quá sang trọng. Giọng người lính mỉa mai:
– Chà! Tranh đấu tranh điếc mà giàu dữ!
Người nói giọng Quảng lấy họng súng chỉ vào Quỳnh Trang nói:
– Cô này dẫn tôi đi khám xét hết các phòng. Ông bà già với cô này ngồi yên tại đây, không được nói chuyện, không được đi đâu cả. Tôi nói trước, hễ có hành động chống đối nào, tôi bắn chết rán chịu!
Quỳnh Trang dẫn người lính khó tính đi lục xét hết các phòng, lục xét kỹ đến nỗi anh ta bắt Quỳnh Trang phải mở hết các tủ ra, kéo hộc bàn, lật chăn mền lên. Chưa đủ, anh ta còn nhòm xuống đáy giường, bắc thang leo lên nhìn lên trên trần gỗ xem có ai núp trên đó không.
Anh ta không tìm được Tường, nên hỏi Quỳnh Trang với giọng đe dọa:
-Cô muốn cho anh cô nhẹ tội thì kêu hắn ra đầu thú ngay đi. Có trốn cũng vô ích.
Quỳnh Trang giận, không còn sợ gì nữa, đáp liền:
– Việc gì mà anh tôi phải trốn các ông!
Người lính quay ngoắc lại nhìn Quỳnh Trang đăm đăm, cười mỉa mai hỏi:
– Cô thách chúng tôi hả?
Quỳnh Trang không nói gì. Người lính vùng vằng bỏ ra phòng khách trước. Người kia hỏi:
– Có tìm thấy nó không?
Bạn anh ta lắc đầu. Lúc đó phía dưới lầu người trưởng toán cũng hỏi vọng lên:
– Tìm được chưa?
– Không có. Nó trốn rồi!
Người trưởng toán lớn giọng ra lệnh:
– Thôi xuống đi.
Hai người lính xách súng tiến về phía cầu thang. Gia đình ông Thanh Tuyến lặng lẽ nhìn nhau, nín thở chờ cho họ đi khuất. Họ đã xuống lầu, nhưng vẫn chưa có ai dám lên tiếng. Phải chờ cho bốn người lính đi khỏi, chờ cho đến lúc nghe cánh cửa sắt đóng ập lại hãy hay.
Họ chờ. Nhiều tiếng bàn tán lao xao ở dưới lầu. Rồi đột nhiên có hai ba tiếng kính vỡ loảng xoảng. Bà Thanh Tuyến đưa mắt lo âu nhìn Quỳnh Trang. Quỳnh Như nắm chặt lấy tay mẹ. Dưới lầu, hoàn toàn im lặng.
Chờ độ mười lăm phút nữa, vẫn không thấy gì, nên Quỳnh Trang mới thì thào nói với mẹ:
– Để con xuống coi họ đi chưa!
Bà Thanh Tuyến nói:
– Ðể me đi với con. Thầy mày ngồi đây nhé.
Quỳnh Như nói với theo:
– Con đi với me.
Ba mẹ con xuống đến nửa cầu thang thì dừng lại, vì Quỳnh Trang cẩn thận cúi xuống nhìn xuyên qua cầu vịn bằng gỗ để xem dưới lầu còn ai không. Không còn ai, tuy cửa vẫn mở.
Họ mạnh dạn xuống thang lầu. Dưới nhà, mảnh kính văng tung toé khắp nơi. Hai cái tủ kính đã bị đập vỡ. Chiếc ghế đẩu nằm chỏng chơ ngay giữa lối đi, một chân ghế đã bị gãy.
Nguyễn Mộng Giác
Số lần đọc: 81